L’Express tuần này nói về tình trạng nhập cư, Le Point
quan tâm đến vấn đề tình dục của giới trẻ. Courrier International nêu
ra khía cạnh đạo đức của nỗ lực tái sinh một số loài đã tuyệt chủng. Hồ
sơ của L’Obs được dành cho việc « Tái vũ trang của thế giới », còn The Economist đăng ảnh trang nhất một bàn tay giơ cao mang hai màu xanh vàng - màu cờ Ukraina – với dòng tít lớn « Ukraina phản công ». Đây cũng là chủ đề nóng nhất trên trang web của các tuần báo.
Thủ lãnh Wagner : Số thương vong của Ukraina do Matxcơva công bố là « hoang đường »
The Economist nhận định cuộc phản công đang được tiến hành, và khoảng thời gian vài tuần tới là rất quan trọng.Ukraina
đã có những hoạt động dọc theo 1.000 kilomet chiến tuyến để thăm dò
những điểm yếu của phía Nga. Và nay trắc nghiệm khả năng phòng thủ của
địch với cường độ chưa từng thấy kể từ nhiều tháng qua, với một loạt tấn
công ở miền đông và miền nam.
Một
blogger quân sự Nga hôm 08/06 đã báo động là lực lượng Ukraina đánh vào
Zaporijia. Trước tiên là pháo kích ồ ạt, rồi xe tăng tiến vào. Có đến
bốn đoàn xe gồm 120 thiết giáp, mỗi đoàn được mười mấy xe tăng dẫn đầu,
tiến từ Orikhiv đến Tokmak, một thị trấn nằm trên dải đất chiếm đóng nối
với Crimée. Cuộc tấn công trong đêm ở Zaporijia là một cột mốc quan
trọng cho quân đội Ukraina kể từ đầu cuộc chiến : tiến đánh quy mô vào
ban đêm, từ hai hướng.
Những
dấu hiệu đầu tiên được nhận thấy từ ngày 04/06, khi nhiều lữ đoàn
Ukraina tiến về phía Velyka Novosilka đến Novodonetske, những ngôi làng
nằm gần Vuhledar đang bị Nga chiếm. Theo chuyên gia Rob Lee của King’s
College ở Luân Đôn, khu vực này quân Nga khá yếu vì đã bị thiệt hại nặng
vào mùa xuân, và một số đơn vị đã được điều đến Bakhmut. Việc tấn công
vào Tokmak và gần Vuhledar đe dọa không chỉ Melitopol mà cả những thành
phố cảng Berdyansk, Mariupol nằm xa hơn ở miền nam, phía Biển Azov. Nếu
xuyên thủng được hàng phòng ngự dày đặc của Nga, có hy vọng cắt đứt được
cây cầu trên bộ này.
Nga
nói rằng đã đẩy lùi được cuộc tấn công gần Vuhledar, phía Ukraina có
đến 3.715 chiến binh thương vong. Không chỉ Kiev, mà cả thủ lãnh Wagner
Evgueni Prigojine cũng bác bỏ, nói rằng con số này là « khoa học giả tưởng hoang đường và phi lý ».
Phương Tây nhận định Ukraina có được những tiến triển cho dù các video
cho thấy giao tranh rất ác liệt. Chuyên gia John Helin của Black Bird
Group cho biết Ukraina đã chiếm được những điểm cao ở Storozheve, tạo
thuận lợi để đánh tiếp, cầm chân được hai sư đoàn cơ giới của Nga.
Quân
Nga được bố trí theo hình lưỡi liềm từ Kherson ở miền nam tới Luhansk ở
đông bắc, và cả hai đầu đều phải đối phó với những cuộc tấn công của
Ukraina. Hơn nữa Matxcơva còn bị phân tâm trước những vụ xâm nhập của
các lực lượng người Nga lưu vong tại Belgorod, hôm 05/06 một đại tá Nga
đã tử thương.
Nếu miền đông bị chiếm lại, mục tiêu « giải phóng » của Putin tan tành
Trong
khi đó giao tranh vẫn chưa ngưng tại Bakhmut và ở Soledar - nằm phía
bắc thành phố này, cho thấy quân Nga có thể bị Ukraina bao vây. Nếu Kiev
giành lại được Bakhmut, sẽ xóa sạch kết quả khả dĩ duy nhất của Nga
trong năm ngoái. Một bước tiến lớn hơn quanh Donbass cũng giúp Ukraina
tái chiếm lãnh thổ đã mất năm 2014. Đó sẽ là nỗi nhục cho Nga, mục tiêu «
giải phóng » miền đông coi như tiêu tan.
Tổng
hợp những diễn biến trên đây cho thấy sau nhiều tuần chuẩn bị chiến
trường bằng pháo và những hoạt động khác, cuộc phản công đã bắt đầu một
giai đoạn mới quyết liệt hơn. Dữ liệu hồng ngoại từ những ngọn lửa do
pháo kích và ném bom gây ra cho thấy ngày 06/06 là một trong những ngày
giao tranh ác liệt nhất kể từ đầu cuộc chiến, với hầu hết đám cháy là từ
khu vực do Nga kiểm soát. Tình trạng mù mờ về lực lượng và những hướng
tấn công chính cho thấy Kiev đã thành công trong việc giữ bí mật kế
hoạch.
Một
trong số 9 lữ đoàn được phương Tây giúp huấn luyện là lữ đoàn 37 có thể
đã tham gia gần Vuhledar, vì có sự xuất hiện của các xe tăng hạng nhẹ
Pháp AMX-10RC và xe chống mìn Mastiff của Anh. Trên lý thuyết, chừng đó
là đủ xuyên thủng phòng tuyến nhiều lớp của Nga dọc theo một chiến tuyến
khoảng 20 kilomet.
Ukraina
cần tập trung quân mà không bị phát hiện, đồng bộ hóa vũ khí, phối hợp
các binh chủng, và bảo đảm được rằng một lực lượng được huấn luyện tương
đối sơ sài vẫn can đảm tiến tới trước bão lửa tuy có nguy cơ bị thiệt
hại nặng. Như vậy, quân Nga kém tinh thần, mệt mỏi có thể không giữ được
những phòng tuyến dù kiên cố. Gây sốc, tốc độ và bất ngờ là rất quan
trọng. Một lợi thế nữa của Ukraina là thông thạo đường đi nước bước,
trái với quân xâm lược.
Kiev chọn ngày đồng minh đổ bộ Normandie để mở màn chiến dịch ?
Trả lời tuần báo L’Obs, cựu trung tá Pháp Guillaume Ancel, chủ một blog quân sự cũng có cùng nhận định : « Cuộc phản công của Ukraina đã bắt đầu, và việc đập Kakhovka bị nổ là dấu hiệu ». Theo
ông, hai sự kiện rõ ràng có liên hệ trực tiếp với nhau. Dường như người
Ukraina có ý tìm một thời điểm mang tính biểu tượng. Đợt phản công rất
được chờ đợi bắt đầu từ thứ Ba 06/06, ngày kỷ niệm lần thứ 79 cuộc đổ bộ
Normandie.
Việc
Nga cho nổ tung đập Kakhovka vào rạng sáng có thể là phản ứng trước áp
lực mạnh từ Ukraina. Nước lụt làm ngưng mọi khả năng tấn công trong
vùng, không phải canh giữ 200 kilomet chiến tuyến, có thể rút lập tức
các đơn vị ở phía nam sông Dniepr để bổ sung cho các mặt trận khác. Cho
đến nay, Ukraina thường xuyên xâm nhập, dựa vào các ốc đảo giữa dòng
sông để quấy nhiễu quân Nga. Gây ra thảm họa này, Nga làm cả vùng bị bao
phủ một lớp bùn khoảng 1,5 mét, không thể vượt qua trong hai, ba tuần
lễ.
Đó
là một hành động khá tuyệt vọng của quân Nga để câu giờ, vì một phần
tuyến phòng thủ của họ cũng bị chìm ngập, chứng tỏ đã bị rối loạn vì
cuộc phản công. Vladimir Putin tìm cách gây ấn tượng mạnh, gởi thông
điệp cho Ukraina và phương Tây : « Tôi sẵn sàng làm những chuyện khủng khiếp nếu cuộc phản công không dừng lại ».
Đã 15 tháng qua ông ta dùng bóng ma hạt nhân để đe dọa, nhưng không còn
ai sợ nữa : nếu Nga tấn công nguyên tử, NATO sẽ quyết định tiêu diệt
toàn bộ số quân Nga tại Ukraina. Theo ông Guillaume Ancel, Putin khó thể
tiếp tục dọa dẫm bằng loại vũ khí này, nhưng vẫn có thể gây ra thảm
họa.
Những vũ khí mới phương Tây đã xuất hiện ngoài mặt trận
Mọi
người đều nghĩ đến nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia. Người ta biết
rằng đập Kakhovka bị vỡ do bị nổ bên trong, một công trình kiên cố như
vậy cần đến nhiều tấn chất nổ mới phá được, chứ không thể dùng đặc công
mang lựu đạn đến tấn công. Chỉ riêng Nga mới có phương tiện và động cơ
để làm việc này. Đáng ngạc nhiên là phương Tây chỉ phản ứng chừng mực,
trong khi có những dữ liệu địa chấn và hình ảnh vệ tinh, có thể là muốn
tỏ ra đứng ngoài chiến dịch của Kiev.
Chuyên
gia Pháp cho rằng Ukraina đang chịu thiệt hại, nhưng đó là bình thường
vì vấp phải sự kháng cự của những đơn vị tinh nhuệ nhất của địch bố trí ở
tuyến đầu. Năm 1944, những ngày đầu của cuộc đổ bộ còn khó khăn hơn
nhiều, đẫm máu hơn cho phe Đồng minh. Quân Nga có hẳn một năm rưỡi để
gài mìn khắp nơi và có pháo binh rất mạnh. Hiện Ukraina đang phải lùi
lại ở một số điểm, nhưng một khi đột phá được, sẽ làm phía Nga phải rúng
động. The Economist và L’Express đều nhận thấy Kiev
đã điều một số vũ khí nặng được viện trợ như xe tăng Leopard 2 và AMX-10
RC, lâu nay chưa hề sử dụng kể cả trong trận đánh Bakhmut, để dành cho
cuộc phản công này.
Lực
lượng Ukraina không được không quân yểm trợ vì Nga đã bố trí các hỏa
tiễn địa-không trên toàn chiến tuyến, phi cơ, trực thăng không thể đến
gần mà chỉ đánh vào hậu cứ, sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow và hệ thống
định hướng JDAM. Do đắt tiền, Kiev đang tiết kiệm, chủ yếu dùng Himars.
Phương Tây hy vọng một khi quân Nga rối loạn sẽ nhanh chóng tan hàng,
nhưng cũng có thể kéo dài nhiều tuần lễ. Sẽ diễn ra một loạt tấn công và
phản công nên không thể nói về thành công hay thất bại trong lúc này.
Ngược lại, nếu đến tháng Chín Ukraina vẫn không đột phá được, tình hình
sẽ rất đáng lo.
Zaporijia có thể là tâm điểm
Theo The Economist,
có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy cuộc phản công tại Zaporijia khác
với ở miền đông và miền nam, với những lữ đoàn được trang bị tốt nhất.
Các chuyên gia từ lâu vẫn nghĩ rằng tập trung sức vào Zaporijia là hợp
lý nhờ vị trí trung tâm trên đường giới tuyến. Quân Nga có thể bị nhốt
vào bẫy ở Kherson, thậm chí cả ở Crimée nếu Ukraina lại tấn công được
cầu Kertch. Tiến được đến Melitopol, lực lượng Kiev có thể cắt đứt đường
tiếp tế cho bán đảo đang bị chiếm đóng. Cũng vì vậy mà Nga đã bố trí
rất kiên cố tại Tokmak ở bắc Zaporijia : chiến hào, hầm trú ẩn, chướng
ngại vật chống tăng, bãi mìn, trải dài suốt 30 kilomet.
Trận
phản công lần này sẽ giống trận Kherson hay Kharkiv hơn ? Cuộc tấn công
vào Kherson là một trận chiến tiêu hao, những phòng tuyến chỉ vỡ dần
sau nhiều tháng chiến đấu. Ngược lại, trong trận Kharkiv, Ukraina đã
nhanh chóng xuyên thủng một vị trí yếu của địch và dấn tới, nhanh đến
nỗi quân Nga còn chưa kịp tập hợp lại. Phòng tuyến Nga lần này chắc chắn
hơn Kharkiv với binh sĩ giỏi hơn, nhưng Ukraina được trang bị tốt hơn.
Bên cạnh Zaporijia, Ukraina còn trắc nghiệm ở Bakhmut. L’Express nhấn mạnh, Kiev cần một chiến thắng hơn bao giờ hết.
Ba khả năng kết thúc cuộc chiến
Trên bình diện địa chính trị, The Economist
phân tích làm thế nào để Nga phải gánh chịu một thất bại mang tính
chiến lược. Các nhà phân tích phương Tây hình dung ba kịch bản cho cuộc
chiến tranh. Thứ nhất : Một cuộc đột phá lớn của Ukraina, cắt đứt đường
tiếp tế cho Crimée, tái chiếm phần lớn Donbass. Quân Nga tan tác,
Vladimir Putin mất ghế. Một số cho rằng đó là phương cách tốt nhất để
tái lập hòa bình tại châu Âu. Tuy nhiên khó thể đánh giá khả năng duy
trì kỷ luật của quân Nga, sự vững chắc của chế độ Putin, mối lo nguyên
tử cũng chưa hoàn toàn biến mất. Một số viên chức Mỹ sợ rằng nước Nga
rơi vào cảnh hỗn loạn sẽ khó kiểm soát được kho vũ khí hạt nhân.
Thứ
hai, quân Nga thất bại nhưng ít thiệt hại hơn, Putin yếu đi. Kịch bản
thứ ba u ám hơn, cuộc chiến rơi vào ngõ cụt, Nga giữ được đa số phần đất
đã chiếm. Dù liên tiếp thất bại, Putin vẫn không từ bỏ mộng xâm lăng,
lập nên một chính phủ ngụy quyền ở Kiev. Không quân và hải quân Nga vẫn
chưa thiệt hại bao nhiêu và có thể động viên thêm lính, đe dọa Tây Âu ;
ông ta hy vọng Donald Trump đắc cử sẽ gây áp lực để Ukraina chấp nhận
các điều kiện của mình.
Theo
tờ báo, cần phải có những bảo đảm an ninh cho Ukraina. Một think tank ở
Washington đề nghị kế hoạch 5 điểm để trao cho Kiev những cam kết « ít
hơn điều 5 của NATO nhưng mạnh hơn thỏa thuận Budapest », theo mô hình
Mỹ đang áp dụng với Israel và Đài Loan. Cũng như tổng thống Pháp
Emmanuel Macron đã nhận ra một cách muộn màng là Ukraina đang bảo vệ
châu Âu, tốt nhất nên giúp Ukraina hội nhập hẳn thay vì để mặc trong một
vùng xám, như mời gọi Nga tấn công tiếp.
« Ukraina không thể thua », chìa khóa trong tay phương Tây
Triết gia Bernard-Henri Lévy trên Le Point khẳng
định Ukraina không thể thua trong cuộc chiến này. Ông đã nói như vậy
ngay từ đầu cuộc xâm lăng, và mỗi ngày trôi qua lại càng củng cố thêm
niềm tin. Một bên là quân đội Nga không có tinh thần chiến đấu, chỉ huy
tồi, đội ngũ lính đánh thuê Wagner đầy những tên tội phạm. Bên kia là
quân đội gồm những công dân không chỉ bảo vệ đất nước mình mà còn cho ý
tưởng văn minh và châu Âu, họ biết vì sao phải chiến đấu. Trong thử
thách, Ukraina đang trở thành quân đội được huấn luyện nhiều nhất, thiện
chiến nhất châu Âu. Bernard-Henri Lévy cho rằng ngưng bắn sẽ là thảm
họa vì giúp kẻ xâm lăng tái vũ trang và tấn công tiếp, nhường lại Crimée
cho Nga là tự sát. Lối thoát chỉ có thể là Nga phải đầu hàng, không chỉ
Putin ra đi mà chế độ phải sụp đổ, một dân tộc đang mơ ngủ sẽ thức
tỉnh.
Một
chiến thắng toàn diện sẽ như thế nào ? Theo triết gia Pháp, chính là
phương Tây chứ không phải Ukraina cần trả lời câu hỏi này. Chính các nhà
lãnh đạo phương Tây, không phải Zelensky, đang nắm chiếc chìa khóa duy
nhất. Đó là các chiến đấu cơ, hỏa tiễn tầm xa, các drone loại Reaper
hiện đang ngần ngại chưa được chuyển giao. Hoặc là tiếp tục yểm trợ nhỏ
giọt và chiến tranh sẽ kéo dài. Hoặc thay đổi cách nghĩ, chấm dứt coi
Zelensky là người đi xin. Viện trợ vũ khí không phải là tặng quà, mà là
tự vệ. Cần cung cấp cho Ukraina những gì có thể để chống lại kẻ thù
chung, và chiến tranh sẽ nhanh chóng kết thúc. Mạng sống của những người
vô tội sẽ bị tước đoạt ngày mai, ngày mốt, ngày kia…nếu phương Tây cứ
mãi chi viện cầm chừng.
Cả thế giới cùng vũ trang
Nhìn toàn cảnh, L’Obs
nhận định từ khi Nga xâm lăng Ukraina, chi tiêu quốc phòng bùng nổ tại
châu Âu, và trước đó Trung Quốc không ngừng gia tăng ngân sách quân sự.
Một kỷ nguyên mới về địa chính trị đã mở ra, đầy dẫy nguy hiểm. Báo cáo
của SIPRI hồi tháng Tư cho biết, ngân sách của các quân đội trên thế
giới năm 2022 lên đến con số kỷ lục là 2.240 tỉ đô la, trong khi lúc cao
điểm chiến tranh lạnh chỉ là 1.500 tỉ đô la.
Từ
đầu cuộc chiến, nhiều tỉ đô la đã được phương Tây đổ ra để giúp Kiev
chống quân xâm lược : những thiết bị gây nhiễu drone, băng đạn, áo giáp,
kính viễn vọng, drone trinh sát, đại bác, radar, xe tăng, giàn phóng
rốc-kết… Chỉ riêng quân viện của Hoa Kỳ đã là 43 tỉ đô la. Tây Âu ngủ
quên một thời gian dài trong khi Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ả Rập Xê Út, Ấn Độ
gia tăng vũ trang. Hoa Kỳ chi quân sự đến 870 tỉ đô la trong năm 2022,
chiếm 39 % toàn thế giới. Trung Quốc tuy đứng hạng nhì nhưng chi quốc
phòng tăng đến 75 % so với thập niên trước, Nhật Bản dù Hiến Pháp chủ
hòa vẫn tăng tốc vũ trang trước sự hung hăng của Bắc Kinh.
Nhà
chính trị học Bruno Tertrais cho rằng chiến tranh Ukraina chỉ là bậc
thang cuối cùng. Bước ngoặt đầu tiên là sau ngày 11 tháng Chín, đợt tái
vũ trang thứ hai vào khoảng 2012 với việc Vladimir Putin tái đắc cử và
Tập Cận Bình lên ngôi. Đến giữa những năm 2010 diễn ra đợt thứ ba với
hai cú sốc liên tiếp cho phương Tây : Nga sáp nhập Crimée và khủng bố
Hồi giáo. Từ tháng 2/2022, bước ngoặt thứ tư chủ yếu liên quan đến châu
Âu, sau 25 năm ngỡ đã an bình. Ông nhấn mạnh nếu chúng ta vũ trang là
nhằm răn đe. « Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh ».