Tổng
thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập
Cận Bình vào tháng 10 bên lề Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai-Con đường
của Trung Quốc.
Đây sẽ là chuyến đi nước ngoài đầu tiên được biết
đến của ông Putin kể từ khi Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt
giữ ông vào tháng 3 năm nay với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, nhưng
đây là lần thứ nhì hai người gặp mặt trực tiếp trong năm nay.
Các
nhà phân tích cho rằng cuộc gặp sẽ là cơ hội để hai nhà lãnh đạo củng cố
mối quan hệ giữa hai nước và chia sẻ những bất bình chung về vai trò
lãnh đạo của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu.
Ông Sergey Radchenko,
một học giả về Trung Quốc-Nga tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp
Johns Hopkins, nói với VOA: “Họ sẽ phàn nàn [về Hoa Kỳ] và sẽ bám sát
quan điểm của mình”.
Trong bài phát biểu hôm 26/9, Ngoại trưởng
Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích các chính phủ coi chính sách đối
ngoại dưới góc độ “dân chủ đối chọi độc tài”, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ
tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC
nhiều thành phần hơn vào tháng 11 năm nay.
Khi được hỏi tại cuộc
họp báo gần đây về cuộc gặp sắp tới giữa ông Tập và ông Putin, phát ngôn
viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói: “Các nhà lãnh đạo Trung
Quốc và Nga duy trì liên lạc chiến lược chặt chẽ”. Bà Ninh không cung
cấp thông tin cụ thể về những gì sẽ được thảo luận.
Các văn phòng báo chí của Trung Quốc và Nga đã không trả lời các yêu cầu bình luận về cuộc họp.
Nếu
hai nhà lãnh đạo xây dựng dựa trên chủ đề của cuộc gặp ngày 20/9 giữa
nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và ông Putin, thì đây có thể là
cơ hội để “tăng cường hợp tác thực tế sâu sắc hơn”, như được mô tả trong
thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc gặp hôm 20/9 ở St.
Petersburg.
Chiến tranh Ukraine thách thức mối quan hệ ‘không giới hạn’
Các
chuyên gia cho biết mặc dù quan hệ đối tác Trung-Nga có những điểm mạnh
và sẽ tồn tại trong tương lai gần, nhưng hai bên không phải lúc nào
cũng đồng quan điểm về các vấn đề chính, bao gồm cả cuộc chiến ở
Ukraine.
Không giống như các thành viên NATO, Nga và Trung Quốc
không có nghĩa vụ chính thức phải bảo vệ lẫn nhau, mặc dù Trung Quốc đã
tuyên bố vào đầu năm ngoái rằng mối quan hệ của họ với Nga sẽ “không có
giới hạn”.
Tuyên bố đó được đưa ra ngay trước khi ông Putin tiến
hành chiến tranh với Ukraine. Bắc Kinh kể từ đó đã “rút lại ngôn từ đó,”
ông Radchenko nói. “Chúng ta không còn nghe nói về quan hệ đối tác
‘không giới hạn’ nữa.”
Là nước mua nhiên liệu hóa thạch hàng đầu
của Moscow, Bắc Kinh đã đóng một vai trò to lớn trong việc giúp chính
phủ Putin vượt qua các lệnh cấm vận của phương Tây và tiếp tục xâm lược
Ukraine, ông Joseph Nye Jr., giáo sư danh dự của Trường Harvard Kennedy,
nhận định.
Mặc dù vậy, ông Nye nói với VOA rằng Trung Quốc chưa
chính thức cung cấp vũ khí cho cuộc chiến của Nga trong bối cảnh lo ngại
về các lệnh trừng phạt của châu Âu, mà theo lời ông, điều này chứng tỏ
“thực sự có những giới hạn [đối với quan hệ Trung-Nga]”.
Đầu năm
ngoái, Bắc Kinh đã đưa ra đề nghị hòa bình 12 điểm nhưng không gây sức
ép buộc Nga phải có giải pháp ngay lập tức cho cuộc xung đột.
“Kế
hoạch hòa bình của Trung Quốc đối với Ukraine không thực sự là một kế
hoạch hòa bình không thiên vị”, ông Nye nói. “Đó là một cách để thể hiện
mình là người hòa giải trong mắt người châu Âu, một thị trường quan
trọng của Trung Quốc.”
Ông Ali Wyne, nhà phân tích cấp cao của
Eurasia Group, cho biết dù ông Tập và ông Putin có thân thiết đến đâu,
mối quan hệ của họ không đủ mạnh để Trung Quốc liều đánh mất quyền lực
mềm ở châu Âu khi công khai ủng hộ cuộc chiến của Nga.
“Ngay cả
khi Trung Quốc tăng cường mối quan hệ với Nga, tôi không nghĩ Trung Quốc
muốn từ bỏ mối quan hệ với phương Tây. Ông Tập sẽ phải thực hiện một
hành động cân bằng,” ông Wyne nói.
Các chuyên gia cho biết, các
đối tác châu Âu của Trung Quốc là những con bài thương lượng quan trọng,
đặc biệt là trước hội nghị thượng đỉnh APEC, nơi có thể diễn ra cuộc
gặp bên lề giữa ông Tập và Tổng thống Joe Biden.
Khi được hỏi tại
một cuộc họp báo gần đây rằng Hoa Kỳ hy vọng ông Tập sẽ truyền đạt điều
gì với ông Putin khi hai người gặp nhau vào tháng 10, cố vấn an ninh
quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói: “Tôi muốn thấy mỗi một nhà lãnh đạo đến
nói chuyện với Tổng thống Putin đều củng cố rằng [chủ quyền lãnh thổ của
từng quốc gia] là bất khả xâm phạm.”
Ông Wyne nói ông Tập có thể yêu cầu ông Putin đảm bảo rằng chiến tranh sẽ kết thúc sớm hơn là muộn.
“Trung
Quốc,” ông Wyne nói, “nhận ra rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine càng
kéo dài thì mối quan hệ Trung-Nga càng làm suy yếu khả năng của Trung
Quốc trong việc thăng tiến ngoại giao của họ ở phương Tây”.
Sự khác biệt của ông Tập và ông Putin, ngoài vấn đề Ukraine
Trong
hơn một thập niên, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, hay
BRI, đã tăng cường mối quan hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên khắp Âu
Á, Trung Đông, Châu Phi, Châu Đại Dương và Châu Mỹ Latin. Ông Nye mô tả
BRI là “một túi hỗn hợp” gồm viện trợ kinh tế, trợ cấp xuất khẩu và các
dự án công trình công cộng ở các quốc gia đang phát triển với mục tiêu
mua ảnh hưởng.
Các chuyên gia cho rằng chính sách đối ngoại của
Nga đơn giản hơn: cung cấp lính đánh thuê cho những kẻ chuyên quyền ở
nước ngoài để đổi lấy tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn như kim cương.
“Người
Trung Quốc có tiền để chi tiêu còn người Nga thì không. Người Nga có
thể hỗ trợ lính đánh thuê vì chi phí khá rẻ, nhưng họ sẽ không xây
đường, đập và sân bay [ở các nước khác]”, ông Nye nói.
Trung Quốc
đã đầu tư ước tính khoảng 1 nghìn tỷ đô la vào BRI và có thể cạnh tranh
với lợi ích của Mỹ ở hầu hết các châu lục. Các nhà phân tích cho rằng
Moscow chỉ có thể đạt được mức độ quyền lực đó bằng cách thân thiện với
Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo ông Nye và ông Radchenko, mối quan hệ đối tác Trung-Nga vẫn có nhiều mâu thuẫn và đấu đá nội bộ.
Thứ nhất, Trung Quốc coi các nước thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á nằm trong tầm kiểm soát của mình.
“[Moscow]
vui mừng khi thấy các dự án [BRI] làm suy yếu người Mỹ,” ông Nye nói.
“Mặt khác, người Nga không mấy quan tâm đến các dự án BRI ở Trung Á, nơi
họ coi là phạm vi ảnh hưởng của mình”.
Nhưng ông Radchenko không
thấy “bất kỳ rạn nứt nghiêm trọng nào giữa Nga và Trung Quốc về Trung Á
trong những năm tới”. Ông nói, ông Putin và ông Tập thà giải quyết những
bất đồng của họ còn hơn là gây nguy hiểm cho mục tiêu lớn hơn là chống
lại chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Trước diễn đàn Vành đai và
Con đường vào tháng 10, ông Putin đã phủ nhận rằng BRI hoàn toàn xung
đột với lợi ích của Moscow. “[BRI] hài hòa các ý tưởng của [Nga và Trung
Quốc] để tạo ra một không gian Á-Âu rộng lớn. … Chúng tôi khá đồng
điệu”, TASS, một hãng tin nhà nước Nga, dẫn lời ông Putin nói vào tuần
trước.
“Nga cần Trung Quốc nhiều hơn là ngược lại,” ông Wyne nói, giải thích việc ông Putin sẵn sàng thỏa hiệp với ông Tập Cận Bình.
Ông
Radchenko nói, ngay cả với những khác biệt cơ bản mà các nhà phân tích
đã mô tả thì “những cuộc đối thoại như thế này [cuộc gặp Tập-Putin] là
cách Trung Quốc và Nga có thể giải quyết… những bất đồng”.