Lãnh đạo cả 2 quốc gia này ngày càng thực dụng và khôn ngoan hơn trong giao dịch. Họ đích thị là những Lã Bất Vi thời hiện đại, có thể tạo ra những thay đổi...
The Independent, Anh quốc ngày 3/4 đưa tin, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tuyên bố, Washington sẵn sàng hành động một mình xử lý vấn đề Triều Tiên nếu Trung Quốc không có lập trường cứng rắn hơn với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thông điệp trước chuyến thăm
Phát biểu này được ông Trump đưa ra chỉ vài ngày trước khi tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, "Nhà Trắng phương Nam" của ông ở Florida.
Tổng thống Mỹ khẳng định rằng, nước ông có thể "hoàn toàn" xử lý tình huống với chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Donald Trump nói với tờ Financial Times:
"Vâng, chúng ta sẽ nói về Bắc Triều Tiên. Trung Quốc có ảnh hưởng lớn trên bầu trời Bắc Triều Tiên. Trung Quốc sẽ đưa ra một trong hai quyết định: giúp chúng tôi về Bắc Triều Tiên, hoặc họ sẽ không giúp.
Nếu họ làm điều đó, sẽ rất tốt cho Trung Quốc. Nếu họ không làm, nó sẽ không tốt cho bất cứ ai".
Khi được hỏi làm thế nào ông sẽ giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, Donald Trump trả lời:
"Tôi sẽ không để bạn biết. Bạn biết đấy, tôi không phải (Tổng thống của) Hợp chúng quốc Hoa Kỳ trong quá khứ, nơi chúng tôi nói cho các bạn biết tất cả những gì chúng ta sẽ làm ở Trung Đông".
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị thăm Mỹ 2 ngày 6, 7/4, ảnh: The New York Times. |
Ông chủ Nhà Trắng cũng từ chối giải thích về một thỏa thuận tiềm năng trong đó Mỹ sẽ rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên để đổi lấy sức ép từ Trung Quốc với nước láng giềng Đông Bắc Á:
"Vâng, nếu Trung Quốc sẽ không giải quyết Bắc Triều Tiên, thì chúng tôi sẽ làm. Đó là tất cả những gì tôi đang nói với các bạn".
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cũng nói trên ABC News rằng, Hoa Kỳ đang gây sức ép lên Trung Quốc để họ có lập trường cứng rắn hơn về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Bà nói:
"Họ cần phải chỉ cho chúng ta thấy họ có liên quan như thế nào. Họ cần phải tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên. Quốc gia duy nhất có thể ngăn chặn Bắc Triều Tiên là Trung Quốc, và họ biết điều đó. Trung Quốc có hợp tác".
Donald Trump cũng cho hay, trong cuộc họp giữa ông với ông Tập Cận Bình, một trong các vấn đề có thể được đưa ra thảo luận là tranh chấp phức tạp ở Biển Đông. [1]
Bóng dáng Lã Bất Vi trong cách Bắc Kinh chủ động tiếp cận Trump qua phò mã - cố vấn Kushner
The New York Times, Mỹ ngày 2/4 cho biết, Trung Quốc đã chuyển tải các thông điệp của mình đến tai Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua con rể kiêm cố vấn của ông, Jared Kushner.
Chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông Tập Cận Bình dưới triều đại Donald Trump nằm trong sự sắp xếp của 2 người, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải và con rể - cố vấn của Donald Trump, Jared Kushner.
Vai trò trung tâm của ông Kushner không chỉ phản ánh tính chất đặc biệt của cuộc họp đầu tiên giữa ông Donald Trump với ông Tập Cận bình, mà còn là mối quan hệ Trung - Mỹ trong những tháng đầu tiên của chính quyền Trump.
Trong khi các quan chức Trung Quốc bối rối trước các phát biểu từ Tổng thống Donald Trump, họ cũng tìm thấy một điều khá rõ ràng: trong số những thân tín của Donald Trump ở Washington, phò mã Jared Kushner là người nên biết hơn cả.
Ảnh hưởng của Jared Kushner thể hiện rõ trong việc ông và Thôi Thiên Khải đã thu xếp cuộc điện đàm đầu tiên giữa Donald Trump và Tập Cận Bình.
Trong cuộc điện đàm này, Donald Trump nói ông cam kết sẽ tuân thủ nguyên tắc "một nước Trung Quốc" theo đề nghị của ông Tập Cận Bình. Bây giờ đến lúc Trump muốn có một cái gì đó bù lại từ Trung Nam Hải.
Kể từ cuộc điện đàm này, Thôi Thiên Khải liên tục củng cố quan hệ với gia đình phò mã Jared Kushner. Vào tháng Hai, ông mời Ivanka Trump và con gái của cặp vợ chồng Kushner, Arabella đến Đại sứ quán Trung Quốc đón Tết Đinh Dậu (mùng 6 Tết).
Trump dự định sẽ nhấn mạnh với ông Tập Cận Bình rằng, Trung Quốc phải tăng cường các biện pháp gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo của họ.
Tán tỉnh của Trung Nam Hải với phò mã của ông Donald Trump diễn ra trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không nắm toàn quyền hay thế thượng phong trong hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ.
Evan S. Medeiros, một chuyên gia cao cấp về châu Á trong chính quyền ông Obama bình luận:
"Sau Henry Kissinger, người Trung Quốc luôn say mê tìm kiếm cách liên lạc và duy trì quyền "truy cập" vào Nhà Trắng.
Họ tìm cách xâm nhập gia đình Tổng thống và một số người nào đó được họ xem còn quan trọng hơn cả vương hầu".
Các quan chức Mỹ và các chuyên gia về Trung Quốc cảnh báo rằng, Bắc Kinh đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho chuyến thăm này so với Nhà Trắng, nơi các tham mưu cố vấn hàng đầu cho Tổng thống vẫn đang tranh cãi, làm thế nào để đối phó với Trung Nam Hải.
Trong khi đó Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn chưa hoàn thiện hệ thống tổ chức, nhát là vị trí Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á.
Bên trong Nhà Trắng, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Jared Kushner lên chính sách của Mỹ với Trung Quốc.
Khi Hội đồng An ninh quốc gia nhóm họp để thảo luận về vấn đề Bắc Triều Tiên, Jared Kushner đã ngồi trong phòng họp Tình huống khi tướng Joshep F. Dunford Jr - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ bước vào.
Thấy không còn ghế trống, tướng Dunford đi về phía hàng ghế dành cho các thành viên ít quan trọng, nơi đã có 2 người ngồi từ trước.
Jared Kushner thấy vậy liền đứng dậy nhường ghế đang ngồi cho tướng Dunford và đi xuống hàng ghế dọc bức tường của phòng họp.
Trong khi các quan chức chính quyền xác nhận rằng, cố vấn Jared Kushner tham gia sâu sắc vào hoạch định quan hệ Mỹ - Trung, Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng đã đưa ra nhiều định hướng chính sách và quyết định cho cuộc họp tại Mar-a-Lago.
Các quan chức Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã cố gắng phát triển mối quan hệ của mình với Tổng thống Donald Trump qua các bữa ăn trưa, ăn tối thường xuyên.
Sự tham gia sâu của phò mã Jared Kushner vào hoạt động hoạch định chính sách quan hệ với Trung Quốc đang dấy lên những câu hỏi xung quanh hoạt động làm ăn của công ty gia đình ông với doanh nghiệp Trung Quốc.
Thứ Tư tuần trước, công ty của gia đình Kushner đã kết thúc đàm phán với Tập đoàn Bảo hiểm An Bang, Trung Quốc về việc đầu tư hàng trăm triệu đô la vào tài sản chủ lực của gia đình Kushner, tòa cao ốc 666 Fifth Avenue ở Manhattan. Kẻ tám lạng, người nửa cân
Phát biểu mới nhất của Tổng thống Donald Trump về vai trò của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên có thể thấy là một kiểu làm giá quen thuộc của nhà chính khách - doanh nhân này.
Cá nhân người viết cho rằng, The New York Times khá nhạy bén và sâu sắc khi đưa ra nhận định, lần trước ông Donald Trump đã "nhượng bộ" ông Tập Cận Bình trong vấn đề Đài Loan, lần này Trung Nam Hải cũng phải nhớ, có đi có lại mới toại lòng nhau.
|
Đài Loan cũng đã chính thức lên tiếng bày tỏ lo ngại về những giao dịch có thể xảy ra tại hội nghị Donald Trump - Tập Cận Bình liên quan đến hòn đảo này. Ảnh nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, nguồn: SCMP. |
Tuy nhiên, cách thức Trung Nam Hải tiếp cận Donald Trump thông qua phò mã Jared Kushner cho thấy bóng dáng của Lã Bất Vi trong đó, và Donald Trump không nên coi thường.
Vai trò của phò mã Jared Kushner càng trở nên nổi bật khi những người được cho là cứng rắn với Trung Quốc trong đội ngũ giúp việc, hoạch định chiến lược cho Donald Trump lại trở nên im lặng kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng.
Người Trung Quốc vốn giỏi buôn bán, mà đỉnh cao là buôn vua bán chúa như Lã Bất Vi thời Chiến Quốc, không phải dễ bị hớ trong các giao dịch với Hoa Kỳ.
Financial Times, Anh quốc đã từng nhận xét: trong quá khứ, các quốc gia lớn đã từng dùng tiền để mua chuộc bạn bè, nhưng không nước nào có quy mô vượt qua Trung Quốc trong lĩnh vực này. [3]
Bên lề Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao năm nay, người Trung Quốc đã thể hiện cho Hoa Kỳ thấy sức mạnh to lớn từ thị trường 1,3 tỉ dân của họ với các doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ.
Theo Financial Review, Australia ngày 26/3, một đội xe limousine lấp lánh thương hiệu Cadillac đen bóng của hãng xe hơi Mỹ General Motors liên tục ra vào nơi tổ chức Diễn đàn Bác Ngao ở Hải Nam, chở các quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc và có cảnh sát dẹp đường.
2800 đại biểu dự Diễn đàn Bác Ngao năm nay cũng được nước chủ nhà bố trí đưa đón bằng những chiếc xe sang trọng của hãng General Motors, một nhà tài trợ kim cương của hội nghị Bắc Kinh mệnh danh là Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos của châu Á.
Trung Quốc là thị trường quốc tế phát triển nhanh nhất của General Motors. Trong năm 2016 số lượng xe Cadillac của General Motors báo vào Trung Quốc đạt mức kỷ lục: 116 ngàn chiếc, tăng 45% so với 2015.
Đà tăng trưởng của mặt hàng này tại thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng trong năm nay, với 27 ngàn chiếc Cadillac được bán trong 2 tháng đầu năm 2017, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Đây mới là con số nhỏ nếu so với 24 triệu xe hơi bán ra ở Trung Quốc năm 2016, nhưng với mức tăng trưởng hiện nay, nhiều khả năng năm 2017, General Motors sẽ bán được nhiều xe Cadillac ở Trung Quốc hơn là thị trường Mỹ. [4]
Người viết cho rằng, đây là một trong nhiều ví dụ cho thấy, người Trung Quốc hiện nay đã có đủ đòn bẩy để giao dịch với Hoa Kỳ, kể cả về kinh tế lẫn địa chính trị, địa chiến lược.
Do đó, những tuyên bố của Donald Trump khi còn tranh cử, rằng ông có thể tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, áp mức thuế 45% với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có lẽ chỉ là nói cho vui.
Bắc Kinh biết rõ điều này, Washington cũng không thể không thấy.
Ngay cả tuyên bố mới nhất của Trump về Bắc Triều Tiên hay phát biểu của ông lẫn đội ngũ tham mưu cao cấp Nhà Trắng về Biển Đông, Đài Loan...chẳng qua cũng chỉ là một chiêu làm giá trước khi tiếp ông Tập Cận Bình mà thôi.
Trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc và Hoa Kỳ kẻ tám lạng, người nửa cân. Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình không còn là Trung Quốc thời ông Mao Trạch Đông.
Điều này càng đáng lưu ý hơn, khi lãnh đạo cả 2 quốc gia này ngày càng thực dụng và khôn ngoan hơn trong giao dịch.
Họ đích thị là những Lã Bất Vi thời hiện đại, có thể tạo ra những thay đổi khó lường cho cục diện trật tự khu vực và thế giới trong thời kỳ mới.
Do đó rất có thể lợi ích của các nước nhỏ ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở thành những món hàng của hai tay chơi Trung Quốc - Hoa Kỳ trên bàn cờ chiến lược.
Có lẽ đây là một xu thế khó tránh khỏi, và các bên liên quan cần chủ động nghiên cứu tình hình để có những giải pháp phù hợp.
Cựu Ngoại trưởng Australia Bob Carr, hiện là Giám đốc Viện Quan hệ Trung Quốc - Australia ở Đại học Công nghệ Sydney nói với Financial Review, Trung Quốc đã giành được thế thượng phong trong cuộc so găng ý chí với Mỹ ở Biển Đông.
Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã được dịch chuyển sang sức mạnh chiến lược của họ trên Biển Đông, họ trở thành một sức mạnh mới được thừa nhận ở Đông Nam Á, đấy là lý do tại sao một số nước ASEAN mong muốn Mỹ đóng vai trò cân bằng quyền lực, không rời khỏi khu vực. [4]
Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ tại Mar-a-Lago ngày 6 và 7/4 này không chỉ có ý nghĩa quan trọng với Bắc Kinh và Washington, mà ngay cả các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên cho tới 10 nước ASEAN hay Australia cũng đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Bởi biết đâu trên bàn đàm phán chiến lược, Tòa Bạch Ốc và Trung Nam Hải có thể sẽ có những giao dịch trên lưng nước khác, khi vấn đề trao đổi giữa họ là bán đảo Triều Tiên và Biển Đông?
Nghiên cứu tìm hiểu để có giải pháp phù hợp, thích ứng với thời cuộc và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc thiết nghĩ là điều hết sức cần thiết để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực hay thiệt hại tiềm ẩn từ những cái bắt tay sau hậu trường của những Lã Bất Vi thời hiện đại.
Kim Hoang chuyen