Một bản kiến nghị cũng với mục tiêu tương tự đã thu thập được hơn 1,5 triệu chữ ký. Trước mắt chính quyền Luân Đôn vẫn có ý định duy trì kế hoạch mời tổng thống Trump công du Anh Quốc. Trong buổi điều trần ngày 01/02/2017 tại Quốc Hội, thủ tướng Theresa May sẽ phải đối mặt với những chất vấn gay gắt.
Báo chí nước Anh ngày 31/01/2017 đưa lên trang nhất hình ảnh mà họ mô tả là khoảng 10.000 người tập trung ngay trước đường vào cổng nhà thủ tướng, chật kín con đường chính nối dài từ tòa nhà Quốc Hội đến Quảng trường Sư Tử. Chỉ đứng cách căn hộ số 10 Downing Street khoảng 20 mét, tiếng hô khẩu hiệu của họ chắc chắn được bà Theresa May nghe rất rõ trong đêm vắng. Cùng với họ là nhiều cuộc biểu tình ở các thành phố lớn của nước Anh như Edinburgh, Cardiff, Manchester và Birmingham.
Đằng sau lưng những người xuống đường là trên một triệu rưỡi chữ ký trên mạng yêu cầu thủ tướng Anh hủy kế hoạch đón tiếp tân tổng thống Hoa Kỳ sang thăm vào tháng 7/2017. Tất cả những điều đó diễn ra trong vòng vài ngày kể từ sau quyết định của Hoa Kỳ cấm nhập cảnh đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo. Mức độ mạnh mẽ trong phản ứng của dân chúng Anh thể hiện rõ nhất là những khẩu hiệu phản đối phân biệt chủng tộc và đối xử bất bình đẳng. Tôn trọng sự khác biệt là một trong số những giá trị mà nước Anh từ trước đến nay vẫn luôn đề cao. Hình ảnh tổng thống Mỹ vừa thân thiết nắm tay thủ tướng Anh đã quay vào ký lệnh phân biệt đối xử bị coi như là hành động hiếp đáp đối với nước Anh.
Trên báo có bức ảnh biếm họa vẽ hai cặp chân người mà người ta có thể liên tưởng thành chuyện lãnh đạo Anh bị tổng thống Mỹ hiếp dâm. Có lẽ đó chính là sự mô tả đầy đủ và chính xác nhất về cảm giác của rất nhiều người dân Anh trong câu chuyện thời sự này.
Sự trùng hợp đáng tiếc cho thủ tướng May
Phải chăng công luận Anh phản ứng mạnh mẽ do tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký sắc lệnh gây nhiều tranh cãi này đúng vào hôm 27/01/2017 khi tiếp thủ tướng Theresa May tại Nhà Trắng, mà bản thân bà May thì lại không hề lên tiếng mà đã « chuyển lời của nữ hoàng Anh » mời ông Trump công du nước Anh quốc ? Một cách cụ thể sắc lệnh về người nhập cư của Donald Trump ảnh hưởng trực tiếp thế nào đến quyền tự do đi lại của các công dân Anh ?
Giới bình luận cho rằng tổng thống Obama cũng từng ra lệnh cấm tương tự, nhưng phản ứng lần này có thể chỉ là do thái độ căm ghét cảm tính đối với tổng thống Donald Trump.
Về mặt ngoại giao nước Anh đã chính thức mời và nước Mỹ đã chính thức nhận lời mời, trong bối cảnh nền kinh tế Anh đang rất cần Hoa Kỳ để giảm « sốc » cho quyết định rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Thực ra thì chính phủ Luân Đôn đã tìm cho mình một phần lối thoát trong chuyện này, khi tuyên bố đã thỏa thuận được với Hoa Kỳ về trường hợp của công dân Anh mang hai quốc tịch. Thế nhưng bằng chứng mới nhất về sự xâm phạm đến quyền tự do đi lại của người Anh là phóng viên BBC gốc Iran, dù mang quốc tịch Anh và bay từ sân bay Heathrow ở Luân Đôn vẫn bị tạm giữ ở sân bay O’Hare bên Chicago, bị tịch thu điện thoại, mở khóa, kiểm tra Twitter.
Nhiều nhân vật hàng đầu nước Anh về luật pháp, như bộ trưởng đối lập bên đảng Lao Động Shami Chakrabarti đã nhắc nhở về tính hợp pháp của sắc lệnh đã được tổng thống Hoa Kỳ ký vào tuần trước. Cựu ngoại trưởng Alistair Burt đề nghị bộ trưởng ngoại giao đương chức Boris Johnson hãy tìm một giải pháp để tránh cho nước Anh khỏi bị mang vết xấu khi đón tiếp tổng thống Mỹ.
Một số ý kiến cho rằng nếu giảm cấp độ đón tiếp của chuyến công du thì sẽ bớt xấu mặt cho nữ hoàng Anh. Thị trưởng Luân Đôn Sadig Khan tuyên bố thẳng thừng là chừng nào tổng thống Mỹ chưa rút lệnh cấm người nhập cư thì Luân Đôn sẽ không trải thảm đỏ, và nếu muốn làm bạn tốt của nước Mỹ thì nước Anh phải nhắc nhở khi bạn phạm sai lầm.
Sáng nay thủ tướng Anh chưa thấy có phát biểu gì sau một đêm không biết là có bị mất ngủ vì tiếng ồn từ đoàn biểu tình và những lời chê bai nhắm thẳng bà hay không.
Thủ tướng May trước các cuộc chất vấn gay go
Quốc Hội Anh có một trang mạng cho phép người dân vào đó kiến nghị và kêu gọi người khác cùng ký tên ủng hộ. Nếu vượt quá 10.000 chữ ký chính phủ phải có ý kiến trả lời. Nếu vượt quá 100.000 chữ ký Quốc Hội phải đem ra bàn thảo.
Tính cho đến sáng nay (31/01/2017) số người ký tên vào bản kiến nghị đã vượt quá 1,6 triệu, tức là chính phủ phải trả lời, và Quốc Hội phải bàn thảo trong thời gian 2 ngày kể từ thời điểm số chữ ký vượt quá qui định.
Ngày mai 01/02/2017 là buổi điều trần của thủ tướng vào lúc 12h trưa thứ Tư theo thông lệ của Quốc Hội Anh, cho nên chắc chắn là bà Theresa May nếu chưa tìm ra được giải pháp hợp lý hợp tình thì sẽ phải suy nghĩ rất nhiều để đối phó với những câu hỏi chất vấn cả từ phía trước mặt là phe đối lập, lẫn cả từ đằng sau lưng và bên cạnh là đảng của mình và thành viên trong nội các.
Kiến nghị từ phía dân chúng nói rõ tổng thống Donald Trump trong cương vị lãnh đạo chính thức của Hoa Kỳ cần được phép nhập cảnh nước Anh, nhưng không được mời theo nghi lễ trọng thể cấp quốc gia vì như vậy sẽ làm xấu mặt nữ hoàng Anh.
Nếu kiến nghị này chưa đủ để khiến thủ tướng Anh mất ngủ thì bà sẽ được thư ký nhắc thêm về chuyện ngày hôm nay theo kế hoạch phải trình bày cụ thể với Quốc Hội kế hoạch rút khỏi Liên hiệp châu Âu.
Cuối tuần trước và đặc biệt là trong chuyến công du sang Mỹ bà đã cười tươi vì hứa hẹn của tổng thống Donald Trump về hiệp định kinh tế chiến lược mà giới chuyên gia đang mong đợi, vậy mà giờ đây thì dư luận Anh đang có chiều hướng không chỉ quay lưng mà còn muốn ném đá bất cứ ai bắt tay thân mật với ông ta.
Đây là một thời khắc vô cùng khó xử không chỉ cho thủ tướng Theresa May mà còn cho tất cả mọi thành viên trong chính phủ và cả Quốc Hội Anh.
( RFI )