Tin nóng trong ngày
Tin Tức ngày 25 - 9 -2024
************
TIN TỔNG HỢP
Đăng ngày:
(AFP) – Pháp : Mức độ tín nhiệm của tổng thống Macron và tân thủ tướng Barnier xuống tới mức thấp nhất. Theo một thăm dò của Odoxa, công bố hôm nay, 24/09/2024, 25 % số người được hỏi coi Emmanuel Macron là một « tổng thống tốt », tỷ lệ thấp nhất đối với một tổng thống Pháp từ 7 năm qua. Trong khi đó, 39 % số người được hỏi coi Michel Barnier là một « thủ tướng tốt », trong khi đó, tỷ lệ này là 55 % đối với cựu thủ tướng Edouard Philippe (2017), 43 % đối với Elisabeth Borne (2022) và 40 % đối với Jean Castex. Thăm dò được thực hiện qua mạng, đối với 1005 người Pháp trưởng thành, từ ngày 18 đến ngày 19 tháng 9, trước khi thành phần tân chính phủ được công bố.
(AFP) – Hơn 25 000 di dân vượt biển Manche đến Anh từ đầu năm 2024. Hôm qua, 23/09/2024, bộ Nội Vụ Anh cho biết vào thứ Bảy tuần trước, 717 di dân đã vượt biển Manche, từ miền bắc nước Pháp, để đến Anh. Tính từ đầu năm 2024, tổng cộng đã có 25 052 người vượt biển vào Anh, tăng 4 % so với năm 2023, nhưng giảm 21 % so với năm 2022. Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 07/2024, tân thủ tướng Anh Keir Starmer đã hủy bỏ kế hoạch trục xuất những người xin tị nạn, không có giấy tờ hợp lệ, đến Rwanda, mà thay vào đó, tăng cường các biện pháp chống lại các băng đảng buôn người di dân.
(AFP) – Iran xây dựng tường dài 10 km tại biên giới với Afghanistan để ngăn di dân. Thông tin do truyền thông Iran loan tải hôm qua 23/09/2024. Sắp tới, Iran sẽ xây thêm một bức tường dài 50 km khác. Trước đó, bộ trưởng Nội Vụ Iran thông báo đóng toàn bộ biên giới với Afghanistan vì nước này không còn khả năng tiếp đón những người tị nạn nữa. Kể từ khi Kabul sụp đổ vào năm 2021, dòng người Afghanistan di tản đến Iran tăng mạnh. Tổng số người Afghanistan đến tị nạn trên lãnh thổ Iran, trên thực tế, có thể từ 6 đến 9 triệu người.
( AFP ) - Giáo hoàng sẵn sàng cho bà Aung San Suu Kyi tị nạn ở Vatican. Nhật báo Ý Il Corriere della Sera hôm nay, 24/09/2024, trích dẫn một số đoạn trong cuộc nói chuyện với các tu sĩ Dòng Tên trong chuyến tông du Đông Nam Á từ 2 đến 13/09, trong đó giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo chính phủ dân sự bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2021. Ngài cho biết đã đề nghị cho bà Aung San Suu Kyi được tị nạn ở Vatican.
(AP) – Bắc Triều Tiên đe dọa đáp trả chuyến thăm của tàu ngầm Mỹ đến Hàn Quốc.
Hôm nay, 24/09/2024, em gái của Kim Jong Un, bà Kim Yo Jong, cho biết Bình Nhưỡng sẽ tăng cường khả năng hạt nhân, “kể về số lượng và chất lượng”, để phản đối chuyến thăm của tàu ngầm hạt nhân Hoa Kỳ, ghé thăm Hàn Quốc gần đây. Theo một số chuyên gia, tuyên bố của bà Kim Jo Jong ám chỉ rằng, có khả năng sắp tới, , Bình Nhưỡng sẽ thử tên lửa có tầm bắn nhắm vào một địa điểm nào đó trên lãnh thổ Hàn Quốc.
( AFP ) - Đài Loan: Trung Quốc là nguồn tấn công tin tặc số một. Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan hôm nay, 24/09/2024, cáo buộc Trung Quốc là “quốc gia số một thế giới tiến hành các cuộc tấn công tin tặc ngày nhắm vào hòn đảo này. Bộ trưởng Cố Lập Hùng Wellington Koo cũng bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc là có một nhóm tin tặc đang tấn công vào Bắc Kinh.
( AFP ) - Anh Quốc cấm sở hữu dao kiểu “zombie”. Hôm qua, 23/09/2024, luật cấm sở hữu các loại dao kiểu “zombie” ( dao hai lưỡi ) hoặc những loại dao rựa, mà các băng đảng hay sử dụng để thanh toán nhau. Những người sở hữu các loại dao này được kêu gọi giao nộp cho cảnh sát trước ngày hôm qua. Tổng cộng từ tháng 03/2023 đến tháng 03/2024, cảnh sát đã ghi nhận hơn 50.500 vụ ẩu đả có sử dụng dao tại Anh Quốc và xứ Wales.
(AFP) – New Zealand phát hiện một loài các mập mới. Các nhà nghiên cứu New Zeland hôm nay, 24/09/2024, cho biết đã phát hiện một loài cá mập « ma » và đặt tên là « Harriotta avia », có khả năng săn mồi ở mực nước sâu, lên tới 2600 mét tại Thái Bình Dương. Môi trường sống của loài cá này khiến việc giám sát và nghiên cứu gặp khó khăn, khiến các nhà nghiên cứu khó có được thông tin về vòng đời, hoặc phân loại, liệu loài cá này có phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng hay không.
*******
Trung Đông : Liban có trở thành “một Gaza thứ hai” ?
Căng thẳng ở Trung Đông, những thách thức mà tân chính phủ Pháp phải đối mặt là hai trong số những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 24/09/2024.
Trang nhất nhật báo Le Monde quan tâm đến căng thẳng ngày càng leo thang giữa Israel và tổ chức Hezbollah ở Liban. Sáng hôm qua, quân đội Israel đã phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhắm vào Liban. Các nhà báo AFP và truyền thông Nhà nước Liban đã ghi nhận hàng chục cuộc oanh kích ở phía nam đất nước và ở cao nguyên Bekaa.
Theo Nhà nước Do Thái, quân đội nước này đã phát động chiến dịch oanh kích Liban sau khi xác định được vị trí những phát súng bắn về phía Israel. Nhà nước Do Thái kêu gọi những người Liban hiện diện ở gần những tòa nhà mà Hezbollah cất giữ vũ khí phải “rời khỏi khu vực ngay lập tức”, trước khi nhấn mạnh các cuộc tấn công nhắm vào nhóm lính Liban này sẽ “tiếp diễn trong tương lai gần” với “quy mô lớn và chính xác hơn”. Hôm 22/09, một ngày trước khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc, tổng thư ký Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về việc Liban có thể trở thành “một Gaza thứ hai”.
Trước đó một hôm, quân đội Israel đã thực hiện những cuộc tấn công “phòng ngừa” khác ở miền nam Liban, nhắm vào “hàng nghìn bệ phóng tên lửa trong tình trạng sẵn sàng” chống Nhà nước Do Thái ở khu vực này. Về phần mình, không muốn tỏ ra bị lép vế, Hezbollah cũng không ngừng đáp trả, trong bối cảnh lực lượng này đã bộc lộ những điểm yếu trước Israel.
Mạng sống của người dân Liban “vô giá trị”
Cùng chủ đề, trang nhất của tờ Libération ghi nhận những cuộc oanh kích của Israel ở Liban đã khiến hơn 300 người thiệt mạng, buộc người dân nước này phải đồng loạt sơ tán khỏi các khu vực gần biên giới với Israel. Nhật báo thiên tả nhận định điều mà người dân Liban lo sợ kể từ tháng 10 năm ngoái, một cuộc “Đại chiến”, dường như đang trở thành hiện thực.
Có thể thấy rõ sự hỗn loạn trên những trục lộ chính của đất nước. Hàng giờ chờ đợi do tình trạng tắc đường kéo dài nhiều cây số hướng về thủ đô Beyrouth, nơi hàng nghìn người đang tìm nơi ẩn náu. Ahmad bị kẹt xe ở khu vực Tyre, phía nam đất nước và lo sợ màn đêm sẽ buông xuống trước khi tới được thủ đô. Được Libération liên lạc bằng điện thoại, Ahmad giận dữ hét lên : “Khắp mọi nơi đều có thông tin nói rằng tất cả nhà dân đều là những điểm đáng ngờ… Họ đang chuẩn bị biện minh cho cái chết của chúng tôi !” Giống như nhiều người khác, người đàn ông 40 tuổi này vẫn lưu giữ ký ức về cuộc chiến năm 2006, khi nhớ lại những bản tin thời sự nóng, những cây cầu bị oanh tạc hay những lời kêu gọi sơ tán dân thường... Ahmad không tiếc lời để bày tỏ quan ngại về tương lai của anh nói riêng và người dân Liban nói chung : “Cộng đồng quốc tế sẽ làm gì ? Họ sẽ bỏ mặc cho Israel phá hủy những ngôi làng của chúng tôi và biến nơi này thành một Gaza thứ hai ? Chẳng lẽ Netanyahu có quyền san bằng bất cứ quốc gia nào ông ấy muốn ? Chúng ta chẳng là gì trong mắt cộng đồng quốc tế ! Cuộc sống của chúng ta thật vô giá trị !” Khi đến thủ đô Beyrouth, Ahmad không biết sẽ lưu trú ở đâu, nhưng buộc phải bỏ nhà ra đi.
Tại ngôi làng Bazouriyé gần Tyre, Nour không biết phải đưa ra quyết định gì : “Tôi không biết mình sẽ về nhà bằng cách nào. Họ oanh kích khắp mọi nơi và tôi lo nhà tôi sẽ bị phá hủy. Chúng tôi không thể ở đây được nữa.” Người mẹ này đang đi cùng con trai lên thủ đô để đoàn tụ với chồng, nhưng chính quyền Liban đã đóng con đường đi từ Tyre đến Beyrouth, còn những con đường làng thì hết sức nguy hiểm khi liên tục bị oanh kích. Nour thực sự hoang mang khi không biết sẽ qua đêm ở đâu.
Một người khác phải sơ tán đến thủ đô Beyrouth là Rima. Từ mùa hè, cô đã thuê một căn hộ cho cả gia đình để họ có thể ổn định cuộc sống nếu chiến tranh nổ ra, và cô không hề hối hận về quyết định của mình. Tuy nhiên, mặc dù không sống ở quá gần nơi diễn ra chiến sự, Rima và gia đình không còn cảm thấy thực sự an toàn. Israel hôm qua đã thực hiện cuộc oanh kích nhắm vào Ali Karaké, chỉ huy Hezbollah ở mặt trận phía nam. Rima cho biết “quân đội Israel có thể viện cớ binh sĩ Hezbollah hiện diện ở khu vực bị nhắm tới để oanh kích những tòa nhà dân cư”. Rima kết luận : “Trên Twitter, nhiều người đang đề cập đến ‘Chiến tranh Liban lần thứ ba’. Đó là điều đáng sợ nhất, những cuộc chiến có tên. Khi những cuộc chiến có tên, tức là chúng đã làm thay đổi lịch sử, và tổn thất đi kèm cũng rất nặng nề.”
Trung Đông : Hoạt động ngoại giao tế nhị của Hoa Kỳ
Về mặt ngoại giao, nhật báo kinh tế Les Echos dành trang nhất nói về việc Hoa Kỳ đang tìm cách thực hiện chiến lược giữ cân bằng hết sức tế nhị. Washington ngầm ủng hộ các hoạt động quân sự của Israel chống Hezbollah, đồng thời kêu gọi Benjamin Netanyahu không được đi quá xa, như không được phép chiếm đóng khu vực miền nam Liban. Tổng thống Joe Biden hôm qua đã khẳng định đang “làm mọi cách để giảm leo thang” căng thẳng. Mục tiêu của Washington là tránh để xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực có khả năng liên lụy trực tiếp đến Iran, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.
Pháp : Những thách thức của tân thủ tướng Michel Barnier
Về tình hình chính trị Pháp, trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro chú ý đến những rủi ro trong việc tăng thuế của tân thủ tướng Michel Barnier. Cánh tả, cánh trung hay cánh hữu lãnh đạo thì Pháp vẫn là Pháp, đất nước mà thuế khóa luôn là chủ đề sôi nổi. Mọi người chưa biết tân chính phủ của thủ tướng Barnier có chính sách cụ thể gì, ngoại trừ việc thuế sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, dường như không phải tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng khi tầng lớp trung lưu được cho là sẽ không bị đánh thuế cao hơn. Chỉ những tập đoàn lớn hay người giàu có nhất bị nằm trong tầm ngắm của chính phủ. Mặc dù vậy, nhật báo thiên hữu nhận định những “nạn nhân” này không phải quá lo lắng khi đây dường như sẽ chỉ là chính sách tạm thời để làm đầy ngân sách Nhà nước.
Trong bối cảnh đó, Le Figaro cảm thấy lo ngại khi nền kinh tế của Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, đã lấy lại được khả năng cạnh tranh trong những năm gần đây, nhờ chính sách thuế khóa “đồng đều” với các nước láng giềng. Tờ báo đặt câu hỏi đây có phải là thời điểm thích hợp để giảm sức hấp dẫn của Pháp bằng cách đánh thuế cao các doanh nghiệp ?
Mỹ do dự trong việc bật đèn xanh cho Ukraina đánh sâu vào lãnh thổ Nga
Về tình hình Ukraina, tờ Les Echos có bài viết nói về việc tổng thống Volodymyr Zelensky, ngày kia 26/09, sẽ kêu gọi Washington bật đèn xanh cho phép Kiev nhắm mục tiêu vào các căn cứ quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga, trong bối cảnh Nhà Trắng đang tỏ ra do dự.
Theo dự kiến, nguyên thủ Ukraina sẽ trình bày kế hoạch “giải quyết” chiến tranh với tổng thống Biden, với ứng viên đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống 2024 Kamala Harris, và với ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump, từng khẳng định sẽ cắt viện trợ quân sự cho Kiev nếu ông đắc cử tổng thống ngày 05/11.
Kiev đang rất muốn thuyết phục Washington bật đèn xanh và cho rằng đó là giải pháp thiết yếu để Ukraina có cơ hội giành chiến thắng, trong bối cảnh số lượng binh sĩ, đại bác và chiến đấu cơ của Nga nhiều hơn hẳn Ukraina. Nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin cách đây 10 ngày đã khẳng định việc sử dụng tên lửa tầm xa có độ phức tạp lớn, nhất thiết cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia Mỹ, “sẽ thay đổi bản chất của cuộc xung đột” và sẽ đưa Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào cuộc chiến chống lại Matxcơva, và điều này đủ khiến Washington bối rối.
Pháp : Tỷ lệ người sống qua 90 tuổi ngày càng nhiều
Về lĩnh vực xã hội, nhật báo Công Giáo La Croix có bài viết nói về tỷ lệ người dân Pháp sống qua cửu tuần ngày càng nhiều, nhưng lại ngày càng bị cô lập. Nhờ tuổi thọ được cải thiện, dân số tiếp tục gia tăng. Tính đến ngày 01/01/2024, có 956.000 người từ 90 tuổi trở lên, bao gồm 694.000 phụ nữ và 262.000 nam giới.
Michel Billé, nhà xã hội học chuyên về các vấn đề liên quan đến tuổi già, nhận định : “Những cụ già 90 tuổi vào năm 2024 khác hẳn với những cụ già 90 tuổi vào năm 1980. Một nghiên cứu từ năm 1950 cho thấy một người Pháp sau khi sinh ra, thường sẽ kết hôn, làm việc và chết trong bán kính 50 km xung quanh nơi họ sinh ra. Vào thời điểm đó, khi người ấy già đi và cần đến con cái, chúng có thể đến với cha mẹ trong ngày. Giờ đây, bối cảnh gia đình đã thay đổi rõ rệt : các gia đình bị phân tán, điều đó không có nghĩa là con cháu không còn yêu thương bố mẹ già, nhưng chúng ta không còn có thể trông cậy vào chúng theo cách tương tự nữa.”
Tuy nhiên, việc duy trì các mối liên kết xã hội vẫn rất cần thiết ở những độ tuổi này. Bác sĩ lão khoa Véronique Lefebvre des Noettes giải thích : “Lão hóa là một quá trình với 20% do di truyền, còn 80% phụ thuộc vào môi trường chúng ta đang sống. Nếu một người già đi mà không được ai chăm sóc, người đó sẽ chết trước những người được chăm sóc, ngay cả khi người đó có thể chất tốt.”
Ngoài ra, các bệnh lý về tim mạch vẫn rất phổ biến, có thể gây ra đột qụy, tình trạng huyết áp cao, tiểu đường hay mỡ máu cao. Bệnh sa sút trí tuệ cũng thường được phát hiện ở độ tuổi này. Mặc dù các phương pháp phòng ngừa đã có những tiến bộ nhất định, nhưng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở phụ nữ là 40%.
Marie-Françoise Fuchs, người sáng lập hiệp hội Old’Up, vừa mới kỷ niệm sinh nhật lần thứ 92, nhận định : “Chúng ta nhìn kém hơn, nghe kém hơn và cũng hay quên hơn. Chúng ta giống như một tòa lâu đài ọp ẹp, bất an với sức khỏe. Điều đó buộc tôi phải sống chậm lại, giúp tôi quan sát được những điều mà tôi chưa từng nhìn thấy trước đây : một nụ hoa nở rộ, những chiếc lá chuyển động theo gió, những tia nắng xuyên qua tấm rèm vào buổi sáng.” Véronique Lefebvre des Noettes kết luận “đó là bí quyết để có một tuổi già khỏe mạnh”. Bà nói : “Hãy tò mò về mọi thứ, đừng quá tập trung vào bản thân, nuôi dưỡng niềm vui và không bao giờ chán nản với những niềm hạnh phúc nho nhỏ trong cuộc sống.”
************
Khí đốt, lá chủ bài để Ukraina mặc cả với Nga ?
Đăng ngày:
Bất chấp chiến tranh, Matxcơva và Kiev vẫn tôn trong hợp đồng 5 năm để đưa khí đốt của Nga sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraina. Cũng vì xung đột 2 trong số 4 ngả xuất khẩu khí đốt của Nga cho Liên Âu bị tắc nghẽn. Trước khi Gazprom và Naftogaz đàm phán lại về một thỏa thuận mới cho giai đoạn 2025-2029, Kiev tấn công vùng Kurk, chiếm Soudja, tạm thời kiểm soát một cửa ngõ xuất khẩu năng lượng của Nga để tạo thêm sức mạnh cho « kế hoạch chiến thắng ».
Phải chăng đây là một tính toán để Ukraina mặc cả với chính quyền Putin về « kế hoạch » chấm dứt chiến tranh mà tổng thống Volodymyr Zelensky đem đến Washington, trình bày với tổng thống với quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ ?
Ngày 05/09/2024, phát biểu tại Diễn Đàn Kinh Tế Vladivostock, tổng thống Putin nhìn nhận kinh tế Nga sẽ bị « thiệt hại về tài chính » nếu Kiev không triển hạn hợp đồng với tập đoàn dầu khí Gazprom để xuất khẩu khí đốt của Nga cho Liên Hiệp Châu Âu. Hợp đồng hiện hành sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024. Trên nguyên tắc Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraina sẽ phải đàm phán lại về một thỏa thuận 5 năm, nhưng cuối tháng 8/2024 tổng thống Zelensky chính thức thông báo « ngừng triển hạn » thỏa thuận với phía Nga.
Bài toán đối với Gazprom càng thêm nan giải từ khi Kiev mở chiến dịch tấn công vùng Kursk hồi đầu tháng 8/2024, kiểm soát thành phố Soudja, trạm cuối cùng trước khi khí đốt của Nga « bước vào lãnh thổ Ukraina » ở thành phố Soumy.
Khí đốt, công cụ chính trị đôi bên cùng khai thác
Trả lời RFI tiếng Việt, từ Matxcơva Arnaud Dubien, giám đốc điều hành Đài Quan Sát Pháp Nga, nhắc lại về tầm mức quan trọng của Ukraina trong hệ thống xuất khẩu năng lượng của Nga :
Arnaud Dubien : « Hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt đặt trên lãnh thổ Ukraina có từ thời Liên Xô. Khi đó trước hết là để cung cấp năng lượng của Liên Xô cho các nước trong khối xã hội chủ nghĩa ở đông Âu. Đến khoảng thập niên 1970 thì Liên Xô bắt đầu cung cấp luôn cả cho nhiều nước tây Âu. Hệ thống các đường ống này tuy đã cổ lỗ nhưng chúng vẫn tồn tại ngay cả khi Liên Xô sụp đổ và vẫn còn tiếp tục hoạt động sau ngày 24/02/2022 khi Nga tuyên chiến với Ukraina. Trước chiến tranh, 5 năm một lần, Matxcơva và Kiev vẫn đàm phán lại về thỏa thuận khí đốt. Đôi bên đã từng trải qua hai cuộc khủng hoảng vào năm 2005 rồi 2019 khi mà chính quyền Ukraina bày tỏ mong muốn tiến gần hơn về phía phương Tây. Khí đốt như vậy trở thành một công cụ chính trị để Nga bắt chẹt Ukraina và trong chiều ngược lại đối với Kiev, là cửa ngõ để đưa năng lượng của Nga ra thế giới bên ngoài giúp Ukraina chiếm được một lợi thế. (…)
Cho đến hiện tại, điều ngạc nhiên là thỏa thuận giữa Nga với Ukraina về khí đốt vẫn hoạt động, đơn giản do Liên Hiệp Châu Âu vẫn tiêu thụ khí đốt của Nga. Cho dù là hai bên tham chiến nhưng đối với Matxcơva, hệ thống đường ống đi qua lãnh thổ Ukraina quan trọng hơn bao giờ hết. Ngả này chiếm một trọng lượng rất lớn đối với kinh tế của Nga, do những đường ống dẫn khác, như Nord Stream hay Yamal phải đi qua lãnh thổ Ba Lan, đã bị gián đoạn ».
Gazprom mất gần 90 % thị trường ở châu Âu
Trước khi Matxcơva khởi động « chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina » hàng năm Nga xuất khẩu 150 tỷ mét khối khí đốt sang Liên Âu, qua bốn ngả khác nhau (Ukraina, Nord Stream, Yamal và Turkish Stream). Hiện tại, dưới tác động chiến tranh, khối lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu đã sụt giảm đến hơn 87 % trong chưa đầy ba năm. Để đến được châu Âu khí đốt của Nga phần lớn vẫn phải « quá cảnh » ở Ukraina. Theo hợp đồng hiện hành Gazprom và Naftogaz đã thông qua hồi 2019, mỗi năm 40 tỷ mét khối khí đốt của Nga bán sang châu Âu chung chuyển qua lãnh thổ Ukraina. Cuối 2023 trên thực tế chỉ có 12-13 tỷ mét khối đi qua ngả này. Để so sánh trong giai đoạn « cực thịnh » 2008-2019, trung bình một năm các đường ống trên lãnh thổ Ukraina chuyển 90 tỷ mét khối khí đốt của Nga đến người tiêu dùng châu Âu.
Dù có suy giảm mạnh nhưng đến nay Nga và Ukraina vẫn không dám xa rời nhau trên hồ sơ khí đốt. Sau hơn 940 ngày chiến tranh, hệ thống các ống đưa khí đốt của Nga sang châu Âu đi ngang qua lãnh thổ Ukraina vẫn nguyên vẹn ; khí đốt là một trong những hồ sơ hiếm hoi mà đối thoại giữa Matxcơva và Kiev chưa bao giờ bị gián đoạn. Về mặt chính thức, Ukraina không còn « nhập khẩu » dầu khí của « kẻ thù » mà dựa hẳn vào năng lượng của « đồng minh châu Âu ». Có điều Liên Âu vẫn là một khách hàng mua vào khí đốt của Nga, nhất là khí hóa lỏng.
Đầu óc thực dụng của Matxcơva và Kiev
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt này phần nào là « một lá bùa hộ mạng » cho Ukraina. Arnaud Dubien, Đài Quan Sát Pháp Nga từ Matxcơva giải thích điện Kremlin sẽ không dám động vào hệ thống này chừng nào mà Liên Âu còn phải mua năng lượng của Nga. Về phía Kiev, chính quyền của tổng thống Volodymyr Zelensky cũng không dại để mất đi một nguồn thu nhập nhờ « cho thuê đất » hàng năm vẫn nhận được từ tay Gazprom.
Arnaud Dubien : « Các đường ống dẫn khí đốt phần lớn được chôn trong lòng đất, Nga tránh không oanh kích vào các khu vực đặt các đường ống dẫn sang Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Về phía Ukraina thì Kiev cũng không dám chận các hệ thống chung chuyển này, vì đó là khí đốt xuất khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu. Có điều thình thoản Kiev ‘làm mình làm mẩy’ với một số thành viên trong Liên Âu như là Áo, Hungary hay Slovakia vì những nước này kém mặn mà giúp đỡ Ukraina. (…) Cần phải đợi thêm một vài tuần nữa mới biết được tiến trình đàm phán về thỏa thuận khí đốt giữa Nga và Ukraina sẽ diễn tiến ra sao. Điều chắc chắn duy nhất là lần này, hai tập đoàn Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraina không trực tiếp đàm phán như điều vẫn thấy từ trước đến nay ».
Ukraina chơi trò « rung cây dọa khỉ »
Vậy phải chăng việc ông Zelensky tuyên bố ngừng triển hạn thỏa thuận khí đốt giữa tập đoàn năng lượng Ukraina Naftogaz và đối tác Nga là Gazprom chỉ là đòn « rung cây dọa khỉ », bởi vì cắt đường ống dẫn khí đốt với Nga, Kiev sẽ gây khó khăn cho thị trường năng lượng tại Liên Hiệp Châu Âu, điểm tựa quan trọng cả về quân sự lẫn kinh tế và nhất là năng lượng của Ukraina ?
Arnaud Dubien : « Gazprom mất một phần lớn thị trường châu Âu. Trước đây tập đoàn này xuất khẩu mỗi năm hơn 150 tỷ mét khối khí đốt sang Liên Hiệp Châu Âu. Hiện tại chỉ còn chừng từ 20 đến 30 tỷ mét khối. Đây là một thiệt hại rất lớn đối với kinh tế Nga, bảo đảm từ 20 đến 30 % tiêu thụ cho Liên Âu. Sau hơn 2 năm chiến tranh tỷ lệ này rơi xuống còn 15 % nhưng phải nói rõ trong số 15 % ấy thì chỉ có một nửa là khí đốt, nửa còn lại là khí hóa lỏng (LNG). Công nghiệp khí hóa lỏng lại do một tập đoàn tư nhân Nga Novatek sản xuất và xuất khẩu, thành thử ra, Gazprom lại càng thua thiệt nhiều ».
Theo thống kê của viện nghiên cứu châu Âu Bruegel tại Bỉ, cuối 2023 Gazprom chỉ còn kiểm soát 5 % thị trường Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên ông Dubien tin rằng dưới hình thức này hay hình thức khác, Nga và Ukraina cũng sẽ tìm được đồng thuận vì không bên nào muốn giết chết con gà đẻ trứng vàng. Ukraina vẫn cần có năng lượng bảo đảm cho tiêu thụ nội địa, cần để ngỏ van cho khí đốt của Nga tiếp tục chảy sang 27 nước thành viên Liên Âu, nhất là một số quốc gia trong khối này như Áo vẫn lệ thuộc đến 98 % vào « khí đốt của Nga ».
Nga không thể để mất châu Âu
Ở góc đài bên kia, Matxcơva không thể để mất thị trường châu Âu. Cuộc chiến nào rồi cũng có ngày sẽ kết thúc, Liên Âu ở sát cạnh cửa ngõ của nước Nga với hơn 500 triệu người tiêu dùng. Thêm một thực tế khác là những nỗ lực của các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu khí Nga để chuyển hướng sang châu Á vẫn chưa mang lại kết quả mong muốn.
Arnaud Dubien : « Châu Á chưa thể thay thế châu Âu để mua khí đốt của Nga -hay cùng lắm là chỉ mới thế chỗ được một phần nào mà thôi. Chúng ta cần phân biệt giữa khí đốt và khí hóa lỏng. Novatek khai thác LNG từ khu vực Yamal và xuất khẩu sang châu Á bằng tàu thủy, Gazprom cũng bán khí đốt cho các khánh hàng ở châu Á bằng ngả này. Do vậy, hiện tại khối lượng xuất khẩu sang châu Á không nhiều và cũng chính vì thế mà Gazprom đầu tư vào hai đường ống Power of Siberia 1 và 2, để thỏa mãn thị trường Trung Quốc. Đường ống Siberia 1 đã bắt đầu hoạt động từ 2019 và có khả năng cung cấp khoảng 38 tỷ mét khối khí đốt một năm. Để so sánh trước đây, Gazprom từng xuất khẩu mỗi năm 150 tỷ mét khối cho Liên Âu. Chính vì cần mở rộng thị trường tại châu Á, Gazprom đã khởi động dự án thứ nhì là Siberia 2 và dự trù một khi hoạt động, đường ống này có thể cung cấp đến 50 tỷ mét khối hàng năm. Nhưng Bắc Kinh mặc cả quá chặt chẽ, còn phía Matxcơva thì không muốn bán rẻ năng lượng của Nga cho Trung Quốc và dự đường ống Siberia 2 còn dậm chân tại chỗ ».
Thêm một yếu tố khác nữa giải thích vì sao Nga có thể vẫn ngọt nhạt với Ukraina trên hồ sơ khí đốt, bởi bất chấp thời sự chiến tranh và những tuyên bố Bruxelles đòi « cai nghiện » năng lượng của Nga, thực tế cho thấy nhờ có Ukraina, Nga vẫn thu về 6 tỷ euro nhờ xuất khẩu năng lượng sang Liên Âu và đó vẫn là một nguồn thu nhập quý giá đối với các nhà sản xuất Nga. Hơn nữa, tổng thống Putin thừa biết năng lượng là một công cụ hữu hiệu để duy trì ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn chính trị với nhiều nước trong Liên Âu. Nga không dại để Mỹ độc quyền cung cấp dầu khí cho Liên Âu, hay để tự trói mình vào hai khách hàng lớn nhất tại châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ.
**********
Tổng thống Iran muốn thảo luận với phương Tây về chiến tranh Ukraina
Tân tổng thống Iran Masoud Pezeshkian hôm qua, 23/09/2024, tuyên bố muốn thảo luận với các nước phương Tây về chiến tranh Ukraina, khẳng định Teheran không hề cung cấp vũ khí cho Nga, quốc gia mà ông lên án hành động “xâm lược”.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Phát biểu trong một cuộc tọa đàm với các phóng viên bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Iran Pezeshkian tuyên bố: “ Chúng tôi sẵn sàng đối thoại và đàm phán với các nước châu Âu và Hoa Kỳ. Chúng tôi chưa bao giờ đồng tình với cuộc tấn công (của Nga) vào lãnh thổ Ukraina”.
Trả lời RFI Pháp ngữ, ông Thierry Coville, chuyên gia về Iran, nhận định, ngay cả trong hồ sơ hạt nhân, lập trường của tân tổng thống Pezeshkian cũng khác với những lãnh đạo tiền nhiệm:
“Ngay từ khi tranh cử tổng thống Iran, ông Masoud Pezeshkian đã bày tỏ quan điểm khác với các đối thủ bảo thủ khi tuyên bố rằng, nếu các biện pháp trừng phạt tác động nặng nề đối với nền kinh tế thì phải chấp nhận đối thoại về hồ sơ hạt nhân để giảm nhẹ những trừng phạt đó.
Khó khăn lớn nhất không phải là thương lượng với các nước châu Âu, mà là thương lượng với Hoa Kỳ. Nhưng nước Mỹ thì hiện đang trong giai đoạn tranh cử tổng thống. Theo tôi, điều quan trọng đối với tân tổng thống Iran là có được các mối liên lạc không chính thức. Tôi nghĩ là ông ấy muốn đàm phán với một tổng thống Dân Chủ hơn là với một tổng thống Cộng Hòa.
Dĩ nhiên là còn nhiều ẩn số, nhưng điều quan trọng là nối lại đối thoại về hạt nhân. Nhiều người, nhất là tại Iran, cho rằng thỏa thuận năm 2015 đã hết giá trị, phải tìm ra những cơ sở mới, một khuôn khổ mới cho một thỏa thuận mới giữa Iran với các nước phương Tây, đặc biệt là với Hoa Kỳ.”
Cho tới nay, các chính phủ phương Tây vẫn cáo buộc Iran cung cấp các drone và tên lửa cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến tranh Ukraina, cáo buộc mà Teheran đã bác bỏ. Hôm qua, một lần nữa tổng thống Pezeshkian khẳng định Iran không hề giao bất cứ vũ khí gì cho Nga.
Căng thẳng giữa Iran và phương Tây đã gia tăng gần đây sau khi Pháp, Anh, Đức thông báo các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, bị cáo buộc là đã cung cấp cho Nga những tên lửa có thể được sử dụng để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Ukraina. Chính quyền Kiev đã dọa cắt đứt bang giao với Teheran do việc cung cấp những tên lửa đó.
**********
Văn Bút Mỹ kêu gọi TT Biden nêu vấn đề tự do biểu đạt với ông Tô Lâm
Tổ chức Văn Bút Hoa Kỳ kêu gọi Tổng thống Joe Biden và chính phủ Hoa Kỳ hãy đưa vấn đề nhân quyền vào tâm điểm trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam khi tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Tổ chức này nói rằng nếu ông Lâm muốn chứng minh cam kết của mình đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu, trước tiên ông phải thực thi nhân quyền tại quốc gia của mình.
Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America) “cảm thấy nhẹ nhõm” khi nghe tin nhà hoạt động, nhà bình luận trực tuyến và nhà thơ Trần Huỳnh Duy Thức được trả tự do ngay trước khi ông Lâm khởi hành cho chuyến công tác tại Mỹ và dự phiên họp lần thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) và dự kiến ông sẽ gặp ông Biden vào ngày 25/9, tổ chức này cho biết trong một tuyên bố hôm 23/9.
Tại cuộc họp báo vào chiều ngày 24/9, Nhà Trắng cho hay Tổng thống Biden sẽ gặp Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm vào ngày 25/9 bên lề phiên họp của LHQ. “Chủ tịch nước Việt Nam mới nhậm chức cách đây 4 tháng, và cuộc gặp này sẽ là cơ hội quan trọng để hai nhà lãnh đạo thảo luận về mối quan tâm chung của chúng ta đối với sự ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á”, Nhà Trắng nói.
Theo Văn Bút Mỹ, ông Thức, bị bắt vào năm 2009 và bị kết án 16 năm tù vì những bài viết về cải cách chính phủ, được thả trước hạn tù 8 tháng hôm 21/9 cùng với nhà hoạt động vì khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng và luật sư Hoàng Ngọc Giao.
“Mặc dù việc ông Trần Huỳnh Duy Thức được trả tự do là điều tuyệt vời, nhưng thật là vô lý khi ông phải ngồi tù hơn 15 năm qua vì những bài viết của mình”, Văn Bút Mỹ đưa ra nhận xét.
Tổ chức này một lần nữa kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các nhà văn, nhà báo và nhà hoạt động bị cầm tù vì những phát biểu của họ.
“Tự do ngôn luận là điều cần thiết cho một xã hội thịnh vượng, công bằng và thúc đẩy nhân quyền, trách nhiệm giải trình và tiến bộ”, Văn Bút Mỹ nhấn mạnh. “Nếu Chủ tịch nước Tô Lâm muốn chứng minh cam kết của mình đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu, trước tiên ông phải ưu tiên và thực thi nhân quyền ở đất nước mình”.
“Chúng tôi cũng kêu gọi Tổng thống Biden và chính phủ Hoa Kỳ đưa vấn đề nhân quyền vào trọng tâm của quan hệ ngoại giao với Việt Nam và vận động trả tự do cho những người khác vẫn đang bị giam giữ bất công”, bà Anh-Thu Vo, Giám đốc nghiên cứu và vận động của PEN America, đưa ra kiến nghị.
Theo Chỉ số Tự do sáng tác của PEN America năm 2023, Việt Nam là quốc gia giam giữ nhiều tác giả thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Iran và ngang bằng với Ả rập Xê út.
Năm 2023, Việt Nam giam giữ 19 tác giả, trong đó có bà Phạm Đoan Trang, người đoạt giải Tự do Sáng tác của PEN/Barbey năm 2024. Dịp này, Văn Bút Mỹ nhắc lại lời kêu gọi chính phủ Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với bà Phạm Đoan Trang và tất cả các tác giả và nhà bất đồng chính kiến bị giam giữ vì quyền tự do ngôn luận của họ.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đề nghị họ đưa ra bình luận về lời kêu gọi của Văn Bút Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.
Từ trước đến nay, chính phủ Việt Nam “khẳng định chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”, và khi bị quốc tế chỉ trích rằng nước này vi phạm nhân quyền, Hà Nội thường đáp trả rằng đó là những “nhận định không khách quan”, dựa trên những thông tin “không chính xác” về tình hình thực tế của Việt Nam.
**********
TikTok đã xóa các tài khoản liên quan đến truyền thông nhà nước Nga vì tham gia vào “hoạt động gây ảnh hưởng bí mật” trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.
TikTok ngày 23/9 cho biết những thay đổi này ảnh hưởng đến các tài khoản liên quan đến TV-Novosti — tổ chức mẹ của truyền thông nhà nước Nga RT — và Rossiya Segodnya, đơn vị đứng sau các hãng thông tấn của Điện Kremlin là RIA Novosti và Sputnik.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết Moscow vẫn là mối đe dọa chính đối với các cuộc bầu cử Mỹ cho dù một vụ tấn công mạng của Iran trong năm nay cũng nhắm vào các chiến dịch tranh cử tổng thống của cả hai đảng phái chính trị tại Hoa Kỳ. Trong những tháng gần đây, các quan chức Hoa Kỳ đã sử dụng các cáo buộc hình sự, chế tài và khuyến cáo công khai để chỉ ra các hành động do các đối thủ nước ngoài thực hiện nhằm tác động đến bầu cử Mỹ, bao gồm cả bản cáo trạng nhắm vào nỗ lực bí mật của Nga nhằm truyền bá nội dung ủng hộ Nga cho khán giả Hoa Kỳ.
Thông báo của TikTok được đưa ra một tuần sau khi Meta Platforms, công ty sở hữu Facebook, WhatsApp và Instagram, cho biết họ đã cấm Rossiya Segodnya, RT và các thực thể liên quan khác khỏi ứng dụng của mình, khiến Điện Kremlin và hai tổ chức truyền thông này lên tiếng phản đối.
TikTok cho biết trên trang web của mình rằng các tài khoản liên quan đến TV-Novosti và Rossiya Segodnya đã bị hạn chế tại Vương quốc Anh và Liên hiệp Châu Âu và không được phép xuất hiện trên nguồn cấp dữ liệu chính “For You” của ứng dụng.
“Có rất nhiều người từ các quốc gia khác nhau coi trọng quan điểm khác biệt về các sự kiện đang diễn ra trên thế giới. Và chúng tôi sẽ tìm cách đưa quan điểm đó ra ngoài”, dịch vụ báo chí Rossiya Segodnya cho biết trong một tuyên bố sau thông báo của TikTok.
RT không trả lời yêu cầu bình luận.
Riêng TikTok cũng đang thực hiện một số thay đổi xung quanh hoạt động kinh doanh của mình.
Công ty cho biết trong một thông báo không ghi ngày đăng trên trang web của mình rằng họ sẽ đóng cửa dịch vụ âm nhạc - TikTok Music - vào ngày 28 tháng 11. Dịch vụ này, được ra mắt chỉ hai năm trước, đã có mặt tại năm quốc gia, bao gồm các thị trường lớn như Brazil và Úc nhưng không có ở Hoa Kỳ.
***********
Tại đại học Mỹ, ông Lâm khẳng định đối ngoại độc lập, đa phương và quốc phòng ‘4 không’ của Việt Nam
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam, Tô Lâm, trong bài phát biểu tại trường Đại học Columbia ở New York, Mỹ, hôm 23/9 tiếp tục khẳng định “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa” với chính sách quốc phòng “4 không” của Việt Nam và đề cao “bước tiến kỳ diệu của quan hệ Việt Nam-Mỹ”.
Sự kiện được nhiều người theo dõi và cũng vấp phải một số phản đối này bị xem là không đáp ứng được kỳ vọng khi một số câu hỏi của cử toạ không được trả lời thích đáng.
Ông Lâm, người đang nắm giữ 2 trong 4 vị trí lãnh đạo ‘tứ trụ’ cao nhất của Việt Nam, được trường Đại học Columbia mời đến phát biểu và đối thoại nhân dịp ông tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.
Khẳng định ‘độc lập’, đề cao vai trò đảng Cộng sản
Buổi toạ đàm được điều hợp bởi Giáo sư (GS) Nguyễn Thị Liên Hằng, giáo sư Lịch sử Quan hệ Mỹ - Đông Á và là Giám đốc Viện Đông Á Weatherhead của Đại học Columbia, vốn là nơi đồng tài trợ cho sự kiện có ông Lâm là diễn giả.
Trong bài phát biểu dài khoảng 20 phút, ông Lâm liệt kê “những thành tựu to lớn” mà Việt Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, để từ một nước bị bao vây cô lập trở thành nước có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
“Quy mô của nền kinh tế và thương mại lần lượt ở Top 40 và 20 trên thế giới. Nền kinh tế năm 2023 đã tăng 96 lần so với năm 1986 và là một điểm sáng được Liên Hiệp Quốc ghi nhận trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ”, ông Lâm nói trong bài phát biểu được truyền trực tiếp trên trang mạng của Đại học Columbia.
Sau đó, nhà lãnh đạo Việt Nam khẳng định sẽ “tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa” và sẽ “là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Chính sách quốc phòng “4 không” cũng được ông Tô Lâm nhấn mạnh đến khi nói về mối quan hệ quốc tế và những tranh chấp, bất đồng trên thế giới.
Về mối quan hệ Việt-Mỹ, tổng bí thư Việt Nam ca ngợi “những bước tiến kỳ diệu” của hai quốc gia, từ cựu thù trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, mức độ quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam hiện nay.
Ông cho rằng sở dĩ mối quan hệ hai nước đạt được thành tựu trên là nhờ “truyền thống nhân ái, vị tha của dân tộc Việt Nam” và “sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam với tầm nhìn trí tuệ, quyết tâm và bản lĩnh để đưa đất nước Việt Nam hội nhập vào dòng chảy quốc tế”. Còn về phía Mỹ là nhờ những “bạn bè, đối tác Mỹ như Tổng thống Bill Clinton và các Tổng thống kế nhiệm, các Thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry, Patrick Leahy…” và sự ủng hộ lưỡng đảng cho mối quan hệ này.
Chia sẻ về “câu chuyện thành công của quan hệ Việt-Mỹ”, ông Lâm đưa ra 5 yếu tố, đó là: vai trò của tinh thần hàn gắn, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau; coi trọng và thúc đẩy văn hóa đối thoại; phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với cộng đồng quốc tế; luôn đặt nhân dân ở vị trí trung tâm; và đoàn kết và hướng về tương lai.
Sau bài phát biểu, GS Liên Hằng và các sinh viên của đại học Columbia đã đặt một số câu hỏi cho diễn giả Tô Lâm. Vị giáo sư gốc Việt đề cập đến câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng “vào ngày 30 Tháng Tư, 1975 có triệu người vui có triệu người buồn” và đặt câu hỏi rằng trong vai trò lãnh đạo, ông Tô Lâm sẽ làm thế nào để thúc đẩy hòa giải giữa người Việt trong và ngoài nước.
Trả lời cho câu hỏi này, ông Lâm nói: “Trong phát biểu của tôi, tôi có nói về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ có được những bước tiến lịch sử như hôm nay là (nhờ) có tinh thần hàn gắn và tôn trọng lẫn nhau, hướng về phía trước”.
Ông nói thêm rằng “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc gần 50 năm. Tất cả những chuyện của quá khứ, như chúng tôi cũng đã nói, là chúng tôi không quên quá khứ, nhưng chúng tôi cũng từ quá khứ đó có những bài học cho mình và tầm nhìn hướng tới tương lai. Tương lai đó là cho hoà bình, ổn định đất nước, nhân dân chúng tôi cũng như cho đất nước, nhân dân Hoa Kỳ và cho thế giới”.
Tiếp theo, GS Liên Hằng đặt câu hỏi về cách thức Việt Nam đối phó với Trung Quốc và liệu Việt Nam có lời khuyên nào cho Hoa Kỳ. Ông Lâm nói: “Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ có thừa thông thái để biết những điều gì tốt nhất để đảm bảo cho lợi ích của Hoa Kỳ và đóng góp tích cực cho hoà bình, hợp tác và phát triển trên thế giới”.
Rồi ông nói từ “kinh nghiệm của dân tộc tôi cho thấy một điều: Nếu chúng ta có thiện chí, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhau, lắng nghe nhau thì sẽ thúc đẩy văn hoá đối thoại, sẽ không có vấn đề gì mà không thể giải quyết được”.
Trong số những câu hỏi do các sinh viên đặt ra, có một câu hỏi đáng chú ý của một sinh viên đến từ Trung Quốc, rằng “trong bài phát biểu, ông có nói rất nhiều lần là tìm cách ‘biến những điều không thể thành có thể’, vậy ông áp dụng nó thế nào trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông hiện nay”, ông Lâm đã ghép câu hỏi của một sinh viên trước đó để “trả lời chung” cho câu hỏi này.
Theo ông, Biển Đông là một vấn đề chung và Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, đã “duy trì chính sách hoà bình, ổn định với Biển Đông cùng với các nước có trách nhiệm, trong đó có ASEAN, có Trung Quốc, có các nước khác nữa”. Và để giải quyết các tranh chấp hiện nay, theo ông, “con đường thuận lợi nhất là đàm phán, trao đổi, hợp tác, chia sẻ” và phải làm sao “phân được ranh giới, phân được lợi ích của mình ở đó” và các nước đều phải suy nghĩ đến trách nhiệm gìn giữ hoà bình, ổn định.
“Không có con đường nào tốt hơn là phải duy trì hoà bình và thực thi luật pháp quốc tế”, ông Lâm nói thêm.
Ông cũng không quên nhắc lại rằng Việt Nam “cũng lên án những hành động không hợp pháp, những hành vi can thiệp bằng quân sự, bằng đe doạ, can thiệp vào những hoạt động bình thường trên biển”.
‘Nhẹ tay’ và ‘chỉn chu’
Một nam sinh viên gốc Việt đang học năm thứ 4 tại Đại học Columbia tham dự sự kiện được biết là “lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia Cộng sản đến trường”, nói với VOA rằng trái với kỳ vọng ban đầu, buổi toạ đàm không để lại gì đặc biệt đối với cá nhân, vì cả phần trình bày lẫn hỏi đáp có vẻ như nằm trong khuôn khổ “kịch bản đã được chuẩn bị chỉn chu”.
“Lấy ví dụ trong đó có một bạn sinh viên Trung Quốc hỏi là bây giờ tình hình Biển Đông như thế này, và Việt Nam đóng vai trò đứng giữa Mỹ và Trung Quốc thì làm thế nào để cân bằng chính sách gọi là ‘ngoại giao cây tre’, thì bác Tô Lâm trả lời là chúng ta lên án những hành động sử dụng vũ lực và chúng ta nên tôn trọng luật pháp quốc tế. Thật ra trong những câu hỏi đó, em chỉ thấy có vài câu hơi hóc búa chút xíu, còn đa phần là rất bình thường. Em thấy có vẻ như kịch bản hơi được sắp xếp một cách chỉn chu và chặt chẽ, không có gì nằm ngoài dự đoán”.
Nam sinh viên gốc Việt nói với VOA rằng anh cảm giác có một sự đối xử “khá nhẹ nhàng”, trong khi, bình thường, những người dẫn chương trình cũng như sinh viên của Đại học Columbia hay đặt ra những câu hỏi rất hóc búa cho các diễn giả, đặc biệt là với các lãnh đạo hay chính trị gia.
“Ở một môi trường như trường Columbia, em nghĩ rất nhiều nguyên thủ quốc gia đến và trước đây có rất nhiều những câu hỏi hóc búa vì em đã tham dự một vài sự kiện như vậy. Ví dụ như một sự kiện mà em tham dự lúc mà bà Hillary Clinton lên nói, người ta hỏi thẳng bà luôn là bà có đánh giá lại chính sách ngoại giao của bà ở Trung Đông hay không, đại loại như vậy. Những câu hỏi rất khó. Ở đây thì em thấy những câu hỏi khá là nhẹ nhàng”.
Tuy nhiên, nam sinh viên gốc Việt cũng đánh giá cao sự “can đảm” của ông Lâm khi ông nhận lời đến phát biểu tại Đại học Columbia.
“Em thấy đây là một sự kiện khá đặc sắc và đánh dấu một cột mốc đáng nói. Hình như theo em đoán thì đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Việt Nam đến trường Columbia nói chuyện. Em nghĩ đây là một sự can đảm rất lớn, vì em thậm chí không nghĩ có một nguyên thủ quốc gia nào hơi controversial (gây tranh cãi) mà được mời đến trường Columbia vì các nguyên thủ quốc gia rất sợ và cũng có những quan ngại vì những câu hỏi không được hay cho lắm”.
Việc Đại học Columbia, nơi thường mời các nguyên thủ và các nhân vật nổi bật trên thế giới, tổ chức buổi đối thoại với ông Lâm, lãnh đạo cao nhất của một quốc gia Cộng sản, vốn bị chỉ trích về vấn đề nhân quyền, đến nói chuyện đã thu hút sự chú ý của không những cộng đồng người Việt, giới nghiên cứu, mà còn đối với các chính trị gia Mỹ, các tổ chức nhân quyền.
Trước đó, hôm 20/6, Dân biểu Cộng hoà Michelle Steel ở California đã gửi một lá thư cho Quyền Chủ tịch Đại học Columbia, Katrina Armstrong, kêu gọi đại học này hủy bỏ lời mời đối với ông Tô Lâm với lý do ông là “người chịu trách nhiệm chính cho sự đàn áp đang diễn ra đối với người dân Việt Nam”, đồng thời dẫn ra việc Việt Nam đang giam giữ hơn 170 tù nhân lương tâm và xử các án tù dài hạn với họ.
Một người phát ngôn của Đại học Columbia nói với VOA qua email rằng họ “mời những nhân vật có ảnh hưởng từ khắp nơi trên thế giới tham gia cộng đồng trường” với mục tiêu “hỗ trợ sứ mệnh học thuật lớn hơn của trường là giảng dạy, sáng tạo và phát triển kiến thức”.
Và, vẫn theo lời người phát ngôn này: “Lời mời phát biểu tại một sự kiện không phải là sự xác nhận hay tán thành quan điểm của bất kỳ diễn giả nào.”
***********
Để duy trì sức mạnh trên biển, Mỹ trông cậy vào sự hỗ trợ của Nhật
Sự thống trị của hải quân Hoa Kỳ, không bị thách thức trong nhiều thập niên, hiện đang chịu sức ép khi ngành đóng tàu do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn mở rộng nhanh chóng, trong khi Hải quân Hoa Kỳ phải đối mặt với sự chậm trễ nghiêm trọng trong việc bảo trì.
Tác động đang được cảm nhận trên toàn Hải quân Mỹ. Trong khi một số tàu nổi và tàu ngầm bị kẹt trong tình trạng chờ sửa chữa tại các xưởng đóng tàu quá tải của Hoa Kỳ, thì những tàu khác buộc phải triển khai kéo dài.
Các nhà phân tích cho biết sự chậm trễ này làm suy yếu khả năng của Hoa Kỳ thể hiện sức mạnh và ngăn chặn xung đột, đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm như Eo biển Đài Loan và Biển Đông, nơi Trung Quốc đang làm đảo lộn nguyên trạng.
Để giúp giải quyết vấn đề này, Hoa Kỳ đang chuyển hướng sang các đồng minh của mình — đặc biệt là Nhật Bản, một trong những nước đóng tàu lớn nhất thế giới. Đầu năm nay, các quan chức Hoa Kỳ và Nhật Bản đã bắt đầu đàm phán về một kế hoạch mở rộng vai trò của Nhật Bản trong việc thực hiện các đợt sửa chữa lớn cho các tàu của Hải quân Hoa Kỳ tại các xưởng đóng tàu của nước này.
Ông Rahm Emanuel, đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, coi đề nghị này là rất quan trọng để giữ các tàu của Hoa Kỳ ở lại khu vực. Ông Emanuel nói với VOA rằng “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một trận đấu xa nhà đối với chúng tôi... nhưng với các đồng minh, nó gần giống như trận đấu ngay trên sân nhà”.
Các cuộc thảo luận này nhấn mạnh sự thay đổi rộng rãi hơn của Nhật Bản hướng tới một vai trò an ninh khu vực tích cực hơn, khi nước này rời xa chủ nghĩa chủ hòa kéo dài nhiều thập niên. Đây cũng là một phần trong chiến lược của Hoa Kỳ nhằm khuyến khích các đồng minh châu Á đảm nhận nhiều trách nhiệm an ninh hơn trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, đề nghị này phải đối mặt với nhiều rào cản lớn. Tại Hoa Kỳ, cần có những thay đổi về mặt pháp lý để cho phép các xưởng đóng tàu nước ngoài đại tu tàu của Hải quân Mỹ. Tại Nhật Bản, có những lo ngại về việc trở thành mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc.
Tồn đọng nghiêm trọng
Nhưng đối với Hải quân Hoa Kỳ, thách thức là rất lớn.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS), khoảng một phần ba hạm đội tàu ngầm tấn công của Hoa Kỳ hiện đang ngừng hoạt động, đang được bảo dưỡng hoặc đang chờ sửa chữa.
Theo một lời khai chứng gần đây tại quốc hội, chưa đến 40% các đợt sửa chữa tàu theo lịch trình của Hải quân được hoàn thành đúng hạn. Theo một số ước tính, Hải quân đang chậm tiến độ bảo dưỡng 20 năm.
Theo CRS, một loạt các dự án đóng tàu quan trọng cũng đang chậm tiến độ nhiều năm — một “tình huống bất thường” trong lịch sử Hải quân sau Thế chiến II.
Ông Emanuel lập luận rằng điều này phản ánh sự suy giảm rộng hơn trong cơ sở công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ, vốn đã bị khoét rỗng kể từ những năm 1990 và “chưa sẵn sàng” để đáp ứng nhu cầu an ninh của Hoa Kỳ.
“Mọi vũ khí mà chúng ta đã đồng ý ở đây, tôi đã phải đàm phán lại hợp đồng sau khi ký kết vì chúng ta không thể đáp ứng được ngân sách theo đúng thời hạn”, ông Emanuel nói. “Đó thực sự là kế hoạch tồi [và] sự chuẩn bị thực sự tồi”.
Theo một báo cáo gần đây của CRS, tình trạng tồn đọng sửa chữa của Hải quân là do thiếu hụt công nhân lành nghề và năng lực hạn chế tại bốn xưởng đóng tàu hải quân do chính phủ Hoa Kỳ điều hành.
Thách thức từ Trung Quốc
Trong khi đó, Trung Quốc tự hào có 20 xưởng đóng tàu lớn, mà họ đang sử dụng để nhanh chóng xây dựng lực lượng hải quân lớn nhất thế giới xét về tổng số tàu.
Theo thông tin gần đây do tình báo hải quân Hoa Kỳ công bố, năng lực đóng tàu của Trung Quốc gấp hơn 200 lần so với Hoa Kỳ, được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ.
Mặc dù Hoa Kỳ vẫn duy trì những lợi thế đáng kể về hải quân — chẳng hạn như 11 tàu sân bay so với ba tàu của Trung Quốc và một mạng lưới liên minh toàn cầu vô song — một số nhà quan sát tin rằng khả năng Trung Quốc lấn át ngành đóng tàu của Hoa Kỳ thể hiện sự thay đổi cơ bản trong cán cân quyền lực khu vực.
Ông Sam Byers, cố vấn an ninh quốc gia cấp cao tại Trung tâm Chiến lược Hàng hải có trụ sở tại Washington, nói: “Chúng ta đã để năng lực tiềm ẩn đó suy yếu đến mức chúng ta đang tụt hậu vào thời điểm hiện tại, và đó là một vấn đề lớn và nan giải”.
Lợi ích và hạn chế
Theo ước tính của ông Emanuel, đề nghị sửa chữa tàu giữa Hoa Kỳ-Nhật Bản có thể giảm bớt tình trạng tồn đọng bảo trì của Hải quân Hoa Kỳ, giải phóng các xưởng đóng tàu của Hoa Kỳ để tập trung vào việc đáp ứng các mục tiêu đóng tàu của họ. Ông cho biết, đề nghị này cũng sẽ cho phép các tàu của Hoa Kỳ ở lại Châu Á lâu hơn.
Nhưng không phải ai cũng đồng ý.
Ông Bryan Clark, một thành viên cấp cao tại Viện Hudson, lập luận rằng vấn đề không phải là thiếu năng lực của xưởng đóng tàu mà là việc sử dụng không nhất quán, do nhu cầu của Hải quân dao động. Ông cho rằng việc sửa chữa nhiều tàu hơn ở nước ngoài có thể giúp quản lý những biến động này và giảm thiểu sự gián đoạn cho thủy thủ đoàn tại Nhật Bản.
“Và các xưởng sửa chữa ở Nhật Bản có thể tích lũy kinh nghiệm làm việc trên tàu của Hoa Kỳ, có thể có lợi trong một cuộc xung đột,” ông nói thêm.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng việc chuyển công việc ra nước ngoài sẽ không giải quyết được các vấn đề cơ bản về tài trợ và lập kế hoạch góp phần gây ra sự chậm trễ trong việc sửa chữa của Hải quân.
“Tất nhiên, các xưởng sửa chữa tàu của Nhật Bản có thể làm tốt hơn hoặc hiệu quả hơn so với các đối tác Mỹ. Nếu đó là cái lý đưa ra, thì các quan chức Hoa Kỳ nên làm rõ điều đó”, ông Clark nói.
Những người khác trong ngành đóng tàu đã phản đối những gì họ coi là thuê ngoài việc đóng tàu và sửa chữa của Hải quân Hoa Kỳ, một bước mà họ mô tả là “đẩy những người lao động đóng tàu của Hoa Kỳ ra khỏi lề đường”.
Rủi ro của Nhật Bản
Ngoài ra, Nhật Bản cũng có những rào cản, nơi mà dư luận không phải lúc nào cũng đồng tình với lập trường an ninh quyết đoán hơn của chính phủ.
Trong khi một số bộ phận công chúng Nhật Bản có vẻ ủng hộ việc tăng cường sự tham gia của quân đội sau cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine, thì vẫn chưa rõ sự thay đổi này sâu sắc hay kéo dài đến mức nào, ông Misato Matsuoka, phó giáo sư tại Đại học Teikyo cảnh báo.
“Có một khoảng cách hiểu biết khi nói đến những gì đang diễn ra trong lĩnh vực an ninh”, ông Matsuoka nói. “Tôi không thấy nhiều người Nhật Bản nhận thức được những thay đổi này”.
Ông Matsuoka cũng cảnh báo rằng đề nghị sửa chữa tàu giữa Hoa Kỳ-Nhật Bản cuối cùng có thể được coi là một trong nhiều yếu tố làm leo thang căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, có khả năng tác động tiêu cực đến Nhật Bản.
“Tất cả những gì Nhật Bản đang làm khiến Nhật trở nên quan trọng hơn trong liên minh Hoa Kỳ nhưng điều đó cũng làm tăng nguy cơ xảy ra điều gì đó với lãnh thổ Nhật Bản”, ông Robert Ward, Chủ tịch Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định.
Trong khi Nhật Bản thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ, họ cẩn thận không khiêu khích Trung Quốc, ông Ward lưu ý. Tuy nhiên, Nhật Bản, giống như nhiều quốc gia khác, vẫn cảnh giác với những gì họ coi là hành vi gây mất ổn định của Trung Quốc trong khu vực.
“Có những lý do rất chính đáng giải thích cho tất cả những điều này”, ông Ward nói.
Khi nói đến thỏa thuận sửa chữa tàu Mỹ-Nhật, ông Emanuel thừa nhận rằng các lựa chọn cũng rất phức tạp đối với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông lập luận rằng đôi khi “bạn phải lựa chọn giữa điều gì tệ và điều gì tệ hơn”.
**********
Bàn ra tán vào (0)
Tin Tức ngày 25 - 9 -2024
************
TIN TỔNG HỢP
Đăng ngày:
(AFP) – Pháp : Mức độ tín nhiệm của tổng thống Macron và tân thủ tướng Barnier xuống tới mức thấp nhất. Theo một thăm dò của Odoxa, công bố hôm nay, 24/09/2024, 25 % số người được hỏi coi Emmanuel Macron là một « tổng thống tốt », tỷ lệ thấp nhất đối với một tổng thống Pháp từ 7 năm qua. Trong khi đó, 39 % số người được hỏi coi Michel Barnier là một « thủ tướng tốt », trong khi đó, tỷ lệ này là 55 % đối với cựu thủ tướng Edouard Philippe (2017), 43 % đối với Elisabeth Borne (2022) và 40 % đối với Jean Castex. Thăm dò được thực hiện qua mạng, đối với 1005 người Pháp trưởng thành, từ ngày 18 đến ngày 19 tháng 9, trước khi thành phần tân chính phủ được công bố.
(AFP) – Hơn 25 000 di dân vượt biển Manche đến Anh từ đầu năm 2024. Hôm qua, 23/09/2024, bộ Nội Vụ Anh cho biết vào thứ Bảy tuần trước, 717 di dân đã vượt biển Manche, từ miền bắc nước Pháp, để đến Anh. Tính từ đầu năm 2024, tổng cộng đã có 25 052 người vượt biển vào Anh, tăng 4 % so với năm 2023, nhưng giảm 21 % so với năm 2022. Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 07/2024, tân thủ tướng Anh Keir Starmer đã hủy bỏ kế hoạch trục xuất những người xin tị nạn, không có giấy tờ hợp lệ, đến Rwanda, mà thay vào đó, tăng cường các biện pháp chống lại các băng đảng buôn người di dân.
(AFP) – Iran xây dựng tường dài 10 km tại biên giới với Afghanistan để ngăn di dân. Thông tin do truyền thông Iran loan tải hôm qua 23/09/2024. Sắp tới, Iran sẽ xây thêm một bức tường dài 50 km khác. Trước đó, bộ trưởng Nội Vụ Iran thông báo đóng toàn bộ biên giới với Afghanistan vì nước này không còn khả năng tiếp đón những người tị nạn nữa. Kể từ khi Kabul sụp đổ vào năm 2021, dòng người Afghanistan di tản đến Iran tăng mạnh. Tổng số người Afghanistan đến tị nạn trên lãnh thổ Iran, trên thực tế, có thể từ 6 đến 9 triệu người.
( AFP ) - Giáo hoàng sẵn sàng cho bà Aung San Suu Kyi tị nạn ở Vatican. Nhật báo Ý Il Corriere della Sera hôm nay, 24/09/2024, trích dẫn một số đoạn trong cuộc nói chuyện với các tu sĩ Dòng Tên trong chuyến tông du Đông Nam Á từ 2 đến 13/09, trong đó giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo chính phủ dân sự bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2021. Ngài cho biết đã đề nghị cho bà Aung San Suu Kyi được tị nạn ở Vatican.
(AP) – Bắc Triều Tiên đe dọa đáp trả chuyến thăm của tàu ngầm Mỹ đến Hàn Quốc.
Hôm nay, 24/09/2024, em gái của Kim Jong Un, bà Kim Yo Jong, cho biết Bình Nhưỡng sẽ tăng cường khả năng hạt nhân, “kể về số lượng và chất lượng”, để phản đối chuyến thăm của tàu ngầm hạt nhân Hoa Kỳ, ghé thăm Hàn Quốc gần đây. Theo một số chuyên gia, tuyên bố của bà Kim Jo Jong ám chỉ rằng, có khả năng sắp tới, , Bình Nhưỡng sẽ thử tên lửa có tầm bắn nhắm vào một địa điểm nào đó trên lãnh thổ Hàn Quốc.
( AFP ) - Đài Loan: Trung Quốc là nguồn tấn công tin tặc số một. Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan hôm nay, 24/09/2024, cáo buộc Trung Quốc là “quốc gia số một thế giới tiến hành các cuộc tấn công tin tặc ngày nhắm vào hòn đảo này. Bộ trưởng Cố Lập Hùng Wellington Koo cũng bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc là có một nhóm tin tặc đang tấn công vào Bắc Kinh.
( AFP ) - Anh Quốc cấm sở hữu dao kiểu “zombie”. Hôm qua, 23/09/2024, luật cấm sở hữu các loại dao kiểu “zombie” ( dao hai lưỡi ) hoặc những loại dao rựa, mà các băng đảng hay sử dụng để thanh toán nhau. Những người sở hữu các loại dao này được kêu gọi giao nộp cho cảnh sát trước ngày hôm qua. Tổng cộng từ tháng 03/2023 đến tháng 03/2024, cảnh sát đã ghi nhận hơn 50.500 vụ ẩu đả có sử dụng dao tại Anh Quốc và xứ Wales.
(AFP) – New Zealand phát hiện một loài các mập mới. Các nhà nghiên cứu New Zeland hôm nay, 24/09/2024, cho biết đã phát hiện một loài cá mập « ma » và đặt tên là « Harriotta avia », có khả năng săn mồi ở mực nước sâu, lên tới 2600 mét tại Thái Bình Dương. Môi trường sống của loài cá này khiến việc giám sát và nghiên cứu gặp khó khăn, khiến các nhà nghiên cứu khó có được thông tin về vòng đời, hoặc phân loại, liệu loài cá này có phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng hay không.
*******
Trung Đông : Liban có trở thành “một Gaza thứ hai” ?
Căng thẳng ở Trung Đông, những thách thức mà tân chính phủ Pháp phải đối mặt là hai trong số những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 24/09/2024.
Trang nhất nhật báo Le Monde quan tâm đến căng thẳng ngày càng leo thang giữa Israel và tổ chức Hezbollah ở Liban. Sáng hôm qua, quân đội Israel đã phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhắm vào Liban. Các nhà báo AFP và truyền thông Nhà nước Liban đã ghi nhận hàng chục cuộc oanh kích ở phía nam đất nước và ở cao nguyên Bekaa.
Theo Nhà nước Do Thái, quân đội nước này đã phát động chiến dịch oanh kích Liban sau khi xác định được vị trí những phát súng bắn về phía Israel. Nhà nước Do Thái kêu gọi những người Liban hiện diện ở gần những tòa nhà mà Hezbollah cất giữ vũ khí phải “rời khỏi khu vực ngay lập tức”, trước khi nhấn mạnh các cuộc tấn công nhắm vào nhóm lính Liban này sẽ “tiếp diễn trong tương lai gần” với “quy mô lớn và chính xác hơn”. Hôm 22/09, một ngày trước khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc, tổng thư ký Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về việc Liban có thể trở thành “một Gaza thứ hai”.
Trước đó một hôm, quân đội Israel đã thực hiện những cuộc tấn công “phòng ngừa” khác ở miền nam Liban, nhắm vào “hàng nghìn bệ phóng tên lửa trong tình trạng sẵn sàng” chống Nhà nước Do Thái ở khu vực này. Về phần mình, không muốn tỏ ra bị lép vế, Hezbollah cũng không ngừng đáp trả, trong bối cảnh lực lượng này đã bộc lộ những điểm yếu trước Israel.
Mạng sống của người dân Liban “vô giá trị”
Cùng chủ đề, trang nhất của tờ Libération ghi nhận những cuộc oanh kích của Israel ở Liban đã khiến hơn 300 người thiệt mạng, buộc người dân nước này phải đồng loạt sơ tán khỏi các khu vực gần biên giới với Israel. Nhật báo thiên tả nhận định điều mà người dân Liban lo sợ kể từ tháng 10 năm ngoái, một cuộc “Đại chiến”, dường như đang trở thành hiện thực.
Có thể thấy rõ sự hỗn loạn trên những trục lộ chính của đất nước. Hàng giờ chờ đợi do tình trạng tắc đường kéo dài nhiều cây số hướng về thủ đô Beyrouth, nơi hàng nghìn người đang tìm nơi ẩn náu. Ahmad bị kẹt xe ở khu vực Tyre, phía nam đất nước và lo sợ màn đêm sẽ buông xuống trước khi tới được thủ đô. Được Libération liên lạc bằng điện thoại, Ahmad giận dữ hét lên : “Khắp mọi nơi đều có thông tin nói rằng tất cả nhà dân đều là những điểm đáng ngờ… Họ đang chuẩn bị biện minh cho cái chết của chúng tôi !” Giống như nhiều người khác, người đàn ông 40 tuổi này vẫn lưu giữ ký ức về cuộc chiến năm 2006, khi nhớ lại những bản tin thời sự nóng, những cây cầu bị oanh tạc hay những lời kêu gọi sơ tán dân thường... Ahmad không tiếc lời để bày tỏ quan ngại về tương lai của anh nói riêng và người dân Liban nói chung : “Cộng đồng quốc tế sẽ làm gì ? Họ sẽ bỏ mặc cho Israel phá hủy những ngôi làng của chúng tôi và biến nơi này thành một Gaza thứ hai ? Chẳng lẽ Netanyahu có quyền san bằng bất cứ quốc gia nào ông ấy muốn ? Chúng ta chẳng là gì trong mắt cộng đồng quốc tế ! Cuộc sống của chúng ta thật vô giá trị !” Khi đến thủ đô Beyrouth, Ahmad không biết sẽ lưu trú ở đâu, nhưng buộc phải bỏ nhà ra đi.
Tại ngôi làng Bazouriyé gần Tyre, Nour không biết phải đưa ra quyết định gì : “Tôi không biết mình sẽ về nhà bằng cách nào. Họ oanh kích khắp mọi nơi và tôi lo nhà tôi sẽ bị phá hủy. Chúng tôi không thể ở đây được nữa.” Người mẹ này đang đi cùng con trai lên thủ đô để đoàn tụ với chồng, nhưng chính quyền Liban đã đóng con đường đi từ Tyre đến Beyrouth, còn những con đường làng thì hết sức nguy hiểm khi liên tục bị oanh kích. Nour thực sự hoang mang khi không biết sẽ qua đêm ở đâu.
Một người khác phải sơ tán đến thủ đô Beyrouth là Rima. Từ mùa hè, cô đã thuê một căn hộ cho cả gia đình để họ có thể ổn định cuộc sống nếu chiến tranh nổ ra, và cô không hề hối hận về quyết định của mình. Tuy nhiên, mặc dù không sống ở quá gần nơi diễn ra chiến sự, Rima và gia đình không còn cảm thấy thực sự an toàn. Israel hôm qua đã thực hiện cuộc oanh kích nhắm vào Ali Karaké, chỉ huy Hezbollah ở mặt trận phía nam. Rima cho biết “quân đội Israel có thể viện cớ binh sĩ Hezbollah hiện diện ở khu vực bị nhắm tới để oanh kích những tòa nhà dân cư”. Rima kết luận : “Trên Twitter, nhiều người đang đề cập đến ‘Chiến tranh Liban lần thứ ba’. Đó là điều đáng sợ nhất, những cuộc chiến có tên. Khi những cuộc chiến có tên, tức là chúng đã làm thay đổi lịch sử, và tổn thất đi kèm cũng rất nặng nề.”
Trung Đông : Hoạt động ngoại giao tế nhị của Hoa Kỳ
Về mặt ngoại giao, nhật báo kinh tế Les Echos dành trang nhất nói về việc Hoa Kỳ đang tìm cách thực hiện chiến lược giữ cân bằng hết sức tế nhị. Washington ngầm ủng hộ các hoạt động quân sự của Israel chống Hezbollah, đồng thời kêu gọi Benjamin Netanyahu không được đi quá xa, như không được phép chiếm đóng khu vực miền nam Liban. Tổng thống Joe Biden hôm qua đã khẳng định đang “làm mọi cách để giảm leo thang” căng thẳng. Mục tiêu của Washington là tránh để xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực có khả năng liên lụy trực tiếp đến Iran, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.
Pháp : Những thách thức của tân thủ tướng Michel Barnier
Về tình hình chính trị Pháp, trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro chú ý đến những rủi ro trong việc tăng thuế của tân thủ tướng Michel Barnier. Cánh tả, cánh trung hay cánh hữu lãnh đạo thì Pháp vẫn là Pháp, đất nước mà thuế khóa luôn là chủ đề sôi nổi. Mọi người chưa biết tân chính phủ của thủ tướng Barnier có chính sách cụ thể gì, ngoại trừ việc thuế sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, dường như không phải tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng khi tầng lớp trung lưu được cho là sẽ không bị đánh thuế cao hơn. Chỉ những tập đoàn lớn hay người giàu có nhất bị nằm trong tầm ngắm của chính phủ. Mặc dù vậy, nhật báo thiên hữu nhận định những “nạn nhân” này không phải quá lo lắng khi đây dường như sẽ chỉ là chính sách tạm thời để làm đầy ngân sách Nhà nước.
Trong bối cảnh đó, Le Figaro cảm thấy lo ngại khi nền kinh tế của Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, đã lấy lại được khả năng cạnh tranh trong những năm gần đây, nhờ chính sách thuế khóa “đồng đều” với các nước láng giềng. Tờ báo đặt câu hỏi đây có phải là thời điểm thích hợp để giảm sức hấp dẫn của Pháp bằng cách đánh thuế cao các doanh nghiệp ?
Mỹ do dự trong việc bật đèn xanh cho Ukraina đánh sâu vào lãnh thổ Nga
Về tình hình Ukraina, tờ Les Echos có bài viết nói về việc tổng thống Volodymyr Zelensky, ngày kia 26/09, sẽ kêu gọi Washington bật đèn xanh cho phép Kiev nhắm mục tiêu vào các căn cứ quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga, trong bối cảnh Nhà Trắng đang tỏ ra do dự.
Theo dự kiến, nguyên thủ Ukraina sẽ trình bày kế hoạch “giải quyết” chiến tranh với tổng thống Biden, với ứng viên đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống 2024 Kamala Harris, và với ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump, từng khẳng định sẽ cắt viện trợ quân sự cho Kiev nếu ông đắc cử tổng thống ngày 05/11.
Kiev đang rất muốn thuyết phục Washington bật đèn xanh và cho rằng đó là giải pháp thiết yếu để Ukraina có cơ hội giành chiến thắng, trong bối cảnh số lượng binh sĩ, đại bác và chiến đấu cơ của Nga nhiều hơn hẳn Ukraina. Nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin cách đây 10 ngày đã khẳng định việc sử dụng tên lửa tầm xa có độ phức tạp lớn, nhất thiết cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia Mỹ, “sẽ thay đổi bản chất của cuộc xung đột” và sẽ đưa Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào cuộc chiến chống lại Matxcơva, và điều này đủ khiến Washington bối rối.
Pháp : Tỷ lệ người sống qua 90 tuổi ngày càng nhiều
Về lĩnh vực xã hội, nhật báo Công Giáo La Croix có bài viết nói về tỷ lệ người dân Pháp sống qua cửu tuần ngày càng nhiều, nhưng lại ngày càng bị cô lập. Nhờ tuổi thọ được cải thiện, dân số tiếp tục gia tăng. Tính đến ngày 01/01/2024, có 956.000 người từ 90 tuổi trở lên, bao gồm 694.000 phụ nữ và 262.000 nam giới.
Michel Billé, nhà xã hội học chuyên về các vấn đề liên quan đến tuổi già, nhận định : “Những cụ già 90 tuổi vào năm 2024 khác hẳn với những cụ già 90 tuổi vào năm 1980. Một nghiên cứu từ năm 1950 cho thấy một người Pháp sau khi sinh ra, thường sẽ kết hôn, làm việc và chết trong bán kính 50 km xung quanh nơi họ sinh ra. Vào thời điểm đó, khi người ấy già đi và cần đến con cái, chúng có thể đến với cha mẹ trong ngày. Giờ đây, bối cảnh gia đình đã thay đổi rõ rệt : các gia đình bị phân tán, điều đó không có nghĩa là con cháu không còn yêu thương bố mẹ già, nhưng chúng ta không còn có thể trông cậy vào chúng theo cách tương tự nữa.”
Tuy nhiên, việc duy trì các mối liên kết xã hội vẫn rất cần thiết ở những độ tuổi này. Bác sĩ lão khoa Véronique Lefebvre des Noettes giải thích : “Lão hóa là một quá trình với 20% do di truyền, còn 80% phụ thuộc vào môi trường chúng ta đang sống. Nếu một người già đi mà không được ai chăm sóc, người đó sẽ chết trước những người được chăm sóc, ngay cả khi người đó có thể chất tốt.”
Ngoài ra, các bệnh lý về tim mạch vẫn rất phổ biến, có thể gây ra đột qụy, tình trạng huyết áp cao, tiểu đường hay mỡ máu cao. Bệnh sa sút trí tuệ cũng thường được phát hiện ở độ tuổi này. Mặc dù các phương pháp phòng ngừa đã có những tiến bộ nhất định, nhưng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở phụ nữ là 40%.
Marie-Françoise Fuchs, người sáng lập hiệp hội Old’Up, vừa mới kỷ niệm sinh nhật lần thứ 92, nhận định : “Chúng ta nhìn kém hơn, nghe kém hơn và cũng hay quên hơn. Chúng ta giống như một tòa lâu đài ọp ẹp, bất an với sức khỏe. Điều đó buộc tôi phải sống chậm lại, giúp tôi quan sát được những điều mà tôi chưa từng nhìn thấy trước đây : một nụ hoa nở rộ, những chiếc lá chuyển động theo gió, những tia nắng xuyên qua tấm rèm vào buổi sáng.” Véronique Lefebvre des Noettes kết luận “đó là bí quyết để có một tuổi già khỏe mạnh”. Bà nói : “Hãy tò mò về mọi thứ, đừng quá tập trung vào bản thân, nuôi dưỡng niềm vui và không bao giờ chán nản với những niềm hạnh phúc nho nhỏ trong cuộc sống.”
************
Khí đốt, lá chủ bài để Ukraina mặc cả với Nga ?
Đăng ngày:
Bất chấp chiến tranh, Matxcơva và Kiev vẫn tôn trong hợp đồng 5 năm để đưa khí đốt của Nga sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraina. Cũng vì xung đột 2 trong số 4 ngả xuất khẩu khí đốt của Nga cho Liên Âu bị tắc nghẽn. Trước khi Gazprom và Naftogaz đàm phán lại về một thỏa thuận mới cho giai đoạn 2025-2029, Kiev tấn công vùng Kurk, chiếm Soudja, tạm thời kiểm soát một cửa ngõ xuất khẩu năng lượng của Nga để tạo thêm sức mạnh cho « kế hoạch chiến thắng ».
Phải chăng đây là một tính toán để Ukraina mặc cả với chính quyền Putin về « kế hoạch » chấm dứt chiến tranh mà tổng thống Volodymyr Zelensky đem đến Washington, trình bày với tổng thống với quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ ?
Ngày 05/09/2024, phát biểu tại Diễn Đàn Kinh Tế Vladivostock, tổng thống Putin nhìn nhận kinh tế Nga sẽ bị « thiệt hại về tài chính » nếu Kiev không triển hạn hợp đồng với tập đoàn dầu khí Gazprom để xuất khẩu khí đốt của Nga cho Liên Hiệp Châu Âu. Hợp đồng hiện hành sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024. Trên nguyên tắc Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraina sẽ phải đàm phán lại về một thỏa thuận 5 năm, nhưng cuối tháng 8/2024 tổng thống Zelensky chính thức thông báo « ngừng triển hạn » thỏa thuận với phía Nga.
Bài toán đối với Gazprom càng thêm nan giải từ khi Kiev mở chiến dịch tấn công vùng Kursk hồi đầu tháng 8/2024, kiểm soát thành phố Soudja, trạm cuối cùng trước khi khí đốt của Nga « bước vào lãnh thổ Ukraina » ở thành phố Soumy.
Khí đốt, công cụ chính trị đôi bên cùng khai thác
Trả lời RFI tiếng Việt, từ Matxcơva Arnaud Dubien, giám đốc điều hành Đài Quan Sát Pháp Nga, nhắc lại về tầm mức quan trọng của Ukraina trong hệ thống xuất khẩu năng lượng của Nga :
Arnaud Dubien : « Hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt đặt trên lãnh thổ Ukraina có từ thời Liên Xô. Khi đó trước hết là để cung cấp năng lượng của Liên Xô cho các nước trong khối xã hội chủ nghĩa ở đông Âu. Đến khoảng thập niên 1970 thì Liên Xô bắt đầu cung cấp luôn cả cho nhiều nước tây Âu. Hệ thống các đường ống này tuy đã cổ lỗ nhưng chúng vẫn tồn tại ngay cả khi Liên Xô sụp đổ và vẫn còn tiếp tục hoạt động sau ngày 24/02/2022 khi Nga tuyên chiến với Ukraina. Trước chiến tranh, 5 năm một lần, Matxcơva và Kiev vẫn đàm phán lại về thỏa thuận khí đốt. Đôi bên đã từng trải qua hai cuộc khủng hoảng vào năm 2005 rồi 2019 khi mà chính quyền Ukraina bày tỏ mong muốn tiến gần hơn về phía phương Tây. Khí đốt như vậy trở thành một công cụ chính trị để Nga bắt chẹt Ukraina và trong chiều ngược lại đối với Kiev, là cửa ngõ để đưa năng lượng của Nga ra thế giới bên ngoài giúp Ukraina chiếm được một lợi thế. (…)
Cho đến hiện tại, điều ngạc nhiên là thỏa thuận giữa Nga với Ukraina về khí đốt vẫn hoạt động, đơn giản do Liên Hiệp Châu Âu vẫn tiêu thụ khí đốt của Nga. Cho dù là hai bên tham chiến nhưng đối với Matxcơva, hệ thống đường ống đi qua lãnh thổ Ukraina quan trọng hơn bao giờ hết. Ngả này chiếm một trọng lượng rất lớn đối với kinh tế của Nga, do những đường ống dẫn khác, như Nord Stream hay Yamal phải đi qua lãnh thổ Ba Lan, đã bị gián đoạn ».
Gazprom mất gần 90 % thị trường ở châu Âu
Trước khi Matxcơva khởi động « chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina » hàng năm Nga xuất khẩu 150 tỷ mét khối khí đốt sang Liên Âu, qua bốn ngả khác nhau (Ukraina, Nord Stream, Yamal và Turkish Stream). Hiện tại, dưới tác động chiến tranh, khối lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu đã sụt giảm đến hơn 87 % trong chưa đầy ba năm. Để đến được châu Âu khí đốt của Nga phần lớn vẫn phải « quá cảnh » ở Ukraina. Theo hợp đồng hiện hành Gazprom và Naftogaz đã thông qua hồi 2019, mỗi năm 40 tỷ mét khối khí đốt của Nga bán sang châu Âu chung chuyển qua lãnh thổ Ukraina. Cuối 2023 trên thực tế chỉ có 12-13 tỷ mét khối đi qua ngả này. Để so sánh trong giai đoạn « cực thịnh » 2008-2019, trung bình một năm các đường ống trên lãnh thổ Ukraina chuyển 90 tỷ mét khối khí đốt của Nga đến người tiêu dùng châu Âu.
Dù có suy giảm mạnh nhưng đến nay Nga và Ukraina vẫn không dám xa rời nhau trên hồ sơ khí đốt. Sau hơn 940 ngày chiến tranh, hệ thống các ống đưa khí đốt của Nga sang châu Âu đi ngang qua lãnh thổ Ukraina vẫn nguyên vẹn ; khí đốt là một trong những hồ sơ hiếm hoi mà đối thoại giữa Matxcơva và Kiev chưa bao giờ bị gián đoạn. Về mặt chính thức, Ukraina không còn « nhập khẩu » dầu khí của « kẻ thù » mà dựa hẳn vào năng lượng của « đồng minh châu Âu ». Có điều Liên Âu vẫn là một khách hàng mua vào khí đốt của Nga, nhất là khí hóa lỏng.
Đầu óc thực dụng của Matxcơva và Kiev
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt này phần nào là « một lá bùa hộ mạng » cho Ukraina. Arnaud Dubien, Đài Quan Sát Pháp Nga từ Matxcơva giải thích điện Kremlin sẽ không dám động vào hệ thống này chừng nào mà Liên Âu còn phải mua năng lượng của Nga. Về phía Kiev, chính quyền của tổng thống Volodymyr Zelensky cũng không dại để mất đi một nguồn thu nhập nhờ « cho thuê đất » hàng năm vẫn nhận được từ tay Gazprom.
Arnaud Dubien : « Các đường ống dẫn khí đốt phần lớn được chôn trong lòng đất, Nga tránh không oanh kích vào các khu vực đặt các đường ống dẫn sang Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Về phía Ukraina thì Kiev cũng không dám chận các hệ thống chung chuyển này, vì đó là khí đốt xuất khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu. Có điều thình thoản Kiev ‘làm mình làm mẩy’ với một số thành viên trong Liên Âu như là Áo, Hungary hay Slovakia vì những nước này kém mặn mà giúp đỡ Ukraina. (…) Cần phải đợi thêm một vài tuần nữa mới biết được tiến trình đàm phán về thỏa thuận khí đốt giữa Nga và Ukraina sẽ diễn tiến ra sao. Điều chắc chắn duy nhất là lần này, hai tập đoàn Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraina không trực tiếp đàm phán như điều vẫn thấy từ trước đến nay ».
Ukraina chơi trò « rung cây dọa khỉ »
Vậy phải chăng việc ông Zelensky tuyên bố ngừng triển hạn thỏa thuận khí đốt giữa tập đoàn năng lượng Ukraina Naftogaz và đối tác Nga là Gazprom chỉ là đòn « rung cây dọa khỉ », bởi vì cắt đường ống dẫn khí đốt với Nga, Kiev sẽ gây khó khăn cho thị trường năng lượng tại Liên Hiệp Châu Âu, điểm tựa quan trọng cả về quân sự lẫn kinh tế và nhất là năng lượng của Ukraina ?
Arnaud Dubien : « Gazprom mất một phần lớn thị trường châu Âu. Trước đây tập đoàn này xuất khẩu mỗi năm hơn 150 tỷ mét khối khí đốt sang Liên Hiệp Châu Âu. Hiện tại chỉ còn chừng từ 20 đến 30 tỷ mét khối. Đây là một thiệt hại rất lớn đối với kinh tế Nga, bảo đảm từ 20 đến 30 % tiêu thụ cho Liên Âu. Sau hơn 2 năm chiến tranh tỷ lệ này rơi xuống còn 15 % nhưng phải nói rõ trong số 15 % ấy thì chỉ có một nửa là khí đốt, nửa còn lại là khí hóa lỏng (LNG). Công nghiệp khí hóa lỏng lại do một tập đoàn tư nhân Nga Novatek sản xuất và xuất khẩu, thành thử ra, Gazprom lại càng thua thiệt nhiều ».
Theo thống kê của viện nghiên cứu châu Âu Bruegel tại Bỉ, cuối 2023 Gazprom chỉ còn kiểm soát 5 % thị trường Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên ông Dubien tin rằng dưới hình thức này hay hình thức khác, Nga và Ukraina cũng sẽ tìm được đồng thuận vì không bên nào muốn giết chết con gà đẻ trứng vàng. Ukraina vẫn cần có năng lượng bảo đảm cho tiêu thụ nội địa, cần để ngỏ van cho khí đốt của Nga tiếp tục chảy sang 27 nước thành viên Liên Âu, nhất là một số quốc gia trong khối này như Áo vẫn lệ thuộc đến 98 % vào « khí đốt của Nga ».
Nga không thể để mất châu Âu
Ở góc đài bên kia, Matxcơva không thể để mất thị trường châu Âu. Cuộc chiến nào rồi cũng có ngày sẽ kết thúc, Liên Âu ở sát cạnh cửa ngõ của nước Nga với hơn 500 triệu người tiêu dùng. Thêm một thực tế khác là những nỗ lực của các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu khí Nga để chuyển hướng sang châu Á vẫn chưa mang lại kết quả mong muốn.
Arnaud Dubien : « Châu Á chưa thể thay thế châu Âu để mua khí đốt của Nga -hay cùng lắm là chỉ mới thế chỗ được một phần nào mà thôi. Chúng ta cần phân biệt giữa khí đốt và khí hóa lỏng. Novatek khai thác LNG từ khu vực Yamal và xuất khẩu sang châu Á bằng tàu thủy, Gazprom cũng bán khí đốt cho các khánh hàng ở châu Á bằng ngả này. Do vậy, hiện tại khối lượng xuất khẩu sang châu Á không nhiều và cũng chính vì thế mà Gazprom đầu tư vào hai đường ống Power of Siberia 1 và 2, để thỏa mãn thị trường Trung Quốc. Đường ống Siberia 1 đã bắt đầu hoạt động từ 2019 và có khả năng cung cấp khoảng 38 tỷ mét khối khí đốt một năm. Để so sánh trước đây, Gazprom từng xuất khẩu mỗi năm 150 tỷ mét khối cho Liên Âu. Chính vì cần mở rộng thị trường tại châu Á, Gazprom đã khởi động dự án thứ nhì là Siberia 2 và dự trù một khi hoạt động, đường ống này có thể cung cấp đến 50 tỷ mét khối hàng năm. Nhưng Bắc Kinh mặc cả quá chặt chẽ, còn phía Matxcơva thì không muốn bán rẻ năng lượng của Nga cho Trung Quốc và dự đường ống Siberia 2 còn dậm chân tại chỗ ».
Thêm một yếu tố khác nữa giải thích vì sao Nga có thể vẫn ngọt nhạt với Ukraina trên hồ sơ khí đốt, bởi bất chấp thời sự chiến tranh và những tuyên bố Bruxelles đòi « cai nghiện » năng lượng của Nga, thực tế cho thấy nhờ có Ukraina, Nga vẫn thu về 6 tỷ euro nhờ xuất khẩu năng lượng sang Liên Âu và đó vẫn là một nguồn thu nhập quý giá đối với các nhà sản xuất Nga. Hơn nữa, tổng thống Putin thừa biết năng lượng là một công cụ hữu hiệu để duy trì ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn chính trị với nhiều nước trong Liên Âu. Nga không dại để Mỹ độc quyền cung cấp dầu khí cho Liên Âu, hay để tự trói mình vào hai khách hàng lớn nhất tại châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ.
**********
Tổng thống Iran muốn thảo luận với phương Tây về chiến tranh Ukraina
Tân tổng thống Iran Masoud Pezeshkian hôm qua, 23/09/2024, tuyên bố muốn thảo luận với các nước phương Tây về chiến tranh Ukraina, khẳng định Teheran không hề cung cấp vũ khí cho Nga, quốc gia mà ông lên án hành động “xâm lược”.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Phát biểu trong một cuộc tọa đàm với các phóng viên bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Iran Pezeshkian tuyên bố: “ Chúng tôi sẵn sàng đối thoại và đàm phán với các nước châu Âu và Hoa Kỳ. Chúng tôi chưa bao giờ đồng tình với cuộc tấn công (của Nga) vào lãnh thổ Ukraina”.
Trả lời RFI Pháp ngữ, ông Thierry Coville, chuyên gia về Iran, nhận định, ngay cả trong hồ sơ hạt nhân, lập trường của tân tổng thống Pezeshkian cũng khác với những lãnh đạo tiền nhiệm:
“Ngay từ khi tranh cử tổng thống Iran, ông Masoud Pezeshkian đã bày tỏ quan điểm khác với các đối thủ bảo thủ khi tuyên bố rằng, nếu các biện pháp trừng phạt tác động nặng nề đối với nền kinh tế thì phải chấp nhận đối thoại về hồ sơ hạt nhân để giảm nhẹ những trừng phạt đó.
Khó khăn lớn nhất không phải là thương lượng với các nước châu Âu, mà là thương lượng với Hoa Kỳ. Nhưng nước Mỹ thì hiện đang trong giai đoạn tranh cử tổng thống. Theo tôi, điều quan trọng đối với tân tổng thống Iran là có được các mối liên lạc không chính thức. Tôi nghĩ là ông ấy muốn đàm phán với một tổng thống Dân Chủ hơn là với một tổng thống Cộng Hòa.
Dĩ nhiên là còn nhiều ẩn số, nhưng điều quan trọng là nối lại đối thoại về hạt nhân. Nhiều người, nhất là tại Iran, cho rằng thỏa thuận năm 2015 đã hết giá trị, phải tìm ra những cơ sở mới, một khuôn khổ mới cho một thỏa thuận mới giữa Iran với các nước phương Tây, đặc biệt là với Hoa Kỳ.”
Cho tới nay, các chính phủ phương Tây vẫn cáo buộc Iran cung cấp các drone và tên lửa cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến tranh Ukraina, cáo buộc mà Teheran đã bác bỏ. Hôm qua, một lần nữa tổng thống Pezeshkian khẳng định Iran không hề giao bất cứ vũ khí gì cho Nga.
Căng thẳng giữa Iran và phương Tây đã gia tăng gần đây sau khi Pháp, Anh, Đức thông báo các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, bị cáo buộc là đã cung cấp cho Nga những tên lửa có thể được sử dụng để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Ukraina. Chính quyền Kiev đã dọa cắt đứt bang giao với Teheran do việc cung cấp những tên lửa đó.
**********
Văn Bút Mỹ kêu gọi TT Biden nêu vấn đề tự do biểu đạt với ông Tô Lâm
Tổ chức Văn Bút Hoa Kỳ kêu gọi Tổng thống Joe Biden và chính phủ Hoa Kỳ hãy đưa vấn đề nhân quyền vào tâm điểm trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam khi tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Tổ chức này nói rằng nếu ông Lâm muốn chứng minh cam kết của mình đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu, trước tiên ông phải thực thi nhân quyền tại quốc gia của mình.
Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America) “cảm thấy nhẹ nhõm” khi nghe tin nhà hoạt động, nhà bình luận trực tuyến và nhà thơ Trần Huỳnh Duy Thức được trả tự do ngay trước khi ông Lâm khởi hành cho chuyến công tác tại Mỹ và dự phiên họp lần thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) và dự kiến ông sẽ gặp ông Biden vào ngày 25/9, tổ chức này cho biết trong một tuyên bố hôm 23/9.
Tại cuộc họp báo vào chiều ngày 24/9, Nhà Trắng cho hay Tổng thống Biden sẽ gặp Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm vào ngày 25/9 bên lề phiên họp của LHQ. “Chủ tịch nước Việt Nam mới nhậm chức cách đây 4 tháng, và cuộc gặp này sẽ là cơ hội quan trọng để hai nhà lãnh đạo thảo luận về mối quan tâm chung của chúng ta đối với sự ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á”, Nhà Trắng nói.
Theo Văn Bút Mỹ, ông Thức, bị bắt vào năm 2009 và bị kết án 16 năm tù vì những bài viết về cải cách chính phủ, được thả trước hạn tù 8 tháng hôm 21/9 cùng với nhà hoạt động vì khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng và luật sư Hoàng Ngọc Giao.
“Mặc dù việc ông Trần Huỳnh Duy Thức được trả tự do là điều tuyệt vời, nhưng thật là vô lý khi ông phải ngồi tù hơn 15 năm qua vì những bài viết của mình”, Văn Bút Mỹ đưa ra nhận xét.
Tổ chức này một lần nữa kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các nhà văn, nhà báo và nhà hoạt động bị cầm tù vì những phát biểu của họ.
“Tự do ngôn luận là điều cần thiết cho một xã hội thịnh vượng, công bằng và thúc đẩy nhân quyền, trách nhiệm giải trình và tiến bộ”, Văn Bút Mỹ nhấn mạnh. “Nếu Chủ tịch nước Tô Lâm muốn chứng minh cam kết của mình đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu, trước tiên ông phải ưu tiên và thực thi nhân quyền ở đất nước mình”.
“Chúng tôi cũng kêu gọi Tổng thống Biden và chính phủ Hoa Kỳ đưa vấn đề nhân quyền vào trọng tâm của quan hệ ngoại giao với Việt Nam và vận động trả tự do cho những người khác vẫn đang bị giam giữ bất công”, bà Anh-Thu Vo, Giám đốc nghiên cứu và vận động của PEN America, đưa ra kiến nghị.
Theo Chỉ số Tự do sáng tác của PEN America năm 2023, Việt Nam là quốc gia giam giữ nhiều tác giả thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Iran và ngang bằng với Ả rập Xê út.
Năm 2023, Việt Nam giam giữ 19 tác giả, trong đó có bà Phạm Đoan Trang, người đoạt giải Tự do Sáng tác của PEN/Barbey năm 2024. Dịp này, Văn Bút Mỹ nhắc lại lời kêu gọi chính phủ Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với bà Phạm Đoan Trang và tất cả các tác giả và nhà bất đồng chính kiến bị giam giữ vì quyền tự do ngôn luận của họ.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đề nghị họ đưa ra bình luận về lời kêu gọi của Văn Bút Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.
Từ trước đến nay, chính phủ Việt Nam “khẳng định chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”, và khi bị quốc tế chỉ trích rằng nước này vi phạm nhân quyền, Hà Nội thường đáp trả rằng đó là những “nhận định không khách quan”, dựa trên những thông tin “không chính xác” về tình hình thực tế của Việt Nam.
**********
TikTok đã xóa các tài khoản liên quan đến truyền thông nhà nước Nga vì tham gia vào “hoạt động gây ảnh hưởng bí mật” trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.
TikTok ngày 23/9 cho biết những thay đổi này ảnh hưởng đến các tài khoản liên quan đến TV-Novosti — tổ chức mẹ của truyền thông nhà nước Nga RT — và Rossiya Segodnya, đơn vị đứng sau các hãng thông tấn của Điện Kremlin là RIA Novosti và Sputnik.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết Moscow vẫn là mối đe dọa chính đối với các cuộc bầu cử Mỹ cho dù một vụ tấn công mạng của Iran trong năm nay cũng nhắm vào các chiến dịch tranh cử tổng thống của cả hai đảng phái chính trị tại Hoa Kỳ. Trong những tháng gần đây, các quan chức Hoa Kỳ đã sử dụng các cáo buộc hình sự, chế tài và khuyến cáo công khai để chỉ ra các hành động do các đối thủ nước ngoài thực hiện nhằm tác động đến bầu cử Mỹ, bao gồm cả bản cáo trạng nhắm vào nỗ lực bí mật của Nga nhằm truyền bá nội dung ủng hộ Nga cho khán giả Hoa Kỳ.
Thông báo của TikTok được đưa ra một tuần sau khi Meta Platforms, công ty sở hữu Facebook, WhatsApp và Instagram, cho biết họ đã cấm Rossiya Segodnya, RT và các thực thể liên quan khác khỏi ứng dụng của mình, khiến Điện Kremlin và hai tổ chức truyền thông này lên tiếng phản đối.
TikTok cho biết trên trang web của mình rằng các tài khoản liên quan đến TV-Novosti và Rossiya Segodnya đã bị hạn chế tại Vương quốc Anh và Liên hiệp Châu Âu và không được phép xuất hiện trên nguồn cấp dữ liệu chính “For You” của ứng dụng.
“Có rất nhiều người từ các quốc gia khác nhau coi trọng quan điểm khác biệt về các sự kiện đang diễn ra trên thế giới. Và chúng tôi sẽ tìm cách đưa quan điểm đó ra ngoài”, dịch vụ báo chí Rossiya Segodnya cho biết trong một tuyên bố sau thông báo của TikTok.
RT không trả lời yêu cầu bình luận.
Riêng TikTok cũng đang thực hiện một số thay đổi xung quanh hoạt động kinh doanh của mình.
Công ty cho biết trong một thông báo không ghi ngày đăng trên trang web của mình rằng họ sẽ đóng cửa dịch vụ âm nhạc - TikTok Music - vào ngày 28 tháng 11. Dịch vụ này, được ra mắt chỉ hai năm trước, đã có mặt tại năm quốc gia, bao gồm các thị trường lớn như Brazil và Úc nhưng không có ở Hoa Kỳ.
***********
Tại đại học Mỹ, ông Lâm khẳng định đối ngoại độc lập, đa phương và quốc phòng ‘4 không’ của Việt Nam
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam, Tô Lâm, trong bài phát biểu tại trường Đại học Columbia ở New York, Mỹ, hôm 23/9 tiếp tục khẳng định “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa” với chính sách quốc phòng “4 không” của Việt Nam và đề cao “bước tiến kỳ diệu của quan hệ Việt Nam-Mỹ”.
Sự kiện được nhiều người theo dõi và cũng vấp phải một số phản đối này bị xem là không đáp ứng được kỳ vọng khi một số câu hỏi của cử toạ không được trả lời thích đáng.
Ông Lâm, người đang nắm giữ 2 trong 4 vị trí lãnh đạo ‘tứ trụ’ cao nhất của Việt Nam, được trường Đại học Columbia mời đến phát biểu và đối thoại nhân dịp ông tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.
Khẳng định ‘độc lập’, đề cao vai trò đảng Cộng sản
Buổi toạ đàm được điều hợp bởi Giáo sư (GS) Nguyễn Thị Liên Hằng, giáo sư Lịch sử Quan hệ Mỹ - Đông Á và là Giám đốc Viện Đông Á Weatherhead của Đại học Columbia, vốn là nơi đồng tài trợ cho sự kiện có ông Lâm là diễn giả.
Trong bài phát biểu dài khoảng 20 phút, ông Lâm liệt kê “những thành tựu to lớn” mà Việt Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, để từ một nước bị bao vây cô lập trở thành nước có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
“Quy mô của nền kinh tế và thương mại lần lượt ở Top 40 và 20 trên thế giới. Nền kinh tế năm 2023 đã tăng 96 lần so với năm 1986 và là một điểm sáng được Liên Hiệp Quốc ghi nhận trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ”, ông Lâm nói trong bài phát biểu được truyền trực tiếp trên trang mạng của Đại học Columbia.
Sau đó, nhà lãnh đạo Việt Nam khẳng định sẽ “tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa” và sẽ “là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Chính sách quốc phòng “4 không” cũng được ông Tô Lâm nhấn mạnh đến khi nói về mối quan hệ quốc tế và những tranh chấp, bất đồng trên thế giới.
Về mối quan hệ Việt-Mỹ, tổng bí thư Việt Nam ca ngợi “những bước tiến kỳ diệu” của hai quốc gia, từ cựu thù trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, mức độ quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam hiện nay.
Ông cho rằng sở dĩ mối quan hệ hai nước đạt được thành tựu trên là nhờ “truyền thống nhân ái, vị tha của dân tộc Việt Nam” và “sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam với tầm nhìn trí tuệ, quyết tâm và bản lĩnh để đưa đất nước Việt Nam hội nhập vào dòng chảy quốc tế”. Còn về phía Mỹ là nhờ những “bạn bè, đối tác Mỹ như Tổng thống Bill Clinton và các Tổng thống kế nhiệm, các Thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry, Patrick Leahy…” và sự ủng hộ lưỡng đảng cho mối quan hệ này.
Chia sẻ về “câu chuyện thành công của quan hệ Việt-Mỹ”, ông Lâm đưa ra 5 yếu tố, đó là: vai trò của tinh thần hàn gắn, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau; coi trọng và thúc đẩy văn hóa đối thoại; phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với cộng đồng quốc tế; luôn đặt nhân dân ở vị trí trung tâm; và đoàn kết và hướng về tương lai.
Sau bài phát biểu, GS Liên Hằng và các sinh viên của đại học Columbia đã đặt một số câu hỏi cho diễn giả Tô Lâm. Vị giáo sư gốc Việt đề cập đến câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng “vào ngày 30 Tháng Tư, 1975 có triệu người vui có triệu người buồn” và đặt câu hỏi rằng trong vai trò lãnh đạo, ông Tô Lâm sẽ làm thế nào để thúc đẩy hòa giải giữa người Việt trong và ngoài nước.
Trả lời cho câu hỏi này, ông Lâm nói: “Trong phát biểu của tôi, tôi có nói về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ có được những bước tiến lịch sử như hôm nay là (nhờ) có tinh thần hàn gắn và tôn trọng lẫn nhau, hướng về phía trước”.
Ông nói thêm rằng “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc gần 50 năm. Tất cả những chuyện của quá khứ, như chúng tôi cũng đã nói, là chúng tôi không quên quá khứ, nhưng chúng tôi cũng từ quá khứ đó có những bài học cho mình và tầm nhìn hướng tới tương lai. Tương lai đó là cho hoà bình, ổn định đất nước, nhân dân chúng tôi cũng như cho đất nước, nhân dân Hoa Kỳ và cho thế giới”.
Tiếp theo, GS Liên Hằng đặt câu hỏi về cách thức Việt Nam đối phó với Trung Quốc và liệu Việt Nam có lời khuyên nào cho Hoa Kỳ. Ông Lâm nói: “Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ có thừa thông thái để biết những điều gì tốt nhất để đảm bảo cho lợi ích của Hoa Kỳ và đóng góp tích cực cho hoà bình, hợp tác và phát triển trên thế giới”.
Rồi ông nói từ “kinh nghiệm của dân tộc tôi cho thấy một điều: Nếu chúng ta có thiện chí, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhau, lắng nghe nhau thì sẽ thúc đẩy văn hoá đối thoại, sẽ không có vấn đề gì mà không thể giải quyết được”.
Trong số những câu hỏi do các sinh viên đặt ra, có một câu hỏi đáng chú ý của một sinh viên đến từ Trung Quốc, rằng “trong bài phát biểu, ông có nói rất nhiều lần là tìm cách ‘biến những điều không thể thành có thể’, vậy ông áp dụng nó thế nào trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông hiện nay”, ông Lâm đã ghép câu hỏi của một sinh viên trước đó để “trả lời chung” cho câu hỏi này.
Theo ông, Biển Đông là một vấn đề chung và Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, đã “duy trì chính sách hoà bình, ổn định với Biển Đông cùng với các nước có trách nhiệm, trong đó có ASEAN, có Trung Quốc, có các nước khác nữa”. Và để giải quyết các tranh chấp hiện nay, theo ông, “con đường thuận lợi nhất là đàm phán, trao đổi, hợp tác, chia sẻ” và phải làm sao “phân được ranh giới, phân được lợi ích của mình ở đó” và các nước đều phải suy nghĩ đến trách nhiệm gìn giữ hoà bình, ổn định.
“Không có con đường nào tốt hơn là phải duy trì hoà bình và thực thi luật pháp quốc tế”, ông Lâm nói thêm.
Ông cũng không quên nhắc lại rằng Việt Nam “cũng lên án những hành động không hợp pháp, những hành vi can thiệp bằng quân sự, bằng đe doạ, can thiệp vào những hoạt động bình thường trên biển”.
‘Nhẹ tay’ và ‘chỉn chu’
Một nam sinh viên gốc Việt đang học năm thứ 4 tại Đại học Columbia tham dự sự kiện được biết là “lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia Cộng sản đến trường”, nói với VOA rằng trái với kỳ vọng ban đầu, buổi toạ đàm không để lại gì đặc biệt đối với cá nhân, vì cả phần trình bày lẫn hỏi đáp có vẻ như nằm trong khuôn khổ “kịch bản đã được chuẩn bị chỉn chu”.
“Lấy ví dụ trong đó có một bạn sinh viên Trung Quốc hỏi là bây giờ tình hình Biển Đông như thế này, và Việt Nam đóng vai trò đứng giữa Mỹ và Trung Quốc thì làm thế nào để cân bằng chính sách gọi là ‘ngoại giao cây tre’, thì bác Tô Lâm trả lời là chúng ta lên án những hành động sử dụng vũ lực và chúng ta nên tôn trọng luật pháp quốc tế. Thật ra trong những câu hỏi đó, em chỉ thấy có vài câu hơi hóc búa chút xíu, còn đa phần là rất bình thường. Em thấy có vẻ như kịch bản hơi được sắp xếp một cách chỉn chu và chặt chẽ, không có gì nằm ngoài dự đoán”.
Nam sinh viên gốc Việt nói với VOA rằng anh cảm giác có một sự đối xử “khá nhẹ nhàng”, trong khi, bình thường, những người dẫn chương trình cũng như sinh viên của Đại học Columbia hay đặt ra những câu hỏi rất hóc búa cho các diễn giả, đặc biệt là với các lãnh đạo hay chính trị gia.
“Ở một môi trường như trường Columbia, em nghĩ rất nhiều nguyên thủ quốc gia đến và trước đây có rất nhiều những câu hỏi hóc búa vì em đã tham dự một vài sự kiện như vậy. Ví dụ như một sự kiện mà em tham dự lúc mà bà Hillary Clinton lên nói, người ta hỏi thẳng bà luôn là bà có đánh giá lại chính sách ngoại giao của bà ở Trung Đông hay không, đại loại như vậy. Những câu hỏi rất khó. Ở đây thì em thấy những câu hỏi khá là nhẹ nhàng”.
Tuy nhiên, nam sinh viên gốc Việt cũng đánh giá cao sự “can đảm” của ông Lâm khi ông nhận lời đến phát biểu tại Đại học Columbia.
“Em thấy đây là một sự kiện khá đặc sắc và đánh dấu một cột mốc đáng nói. Hình như theo em đoán thì đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Việt Nam đến trường Columbia nói chuyện. Em nghĩ đây là một sự can đảm rất lớn, vì em thậm chí không nghĩ có một nguyên thủ quốc gia nào hơi controversial (gây tranh cãi) mà được mời đến trường Columbia vì các nguyên thủ quốc gia rất sợ và cũng có những quan ngại vì những câu hỏi không được hay cho lắm”.
Việc Đại học Columbia, nơi thường mời các nguyên thủ và các nhân vật nổi bật trên thế giới, tổ chức buổi đối thoại với ông Lâm, lãnh đạo cao nhất của một quốc gia Cộng sản, vốn bị chỉ trích về vấn đề nhân quyền, đến nói chuyện đã thu hút sự chú ý của không những cộng đồng người Việt, giới nghiên cứu, mà còn đối với các chính trị gia Mỹ, các tổ chức nhân quyền.
Trước đó, hôm 20/6, Dân biểu Cộng hoà Michelle Steel ở California đã gửi một lá thư cho Quyền Chủ tịch Đại học Columbia, Katrina Armstrong, kêu gọi đại học này hủy bỏ lời mời đối với ông Tô Lâm với lý do ông là “người chịu trách nhiệm chính cho sự đàn áp đang diễn ra đối với người dân Việt Nam”, đồng thời dẫn ra việc Việt Nam đang giam giữ hơn 170 tù nhân lương tâm và xử các án tù dài hạn với họ.
Một người phát ngôn của Đại học Columbia nói với VOA qua email rằng họ “mời những nhân vật có ảnh hưởng từ khắp nơi trên thế giới tham gia cộng đồng trường” với mục tiêu “hỗ trợ sứ mệnh học thuật lớn hơn của trường là giảng dạy, sáng tạo và phát triển kiến thức”.
Và, vẫn theo lời người phát ngôn này: “Lời mời phát biểu tại một sự kiện không phải là sự xác nhận hay tán thành quan điểm của bất kỳ diễn giả nào.”
***********
Để duy trì sức mạnh trên biển, Mỹ trông cậy vào sự hỗ trợ của Nhật
Sự thống trị của hải quân Hoa Kỳ, không bị thách thức trong nhiều thập niên, hiện đang chịu sức ép khi ngành đóng tàu do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn mở rộng nhanh chóng, trong khi Hải quân Hoa Kỳ phải đối mặt với sự chậm trễ nghiêm trọng trong việc bảo trì.
Tác động đang được cảm nhận trên toàn Hải quân Mỹ. Trong khi một số tàu nổi và tàu ngầm bị kẹt trong tình trạng chờ sửa chữa tại các xưởng đóng tàu quá tải của Hoa Kỳ, thì những tàu khác buộc phải triển khai kéo dài.
Các nhà phân tích cho biết sự chậm trễ này làm suy yếu khả năng của Hoa Kỳ thể hiện sức mạnh và ngăn chặn xung đột, đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm như Eo biển Đài Loan và Biển Đông, nơi Trung Quốc đang làm đảo lộn nguyên trạng.
Để giúp giải quyết vấn đề này, Hoa Kỳ đang chuyển hướng sang các đồng minh của mình — đặc biệt là Nhật Bản, một trong những nước đóng tàu lớn nhất thế giới. Đầu năm nay, các quan chức Hoa Kỳ và Nhật Bản đã bắt đầu đàm phán về một kế hoạch mở rộng vai trò của Nhật Bản trong việc thực hiện các đợt sửa chữa lớn cho các tàu của Hải quân Hoa Kỳ tại các xưởng đóng tàu của nước này.
Ông Rahm Emanuel, đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, coi đề nghị này là rất quan trọng để giữ các tàu của Hoa Kỳ ở lại khu vực. Ông Emanuel nói với VOA rằng “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một trận đấu xa nhà đối với chúng tôi... nhưng với các đồng minh, nó gần giống như trận đấu ngay trên sân nhà”.
Các cuộc thảo luận này nhấn mạnh sự thay đổi rộng rãi hơn của Nhật Bản hướng tới một vai trò an ninh khu vực tích cực hơn, khi nước này rời xa chủ nghĩa chủ hòa kéo dài nhiều thập niên. Đây cũng là một phần trong chiến lược của Hoa Kỳ nhằm khuyến khích các đồng minh châu Á đảm nhận nhiều trách nhiệm an ninh hơn trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, đề nghị này phải đối mặt với nhiều rào cản lớn. Tại Hoa Kỳ, cần có những thay đổi về mặt pháp lý để cho phép các xưởng đóng tàu nước ngoài đại tu tàu của Hải quân Mỹ. Tại Nhật Bản, có những lo ngại về việc trở thành mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc.
Tồn đọng nghiêm trọng
Nhưng đối với Hải quân Hoa Kỳ, thách thức là rất lớn.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS), khoảng một phần ba hạm đội tàu ngầm tấn công của Hoa Kỳ hiện đang ngừng hoạt động, đang được bảo dưỡng hoặc đang chờ sửa chữa.
Theo một lời khai chứng gần đây tại quốc hội, chưa đến 40% các đợt sửa chữa tàu theo lịch trình của Hải quân được hoàn thành đúng hạn. Theo một số ước tính, Hải quân đang chậm tiến độ bảo dưỡng 20 năm.
Theo CRS, một loạt các dự án đóng tàu quan trọng cũng đang chậm tiến độ nhiều năm — một “tình huống bất thường” trong lịch sử Hải quân sau Thế chiến II.
Ông Emanuel lập luận rằng điều này phản ánh sự suy giảm rộng hơn trong cơ sở công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ, vốn đã bị khoét rỗng kể từ những năm 1990 và “chưa sẵn sàng” để đáp ứng nhu cầu an ninh của Hoa Kỳ.
“Mọi vũ khí mà chúng ta đã đồng ý ở đây, tôi đã phải đàm phán lại hợp đồng sau khi ký kết vì chúng ta không thể đáp ứng được ngân sách theo đúng thời hạn”, ông Emanuel nói. “Đó thực sự là kế hoạch tồi [và] sự chuẩn bị thực sự tồi”.
Theo một báo cáo gần đây của CRS, tình trạng tồn đọng sửa chữa của Hải quân là do thiếu hụt công nhân lành nghề và năng lực hạn chế tại bốn xưởng đóng tàu hải quân do chính phủ Hoa Kỳ điều hành.
Thách thức từ Trung Quốc
Trong khi đó, Trung Quốc tự hào có 20 xưởng đóng tàu lớn, mà họ đang sử dụng để nhanh chóng xây dựng lực lượng hải quân lớn nhất thế giới xét về tổng số tàu.
Theo thông tin gần đây do tình báo hải quân Hoa Kỳ công bố, năng lực đóng tàu của Trung Quốc gấp hơn 200 lần so với Hoa Kỳ, được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ.
Mặc dù Hoa Kỳ vẫn duy trì những lợi thế đáng kể về hải quân — chẳng hạn như 11 tàu sân bay so với ba tàu của Trung Quốc và một mạng lưới liên minh toàn cầu vô song — một số nhà quan sát tin rằng khả năng Trung Quốc lấn át ngành đóng tàu của Hoa Kỳ thể hiện sự thay đổi cơ bản trong cán cân quyền lực khu vực.
Ông Sam Byers, cố vấn an ninh quốc gia cấp cao tại Trung tâm Chiến lược Hàng hải có trụ sở tại Washington, nói: “Chúng ta đã để năng lực tiềm ẩn đó suy yếu đến mức chúng ta đang tụt hậu vào thời điểm hiện tại, và đó là một vấn đề lớn và nan giải”.
Lợi ích và hạn chế
Theo ước tính của ông Emanuel, đề nghị sửa chữa tàu giữa Hoa Kỳ-Nhật Bản có thể giảm bớt tình trạng tồn đọng bảo trì của Hải quân Hoa Kỳ, giải phóng các xưởng đóng tàu của Hoa Kỳ để tập trung vào việc đáp ứng các mục tiêu đóng tàu của họ. Ông cho biết, đề nghị này cũng sẽ cho phép các tàu của Hoa Kỳ ở lại Châu Á lâu hơn.
Nhưng không phải ai cũng đồng ý.
Ông Bryan Clark, một thành viên cấp cao tại Viện Hudson, lập luận rằng vấn đề không phải là thiếu năng lực của xưởng đóng tàu mà là việc sử dụng không nhất quán, do nhu cầu của Hải quân dao động. Ông cho rằng việc sửa chữa nhiều tàu hơn ở nước ngoài có thể giúp quản lý những biến động này và giảm thiểu sự gián đoạn cho thủy thủ đoàn tại Nhật Bản.
“Và các xưởng sửa chữa ở Nhật Bản có thể tích lũy kinh nghiệm làm việc trên tàu của Hoa Kỳ, có thể có lợi trong một cuộc xung đột,” ông nói thêm.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng việc chuyển công việc ra nước ngoài sẽ không giải quyết được các vấn đề cơ bản về tài trợ và lập kế hoạch góp phần gây ra sự chậm trễ trong việc sửa chữa của Hải quân.
“Tất nhiên, các xưởng sửa chữa tàu của Nhật Bản có thể làm tốt hơn hoặc hiệu quả hơn so với các đối tác Mỹ. Nếu đó là cái lý đưa ra, thì các quan chức Hoa Kỳ nên làm rõ điều đó”, ông Clark nói.
Những người khác trong ngành đóng tàu đã phản đối những gì họ coi là thuê ngoài việc đóng tàu và sửa chữa của Hải quân Hoa Kỳ, một bước mà họ mô tả là “đẩy những người lao động đóng tàu của Hoa Kỳ ra khỏi lề đường”.
Rủi ro của Nhật Bản
Ngoài ra, Nhật Bản cũng có những rào cản, nơi mà dư luận không phải lúc nào cũng đồng tình với lập trường an ninh quyết đoán hơn của chính phủ.
Trong khi một số bộ phận công chúng Nhật Bản có vẻ ủng hộ việc tăng cường sự tham gia của quân đội sau cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine, thì vẫn chưa rõ sự thay đổi này sâu sắc hay kéo dài đến mức nào, ông Misato Matsuoka, phó giáo sư tại Đại học Teikyo cảnh báo.
“Có một khoảng cách hiểu biết khi nói đến những gì đang diễn ra trong lĩnh vực an ninh”, ông Matsuoka nói. “Tôi không thấy nhiều người Nhật Bản nhận thức được những thay đổi này”.
Ông Matsuoka cũng cảnh báo rằng đề nghị sửa chữa tàu giữa Hoa Kỳ-Nhật Bản cuối cùng có thể được coi là một trong nhiều yếu tố làm leo thang căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, có khả năng tác động tiêu cực đến Nhật Bản.
“Tất cả những gì Nhật Bản đang làm khiến Nhật trở nên quan trọng hơn trong liên minh Hoa Kỳ nhưng điều đó cũng làm tăng nguy cơ xảy ra điều gì đó với lãnh thổ Nhật Bản”, ông Robert Ward, Chủ tịch Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định.
Trong khi Nhật Bản thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ, họ cẩn thận không khiêu khích Trung Quốc, ông Ward lưu ý. Tuy nhiên, Nhật Bản, giống như nhiều quốc gia khác, vẫn cảnh giác với những gì họ coi là hành vi gây mất ổn định của Trung Quốc trong khu vực.
“Có những lý do rất chính đáng giải thích cho tất cả những điều này”, ông Ward nói.
Khi nói đến thỏa thuận sửa chữa tàu Mỹ-Nhật, ông Emanuel thừa nhận rằng các lựa chọn cũng rất phức tạp đối với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông lập luận rằng đôi khi “bạn phải lựa chọn giữa điều gì tệ và điều gì tệ hơn”.
**********