Các nhóm nhân quyền ở Syria cáo buộc ít nhất 28.000 người đã mất tích sau khi bị binh lính hoặc các nhóm dân quân bắt đi.
Họ nói họ có tên tuổi của 18.000 người mất tích kể từ khi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad bắt đầu 18 tháng trước đây. Ngoài ra họ cũng biết hơn 10.000 trường hợp mất tích khác.
Avaaz, một nhóm vận động nhân quyền trên mạng, cho biết ‘không ai an toàn cả’ trước chiến dịch khủng bố có chủ ý của chính phủ.
Tổ chức này dự định sẽ trình lên Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc một tập tài liệu để điều tra.
‘Bứng khỏi đường phố’
Avaaz cho biết họ đã thu thập lời chứng của những người dân Syria cho biết chồng con họ đã các lực lượng thân chính phủ dùng sức mạnh bắt đi.
“Người dân Syria bị các lực lượng an ninh và bán quân sự bứng khỏi đường phố và đưa vào trong các trại tra tấn,” bà Alice Jay, giám đốc chiến dịch của Avaaz, nói.
“Cho dù đó là bà nội trợ đi mua hàng hay nông nhân đi mua xăng dầu, không ai an toàn cả,” bà nói.
"Họ bị chộp lấy vào ban đêm ở ngoài đường khi không có ai nhìn thấy."
Muhannad al-Hasani của tổ chức nhân quyền Sawasya
Theo bà thì đây là một chiến dịch có chủ ý để ‘khủng bố các gia đình’.
“Nỗi hoảng sợ khi không biết chồng con hiện còn sống hay đã chết đã làm cho người ta lo sợ đến nỗi họ không dám lên tiếng phản đối,” bà nói.
“Số phận của mỗi người này cần phải được điều tra và thủ phạm cần bị trừng trị,” bà nói thêm.
Ông Fadel Abdulghani thuộc Mạng lưới Nhân quyền Syria, ước tính khoảng 28.000 người đã mất tích kể từ khi các cuộc bạo loạn phản đối chính quyền bắt đầu hồi tháng Ba năm ngoái.
Trong khi đó, Muhannad al-Hasani của tổ chức nhân quyền Sawasya, đưa ra con số còn cao hơn.
“Theo những thông tin mà chúng tôi có được từ những nguồn trên khắp các xóm làng ở Syria thì chúng tôi nghĩ rằng có khả năng có đến 80.000 người đã bị mất tích một cách cưỡng ép,” ông cho biết.
“Họ bị chộp lấy vào ban đêm ở ngoài đường khi không có ai nhìn thấy,” ông nói thêm.
"Chế độ này làm như thế vì hai lý do – thủ tiêu các phần tử chống đối và các nhà hoạt động và đe nẹt mọi người để họ không chống chế độ."
Muhammad Khalil, một luật sư nhân quyền ở thành phố Hassaka,
Muhammad Khalil, một luật sư nhân quyền ở thành phố Hassaka, nói mặc dù không có con số chính xác nhưng ông tin rằng hàng ngàn người Syria đã mất tích kể từ tháng 3 năm 2011.
“Chế độ này làm như thế vì hai lý do – thủ tiêu các phần tử chống đối và các nhà hoạt động và đe nẹt mọi người để họ không chống chế độ,” ông giải thích.
Cho đến giờ chính phủ Syria vẫn chưa bình luận gì về những cáo buộc này nhưng trước đây họ từng bác bỏ các thông tin về vi phạm nhân quyền.
Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 18.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Syria với 170.000 người đã lánh nạn ra nước ngoài và 2,5 triệu người cần được giúp đỡ bên trong lãnh thổ Syria. Phe đối lập và các nhóm nhân quyền đưa ra con số người chết lên đến hơn 30.000 người. BBC