Trong
bóng tối và giá rét, người dân Ukraina cầm cự qua ba tháng mùa đông
khắc nghiệt, người lính chuẩn bị đối phó những trận đánh của quân Nga
vào mùa xuân, kể cả việc Kiev lại bị tấn công. Tổng thống Zelensky và
các tướng lãnh đứng trước những chọn lựa quan trọng cho vận mệnh đất
nước. Hạ tầng bị đánh phá, giao tranh dai dẳng ác liệt ở Bakhmut, thiếu
đạn dược trầm trọng trước số lượng quân Nga áp đảo... Cuộc chiến đã trở
thành một cuộc chạy đua tái vũ trang.
L'Obs tuần này chạy tựa « Cải cách hưu bổng : Vì sao Macron muốn áp đặt », L'Express giải thích « Khoa học nói gì về giấc ngủ ». Courrier International ra ba số nhập một trước khi nghỉ tết sớm, với chuyên đề « Hạnh phúc ». Le Point ra số đúp « Các nhà độc tài đã kết thúc như thế nào », thuật lại những ngày cuối cùng của Hitler cho đến Kadhafi, và đưa ra kịch bản sụp đổ của Putin. Trang bìa The Economist dùng
màu nền xanh nhạt với chân dung tổng thống Volodymyr Zelensky cùng hai
vị tướng, xung quanh là những bông tuyết trắng, chạy tựa « Cuộc chiến tranh mùa đông ».
Sự trả thù hèn hạ vào thường dân Ukraina nhằm hủy diệt ý chí
Tuần báo L'Obs trong bài « Tại Ukraina, cuộc chiến dữ dội của giá băng » nhận
thấy suốt hai tháng qua, Nga liên tục oanh tạc cơ sở hạ tầng nhằm nhấn
chìm hàng triệu người trong giá lạnh và bóng tối, để mưu toan làm người
dân Ukraina kiệt lực, không còn ý định kháng cự. Công ty điện lực
Ukrenergo phải cúp điện luân phiên để tránh cho lưới điện không bị quá
tải. Đợt oanh kích quy mô từ ngày 23/11 khiến nhiều triệu thường dân
Ukraina không điện thắp sáng, không được sưởi ấm và nhiều khi còn không
có nước uống vì nhiều trạm bơm không hoạt động. Riêng đợt oanh tạc mới
nhất hôm 16/12 do những cơ sở bị thiệt hại trải dài khắp bắc, trung,
nam, nên Ukrenergo mất nhiều thời gian hơn để tái lập.
Những vùng
bị cúp điện nhiều nhất là Kharkiv, Donetsk, Kherson, Mykolaiv gần trận
địa, nhưng thủ đô Kiev và các thành phố lớn như Odessa cũng bị ảnh hưởng
lớn. Ai nấy đều trang bị bình điện để sạc điện thoại và máy tính, khi
màn đêm buông xuống phải dùng đèn pin để soi trên lề đường tuyết phủ
trơn trợt. Người già, người tàn tật sống ở tầng cao từ nay coi như bị
nhốt trong nhà vì thang máy không còn hoạt động. Courrier International
trích trang web Nga lưu vong « Meduza » đặt ở Latvia, cho biết truyền
hình Nhà nước Nga và các kênh Telegram thân Kremlin không thể né tránh
thực tế này, nhưng tìm cách bóp méo. Họ chế giễu thảm cảnh của người dân
Ukraina bằng những từ ngữ miệt thị, còn nếu hỏa tiễn trượt mục tiêu thì
nói rằng tự người Ukraina phá hủy !
Trong cuộc chiến giá rét này,
Matxcơva huy động tổng lực, bắn hàng trăm hỏa tiễn vào cơ sở hạ tầng
Ukraina. Nhà nghiên cứu Angélique Palle của Irsem cho biết trên 30 %
năng lực của mạng giao thông hoàn toàn bị hư hại, tương đương với toàn
bộ thiệt hại của mạng lưới Pháp vào cuối Đệ nhị Thế chiến, nhưng hệ
thống Ukraina bị hủy hoại chỉ trong vài tuần lễ. Nga đánh vào mỗi mắt
xích của chuỗi cung ứng : oanh kích cả các nhà máy nhiệt điện và thủy
điện, các trạm biến điện, tóm lại là phân nửa cơ sở hạ tầng điện
Ukraina. Vốn có cùng mạng lưới với Kiev thời Liên Xô, Matxcơva có nhiều
thông tin cụ thể thuộc loại mật, và Putin không bỏ lỡ cơ hội trả thù
việc Kiev phá hủy một phần cầu Kertch nối với Crimée.
Cuộc chiến giá lạnh « chỉ còn 100 ngày nữa thôi ! »
Việc
tấn công mạng lưới năng lượng Ukraina còn mang nặng ý nghĩa chiến lược.
Làm thế nào vui vẻ được khi lạnh run, không có bữa ăn nóng, mà nhiệt độ
bên ngoài xuống dưới 0°C ? Đánh vào hậu phương, quân Nga hy vọng chia
rẽ người dân và chính phủ để họ đòi chấm dứt chiến tranh. Theo bà Palle,
đến nay vẫn không hiệu quả, « nhưng cái lạnh ngày càng khủng khiếp ».
Matxcơva còn tìm cách giảm năng lực kỹ nghệ của Ukraina. Không có điện,
Kiev không thể sản xuất phụ tùng thay thế cho xe quân sự. Nga oanh kích
còn nhằm gây rối loạn hệ thống liên lạc. Quân đội Ukraina có máy phát
điện và mạng lưới truyền tin, nhưng dựa nhiều vào thông tin từ thường
dân. Nếu mạng điện thoại không còn hoạt động, Ukraina sẽ mất đi lợi thế
chiến thuật lớn.
Sửa chữa mạng lưới điện rất nguy hiểm, đã có 9
công nhân thiệt mạng, họ là những « người hùng thời đại ». Dù làm việc 7
ngày/7, 12 tiếng đồng hồ/ngày, họ không thể làm nên phép lạ. Hồi năm
2013 tại Silicon Valley, những kẻ tấn công đã bắn hư 17 trạm biến điện,
việc sửa chữa tốn 15 triệu đô la, kéo dài 27 ngày, mà đó là có đầy đủ
thiết bị.
Thứ trưởng Năng Lượng Ukraina Yarolav Demchenkov kêu gọi
giúp đỡ vì sắp hết thiết bị biến điện cao tần, nhưng khổ nỗi chuẩn châu
Âu khác với Ukraina. Thiết bị ngắt mạch, dây cáp, vật liệu cách điện
cũng thiếu. Anh và EU chi khoảng mấy chục triệu đô la để mua máy phát
điện và bảo đảm tín dụng cho Ukrenergo, ngoại trưởng Mỹ loan báo viện
trợ 53 triệu đô, hôm 13/12 EU giải ngân 30 triệu euro để mua các bóng
đèn LED...Nhưng còn phải chế những thiết bị theo tiêu chuẩn đặc thù
Ukraina và việc này mất nhiều tháng.
Trong khi chờ đợi, Kiev không
còn ở thế thủ : lần đầu tiên hai căn cứ không quân và một phi trường
quân sự Nga cách xa hơn 500 kilomet bị tấn công. Phó thủ tướng Ukraina
Iryna Verechtchouk hôm 30/11 khích lệ : « Mùa lạnh kéo dài khoảng 100 ngày, chỉ 100 ngày thôi, rồi mùa xuân sẽ đến ! ». Tại
Kiev, đô trưởng Vitali Klitschko quyết định duy trì truyền thống dựng
cây thông mùa Giáng Sinh. Cây thông Noel cao 12 mét sẽ được trang trí
bằng « những dây đèn tiết kiệm năng lượng, hoạt động bằng máy phát điện ». Một tia hy vọng trong đêm mùa đông Ukraina giá lạnh.
Mùa đông băng giá đi qua, Nga sẽ lại tấn công Kiev ?
Trong
bối cảnh ấy, Nga đang tập trung quân và vũ khí cho một cuộc tấn công
lớn ngay từ tháng Giêng, hoặc trong mùa xuân ; xuất phát từ Donbass, từ
miền nam hay nước chư hầu Belarus. Mục đích là đẩy lùi lực lượng
Ukraina, thậm chí có thể mưu toan chiếm thủ đô Kiev lần thứ hai. The Economist cho biết đó không phải là nhận định của tờ báo, mà từ tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina, tướng Valery Zaluzhny.
Từ hai tuần qua, The Economist đã
có một loạt cuộc trao đổi với vị tướng nổi tiếng này và tư lệnh lục
quân Oleksankr Syrsky, cùng với tổng thống Volodymyr Zelensky. Ở lần
phỏng vấn gần nhất hồi tháng Ba, cuộc trò chuyện với ông Zelensky diễn
ra trong một « phòng tình huống » - một boong-ke bí mật chứa đầy mì ăn
liền, trong không khí hết sức căng thẳng. Giờ đây tổng thống đã trở lại
văn phòng ông ở Kiev. Dù những bao cát và bẫy xe tăng vẫn còn, nhưng tâm
trạng nặng nề trong thời gian đầu đã biến mất.
Tướng Zaluzhny
cảnh báo người Nga đang chuẩn bị khoảng 200.000 tân binh, họ có thế mạnh
về người, và Ukraina đang cần thêm nhiều vũ khí để chiến đấu. Himars đã
giúp phá hủy nhiều kho tàng của Nga, nhưng nay quân Nga di chuyển khỏi
tầm bắn nên Kiev cần những vũ khí mạnh hơn như ATACMS có thể đánh trúng
mục tiêu ở xa gấp đôi, cộng với đạn dược, pháo các loại, xe tăng…Cuộc
chiến đã trở thành cuộc chạy đua tái vũ trang. Patriot của Mỹ rất lợi
hại, nhưng còn mất nhiều tháng huấn luyện và theo tuần báo Anh, lẽ ra
nên cung cấp cho Kiev sớm hơn.
Zelensky và các tướng lãnh trước vận mệnh đất nước
Ba
nhân vật chủ chốt trong công cuộc kháng chiến của Ukraina đều nhấn mạnh
lối thoát cuộc chiến tùy thuộc vào những tháng sắp tới. Đánh phủ đầu
hay ngồi chờ cuộc tấn công quy mô của Nga rồi mới phản công, tập hợp và
phân bổ nguồn lực như thế nào, có được bao nhiêu vũ khí, đạn dược trong
những tuần, những tháng sau… những quyết định sẽ định hình tương lai đất
nước. Ukraina đã trải qua một mùa thu với khúc ca khải hoàn : thần tốc
tái chiếm Kharkiv, tiến vào giải phóng Kherson. Nhưng cả đại tướng
Zaluzhny lẫn thượng tướng Syrsky đều không tỏ vẻ đắc thắng.
Một trong những lý do là việc Nga leo thang oanh tạc cơ sở hạ tầng. Tướng Zaluzhny cảnh báo « dường như chúng tôi đã đạt đến giới hạn ».
Những vụ tấn công lớn hơn có thể vô hiệu hóa hoàn toàn lưới điện, vợ
con chiến sĩ lạnh cóng, bản thân họ không điện nước và thức ăn làm sao
tiếp tục chiến đấu ? Tướng Syrsky nhận xét ở Bakhmut, Nga thay đổi chiến
thuật, lính đánh thuê Wagner, Chechnya và các lực lượng khác trước đây
chiến đấu riêng rẽ, nay phối hợp thành các phân đội 900 binh sĩ trở lên.
Thách thức thứ ba là Nga có thể huy động tân binh nhiều gấp năm lần so
với Ukraina trong thời gian ngắn.
Đại tướng Valery Zaluzhny là một
trong những nhân vật lừng danh nhất nước, nhờ những chiến thắng vang
dội. Ông chỉ huy theo cách khác hẳn Nga, biết lắng nghe thuộc cấp.
Thượng tướng Oleksankr Syrsky, sĩ quan cao cấp thứ nhì của quân đội
Ukraina, là tác giả của hai chiến dịch quan trọng : chặn được « đội quân
thứ nhì thế giới » ở cửa ngõ Kiev hồi tháng Ba và đuổi chạy khỏi
Kharkiv vào tháng Chín. Giờ đây ông là người phải đối đầu với một đội
quân Nga bị sỉ nhục đang ném tất cả những gì có được vào Bakhmut.
Còn
tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định nếu Putin rút lui về biên giới
năm 1991 thì con đường ngoại giao có thể bắt đầu. Không ít đồng minh
phương Tây cho rằng « không cần phải giải phóng những người không muốn
được giải phóng ». Nhưng một cuộc chiến liên quan không chỉ đến lãnh thổ
mà cả bản sắc, dường như đã ngoài tầm kiểm soát của nhà lãnh đạo giờ
đây nổi tiếng nhất thế giới. Trên 95 % đồng bào ông muốn giành lại toàn
bộ những vùng đất bị mất, hận thù với Nga rất sâu sắc.
Tâm chấn Bakhmut, « trận Verdun » của Ukraina
Cụ thể trên chiến địa, L'Express nói về « Trận đánh Bakhmut, "trận Verdun’’ của chiến tranh Ukraina ». Thành
phố thuộc vùng Donbass hiện là tâm chấn của cuộc chiến. Rượu « sâm banh
xô-viết » của Bakhmut được coi là một trong những loại rượu ngon nhất
thời Liên Xô, nhờ các hầm rượu được đào trong những mỏ thạch cao, có
nhiệt độ và độ ẩm không thay đổi. Năm 1950 theo lệnh Stalin, chính quyền
cộng sản thành lập một nhà máy rượu vang và mới gần đây thôi, công ty
Artwinery còn lưu trữ khoảng 50 triệu chai.
Nhưng nay cái tên
Bakhmut đồng nghĩa với ác mộng. Bị Matxcơva tập trung tấn công, những
trận đánh tại đây là đẫm máu nhất. Theo Serhiy Cherevaty, phát ngôn viên
quân đội Ukraina ở miền đông, mỗi ngày có 50 đến 100 lính Nga thiệt
mạng. Trong chuyến thăm Donbass gần đây, tổng thống Volodymyr Zelensky
nhìn nhận tình hình « rất căng », « giành từng mét đất ».
Trận
đánh trên khu vực vài chục cây số mà giới tuyến ít thay đổi, gợi nhớ
trận Verdun kéo dài nhiều tháng thời Đệ nhất Thế chiến. Theo cựu đại tá
Michel Goya, Bakhmut đã biến thành một trận chiến tiêu hao như Verdun,
khi quân Đức dựa vào ưu thế pháo binh để tấn công Pháp. Trận này trở
thành quan trọng với Matxcơva, vốn không muốn bị thua trong một trận
đánh mà cả thế giới ngày nào cũng nói đến. Chủ công ty Wagner, Evgueni
Prigojine thì muốn chứng tỏ lính đánh thuê của mình giỏi hơn quân đội
Nga, nhận cả tù hình sự để làm bia đỡ đạn. « Cối xay thịt » Verdun trước
đây là nơi gần 300.000 người lính đã ngã xuống.
Những chiến hào
bùn lầy, cảnh tượng tàn phá, mặt đất loang lổ : những hình ảnh từ tiền
tuyến trông như tận thế, tiếng đại bác gầm thét không ngừng y như thời
Đệ nhất Thế chiến. Ông Goya nhận thấy Bakhmut có cùng một kiểu đánh :
dùng pháo binh tấn công gây thương vong lớn. Dù mất rât nhiều lính, Nga
chỉ tiến được vài kilomet kể từ mùa hè. Về phía Ukraina, họ áp dụng cùng
một công thức với Pháp trong trận Verdun để chống chọi : xoay vòng nhân
sự để giữ vững tinh thần binh sĩ.
Microsoft, thành lũy chận tin tặc cho Ukraina
Không chỉ dùng đạn pháo, Nga còn tấn công ồ ạt Ukraina trên thế giới mạng. L’Express cho biết, « Microsoft là ‘thành lũy ảo’ của Ukraina ». Hôm
23/02, tức 24 tiếng đồng hồ trước khi Nga xua quân sang, ê-kíp
Microsoft đã phát hiện 200 vụ tấn công vào hệ thống tin học của chính
phủ Ukraina và cả tư nhân. Tất cả thuộc Iridium, nhóm tin tặc rất thiện
nghệ trong việc cài những mã độc dữ dằn nhất, từng rải virus NotPetya
làm nhiễm độc hàng trăm ngàn máy tính trên thế giới. Một tuần sau, tổng
thống Ukraina ký sắc lệnh cho phép chính phủ chuyển mọi dữ liệu sang
« cloud » (đám mây) mà trước đây bị cấm vì lý do chủ quyền quốc gia. Ông
Zelensky phải quyết định như vậy vì đợt hỏa tiễn đầu tiên của Nga đã
suýt đánh trúng trung tâm dữ liệu chính của Ukraina.
Do có quan hệ
từ trước, Microsoft lo việc di chuyển này. Với trên 60 trung tâm dữ
liệu phân bố trên thế giới của tập đoàn, Kiev có thể an tâm. Ông Tom
Burt, phụ trách về an ninh của Microsoft chỉ huy 8.500 kỹ sư tại 77
nước, nhấn mạnh khi phát hiện tin tặc luôn phải thông báo lập tức cho
Kiev tình trạng tấn công để đối phó. Hiện tập đoàn Mỹ hỗ trợ miễn phí
việc chuyển giao và lưu trữ dữ liệu cho đến cuối năm tới, chi phí ước
tính 400 triệu đô la, chưa kể thời gian làm việc của ê-kíp chống tin
tặc.
Bắc Kinh đòi hỏi quá đáng, Apple chuyển dần sang Ấn Độ và Việt Nam
Nhìn sang châu Á, L’Express nói về « Chiếc bẫy Trung Quốc của Apple ».
Ngoài lao động rẻ, Bắc Kinh còn dành mọi ưu đãi cho tập đoàn Mỹ, nhưng
nay Apple đang tìm mọi cách để ra đi. Trung Quốc đã xây dựng cả một
thành phố cho iPhone, đó là Trịnh Châu với 6 triệu dân, thủ phủ tỉnh Hà
Nam nằm cạn sông Hoàng Hà, mỗi ngày có thể xuất xưởng nửa triệu chiếc.
Chính quyền Hà Nam đã chi 1,5 tỉ đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng từ
đường sá, nhà máy điện, trung tâm hải quan, khu cư xá công nhân, ngay cả
phi trường cũng được mở rộng.
Trong nhiều năm, mọi việc diễn ra
hoàn hảo, nhưng dần dà Bắc Kinh đòi hỏi ngày càng cao, thậm chí cả mã
nguồn của phần mềm iPhone. Apple đã phải nhượng bộ một số yêu cầu, nhưng
chuẩn bị rút dần khỏi Hoa lục, ngay cả trước khi xảy ra vụ công nhân
nhà máy Trịnh Châu nổi loạn. Một phần sản xuất nay được tiến hành ở Ấn
Độ và Việt Nam.
Tập Cận Bình đầu hàng Covid, nhân dân lo tự cứu
Cũng về Trung Quốc, The Economist
mô tả : Các trạm xét nghiệm được dỡ bỏ, những nhân viên kiểm tra không
còn trông thấy trên đường phố. Trong cuộc chiến chống Covid, Nhà nước đã
biến mất trên tuyến đầu. Gần ba năm qua, Tập Cận Bình luôn hô hào « chiến tranh nhân dân » chống lại con virus, nhưng nay ông ta đã đầu hàng, và nhân dân phải sống chung với kẻ thù.
Tập
Cận Bình không phải là nhà lãnh đạo đầu tiên kết luận rằng cuộc chiến
này không thể chiến thắng. Nhưng trước khi từ bỏ chính sách zero Covid,
các quốc gia khác trước hết đã lo chích ngừa, dự trữ thuốc kháng
virus…Trung Quốc có rộng rãi thời gian hơn các nước khác rất nhiều,
nhưng hai năm qua không lo chuẩn bị, khiến việc mở cửa trở nên nguy
hiểm. Lẽ ra Bắc Kinh đã phải nhập khẩu vac-xin ARN thông tin của phương
Tây, tiêm chủng cho những người có nguy cơ cao, đào tạo y tá khẩn cấp,
mở rộng chăm sóc bệnh nhân nặng tại những vùng nghèo hơn.
Tuần báo
Anh đã lập mô hình tính toán với các biến số như tỉ lệ chích ngừa, hiệu
quả của vac-xin nội địa, tỉ lệ tử vong nơi các nhóm tuổi khác nhau, số
lượng giường chăm sóc đặc biệt. Trong giả thiết xấu nhất, nếu virus tự
do lây lan và nhiều người không được chữa trị, những tháng tới sẽ có 1,5
triệu người chết vì Covid.
Chuyên gia : Phương Tây đừng hoài công giúp hòa nhập, hãy lánh xa Trung Quốc
Trên bình diện địa chính trị, giáo sư Aaron Friedberg của đại học Princeton trên The Economist
cho rằng phương Tây nên từ bỏ những nỗ lực nhằm hội nhập một Trung Quốc
đầy thù địch. Đã ba lần trong thế kỷ qua, các quốc gia phương Tây đã cố
gắng tạo ra một trật tự dân chủ toàn cầu, và đã thất bại. Sau hai nỗ
lực trong Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến, đến khi chiến tranh lạnh kết
thúc, họ theo đuổi chiến lược mà chính quyền Clinton gọi là « mở rộng »,
ngược với ngăn chận. Mục đích là giúp thể chế tự do trải rộng khắp
Âu-Á, bao gồm cả Nga và Trung Quốc. Cho dù có vài thành công ở Trung Âu
và Đông Âu, giấc mơ này đã kết thúc trong nước mắt.
Nước Nga chìm
đắm trong tham nhũng, phe nhóm, độc đoán, được che đậy bằng dân tộc chủ
nghĩa chống phương Tây dữ dội, dẫn đến cuộc xâm lăng thảm họa hiện nay
của Vladimir Putin. Trung Quốc đi theo một con đường khác, nhưng với mục
đích tương tự. Đảng cộng sản lợi dụng việc hội nhập thị trường quốc tế
để kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, nhưng thay vì ủng hộ trật tự hiện
có, lại ủ mưu thống trị thế giới. Bắc Kinh dùng vũ lực để thay đổi
nguyên trạng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, dùng ảnh hưởng ở các nước phát
triển để thao túng, lấy sức mạnh kinh tế để làm áp lực, ra sức chia rẽ
các nền dân chủ.
Giáo sư Friedberg nhấn mạnh, bài học ở Nga cho
thấy phương Tây nên chuyển ngay các chuỗi cung ứng quan trọng ra khỏi
Trung Quốc, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Hoa lục, tìm kiếm cơ hội
mới ở Nam Á, châu Phi và các khu vực khác. Đồng thời chỉ rõ sự độc tài
tàn bạo của Trung Quốc và Nga, khi hai chế độ này từ chối các quyền và
hủy hoại phẩm cách của người dân. Những người cai trị ở Bắc Kinh và
Matxcơva biết rõ một điều mà những người đồng cấp trong thế giới tự do
dường như đã quên : khát vọng tự do là một dung môi mạnh mẽ ăn mòn nền
tảng của toàn trị. Đằng sau những khoe khoang, các nhà độc tài đang lo
sợ phải đứng ở góc độ đen tối của lịch sử. Về hồi kết của các lãnh đạo
độc tài trên thế giới, như trên đã nói, Le Point có hẳn một hồ sơ và RFI xin phép đề cập trong một kỳ khác.