Thông tin trên được Chuyên Viên Đô Thị Cấp Cao của Ngân Hàng Thế Giới Khu Vực Đông Á Thái Bình Dương, ông Madhu Raghunath xác nhận tại thư gửi cho ông Mai Quốc Tuấn, một trong những dân oan thuộc phường Bình Hưng Hòa, vào ngày 30.03.2016.
Ông Madhu Raghunath động viên những người dân oan này rằng: “Chúng tôi sẽ bày tỏ mối quan ngại của quý vị tới nhà cầm quyền ở Tp HCM và sẽ phản hồi nhanh chóng cho quý vị biết kết quả của các buổi thảo luận. Xin quý vị gửi cho chúng tôi tất cả các thông tin có liên quan đến vụ việc này.”
Vào tháng 3 và tháng 4 năm 2016 cho đến nay, có 3/200 hộ dân bị cưỡng chế nhà một cách trái phép trong khi đó các hộ dân này chưa nhận được tiền bồi thường thỏa đáng.
Hiện nay, các hộ dân bị đập phá nhà này phải đi ở nhờ hàng xóm hoặc dựng túp lều ngay trước ngôi nhà bị cưỡng chế để che nắng che mưa ở tạm qua ngày. Công ăn việc làm trước đây của họ cũng gặp nhiều bấp bênh và khó khăn.
Được biết, một số hộ dân trong số 200 hộ dân oan này bị nhà chức trách gây áp lực và họ đã ngậm ngùi nhận số tiền đền bù rẻ mạt của nhà cầm quyền địa phương.
Dự án “tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên” được vay từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới với tổng giá trị đầu tư tương đương 666 triệu USD.
Dự án có chiều dài 33km, đi qua 7 quận 12, 8, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh, do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình thuộc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập TPHCM làm chủ đầu tư.
Người dân luôn tỏ thái độ không chống đối dự án, mà chỉ đòi hỏi quyền lợi thỏa đáng, đúng pháp luật, đúng chủ trương: sau giải tỏa, đền bù, đời sống người dân phải tốt hơn.
Huyền Trang, GNsP