Hai
công nhân ô tô da trắng đã dùng gậy bóng chày đánh chết ông Vincent
Chin, người Mỹ gốc Hoa, 27 tuổi trong bữa tiệc sắp thành hôn của ông ở
Detroit năm 1982, nhưng tiếng kêu đòi công lý của những người thân yêu
của ông đã bị bỏ ngoài tai.
Mười hai ngày trôi qua trước khi bất
kỳ phương tiện truyền thông nào đưa tin về vụ giết ông Chin bởi những
người đổ lỗi cho các nhà sản xuất châu Á về sự sụp đổ của ngành công
nghiệp ô tô trụ cột của thành phố, và không ai thừa nhận hành vi phân
biệt chủng tộc trong vụ giết ông vào thời điểm đó. Các bị cáo nhận tội
giết người không cố ý và bị kết án 3 năm quản chế. Thẩm phán tiểu bang
Charles Kaufman lý luận, “Đây không phải là loại đàn ông mà bạn tống vào
tù.”
Sự bất công đã thúc đẩy người Mỹ gốc Á đoàn kết giữa các sắc
tộc và văn hóa. Hàng trăm người phản đối kết quả của phiên tòa ở trung
tâm thành phố Detroit. Mẹ của ông Chin đã đi khắp đất nước để chia sẻ
câu chuyện của ông và thúc đẩy truy tố dân quyền liên bang.
Hơn
bốn thập niên sau, các nhà hoạt động vẫn đấu tranh để đảm bảo ông Chin
không bị lãng quên, nói rằng câu chuyện của ông đã truyền cảm hứng cho
những người ủng hộ trên toàn quốc. Sinh viên luật diễn lại phiên tòa xét
xử ông, Hollywood đã chuyển thể câu chuyện của ông thành phim và người
Mỹ gốc Á nhớ lại tác động của việc ông bị giết đối với cuộc đấu tranh vì
công lý và bình đẳng chủng tộc của họ.
Nhà văn và nhà làm phim
Curtis Chin nói: “Đối với cả một thế hệ các nhà hoạt động người Mỹ gốc
Á, vụ án Vincent Chin là vụ án khiến họ phải tham gia”. Ông nói thêm:
“Đó là việc khiến họ ngồi lại với nhau.”
Một hợp ca của tiếng nói người Mỹ gốc Á
Sau
khi thẩm phán tha cho những kẻ giết ông Vincent Chin, ông Curtis Chin -
khi đó 14 tuổi - đã chộp lấy chiếc máy đánh chữ của cha mẹ và viết
những lá thư phẫn nộ cho các biên tập viên báo chí. Ông đã tìm thấy sự
kêu gọi của mình.
Thay vì tiếp nhận nhà hàng Trung Quốc của gia
đình mình, ông Curtis Chin - người không có quan hệ họ hàng với người
đàn ông bị sát hại vào ngày 23 tháng 6 năm 1982 - đã dành 30 năm tiếp
theo để nâng cao tiếng nói của người Mỹ gốc Á, đồng thời kể lại câu
chuyện của ông Vincent Chin và nạn phân biệt chủng tộc ở Detroit những
năm 1980.
Đối với bà Helen Zia, một nhà hoạt động người Mỹ gốc Á
chuyển đến Detroit vào những năm 1970, vụ án của ông Chin đã phơi bày
những bất công rõ ràng mà cộng đồng của bà phải đối mặt.
Không có
bất kỳ tổ chức địa phương nào ủng hộ quyền công dân của người Mỹ gốc Á,
bà Zia đồng sáng lập Công dân vì Công lý Hoa Kỳ, giúp đảm bảo một phiên
tòa liên bang chống lại những kẻ giết ông Chin. Một người được trắng án
vì vi phạm dân quyền và người còn lại bị kết án 25 năm tù giam. Bản án
của ông ta đã bị đảo ngược khi kháng cáo.
Vào ngày 20 tháng 6, FBI
đã công bố một hồ sơ dài 602 trang về cái chết của ông Chin, tiết lộ
các cuộc phỏng vấn nhân chứng chưa được công bố trước đó kèm theo mô tả
về những khoảnh khắc cuối cùng của ông và những lời lẽ miệt thị người
châu Á mà những kẻ tấn công ông đã sử dụng, cùng với các chi tiết khác.
Các nhà hoạt động đã nói với tờ Detroit Free Press loan tin đầu tiên về
các tài liệu của FBI, rằng họ không được thông báo về hồ sơ và cơ quan
này không đưa ra lý do công bố nó.
Năm ngoái, bà Zia đã thành lập Viện Vincent Chin, một tổ chức vận động nhằm chống lại sự căm thù đối với người Mỹ gốc Á.
Vụ
án của ông Chin đã có tác động vượt ra ngoài phạm vi vận động chính
sách. Các sinh viên tại Trường Luật Harvard đã tái diễn các phiên tòa
xét xử những kẻ tấn công ông để nêu bật những thiếu sót trong hệ thống
pháp luật. Và vụ giết ông đã truyền cảm hứng cho các bộ phim tài liệu,
podcast và bộ phim “Ai đã giết Vincent Chin?”
Ông Vincent Chin là
nạn nhân của bạo lực chủng tộc, tàn bạo, nhưng từ thảm kịch đó đã nổi
lên “một hợp ca của những tiếng nói người Mỹ gốc Á,” ông Curtis Chin
nói.
Công việc đáng kể phía trước
Những công nhân ô tô tấn công ông Chin đổ lỗi cho các nhà sản xuất ô tô nước ngoài về những khó khăn trong ngành ô tô Hoa Kỳ.
Bà
Cynthia Choi, người đồng sáng lập tổ chức (Ngưng Thù hận người Mỹ gốc Á
và các Đảo Thái Bình Dương) Stop AAPI Hate, cho biết nỗi sợ hãi về mối
đe dọa kinh tế nước ngoài này tương đồng với “sự cuồng loạn chống Trung
Quốc và sự đổ lỗi” hiện đại, đồng thời chỉ ra các cuộc tấn công nhằm vào
người châu Á bởi những người cáo buộc họ có tội trong đại dịch
COVID-19.
Bà Choi nói: “Điều khác biệt đối với cộng đồng của chúng tôi ngày nay là chúng tôi đang lên tiếng mạnh mẽ.”
Được
thành lập vào năm 2020, tổ chức Stop AAPI Hate ủng hộ việc thay đổi
chính sách và thu thập dữ liệu toàn diện về các hành vi thù hận chống
lại người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương trên toàn quốc,
bao gồm lạm dụng bằng lời nói và thể chất cũng như phân biệt đối xử
trong kinh doanh và giáo dục.
Bà Choi nói: “Gần 50% người Mỹ gốc Á
và người dân các đảo Thái Bình Dương cho biết họ đã trải qua một số
hình thức căm thù dựa trên chủng tộc trong năm qua”.
Những người ủng hộ nói rằng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Không
có lịch sử toàn diện về người Mỹ gốc Á nào được đưa vào chương trình
giảng dạy cốt lõi cho hệ thống K-12. Khi được yêu cầu nêu tên một người
Mỹ gốc Á nổi bật trong một cuộc khảo sát gần đây, hầu hết người Mỹ đều
trả lời “Tôi không thể nghĩ ra ai” hoặc tài tử Thành Long, người không
phải là người Mỹ.
Bà Zia nói: “Chúng tôi thậm chí không tồn tại
đối với hầu hết người Mỹ,” đồng thời trích dẫn việc thiếu tầm nhìn như
một động lực chính dẫn đến việc duy trì định kiến về người Mỹ gốc Á.
Ông
John Yang, chủ tịch và giám đốc điều hành của Tổ chức Thăng tiến Công
lý cho người Mỹ gốc Á - AAJC, nhấn mạnh tác hại của những định kiến.
Ông
Yang nói: “Xét về cơ hội việc làm, chúng tôi được xếp vào nhóm người
nước ngoài vĩnh viễn”. “Người Mỹ gốc Á không được thăng tiến cùng một tỉ
lệ. Chúng tôi không được ở cấp giám đốc điều hành. Chúng tôi không ở
trong Hồi đồng quản trị như cách những người Mỹ khác làm.”
Sự phân
biệt đối xử cũng mở rộng sang lĩnh vực nhà ở. Viện Đô thị, một tổ chức
nghiên cứu kinh tế và chính sách, phúc trình rằng người mua nhà người Mỹ
gốc Á nhìn chung có ít hơn 18,8% số tài sản so với người mua da trắng.
Định kiến về người Mỹ gốc Á như là mẫu thiểu số đưa đến việc những người
ủng hộ nhà ở công bằng loại trừ người Mỹ gốc Á khỏi nỗ lực của họ.
Ông
Yang nói: “Mọi người đều lo lắng về việc liệu một người Mỹ gốc Á có
thực sự là người Mỹ hay không và vì vậy họ không được chỉ cho xem những
ngôi nhà giống nhau”. “Họ không được trao cho cùng một cơ hội.”
Đứng trên vai những người khổng lồ
Vào
ngày Chủ nhật 30/6, hàng chục người dân đứng cúi đầu bên dưới cổng Khu
Phố Tàu của Boston để tưởng nhớ ông Chin. Mặc áo phông có dòng chữ
“NGƯNG THÙ GHÉT NGƯỜI CHÂU Á”, họ xếp những ngọn nến thành hình trái tim
và trưng bày một bức chân dung của ông Chin có viết tên ông bằng tiếng
Trung Hoa và “18/5/1955 – 23/6/1982.”
Ông Wilson Lee, người đồng
sáng lập Liên minh Công dân Mỹ gốc Hoa Boston Lodge và Sáng hội Di sản
Người Mỹ gốc Hoa, cho biết ông và vợ tổ chức một buổi cầu nguyện cho ông
Chin vào ngày 23 tháng 6 hàng năm trong sáu năm. Ngay cả sự chú ý của
truyền thông đã phai nhoà, sự nhiệt tâm của họ đối với ký ức về ông Chin
vẫn không lay chuyển.
Ông Lee nói: “Chúng tôi sẽ theo đuổi nó
trong một thời gian dài vì đó là điều đúng đắn nên làm chứ không phải vì
đó là điều phổ biến”.
Một nhóm các quan chức địa phương đã tham
gia lễ tưởng niệm, cũng như 16 học sinh tiểu học và trung học người Mỹ
gốc Á mà ông Lee mô tả là “các bên liên quan”. Họ ôm hoa huệ màu cam và
hoa màu vàng ép vào ngực.
Ông Lee nói: “Chúng ta cần đảm bảo rằng
các thế hệ tương lai, đặc biệt là thế hệ trẻ của chúng ta, biết về trải
nghiệm mà ông ấy đã trải qua”. Các em đang đứng trên vai của những người
khổng lồ, và ông Vincent Chin là một người khổng lồ.”