Trong lịch sử của nhân loại thì cuộc chiến nào cũng chấm dứt. Thế nhưng cuộc "Nội Chiến Lạnh" giữa hai đảng chính trị của nước Mỹ lại là một cuộc chiến có thể kéo dài vô tận. Lần này cuộc "nội chiến lạnh" sẽ "nóng" hơn vì có sự tham dự của giới truyền thông dòng chính (mainstream media) nghiêng về đảng Dân Chủ và giới truyền thông xã hội (social media) nghiêng về đảng Cộng Hoà nên có lẽ sẽ gây nhiều náo động hơn.
Trong tuần lễ đầu tiên ở chức vụ Tổng thống nước Mỹ, ông Donald Trump đã được những trang báo điện tử của NBC và CNN đưa lên trang nhất với một đề tài rất "bắt mắt" và "nổ" to hơn súng cà nông "Trump vừa xoá bỏ công trình làm việc và sự nghiệp chính trị tám năm của Obama trong một tuần."
Đây là phát súng khai hoả cho một cuộc nội chiến mới của Hoa Kỳ. Cuộc nội chiến giữa Nhà Trắng (White House - Tổng thống và Nội các) và giới "truyền thông dòng chính" (mainstream media). Cũng may, đây chỉ là một cuộc chiến tranh lạnh. Nhưng với hệ thống thông tin qua mạng lưới xã hội, tin tức sẽ được loan truyền nhanh chóng và, dĩ nhiên, đa số chỉ là những tin tức được phóng đại hoặc bị giải thích cho khác đi nếu không nói là sai hoặc xa với sự thật. Chúng ta có thể xem đây là một cuộc "Nội Chiến Lạnh" của Hoa Kỳ. Không nhiều thì ít, chúng ta cũng sẽ bị lôi kéo vào trong cuộc chiến đầy hoả mù, mơ hồ, xáo trộn và dễ lầm lẫn này!
Với quyền hạn của ngành Hành Pháp và đặc quyền của chức vụ Tổng thống, tân Tổng thống Donald Trump đã ký 17 văn bản, sắc lệnh. Trong đó có những sắc lệnh gây nhiều tranh luận:
- Văn bản ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng trong 30 ngày phải trình lên một dự án đánh bại ISIS (phiến quân Hồi giáo cực đoan).
- Sắc lệnh ngưng chương trình di dân trong 120 ngày, cấm nhập cảnh vào Mỹ từ các quốc gia Iraq, Iran, Syria, Libya, Yemen, Somalia và Sudan trong 90 ngày.
- Văn bản ra lệnh trong vòng 30 ngày sẽ kiểm tra về sự sẵn sàng (tham chiến) của quân đội.
- Rút tên Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận thương mại Trans-Pacific Partnership (TPP).
- Văn bản ra lệnh cho bộ An ninh Nội địa (Nội an) chuẩn bị kế hoạch thu nhận thêm 5,000 nhân viên kiểm soát, canh phòng biên giới và xây bức tường biên giới Mỹ-Mễ dài 1,900 dặm (miles).
- Văn bản hướng dẫn các cơ quan liên bang nhằm giảm bớt "gánh nặng pháp lý" của ObamaCare để đưa đến việc thay thế ObamaCare bằng những chương trình y tế khác.
Thực ra tất cả những văn bản và sắc lệnh được Tổng thống Donald Trump ký trong tuần qua đều nằm trong danh sách và lời hứa của ông trong thời gian tranh cử. Đối với giới truyền thông và chính trị gia chuyên nghiệp thì đó chỉ là những lời hứa suông của ứng cử viên để kiếm phiếu. Sau khi thắng cử thì sẽ lờ đi hoặc tìm cách thoái thác hay kéo dài thời gian để những lời hứa đó đi vào quên lãng. Thế nhưng ông Trump lại là người "dám nói, dám làm" và "làm ngay những gì đã nói". Đáng lý ra thì phải khen, thế nhưng trong cuộc "Nội Chiến Lạnh" này thì giới "truyền thông dòng chính" phải diễn giải khác đi. Thế cho nên các hoạ sĩ vẽ tranh biếm hoạ chính trị mới có nhiều đề tài để vẽ.
Xướng ngôn viên: Trong những "tin tức mình" khác ... Tổng thống Donald Trump đang làm những gì ông ta đã hứa khi tranh cử.
Sinh hoạt chính trị của Mỹ dựa trên 2 đảng lớn, Dân Chủ (Democrat) và Cộng Hoà (Republican). Đảng nào chiếm được ghế Tổng thống thì dễ thi hành chính sách của họ. Nhất là đoạt được luôn cả đa số ghế ở Hạ Viện và Thượng Viện thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Lần bầu cử trong tháng 11 vừa qua, đảng Cộng Hoà đạt được điều này, chiếm đa số của cả hai viện và chức Tổng thống. Chỉ có một điều khác lạ là dân chúng Mỹ đã chọn một vị tổng thống là một thương gia, không những không có kinh nghiệm chính trị mà cũng chưa từng làm việc ngày nào với chính phủ. Không những thế, ông lại là người nói năng mạnh bạo, đôi khi còn có vẻ ngang ngược, thiếu lịch sự, đồng thời xem thường giới "truyền thông dòng chính".
Thông thường thì giới truyền thông dòng chính vẫn tự hào là nhóm người hướng dẫn quần chúng. Tất cả các ứng cử viên vào các chức vụ quan trọng của chính phủ đều phải có nhiều tiền để mua thời gian quảng cáo trên TV, báo chí và mua chuộc những người làm thống kê, thăm dò ý kiến, viết bài bình luận ... Thế nhưng họ lại bị Trump xem thường, đã không được tiền mà còn phải chạy theo để lấy tin tức!
Có thể cho rằng sự coi thường giới truyền thông dòng chính là động cơ thúc đẩy giới này đứng về phe của đảng Dân Chủ để tham gia vào cuộc "Nội Chiến Lạnh", vì sự đắc cử của ông Trump đã khiến dân chúng nhìn thấy rất nhiều sai lầm và thiên vị trong việc thông tin của giới "truyền thông dòng chính". Hầu như tất cả những tiên đoán, bình luận, thăm dò ý kiến, ... đều sai!
Để bào chữa, che đậy cho những sai lầm, giới "truyền thông dòng chính" cổ động cho việc biểu tình chống đối không lý do chính đáng và đôi khi còn gây bạo động.
Phóng viên: Xin cho tôi biết anh biểu tình vì lý do gì?
Người biểu tình: Dân chủ!
(ý nói trong một quốc gia theo thể chế Dân Chủ thì người dân có quyền biểu tình, chỉ vậy thôi. Đây là cách chơi chữ rất khéo. Democracy có nghĩa là nền Dân Chủ, đồng thời cũng gần và cùng một gốc với chữ Democrat là đảng Dân Chủ)
(những câu chửi bị kiểm duyệt - censored)
Phóng viên: Tại sao cô lại biểu tình?
Người biểu tình: Vì Trump là người ghê tởm!
(biểu tình chống Trump vì cho rằng ông ta là người thô lỗ, nói năng mạnh bạo, không lịch sự, không tôn trọng phụ nữ. Thế nhưng lại la hét với những lời chửi rủa tục tằn)
Những người biểu tình chống Trump trong ngày tuyên thệ nhận chức Tổng thống vì cho rằng ông ta ghét người nhập cư ngoại quốc (Mễ, Trung Đông, ...) Thế nhưng chính họ lại là người đầy hận thù, gây bạo động!
Không phải chỉ có người dân thường bị lôi kéo vào cuộc "Nội Chiến Lạnh" này, mà còn có thêm một số tài tử của Hollywood. Có những người tuyên bố sẽ di cư qua nước khác nếu Trump đắc cử. Nhưng hiển nhiên là họ chỉ nói mồm vì sau khi ông Trump đắc cử chẳng có ai đi đâu cả!
Chuyển từ trạng thái "bẽ mặt, xấu hổ" vì không giữ lời hứa qua trạng thái "hận thù" thì chắc chẳng tốn bao nhiêu công sức.
Voi Cộng Hoà: Các bạn hãy bình tĩnh! Biết đâu chừng ông ta sẽ thực hiện được điều "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" thì sao?
Lừa Dân Chủ và Obama: Đó chính là điều mà chúng tôi sợ hãi!
Lẽ dĩ nhiên thì đảng Dân Chủ sẽ được lợi vì có "đồng minh" mạnh là giới truyền thông. Và giới "tryền thông dòng chính" thì tìm đủ mọi cách để đưa ra những tin tức, nhận xét lệch lạc để đánh lừa quần chúng.
Thông tín viên nam: Bài diễn văn của ông Trump tối nghĩa quá.
Thông tín viên nữ: Vâng. Quá tối nghĩa.
6 Giai Đoạn Than Trách (của Đảng Dân Chủ)
- Ngạc nhiên và đau đớn
- Tức giận và phủ nhận
- Thương lượng (Đại cử tri đoàn, đừng bỏ phiếu cho Trump)
- Khiển trách, đổ tội (tin tặc Nga)
- Xuống tinh thần, buồn phiền (không tham dự ngày tuyên thệ nhận chức Tổng thống của Trump)
- Hy vọng (buộc tội, cách chức Trump)
Trong bất cứ một cuộc chiến tranh nào, dù là chiến tranh lạnh, kết cuộc thì cũng sẽ có kẻ thắng, người thua. Thế nhưng cuộc chiến tranh giành quyền lực chính trị của Mỹ thì không thể chấm dứt, vì người thua sẽ trở thành kẻ chống đối. Để rồi cứ 2 năm lại có thể thay đổi vị trí thắng, thua của ngành Lập pháp (Hạ và Thượng viện) và cứ 4 năm để tranh nhau ngành Hành pháp (Tổng thống và nội các) để tiếp tục cuộc chiến dài vô tận ...
Sở dĩ cuộc chiến này đáng để ý hơn vì hai "dòng chính" của giới truyền thông và chính trị đã bắt tay nhau để chống lại một chính phủ chỉ muốn xem "Quốc gia và Dân tộc mình là trên hết". Nghe ra thì có vẻ trái tai, thế nhưng đó là chuyện bình thường của chính trị Mỹ: "Một đảng cầm quyền thì đảng kia sẽ chống đối để đạt được thế "cân bằng chính trị", tránh lạm quyền hay độc tài". Người dân thì lúc nào cũng được nhét vào tai, nhồi vào mắt những bản tin đã được nhào nặn, gọt giũa từng câu, từng chữ để được hiểu theo ý của người đưa tin. Thế cho nên, đôi khi cùng một bản tin được loan đi từ những hãng thông tin chuyên nghiệp như Reuters hoặc AP được diễn giải rất khác nhau của những đài TV hay trang báo điện tử. Chữ "fake news (tin giả)", vì thế, đã trở thành thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày. Thế cho nên người dân phải tự tìm hiểu, gạn lọc, để đánh giá tin tức và nguồn tin. Hiển nhiên đây là một điều không dễ.
Nữ: Làm sao anh biết tin nào là thật?
Nam: Nếu tôi đồng ý với nó.
Bức tranh biếm hoạ trên đã diễn tả được hầu hết tâm trạng của người dân. Tuy nhiên bạn có đồng ý với nhận xét đó hay không là tuỳ ở bạn. Chỉ có một điều chắc chắn rằng cuộc "Nội Chiến Lạnh" của Hoa Kỳ sẽ chỉ lắng dịu hoặc bùng nổ chứ không thể chấm dứt. Cũng xin nói thêm là bạn có thể không đồng ý với câu nhận xét trên.
Lâm Viên
(Sau khi đọc những bản tin và bình luận trái ngược nhau về những việc làm trong tuần lễ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump)