Sau khi đến Tel Aviv để thể hiện sự ủng hộ đồng minh, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến công du các nước Ả Rập từ ngày 13-10 với hy vọng gây sức ép lên phong trào Hồi giáo Hamas, trong lúc Israel chuẩn bị mở đợt tấn công lớn vào Dải Gaza.
Tính toán của Mỹ
Cuộc xung đột đang ở giai đoạn đầu nhưng có nguy cơ lan rộng hơn khi giao tranh ngày càng gia tăng.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc ép các nước giúp ngăn chặn xung đột lan rộng và sử dụng đòn bẩy của họ với Hamas để thả con tin ngay lập tức và vô điều kiện" - ông Blinken nói trước khi rời Tel Aviv để tới Jordan và sau đó là Qatar, Bahrain, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, "lựa chọn" của thế giới Ả Rập đã trở nên rõ ràng hơn bởi vụ xung đột. Tuy nhiên, đây không phải là sứ mệnh dễ dàng khi thế giới Ả Rập hiện đã bộc lộ sự chia rẽ.
Saudi Arabia, hiện đang trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Israel do Mỹ thúc đẩy, đã cùng Qatar đổ lỗi cho các chính sách của Israel đối với người Palestine làm bùng phát bạo lực.
Dù là đồng minh của Mỹ, Saudi Arabia cũng là một lãnh đạo của thế giới Hồi giáo và ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Palestine.
Ngược lại, Bahrain và UAE, hai nước đã bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv, đã chỉ trích Hamas. Trong khi đó, Ai Cập và Jordan vẫn phản ứng thận trọng khi kêu gọi kiềm chế.
"Sự ủng hộ dành cho chính nghĩa của người Palestine ngày càng tăng cao trong cộng đồng người Ả Rập, và trong bối cảnh một cuộc chiến dường như có khả năng gây ra sự tàn phá lớn ở Gaza, các nhà lãnh đạo Ả Rập đang bước thận trọng để tránh gây ra phản ứng dữ dội trong nước và ngoại giao" - tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) bình luận.
Trong ngày 13-10, Hãng tin Reuters cho biết biểu tình ủng hộ Palestine đã nổ ra tại nhiều nước khắp Trung Đông.
Trong tình huống đó, theo giới quan sát, Washington phải cố gắng cân bằng các mục tiêu gồm cả việc ủng hộ Israel trong phản ứng trước cuộc tấn công chưa từng có của Hamas, ngăn chặn một cuộc chiến tranh rộng hơn, ổn định Bờ Tây và giữ mối quan hệ với các đối tác Ả Rập.
Một yếu tố quan trọng mà Mỹ phải tính toán là vai trò của Iran nếu muốn giữ cuộc xung đột không lan rộng. Ngay khi cuộc xung đột nổ ra, Iran cũng đang ra sức vận động các nước Ả Rập và Hồi giáo đoàn kết chống lại Israel.
"Tất cả các quốc gia Hồi giáo và Ả Rập… phải hợp tác nghiêm túc trên con đường ngăn chặn tội ác của chính quyền Do Thái chống lại quốc gia Palestine bị áp bức", Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nói trong cuộc gọi với người đồng cấp Syria Bashar al-Assad.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian dự kiến sẽ lên đường sang các nước trong khu vực gồm Iraq, Lebanon. Ông cho biết một số nước đã thăm dò khả năng lập "mặt trận mới" chống lại Israel.
"Mỹ muốn tạo cơ hội cho Israel phá hủy Gaza, và đây là... một sai lầm nghiêm trọng. Nếu người Mỹ muốn ngăn hình thành chiến tranh trong khu vực, họ phải kiểm soát Israel", ông Amir-Abdollahian gửi thông điệp đến Mỹ vào hôm 13-10.
Gaza đang nhanh chóng trở thành một hố địa ngục và đang trên bờ vực sụp đổ.
Liên Hiệp Quốc mô tả về tình hình Gaza ngày 13-10.
Giao tranh leo thang
Ngày 13-10, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đứng trước nguy cơ leo thang khi Tel Aviv yêu cầu hơn 1 triệu dân ở Gaza di tản xuống miền Nam, trong khi quân đội nước này đang tập hợp xe tăng và hơn 300.000 quân dự bị chuẩn bị cho cuộc đổ bộ vào khu vực này.
Bất chấp việc Liên Hiệp Quốc cho rằng việc di tản quy mô lớn trong vòng 24 giờ trong điều kiện chiến sự gần như là điều không thể, Tel Aviv vẫn kiên quyết bao vây toàn diện Gaza.
Trong khi chính quyền Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phản đối việc cưỡng ép di tản, Hamas đã kêu gọi người dân ở yên tại chỗ vì đây chỉ là cảnh báo giả của Tel Aviv.
Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc và các nước tiếp tục kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế trong cuộc xung đột.
"Chúng tôi đang kêu gọi tiếng nói toàn cầu, một lời kêu gọi rõ ràng từ mọi quốc gia thành viên trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những quốc gia có ảnh hưởng, để yêu cầu tôn trọng đầy đủ luật nhân đạo quốc tế", Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của Ravina Shamdasani, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nói.
Tính đến 13-10, cuộc xung đột đã giết chết hơn 1.300 người Israel, hơn 1.500 người Palestine và hàng ngàn người bị thương.
Văn phòng nhân đạo Liên Hiệp Quốc (OCHA) cho biết hơn 420.000 người đã rời bỏ nhà cửa ở Gaza, trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo vì hệ thống bệnh viện tại Dải Gaza sắp suy sụp.
Các nước tiếp tục di tản công dân khỏi Gaza và khuyến cáo những người còn kẹt lại nhanh chóng di tản xuống miền Nam khu vực này.
Châu Âu ủng hộ Israel
Cũng trong ngày 13-10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola đã có mặt tại Israel để thể hiện sự đoàn kết với Nhà nước Do Thái này.
Trong những ngày đầu của chiến sự, châu Âu cho thấy sự lục đục trong phản ứng khi nhiều nước đòi cắt hỗ trợ Palestine, trong khi số khác cho rằng phản ứng quyết liệt của Israel vi phạm luật pháp quốc tế.
Bà von der Leyen sau đó đã phải cố xoa dịu khi ra tuyên bố ủng hộ Israel, đồng thời cho biết sẽ siết chặt hỗ trợ để ngăn tiền rơi vào tay Hamas.