Trên
báo Le Croix, chuyên gia François Godement nhận xét Tập Cận Bình là nhà
độc tài mưu mô. Ông ta nhiều lần dối trá, như khẳng định sẽ không quân
sự hóa Biển Đông. Tập cũng rất cơ hội, có thể quay ngoắt 180 độ. Cứng
rắn về chiến lược và khôn khéo về chiến thuật, Tập Cận Bình khó thể bị
sập bẫy. Nhà phân tích Nicolas Baverez cảnh báo, tham vọng của chủ tịch
Trung Quốc không dừng lại ở Đài Loan.
Thách thức lớn cho Lý Cường, tay chân trung thành của ông Tập
Le Figaro cho
rằng tân thủ tướng Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng
giảm sút, trong bối cảnh đang căng thẳng với Washington. Xuất thân từ
Chiết Giang, Lý Cường (Li Qiang) vốn là chánh văn phòng của Tập Cận Bình
khi ông Tập là bí thư của tỉnh duyên hải giàu có vào đầu những năm
2000. Sự gần gũi này giúp ông bước lên ngôi cao hai mươi năm sau.
Lý
Cường đã chứng tỏ lòng trung thành khi ông ta cho phong tỏa ngặt nghèo
Thượng Hải theo lệnh Tập Cận Bình, bất chấp sự phản đối của dân chúng.
Nhà chính trị học Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin) nhận xét, với tư cách bí
thư thành ủy một đại đô thị lớn nhất nước, Lý Cường có đôi chút độc lập
nhưng ông ta đã tuân phục. « Đó là đặc trưng của tân chính phủ ». Ông Trần lo lắng : « Ê-kíp mới lệ thuộc hoàn toàn vào ý muốn của ông Tập, chính quyền trở thành cơ quan thi hành mệnh lệnh ».
John Delury, nhà Trung Quốc học của đại học Yonsei ở Séoul nhận xét : «
Chế độ cố gắng giới thiệu Lý Cường như một nhà cải cách, để đối phó với
những lo ngại trong những tháng vừa qua. Nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận
Bình bắt đầu một cách khó khăn ». Thời gian không còn nhiều đối với
Lý Cường, bản thân ông nhìn nhận khó thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 5
% trong năm 2023. Ông Delury cho rằng ông Tập có thể giao nhiệm vụ cải
cách kinh tế cho tân thủ tướng. Nếu thành công, cả hai đều có lợi, nhưng
nếu thất bại, Lý Cường sẽ lãnh đủ.
Tập Cận Bình nham hiểm hơn Vladimir Putin
Về việc Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực chưa từng thấy kể từ thời Mao, chuyên gia François Godement trên La Croix lưu
ý quyền hành của ông Tập là từ đảng chứ không phải chức chủ tịch nước,
dù vừa được ngồi tiếp nhiệm kỳ thứ ba. Tập Cận Bình là nhà độc tài cực
kỳ quỷ quyệt. Ông ta nhiều lần dối trá với các đối tác nước ngoài nhất
là Mỹ, như việc khẳng định sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Tập cũng rất
cơ hội, có thể quay ngoắt 180 độ như vụ xử lý Covid. Cứng rắn về chiến
lược và khôn khéo về chiến thuật, Tập Cận Bình khó thể sập bẫy, khác với
Saddam Hussein hay Vladimir Putin. Theo giáo sư Godement, cần phải cảnh
giác với Bắc Kinh vì Tập vô cùng thâm hiểm, ông ta biết cách hoãn lại
hoặc tránh một cuộc xung đột nếu tự thấy không thể thắng được đối thủ.
Nhìn rộng ra thế giới trên bình diện địa chính trị, « Các nền dân chủ liệu có trang bị để đối phó với các đế chế độc tài ? ». Le Figaro
lược trích một số đoạn trong tác phẩm mới nhất của tác giả Nicolas
Baverez để đi tìm câu trả lời. Theo ông, tham vọng của Tập Cận Bình
không dừng lại ở Đài Loan, cũng như nước Nga của Vladimir Putin ở
Ukraina. Các quốc gia dân chủ phải biết bảo vệ lợi ích của mình, không
thể ngây thơ như khi giúp Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế
giới (WTO). Châu Âu cần rút ra bài học từ những sai lầm quá khứ : thương
mại không mua được hòa bình, mà còn có thể trở thành vũ khí chiến
tranh, như khí đốt trong cuộc xâm lăng Ukraina.
Bắc Kinh luôn lăm le soán ngôi Mỹ
Trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro đặt vấn đề « Nếu rốt cuộc Trung Quốc không vượt qua được Hoa Kỳ ? ».
Nhiều nhà kinh tế cho tới gần đây vẫn cho rằng đến cuối thập niên này,
Bắc Kinh sẽ qua mặt Washington về tổng sản phẩm nội địa (GDP). Tuy nhiên
khủng hoảng Covid đã làm thay đổi đồ thị tăng trưởng, thời điểm Hoa Kỳ
bị rơi khỏi chiếc bệ đã ngự trị từ hơn một thế kỷ qua, đã lùi xa.
Trong
thập niên 70, giải Nobel kinh tế Mỹ Paul Samuelson dự báo Liên Xô sẽ
bắt kịp Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ. Nhưng rốt cuộc Liên Xô sụp đổ, và nước
Nga ngày nay có GDP chỉ bằng 1/10 Mỹ. Sau đó đến « hiểm họa da vàng »,
người ta nói rằng Nhật Bản sẽ vượt Mỹ vào cuối thập niên 90. Tuy nhiên
bong bóng tài chính bị vỡ, khiến xứ sở mặt trời mọc bị suy trầm kéo dài.
Những thập niên gần đây, Trung Quốc trỗi dậy. Chưa đầy hai thế hệ, một
quốc gia nông nghiệp nghèo biến thành công xưởng thế giới. Tập Cận Bình
khẳng định đến 2035, GDP của Trung Quốc sẽ lên đến 29.000 tỉ đô la, cao
hơn Hoa Kỳ.
Ở
đất nước Chú Sam, chặn bước Trung Quốc là chủ đề được cả Dân Chủ và
Cộng Hòa nhất trí. Từ Barack Obama với TPP, đến Donald Trump áp đặt thuế
nhập khẩu rồi Joe Biden tiếp tục một loạt biện pháp như Chips
Act. Nhưng chính Tập Cận Bình đã tự hại mình bằng « zero Covid ». Một
phần năm thanh niên thành thị thất nghiệp, địa ốc khủng hoảng, nợ công
và tư lên đến 275 % GDP, dân số sút giảm … chưa kể nguy cơ gây chiến với
Đài Loan. Thị trường Hoa lục khổng lồ vẫn thu hút, nhưng nếu một ngày
nào đó Trung Quốc soán được ngôi vị của Hoa Kỳ cũng sẽ không ngồi được
lâu : Ấn Độ đến 2075 có thể đạt GDP cao nhất thế giới.
Đối lập Nga chiến đấu bên cạnh Kiev
Liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraina, Le Monde cho
biết những người đối lập với Vladimir Putin thuộc cánh tả hay cực hữu
đã đứng về phía Kiev, và bắt đầu tập hợp xung quanh Ilia Ponomarev, một
cựu dân biểu Nga. Năm nay 47 tuổi, Ponomarev, là dân biểu duy nhất bỏ
phiếu chống việc sáp nhập Crimée hồi năm 2014. Không chịu nổi những sách
nhiễu của Matxcơva, ông sống lưu vong tại Hoa Kỳ và nay tại Ukraina,
cho biết muốn « tiêu diệt đế chế Nga và trừ khử Putin ». Alexei Baranovski, nhà báo kiêm luật sư cùng làm việc với ông thì nói về giấc mơ một « Kremlin bốc cháy ». Họ muốn xây dựng một quân đội lưu vong và một phong trào du kích trên đất Nga.
Phong
trào nổi dậy Nga chính thức khai sinh ngày 31/08/2022, vào dịp ký kết «
Tuyên bố Irpine », tập hợp binh đoàn « Nước Nga Tự Do » gồm các tình
nguyện quân tham gia lực lượng vũ trang Ukraina, và « Quân đội Cộng hòa
Quốc gia » (NRA), một mạng lưới bí mật ở Nga. Hai nhóm vũ trang này chấp
nhận Ilia Ponomarev làm điều phối viên chính trị cho họ. Nhóm thứ ba,
« Quân đoàn tình nguyện Nga » (RDK) hôm đó cũng hiện diện nhưng rốt cuộc
muốn độc lập.
Sau
khi Putin xâm lăng Ukraina, Ponomarev đóng vai phát ngôn viên của
« Quân đội Cộng hòa Quốc gia » đầy bí ẩn, đưa ra những thông cáo khó thể
kiểm chứng về những vụ tấn công vào các trung tâm tuyển mộ, đường sắt,
cả vụ ám sát nhân vật cực hữu Daria Douguina ở khu vực Matxcơva. Có quan
điểm trung tả, Ilia Ponomarev không lập đảng chính trị nhưng có tham
vọng tập hợp rộng rãi những người đối lập với Vladimir Putin, kết hợp
lại bằng đấu tranh vũ trang.
Sát cánh với Ukraina « cho đến ngày chiến thắng »
Tuy
giữ khoảng cách với nhà đối lập đang bị cầm tù Alexei Navalny - chủ
trương biểu tình ôn hòa - Ponomarev khẳng định có đối thoại với các
khuôn mặt chống Putin khác như Mikhail Khodorkovski hay Gary Kasparov.
Dù đều đồng ý là nước Nga phải dân chủ hóa, nhưng Khodorkovski không
muốn tỏ ra quá gần gũi với Ukraina, còn Kasparov chống lại vũ lực ; cả
hai không ký vào Tuyên bố trên.
Tính
chính danh của Ponomarev có được là nhờ được chọn là thủ lãnh chính trị
của « Nước Nga Tự Do ». Thành lập vào tháng 3/2022 sau khi Nga xâm lăng
Ukraina, được lãnh đạo bởi « Legat », một nhân vật chưa bao giờ xuất
hiện trước công chúng, binh đoàn này có bốn tiểu đoàn quân tình nguyện
với khoảng 1.000 chiến binh - theo Ponomarev, chiến đấu trong lực lượng
chí nguyện quân quốc tế của Ukraina. Đó là những công dân Nga sống tại
Ukraina trước chiến tranh, hoặc lính Nga đào ngũ khỏi chiến trường, hay
những người bí mật từ Nga đến cách đây một năm. Trong tháng này, « Nước
Nga Tự Do » bị « Quân đội Cộng hòa Quốc gia » qua mặt với một hoạt động
gây tiếng vang tại làng biên giới Lioubiétchané thuộc vùng Briansk của
Nga.
Alexei Baranovski nói, mục tiêu là gây ra những cuộc nổi dậy vũ trang tại Nga và về lâu về dài, « chúng tôi muốn hỗ trợ các chiến hữu Ukraina cho đến ngày chiến thắng, rồi tiếp tục chiến đấu ở Nga ».
Khi đó Ukraina trở thành hậu cứ của họ. Điều chắc chắn nhất theo
Baranovski, là nếu Ukraina hoàn toàn được giải phóng, các tình nguyện
quân Nga sẽ lập tức rời khỏi lực lượng vũ trang Ukraina. « Chính phủ
Kiev sẽ không đi xa hơn biên giới năm 1991. Ngược lại một số chiến hữu
Ukraina có thể đi theo chúng tôi với tư cách quân tình nguyện. Bởi vì,
sau cuộc chiến tranh này, họ có lý do để nhìn thấy điện Kremlin bốc
cháy ».
Thụy Sĩ « trung lập » phá bỏ vũ khí phòng không thay vì giao cho Ukraina
Cũng liên quan đến Ukraina, thông tín viên Le Monde
tại Genève cho biết một thông tin gây sốc : chính phủ Thụy Sĩ biến các
giàn hỏa tiễn phòng không thành sắt vụn thay vì trao cho Kiev. Tờ báo
mỉa mai : Thụy Sĩ còn nhất quyết không giúp đỡ Ukraina về quân sự, ngay
cả một cách gián tiếp, cho đến chừng nào ?
Từ
đầu cuộc xâm lăng, Berne đã gây phẫn nộ cho các đối tác châu Âu như
Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch khi cấm các nước này chuyển giao cho Kiev các
loại đạn dược đã bán. Một giai đoạn mới của chủ trương bất hợp tác đã
được vượt qua hôm Chủ nhật 12/03. Báo NZZ am Sonntag tiết lộ
Berne sắp sửa phế thải 60 giàn hỏa tiễn địa-không Rapier do Anh sản xuất
trong thập niên 60. Thụy Sĩ mua 60 giàn năm 1980 và nhiều lần hiện đại
hóa, chỉ xếp vào kho từ cuối năm 2022. Một số giàn đã bị tháo dỡ, và sắp
tới thêm ba giàn Radier nữa.
Chuyên
gia Peter Schneider nhấn mạnh những giàn hỏa tiễn này tuy cũ nhưng vẫn
dùng được. Anh quốc đã sử dụng Radier để bảo vệ Thế vận hội Luân Đôn năm
2012. Vũ khí này có thể chống lại các loại drone, trực thăng và cả
chiến đấu cơ. Nhưng chúng sẽ không bao giờ được dùng để bảo vệ bầu trời
Ukraina ! Nhiều dân biểu Thụy Sĩ choáng váng khi biết tin này. Nhất là
Rapier do Anh sản xuất chứ không phải Thụy Sĩ, không lệ thuộc vào luật
cấm xuất khẩu thiết bị quân sự sang những nước đang trong chiến tranh.
Nhưng tổng thống thuộc đảng xã hội của Thụy Sĩ vẫn khăng khăng bảo vệ
chủ trương « trung lập » mà các đối tác chỉ trích là được diễn dịch một
cách cứng nhắc.
Bóng ma Lehman lởn vởn quanh SVB
Trên lãnh vực tài chánh, Les Echos
nhận thấy sự sụp đổ của Silicon Valley Bank gợi nhớ vụ ngân hàng Lehman
Brothers phá sản. Hai câu chuyện rất khác nhau, nhưng những rủi ro vẫn
còn đó. Hôm thứ Sáu 10/03/2023, Silicon Valley Bank (SVB) bị chính quyền
Mỹ đóng cửa sau vụ « bank run » (hoảng loạn rút tiền) lớn nhất lịch sử.
Khách hàng muốn rút lại 42 tỉ đô la ký gởi chỉ trong vòng một ngày.
Chủ nhật 12/03, Quỹ Dự trữ Liên bang (FED) thông báo « bảo vệ toàn bộ những người gởi tiền » -
điều cốt yếu cho các khách hàng của SVB trong đó 97 % vượt mức 250.000
đô la tiền gởi được Federal Deposit Insurance Corporation bảo hiểm.
Nhưng bóng ma Lehman vẫn ám ảnh thị trường tài chánh, trong khi Silicon
Valley Bank hoàn toàn trái ngược với Lehman Brothers.
SVB
là ngân hàng thương mại địa phương, còn Lehman là ngân hàng đầu tư quốc
tế. Trụ sở SVB ở Santa Clara chỉ là một tòa nhà hai tầng khiêm tốn, còn
Lehman chiếm hẳn một tòa nhà chọc trời 38 tầng ở Manhattan. Vấn đề cũng
rất khác nhau. Lehman bị phá sản vì đổ tiền cho vay quá nhiều vào tín
dụng địa ốc đầy rủi ro, cú sốc là khủng khiếp vì liên hệ đến nhiều ngân
hàng lớn khác. Ngược lại SVB thiệt hại không phải vì đầu tư vào những
tích sản rủi ro, mà vào trái phiếu nhà nước Mỹ vốn chắc chắn nhất, và
vào trái phiếu địa ốc có thể bán lại bất kỳ lúc nào. Nhưng FED bỗng tăng
lãi suất khiến SVB khi bán ra trái phiếu đã bị thiệt 1,8 tỉ đô la.
SVB
ngưng hoạt động không tạo ra nguy cơ trực tiếp như Lehman Brothers,
nhưng có những rủi ro gián tiếp. Chẳng hạn thân chủ của các ngân hàng
nhỏ lo sợ, có thể chuyển tài khoản sang những ngân hàng lớn được giám
sát và bảo vệ kỹ hơn. Chính để tránh luồng tiền rời đi hàng loạt mà Mỹ
quyết định bảo vệ người gởi tiền vào SVB (và cả Signature Bank, một ngân
hàng rất tích cực trong lãnh vực tiền kỹ thuật số, đóng cửa ngày
12/03).