Brick
Lane của London, nổi tiếng với nghệ thuật đường phố, dường như là nơi
diễn ra cuộc đối đầu mới nhất giữa những người ủng hộ dân chủ và người
Trung Quốc trung thành với sự cai trị của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Cuối
tuần qua, các dòng chữ Trung Quốc lớn màu đỏ được vẽ trên nền trắng, ca
ngợi “các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi”, những tình cảm được người
tiền nhiệm của ông Tập, ông Hồ Cẩm Đào, lần đầu tiên bày tỏ và được Đảng
Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đi theo.
Phần lớn dòng chữ này bị các
dòng chữ chống ĐCSTQ viết đè lên, và một sinh viên Trung Quốc dẫn đầu
những người ủng hộ khẩu hiệu ca ngợi “các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt
lõi” nói rằng anh nhận được những lời dọa giết.
Sáng sớm ngày 5/8,
người ta quét vôi một phần của bức tường nghệ thuật đường phố đó rồi
phun sơn các dòng chữ tiếng Hoa gồm “Dân chủ”, “Văn minh”, “Tự do”,
“Bình đẳng”, “Công lý” và “Pháp quyền”.
Khi các khẩu hiệu thu hút
những bình luận tiêu cực trên mạng, mọi người kéo nhau đến Brick Lane để
vẽ những bình luận chỉ trích Bắc Kinh như “Tự do cho người Uighur” và
“Tự do cho Tây Tạng”. Có những dòng chữ đề cập đến vụ thảm sát đẫm máu
trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Khi Đài Tiếng nói Hoa Kỳ
đến thăm địa điểm này vào chiều ngày 7/8, chỉ còn lại từ “Thân thiện”
trên tường, những dòng chữ khác bị che lấp bởi các khẩu hiệu nhắm mục
tiêu ĐCSTQ.
Không rõ liệu những người vẽ các khẩu hiệu ban đầu là nghiêm túc hay mỉa mai.
Ông
Wang Hanzheng, một sinh viên Đại học Nghệ thuật Hoàng gia ký tên tác
phẩm của mình là Yi Que, đặt tên cho tác phẩm trên tường ca ngợi “các
giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” là “Các giá trị cốt lõi xã hội chủ
nghĩa của Đông London” và cho biết các khẩu hiệu này “không mang thông
điệp chính trị hùng hồn”.
“Tôi muốn xem các giá trị cốt lõi của
chủ nghĩa xã hội có thể mang lại tác động khác như thế nào cho Brick
Lane, nơi từ lâu đã được coi là biểu tượng và thương mại hóa như một
không gian của tự do. Tôi muốn khám phá một cách mới để thương mại hóa
tác phẩm nghệ thuật,” ông nói.
Một điểm gây tranh cãi là liệu việc
ông Yi Que phủ sơn trắng lên nhiều tác phẩm của người khác có hợp lý
hay không, mặc dù các tác phẩm nghệ thuật trên tường ở đây thường được
thay thế bằng những tác phẩm mới vài tuần một lần.
Ông Yi Que đã đưa ra một tuyên bố vào chiều 7/8, nói rằng ông “không có quan điểm chính trị.”
Ông
cho biết tác phẩm này nhằm mục đích kích động các cuộc thảo luận và nó
thể hiện những mâu thuẫn phát sinh từ hai quan điểm cực đoan. Ông nói
rằng ông yêu Trung Quốc, nhưng ông cũng có quyền phản ánh về đất nước
này thông qua nghệ thuật.
Ông bảo vệ việc làm của mình và cho biết
nhóm của ông đã tham khảo ý kiến của các nghệ sĩ nghệ thật tranh đường
phố địa phương trước khi quét vôi bức tường và các nghệ sĩ đó không ngại
tác phẩm của họ bị che phủ.
Ông Yi Que cũng cho biết ông và nhóm
của mình đang phải đối mặt với lời dọa giết và bắt nạt trên mạng. Thông
tin cá nhân của ông và của cha mẹ ông đã bị đưa lên mạng.
“Cha mẹ
tôi đã già rồi. Tôi cầu xin bạn không làm điều này. Tôi rất lo lắng về
sự an toàn của họ. Một số tài khoản mạng xã hội của tôi đã bị hạn chế,
nhưng tại thời điểm này, tôi không thể im lặng hay lùi bước. Tôi thực sự
không muốn ảnh hưởng đến gia đình và bạn bè của mình. Tôi sẵn sàng gánh
chịu mọi nghi ngờ và hậu quả”, ông nói. “Đồng thời, tôi hy vọng mọi
người từ mọi tầng lớp xã hội và các học giả có thể giúp đỡ. Tôi đang kẹt
giữa cuộc truy bức khốc liệt,” ông nói.
Khu vực bị quét vôi trắng
có tác phẩm tưởng nhớ đến một nghệ sĩ đường phố nổi tiếng, Marty, được
vẽ bởi họa sĩ bạn của ông, Benzi Brofman.
Trên Instagram, ông Brofman nói việc tác phẩm của ông bị sơn chồng lên là một phần của văn hóa nghệ thuật đường phố.
Ông
Brofman nói với VOA hôm 6/8 rằng ông đang tập trung tạo ra tác phẩm
nghệ thuật mới và ngày 7/8 cũng là sinh nhật của ông; do đó, ông “không
muốn lãng phí thời gian và sức lực vào vấn đề này.”
“Tâm trí của
tôi đặt vào các dự án nghệ thuật trong tương lai của mình, hy vọng sẽ
mang lại niềm vui và sự thoải mái cho mọi người,” ông nói.
Trong
một cuộc phỏng vấn với đài VOA, họa sĩ biếm họa chính trị Trung Quốc
Badiucao sống ở Úc đã gọi tác phẩm Yi Que là “một tác phẩm thô thiển.”
Ông
Badiucao nói, bất kể ông Yi Que đang cố tỏ ra yêu nước hay châm biếm,
cái giá phải trả đè lên vai các nghệ sĩ đường phố địa phương, những
người đã nỗ lực hàng tuần, thậm chí hàng tháng cho tác phẩm của họ.
“Một
số người có thể hỏi, graffiti chẳng phải là tự do ngôn luận sao? Chẳng
phải tất cả các tác phẩm nghệ thuật cuối cùng cũng bị sơn đè lên bởi
những cái mới hay sao? Đúng vậy, nghệ thuật đường phố giống như một vòng
quay ngựa gỗ, nhưng các nghệ sĩ đường phố không ngẫu hứng vẽ đè lên các
tác phẩm khác,” ông nói. “Thông thường, chúng tôi chỉ vẽ đè lên các tác
phẩm cũ hoặc những tác phẩm được xem là bị hư hỏng nặng. Đối với những
tác phẩm mới, đặc biệt là những tác phẩm có ý nghĩa kỷ niệm, các nghệ sĩ
thường tôn trọng.”
Ông Badiucao nói: “Có lẽ trong mắt nhiều người, hành động này đã tạo ra hàng nghìn làn sóng và do đó là một thành công.”
“Nó
đã mang lại cho hầu hết mọi người những gì họ muốn – ông Yi Que đã trở
nên nổi tiếng nhờ cảnh tượng này, những người yêu nước ‘theo chủ nghĩa
dân tộc’ tự hào vì khẩu hiệu của họ được nhìn thấy ở trung tâm London,
những người bất đồng chính kiến có bằng chứng vạch trần mối đe dọa của
Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quyền tự do ngôn luận.
“Tuy
nhiên, sau sự hỗn loạn, chính các nghệ sĩ địa phương phải trả giá. Họ
miễn cưỡng nhận lấy cái giá của sự táo bạo công khai này,” ông Badiucao
nói.