Pháp chủ động hay bị cuốn vào cuộc chiến Đông Dương ?
Le Figaro cuối tuần khi đề cập đến việc gởi quân sang Ukraina, có bài viết phân tích « Đôi khi Pháp tham chiến mà không thực sự muốn như thế nào ».
Tờ báo lược lại lịch sử từ Đệ nhất tới Đệ nhị Thế chiến, và chiến tranh
Đông Dương, Algérie. Ở đây chúng tôi xin đề cập đến phần liên quan tới
Việt Nam.
Le Figaro đặt câu hỏi : Chiến tranh Đông Dương
(1946-1954) nổ ra là do Paris chủ động hay chỉ thụ động ? Không dễ trả
lời, vì tình hình năm 1945-1946 phức tạp và nhập nhằng. Từ khi Đức xâm
chiếm Pháp tháng 5-6/1940, Đông Dương đang có 40.000 người Pháp sống rải
rác ở Nam Kỳ (Cochinchine), Trung Kỳ (Annam), Bắc Kỳ (Tonkin), Cam Bốt
và Lào hoàn toàn bị cắt đứt khỏi mẫu quốc, không thể chống chọi với
Nhật. Toàn quyền Decoux trung thành với chính phủ Vichy - hợp tác với
phe Trục - chấp nhận cho quân Nhật sử dụng sử dụng các cảng cho chiến
tranh.
Nhưng ngày 09/03/1945, sau khi Mỹ tái chiếm Manila, Nhật
bất ngờ tấn công lính Pháp, sát hại tù nhân và thường dân, cầm tù nhiều
người Pháp. Việt Minh nhân cơ hội đó giành chính quyền ở Hà Nội ngày
20/08 – năm ngày sau khi Nhật hoàng Hiro-Hito tuyên bố đầu hàng. Khi đó
Việt Minh có sự ủng hộ của Mỹ, vì tổng thống Roosevelt không ưa chính
sách thuộc địa và coi Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo dân tộc. Theo hiệp
ước Potsdam mà Pháp không được tham gia, quân Trung Hoa tiến vào Bắc Kỳ
và cướp phá, còn quân Anh đến Nam Kỳ.
Cơ hội một Việt Nam độc lập không cộng sản bị bỏ lỡ ?
Tháng
9/1945, Pháp và Anh kiểm soát được Saigon nhưng khoảng 300 người Pháp
và chừng ấy người Việt thân Pháp bị Việt Minh giết hại. Tướng Leclerc
thương lượng được việc quân Trung Hoa rút khỏi Bắc Kỳ, khiến Hồ Chí Minh
thích chí vì từ nhiều thế kỷ qua Trung Hoa vẫn coi Việt Nam là chư hầu.
Các thỏa ước tạm thời với Việt Minh được thông qua ngày 06/03/1946,
trong khi chính trường ở Paris đã thay đổi. Hồ Chí Minh đến
Fontainebleau để đàm phán với chính phủ Georges Bidault (Dân chủ Cơ đốc)
và bộ trưởng Marius Moutet (đảng Xã hội) nhưng thất bại.
Ông Hồ
đòi thống nhất ba kỳ dưới quyền lãnh đạo của mình, còn Paris muốn trao
quyền tự trị một phần nhưng vẫn thuộc Pháp. Từ đầu cuộc chiến, các chính
phủ Pháp hy vọng vào thương lượng để rút đi một cách danh dự, nhưng vẫn
bác bỏ quyết định duy nhất có thể làm hài lòng Hồ Chí Minh. Sau chiến
thắng của Mao năm 1949 và khởi đầu chiến tranh Triều Tiên, tướng De
Lattre, tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông bênh vực chủ
trương một nước Việt Nam độc lập và tự do, đối mặt với chủ nghĩa toàn
trị. Nhưng Paris chưa bao giờ có cái nhìn rõ ràng về tương quan lực
lượng và tình hình ở Đông Dương. Ngày 19/12/1946 Hồ Chí Minh ra lệnh
tổng khởi nghĩa.
Các chính phủ Pháp trong năm 1946, lần lượt được
điều hành bởi các chính khách đảng Xã hội Félix Gouin, Georges Bidault
và Léon Blum, có biết rằng đang dấn vào một cuộc chiến tranh thay vì
chiến dịch « duy trì trật tự » như chữ dùng thời đó ? Họ có biết Việt
Minh không đơn giản là một phong trào dân tộc chủ nghĩa, mà là một tổ
chức chính trị quân sự muốn thành lập một Nhà nước cộng sản, tiêu diệt
tất cả lực lượng đối lập hay không ?
Cơn khát quyền lực của Tập Cận Bình làm hại kinh tế Trung Quốc
Cũng tại châu Á, The Economist nhận định « Cơn khát quyền lực của Tập Cận Bình làm tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc »,
và kỳ họp Quốc Hội chỉ nhằm nhấn mạnh đến quyền uy của ông Tập. Thủ
tướng Lý Cường (Li Qiang) đọc báo cáo một cách lạnh lùng, với giọng điệu
biện hộ, khác hẳn với những người tiền nhiệm. Ông không hứa hẹn gì với
nhiều triệu người đã trả tiền mua nhà nhưng không được giao, không an ủi
các công ty bị thiệt hại vì ba năm phong tỏa, nhưng dành thì giờ để ca
ngợi sự lãnh đạo của Tập Cận Bình.
Đảng dành nguồn lực khổng lồ để
giám sát dư luận, và các thủ tướng thường được một ít tự do để trưng ra
bộ mặt nhân văn của quan chức cao cấp. Ông Lý Khắc Cường (Li Ke Qiang)
và trước đó là Ôn Gia Bảo (Wen Jia Bao) từng đến thăm những nơi bị thiên
tai, và đôi khi tỏ ý tiếc khi chính sách của chính phủ bị thất bại. Dù
« Ôn gia gia » có khi hứa mà không thực hiện, công chúng vẫn có cảm tình
với họ. Trung Quốc đang bị khủng hoảng lòng tin, nhưng giới chóp bu
không muốn nhìn nhận.
Tuần báo nhận thấy chính trị Trung Quốc đang
mịt mờ hơn bao giờ hết, nhưng thông điệp thực sự thì không thể nhầm
lẫn: kinh tế đang suy yếu, quyền lực tập trung vào tay Tập Cận Bình và
ông ta đang nhất quyết lao vào cuộc chiến tranh lạnh với Mỹ. Nhiều người
dân bình thường lo rằng con tàu đang chệch hướng, nhưng trong bão tố ai
dám tranh cãi với người cầm lái vĩ đại ?
Giới trẻ Hoa lục bi quan hơn các thế hệ trước
Cũng về Trung Quốc, trả lời L’Express, ông Hạng Tiêu (Xiang Biao), giám đốc Viện Max-Planck ở Hà Lan nhận xét « Thanh niên Trung Quốc bây giờ bi quan hơn trước rất nhiều ».Tình
trạng kinh tế chậm lại ảnh hưởng đến giới trẻ nặng nề hơn so với những
lớp trước. Những người này đã được hưởng lợi từ 40 năm tăng trưởng nhanh
chóng của Trung Quốc, sở hữu nhà cửa, có tiền tiết kiệm.
Lớp trẻ
có học hiện nay lớn lên với những kỳ vọng lớn lao về tương lai, khoảng
cách với thực tế khiến họ khó thể chịu đựng. Có ít việc làm hơn, ít cơ
hội thăng tiến, và với những ai tìm được việc, điều kiện khó khăn hơn
rất nhiều vì phải cạnh tranh dữ dội. Những ai sống trong các thành phố
lớn, thích đi du lịch và hưởng lương cao ở Bắc Kinh, Thượng Hải phải từ
bỏ giấc mơ ; nhưng nhờ cha mẹ giúp đỡ nên có thể từ chối những công việc
như giao hàng ; người nghèo thì làm mọi cách để kiếm sống. Nhưng bối
cảnh kinh tế ảnh hưởng đến tâm lý mọi tầng lớp xã hội. Thế nên dẫn đến
số đám cưới giảm sút, số trẻ em sinh ra, lượng mua nhà đều giảm.
Đại
dịch Covid là yếu tố quan trọng. Giới trẻ nhận ra họ hoàn toàn không có
tự do, đôi khi cư dân cả một tòa nhà bị bắt đi cách ly chỉ vì một ca
tiếp xúc. Cuộc khủng hoảng địa ốc cũng tạo tác động lớn : xưa kia người
ta làm việc cật lực để mua được nhà, lập gia đình và sinh con. Nhưng nay
sở hữu nhà trở thành vô nghĩa vì sụt giá, người trẻ chọn ở chung với
cha mẹ, giải thoát khỏi áp lực trả nợ, một số chọn « thảng bình » - nằm
dài không làm gì cả. Thái độ này rất xa với « giấc mơ Trung Hoa » của
Tập Cận Bình, trở thành đại cường quân sự, kinh tế đối với họ chẳng
nghĩa lý gì.
Ukraina chuyển sang phòng ngự, hỏa lực là yếu tố quyết định
Về cuộc chiến tranh ở Ukraina, L’Express phân tích « Chiến lược của Kiev để tìm được sức sống lần thứ hai ».
Sau thất bại của cuộc phản công, quân đội Ukraina chuyển sang phòng
thủ, và chiến lược này chỉ có thể thành công với viện trợ của phương
Tây. Ở giai đoạn này, chừng như không thể có được những cuộc tấn công
quy mô.
Trong khi quân Nga ồ ạt đổ vào Avdiivka, Ukraina lo tăng
cường các tuyến phòng thủ nơi các mặt trận khác, cố gắng bê-tông hóa
chiến hào để rút ngắn chênh lệch với Nga và giảm thiểu thiệt hại về
người. Chiến lược phòng thủ chiều sâu này là cách tốt nhất để tìm lại
một sức bật mới. Theo chuyên gia Thibault Fouillet, năm 2024 là năm
dưỡng sức và tăng cường lực lượng trước khi dấn lên trong năm 2025.
Thách thức đầu tiên là nhân lực, khi đã có 450.000 quân Nga trên lãnh
thổ Ukraina bị chiếm đóng.
Chuyên gia Michel Goya, cựu đại tá thủy
quân lục chiến cho biết, trong hai năm qua, lục quân Ukraina đã tăng
gấp đôi quân số, từ khoảng 30 lữ đoàn nay là 65 lữ đoàn. Military
Balance 2024 ước tính quân đội Ukraina có khoảng 500.000 đến 800.000
quân nhân. Nhu cầu lính mới cần đi kèm với huấn luyện. Ông Goya nhấn
mạnh, nghề nghiệp lính chiến đòi hỏi nhiều tháng học hỏi để làm việc
được trong nhóm tác chiến, thích ứng với thực địa, kể cả phương diện tâm
lý.
Hòa đàm không thể có trước 2026
Tướng
Richoux nhận thấy trong năm 2022, người Ukraina đã có sự linh hoạt
chiến thuật rất ấn tượng, giúp khai thác điểm yếu của địch và nắm bắt cơ
hội. Cụ thể là chiến dịch tái chiếm Kharkiv và Kherson đã thành công
rực rỡ. Để giành lại 20 % lãnh thổ đang bị quân Nga chiếm đóng, quân đội
Ukraina chưa bao giờ cần đến hỏa lực như thế. Viện Nghiên cứu Chiến
tranh (ISW) nhận định Ukraina cần 75.000 đến 90.000 quả đạn một tháng để
phòng ngự, và số lượng gấp đôi – 200.000 đến 250.000 quả nếu tấn công.
Trong
khi chờ đợi, Kiev cần tiếp tục tấn công sâu vào phía Nga. Với các hỏa
tiễn tầm xa và drone hải chiến, trong bố tháng qua Ukraina đã phá hủy
được 20 % Hạm đội Hắc Hải, khiến hải quân Nga phải dời các tàu ra xa căn
cứ Sébastopol ở Crimée. Cuộc chiến tranh tiêu hao chưa hẳn có lợi cho
Matxcơva. Một báo cáo của Royal United Services Institute đánh giá, đến
một lúc nào đó Kiev có thể khiến quân đội Nga gây chịu mức độ tổn thương
cao hơn khả năng gầy dựng lại về người và vũ khí. Khi năng lực chiến
đấu giảm mạnh, Nga sẽ phải thương lượng thực sự với các điều kiện thuận
lợi cho Ukraina. Nhưng không thể trước năm 2026.
Ba nhân vật CH Séc đứng sau thương vụ đạn pháo cho Kiev
Courrier International
thông báo một tin vui : Cộng hòa Séc đã gom được đủ tiền để mua lô đầu
tiên 300.000 quả đạn pháo cho Kiev.Trang web Aktualne.cz được Courrier International trích dịch nhận định việc cung cấp đạn pháo cho Ukraina là « điều tốt đẹp nhất » mà đất nước này đã làm được từ 20 năm qua. Vào lúc sắp đến kỷ niệm 20 năm gia nhập Liên Hiệp Châu Âu ngày 01/05, đây là « thành công ngoại giao rực rỡ nhất » kể từ khi là thành viên của NATO và EU.
Giữa
tháng Hai, tổng thống Petr Pavel đã gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người
ở hội nghị Munich khi loan báo Praha đã tìm được nguồn cung 800.000 quả
đạn pháo ở nhiều nơi trên thế giới có thể được giao trong « vài tuần
lễ ». Chưa đầy ba tuần sau đã có tiến triển tốt đẹp : 18 quốc gia hứa
đóng góp đủ số tiền cần thiết trong đó có Pháp dù lâu nay tổng thống
Macron không muốn mua vũ khí ngoài châu Âu.
Tuần báo Respekt tiết
lộ ba nhân vật của Cộng hòa Séc đã bí mật tìm kiếm đạn dược cho Kiev,
là ủy viên chính phủ về tái thiết Ukraina, giám đốc cơ quan hợp tác quốc
phòng, cố vấn thủ tướng về an ninh quốc gia. Họ được sự hỗ trợ của
nhiều công ty vũ khí tư nhân trong nước. Vốn có truyền thống xuất khẩu
từ thời Tiệp Khắc, các công ty tư này có quan hệ tốt đẹp với nhiều nhà
sản xuất trên thế giới.
Transnistria : Kịch bản với Moldova cũng giống Ukraina ?
Nhắc đến hợp tác an ninh Pháp- Moldova, L’Obs đặt vấn đề « Chết cho Chisinau chăng ? ».
Gót giày đinh của quân Nga đang tiến gần châu Âu : chính quyền
Transnistria, vùng ly khai thân Nga của Moldova có 469.000 dân hầu hết
nói tiếng Nga, vừa yêu cầu Matxcơva « bảo vệ ». « Tổng thống » tự phong
Vadim Krasnosselski nói rằng đang chịu đựng « chính sách diệt chủng »,
sau khi Moldova áp thuế hải quan lên hàng nhập khẩu ; và ngoại giao Nga
vội vàng khẳng định ưu tiên « hỗ trợ » cư dân Transnistria. Giống y như
kịch bản đã sử dụng năm 2014 rồi 2022 để xâm lăng Ukraina !
Transnistria,
lãnh thổ không được quốc tế nhìn nhận, là một bảo tàng xô-viết với hình
ảnh búa liềm khắp nơi, những bức tượng Lênin và dùng chữ Nga. Tất nhiên
Nga khó thể chiếm Transnistria vì không có biên giới chung, quân Nga
dừng chân ở Kherson cách đó 200 kilomet. Nhưng Douma có thể công nhận
Transnistria độc lập để làm săng-ta với Moldova vào thời điểm bầu cử
tháng 11, khi nữ tổng thống Maia Sandu tranh cử nhiệm kỳ hai với mong
muốn đất nước được gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU). Cũng như hồi 2008,
lúc đó Medvedev công nhận độc lập hai vùng ly khai của Gruzia là Nam
Ossetia và Abkhazia.
Nhà độc tài ở điện Kremlin đã mất bình tĩnh
Xã luận của Le Point chơi chữ « Putin, sự bất lực nguyên tử » - chữ
« puissance », để chỉ « cường quốc » bị thay bằng « impuissant » tức «
bất lực ». Việc Vladimir Putin lại dùng nguyên tử để dọa nạt là dấu hiệu
không thể lầm lẫn : nhà độc tài ở điện Kremlin đã mất bình tĩnh !
Bắt
đầu là việc sát hại nhà đối lập số một, dù Alexei Navalny đã bị nhốt kỹ
trong nhà tù Bắc Cực. Putin cũng cấm Boris Nadejdine, một người ít ai
biết đến ra tranh cử. Vào lúc khởi đầu năm thứ ba của cuộc chiến mà ông
ta khởi động ở Ukraina, đó không phải là hành động của một nhà lãnh đạo
tự tin. Vladimir Putin hiểu rằng mặc dù chiếm được một vài điểm - với
tốc độ tính theo milimét – không thể thắng nổi nếu không quân sự hóa xã
hội, và công dân Nga phải hy sinh nhiều hơn nữa. Thế nhưng hôm 01/03
nhiều ngàn người Nga đã đến tiễn biệt Navalny, bất chấp những rủi ro
phải gánh chịu.
Putin đổ một số tiền kỷ lục vào quân đội, hiện chiếm một phần ba ngân sách liên bang. Le Point
nhắc lại, lần cuối cùng Kremlin chi quốc phòng nhiều như vậy là hồi năm
1990, tức một năm trước khi Liên Xô sụp đổ. Việc động viên thêm quân
được dời lại sau kỳ bầu cử tổng thống. Dù đã tại vị gần 25 năm, Putin
vẫn cần tự tạo cho mình tính chính danh. Năm 2018, tỉ lệ chính thức là
76,7 % số phiếu với 67,5 % cử tri đi bầu. Cần phải lấp đầy một số lớn
thùng phiếu trong năm nay để tạo ấn tượng là người dân ủng hộ mạnh mẽ.
Châu Âu và năng lực răn đe nguyên tử
Việc tổng thống Nga hôm 29/02 không ngần ngại đe dọa dùng bóng ma nguyên tử « hủy diệt nền văn minh »,
đòi hỏi phương Tây phải tỏ ra « máu lạnh » và kiên quyết ủng hộ
Ukraina. Thế nhưng viện trợ vẫn đang bị Quốc Hội Hoa Kỳ chặn lại, các
nước châu Âu lo sợ không còn chiếc dù Mỹ che chở, bất đồng giữa Pháp và
Đức khiến giúp Nga tha hồ tuyên truyền là phương Tây yếu kém và chia rẽ.
Thay
vì tranh cãi, cần nghĩ đến việc mang lại tầm vóc châu Âu cho năng lực
răn đe nguyên tử của Pháp. Tại Đức, tranh luận về tự chủ hạt nhân đang
mạnh mẽ nhất kể từ những năm 50, còn tại Ba Lan, tân ngoại trưởng
Radoslaw Sikorski thậm chí còn muốn nhiều nước châu Âu sở hữu vũ khí
nguyên tử. Theo Le Point, trước một Putin đang hy vọng vào sự
chán nản của đồng minh để nuốt trọn Ukraina, cần noi gương những người
biểu tình can đảm ở Nga đã bỏ qua lệnh cấm của Kremlin, đi dự tang lễ
Navalny. Không có cách nào khác để hạ gục chủ nghĩa đế quốc Putin, cho
dù là bằng nguyên tử.
Người đàn ông Hà Lan có cả ngàn « hậu duệ »
Trang bìa các tuần báo kỳ này được dành cho những chủ đề khác nhau. Le Point tập trung cho thủ lãnh trẻ tuổi của đảng cực hữu Pháp Jordan Bardella, L’Express tiết lộ « Bí mật của những địa điểm quyền lực » nước Pháp, L’Obs nói về địa ốc đang trong khủng hoảng. Courrier International nhìn sang Trung Đông với « Những lá thư từ Palestine », còn The Economist tự hỏi « Ai có thể làm đảo lộn cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ? »
Trên lãnh vực xã hội, đặc phái viên Le Point
phỏng vấn Jonathan Meijer, người đàn ông Hà Lan có ít nhất 550 đứa con
nhờ hiến tinh dịch. Bị Hà Lan cho vào danh sách đen, anh ta lại tiếp tục
đi hiến tinh nơi những nước khác như Đan Mạch, Ukraina, Bỉ, Pháp… Ngày
28/04/2023 Meijer bị tòa án La Haye cấm đăng bài trên các trang web
chuyên về hiến tinh. Luật sư Mark de Hek nói rằng vụ này tạo ra án lệ để
có thể truy tố những « kẻ hiến tinh hàng loạt ».
Xì-căng-đan này
gây rúng động vì Hà Lan là một nước chỉ có 12 triệu dân, nguy cơ đồng
huyết rất lớn : với 200 trẻ cho mỗi người hiến, tỉ lệ này là 0,2 %. Một
số chuyên gia ước tính, sau 14 năm hiến tinh như Meijer, số trẻ sinh ra
từ 800 đến 1.000. Những trẻ em này khi trưởng thành sẽ phải sống với
« lưỡi gươm Damolès » trên đầu. Một nữ giáo viên khi tham dự một cuộc
gặp gỡ giữa các gia đình cùng hoàn cảnh, cho biết cảm giác kinh hoàng
khi thấy khoảng 60 đứa trẻ giống hệt nhau, cứ như trong một bộ phim khoa
học giả tưởng.