Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố : « Mọi nỗ lực nhằm làm phương hại đến chủ quyền quốc gia, thách thức chính quyền trung ương và Luật căn bản của Hồng Kông đều bị coi là đã vượt qua một lằn ranh đỏ, hoàn toàn không thể chấp nhận được ». Ông cũng răn đe những ai « muốn dùng Hồng Kông làm bàn đạp để xâm nhập vào Hoa lục và tiến hành các hoạt động phá hoại ».
Trong phát biểu sáng nay, đúng 20 năm sau khi trao trả, ông Tập cũng khẳng định Hồng Kông ngày nay « có nhiều quyền dân chủ và tự do hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử ». Tuy vậy hôm qua bộ Ngoại Giao Trung Quốc lại cho rằng Tuyên bố Anh-Trung năm 1984 với nguyên tắc « Một đất nước, hai chế độ » là « không còn phù hợp ».
Hồng Kông trên nguyên tắc được quyền tự do ngôn luận, hệ thống tư pháp độc lập và bầu cử Quốc Hội tương đối tự do, những điều không hề có tại Hoa lục. Tuy nhiên bàn tay can thiệp của Bắc Kinh ngày càng lộ liễu, nhất là vụ năm chủ nhà sách « mất tích » năm 2015 rồi sau đó lên truyền hình « tự thú » tại Hoa lục.
Sau phong trào « Cách mạng Dù vàng » đòi phổ thông đầu phiếu đã gây nhiều tiếng vang năm 2014, xuất hiện một trào lưu chính trị khác đòi quyền tự quyết, thậm chí đòi độc lập cho Hồng Kông.
Chuyến thăm Hồng Kông đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền được bảo vệ an ninh tối đa, vào thời điểm vài tháng nữa là đến Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tuy nhiên đây cũng là dịp để những người biểu tình tố cáo Bắc Kinh ngày càng muốn bóp nghẹt đặc khu hành chính có 8 triệu dân.
Đặc khu trưởng Hồng Kông tuyên thệ nhậm chức
Vào lúc Hồng Kông kỷ niệm 20 năm ngày được trao trả cho Trung Quốc, tân đặc khu trưởng Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ( Carrie Lam ) hôm nay tuyên thệ nhậm chức trước chủ tịch Tập Cận Bình.
Là một công chức cao cấp 60 tuổi, lãnh đạo hành pháp họ Lâm, cũng giống như những người tiền nhiệm, đã được một ủy ban thân Bắc Kinh bầu lên và chưa gì đã bị lên án là bù nhìn của chính quyền Trung Quốc.
Là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cơ quan hành pháp Hồng Kông, bà sẽ phải đảm nhận một nhiệm vụ rất khó khăn, đó là làm dịu các căng thẳng chính trị tại đặc khu hành chính này, nơi mà nhiều người cho rằng Bắc Kinh không còn tôn trọng nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ », mà họ đã cam kết khi tiếp nhận lại Hồng Kông vào năm 1997.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tuyên thệ nhậm chức đặc khu trưởng Hồng Kông trước một lá cờ Trung Quốc tại buổi lễ diễn ra tại trung tâm hội nghị, rồi bắt tay chủ tịch Tập Cận Bình.
Nhưng trước khi buổi lễ nhậm chức diễn ra, nhiều vụ xô xát xảy ra giữa những người thân Bắc Kinh với những người biểu tình tưởng niệm các nạn nhân vụ đàn áp Thiên An Môn 1989. Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy gởi về bài tường trình :
Trong khi các buổi lễ chính thức vẫn chưa bắt đầu, hai đảng thuộc phe dân chủ là Demosisto và Liên đoàn Dân chủ Xã hội đã loan báo ý định biểu tình. Họ muốn diễu hành với một quan tài giả, tượng trưng cho tất cả những người đã thiệt mạng trong vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn. Nhưng cuộc biểu tình không kéo dài được bao lâu. Chỉ vài phút sau, một nhóm thân Bắc Kinh đã tấn công vào chiếc quan tài.
Cựu dân biểu Mạch Quốc Phong (Mak Kwok Fung) tham gia đoàn biểu tình, kể lại : « Ngay khi chúng tôi tuần hành, bọn côn đồ thuộc phía chính quyền cầm những lá cờ có năm ngôi sao của Trung Quốc đã đụng độ với những người đi phía trước và phá hủy chiếc quan tài ».
Nhưng đây không phải là sự cố đầu tiên loại này, từ khi ông Tập Cận Bình đặt chân đến Hồng Kông. Ông Ngô Văn Viễn (Avery Ng), phó chủ tịch đảng Liên đoàn Dân chủ Xã hội cho biết : « Tôi muốn nói thêm là từ 48 giờ qua, chúng tôi và đảng Demosisto đã bị bọn côn đồ tấn công. Chính bọn chúng còn tự xưng là mafia, chúng vây quanh trụ sở của chúng tôi và như quý vị đã thấy, thêm một lần nữa cảnh sát không can thiệp ».
Sau nhiều vụ tấn công bạo lực của những người thân Bắc Kinh vào đoàn tuần hành, cảnh sát đã bắt những người biểu tình ôn hòa, trong những tiếng vỗ tay hoan hô của phe thân chính quyền.