Wagner
là công cụ trong cuộc chiến đa diện của Kremlin chống phá các nước dân
chủ, một dạng tư nhân hóa chiến tranh vô cùng nguy hiểm. Quân Nga trong
những tháng qua đã có những cải thiện về chiến thuật. Hiện nay mọi người
đều chờ đợi cuộc tổng phản công của Ukraina, có thể làm đảo lộn địa
chính trị của cả một thế hệ. Sau cuộc chiến, những « ông lớn » của thế
giới sẽ là G7, G20 hay G4 như Trung Quốc đề nghị ?
Hồ sơ Courrier International tuần này được dành cho nghệ thuật ẩm thực, một loại « quyền lực mềm » hiệu quả. L’Obs quan tâm đến « Khí hậu nóng lên : Nước Pháp thích ứng như thế nào ». The Economist đăng ảnh cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bên bức màn màu đỏ, chạy tựa « Nỗi ám ảnh ». Le Point nói về « Đài Loan, trận chiến sắp tới », còn ông chủ công ty lính đánh thuê Evgueni Prigojine chiếm trang bìa L’Express với dòng tít lớn « Wagner chống lại phương Tây ».
Con quái vật Wagner, công cụ chống phương Tây của Putin
L'Express nhấn mạnh « Đã đến lúc chận lại con quái vật Wagner ». Giúp
chế độ độc tài Matxcơva tung hoành khắp nơi một cách không chính danh,
lực lượng lính đánh thuê của Evgueni Prigojine có thể gây tội ác bất
chấp luật pháp, nhưng các nước dân chủ nhận ra một cách trễ tràng và
phản ứng chậm chạp.
Cách
đây một năm hầu như vô danh, Prigojine đã trở thành ngôi sao, với cách
phát ngôn thẳng thừng, trong một chế độ mà mọi người đều run rẩy trước
ông chủ điện Kremlin. Cựu tù nhân đi lên từ con số không, nay là người
đứng đầu một đế chế gần 400 công ty, từ đánh thuê cho đến bóp méo thông
tin, « cố vấn chính trị » từ châu Phi đến Trung Đông. Nhiệm vụ của ông
ta là phục vụ các mục tiêu địa chính trị cho chủ nhân. Đó là làm phương
Tây yếu đi ở mọi nơi, bằng mọi phương tiện, kể cả đáng ghê tởm nhất
(thảm sát, hãm hiếp, tra tấn).
Tự
giới thiệu là lực lượng dân quân tư nhân, nhưng Wagner là một quân đội
thực sự, có tất cả trừ tính độc lập : được tình báo quân đội Nga (GRU)
điều khiển, vũ khí, đạn dược do bộ Quốc Phòng Nga cung cấp. Từ thời Liên
Xô, điện Kremlin đã có thói quen này. Trong thập niên 30, Stalin đã gởi
các cố vấn quân sự đến Tây Ban Nha, dùng tên địa phương, trong đó có
« đại tá Xanti », nhân vật khiến nhà văn Hemingway sáng tác ra « Chuông nguyện hồn ai ».
Can
thiệp vào Syria, Libya, Wagner hoạt động mạnh nhất tại châu Phi. Chỉ
trong vài năm, đã đẩy được Pháp ra khỏi Trung Phi và Mali, bằng cách
« bảo kê » cho chế độ độc tài, đổi lấy nguồn lợi thiên nhiên chủ yếu là
các mỏ. Chẳng hạn ở Trung Phi, Wagner nắm trong tay những mỏ vàng, kim
cương, ngành bia, đường, gỗ ; nước này ngày càng giống thuộc địa của
Nga. Một mạng lưới truyền thông gồm nhiều trang web giả tạo, những danh
khoản giả trên mạng xã hội được tạo ra với đội ngũ dư luận viên hùng hậu
sử dụng nhiều thứ tiếng để tung tin giả, dắt mũi người dân địa phương,
lũng đoạn bầu cử. Theo dân biểu Pháp Benjamin Haddad, Wagner là công cụ
trong cuộc chiến đa diện của Kremlin chống phá các nước dân chủ, một
dạng tư nhân hóa chiến tranh vô cùng nguy hiểm.
Quân Nga đã cải thiện chiến thuật
Trên chiến trường, Courrier International và L'Express cùng lý giải « Tại sao không nên đánh giá thấp quân đội Nga ». Quân Nga trong những tháng qua đã có những cải thiện về chiến thuật, tuy nhiên Ukraina vẫn chiếm ưu thế.
Con
số gây chóng mặt : Ukraina bị mất đến 10.000 drone một tháng. Đó là ước
tính của nhóm tư vấn quốc phòng Royal United Services Institute RUSI) ở
Luân Đôn, trong báo cáo mới nhất. Nga sử dụng những hệ thống gây nhiễu
rất mạnh như Shipovnik-Aero hoạt động ở 7 đến 10 kilomet phía sau tiền
tuyến. Quân Nga cũng không còn tấn công theo kiểu năm ngoái. Những cẩm
nang do Ukraina tịch thu được từ những vị trí của Nga cho thấy : những
nhóm nhỏ từ 2 tới 5 người thám sát phía Ukraina, sau đó pháo binh và
những đơn vị khác tấn công. Với nhiệm vụ nguy hiểm như vậy, lính Nga
thường sử dụng chất kích thích.
Để
đối phó với Himars, Nga phân bố rải rác các sở chỉ huy, hoặc bố trí
dưới hầm ở ngoài tầm pháo. Và khi liên lạc thì dùng mạng viễn thông của
Ukraina để tránh bị định vị. Thay vì đặt cố định và tiếp đạn, nay những
khẩu đại bác được di chuyển về những vị trí có để sẵn đạn, khiến khó bị
phá hủy hơn. Xe tăng chủ yếu để yểm trợ thay cho tấn công, và được ngụy
trang chống cảm biến nhiệt, né được hỏa tiễn Javelin. Công binh, một
trong những binh chủng mạnh nhất của Nga, đã dựng lên những hàng rào
phòng thủ chắc chắn, gây khó cho cuộc phản công. Tuy nhiên quân Nga vẫn
thiếu linh hoạt, kém phối hợp, thiếu tinh thần chiến đấu, khó thể trụ
được nếu hỏa lực yếu đi, trước Ukraina được huấn luyện kỹ và có những
trang bị cần thiết.
Chiến thắng cho Ukraina : Toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, công lý
Nhưng
định nghĩa thế nào là một chiến thắng của Ukraina ? Hai nhà báo lớn của
Mỹ từng sống ở Ukraina là Anne Applebaum, giải thưởng Pulitzer và
Jeffrey Goldberg, chủ bút The Atlantic, phân tích trên L'Express.
Trước
hết, chiến thắng là Ukraina duy trì chủ quyền trên toàn bộ lãnh thổ đã
được quốc tế công nhận, kể cả những vùng đất bị Nga chiếm từ 2014 :
Crimée, Donetsk, Luhansk, Melitopol, Mariupol. Ngoại trưởng Ukraina,
Dmytro Kuleba nói rõ : « Mỗi centimet của 603.550 kilomet lãnh thổ chúng tôi ». Ngưng
bắn trong lúc Nga đang chiếm đóng nhiều nơi chỉ kích thích Matxcơva
củng cố lực lượng để xâm lăng tiếp. Hơn nữa, lãnh thổ đang do Nga kiểm
soát là nơi diễn ra những tội ác, đàn áp, vi phạm nhân quyền hàng ngày.
Chiến
thắng có nghĩa là người Ukraina phải được an toàn khi đi học, đi làm,
dạo phố, không bị khủng bố, thả bom, bắn hỏa tiễn vào khu dân cư. Các
phi trường mở cửa, người di tản trở về, đầu tư nước ngoài quay lại. Quốc
gia này phải được gia nhập một cơ cấu an ninh tương tự như NATO, nếu
không phải là NATO, và được xác định là một Nhà nước ở tuyến đầu như
Israel hay Hàn Quốc, sở hữu kỹ nghệ quốc phòng tầm thế giới và quân đội
thường trực hùng mạnh.
Chiến
thắng còn dưới dạng công lý cho những nạn nhân chiến tranh : chuyển
giao tài sản Nga bị phong tỏa để bồi thường, trừng phạt, đưa Vladimir
Putin ra tòa. Cả Putin lẫn nước Nga đều không thể trốn tránh trách
nhiệm. Các nhà lãnh đạo Nga phải nhìn nhận cuộc xâm lăng là sai lầm,
công nhận Ukraina là một quốc gia độc lập có quyền hiện hữu. Nói cách
khác, giới tinh hoa Nga phải thay đổi ngay trong nội bộ, có thể được
kích hoạt bằng một cú sốc như Kiev tái chiếm Crimée.
Phương
Tây mất quá nhiều thời gian để lo nghĩ về hậu quả khi Nga bại trận,
thay vì hệ quả của chiến thắng Ukraina. Nước Nga như đang được điều hành
hiện nay, là nguồn gây bất ổn không chỉ cho Ukraina mà cho toàn thế
giới. Lính đánh thuê Nga bảo vệ các chế độ toàn trị ở châu Phi, tin tặc
Nga phá hoại bầu cử, đầu tư Nga giúp duy trì các nhà độc tài ở Minsk,
Caracas, Teheran. Chiến thắng của Kiev sẽ cổ vũ ngay lập tức những người
đấu tranh cho nhân quyền và Nhà nước pháp quyền khắp nơi trên thế giới.
Đông Âu, Tây Âu, Trung Á, người Belarus, Venezuela, Iran và tất cả
những ai chịu đựng độc tài do Nga ủng hộ đều chờ đợi cuộc tổng phản công
của Ukraina. Mùa xuân, mùa hè và mùa thu này, Ukraina có thể làm đảo
lộn địa chính trị của cả một thế hệ.
Đặc nhiệm Nga tìm cách ám sát Zelensky từ trước chiến tranh
Nhìn lại hơn một năm chiến tranh, hai nhà sử học quân sự tên tuổi là Michel Goya và Jean Lopez trên Le Figaro Magazine trao đổi về « hậu trường cuộc chiến ở Ukraina ».
Tại sao ban đầu phương Tây lại không chịu tin Nga sẽ xâm lược, trong
khi việc tập trung quân ở biên giới với cớ tập trận là phương cách cổ
điển, từng được Đức và Nga dùng đến trong lịch sử ? Chuyên gia Michel
Goya cho rằng chủ yếu do thiệt hại quá lớn so với những gì thu được, mà
tất cả mọi người đều nhìn thấy, trừ Vladimir Putin.
Có
phải Nga tìm cách ám sát Volodymyr Zelensky vào đầu cuộc chiến ? Theo
ông Goya, đó là nhiệm vụ của tình báo quân đội Nga - đã trà trộn vào
Kiev từ cả năm trước, có lẽ là đặc nhiệm của lữ đoàn 45. Không chỉ nhằm
sát hại tổng thống, mà cả ban lãnh đạo Ukraina, càng nhanh càng tốt.
Những biệt kích này đôi khi sang Ukraina với cả gia đình, sống hợp pháp ở
các thành phố lớn như Kiev, Kharkiv để tránh nghi ngờ. Ông Jean Lopez
nhắc nhở, ngày 27/12/1979, cuộc xâm lăng Afghanistan của quân đội Liên
Xô bắt đầu bằng việc sát hại tổng thống nước này là Amin tại nơi làm
việc, do đơn vị tinh nhuệ Zenit 9 của KGB thực hiện.
Bắc Kinh sẽ bại trận nếu xâm lược Đài Loan
Tại một điểm nóng khác của thế giới, Le Point có hồ sơ « Đài Loan, cuộc chiến sắp tới ». Làm thế nào tự vệ nếu quân Trung Quốc đổ bộ ? Mỹ có ra tay hành động hay không ?
Cuộc
xâm lăng thất bại, đoàn tàu đổ bộ của Trung Quốc bị tiêu diệt, những
« giải phóng quân » hiếm hoi đặt chân được lên bờ lại phải nhào xuống
biển. Đài Loan bị tàn phá một phần, nhưng tự do. Hoa Kỳ giữ lời hứa đã
đến cứu, thắng trận vẻ vang sau vài ngày chiến đấu. Hải quân Mỹ đánh
chìm hơn 100 tàu chiến Trung Quốc, nhưng cũng bị mất từ 10 đến 20 chiến
hạm, hàng trăm tiêm kích bị hư hại, vài chục ngàn lính Mỹ tử trận, các
căn cứ trong khu vực bị phá hủy một phần. Đó là kịch bản nhiều khả năng
xảy ra nhất nếu Bắc Kinh quyết định chiếm Đài Loan bằng vũ lực, theo một
nghiên cứu vào đầu năm 2023 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế
(CSIS).
Hai
giả thiết một bên tham chiến dùng vũ khí nguyên tử, hoặc tấn công quy
mô vào Hoa lục được gác sang một bên. Cả 22/24 kịch bản « war game » đều
đưa đến kết luận, dù bị thiệt hại nhiều, nhưng phe đồng minh gồm Hoa
Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản thắng lớn. Hầu hết các nhà phân tích coi đây là
tin vui, sẽ làm nguội đi ý định xâm lược của Bắc Kinh. Tuy nhiên những
người dân Mỹ bình thường chỉ quan tâm đến số lính tử trận. Có thể 140
lính Mỹ hy sinh một này, trong khi chiến tranh Việt Nam lúc cao điểm chỉ
có 30. Công luận sẽ bị sốc và bất ngờ, vì cuộc chiến diễn ra chớp
nhoáng và dữ dội giữa hai đại cường. Hoa Kỳ phải thắng nhanh trước khi
dư luận kịp phản ứng.
Cả
Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, không có dân biểu, nghị sĩ hay ứng cử viên nào
gánh lấy rủi ro qua việc tỏ ra hòa hoãn trước Bắc Kinh. Nếu năm 2018,
hơn phân nửa người Mỹ có thiện cảm với Trung Quốc, nay tỉ lệ này chỉ còn
15 %. Dân biểu gốc Hoa Triệu Mỹ Tâm (Judy Chu) khi bênh vực Trung Quốc
đã gây phẫn nộ tại Quốc Hội. Báo cáo của CSIS nhắc nhở, chiếc chìa khóa
là sự nhanh chóng và hỏa lực mãnh liệt của Washington, còn nếu chậm can
thiệp và quá rụt rè, Bắc Kinh có thể chiếm được một phần đảo quốc.
Hóa giải được môn võ khí đốt Nga, châu Âu đề phòng Trung Quốc
Trên lãnh vực kinh tế, The Economist nhận thấy « Châu Âu đã hóa giải được trò cấm vận khí đốt của Putin ». Vấn đề hiện nay là cân nhắc cách xử sự với Trung Quốc.
Tổng thống Nga đã dùng đến một thứ vũ khí mà ít ai nghĩ ông ta dám sử
dụng : siết lại lượng khí đốt giao cho các khách hàng chính ở châu Âu,
đặc biệt là Đức và những nước đưa trực tiếp khí đốt Nga đến các nhà máy
và hộ gia đình.
Những người
bi quan dự đoán các hậu quả đáng sợ : tổng sản phẩm nội địa (GDP) sụt
mất hai con số, thất nghiệp tăng vọt, người dân rét run...Nhưng loại vũ
khí hủy diệt hàng loạt của Putin đã thất bại, mọi việc trôi qua suông
sẻ. Nhìn lại quá khứ, sự lệ thuộc do các chính khách lười biếng và doanh
nghiệp thiển cận tạo ra quả là hết sức bất cẩn : khí đốt Nga chiếm 1/3
lượng tiêu thụ. Nhưng giờ đây giá khí đốt tại châu Âu từ trên 300
euro/MWh vào mùa hè năm ngoái, chỉ còn 30 euro.
Làm
thế nào mà từ thiếu năng lượng, nay không biết tích trữ ở đâu ? Mùa
đông ấm áp tại nhiều nước châu Âu chỉ là một phần, kinh tế thị trường đã
chứng tỏ khả năng thích ứng tuyệt vời. Hàng triệu gia đình bớt dùng lò
sưởi, các nhà máy tìm kiếm những loại khác thay thế, còn những ngành kỹ
nghệ ngốn nhiều năng lượng như giấy, xi măng, nhôm đôi khi đóng cửa,
nhập sản phẩm từ các châu lục khác. Những nguồn khí đốt mới đến từ Na
Uy, Algérie, Azerbaijan ; các cảng được cải tạo để những tàu chở khí hóa
lỏng cập bến, các nhà máy điện than và những loại năng lượng tái tạo
được đẩy mạnh.
Châu
Âu sẽ không quay về với khí đốt Nga trong một thời gian dài, nhất là
đường ống Nord Stream đã bị một bàn tay vô danh phá hủy hồi tháng Chín.
Nhưng qua kinh nghiệm này, các chính khách cần suy nghĩ cách đối phó với
những thế lực bất lương khác, một ngày nào đó sẽ chơi trò bắt chẹt
tương tự. Liệu có ích gì khi vô hiệu hóa vũ khí khí đốt của Nga, rồi lại
lệ thuộc vào những tấm pin mặt trời của Trung Quốc ?
G7, G20, G4 hay thực ra là G2 ?
Nhìn chung, L'Obs đặt vấn đề « G7, G20 hay G4 ? ». Tất nhiên là sau chiến tranh Ukraina, vì cuộc xâm lăng này sẽ quyết định tương quan quốc tế lâu dài.
Trung Quốc bắt đầu gợi lên một ý tưởng mới, được giới thiệu cách đây
vài ngày trong những phạm vi không chính thức ở châu Âu. Bắc Kinh đề
nghị thành lập « G4 », một loại « ban chỉ đạo » của thế giới. Đó là Hoa
Kỳ và đương nhiên là Trung Quốc, hai đại cường của thế kỷ 21, cộng với
Liên Hiệp Châu Âu (EU) và « phương Nam ». Có hai chi tiết đáng chú ý.
Trước
hết là sự biến mất của Nga, đại cường trước đây mà Bắc Kinh nay sẵn
sàng quẳng vào thùng rác lịch sử, hay ít nhất là hạ xuống thành một đối
tác yếu kém. Tiếp đến là vai trò dành cho EU, được nâng lên ngang hàng
dù vẫn lệ thuộc vào NATO, có nghĩa là Hoa Kỳ về quốc phòng ; nhưng Trung
Quốc luôn muốn lôi kéo, vận động một châu Âu độc lập với Mỹ.
Thứ
hai, « phương Nam » là những nước nào, và ai sẽ nhân danh ? Từ ngữ này
nở rộ từ một năm qua để chỉ các quốc gia từ chối đứng về phía phương Tây
nhưng không hẳn ủng hộ Matxcơva, khác hẳn với phe « không liên kết »
thời chiến tranh lạnh. Công thức trên đây cũng giúp giáng cấp Ấn Độ, vốn
tự coi ít nhất là ngang hàng với Trung Quốc, nay trở nên vô danh trong «
phương Nam ». Thêm một dấu hiệu ngạo mạn của Bắc Kinh mà Ấn Độ sẽ nhận
ra. Tuy nhiên phải chăng Trung Quốc nói về G4 nhưng thực ra đang mơ về
một G2 với Mỹ ?