Tranh
cử Nghị Viện Châu Âu bước vào giai đoạn cuối và cuộc chiến Ukraina
chống xâm lược Nga là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp. Le Figaro
dành bài xã luận trang nhất cho chủ đề nước Pháp ‘‘lên tuyến đầu’’, sau
quyết định của tổng thống Macron cho phép Ukraina sử dụng vũ khí do Pháp
cung cấp để tấn công một số mục tiêu quân sự trên đất Nga.
Tiếp
theo ngoại trưởng Anh và tổng thư ký NATO, đến lượt tổng thống Pháp
thông báo dỡ bỏ lệnh cấm. Ngay sau tuyên bố được nguyên thủ Pháp đưa ra
trong chuyến công du Đức, tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đưa ra quyết định
‘‘tương tự’’ vào tối hôm qua, 30/05/2024.
Bosnia, bài học đau đớn
Bài
‘‘Macron mở cửa cho phép Kiev tấn công vào đất Nga’’ nhấn mạnh đây là
một quyết định ‘‘muộn màng’’, khi nhắc lại bài học đau đớn trước đây,
khi Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí với ba cộng đồng tham
chiến tại Bosnia những năm 1990.
Vào thời điểm đó, nạn nhân chính
của các trừng phạt là người Bosnia, bị lực lượng Serbia ở Bosnia tấn
công với sự hậu thuẫn của nước Serbia láng giềng, kế thừa kho vũ khí của
Nam Tư cũ. Người Bosnia, về mặt nguyên tắc, được phương Tây bảo trợ,
nhưng lại bị khóa tay vì lệnh cấm vận. Tình hình ngày càng tồi tệ buộc
NATO phải trực tiếp oanh kích quân Serbia tại Bosnia để cứu người
Bosnia.
‘‘Nếu không hành động gấp, phương Tây sẽ buộc phải đưa quân vào Ukraina’’
Theo
Le Figaro, việc không cho phép Ukraina sử dụng các vũ khí được cung cấp
để tự vệ, với việc tấn công vào lãnh thổ quốc gia xâm lược, trong lúc
Matxcơva được Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên hỗ trợ trong cuộc xâm
lăng Ukraina, là điều hoàn toàn ‘‘phi lý’’. Cho đến nay phương Tây vẫn
dè dặt trước quyết định vốn hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế về
chiến tranh này, do lo ngại các phản ứng dữ dội của Nga. Tuy nhiên, thực
tế hơn hai năm chiến tranh cho thấy ‘‘tất cả những lằn ranh đỏ’’, mà
điện Kremlin vạch ra đều lần lượt bị vượt qua, từ việc cấp xe tăng, đến
tên lửa tầm xa, chiến đấu cơ…
Vấn đề chủ yếu hiện nay không còn là
có cho phép Ukraina hay không, mà là phương Tây có kịp giúp ‘‘lấy lại
khoảng thời gian đã mất’’ hay không, như câu hỏi mà một nhà ngoại giao
Hà Lan đặt ra. ‘‘Nếu không hành động khẩn cấp, phương Tây rút cuộc sẽ
buộc phải đưa quân vào Ukraina…’’, Le Figaro nhấn mạnh.
Các đồng minh NATO ‘‘cần mạo hiểm hơn’’
Về
chủ đề này, nhật báo kinh tế Les Echos có bài ‘‘Các đồng minh NATO cần
mạo hiểm hơn trong việc hỗ trợ Ukraina’’, chỉ trích sự chậm trễ trong
việc cung cấp vũ khí cho Kiev, trong đó có kế hoạch cấp đạn pháo. Kế
hoạch mua 800.000 đạn pháo sản xuất bên ngoài châu Âu, mà CH Séc khởi
xướng cách nay ba tháng, tiến triển chậm. Theo người phụ trách, mới chỉ
có 5 nước hoàn tất việc cấp tổng cộng 600 triệu euro, trong lúc hiện
tại, để mua 500.000 trái đạn cần đến 1,7 tỉ euro. Và trong thời gian này
Nga cũng có thể trả giá đắt hơn để tranh mua.
Theo Les Echos, bộ
trưởng các thành viên NATO họp tại Praha, trong hai ngày hôm nay và hôm
qua, cũng bàn về việc chuẩn bị thượng đỉnh hỗ trợ quân sự Ukraina tháng 7
tới, tại Washington. Mục tiêu là đạt được kế hoạch huy động 100 tỉ đô
la hỗ trợ Ukraina trong nhiều năm. Các thành viên NATO nghiêng về khả
năng khâu điều phối hỗ trợ quân sự Ukraina có thể được chuyển giao cho
NATO, thay vì Mỹ hiện nay. Quyết định này, nếu được đưa ra, sẽ có thể
khiến quan hệ NATO và Nga trở nên căng thẳng hơn.
Nước Pháp ‘‘lên tuyến đầu’’: Cần chuẩn bị tâm lý cho người dân
Bài
xã luận của Le Figaro mang tựa đề ‘‘Bên tham chiến” nhắc nhở tổng thống
Macron về việc cần chuẩn bị tâm lý cho người dân Pháp trong tình thế
ngày càng căng thẳng hiện nay, khi nước Pháp ‘‘lên tuyến đầu’’ trong mặt
trận hậu thuẫn Ukraina, và nhà cầm quyền Nga gia tăng cuộc chiến tin
tặc, gieo rắc tin giả, bóp méo thông tin, phá hoại. Các hoạt động gieo
rắc tin giả của Nga cũng là đe dọa với châu Âu nói chung. Libération có
bài phỏng vấn ủy viên châu Âu Vera Jourova, phó chủ tịch Ủy ban phụ
trách về các Giá trị và Minh Bạch, vừa có vòng công du tại Liên Hiệp
Châu Âu nhằm đánh động sự chú ý của các quốc gia thành viên khối 27 nước
về can thiệp nước ngoài, đặc biệt từ Nga, đối với cuộc bầu cử Nghị Viện
Châu Âu từ ngày 6 đến ngày 9/6 tới.
Cơ quan chống tin giả Pháp Viginium, ‘‘hình mẫu’’ cho EU
Ủy
viên châu Âu Vera Jourova nhấn mạnh đến việc điện Kremlin khai thác
những khủng hoảng hiện có của Liên Âu, như nhập cư, biến đổi khí hậu,
tác động tâm lý của biến đổi kỹ thuật số kỳ thị các cộng đồng thiểu số,
đặc biệt là người đồng tính, chuyển giới… Chiến dịch tấn công của Nga là
nhằm ‘‘đổ dầu vào lửa’’ vào những vấn đề được coi là nhạy cảm nhất với
công luận.
Về các biện pháp đối phó của EU, ủy viên châu Âu phụ
trách về chống tin giả nhấn mạnh đến kinh nghiệm của các nước Bắc Âu,
như Phần Lan và ba nước Liên Xô cũ vùng Baltic. Bộ Quốc Phòng các nước
này phối hợp chặt với NATO, đi tiên phong trong việc xây dựng các hệ
thống ‘‘nhận dạng’’ và phản ứng với các hoạt động bóp méo thông tin nước
ngoài. Nước Pháp cũng được khen ngợi là quốc gia duy nhất tại châu Âu,
cùng Thụy Điển, có một cơ quan riêng phụ trách chống can thiệp kỹ thuật
số (Viginum, thành lập năm 2021). Theo vị ủy viên châu Âu này, mô hình
Viginium của Pháp cần được coi là một ‘‘hình mẫu’’ đối với toàn châu Âu.
Sợ hãi, hận thù phổ biến…: Đất tốt cho niềm tin vào lãnh đạo độc tài
‘‘Những
người độc thân, thu nhập thấp, lo hãi về tương lai, luôn cảm thấy bất
an sâu sắc trước thế giới hiện nay’’ là các mục tiêu hàng đầu của các
chiến dịch bóp méo thông tin. ‘‘Một xã hội sống trong sợ hãi, tình cảm
hận thù trở nên phổ biến, sẽ là nơi mà người dân trông đợi các nhà lãnh
đạo độc tài, đưa ra viễn cảnh dùng bàn tay sắt kiểm soát xã hội, và mang
lại an ninh, thịnh vượng’’. Những lãnh đạo đó cũng là những người ‘‘có
liên hệ với Putin’’.
Để hóa giải được tình trạng này, cần phải
chuyển đến những người dân ấy thông tin đáng tin cậy. Cần phải bảo đảm
để xã hội có được các cơ sở truyền thông ‘‘có chất lượng’’, hướng đến
đại chúng. Không thể để giới trẻ tại nhiều nơi ‘‘coi Tiktok là nguồn
thông tin chính’’.
‘‘Chính trị gia xảo quyệt nhất ở châu Âu”
Cuộc
tranh cử Nghị Viện Châu Âu đang bước vào giai đoạn chót. Le Monde chú ý
đến các hoạt động của thủ tướng Ý Giorgia Meloni hồ sơ trang nhất ‘‘Trò
chơi hai mặt của thủ tướng Ý Meloni’’. Nữ thủ tướng Meloni, lãnh đạo
đảng Fratelli d’Italia chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa phát xít, cùng lúc
tìm cách củng cố vị thế tại Bruxelles và tại Roma. Với Liên Âu, kể từ
khi đảm nhiệm chức thủ tướng từ năm 2022, bà Meloni tỏ ra là một ‘‘đối
tác xây dựng’’, ngược hẳn với lập trường đe dọa làm Liên Âu ‘‘sụp đổ’’
cách nay 5 năm. Với trong nước, bà Meloni tìm cách mở rộng liên minh cầm
quyền sang phía cực hữu.
Chiến thuật của thủ tướng Ý dường như
mang lại kết quả. Ngày 23/05 vừa qua, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu mãn nhiệm
Ursula von der Leyen khẳnh định bà Meloni ‘‘rõ ràng là một người thân
châu Âu’’. Một quan chức cao cấp Liên Âu coi Meloni là ‘‘một lãnh đạo
cánh hữu truyền thống’’. Trên thực tế, về những vấn đề không liên quan
đến Liên Hiệp Châu Âu, thủ tướng Meloni tỏ rõ lập trường cực hữu. Cụ thể
như việc ủng hộ việc những người tranh đấu chống nạo phá thai, có mặt
tại các bệnh viện để thuyết phục phụ nữ không dùng các biện pháp ‘‘chấm
dứt thai kỳ’’.
Lãnh đạo đảng cực hữu Pháp Marine Le Pen kêu gọi
thủ tướng Ý liên kết để lập ra một lực lượng chính trị ‘‘lớn thứ hai’’
tại Nghị Viện Châu Âu. Hiện tại, chính trị gia Ý chưa hồi đáp chính
thức. Tuy nhiên, theo dân biểu Sandro Gozi, tổng thư ký đảng Dân Chủ
Châu Âu, chắc chắn hai bên ‘‘đã có các quan hệ mật thiết’’. Chính trị
gia Ý này ví thủ tướng Meloni như ‘‘một kỳ nhông biến hình’’, nhà lãnh
đạo ‘‘xảo quyệt nhất’’ tại châu Âu hiện nay.
Tranh cử cũng cần ăn vận như ca sĩ
Về
chiến dịch tranh cử Nghị Viện Châu Âu, Les Echos dường như lo ngại cho
việc liên đảng cầm quyền không thu hút được sự chú ý của cử tri. Bài
‘‘Valérie Hayer lẽ ra phải ăn vận như ca sĩ Taylor Swift’’ nhận xét :
công luận hiện nay chỉ còn chú ý đến những gì gây sốc, các hình ảnh và
cảm xúc. Trong nền văn minh mang đầy tính trình diễn như hiện nay, để
thu hút công chúng, các chính trị cũng cần chú ý đến các phương tiện như
vậy.
Mỹ cấm nhập Uranium từ Nga: Đích nhắm chính của Mỹ là Trung Quốc
Trong
lĩnh vực kinh tế và chính trị, Les Echos đặc biệt chú ý đến quyết định
ngày 13/05 của Mỹ cấm nhập khẩu từ Nga uranium làm giàu 20%, dùng cho
năng lượng hạt nhân. Nhật báo kinh tế nhấn mạnh : quyết định này không
chỉ làm rung chuyển tận nền móng nền công nghiệp hạt nhân, mà còn xa hơn
thế. Vì sao quyết định này lại có ý nghĩa ghê gớm như vậy ?
Theo
Les Echos, lệnh cấm nhập khẩu đến năm 2040 này là một tín hiệu ‘‘nhắm
đến Trung Quốc nhiều hơn là Nga’’. Cụ thể là Washington sẽ không để cho
Bắc Kinh có thể tiếp tục sử dụng các kim loại hiếm, trong lĩnh vực hạt
nhân cũng như trong ắc quy điện…, như ‘‘các lá bài’’. Chiến tranh kim
loại hiếm cũng là một hồ sơ trang nhất của Le Monde hôm nay.
Châu Âu : Tương lai ô tô điện bị đe dọa
Về
xe ô tô điện, châu Âu đang trong một giai đoạn bản lề. ‘‘Tương lai xe ô
tô chạy bằng xăng – điện tại châu Âu bị đe dọa’’ là hồ sơ trang nhất
của Les Echos. Xã luận Les Echos về chủ đề ‘‘Xe ô tô chạy điện : Tự vệ
hay suy sụp’’ cho biết EU đang đứng trước lựa chọn lùi một bước để tiếp
tục tiến lên, hay tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, bằng cách tăng thuế để
chống lại việc xe ô tô điện giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường
châu Âu. Quyết định về vấn đề hệ trọng này rút cục sẽ được đưa ra sau
cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu đầu tháng 6 tới.
Pháp: Nhiều nữ luật sư bị sa thải vì có thai
Nhật
báo thiên tả Libération hôm nay dành trang nhất và xã luận cho chủ đề
các nữ luật sư tại Pháp gặp khó khăn trong nghề khi sinh con.Libération
có phóng sự điều tra về tình trạng nhiều nữ luật sư làm việc tại các văn
phòng luật bị ‘‘gạt sang lề, bạo hành, sa thải, hay buộc phải từ
nhiệm…, sau khi họ thông báo có mang’’. Xã luận Libération, nhan đề
‘‘Bất công’’ châm biếm khi ví tình cảnh các nữ luật sư bị kỳ thị tại
Pháp với cảnh ngộ của phụ nữ dưới chế độ Taliban ở Afghanistan.
Hành trình khổ ải của công dân Pháp đi đòi lại quốc tịch
Cũng
Libération dành một hồ sơ chính cho trường hợp hai anh em, công dân
Pháp, bố mẹ là công dân Pháp, đột nhiên bị mất ‘‘quốc tịch’’. Kể từ năm
2016 đến nay, hai anh em Alexandre, 32 tuổi và Céline, 27 tuổi tranh đấu
không ngừng để được công nhận trở lại là người Pháp. Các luật sư cho
biết, lý do mà chính quyền đưa ra để giải thích việc tước quốc tịch là
giấy khai sinh của hai đương sự, làm tại nước ngoài, bị nghi ngờ là
không chuẩn.
Tai họa bất ngờ ập xuống đầu hai công dân Pháp khiến
không ít người nghĩ đến thân phận nhỏ bé của con người đối diện với một
cỗ máy hành chính không lồ phi nhân trong thế giới tiểu thuyết bằng
tiếng Đức của đại văn hào đầu thế kỷ 20 Franz Kafka (1883 – 1924), người
Do Thái, sinh quán tại Praha (CH Séc hiện nay), thuộc đế quốc Áo -
Hung.
Thế giới phi lý tột cùng của Kafka: 100 năm sau vẫn còn ám ảnh
Phụ
trương Sách của Le Monde hôm nay dành chủ đề chính cho đại văn hào
Kafka nhân 100 năm ngày ông qua đời. Theo Le Monde, 100 năm sau khi mất,
Kafka – tác giả của tiểu thuyết Vụ án (Der Prozess) - tiếp tục
là nhà văn đương đại. Tiểu thuyết gia thành Praha là một biểu tượng đối
với không ít thanh thiếu niên thế hệ Z, từ những người đang ở độ tuổi
từ 12 đến 25.
Trên các mạng Instagram hay TikTok, hàng loạt hình
ảnh được giới trẻ sử dụng để bày tỏ thái độ lên án những gì phi lý, phi
nhân, một cách nhìn mang đậm chất Kafka. Một thanh niên đưa lên mạng bức
tranh một côn trùng nhìn vào chiếc điện thoại, với chú thích : ‘‘Tôi,
kẻ hàng ngày đang hấp thu những điều phi lý’’..., chiếc bánh gatô mừng
sinh nhật của một thiếu niên 16 tuổi mang hình tượng Kafka...
Truyện
của Kafkaz được nhiều người ví như ‘‘chiếc rìu phá tan biển băng đá
trong mỗi con người’’, ''Không chắc là tất cả những người trẻ dẫn Kafka
trên các mạng xã hội đã đọc ông, nhưng rõ ràng chỉ việc dẫn lại ông tự
nó đã có ý nghĩa''.
Một bộ phim về người tàn tật: Thành công lớn của điện ảnh Pháp
Bài
xã luận của La Croix hôm nay dành để giới thiệu về bộ phim “Un p’tit
truc’’. Với gần 5 triệu khán giả sau một tháng công chiếu, bộ phim kể về
tình đoàn kết tại một trại nghỉ hè cho người trưởng thành tàn tật, được
coi là thành công lớn nhất của điện ảnh tại Pháp từ đầu năm đến nay.