Bên
cạnh những vấn đề nội bộ nước Pháp như kỷ niệm 120 năm luật thế tục,
chính phủ François Bayrou đối mặt với kiến nghị bất tín nhiệm lần thứ
sáu, hội nghị an ninh Munich cuối tuần qua và hồ sơ Ukraina là chủ đề
được tất cả nhật báo Pháp hôm nay 17/02/2025 bàn luận sôi nổi.
Le Monde đưa tít trang nhất « J.D. Vance tuyên bố chiến tranh về tư tưởng với châu Âu », La Croix nhận định « Sau hội nghị Munich, châu Âu bị dồn vào chân tường ». Le Figaro chạy tựa « Bị Hoa Kỳ bỏ rơi, châu Âu tìm cách ra tay », tương tự với Les Echos « Bị Trump khi dễ, lục địa già nua phản ứng ». Libération cho biết « Liên hiệp châu Âu chuẩn bị cho trận chiến chống lại Donald Trump và kế hoạch hòa bình của ông ».
Hội nghị thượng đỉnh mini ở Paris khi không còn người bạn Mỹ
Một
hội nghị thượng đỉnh mini được tổ chức hôm nay tại Paris để tránh một
hiệp ước hòa bình được ký kết riêng rẽ giữa Hoa Kỳ và Nga - mà châu Âu
và Ukraina không được tham gia - và đẩy nhanh việc tái vũ trang của 27
nước Liên Hiệp Châu Âu (EU). EU không hề muốn trở thành bung xung trong
cuộc tấn công về đủ mọi phương diện của Donald Trump chỉ trong vài ngày.
Tổng
thống Mỹ quyết định « thỏa thuận hòa bình » về Ukraina trực tiếp với
Vladimir Putin mà không có Kiev lẫn châu Âu, trong một cuộc thương lượng
sẽ xác định cấu trúc an ninh tương lai của châu lục. Không chỉ có thế,
ông Trump còn coi NATO như đã « chết não », khởi động cuộc chiến thương
mại và gây bất ổn cho các nền dân chủ. Như tổng thống Volodymyr Zelensky
đã nhấn mạnh, « Trump không thích những người bạn yếu đuối, ông ấy tôn trọng sức mạnh », châu Âu nhận ra rằng « người bạn Mỹ » không còn nữa.
Tổng
thống Emmanuel Macron phải khẩn cấp tổ chức một hội nghị dạng « Weimar +
» cùng với các thủ tướng Đức, Anh, Ba Lan, Ý, Đan Mạch, các nhà lãnh
đạo châu Âu Ursula von der Leyen, António Costa, và tổng thư ký NATO
Mark Rutte. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot nhận xét : « Có một ngọn gió đoàn kết thổi vào châu Âu, chưa từng thấy kể từ thời Covid ». Thay
vì họp khẩn Hội đồng Châu Âu 27 nước với nguy cơ không đạt được gì cụ
thể và tạo cảm giác đang lo sợ, Điện Élysée đã chọn lựa « kích hoạt một cơ chế sẽ được đẩy nhanh theo những gì diễn ra với Putin ».
Vội vã nhượng bộ Putin dù chưa đàm phán, Trump có nguy cơ thất bại
Bởi
vì đa số nước cho rằng chưa có gì ngã ngũ, Trump gánh lấy rủi ro thất
bại và bị chê cười. Các chuyên gia và nhà ngoại giao kinh ngạc trước «
nghệ thuật thương lượng » của tổng thống Mỹ : Loan báo lập tức tất cả
những nhượng bộ (Nga sáp nhập Donbass, Zelensky ra đi, Ukraina không gia
nhập NATO, Mỹ không bảo đảm an ninh cho Ukraina). Đó không phải là cách
thương thảo tốt. Một nhà ngoại giao giải thích, « Putin ma lanh hơn
Trump rất nhiều, ông ta chấp nhận thương lượng là vì biết rằng đang ở
thế mạnh, do tổng thống Mỹ vội vã. Chẳng có gì ngăn Putin lên nước ». Nguyên thủ Pháp coi đây là « sự đầu hàng ».
Nhất
là khi Ukraina vẫn chưa nói lời cuối cùng. Trên chiến trường, Nga lúng
túng và kiệt sức, còn việc châu Âu và Hoa Kỳ tài trợ cho Kiev thì được
bảo đảm đến năm 2026.Thủ tướng Đức Olaf Scholz có thể ra đi từ ngày
23/02, nhờ đó Đức sẽ chuyển cho Kiev hỏa tiễn tầm xa quan trọng Taurus.
Và EU nay đã viện trợ cho Ukraina nhiều hơn Mỹ, có khả năng bù đắp phần
thiếu hụt. Trump « chôn sống » Ukraina có phần hấp tấp !
Libération
nêu ra một nhân tố khác có thể gây trở ngại cho trò chơi của Washington
: Trung Quốc đòi hỏi châu Âu phải được tham gia đàm phán. Dù là đồng
minh của Nga, Bắc Kinh biết mình nằm trong tầm ngắm sắp tới của Donald
Trump, nên muốn xích lại gần EU để đối phó với chiến tranh thương mại.
Một cách để nhắc nhở rằng Mỹ không thể một mình quyết định trật tự quốc
tế.
Bị Mỹ khinh thường, châu Âu chuẩn bị đáp trả
Les Echos
nói thêm, châu Âu càng khó đưa ra chủ trương khi chính quyền Trump
không có kế hoạch và mỗi người nói một phách. Bộ trưởng quốc phòng Pete
Hegseth loại trừ việc gởi quân Mỹ sang Ukraina trong khi phó tổng thống
JD Vance sau đó khẳng định khả năng này « được đặt lên bàn làm việc ».
Hôm thứ Sáu, việc ông Vance tố cáo tự do ngôn luận bị « thụt lùi » tại
châu Âu khiến cử tọa gồm nhà ngoại giao, lãnh đạo nhà nước và quân đội
châu Âu đều phẫn nộ, nhưng như vậy JD Vance tránh được việc phát biểu
chi tiết về kế hoạch hòa bình Ukraina.
Sự thô bạo của ông Trump đã
làm châu Âu đoàn kết lại. Hôm thứ Sáu, trong cuộc họp các đại sứ 27
nước, tất cả đều đồng ý vừa trả đũa các trừng phạt thuế quan của
Washington, vừa áp dụng các quy định về kỹ thuật số, nhất là đối với
mạng xã hội X của Elon Musk, bất chấp đe dọa từ phía Mỹ. Đa số nước đã ý
thức được về sức mạnh kinh tế, thương mại của châu lục, và cần phải
chuẩn bị về quân sự. Mục tiêu thứ nhì của hội nghị thượng đỉnh hôm nay
là tăng cường quốc phòng. Bà Ursula von der Leyen thông báo sẵn sàng
tách chi quân sự khỏi các tính toán về thâm hụt ngân sách, và Friedrich
Merz, người có thể là thủ tướng sắp tới của Đức còn muốn châu Âu cùng
vay tiền để tái vũ trang. Đối với Libération, trò chơi lớn của thế kỷ 21 đã được khởi động.
Ba Lan mong thành cường quốc quân sự số 1 châu Âu
Libération cho biết « Trước Trump và Putin, Ba Lan muốn trở thành cường quốc quân sự hàng đầu châu Âu ».
Quốc gia Đông Âu này sẵn sàng chi 4,7 % GDP cho quốc phòng trong năm
nay, cao hơn tất cả các thành viên NATO khác kể cả Hoa Kỳ. Thủ tướng Ba
Lan Donald Tusk kêu gọi châu Âu khẩn cấp có kế hoạch hành động về
Ukraina và an ninh châu lục. Từ khi nước láng giềng bị Nga xâm lăng cách
đây ba năm, Ba Lan luôn đi đầu trong việc gởi xe tăng và phi cơ cho
Ukraina. Dù trong nhiệm kỳ đầu ông Trump, Vacxava nỗ lực thuyết phục
Washington đưa lực lượng Mỹ đến trú đóng, nhưng chưa bao giờ chỉ trông
cậy vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ.
Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné nhấn
mạnh đến tham vọng của Ba Lan về lục quân lẫn phòng không. Năm 2022,
Vacxava đã ký hợp đồng mua của Hàn Quốc 1.000 xe tăng K2, thêm vào 350
chiếc Abrams đã đặt hàng của Mỹ. Để so sánh, quân đội Pháp chỉ có 200 xe
tăng Leclerc. Ba Lan muốn mua vũ khí đã có sẵn thay vì đầu tư vào chiến
xa tương lai MGCS của Pháp và Đức, tuyển mộ 300.000 quân từ nay đến
2035. Chiến lược này khác hẳn với khuynh hướng hiện đại hóa thay vì mở
rộng số lượng ở Tây Âu.
Tác giả Pierre Buhler nhấn mạnh, Ba Lan có
thể lao vào dự án quy mô này nhờ nợ công chỉ chiếm 55 % GDP. Trong khi
Pháp đưa ra khái niệm tự chủ chiến lược, Ba Lan quan niệm một châu Âu
hùng mạnh sẽ là đối tác cần thiết của Hoa Kỳ. Nhưng mô hình Ba Lan không
dễ noi theo, vì ý thức cao độ về mối đe dọa từ Nga do vị trí địa lý và
vô số vụ xâm lược trong lịch sử khiến chính giới đều đồng tâm muốn củng
cố quân đội. Các nước Baltic dù có cùng chủ trương nhưng không có cùng
trọng lượng về kinh tế và dân số. Rumani và Bulgari đang bị khủng hoảng
chính trị, còn Slovania và Hungary chọn cách nịnh nọt cả Nga lẫn Trump.
Munich 1938, Munich 2025
Le Monde
cho rằng có hai thời điểm lịch sử của hội nghị an ninh Munich : 2017 và
2025. Năm 2017, lần đầu tiên được mời tham dự, Putin đã gây sửng sốt
khi tỏ ra thù địch với phương Tây, tố cáo Hoa Kỳ muốn lập ra trật tự đơn
cực. Lần này thì đồng minh lớn Mỹ quay lại chống các đối tác châu Âu,
làm rạn vỡ phương Tây.
Nhà bình luận Dominique Moïsi trên Les Echos mỉa
mai, thương lượng với Putin rất dễ. Chỉ cần trao luôn tất cả những gì
ông ta đòi hỏi, và nói rằng đã thành công. Donald Trump chừng như đã làm
theo cách của tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hồi năm 2008 với Gruzia.
Một số nhà quan sát cho rằng dùng chữ « phản bội » và « đầu hàng » đúng
hơn là « thương lượng ».
Theo Les Echos, những gì được
bàn bạc ở Munich rồi sau đó ở Ả Rập Xê Út có nguy cơ một sự chia sẻ thế
giới theo kiểu Yalta 1944, thay vì Munich 1938. Điều đáng chú ý năm 2025
là Trump đã vội vàng trao cho Putin những gì mà ông ta muốn có, trước
cả khi bắt đầu thương lượng. Với Putin - vâng, ông cứ giữ lấy tất cả
những lãnh thổ đã chiếm được ; với Zelensky - không, ông không được vào
NATO. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, tổng thống Mỹ đã biến nước Nga bị
ruồng bỏ, cô lập của Putin thành một đối tác được quan tâm. Một gáo nước
lạnh cho những ai còn hy vọng vào Donald Trump.
« Kẻ ngốc hữu dụng » và « chư hầu hạnh phúc »
Tân
chủ nhân Nhà Trắng như muốn nói với Putin, nếu định dấn lên ở châu Âu
thì xin cứ việc, đó không còn là chuyện của nước Mỹ ! Ông Trump cho rằng
từ khi Hoa Kỳ tham chiến bên cạnh các cường quốc dân chủ năm 1917, nước
Mỹ đã trao đi quá nhiều cho lục địa già nua ngạo mạn, ích kỷ và rốt
cuộc chẳng mấy quan trọng. Nhưng như vậy Donald Trump đã làm yếu đi
phương Tây. Phải chăng thay vì làm chủ tình hình, ông sắp sửa trở thành «
kẻ ngốc hữu dụng » của Vladimir Putin và sau đó là của Tập Cận Bình ?
Khi mối đe dọa Nga đang đến gần và sự bảo vệ của Mỹ hầu như không còn nữa, đây thực sự là thời điểm của châu Âu. Les Echos
đặt vấn đề : Làm thế nào thuyết phục được châu Âu rằng nếu không hành
động, tương lai sẽ không phải là « chư hầu hạnh phúc » - từ ngữ của tổng
thống Ý Sergio Mattarella - mà là chư hầu đau khổ.
Musk sa thải nhầm các viên chức an ninh nguyên tử
Trong
vô số tác hại của việc chính quyền Trump cho ngưng hoạt động USAID là
vấn đề an ninh mạng cho Ukraina. Kiev tránh tỏ ra hoang mang, nhưng khẩn
cấp tìm giải pháp thay thế với châu Âu. USAID là một trong các nhà tài
trợ chính cho việc cung cấp thiết bị Starlink, rất quan trọng cho cuộc
kháng chiến của Ukraina. Tại Hoa Kỳ, bộ máy chính quyền liên bang tiếp
tục rối loạn vì Elon Musk. La Croix cho biết trong số hàng ngàn
công chức Mỹ bị bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) của ông ta sa thải, có cả
những người phụ trách vấn đề an toàn cho vũ khí nguyên tử.
Phải
chăng an ninh Hoa Kỳ đang bị đe dọa vì các nhân viên phụ trách dự trữ vũ
khí hạt nhân bị đuổi việc ? Đó là điều mà Cơ quan quốc gia về an toàn
nguyên tử (NNSA) đang lo lắng. Cơ quan này có 1.800 người, với nhiệm vụ
bảo quản một phần lớn trong số 3.700 đầu đạn hạt nhân của Mỹ, quản lý
phòng thí nghiệm nổi tiếng Los Alamos ở New Mexico, nơi chế tạo quả bom
nguyên tử đầu tiên, và các kho dự trữ được giữ an ninh nghiêm ngặt. Hôm
thứ Năm 13/02, khoảng ba, bốn trăm nhân viên đột ngột nhận được email
thông báo đuổi việc. Đa số những người này được tuyển dụng chưa đầy hai
năm, nhưng được tham khảo các thông tin nhạy cảm. Một số chỉ có vài
tiếng đồng hồ để dọn đồ khỏi văn phòng, sau đó hộp thư làm việc bị khóa.
Chẳng ai chịu khó tìm hiểu về công việc của họ.
Hôm sau, 14/02,
vài thượng nghị sĩ can thiệp để hủy bỏ quyết định này, và NNSA cố gắng
mời họ quay lại. Bộ phận nhân sự đang tìm kiếm địa chỉ email cá nhân để
liên lạc. Được biết các thanh niên trẻ măng trong nhóm của Elon Musk đã
đuổi việc phân nửa trong số 140 công chức phụ trách giám sát dịch tễ ở
Hoa Kỳ, đóng cửa USAID, xâm nhập vào hệ thống chi trả của liên bang vốn
chứa vô số thông tin nhạy cảm. Wall Street Journal tiết lộ, một
cựu nhân viên 25 tuổi của Space X có quyền can thiệp trực tiếp vào việc
chi trả của ngân khố, cho thấy không khí bát nháo hiện nay.