Buổi dạ tiệc long trọng và những lời lẽ hoa mỹ tâng bốc người đồng nhiệm Pháp của tổng thống Mỹ Joe Biden không che giấu được những điểm mạnh và điểm yếu trong mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu. Các tính toán từ các nhà hoạch định địa chính trị của Mỹ có nguy cơ làm tổn hại đến sự thịnh vượng của nước Mỹ và sự ổn định chính trị của các đồng minh châu Âu, vốn dĩ cũng là lợi ích sống còn của Washington.
Liên Hiệp Châu Âu là « một gã khổng lồ về kinh tế, một chú lùn về chính trị và là một con sâu quân sự », cựu ngoại trưởng Bỉ Mark Eyskens từng có nhận xét như thế. Vì là một gã khổng lồ kinh tế, nên trong lĩnh vực này Liên Âu thường cho thấy rõ khả năng và ý chí chống lại sức ép của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo nhận định của nhà nghiên cứu Anatol Lieven (trang mạng Responsible Statecraft ngày 01/12/2022), chính sự suy giảm kinh tế của Lục Địa Già này mới là mối nguy hiểm cho nền dân chủ tự do châu Âu cũng như là Mỹ, hơn là các mối đe dọa quân sự đến từ Nga.
Thứ nhất, việc Liên Hiệp Châu Âu đồng ý áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt đối với Nga là một điều quan trọng trong chiến lược của Mỹ, và trong cuộc gặp này, ông Biden muốn có được một sự bảo đảm rằng Paris sẽ tiếp tục cũng như là phản đối việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy một thỏa hiệp hòa bình, nối lại nguồn cung khí đốt từ Nga cho Liên Âu.
Hoa Kỳ nhận thấy dư luận châu Âu bắt đầu có những dao động, đặc biệt tại Đức. Những đòn trừng phạt này buộc Liên Âu phải mua khí đốt từ nhiều nơi khác, đặc biệt là từ Mỹ với mức giá cao gấp 3-4 lần so với thị trường trong nước. Hệ quả là người dân châu Âu phải chịu một tác động kinh tế cao hơn so với Mỹ. Chính quyền Paris tố cáo các nhà sản xuất năng lượng Mỹ cũng như là Na Uy là trục lợi và khai thác cuộc khủng hoảng để « tiếp tục duy trì thế thống trị kinh tế của Mỹ và làm suy yếu châu Âu ».
Thứ hai, trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, nếu như Washington đã thuyết phục được các thành viên NATO liên kết với nhau chống Bắc Kinh (chí ít về mặt biểu tượng), việc chính quyền Biden gây sức ép Liên Âu tham gia lệnh cấm xuất khẩu các chip bán dẫn của Mỹ đang đe dọa các ngành công nghiệp của châu Âu.
Thứ ba, trong dài hạn, Hoa Kỳ đang nỗ lực, và điều này sẽ được tiếp tục dưới bất kỳ chính quyền nào của đảng Cộng Hòa trong tương lai, tìm cách thay thế quá trình toàn cầu hóa của hai thế hệ trước đây bằng một thế giới mới nhiều khối kinh tế, mà ở đó, khối phương Tây vẫn sẽ do Mỹ thống trị, và sẽ hướng tới việc kềm hãm hoặc thậm chí tìm cách phá hủy nền kinh tế các đối thủ như trường hợp của Nga và Iran chẳng hạn. Nhưng với một sự thay đổi như thế, liệu Liên Hiệp Châu Âu có sẵn lòng đi theo hay không ?
Trước những sức ép chồng chất này từ Nhà Trắng, tổng thống Macron khi đến Washington, tuy không trông đợi được gì nhiều từ chính quyền Biden, nhưng cũng hy vọng có thể « đặt ra những vấn đề này và tìm kiếm một giải pháp ». Paris hy vọng chủ nhân Nhà Trắng có thể giảm bớt những áp lực kinh tế, nhất là có một số miễn trừ trong Đạo Luật Chống Lạm Phát IRA để duy trì sự đoàn kết của cả khối.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Anatol Lieven, chính quyền Biden vốn dĩ đã gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua đạo luật này ở Quốc Hội, do vậy, tổng thống Pháp khó thể trông đợi một sự thay đổi nào từ Washington.
Nhưng khi quá tập trung vào những mối đe dọa quân sự và địa chính trị được cho là đến từ Nga và Trung Quốc, các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ có nguy cơ quên rằng sự thịnh vượng ở trong nước và sự ổn định chính trị của các đồng minh châu Âu cũng nằm trong lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ, mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương là cột trụ sau cùng.
Trong toàn cảnh này, nhật báo công giáo La Croix của Pháp, trong bài xã luận nhận định, trước một nước áp dụng luật chơi của kẻ giầu, Liên Hiệp Châu Âu chỉ còn một giải pháp sau cùng là phải thống nhất và đoàn kết, để tối thiểu có thể hình thành một mối tương quan lực lượng. Chỉ khi ấy mới có hy vọng « người nhà giầu » lắng nghe châu Âu mà thôi !