Tin nóng trong ngày
Thế giới hôm nay: 14/04/2020
Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm coronavirus mới trong ngày tăng cao nhất trong hơn một tháng, nhiều người trong số này là các công nhân trở về từ Nga. Sáu mươi người trên chuyến bay từ Moskva đã xét nghiệm dương tính sau khi hạ cánh ở Thượng Hải vào ngày 10 tháng 4. Biên giới đất liền với Nga vẫn đang đóng cửa.
Một số người Tây Ban Nha trở lại làm việc vì chính phủ đã dỡ bỏ các hạn chế đối với các lĩnh vực không tiếp xúc với người dân và không cần thiết. (Các lĩnh vực có tiếp xúc với người dân vẫn đóng cửa; lao động thiết yếu chưa bao giờ ngưng làm việc). Quyết định mở cửa lại đất nước được đưa ra bất chấp những lo ngại từ ủy ban chuyên gia covid-19 của nước này. Song bộ trưởng y tế nói rằng Tây Ban Nha đã qua đỉnh dịch.
Robert Redfield, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, dự đoán đỉnh dịch covid-19 ở Mỹ đang gần kề: “hiện tại chúng ta đang dần ổn định trên toàn quốc”. Ông nói đỉnh dịch thậm chí có thể đến trong tuần này, nhưng cảnh báo về việc vội vàng kết thúc phong tỏa: mở cửa trở lại phải là “một quá trình từng bước, dựa trên dữ liệu”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong bài phát biểu lần thứ ba của ông trên truyền hình quốc gia rằng phong tỏa sẽ tiếp tục cho đến 11 tháng 5. Pháp đã tiến hành phong tỏa chặt chẽ từ 17 tháng 3 sau khi nhiều người ngó lơ các hướng dẫn giãn cách xã hội. Số ca nhiễm covid-19 mới hằng ngày ở Pháp đã giảm, nhưng với hơn 300 trường hợp tử vong mỗi ngày, số người chết đã gần lên tới 14.400.
Bernie Sanders, người vừa rời khỏi cuộc đua giành tấm vé ứng viên tổng thống đảng Dân chủ hồi tuần trước, tuyên bố ủng hộ Joe Biden. Xuất hiện cùng cựu phó tổng thống tại một sự kiện online, thượng nghị sĩ khuynh hướng xã hội từ Vermont kêu gọi những người ủng hộ ông, tất cả các đảng viên Dân chủ và cả “rất nhiều đảng viên Cộng hòa”, ủng hộ đối thủ cũ của ông. Năm 2016, ông Sanders đợi đến tận tháng 7 mới rời khỏi cuộc đua và ủng hộ Hillary Clinton.
SoftBank Group cho biết họ dự đoán Quỹ Tầm nhìn của họ sẽ lỗ 1,8 nghìn tỷ yên (17 tỷ đô la) trong năm tài chính kết thúc vào 31 tháng 3. Thành tích của quỹ công nghệ Nhật Bản này bị đổ lỗi là do “môi trường kinh doanh xấu đi” vì đại dịch coronavirus phá vỡ các thị trường tài chính. Bản thân SoftBank dự báo khoản lỗ hoạt động vượt quá 1,3 nghìn tỷ yên. Hãng này đã kiếm được 2,3 nghìn tỷ yên năm trước đó.
Amazon sẽ tuyển thêm 75.000 công nhân ở Mỹ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng mua sắm tại nhà vì các hạn chế của lệnh phong tỏa. Nhà bán lẻ trực tuyến đã tuyển thêm 100.000 công nhân làm việc tại các kho hàng và làm tài xế giao hàng. Vì hơn 16 triệu người Mỹ đã mất việc trong ba tuần qua, các vị trí tuyển dụng này sẽ sớm được lấp đầy.
TIÊU ĐIỂM
Thỏa thuận lớn của OPEC vẫn bất định
Các nhà sản xuất dầu đạt thỏa thuận hỗ trợ giá dầu lịch sử hôm Chủ nhật, nhưng không rõ liệu họ có thành công hay không. Mỹ đã giúp đàm phán một thỏa thuận giữa OPEC, Nga và các đồng minh khác nhằm giảm sản lượng gần 10 triệu thùng dầu mỗi ngày (khoảng 10% nguồn cung toàn cầu), lần cắt sản lượng tự nguyện lớn nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý hơn nữa, các nhà sản xuất đã đồng ý hạn chế sản lượng trong hai năm.
Tuy nhiên, tác động của thỏa thuận này là không chắc chắn. Covid-19 khiến nhu cầu dầu sụp đổ; nhu cầu dầu thô có thể giảm 20 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 4. Thời hạn thỏa thuận có thể hỗ trợ giá dầu khi nhu cầu tăng, nhưng chỉ khi các nhà sản xuất tuân thủ các điều khoản của nó. Trong quá khứ Nga, Iraq và các nhà sản xuất lớn khác thường xuyên vượt quá hạn ngạch. Các quốc gia khác có thể nổi loạn – việc Mexico miễn cưỡng đồng ý cắt giảm sản lượng suýt nữa đã hoàn toàn làm hỏng thỏa thuận. Những người kì vọng vào giá cao hơn và ổn định sẽ thất vọng.
Gỡ phong tỏa nước Mỹ: Trump đấu với các thống đốc
Hôm nay Donald Trump có kế hoạch công bố danh sách các thành viên tổ chuyên trách “mở cửa lại đất nước” của ông, với nhiệm vụ tư vấn cho ông về cách đưa người Mỹ trở lại làm việc. Ban đầu, ông muốn gỡ phong tỏa vào lễ Phục sinh; chính quyền của ông gần đây xem xét ngày 1 tháng 5. Nhưng các thống đốc và thị trưởng, những người sẽ đưa ra các quyết định trên thực địa, lại thận trọng hơn.
Phil Murphy, thống đốc đảng Dân chủ của New Jersey, cảnh báo việc mở lại vội vàng sẽ chỉ “đổ dầu vào lửa”. Thống đốc đảng Cộng hòa của Maryland Larry Hogan thì cho biết “Ông không thể chọn đại một ngày và bật công tắc trở lại”. Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ liên bang, cũng kêu gọi chú ý cẩn thận đến các điều kiện ở địa phương. Việc mở lại nước Mỹ có thể sẽ chậm rãi, với những nơi có thể đã đạt đỉnh dịch, như New York và Louisiana, xuất hiện dấu hiệu của sự bình thường sớm hơn. Song Mỹ cũng có thể phải trì hoãn việc mở cửa nếu hạn chế được áp đặt trở lại khi có thêm ca nhiễm mới.
Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu ảm đạm của IMF
Hồi tháng 1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng “chậm chạp” 3,3% trong năm nay. Giờ thì ngay cả con số này cũng thật đáng mong ước. Dự báo mới nhất của họ, công bố hôm nay, sẽ còn ảm đạm hơn nhiều, vì nó cho thấy đợt bùng phát coronavirus và phong tỏa lan rộng sẽ tàn phá nền kinh tế thế giới đến đâu. Nhiều chuyên gia dự đoán GDP toàn cầu năm 2020 sẽ suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2009, với suy thoái sâu sắc ở châu Âu và Mỹ.
Tất cả đều mong đợi phục hồi một khi đại dịch kết thúc, song họ bất đồng về thời điểm phục hồi và sản lượng bị mất sẽ được khôi phục lại nhanh như thế nào. Một câu hỏi trọng tâm là liệu các chính phủ đã tung ra đủ kích thích để đảm bảo rằng các doanh nghiệp và người dân có đủ tiền mặt chi tiêu một khi các nền kinh tế mở cửa trở lại hay không. Các nhà quản lý ngân hàng trung ương và các bộ trưởng tài chính sẽ cân nhắc cụ thể điều này khi họ chuẩn bị cho một cuộc họp online của IMF vào tuần này.
Mỹ tranh cãi về việc bỏ phiếu qua bưu điện
Hôm nay, tòa án cao nhất của bang New Mexico sẽ xem xét yêu cầu của các quan chức Dân chủ nhằm biến cuộc bỏ phiếu sơ bộ của bang này vào tháng 6 thành một cuộc bầu cử chỉ qua thư. Họ e ngại tình huống éo le như ở Wisconsin, khi các cử tri hồi tuần trước phải mạo hiểm sức khỏe của mình để đi bầu sau khi Tòa Tối cao bang này từ chối hoãn bỏ phiếu. Các đảng viên Dân chủ ở New Mexico đề xuất chuyển phát đến mỗi cử tri đã đăng ký một lá phiếu.
Những người Cộng hòa ở bang này lại không muốn điều đó, vì lo ngại gian lận. Cuộc tranh luận báo trước một cuộc chiến xoay quanh bỏ phiếu qua thư, mà đảng Cộng hòa ghét cay ghét đắng, trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 này. Họ cho rằng nó có lợi cho đảng Dân chủ, mặc dù có rất ít bằng chứng về điều này ở năm bang đã tổ chức bỏ phiếu qua thư, và đang chống lại các biện pháp khác giúp bỏ phiếu dễ dàng hơn trên toàn quốc. Tổng thống Donald Trump gần đây đã phàn nàn rằng mở rộng cách bỏ phiếu như vậy có nghĩa là “bạn sẽ không bao giờ thấy một người Cộng hòa nào được bầu ở đất nước này nữa”. Nhưng ông cũng bỏ phiếu qua thư vào năm 2018.
Các cuộc thi lập trình chống dịch được tổ chức
Với việc phần lớn thế giới phải ở nhà vì phong tỏa, những người muốn làm tình nguyện viên cũng khó có cơ hội tham gia cuộc chiến chống lại covid-19. Tuy nhiên, các lập trình viên không gặp phải khó khăn như vậy. Nhiều người đang tham gia vào các cuộc thi lập trình (được gọi là hackathons) với mục tiêu xây dựng các giải pháp kỹ thuật số để chống lại tác động của đại dịch.
Cuộc thi Hackathon toàn cầu #BuildforCOVID19, được tài trợ bởi Facebook, Microsoft và nhiều công ty công nghệ khác, đã nhận được hơn 1.500 bài tham gia từ các thí sinh ở 175 quốc gia vào tháng trước. Các dự án hàng đầu bao gồm các ứng dụng truy tìm người tiếp xúc gần, các nền tảng sàng lọc triệu chứng trực tuyến và các công cụ giúp giáo viên làm việc tốt hơn với học sinh từ xa. CODE19, một cuộc thi hackathon nhằm mục đích chống dịch ở Ấn Độ, sẽ công bố người chiến thắng trong tháng này. Các đội hàng đầu có thể nhận được khoản tiền đủ lớn để phát triển hơn nữa ý tưởng của họ: cuộc thi hứa hẹn khoản thưởng lên tới 10.000 đô la cho các dự án tốt nhất. Nhiều ý tưởng tốt khác đang được triển khai: ít nhất một chục các hackathon chủ đề covid khác đang được lên lịch.
Bàn ra tán vào (0)
Thế giới hôm nay: 14/04/2020
Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm coronavirus mới trong ngày tăng cao nhất trong hơn một tháng, nhiều người trong số này là các công nhân trở về từ Nga. Sáu mươi người trên chuyến bay từ Moskva đã xét nghiệm dương tính sau khi hạ cánh ở Thượng Hải vào ngày 10 tháng 4. Biên giới đất liền với Nga vẫn đang đóng cửa.
Một số người Tây Ban Nha trở lại làm việc vì chính phủ đã dỡ bỏ các hạn chế đối với các lĩnh vực không tiếp xúc với người dân và không cần thiết. (Các lĩnh vực có tiếp xúc với người dân vẫn đóng cửa; lao động thiết yếu chưa bao giờ ngưng làm việc). Quyết định mở cửa lại đất nước được đưa ra bất chấp những lo ngại từ ủy ban chuyên gia covid-19 của nước này. Song bộ trưởng y tế nói rằng Tây Ban Nha đã qua đỉnh dịch.
Robert Redfield, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, dự đoán đỉnh dịch covid-19 ở Mỹ đang gần kề: “hiện tại chúng ta đang dần ổn định trên toàn quốc”. Ông nói đỉnh dịch thậm chí có thể đến trong tuần này, nhưng cảnh báo về việc vội vàng kết thúc phong tỏa: mở cửa trở lại phải là “một quá trình từng bước, dựa trên dữ liệu”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong bài phát biểu lần thứ ba của ông trên truyền hình quốc gia rằng phong tỏa sẽ tiếp tục cho đến 11 tháng 5. Pháp đã tiến hành phong tỏa chặt chẽ từ 17 tháng 3 sau khi nhiều người ngó lơ các hướng dẫn giãn cách xã hội. Số ca nhiễm covid-19 mới hằng ngày ở Pháp đã giảm, nhưng với hơn 300 trường hợp tử vong mỗi ngày, số người chết đã gần lên tới 14.400.
Bernie Sanders, người vừa rời khỏi cuộc đua giành tấm vé ứng viên tổng thống đảng Dân chủ hồi tuần trước, tuyên bố ủng hộ Joe Biden. Xuất hiện cùng cựu phó tổng thống tại một sự kiện online, thượng nghị sĩ khuynh hướng xã hội từ Vermont kêu gọi những người ủng hộ ông, tất cả các đảng viên Dân chủ và cả “rất nhiều đảng viên Cộng hòa”, ủng hộ đối thủ cũ của ông. Năm 2016, ông Sanders đợi đến tận tháng 7 mới rời khỏi cuộc đua và ủng hộ Hillary Clinton.
SoftBank Group cho biết họ dự đoán Quỹ Tầm nhìn của họ sẽ lỗ 1,8 nghìn tỷ yên (17 tỷ đô la) trong năm tài chính kết thúc vào 31 tháng 3. Thành tích của quỹ công nghệ Nhật Bản này bị đổ lỗi là do “môi trường kinh doanh xấu đi” vì đại dịch coronavirus phá vỡ các thị trường tài chính. Bản thân SoftBank dự báo khoản lỗ hoạt động vượt quá 1,3 nghìn tỷ yên. Hãng này đã kiếm được 2,3 nghìn tỷ yên năm trước đó.
Amazon sẽ tuyển thêm 75.000 công nhân ở Mỹ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng mua sắm tại nhà vì các hạn chế của lệnh phong tỏa. Nhà bán lẻ trực tuyến đã tuyển thêm 100.000 công nhân làm việc tại các kho hàng và làm tài xế giao hàng. Vì hơn 16 triệu người Mỹ đã mất việc trong ba tuần qua, các vị trí tuyển dụng này sẽ sớm được lấp đầy.
TIÊU ĐIỂM
Thỏa thuận lớn của OPEC vẫn bất định
Các nhà sản xuất dầu đạt thỏa thuận hỗ trợ giá dầu lịch sử hôm Chủ nhật, nhưng không rõ liệu họ có thành công hay không. Mỹ đã giúp đàm phán một thỏa thuận giữa OPEC, Nga và các đồng minh khác nhằm giảm sản lượng gần 10 triệu thùng dầu mỗi ngày (khoảng 10% nguồn cung toàn cầu), lần cắt sản lượng tự nguyện lớn nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý hơn nữa, các nhà sản xuất đã đồng ý hạn chế sản lượng trong hai năm.
Tuy nhiên, tác động của thỏa thuận này là không chắc chắn. Covid-19 khiến nhu cầu dầu sụp đổ; nhu cầu dầu thô có thể giảm 20 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 4. Thời hạn thỏa thuận có thể hỗ trợ giá dầu khi nhu cầu tăng, nhưng chỉ khi các nhà sản xuất tuân thủ các điều khoản của nó. Trong quá khứ Nga, Iraq và các nhà sản xuất lớn khác thường xuyên vượt quá hạn ngạch. Các quốc gia khác có thể nổi loạn – việc Mexico miễn cưỡng đồng ý cắt giảm sản lượng suýt nữa đã hoàn toàn làm hỏng thỏa thuận. Những người kì vọng vào giá cao hơn và ổn định sẽ thất vọng.
Gỡ phong tỏa nước Mỹ: Trump đấu với các thống đốc
Hôm nay Donald Trump có kế hoạch công bố danh sách các thành viên tổ chuyên trách “mở cửa lại đất nước” của ông, với nhiệm vụ tư vấn cho ông về cách đưa người Mỹ trở lại làm việc. Ban đầu, ông muốn gỡ phong tỏa vào lễ Phục sinh; chính quyền của ông gần đây xem xét ngày 1 tháng 5. Nhưng các thống đốc và thị trưởng, những người sẽ đưa ra các quyết định trên thực địa, lại thận trọng hơn.
Phil Murphy, thống đốc đảng Dân chủ của New Jersey, cảnh báo việc mở lại vội vàng sẽ chỉ “đổ dầu vào lửa”. Thống đốc đảng Cộng hòa của Maryland Larry Hogan thì cho biết “Ông không thể chọn đại một ngày và bật công tắc trở lại”. Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ liên bang, cũng kêu gọi chú ý cẩn thận đến các điều kiện ở địa phương. Việc mở lại nước Mỹ có thể sẽ chậm rãi, với những nơi có thể đã đạt đỉnh dịch, như New York và Louisiana, xuất hiện dấu hiệu của sự bình thường sớm hơn. Song Mỹ cũng có thể phải trì hoãn việc mở cửa nếu hạn chế được áp đặt trở lại khi có thêm ca nhiễm mới.
Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu ảm đạm của IMF
Hồi tháng 1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng “chậm chạp” 3,3% trong năm nay. Giờ thì ngay cả con số này cũng thật đáng mong ước. Dự báo mới nhất của họ, công bố hôm nay, sẽ còn ảm đạm hơn nhiều, vì nó cho thấy đợt bùng phát coronavirus và phong tỏa lan rộng sẽ tàn phá nền kinh tế thế giới đến đâu. Nhiều chuyên gia dự đoán GDP toàn cầu năm 2020 sẽ suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2009, với suy thoái sâu sắc ở châu Âu và Mỹ.
Tất cả đều mong đợi phục hồi một khi đại dịch kết thúc, song họ bất đồng về thời điểm phục hồi và sản lượng bị mất sẽ được khôi phục lại nhanh như thế nào. Một câu hỏi trọng tâm là liệu các chính phủ đã tung ra đủ kích thích để đảm bảo rằng các doanh nghiệp và người dân có đủ tiền mặt chi tiêu một khi các nền kinh tế mở cửa trở lại hay không. Các nhà quản lý ngân hàng trung ương và các bộ trưởng tài chính sẽ cân nhắc cụ thể điều này khi họ chuẩn bị cho một cuộc họp online của IMF vào tuần này.
Mỹ tranh cãi về việc bỏ phiếu qua bưu điện
Hôm nay, tòa án cao nhất của bang New Mexico sẽ xem xét yêu cầu của các quan chức Dân chủ nhằm biến cuộc bỏ phiếu sơ bộ của bang này vào tháng 6 thành một cuộc bầu cử chỉ qua thư. Họ e ngại tình huống éo le như ở Wisconsin, khi các cử tri hồi tuần trước phải mạo hiểm sức khỏe của mình để đi bầu sau khi Tòa Tối cao bang này từ chối hoãn bỏ phiếu. Các đảng viên Dân chủ ở New Mexico đề xuất chuyển phát đến mỗi cử tri đã đăng ký một lá phiếu.
Những người Cộng hòa ở bang này lại không muốn điều đó, vì lo ngại gian lận. Cuộc tranh luận báo trước một cuộc chiến xoay quanh bỏ phiếu qua thư, mà đảng Cộng hòa ghét cay ghét đắng, trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 này. Họ cho rằng nó có lợi cho đảng Dân chủ, mặc dù có rất ít bằng chứng về điều này ở năm bang đã tổ chức bỏ phiếu qua thư, và đang chống lại các biện pháp khác giúp bỏ phiếu dễ dàng hơn trên toàn quốc. Tổng thống Donald Trump gần đây đã phàn nàn rằng mở rộng cách bỏ phiếu như vậy có nghĩa là “bạn sẽ không bao giờ thấy một người Cộng hòa nào được bầu ở đất nước này nữa”. Nhưng ông cũng bỏ phiếu qua thư vào năm 2018.
Các cuộc thi lập trình chống dịch được tổ chức
Với việc phần lớn thế giới phải ở nhà vì phong tỏa, những người muốn làm tình nguyện viên cũng khó có cơ hội tham gia cuộc chiến chống lại covid-19. Tuy nhiên, các lập trình viên không gặp phải khó khăn như vậy. Nhiều người đang tham gia vào các cuộc thi lập trình (được gọi là hackathons) với mục tiêu xây dựng các giải pháp kỹ thuật số để chống lại tác động của đại dịch.
Cuộc thi Hackathon toàn cầu #BuildforCOVID19, được tài trợ bởi Facebook, Microsoft và nhiều công ty công nghệ khác, đã nhận được hơn 1.500 bài tham gia từ các thí sinh ở 175 quốc gia vào tháng trước. Các dự án hàng đầu bao gồm các ứng dụng truy tìm người tiếp xúc gần, các nền tảng sàng lọc triệu chứng trực tuyến và các công cụ giúp giáo viên làm việc tốt hơn với học sinh từ xa. CODE19, một cuộc thi hackathon nhằm mục đích chống dịch ở Ấn Độ, sẽ công bố người chiến thắng trong tháng này. Các đội hàng đầu có thể nhận được khoản tiền đủ lớn để phát triển hơn nữa ý tưởng của họ: cuộc thi hứa hẹn khoản thưởng lên tới 10.000 đô la cho các dự án tốt nhất. Nhiều ý tưởng tốt khác đang được triển khai: ít nhất một chục các hackathon chủ đề covid khác đang được lên lịch.