Năm năm trước đây, vào buổi tối 06/05/2012, tổng thống Dân Chủ Barack Obama đã nhấc điện thoại gọi cho ông François Hollande của đảng Xã Hội vừa đắc cử tổng thống Pháp để chúc mừng, mời đến thăm Nhà Trắng trước hội nghị thượng đỉnh G8 tại Hoa Kỳ.
Lần này, cuộc điện thoại được chờ đợi vào hôm sau, thứ Hai. Nhưng nhà tỉ phú đã viết ngay trên Twitter chúc mừng Emmanuel Macron, chỉ 82 phút sau khi kết quả bầu cử được loan báo tối Chủ nhật. Donald Trump viết : « Hoan nghênh Emmanuel Macron về chiến thắng vang dội hôm nay, trở thành tổng thống nước Pháp. Tôi rất mong được làm việc với ông ấy ! »
Trong cuộc điện đàm, tổng thống Mỹ nhấn mạnh « những thách thức chung » và chiều dài lịch sử gắn bó giữa Hoa Kỳ và Pháp quốc, được mô tả - như những người tiền nhiệm – là « đồng minh lâu đời nhất » của Mỹ.
Cũng như ông Obama và Hollande đã có cuộc gặp tay đôi trước thượng đỉnh G8 và NATO tháng 5/2012 ở Mỹ, hai nhà lãnh đạo đã thỏa thuận sẽ gặp gỡ tại Bruxelles ngày 25/05/2017, nhân hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Cả hai ông Trump và Macron cũng sẽ tham dự hội nghị G7 ở Ý sau đó.
Trước cuộc bầu cử vòng một, Donald Trump đã nhấn mạnh rằng bà Marine Le Pen « là người cứng rắn nhất » về vấn đề biên giới và nạn khủng bố. Tuy nhiên ông Trump đã không tiếp bà Le Pen khi bà này đến New York hồi tháng Giêng, và ngược với lãnh tụ cực hữu Anh Nigel Farage, Donald Trump chưa bao giờ công khai đứng chung với bà Le Pen.
Sau khi đón tiếp nồng hậu Tập Cận Bình, tổng thống Mỹ dường như đã khẳng định rằng tính thực tế và các vấn đề chiến lược quan trọng hơn là ý thức hệ.
Tại Quốc Hội Mỹ, chủ tịch Hạ Viện của phe Cộng Hòa, ông Paul Ryan ngay lập tức đã nồng nhiệt chúc mừng tân tổng thống Pháp : « Chúng tôi nóng lòng làm việc với ông Macron để phát triển mối quan hệ mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Pháp ». Còn thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio vốn rất gắn bó với các hồ sơ quốc tế tuyên bố : « Nước Pháp là bạn hữu và là đồng minh thân cận của Mỹ. Tôi mong sớm được làm việc với ông Emmanuel Macron để củng cố quan hệ và làm tiến triển những giá trị chung của chúng ta ».
Nhiều chính khách Mỹ coi chiến thắng của Emmanuel Macron là thất bại của một đối thủ chung : đó là nước Nga của ông Vladimir Putin, nhân vật bị cả phe tả lẫn phe hữu trong Quốc Hội đều ghét, do các mưu toan can thiệp vào tiến trình bầu cử Hoa Kỳ.
Vụ tấn công tin học vào ê-kíp tranh cử của ứng cử viên trung dung Macron tối ngày 05/05/2017, bỗng chốc làm khơi dậy trong người Mỹ đoạn cuối chiến dịch bầu cử ở Hoa Kỳ, khi mỗi ngày đều có những email của chủ tịch ủy ban tranh cử ê-kíp Clinton bị WikiLeaks tung hê lên.
Thượng nghị sĩ Dân Chủ Ben Cardin khen ngợi : « Mặc cho các hành động can thiệp được cho là của Nga, tương tự như đã xảy ra tại đất nước chúng ta năm ngoái, các định chế dân chủ ở Pháp đã chứng tỏ sức chịu đựng bền bỉ ».
Còn bà Hillary Clinton, vẫn cho rằng một trong những lý do khiến bà thất cử là do tin tặc Nga, nhận định trên Twitter : « Thất bại của những kẻ muốn can thiệp vào nền dân chủ ».
Nhìn chung, cuộc bầu cử tổng thống Pháp trong những tháng trước đây thường được phân tích qua lăng kính Brexit và chiến thắng của Donald Trump ; còn Emmanuel Macron chỉ đứng hàng thứ hai, đôi khi về đời tư : báo chí nhấn mạnh đến sự chênh lệch tuổi tác với bà vợ Brigitte.
Trên truyền hình, chính là bà Marine Le Pen chiếm đa số trang nhất các báo trong những tuần lễ gần đây. Đến hôm thứ Hai 8/5, New York Times và Washington Post đã dành trang bìa để giới thiệu chiến thắng của Emmanuel Macron trước hết như thất bại của cực hữu.
Tất nhiên là phe cực hữu Mỹ rất thất vọng khi ứng cử viên « toàn cầu hóa » đã đánh bại ứng viên của họ, các trang web ủng hộ ông Trump đưa tin liên tục về bà Le Pen trong chiến dịch bầu cử. Nhưng trên trang cực đoan nhất là Breibart, các chủ đề thời sự khác như Bắc Triều Tiên đã chiếm trang nhất hôm qua.