Đoạn Đường Chiến Binh

CHIẾN THUẬT SÔNG NGÓI *

Thời Tam-Quốc (Ngụy, Thục và Ngô năm 220-280), Tào-Công (Ngụy-Vũ) – người đứng đầu nhóm Thập gia bình chú quyển Binh thư Tôn-Tử (1) – có lời bàn tổng thể rằng:

Bảo Bình Nguyễn Văn Ơn

Giang soai dinh Commandement.jpg

Thời Tam-Quốc (Ngụy, Thục và Ngô năm 220-280), Tào-Công (Ngụy-Vũ) – người đứng đầu nhóm Thập gia bình chú quyển Binh thư Tôn-Tử (1) – có lời bàn tổng thể rằng: “Trong bao lâu mà nhân loại còn chiến tranh, dẫu thời gian và không gian có thay đổi, khí tài có đổi thay theo đà văn minh xã hội, nhưng chiến thuật của Tôn-Tử vẫn giữ được giá trị khảo chứng cao dành cho các nhà quân sự“.
Như vậy, Binh thư Tôn-Tử, một chiến thuật thành văn cổ điển của Trung-Hoa ra đời vào những năm 496-453 trước công nguyên đã được hậu thế nghiên cứu cẩn trọng và vận dụng. Tuy nhiên theo sách Ngô-Việt Xuân-Thu, không phủ nhận tính triết học của binh thư này, nhưng phải nói đây là thời buổi quá sớm để Tôn-Tử đề cập đến tinh thần quốc gia trong sách. Người tướng ngoài mặt trận thuở đó, chỉ biết oai phong lẫm liệt đứng trước hàng quân, rồi liều chết hươi binh khí xông vào đánh đối phương, những mong đoạt thủ cấp địch để dâng lên Chúa công hay Quân vương mình mà không hề nghĩ đến hai chữ quốc gia còn quá trừu tượng. Bản thân Tôn-Tử cũng thế, ông nghĩ đến việc lập nghiệp bá cho Ngô-Lạp-Lư hơn là lo phục vụ tổ quốc Tề bang của mình và không ai biết đến chiến thuật, chiến lược quân đội là nghệ thuật tranh quân của mục đích giữ nước sau cùng.
Mãi đến năm 1832, khi Đại tướng Karl Von Clausewitz, danh tướng nước Phổ (tiền thân nước Đức), cho xuất bản quyển ON WAR (Bàn về Chiến tranh, Đức ngữ là WOM KRIEGE) (2), thì ý niệm về quốc gia đã hình thành rõ rệt trong các hoạt động của quân đội. Lý thuyết gia chiến lược hàng đầu này khẳng định việc đưa chiến thuật, chiến lược quân đội vào mục tiêu chiến tranh được xem là nghệ thuật dùng binh và cũng là cứu cánh để thắng cuộc chiến nhằm bảo vệ quốc gia (Tactics is the art of us-ing troops in battle; strategy is art of using battles to win the war).
Vào đầu thế chiến thứ hai, các nhà quân sự Tây phương mới bổ túc thêm cho tầm vóc chiến thuật quân đội là: “Chiến lược quốc gia thể hiện đường lối toàn bộ hay tổng thể của một nước, do đó mà chiến lược quân đội đương nhiên ở mức thấp hơn và chiến thuật quân đội chỉ là cục bộ nên phải ở mức thấp nhất“. Mặc dù chiếm nấc thang thấp nhứt, nhưng thuật ngữ chiến thuật quân đội mang ý nghĩa thật quan trọng ngay từ thời con người biết tập họp lại thành nhóm có vũ trang (Bộ lạc), rồi dần dà tiến lên tổ chức thành quân đội (Quốc gia). Như vậy, chiến thuật hay nói khác đi binh pháp chẳng qua là cách thức đánh giặc; còn khoa học gọi đó là nghệ thuật quân đội tác chiến (The art of war ” Science militaires) được đúc kết từ những kinh nghiệm chiến trường lưu lại, mang tính chất quyết định thắng bại và trở thành điều sống chết đối với nhà cầm quân trên chiến trường.
Đặc biệt là vào tiền bán thế kỷ thứ 20 ” thời điểm của hỏa tiển mang đầu đạn nguyên tử ” tổ chức quân đội hiện đại không phải chỉ có Lục quân với Kỵ binh, Pháo binh, Bô binh (Hoàng hậu chiến trường, La reine des batailles) như trước kia nữa, mà quân đội còn có Không quân, Hải quân và các Binh chủng thống thuộc. Tất cả đều là thành tố tác chiến nồng cốt cho trận đánh (The core tactical factors). Ngoài ra, chiến thuật còn thể hiện một điều tối quan trọng là trình độ tác chiến (Degree of combat) của một quân lực. Sau thế chiến thứ nhứt, các nhà quân sự đánh giá khả năng tác chiến này qua cách thức vận dụng, chỉ huy mọi công cụ chiến tranh tại mặt trận như phối trí nhân lực, điều phối sử dụng các loại vũ khí; riêng hệ thống cơ giới yểm trợ như chiến xa, chiến hạm, phi cơ và hỏa tiễn phải được linh hoạt điều động sao cho thật phù hợp với phương án tác chiến (Combat plan), phòng ngự hoặc tấn công. Cũng chính trình độ tác chiến tổng hợp nói trên làm phong phú thêm kho tàng kinh nghiệm chiến trường.
Cho nên đối với các quốc gia mà quân đội đã thành lập lâu đời, lại trải qua nhiều chiến trận thì kinh nghiệm chiến trường là những dữ kiện rất quý giá giúp họ dễ dàng đút kết thành ‚Chiến thuật thành văn‛ để làm cứ liệu (hay chứng liệu, Datum) cho nghệ thuật tác chiến và tham khảo nghệ thuật quân sự này mỗi khi quốc gia có chiến tranh. Nhưng cũng nên nhớ rằng, chiến thuật thành văn cần được cập nhật hóa trước khi đem ra sử dụng, chứ không phải là khuôn mẫu để các nhà quân sự phải tuân theo cho mọi trận đánh. Các bộ sách Binh thư Tôn-Tử, Trần-Hưng-Đạo binh thư yếu lược (3), Bàn về Chiến tranh của Clausewitz, Trì cửu chiến của Mao-Trạch-Đông … đều ra đời từ những kho tàng kinh nghiệm chiến trường.
1.- Chiến thuật thành văn của Cộng-sản Bắc-Việt
Tại miền Bắc Việt-Nam, quân đội CSBV được thành lập từ năm 1944 và bị cưỡng bách tác chiến theo mô thức Hồng quân Trung-Cộng vào những năm 1950 bằng các chiến thuật Công đồn đả viện (Đánh điểm diệt viện), Bôn tập vận động chiến, Công kiên chiến, Tiền pháo hậu xung biển người … Vì vậy, quân đội CSBV chỉ phát triển được độc nhất quân chủng Lục quân mà thôi. Sau chiến thắng Điện-Biên-Phủ năm 1954, rút kinh nghiệm chiến trường trong 8 năm tranh phong với Quân đội viễn chinh Pháp, Bộ tổng tư lệnh Quân đội CSBV đã hoàn thành bộ Chiến thuật thành văn cho Lục quân của mình. Điển hình trận Ấp-Bắc tháng 1 năm 1963 và trận Ira-Drang tháng 11 năm 1965, quân Việt-Cộng/CSBV đã áp dụng chiến thuật thành văn Đánh điểm diệt viện, một chiến thuật sở trường của Đại tướng Võ-Nguyên-Giáp trước kia, nay được đem ra áp dụng lại trên chiến trường miến Nam (4).

Cac chien dinh LCVP va FOM tuan tieu tren song

2.- Chiến thuật truyền khẩu của Hải-quân VNCH trong sông.
Như phần ghi nhận ở Chương II, Hải quân VNCH sinh sau đẻ muộn hơn 2 quân chủng bạn, lại bị Bộ tổng tham mưu đối xử phân biệt như con ghẻ (second class citizen) và chèn ép cấp bậc một cách rất vô lý. Nhất là sau khi Hải quân VNCH mất quyền chỉ huy binh chủng Thủy quân Lục chiến (TQLC) của mình vào cuối năm 1963 ” đơn vị thủy bộ trong chiến thuật tấn công ” thì các Giang đoàn Xung-Phong (GĐXP) đành phải chấp nhận vai trò quân sự thụ động như tuần tiểu phòng thủ, yểm trợ hải pháo khi được yêu cầu và chuyển vận cho các đơn vị bộ binh diện địa. Như vậy, Hải quân nước ngọt không còn có cơ hội để phát huy chiến thuật trong sông nữa (5).
Còn các chiến hạm thuộc hải lực ngoài biển cũng cùng chung số phận, phương hướng phát triển hành quân lưỡng thế dần dần tàn lụn giống như vỏ tàu thiếu bảo trì bị nước biển bào mòn quá độ an toàn đang chờ lệnh phế thải. Sự kiện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược này đã được Đô-đốc Alfred Thayer Mahan cảnh giác trong quyển The Influence of Sea Power upon History (1890) là “Những hoạt động quân sự trái khoái hay gò bó trong khuôn khổ của các quân chủng khác sẽ không thể nào làm cho Hải quân phát triển được quyền lực trên biển cả” (6). Hậu quả của quá trình kềm kẹp lâu dài này là, cho đến ngày Tổng ra khơi 30/04/1975, Hải quân VNCH vẫn chưa đúc kết được thủy chiến pháp thành văn của mình, mặc dù đà bành trướng của quân chủng đã được xếp vào hàng thứ 9 trên thế giới theo tài liệu trong quyển Jane’s Fighting Ship 1972 của Jane’s Information Group.
Và việc này cũng được cựu HQ/Trung tá Nguyễn Ngọc (Khóa 10 SQHQ/Nha-Trang, bút hiệu Đại-Dương), người rất tâm đắc với dự án ‚Thủy chiến Hải quân VNCH‛ do chính ông đề xướng trên thông tin điện tử ngày 17/07/2002 đặt vấn đề cho cựu HQ/Đại tá Đỗ-Kiểm (Khóa 3/Brest, nguyên Tham mưu phó hành quân của Bộ Tư Lệnh HQ, tác giả quyển Counterpart) để tìm hiểu thì được vị này thân tình giải thích như sau:
‘Nói về chiến thuật và chiến lược của Hải quân VNCH thì tôi phải nói ra một sự thật là chúng ta không có sách vở đặc thù cho Hải quân VNCH gì cả. Có thì chắc chắn đã được mang ra quân trường hay các lớp tham nưu trung, cao cấp giảng dạy rồi.
Chiến thuật chính thống của Hải quân VNCH trên biển cũng chỉ là những bài vở, tài liệu học lại của các trường Hải quân Pháp, Mỹ mà các anh em sĩ quan đã tham dự như SOP, OO … Còn chiến thuật không chính thống, nhưng đặc biệt được áp dụng tại chiến trường Việt-Nam, nhất là trong sông rạch là tổng hợp kinh nghiệm xương máu của các anh em đã lăn lộn tại các vùng sông ngòi. Các kinh nghiệm này, nếu được khai thác đúng mức trong lúc này có thể là những tài liệu giá trị cho các quân trường trong tương lai, vì chưa có một Hải quân nước nào có quá trình chiến đấu trong sông lâu dài, đa năng và đa dụng như Hải quân VNCH
“.
Tóm lại, qua lời xác nhận của Đại tá Kiểm thì cho đến ngày di tản ra khơi, Hải quân VNCH thật sự chưa ban hành được chiến thuật thành văn. Như vậy, riêng trong phạm vi hành quân sông, Hải quân Nước Ngọt hiển nhiên phải có chiến thuật – rút tỉa kinh nghiệm từ chiến trường – mới tạo được chiến thắng như chúng ta đã biết. Nhưng thật sự muốn biết chiến thuật trong sông của Hải quân VNCH được truyền đạt như thế nào, chúng ta hãy cùng nhau ngược dòng Hải sử, trở về thời điểm cuối năm 1955, khi Hải quân Pháp bàn giao Bộ chỉ huy Giang lực (COFFLUSIC) lại cho HQ/Trung tá Chung-Tấn-Cang (Khóa 1 SQHQ/Nha-Trang), sau đó Bộ chỉ huy Giang lực được lệnh dời về Cần-Thơ năm 1959. Đây là giai đoạn khó khăn nhất cho lực lượng trong sông vừa thành lập, bởi vì Bộ tư lệnh Hải quân còn đang mò mẫm tìm một huấn thị điều hành căn bản thích nghi cho lực lượng này. Phải nói các ông HQ/Trung tá Nghiêm-Văn-Phú, Đỗ-Quý-Hợp (cùng khóa 2 SQHQ/Nha-Trang) và Vũ-Đình-Đào (khóa 3 SQHQ/Nha-Trang) đã đóng góp thật nhiều công sức bằng những kinh nghiệm rất có giá trị về tác chiến trong sông mà các ông rút tỉa từ những cuộc hành quân của Liên đoàn Hải quân Xung-Phong 22 Pháp ở ngoài Bắc.


Sau ngày đầu năm 1970, lực lượng Tuần-Thám được thành lập, Phó đề đốc Nghiêm-Văn-Phú, Tư lệnh lực lượng này kiêm Tư lệnh đặc nhiệm 212, còn được mệnh danh là ‘Ông già không bao giờ cười (bất tiếu lão nhân)’, thường triệu tập các đơn vị trưởng lại để nghe chiến thuật truyền khẩu (Oral tactics). Dưới tàn cây trứng cá rợp bóng mát, bên cạnh mái nhà tôn thấp lè tè trong Căn cứ Hải quân Châu-Đốc (Cái-Dầu), bất tiếu lão nhân rất nghiêm túc kể lại cho các Chỉ huy trưởng giang đoàn (kể cả tăng phái) nghe những kinh nghiệm chiến trường lưu vực sông Hồng-Hà rồi vận dụng nó vào tấm bảo đồ UTM biên giới Việt-Miên gắn trên giá thuyết trình ba cẳng trước mặt. Nhất là ký ức hành quân của ông già đã xài hơn 30 năm rồi mà cho tới nay vẫn còn tốt, đưa ra những ước đoán tình báo cũng như quyết định chiến thuật áp dụng vào vùng kinh Vĩnh-Tế và Đồng-Tháp-Mười khá chuẩn xác.
Như một thói quen, trước khi khai diễn cuộc hành quân nào, ông ta cũng trang bị kỹ tinh thần chiến đấu cho đơn vị sắp nhập vùng hành quân hung hiểm bằng chiến thuật truyền khẩu. Đặc biệt, Đô đốc Phú tuyệt đối không chấp nhận sự rủi may hoặc ‘hay không bằng hên’ mỗi khi Giang đoàn trao đổi hỏa lực với Việt-Cộng/CSBV. Theo ông, con đường ra trận là thủy lộ sống chết (quan niệm của Tôn-Vũ-Tử). Một đội hình tác chiến luộm thuộm, lè phè chỉ làm mồi ngon cho địch; trái lại, một đội hình trong sông hùng dũng di chuyển cũng đủ làm cho địch thoạt nhìn mà không dám đánh. Lúc tranh phong ”có tùng đĩnh tháp tùng” luôn luôn dùng chiến thuật ‘Hải quân Tùng đĩnh song hành‛ để thủ thắng (7).
Tre tàn măng mọc, nối tiếp hải nghiệp của các vị niên trưởng tiền nhiệm trên đây, Sĩ quan khóa 7 Hải quân Nha-Trang đã thật sự áp dụng chiến thuật truyền khẩu vào chiến trường sông ngòi, khi họ nắm quyền chỉ huy Giang đoàn. Đã 45 năm trôi qua, nhưng giờ đây mấy ai từng lăn lộn trên chiến trường sông có thể quên được tài chỉ huy của HQ/Thiếu tá Huỳnh-Duy-Thiệp (khóa 7 SQHQ/Nha-Trang). Năm 1962, ông Thiệp là Hải đoàn trưởng của Hải đoàn 22 Xung-Phong tân lập, cũng là người sáng tạo chiến thuật ‘Song-Xa‛, khi đơn vị tham dự Chiến dịch ‘Sóng-Tình-Thương’ đầu năm 1963 tại Năm-Căn. Ngay cả HQ/Đại tá Lê-Hữu-Dõng (khóa 8 SQHQ/Nha-Trang), người đã một thời được các chiến hữu Nước-Ngọt ngưỡng mộ tài đánh giặc, gọi là ‘Độc-Cô Cầu-Bại’ (xin cho tôi một lần chiến bại), cũng tâm phục, khẩu phục tài điều-động chiến đĩnh trong sông của Trung tá Thiệp (chức vụ sau cùng của ông Thiệp là HQ/Trung tá Giám đốc Thương cảng Đà-Nẵng). Lúc giữ chức vụ Tư lệnh phó lực lượng Tuần Thám, đôi khi Đại tá Dõng khiêm tốn tâm sự đầy tình nghĩa: “Cấp bậc Đại tá mà tôi có được, một phần không nhỏ là do Commandant Thiệp tạo nên, khi tôi còn làm Gòn (second) cho ông ấy. Ai cũng biết là kinh nghiệm xương máu của chiến trường sông đã góp thành chiến thắng, với tôi, tôi học điều đó từ những người trên, đồng thời cũng rút tỉa thêm từ những anh em đoàn viên thương mến trong đơn vị … Tôi thực sự được đeo lon quan năm tàu thủy khi tuổi chỉ mới ba mươi, đó là những ân nghĩa không quên đến từ mọi chiến hữu mà tôi đã có dịp bên nhau cùng chiến đấu“.
Đồng khóa với ông Thiệp còn có HQ/Thiếu tá Nguyễn-Văn-Hoa, Chỉ huy trưởng Giang đoàn 23 Xung-Phong rồi Chỉ huy trưởng Liên giang đoàn 25-29 Xung-Phong. Tuy không tạo ra chiến thuật mới như ông Thiệp, nhưng ông Hoa vận dụng rất giỏi chiến thuật truyền khẩu, đồng thời nêu gương chiến đấu thật anh dũng trên sông nước để thuộc cấp noi theo. Dường như định mệnh đã an bài, khi HQ/Thiếu tá Dale Meyer-kork có tinh thần chống Cộng rất cao, tình nguyện phục vụ như vai trò Cố vấn tại Giang đoàn 23 Xung-Phong đang đồn trú ở Vĩnh-Long và cũng từ đó Chỉ huy trưởng cùng Cố vấn trưởng sớm trở thành cặp bài trùng ‘Song hùng Sát Cộng‛. Tinh thần chiến đấu không biết sợ Việt-Cộng của hai người nhiều lần được phóng viên chiến trường Dickey Chapelle – nữ phóng viên Mỹ đầu tiên trên chiến trường Việt-Nam – đề cao qua hệ thống truyền thông Hoa-Kỳ là ‘Hai chàng ngự lâm pháo thủ trong sông’.
Cấp bậc và chức vụ sau cùng, trước ngày 30/04/1975, của ông Hoa, nguyên Quận trưởng quận Dương-Đông (Phú-Quốc), là HQ/Trung tá Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh phó Lực lượng Thủy-Bộ (8).
Nhờ tiếng tăm này mà vào năm 1966, Hải quân Hoa-Kỳ chính thức mời Thiếu tá Hoa sang trường Naval Amphibious (San Diego) để thuyết giảng về phương thức tác chiến trong sông ngòi vùng đồng bằng sông Cửu-Long. Việc Hải quân Hoa-Kỳ tham vấn kinh nghiệm đánh trận của ông Hoa không ngoài mục đích chuẩn bị cho dự án thành lập Hạm đội Sông (River Flottilla One) của họ tại Naval Inshore Operation Training Cen-tre, rồi đưa sang Việt-Nam tham chiến. Song hành, các giới chức cao cấp Mỹ cũng đưa lên bàn mổ những cuộc hành quân vùng Mississippi và Ohio trong thời kỳ nội chiến, quan niệm Dinas-sault của Jaubert (Pháp), rồi nay là kinh nghiệm đánh trận trong sông của Thiếu tá Hoa. Mặc dầu không có giang đĩnh nào tồn kho, nhưng người Mỹ – bản chất vốn kênh kiệu – đã chế biến tất cả các dữ kiện nói trên thành một Huấn thị đặc biệt điều hành Hạm đội Sông và biến cải từ những mô hình chiến cụ trong sông của Hải quân Pháp thành các giang đĩnh chiến đấu cho hai lực lượng đặc nhiệm (Task Force) TF.116TF.117 để kịp thời thao dượt tại vùng sông rạch Vallejo San Sacramento trước khi vào Đặc khu Rừng-Sác (9).
Trở lại nội bộ các Giang đoàn Hải quân VNCH, việc bàn giao quyền chỉ huy đơn vị trong sông là một bước rất quan trọng đối với tân Giang đoàn trưởng, nếu trước đó ông ta chưa từng giữ chức vụ Sĩ quan giang đĩnh hay Giang đoàn phó. Theo Hải-Quy, thủ tục bàn giao hành chánh trong thời chiến chỉ vỏn vẹn có 2 ngày (48 giờ), nhưng phần đông Chỉ huy trưởng kế nhiệm đều dành nhiều thời gian để lắng nghe ‘chiến thuật Sông-Ngòi’ đang được truyền khẩu lại từ người tiền nhiệm; bởi vì đây là vấn đề sinh tử của Giang đoàn mỗi khi đụng trận. Cho nên, sau buổi lễ bàn giao theo truyền thống Hải quân tổ chức tại sân cờ, ít có tân Chỉ huy trưởng nào an tâm về những hoạt động sắp tới của đơn vị mình, trừ trường hợp ông ấy là một Chỉ huy phó năng nổ, quen với công tác hành quân, được đề bạt lên nắm quyền chỉ huy Giang đoàn. Rồi mấy ngày tiếp theo sau đó, ngoài việc xuống tận bến tàu tìm hiểu thêm hỏa lực của từng loại chiến đĩnh, Chỉ huy trưởng lại mất khá nhiều công sức để nghiền ngẫm những phóng đồ hành quân cũ ngõ hầu sớm làm quen các đội hình tác chiến trên địa hình sông nước trách nhiệm. Mối an nguy cho mọi cấp chiến hữu và tình trạng tồn vong của đơn vị giờ đây là mối ưu tư hàng đầu của người lãnh đạo giang đoàn. Câu ‘cẩn tắc vô áy náy’ cũng trở thành phương châm gối đầu giường của tân Chỉ huy trưởng nhằm hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ với mức tổn thất thấp nhất. Nhìn chung, toàn thể nhân viên giang đoàn không hề sợ hỏa lực của Việt-Cộng/CSBV, bởi tinh thần chiến đấu hiên ngang của Chỉ huy trưởng lúc nào cũng là một tấm gương sáng mà mọi người đều noi theo để trấn áp mối quan ngại về vũ khí sát thương lớn của địch như B.40, ĐKZ, Thủy mìn; đồng thời đẩy lùi hình ảnh tiêu cực về thê noa chập chờn trước mắt: Khi mình đột ngột nằm xuống, lấy ai bảo bọc vợ dại con thơ.
Một khuyết điểm lớn của Bộ Tư lệnh Hải quân vào đầu năm 1973 về việc điều động nhân viên là áp dụng chu kỳ thuyên chuyển 2 năm luân phiên qua 3 đơn vị Sông, Biển và Bờ. Chính việc bổ nhậm nhân lực của BTL/HQ/Phòng tổng quản trị theo một chu trình kín và cứng ngắc như vậy sẽ trực tiếp làm giảm khả năng tác chiến của các giang đoàn. Nửa năm sau ngày hoàn tất chương trình ACTOV (tháng 12/1971), Phòng phân tách hệ thống và quản trị chương trình (Trưởng phòng là HQ/Trung tá Lê-Triệu-Đẩu) đã cho phổ biến bảng lượng giá hiệu năng hoạt động đơn vị sông, trong đó khả năng tác chiến của các GĐXP, mặc dầu cũ kỹ, vẫn được đánh giá cao không thua những giang đoàn mới chuyển giao như Tuần-Thám, Thủy-Bộ hay Ngăn-Chận là nhờ kinh nghiệm kỹ thuật và tác chiến của thủy thủ đoàn kỳ cựu. Nay, bài học sông nước vừa mới nhập tâm tròn hai năm thì người chiến binh Nước-Ngọt – kể cả Chỉ huy trưởng giang đoàn – lại phải vội vã khăn gói lên đường tân đáo đơn vị mới theo như chu kỳ thuyên chuyển. Thử hỏi, giang đoàn nào có đủ thời gian huấn luyện đào tạo kiện tướng kỹ thuật lẫn kiện tướng tác chiến trong sông nhằm bảo đảm cho đơn vị không đi đến chổ ‘bị đình động’? Nhìn xa hơn, Hạm đội 21 Sông dưới dự chỉ huy của Phó đế đốc Đặng-Cao-Thăng ra chỉ thị cho các giang đoàn trực thuộc phải có kế hoạch nâng cao tay nghề tại chỗ cho nhân viên, riêng phần thao luyện đơn vị sẽ do Bộ Tư lệnh vùng Sông-Ngòi, Tuần-Thám, Thủy-Bộ hay Trung-Ương đảm trách ngõ hầu giữ vững năng suất hoạt động (10).
3.- Bình phong (Screen): Đội hình sông ngòi.
Đại tá Thủy-Quân Lục-Chiến (TQLC) Mỹ Victor Croizat, từng có mặt trên nhiều chiến đĩnh của Liên đoàn Hải quân Xung-Phong 22 Pháp tại chiến trường châu thổ sông Hồng, cho rằng đội hình cơ bản Jaubert – dùng Trợ chiến hạm (LSSL) hoặc Giang-Pháo-Hạm (LSIL) để làm chủ lực – không còn thích hợp với GĐXP của Hải quân VNCH trong vùng đồng bằng sông Cửu-Long sau này; bởi lẽ Việt-Cộng/CSBV chỉ chấp nhận giao tranh từ cấp Liên đoàn trở xuống, nhất là địa hình sông ngòi chằng chịt như mạng nhện dài 5.500 cây số tương đương 3.000 hải lý, không cho phép chiến hạm hoạt động lên tận thượng nguồn có tầm nước cạn (11).
Cùng có quan niệm như vậy, Đô đốc Nghiêm-Văn-Phú và HQ/Đại tá Đỗ-Quý-Hợp (nguyên là Chỉ huy trưởng Giang lực và Đặc khu Rừng-Sác) đều nêu ý kiến là phải biến cải đội hình Hải đoàn Pháp thành một đội hình trong sông đặc biệt, mang sắc thái Hải quân VNCH. Đây phải là một đội hình vừa di chuyển hùng hậu, vừa tác chiến hiệu quả: trong tình huống khẩn cấp, Sĩ quan chiến thuật (Tactical Officer) khỏi mất nhiều thì giờ điều động các chiến đĩnh vào vị trí tác chiến thích hợp. Cũng theo hai ông, một đội hình như vậy không những linh động mà còn uy mãnh như con rắn Xuất-Nhiên (12), nếu chúng ta biết sử dụng Chiến-đấu đĩnh (Monitor Combat) làm chủ lực, còn xung kích đĩnh (FOM) làm mũi xung kích để kịp đáp ứng nhu cầu hành quân sông ngòi đang trên đà gia tăng; nhất là sự thống nhất chỉ huy khi lâm trận không còn trục trặc nữa.
Tóm lại. đội hình thường trực của GĐXP Hải quân VNCH kể từ năm 1958 trở về sau này là đội hình hàng dọc với 19 chiến đĩnh (không có chiến hạm tăng phái) được tính từ phía trước đến sau, chia làm 3 toán, theo thứ tự gồm có (xin xem hình các chiến đĩnh của giang đòan Xung-Phong trong chương V) :
a) Toán Tiền-Phong (Opening Group or Shock Group).
– 2 Tiểu-vận đĩnh (LCVP: Landing Craft Vehicle Person-nel) trang bị đại bác 20 ly Oerlikon đơn trước mũi, đại liên 30 trên mui và hai bên hông, mang theo dụng cụ rà mìn với thủy thủ đoàn 4 người. Cửa đổ bộ được hàn kín lại để an toàn khi tuần tiểu hay rà mìn. LCVP thường hoạt động từng cặp nhằm yểm trợ lẫn nhau.
– 2 Xung-kích đĩnh (SCAN/FOM: Services Techniques des Constructions et Armes Navales/France Outré Mer or Built Overseas) trang bị đại-liên 50 đơn trước mũi, đại-liên 30 trên mui và hai bên hông mang theo dụng cụ rà mìn. Vỏ tàu sắt, đáy hình chữ V lài, nặng 4 tấn thấp lè tè gần mặt nước, nên ít bị tổn thất nặng khi chạm thủy mìn. Tuy một máy, nhưng nhờ mũi nhọn nên vận chuyển rất gọn lẹ với thủy thủ đoàn bốn người. Nhiệm vụ thường trực của FOM là yểm trợ hỏa lực cho mọi chiến đĩnh trong toán Tiền-Phong. Ngoài việc rà mìn thay thế cho LCVP, một cặp FOM còn được chỉ định tách riêng ra để áp dụng chiến thuật ‘Song Xa’ nhằm truy kích địch – chức năng như tên đã đặt ” làm cho FOM một thời nổi tiếng là con ngựa Xính-Thố của Giang lực.
– 1 Chiến-đấu đĩnh (LCM6/Monitor Combat) có hỏa lực mạnh nhất trong các chiến đĩnh và cũng là linh hồn chiến đấu của giang đoàn mỗi khi quân tranh. Đại bác 40 ly đơn Bofors và đại liên 50 đơn thiết trí chung trên pháo tháp mũi (Tank turret của xe thiết giáp Ý-Đại-Lợi) được Việt-Cộng gọi là tàu ‘Cái đầu lân khắc tinh‛ và mục tiêu phải khai hỏa đầu tiên bằng B.40 hay B.41 hoặc ĐKZ.75 ly, trước khi tấn công toàn diện giang đoàn. Sau lái, đại bác 20 ly đơn Oerlikon đặt trên pháo tháp và đại liên 50 gắn hai bên hông. Ngoài ra, Chiến-đấu đĩnh còn có một hầm Bích kích pháo 81 ly và hệ thống truyền tin liên quân. Thông thường, Chỉ huy phó giang đoàn hiện diện trên chiến đấu đĩnh có cấp số 8 nhân viên này để điều động toán Tiền-Phong. Nếu Chỉ huy trưởng ước đoán là đoàn tàu sẽ vào vùng nguy hiểm – dưới nước có thủy mìn và trên bờ đang phục kích ” thì 2 chiếc FOM từ toán Chỉ-Huy lên tăng cường để toán Tiền-Phong hùng hậu thêm với 7 chiến đĩnh.
b) Toán Chỉ-Huy (Main Force or Support Command Group)
– 2 FOM đang yểm trợ cạnh sườn Giang đĩnh Chỉ huy, có thể rời vị trí bất cứ lúc nào để tăng cường hỏa lực và rà mìn cho toán Tiền-Phong.
– 1 Giang đĩnh Chỉ huy (LCM6/Monitor Commandement) trang bị đại bác 20 ly đơn sau lái và trước mũi với pháo tháp. Đại liên 30 hai bên hông có thể di chuyển vị trí từ phòng lái xuống sàn chính. Một hầm Bích kích pháo 81 ly ngay sau lưng pháo tháp mũi. Ngoài ra, Giang đĩnh Chỉ huy còn được thiết trí đầy đủ hệ thống truyền tin siêu tần số liên quân như KWM2 và VCR.46 để Chỉ huy trưởng giang đoàn đặt Bộ chỉ huy Hành quân nơi này có đủ phương tiện điều động đơn vị kể cả hậu cứ. Bảng cấp số cho Giang đĩnh Chỉ huy là 8 nhân viên.
– 2 LCVP yểm trợ cạnh sườn Giang đĩnh Chỉ huy.
c.- Toán Chuyển-Quân (Transport Group).
– 2 LCVP yểm trợ cạnh sườn các LCM6 đang chở quân.
– 5 Trung-vận đĩnh LCM6 (Landing Craft Medium), mỗi chiếc trang bị đại-bác 20 ly đơn sau lái và bên hông, tất cả đều có bửng chống đạn (Blindage). Hai bên phòng lái gắn thêm đại-liên 30, cửa đổ bộ kéo bằng máy. Thủy thủ đoàn 6 người có khả năng chuyển vận và đổ bộ tám mươi binh sĩ tác chiến.
– 2 FOM tập hậu yểm trợ các Trung vận đĩnh đang chở quân.
Mãi đến cuối tháng 3 năm 1965, Bộ tổng tham mưu mới chấp thuận bảng cấp số cải danh 7 Hải đoàn Xung-phong thành 7 Giang đoàn Xung-phong (RAG=River Assault Group). Mỗi GĐXP cơ hữu 19 chiến đĩnh đủ loại với 150 quân (trong đó có 94 quân nhân thực sự là thủy thủ đoàn Giang đĩnh, chiếm tỷ lệ tác chiến 63%) do một Hải quân Thiếu tá chỉ huy.
4.– Rút kinh nghiệm trong sông từ Hải quân Pháp.
Theo quan niệm các sử gia cũng như những nhà quân sử, mỗi khi nói đến Hải quân thì người ta đề cập đến Quyền lực trên Biển (Sea Power), chiến lược chiến thuật biển cả chứ không bàn đến Hải quân sông ngòi. Hiện tại, hầu hết Hải quân các quốc gia Tây phương đều áp dụng chiến thuật biển cả theo khuôn khổ NATO, Việt-Nam Cộng-Hòa cũng vậy, các học viên theo thụ huấn khóa Tham mưu Trung cấp và Cao cấp chuyên môn Hải quân bắt buộc phải học qua tài liệu có sẵn này. Riêng về mặt hành quân sông ngòi ” tính chất đặc thù của Hải quân miền Nam ” thì không có chiến thuật thành văn nào lưu truyền lại để khảo dụng như lời tâm sự của Đại tá Kiểm đã nói ở phần trước. Quân trường đành bàn phớt qua về các hoạt động của Giang đoàn Xung phong (GĐXP), Giang đoàn Thủy bộ (GĐTB), Giang đoàn Ngăn chặn (GĐNC) hay Giang đoàn Tuần thám (GĐTT) và thừa nhận chiến tích không nhỏ mà đơn vị sông đạt được là nhờ kinh nghiệm từ hải quân Pháp, rút tỉa cái hay từ xương máu chiến trường của người đi trước truyền lại cho người đi sau được xem như chiến thuật truyền khẩu cơ bản trong Hải quân VNCH, chứ không qua sách vở quân trường nào cả.
a) Dọn bãi đổ quân.
Phân nhiệm cũng giống như bất cứ một cuộc hành quân thủy bộ nào, nghĩa là Bộ binh điều động toàn quân trên bờ, còn Hải quân chỉ huy thành phần dưới nước. Nhưng nếu không có ai chịu trách nhiệm quán xuyến toàn bộ cuộc hành quân thì Hải quân chỉ là chiếc Taxi-Boat và Bộ binh Tùng đĩnh (không phải là TQLC thống thuộc Hải quân) là khách sang sông.
Hải-Quy ấn định Chỉ huy trưởng Giang đoàn là sĩ quan chịu trách nhiệm chỉ huy toàn thể mọi cuộc hành quân thủy bộ cấp Tiểu đoàn. Nhằm bảo vệ cho đơn vị TQLC đổ quân, việc dọn bãi an toàn phải được Chỉ huy trưởng giang đoàn quan tâm hàng đầu.
Thường lệ, công việc dọn bãi đổ quân được giao cho toán Tiền-phong nếu là GĐXP, cụm Xung-kích nếu là GĐTB hay GĐNC. Các chiến đĩnh sử dụng Đại bác 40 ly, 20 ly, Bích kích pháo 81 ly bắn thẳng hay lựu đạn cơ hữu trên chiến đĩnh trong công tác dọn bãi. Lúc đổ quân, các chiến đĩnh còn lại phải vào vị trí sẵn sàng yểm trợ hỏa lực. Trường hợp đặc biệt, nếu Trung-vận đĩnh LCM6 phải tự mình dọn bãi để đổ quân thì Thuyền trưởng đưa phần lái chiến đĩnh về phía bãi ủi, dùng Đại bác 20 ly phía sau làm cỏ sạch khu vực trước khi quay đầu lại ủi thẳng vào và hạ cửa đổ bộ.
Trong hồi ký, tướng Salan kết tội Sĩ quan Chiến thuật của Giang đoàn về dọn bãi đổ quân chiếu lệ. Bởi vì, hậu quả cách dọn bãi vô trách nhiệm như vậy đã tạo tổn thất lớn cho Hải đoàn Xung phong Pháp và đơn vị Commandos tại bến phà Gián-Khuẩt năm 1951 (13). Thật ra phương thức dọn bãi đổ quân chỉ là chiến thuật Tiền Pháo Hậu xung, với điều kiện là đơn vị Tùng đĩnh phải thực tập đổ bộ với Hải quân cho thuần.
b) Hải yểm đơn vị bạn.
Trên chiến trường châu thổ sông Hồng, kể từ cuối năm 1950, Đại tướng De Lattre đã ra lệnh cho Hải quân Pháp sử dụng Đại bác 76,2 ly, 40 ly và Bích kích pháo 81-120 ly thiết trí trên các chiến hạm LSSL, LSIL hay chiến đĩnh để yểm trợ đơn vị Tùng đĩnh trực thuộc và bô binh bạn trên bờ. Những cuộc hải yểm này khá hiệu quả, vì chận đứng được nhiều trận đánh bôn tập biển người của VMCS như tại Mạo-Khê. Ninh-Bình và Hòa-Bình. Điều cần nói rõ thêm là tất cả Đại bác Hải quân trong thời kỳ này đều là vũ khí trực xạ phòng không bằng đầu đạn tự nổ hay chạm nổ. Cho nên, muốn thành công trong chiến thuật hải yểm mục tiêu tử giác trên bờ (còn gọi là góc chết: mục tiêu tác xạ nằm trong tầm bắn nhưng đạn đạo bắn thẳng bị vướng khối chắn như vách thành, núi đồi, chòm cây, con đê, bờ sông …), pháo thủ phải học cách sử dụng bảng bắn hay bảng lượng giác tác xạ (Firing Table) để bắn đạn đạo cầu vòng với sự điều chỉnh của sĩ quan Tiền sát viên (FO: For-ward Observer; cấp bậc Trung úy hoặc Thiếu úy) kề cận mục tiêu (14).
Chiến thuật hải yểm được đánh giá cao hay thấp là ở khâu điện đàm mật ngữ hải pháo giữa đôi bên, nên việc ăn khớp truyền tin dưới nước trên bờ phải được huấn luyện thường xuyên. Trong trường hợp bắn thẳng vào mục tiêu thấy được trên bờ, sĩ quan hải pháo không cần tham khảo bảng bắn để lấy yếu tố tác xạ nữa.


5.- Chiến thuật Sông-ngòi của Hải-quân VNCH.
a) Song xa.
Song xa là cách đánh đầy sáng tạo của HQ/Thiếu tá Huỳnh-Duy-Thiệp, Chỉ huy trưởng Hải đoàn 22 Xung-Phong tân lập vào cuối năm 1962. Trong Chiến dịch ‘Sóng-Tình-Thương, đầu năm 1963 tại Năm-Căn (Cà-Mau), ông Thiệp có sáng kiến biến hoạt động thường nhật của một cặp Xung kích đĩnh (FOM) trở thành mũi nhọn cực kỳ lợi hại trong chiến thuật tấn công trên sông. Áp dụng chiến thuật này, cặp FOM thật đắc dụng mỗi khi tả xung hữu đột dưới làn mưa đạn hay lướt nhanh qua trái thủy mìn nổ dựng cột nước cao nghệu đàng sau lái mà vẫn bám riết theo đối phương.
Thao tác lâm chiến quả cảm của thủy thủ đoàn đã hằn sâu vào tiềm thức của những chiến binh từng sống chết với sông ngòi : Patron (tiếng xưng hô thân thương của thủy thủ đoàn dành cho Thuyền trưởng) lẫm liệt ngồi trên nóc tàu, hai chân thòng xuống vận hành bánh lái, một tay kéo cò đại liên 30 bắn áp đảo, tay kia cầm ống liên hợp truyền tin điều động chiếc FOM bạn ủi thẳng vào vị trí đối phương để chiếm lãnh trận địa và làm chủ tình hình. Luân phiên, đoàn viên xạ thủ đại liên 50 tại pháo tháp mũi tự động khai hỏa kế tục vào mục tiêu chỉ định mỗi khi đại liên 30 trên nóc thay dây đạn.
Theo tiêu lệnh chung hành quân sông, lúc nhập vùng hung hiểm, thủy thủ đoàn phải rời hầm tàu, ra vị trí tác chiến, phòng ngừa trường hợp mìn nổ gây sát thương lớn do sự va chạm của cơ thể bị hất tung lên nóc tàu. Vào thời điểm chạm mìn, tiếp theo tiếng nổ dữ dội là một cột nước trắng xóa trùm lấy hiện trường gần như nhận chìm FOM. Sức ép khủng khiếp của nước đẩy mũi tàu dạt sang một bên và làm tàu quay đầu ngược lại, còn thân tàu chao đảo liên hồi như sắp lật úp. Trong tình huống thập phần nguy hiểm như vậy, Patron vẫn can trường và khéo léo lái nương theo sóng lấy cân bằng để cứu cho FOM khỏi chìm. Kinh nghiệm xương máu trong sông cho biết rằng đây là giây phút mà Việt-Cộng cho là thuận lợi nhất để vọt ra khỏi hố chiến đấu, xung phong diệt gọn tàu. Bằng phản xạ tác chiến được lập đi lập lại nhiều lần nhằm giữ vững sĩ khí thủy thủ đoàn đang lâm trận, Patron cấp tốc ra lệnh cặp FOM dồn hết hỏa lực cơ hữu, xung sát đối phương. Hai cây Douze-sept (Đại liên 50) và sáu cây Mit-Trente (Đại liên 30) đua nhau trút đạn, ào ạt làm cỏ địch hai bên bờ, dọc theo thủy trình tấn kích của tàu.
Với chiến thuật Song-Xa trên đây, Hải đoàn 22 XP đã đánh thiệt hại nặng Đại đội 1/Tiểu đoàn U-Minh-Hạ (Tiểu đoàn 306), đơn vị vũ trang chủ lực tỉnh Cà-Mau tại kinh Cái-Nháp và Tân-An (Năm-Căn) đồng thời tịch thu được nhiều vũ khí, trong đó có một ĐKZ 75 ly là chiến lợi phẩm đại bác không giật đầu tiên của Hải đoàn. Tiểu đoàn 306 U-Minh phải mất đến 7 tháng tuyển mộ và huấn luyện bộ đội tại Miệt-Thứ để bổ sung cho tổn thất này, mới đủ sức tấn công hai quận Cái-Nước cùng Đầm-Dơi đêm 10/09/1963.
Cuối tháng 2 năm 1963, trong buổi lễ Chiến dịch Sóng-Tình-Thương thành công, tổ chức trên Dương-vận-hạm HQ.500 Cam-Ranh, Trung sĩ 1 Trọng pháo Lê-Phước-Đức (Đức Râu) – Thuyền trưởng kiệt xuất của cặp FOM Song-Xa được HQ Đại tá Hồ-Tấn-Quyền, Tư-lệnh Hải quân kiêm Tư-lệnh Chiến dịch ân thưởng huy chương – đã phát biểu bằng lời lẽ rất võ biền nhưng cũng thật súc tích : «Mỗi khi chạm súng, bạn cứ áp dụng Song-Xa của ông Thầy (Thiệp) là bạn có cái Anh-Dũng sáng chói đeo trước ngực rồi» (15).
b) Chiến đĩnh phân tán, hỏa lực tập trung.
Trong quyển The Brown water Navy, Đại tá TQLC Vic-tor Croizat ca ngợi thành tích làm chủ sông ngòi miềm Nam của GĐXP, mặc dầu giang đĩnh chỉ toàn là chiến cụ lâu năm mà HĐXP/Pháp chuyển giao lại sau hiệp định Genève 1954. Theo ông ta, các chiến đĩnh GĐXP đều cũ kỹ nhưng sau hai thập niên trận mạc, chiến thuật pháo yểm của GĐXP vẫn còn giá trị của nó cho đến ngày tàn cuộc chiến cuối tháng 4 năm 1975. Đây cũng là một lý do tại sao mà Hải quân VNCH trong sông không chịu dựa dẫm vào phi pháo.
Hải yểm trực tiếp bằng đạn đạo thẳng cho đơn vị tùng đĩnh hoặc các tọa độ cố định như đồn bót ven sông là nhiệm vụ hàng ngày của các giang đoàn. Nhưng một khi đơn vị bạn di động thì tọa độ phải xác định ở từng thời điểm một (tọa độ tức thời) và phải cập nhật hóa trước khi hải yểm. Theo kinh nghiệm của Đại tá Dõng thì Chỉ huy trưởng Giang đoàn phải nghiên cứu am tường địa hình sông nước địa phương trước, và sau khi đổ quân nên dự đoán tình huống có thể xảy ra mà chỉ định vị trí phân tán thích hợp cho từng chiến đĩnh để áp dụng chiến thuật hỏa lực tập trung ngay lập tức. Ông Dõng cũng khẳng định rằng nguồn tin tình báo biết người biết ta (tri bỉ tri kỷ) không những cần thiết cho việc nhận dạng được đối phương, mà còn gợi ý cho Chỉ huy trưởng Giang đoàn đề ra nhiều giả thuyết chiến thuật thuận lợi với hỏa lực thượng phong của mình ngõ hầu đánh bại địch.. Nhất là việc yểm trợ hải pháo tử giác (16) : Các trái khói (ban ngày), trái sáng (ban đêm) bắn đi từ Giang đĩnh Chỉ huy (Commandement) hay Chiến đấu đĩnh (Combat) để chỉ điểm mục tiêu, phải được Tiền sát viên điều chỉnh thận trọng thì xác suất hải yểm mới cao; cố tránh dùng đạn đạo nguy hiểm bay ngang qua đầu đơn vị bạn.
Tại Sydney, nhiều trưởng lão Hải quân Nước-Ngọt, phục vụ qua các Giang đoàn 22 XP (1964-1967) và Liên giang đoàn 25-29 XP (1968-1970), ngưỡng mộ thiên tư điều bát chiến đĩnh lúc lâm chiến của ông Dõng, thường nhắc lại: «Mỗi lần nghe tiếng RPD lẫn AK râm ran của đối phương thì CHT như lân nghênh pháo, tức khắc điều động các chiến đĩnh vào những vị trí đắc dụng nhất mhằm tạo chiến thắng một cách kỳ diệu». Trong sông đã như thế, còn ngoài biển, «Hạm trưởng Dõng là một thủy thủ già dặn hải nghiệp và không hề mệt mõi, mỗi khi lắc lư trong bão táp trên các chiến hạm HQ.609, HQ.07, HQ.13 …». lời nhận xét trên đây của HQ/Trung tá Bùi Huy Phong hay Le Roi des Timoniers, Hải đội trưởng HĐ1 Tuần-Dương/BTL/Hạm đội cũng không có gì quá đáng.
c) Hải quân Tùng đĩnh song hành và cuốn chiếu đồng bộ.
Nhờ được tham dự buổi thuyết trình của Thiếu tướng De Linarès (Tư lệnh Chiến dịch tái chiếm Hòa Bình) về cuộc di tản chiết thuật Quân đội Liên-Hiệp-Pháp từ Hòa-Bình về Hà-Đông ngày 22/02/1952, Đô đốc Phú đã có ý niệm cải tiến phần nhiệm của Hải đoàn và Đại đội Xung-Kích để tăng năng suất chiến đấu của đơn vị. Sau này, nhất là khi TQLC tách ra khỏi Hải quân, mặc dầu bị hụt hẫng nhưng ông Phú ” Tư lệnh Lực Lượng Đặc nhiệm 212 ” đã có công tạo sự gắn bó giữa Hải quân Sông ngòi và Tùng đĩnh địa phương quân từ thế công lẫn thế thủ.
1) Thế công, Hải quân ” Tùng đĩnh song hành :
Cả hai phải yển trợ lẫn nhau, song hành dưới nước trên bờ, đồng tiến chiếm mục tiêu cùng một thời điểm. Mọi diễn tiến so le trên trục tấn công không những làm mất khả năng bén nhọn của hai mũi giáp công, mà còn làm tăng thêm nguy hiểm là cho phép địch dồn hỏa lực đánh trả. Điểm đáng lưu ý, lực lượng trừ bị lúc nào cũng túc trực ngay sau lưng chủ lực, trước khi chiến thuật được triển khai.
2) Thế thủ, Cuốn chiếu đồng bộ :
Nhằm phá hỏng chiến thuật vu hồi của địch đánh tập hậu hay cạnh sườn, đồng thời tránh tổn thất lớn trong tiến trình triệt thoái, Đô đốc Phú xác định chiến thuật cuốn chiếu đồng bộ có hiệu quả hơn sử dụng đơn vị Hải quân cảm tử ở lại cản hậu như kế hoạch rút lui khỏi Hòa-Bình của De Linarès. Thực thi chiến thuật Cuốn chiếu Đồng bộ, các chốt Hải quân ” Tùng đĩnh từ A,B,C đến D sẽ thứ tự nhịp nhàng, ăn khớp lớp lang nhập vào toán tập hậu của Giang đoàn, khi đoàn tàu di chuyển ra sông lớn đi ngang qua. Việc đóng chốt trước hai bên bờ sông, tại các chỗ hung hiểm, đòi hỏi CHT phải nghiên cứu thấu đáo tình hình sông nước để bảo đảm cuộc triệt thoái được an toàn. (17)

d) Phục kích
Trong chiến tranh du kích, chiến thuật phục kích được phân biệt qua hai thế công và thủ. Phục kích công thường được thực hiện trên đất địch, vì dùng ít đánh nhiều nên hỏa lực triển khai thật ào ạt, rồi rút lui cũng thật nhanh để tránh pháo yểm địch ; nhất là tránh giao tranh với đơn vị tiếp viện đã có chuẩn bị sẵn. Mục đích của phục kích công là làm mất tinh thần cùng tiêu hao lực lượng đối phương, ngoài ra còn nằm trong chiến thuật dương đông kích tây để mở màn cho trận địa chiến lớn được hoạch định trước.
Trái lại, phục kích thủ phần lớn hầu như xảy ra trên phần đất nhà với mục đích diệt mũi xung kích thăm dò đầu tiên của địch, đồng thời cũng là tiền đồn báo động về đêm. Vì vậy mà các tọa độ cần được yểm trợ, khi tổ phục kích chạm súng, phải ghi sẵn lên bảng yếu tố tác xạ hằng đêm của hải pháo hay pháo binh bạn
1) Chiến đĩnh phục kích không Tùng đĩnh :
Cặp FOM hay PBR chui vào xẻo hoặc rạch nhỏ, ẩn dạng trong vị thế phục kích. Chiếc tiến vào rạch kéo theo chiếc kia quay mũi trở ra sông lớn bằng cách cột lái vào nhau độ vài thước dây. Cả hai chiến đĩnh phải ngụy trang bằng cành lá 2 bên bờ, ăn cơm sấy rình chờ địch. Khi thấy ghe tiếp tế trên trục giao liên, chiếc quay mũi trở ra tức tốc nổ máy kéo theo chiếc nằm bên trong. Cặp FOM hay PBR song xa phóng ra sông lớn, đồng nổ súng áp đảo, truy kích bắt địch.
2) Tùng đĩnh phục kích có hải yểm :
Trước khi mặt trời lặn, các chiến đĩnh đổ vài Tiểu đội Tùng đĩnh lên khu vực hẻo lánh nơi địch thường xuất hiện. Toán phục kích nhanh chóng đặt máy Sensor dò người, vũ khí và gài mìn claymore hay lưu đạn dọc theo đường mòn di chuyển quân hoặc tụ điểm giao liên. Ngay lúc trời tối, Tùng đĩnh vào vị trí phục kích ; còn các chiến đĩnh cũng vào vị trí thuận lợi nhất cho việc sử dụng vũ khí hải yểm ban đêm, mỗi khi được yêu cầu.
Theo thống kê năm 1971-1973 của BTL/HQ/Phòng 3, nhờ nguồn tin tình báo địa phương chính xác, nên các cuộc phục kích đêm Hải quân ” Tùng đĩnh tại đặc khu Rừng-Sác, cù lao Dung, kinh Đồng-Tiến, Giang-Thành, Tịnh-Biên và An-Phú đều đạt hiệu suất trên 75%.
e) Chống Đặc công thủy và Thủy mìn.
Giữa năm 1970, Quân khu 9 CSBV bế giảng khóa huấn luyện ‘Đặc công nước’ tại căn cứ Xẻo-Đước (quận Cái-Nước), rồi tung 50 người nhái vừa đào tạo vào thủy chiến trường B2 (gồm các quân khu 6, 7, 8 và 9) ; đặc biệt Hành quân Trần-Hưng-Đạo 4 (Sea Float ở Năm-Căn) là mục tiêu đánh phá đầu tiên của đặc công thủy trong Nam để phô diễn khả năng đã tốt nghiệp. Thủ trưởng huấn luyện này tại Đầm-Cùng là Thiếu tá CSBV Hồ-Sĩ-Nhất (Đoàn 8 Đặc công nước Bến-Tre) trang bị khí tài lặn thật thô sơ cho người nhái : mình trần thoa mỡ bò, thở bằng ống sậy hay ống cao su, không chân vịt, không kính lặn và bình hơi Scuba ; nhưng lại mang theo vũ khí tối tân là mìn con sò Limpet do Liên-Xô chế tạo qua các dạng như nam châm, viễn khiển kích hỏa, thời chỉnh và nguy hiểm nhất là có kèm theo bộ phận chống tháo gở. Sau này, HQ/Đại tá Tư lệnh Vùng 5 Duyên-Hải (V5ZH) Nguyễn-Văn-May nhận xét vào thời cao điểm thủy mìn cuối năm 1970 đầu năm 1971, thủy trình Năm-Căn là một bãi thủy mìn. Điển hình, tổ trưởng Đặc-Công 19 Hồ-Trung-Thành (quê Cái-Nước) đã đánh mìn chìm Trợ chiến hạm HQ225 Nỏ-Thần và nhiều chiến đĩnh khác trong sông Cửa-Lớn (Năm-Căn). Lúc đầu, Hải quân VNCH bất ngờ nên bị một số tổn thất đáng kể về chiến cụ nhưng sau khi quyển ‘Đặc công thủy và chống đặc công thủy’ của BTL/HQ/Phòng 5 phổ biến đến tay các đơn vị vào cuối năm 1970 thì Hải quân sông ngòi và Phòng thủ hải cảng phản công rất hiệu quả, đánh gục đoàn 126 Đặc công nước trong vòng 6 tháng, bằng chiến thuật hết sức thực tiển là thay đổi thói quen những việc làm hàng ngày để chống người nhái (18):
1) Thay đổi vị trí neo hay ủi bãi nhiều lần, ngày cũng như đêm. Tránh thói quen neo gần hay cột vào những hàng đáy trong sông.
2) Ném lựu đạn MK3 (loại hơi áp suất) thường trực với khoảng thời gian khác nhau hay mỗi khi nghi ngờ có sự xâm nhập của người nhái, thủy mìn ; nhất là các cụm lục bình lềnh bềnh trong lúc nước thủy triều đứng.
3) Thiết trí lưới cản người nhái, mìn trôi tại các cầu tàu, hải cảng.
f) Tiệm tiến.
Để đối phó lại chiến thuật ‘Công đồn Đả viện’ khá phổ biến của CSBV tại miền Nam, Phó Đề đốc Hoàng-Cơ-Minh, cựu Tư lệnh Lực Lượng Đặc Nhiệm 211 (Thủy-Bộ) nghĩ ra chiến thuật Tiệm Tiến. Với chiến thuật ‘Tiệm tiến sâu đo’ sau đây, Đô đốc Minh đã quần nát chiến khu U-Minh của Việt-Cộng/CSBV trong nhiệm kỳ của ông ta.

PDD Hoang Co Minh, hinh cua tuyen tap Hai su
Mục đích của địch là dùng chủ lực đánh tiêu diệt đoàn tàu tiếp viện cho đồn đang bị tấn công nên lực lượng ứng cứu muốn đến được mục tiêu, phải đánh trả quyết liệt qua hai giai đoạn:
1) Phản ứng tức thời: Tất cả chiến đĩnh vừa bắn trả vừa ủi bãi phía bờ mà địch đang phục kích từ vị trí 1 đến 6. Thuyền trưởng chiến đĩnh chọn nhanh địa hình trên bờ như lùm cây, mô đất … và can đảm ủi thẳng vào, vì những chướng ngại thiên nhiên trên bờ làm cản trở địch trong việc ngắm bắn ta.
2) Tiệm tiến Sâu đo đánh bật phục kích: Những chiến đĩnh vị trí 1 và 2 sử dụng hỏa lực tối đa đàn áp địch, bao trùm về phía trước theo trục tiến quân, bắn che cho chiến đĩnh vị trí 6 đang tăng tốc độ tối đa tiến dưới hỏa lực địch, vừa bắn trả vừa ủi vào vị trí 7. Tiếp đến chiến đĩnh vị trí 5 cũng làm như vậy để ủi ở vị trí 8, rồi chiến đĩnh vị trí 4 ..v.v… Trường hợp có tùng đĩnh trên tàu, sĩ quan chiến thuật đổ bộ họ lên bờ lục soát tấn công luôn.
Đô đốc Minh xác nhận chiến thuật trên đây có nhược điểm là nếu gặp ngày giờ cực tiểu thủy triều, mực nước ròng sát xuống thấp hơn bờ sông từ 1.5 thước trở lên sẽ làm cho vũ khí bắn thẳng trên các chiến đĩnh Alpha, Monitor, CCB đều bị mất hiệu quả khi vào sát bờ.

g) Tango sàn bằng đi đầu.
Quân vận đĩnh Tango có khuyết điểm là to lớn, cồng kềnh, vận chuyển chậm chạp, tốc độ thấp dễ bị trúng đạn. Tuy nhiên, ngoài việc chở quân, Tango còn có ưu điểm riêng của nó, nếu là Tango sàn bằng và cấp chỉ huy biết khai thác yếu tố đặc biệt này.
Lúc thủy triều xuống thấp, bờ sông có nơi cao hơn ụ súng trên tàu nhiều. Hỏa lực trực xạ của chiến đĩnh gần như không còn tác dụng đối với chốt địch dọc theo bờ sông, dù cho Giang đoàn đang triển khai đội hình theo chiến thuật Tiệm tiến sâu đo. Vì vậy, HQ/Thiếu tá Võ-Bữu-Khai (khóa 16 SQHQ/Nha-Trang) sáng kiến đề ra chiến thuật Tango sàn bằng đi đầu để khắc chế thủy triều bất lợi, bằng cách thiết trí vũ khí phóng lựu tự động MK19 trên nóc sàn bằng của Trung vận đĩnh này.
Ngoài chức năng chở quân thường trực, giờ đây Tango sàn bằng còn được giao phó thêm nhiệm vụ xung kích ưu việt nữa. Rút tỉa kinh nghiệm sau nhiều lần áp dụng chiến thuật trên trong những trận đánh với đối phương vùng sông nước An-Xuyên (Cà-Mau), Thiếu tá Khai lý giải là Tango chịu đòn rất giỏi, một vài quả B40 ghim vào lưới chung quanh tàu chưa thấm thía gì. Riêng cây phóng lựu MK19, lợi hại như một pháo đài bay B52 bỏ túi, từ vị trí thuận lợi của nóc sàn bằng cao hơn bờ sông bắt đầu trải thảm đạn nổ trùm lên hầm hố địch. Cùng lúc đó, các chiến đĩnh giữa sông như chiến đấu đĩnh Com-bat sẽ tác xạ vào những mục tiêu được chỉ điểm bằng đạn trái khói M79 (ban đêm dùng trái sáng) bắn đi từ giang đĩnh chỉ huy CCB.
Để kết luận, ông ta đoan chắc là chiến thuật Tango sàn bằng phối hợp với chiến thuật Tiệm-Tiến sẽ bứng sạch những chốt ‘phục kích đả viện’ của địch trên mọi thủy trình mà Giang đoàn tiến quân. Hơn nữa, sàn bằng còn là nơi đặt BCH Hành quân Tiền phương rất thích hợp. Không những chiến trường được quan sát rõ mà còn giảm thiểu thương vong khi Tango chạm thủy mìn.(19)

h) Triệt Tam Giác Liên Hoàn.
Đại tướng CSBV Nguyễn-Chí-Thanh từng được trung ương đảng CSVN ca ngợi là một tướng lãnh có tài quân sự vượt trội hơn tài chính trị. Thật vậy, trong thời gian nắm cục R từ năm 1965 đến 1967, tướng Thanh đã xuất sắc viết ra binh thư nâng cao khả năng tác chiến của Việt Cộng/CSBV qua những bài quân huấn như Tiêu chuẩn hóa tổ tam chế (cơ bản của tiểu đội bộ binh), Chiến thuật nắm thắt lưng địch mà đánh (tránh phi pháo địch), Chiến thuật tam giác liên hoàn (chống trực thăng vận đổ quân) … (20).

Sau này, các Trung đoàn chủ lực địa phương cũng vận dụng chiến thuật Tam giác Liên hoàn để chống lại việc đổ bộ bằng tàu của Hải quân VNCH. Thông thường, Tam giác Liên hoàn gồm có một tổ súng cối 82 hoặc 60 ly cố định, đặt trong sâu cách bờ sông từ một cây số trở lên, lấy yếu tố tác xạ trước. Một tổ thượng liên RPD di động theo giao thông hào đào sẵn nằm trên một cạnh của hính tam giác, cạnh kia là tổ B40 hay B41 cũng di động theo giao thông hào; giao điểm của hai cạnh này là vị trí súng cối cố định nói trên. Còn cạnh thứ ba là bờ sông dự đoán đối phương sẽ đổ quân. Trước mặt ba tổ là xạ trường hỏa lực chéo hình tam giác đáy phía trước, đầy hung hiểm đang rình chờ mồi. Triệt chiến thuật trên đây, trong quá khứ đã có hai phương thức :
1) Theo chỉ đạo của Đô đốc Phú, Tư lệnh LLDN 212, thì Liên đoàn ĐNTT trách nhiệm hành quân sử dụng đại bác Bofors trên chiến đấu đĩnh Combat/GĐ41NC đánh trả tổ B40, song hành với một cặp PBR có cối trực xạ 81 ly sau lái tranh phong với hai tổ còn lại của địch.
2) Một cách đánh riêng, nhưng rất hiệu quả của HQ/Thiếu tá Trần-Đỗ-Cẩm (khóa 11 SQHQ/Nha-Trang), xin xem chương X: Những trận đánh tiêu biểu trong sông.
i) Nghi binh cóc nhảy.
Trên vài trục thủy trình chánh ở miền Nam, Việt-Cộng/CSBV thường núp trong những hầm đào sẵn, phục kích bắn tàu bằng B40, B41 và ĐKZ 75 ly. Dọc theo thủy đạo Vàm-Cỏ-Đông khu Gò-Dầu-Hạ, các tổ phục kích bắn tàu thường kiến trúc các hầm tác chiến kiểu hàm ếch tấn bằng đá ong kiên cố để sau này còn có cơ hội tái sử dụng. Trên bờ Nam sông Cửa-Lớn ở Nam-Căn cũng thế, Biệt đội Săn tàu đào hầm dưới mấy gò đất cứng, nóc hầm che phên bằng cây đước, đắp đất dày, chừa lỗ châu mai để bắn tàu trên trục Năm-Căn và cửa Bồ-Đề. Hễ mỗi lần Hải quân đổ Tùng đĩnh lên lục soát, đóng chốt và giữ an ninh thì họ chém vè, tránh chạm súng. Cho nên HQ/Đại tá Nguyễn-Văn-May, Tư lệnh V5ZH rút kinh nghiệm, từ cuộc hành quân Foul Deck, phối hợp giữa PCF và PBR mà biến cải chiến thuật này thành chiến thuật ‘Nghi Binh Cóc Nhảy’: Khi đoàn Convoy còn cách điểm tác xạ vài cây số, hai cặp PCF và PBR đột ngột vượt đoàn, tăng tốc độ tối đa đến vị trí trước, tác xạ vào các công sự rồi đổ quân lên bờ. Áp dụng chiến thuật bất ngờ như vậy, HĐ5ZP và GĐ62TT đã hốt được một số B40, RPD và AK47 của Biệt đội Săn tàu trong năm 1974. Đôi lúc chiến thuật này còn kèm thêm Phóng thủy hỏa đĩnh Zippo của GĐ45NC để phóng nước thổi sập các hầm.

Chú thích:
(1) Ngô-Văn-Triện. Binh thư Tôn-Tử. Thư xã Saigon 1973.
Cuối thời Xuân-Thu, Tôn-(Vũ)-Tử, người nước Tề, dâng lên Ngô-Hạp-Lư (nước nhỏ) Thập tam thiên chiến pháp thành văn, rồi áp dụng binh thư này đánh bại nước Sở (nước lớn). Sau 30 năm phục vụ, Tôn-Tử thu phục thêm Tấn, Tề … và tạo nên nghiệp bá cho vua Ngô. Mười ba thiên trong binh thư Tôn-Tử là Thiên kế, Tác chiến, Mưu công, Quân hình, Binh thế, Hư thực, Quân tranh, Cửu biến, Hành quân, Địa hình, Cửu địa, Hỏa công và Dụng gián.
Đến thời Tam-Quốc, binh thư Tôn-Tử được mười học giả lớn trọng vọng bình chú, còn gọi là Thập gia bình chú do Tào-Tháo làm chủ tịch. Sang qua thời Bắc-Tống, vua Tống-Thần-Tông (1080) sàn lọc từ hàng trăm binh thư cổ Trung-Hoa, chọn binh thư Tôn-Tử làm binh pháp đứng đầu trong ‘Vũ thư Thất kinh’. Bảy cuốn binh pháp đó là Binh thư Tôn-Tử, Binh pháp Ngô-Tử, Tư-Mã pháp, Uất-Liêu-Tử, Tam lược, Lục thao và Đường-Lý vấn đối được triều đình Tống đưa vào chương trình giảng huấn các trường quân sự. Cho đến thời đại ngày nay, qua phần chỉ đạo tác chiến như tri bỉ tri kỷ, linh hoạt điều động kết hợp kỳ binh với chính quân, các nhà cầm quân đánh giá Binh thư Tôn-Tử xứng đáng là thủy tổ khoa học quân sự và vẫn còn nhiều giá trị chiến thuật quý để tham khảo.
Đi xa hơn nữa, năn 1994, Đới-Kiến-Bình dựa vào binh thư này, soạn ra cuốn Thương chiến Binh pháp để làm kim chỉ nam giúp những ai mang hoài bảo phi thương bất phú. Rồi mới đây, năm 2003 cũng dựa vào 13 thiên nói trên, Dill Lindell độc đáo đưa những chiến thuật này vào thị trường chứng khoán nhằm cố vấn cho cổ đông nào muốn thắng lớn bằng tín dụng dài hạn.
(2) Karl Von Clausewitz (1780-1831), danh tướng Phổ (Prussian) từng phục vụ trong quân đội Nga, đã nghiên cứu trên 130 cuộc chiến tranh (1566-1815), trong đó có hai cuộc chiến lớn với Napoléon (1806-1807) và (1812-1815) để viết trước tác ‘Bàn về chiến tranh – ON WAR’. Nội dung sách gồm có Bản chất chiến tranh, Mục đích chiến tranh, Quy luật chiến tranh, Phương thức tác chiến là những chương giúp ích rất nhiều cho các nhà quân sự. Hơn nữa, Clausewitz còn khẳng định chiến tranh là kế tục của chính trị quốc gia (War is simply a continuation of political intercourse…) và phương thức điều quân bao gốm chiến thuật, chiến lược quân đội chính là nghệ thuật đánh trận phục vụ cho mục đích này được Lenin đánh giá rất cao. Mặc dù nội dung mang hệ thống lý luận quân sự theo đường hướng Tây phương, nhưng ON WAR của Clausewitz đã đóng góp lớn cho kho tàng nghệ thuật dụng binh qua những kinh nghiệm chiến trường nhiều cuộc chiến.
(3) Nguyễn-Ngọc-Tỉnh. Trần-Hưng-Đạo binh thư yếu lược. Paris 1988.
Binh thư cổ, nổi tiếng của Việt Nam vào thế kỷ thứ 13 do nhà quân sự thiên tài Nhân-Vũ Hưng-Đạo Đại-Vương Trần-Quốc-Tuấn biên soạn, sau ba lần đánh bại quân Nguyên-Mông xâm lược. Binh thư gồm bốn quyển, nhưng đến nay bản chính đã bị thất truyền. Trong quyển 3, Đức-Thánh-Trần hướng dẫn cách ‘lấy đoản binh thắng trường trận’ qua các địa hình, địa vật gồm 7 chương quan trọng là : Liệu thế giặc, Quyết chiến, Đạt kỳ, Dã chiến, Sơn chiến, Thủy chiến (kinh nghiệm trận Bạch-Đằng-Giang và Thủy binh Yết-Kiêu tức Đặc công thủy sau này) và Lâm chiến. Trần-Hưng-Đạo binh thư yếu lược đã đóng góp lớn về kinh nghiệm chống ngoại xâm vào kho tàng nghệ thuật quân tranh cho hậu thế.
(4) Ký giả chiến trường Philip Caputo, giải thưởng Pulitzer 2005, ghi nhận là tướng Giáp – Bộ trưởng Quốc phòng CSBV – ra lệnh cho Việt-Cộng tái áp dụng chiến thuật thành văn ‘Công đồn Đả viện’ tại chiến trường miền Nam như sau : « When American combat troops arrived in 1965, Giáp used the same tactics he had perfected against the French: Attack the outpost to smash the reinforcement. Unfortunately for him, the Americans were more powerfull, and Giap’s efforts never achieved the same military success on the bat-tlefield. Ten Thousand days of thunder NY 2005, trang 52 ».
(5) HQ/Thiếu tá Cutler Thomas J.Brown water, Black berets. USA 1988, trang 346 ghi nhận: « The Vietnamese Navy had long suf-fered from a second-class citizen status, being dominated by the more politically important Vietnamese Army. »
Đúng như vậy, trong dự án thành lập 5 Giang đoàn Xung-Phong vào đầu năm 1958 (Hồ sơ tổ chức HQ/VNCH lưu trong văn khố Hải quân), BTL/HQ/P3 kèm theo Phiếu trình xin Bộ Tổng tham mưu (BTTM) cho phép Hải đoàn Xung-Phong được cải danh thành Giang đoàn Xung-Phong (GĐXP) để phù hợp với danh xưng Bộ chỉ huy Giang lực và đồng thời đề nghị Sĩ quan Giang đoàn trưởng được mang cấp bực HQ/Thiếu tá giả định (Functional rank) thay vì là HQ/Đại úy như hiện tại. Nhưng với quan niệm tổ chức thủ cựu, thiếu viễn kiến, BTTM bác phiếu-trình của Hải quân bằng lập luận rất dân sự là một Trung úy Bộ binh cũng đủ khả năng trông coi một đoàn tuần giang, thì một GĐXP đâu cần đến một sĩ quan cấp tá chỉ huy. Mãi đến 7 năm sau, bảng cấp số 1965 của GĐXP (RAG : River Assault Group) gồm có 19 giang đĩnh đủ loại, 150 nhân viên kể cả hậu cứ và thủy thủ đoàn do Chỉ huy trưởng Giang đoàn mang cấp bậc HQ/Thiếu tá tạm thời (Temperary rank) chỉ huy, mới được BTTM duyệt thuận.
(6) Đô đốc Alfred Thayer Mahan (1840-1914) là nhà hải sử kiêm chiến lược gia nổi tiếng về hải chiến của Hoa-Kỳ vào hậu bán thế kỷ thứ 19. Năm 1859, Mahan đỗ á nguyên khi ra trường Sĩ quan Hải quân Annapolis. Nhờ nghiên cứu sâu xa cuộc nội chiến Mỹ mà năm 1883 Mahan cho ra đời quyển sách đầu tay ‘The gulf and inland waters’, được các sử gia đương thời đánh giá cao là tác phẩm quan trọng và đóng góp nhiều cho những dòng chính sử của Hợp-Chủng-Quốc. Trong thời gian làm giảng sư môn chiến thuật cho trường Chỉ huy Tham mưu năm 1884, Mahan cho in quyển nổi tiếng nhất là Quyền lực trên biển (The Influence of Sea Power upon History). Một quan niệm mới đầy thuyết phục của Mahan về quyền làm chủ trên biển cả vào năm 1890, trở thành chất xúc tác làm cho Hải quân Hoa-Kỳ thoát ra khỏi cái vỏ phòng thủ đơn độc cổ điển (Concentrating solely on defence) để biểu dương quyền lực trên biển khắp tứ đại dương, rồi chiếm vị trí cường quốc Hải quân mạnh nhất thế giới đầu thế kỷ thứ 20.
Mặc dầu đã về hưu từ năm 1896, nhưng khi chiến tranh giữa Hoa-Kỳ và Tây-Ban-Nha nổ ra vào năm 1898, chính phủ Hoa-Kỳ vẫn phải mời bộ óc chiến lược Mahan trở lại làm cố vấn cho Nội các chiến tranh. Chính Mahan là kiến trúc sư cho hai trận hải chiến quyết định – Hải quân Hoa-Kỳ đã oai dũng đánh tan hạm đội Tây-Ban-Nha trên biển Santiago vào tháng 7 năm 1898 và tại vịnh Ma-nila tháng 8 cùng năm – xóa tên Hải quân Tây-Ban-Nha khỏi danh sách cường quốc hải quân thế giới thế kỷ thứ 19.
Bước vào ngưỡng cửa thất thập cổ lai hy, trước khi qua đời năm 74 tuổi, người thủy thủ già này chỉ có một nguyện vọng là cách hùng biện về chiến thuật, chiến lược hải quân trên bục giảng huấn cũng như cuộc đời hải nghiệp của mình nên được kế thừa. Trường Sĩ quan Hải quân Annapolis đã làm cho Đô đốc Mahan mĩm cười vĩnh viễn trong quan tài bằng một huấn lệnh thật giản dị: «Kể từ nay, tất cả Sinh viên sĩ quan (SVSQ) Annapolis bắt buộc phải học kỹ môn Quyền lực trên biển của Mahan, nếu muốn tốt nghiệp ra trường với cấp bậc Thiếu úy. »
(7) Trước đó, HQ/Trung tá Nghiên-Văn-Phú là người giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Hải lực dài nhất, thì nay ông cũng là vị Tư lệnh Lực lượng Tuần-Thám lâu nhất, kể từ ngày thành lập cho đến ngày 34/04/1975. Vốn thận trọng, Đô đốc Phú rất quan tâm đến chiến thuật Hải quân – Tùng đĩnh Song hành. Ông cho rằng TQLC đã nằm ngoài tầm với của Hải quân còn Tùng đĩnh Địa phương quân thì sát nách, cho nên Hải quân trong sông phải thường xuyên thao dượt với họ mới mong tạo được chiến thắng. Trong những năm 1973-1974, quận An-Phú và Tịnh-Biên biên giới Việt-Miên là nơi ông Phú đích thân thị sát các đơn vị như GĐ 55 Tuần-Thám (CHT là HQ/Thiếu tá Văn-Trung-Thu), GĐ 41 Ngăn-Chặn (CHT là HQ/Thiếu tá Ngô-Khuây) và Đại đội 81 Tùng đĩnh (ĐĐT là Trung úy Hoàng-Minh). Nhất là ông đã tận tình hướng dẫn cách thức điều chỉnh hải pháo yểm trợ cho đến khi Sĩ quan Tiền sát viên Tùng đĩnh lãnh hội đến chốn.
(8) Đại tá TQLC Croizat Victor. The Brown water Navy. UK 1984, trang 123 và HQ/Thiếu tá Cutler Thomas J. Brown water, Black berets. USA 1988, trang 53:
HQ/Thiếu tá Dale Meyerkord, Cố vấn trưởng GĐ 23 XP hy sinh trong trận đánh ác liệt với Việt-Cộng/CSBV tại quận Đức-Tôn (Vĩnh-Long) ngày 16/03/1965, được đại nguyệt san National Geo-graphic Magazine (Washington DC) số February 1966 vinh danh là chiến binh anh dũng bảo vệ lý tưởng Tự-Do và tên ông được đặt cho chiến hạm DE. Meyerkord FF.1058.
Nữ phóng viên chiến trường Dickey Chapelle (từng phỏng vấn HQ/Trung úy Nguyễn-Đức-Bổng, Duyên đoàn trưởng 37 Tiệm-Tôm cửa Hàm-Luông) nhiều lần đề cao tinh thần chiến đấu toàn thể đoàn viên GĐ 23 XP dưới sự chỉ huy của HQ/Thiếu tá Hoa và Cố vấn Meyerkord trên hệ thống truyền thông Hoa-Kỳ, đã tử thương trong lúc làm nhiệm vụ thông tin tại chiến trường Chu-Lai (Quảng-Nam) vào tháng 11 năm 1965, tin từ National Geographic Maga-zine, February 1966.
(9) Thủ tướng VNCH Trần-Văn-Hương ký Sắc lệnh SL 343/QL ngày 27/11/1964 ấn định: Đặc khu Rừng-Sác là vùng trách nhiệm lãnh thổ của Hải quân VNCH, kể cả hai con sông Lòng-Tàu và Soi-Rạp.
Task Force 116 (River Patrol Force.TF.116) của Hải quân Hoa-Kỳ từ Mỹ sang, bắt đầu hoạt động trên sông Lòng-Tàu kể từ ngày 18/12/1965. Đến đầu tháng 2/1967, cũng đến từ Mỹ, Task Force 117 (River Assault Force.TF.117) với Lữ đoàn 2 Sư đoàn 9 Bộ binh Mỹ thao dượt tại ngã ba sông Soi-Rạp và Vàm-Cỏ; Lực lượng Thủy-Bộ này chính thức khai diễn cuộc hành quân Concordia I (Cần-Giuộc Operation) ngày 19/06/1967 vào rạch Ông-Hiếu.
(10) Vào giữa năm 1974, theo lệnh của Tư lệnh Hạm đội 21 Sông, BTL/Lực lượng Đặc nhiệm 212 Tuần-Thám tổ chức cuộc hành quân thao dượt cấp Trung đoàn trên kinh Đồng-Tiến, từ ngã ba An-Long đến Tuyên-Nhơn gồm các đơn vị: Liên đoàn 5 Tuần-Thám (212.5) với GĐ55TT, GĐ41NC, GĐ71TB, ĐĐ81TĐ và Liên đoàn 1 Trung-Ương (214.1) với GĐ43NC, GĐ64TT nhằm giải tỏa áp lực địch, tiếp tế cùng tăng cường sức mạnh phòng thủ cho căn cứ chiến đấu Tuyên-Nhơn, đồng thời chuẩn bị cho những trận đánh lớn sắp tới trong vùng đồng bằng Cửu-Long.
(11) Đại tá TQLC Croizat Victor. The Brown water Navy. UK 1984, từ trang 66 đến 68 và Tucker Spencer C. Encyclopedia of Vietnam war. London 1999, trang 103. Cả hai ông đều ghi là đội hình nguyên thủy Hải đoàn Xung-Phong Pháp do Đề đốc Jaubert kiến tạo chỉ toàn là chiến đĩnh trong sông và sà lan ghép lại, chứ không có Trợ chiến hạm LSSL hoặc Giang pháo hạm LSIL. Năm 1951, Đại tướng De Lattre duyệt lại kế hoạch này khi chiến trường châu thổ sông Hồng-Hà đang hồi sôi động nhất, vì quân VMCS tham chiến từ cấp Trung đoàn lên tới cấp Đại đoàn. Do đó, De Lattre mới quyết định đưa hai loại chiến hạm trên vào đội hình HĐXP để làm nhiệm vụ chuyển quân, yểm trợ hải pháo, cứu thương (giải phẩu ngay trên chiến hạm những trường hợp có thể được) và nhất là đặt BCH/Hải đoàn đang hành quân lên đó.
(12) Dựa vào sách Kinh-Di, học giả quân sự Mai-Nghiêu-Thuần (đứng hàng thứ nhì sau Tào-Tháo trong Thập gia bình chú) ghi rằng vùng núi hiểm trở Thường-Sơn (Cối-Kê) có con rắn Xuất-Nhiên, được Thiên 11 Cửu-Địa của Binh thư Tôn-Tử nói đến. Con rắn đặc biệt này, hễ bị đập vào đuôi thì nó cong đầu lại, vừa phản công vừa chống đở ; đập vào đầu thì đuôi nó làm những động tác ngược lại. Còn bị đập vào lưng thì cả đầu lẫn đuôi đều cong lại tấn công kẻ thù để giải cứu phần giữa. Tôn-Tử nhận định đầu, đuôi là kỳ binh, còn lưng là chính trận ; với lý giải lúc lâm trận, kỳ binh là động để thắng, chính trận là tĩnh để chỉ huy yểm trợ. Nhờ đó mà người chỉ huy trận đánh có thể biến chính trận thành kỳ hay uyển chuyển biến kỳ thành chính để thủ thắng.
(13) Về kinh nghiệm chiến trường ngập máu của HĐXP.2 Pháp, theo Trung tướng Phillip Davidson thì tướng Salan viết trong hồi ký là cuộc hành quân sông Đáy tháng 6 năm 1951, gần bến đò Gián-Khuất (giữa Phủ-Lý và Ninh-Bình), hậu quả tổn thất đã xảy ra không lường được do việc dọn bãi sơ sài, tạo cơ hội tốt cho VMCS tiếp cận bắn ĐKZ vào ngay cửa đổ bộ vừa mở của một LCM đang đổ quân làm thương vong cả Trung đội Tùng đĩnh Xung kích/Đại đội Ouragan. Để đề phòng trường hợp này, hai trái mìn Claymore được buộc chặt vào hai góc cao cửa Ramp của Tango sẽ tiêu diệt đối phương đang núp dưới các lùm cây dày đặc, chờ cơ hội bắn B.40 vào lòng chiến đĩnh. Thuyền trưởng lần lượt kích hỏa từng trái một trước khi hạ Ramp, nhằm bảo vệ cho toán đổ bộ lên bờ. Kiến trúc Ramp/Tango nặng 3 tấn phải kéo bằng máy, đủ mạnh làm điểm tựa cho mìn Claymore nổ, hơn nữa cửa Ramp tạo với mặt nước một góc 70o – 80o, rất lý tưởng để sát thương lớn mọi đối tượng cách mũi Tango trong vòng 200 thước. HQ/Thiếu tá Võ-Bữu-Khai, Chỉ huy trưởng Giang đoàn 72 Thủy-Bộ, tự sáng chế và nhiều lần áp dụng chiến thuật dọn bãi này trên vùng sông rạch An-Xuyên.
(14) Giữa năm 1973, BTL/HQ/P5 phối hợp với HQ/Thiếu tá Phùng-Gia-Mùi (khóa 13 SQHQ/Nha-Trang, đại diện Hải quân trong Ủy ban Phát triển khả năng tác chiến QLVNCH) dự thi toàn quân hàng năm và chiếm giải nhất PTKNTC 1973 với đề tài « Bảng tác xạ nhanh của Đại bác 40 và 76.2 ». BTL/HQ/P5 phổ biến bảng tác xạ này đến các đơn vị hành quân vào cuối năm.
(15) Quý mến tài xung trận của Lê-Phước-Đức, nên Thiếu tá Thiệp xin BTL/HQ cho viên Thuyền trưởng kiệt xuất này về với mình, khi ông thuyên chuyển làm CHT/GĐ21XP. Rồi từ đó, với cặp FOM song xa, TS1/TP Đức (Đức Râu) lại tung hoành trên sông nước Tiền-Giang, nổi tiếng ‘Chiến sĩ sát Cộng’ khắp vùng Bình-Phục-Nhất (quận Chợ-Gạo), cù lao Ngũ-Hiệp và Tân-Phong (quận Cai-Lậy). Cũng tại vùng Cai-Lậy oan nghiệt này, trên đoạn rạch khúc khuỷu sầm uất Hội-Lễ của sông Ba-Rài, đêm 29/09/1965, đoàn tàu của Liên GĐ 21-27XP bị tiểu đoàn 261 Bộ binh Việt-Cộng/CSBV phục kích vu hồi lúc hoàng hôn. Thuyền trưởng Đức Râu (Combat HQ6001), HQ/Đại úy Trần-Ngọc-Bảo (khóa 11 SQHQ/Nha-Trang), HQ/Trung úy Hoàng-Hiền (khóa 13 SQHQ/Nha-Trang). Đại úy Cố vấn Ellis và nhiều chiến hữu khác đều can trường hy sinh trong trận đánh ác liệt suốt 3 giờ. Phía Tiểu đoàn 261 cũng bị tổn thất lớn lao, trên 70% quân số bị loại ra ngoài vòng chiến, không còn đủ nhân lực để xung phong cướp tàu. Trận chiến này không được ghi vào tự điển bách khoa quân sự của Hà-Nội vì nó là một trận chiến bại mà quần chúng địa phương đều biết.
(16) Napoléon Bonaparte, Tư lệnh Quân đội Viễn chinh Pháp tại Italy (1796-1797), cải tiến cách bắn pháo binh và đưa pháo tử giác của Pháp lên hàng nghệ thuật quân sự vào cuối thế kỷ thứ 18.
(17) Trong những buổi tập huấn Hải quân – Tùng đĩnh thuộc LLĐN212, Đô đốc Phú thường nhắc lại trận Ba-Rài 1965 là một dấu ấn đậm nét cho các LLĐN trong sông, mỗi khi khai diễn hành quân mà không có Tùng đĩnh đi theo. Riêng người sưu tập sử liệu cũng đã vận dụng chiến thuật ‘Cuốn chiếu với Tùng đĩnh’ truyền khẩu này hai lần đều thành công. Lần đầu giữa tháng 6 năm 1974 thao dượt cấp Trung đoàn/Hạm đội 21 Sông trong kinh Đồng-Tiến và lần thứ hai, ngày 02 tháng 5 năm 1975 di tản chiến thuật Vùng 5 Duyên hải từ quận Năm-Căn về Rạch-Giá trên sông Cửa-Lớn.
(18) Theo tổ chức Quân chủng Hải quân CSBV ghi trong trang 363 và 646 của quyển Tự điển bách khoa quân sự Hà-Nội, thì Đoàn 126 Đặc-Công-Nước (mang bí số Đoàn 8 khi vào trong Nam) được thành lập ngày 13/04/1966, CHT đầu tiên là Hoàng-Đắc-Cót. Có lúc Trung tâm huấn luyện người Nhái tại Vĩnh-Linh lên hơn 700 người. Đối thủ đáng gờm của Duyên đoàn 11 Cửa-Việt (Đông-Hà) là Đại úy Mai-Năng, đặc công nước từ 1969-1972.
(19) Ngày 02/04/1975, HQ/Đại úy Nguyễn-Đức-Khải (khóa 17 SQHQ/Nha-Trang), Chỉ huy phó GĐ64TT đưa một phân đội PBR lên Ấp-Bắc chuyển Địa phương quân vào kinh Đồng-Tiến. Chiếc PBR chở ban hành quân bị trúng thủy mìn, Đại úy Khải cùng 7 nhân viên trên giang tốc đĩnh này đều đền nợ nước. Nếu ban Chỉ huy hành quân tiền phương đặt trên nóc một Tango Sàn bằng, chắc tổn thất nhân mạng sẽ thấp hơn.
(20) Tự điển Bách khoa Quân sự. Hà-Nội 2004, trang 692.

Bảo Bình Nguyễn Văn Ơn


Bàn ra tán vào (0)

Comment




  • Input symbols

CHIẾN THUẬT SÔNG NGÓI *

Thời Tam-Quốc (Ngụy, Thục và Ngô năm 220-280), Tào-Công (Ngụy-Vũ) – người đứng đầu nhóm Thập gia bình chú quyển Binh thư Tôn-Tử (1) – có lời bàn tổng thể rằng:

Bảo Bình Nguyễn Văn Ơn

Giang soai dinh Commandement.jpg

Thời Tam-Quốc (Ngụy, Thục và Ngô năm 220-280), Tào-Công (Ngụy-Vũ) – người đứng đầu nhóm Thập gia bình chú quyển Binh thư Tôn-Tử (1) – có lời bàn tổng thể rằng: “Trong bao lâu mà nhân loại còn chiến tranh, dẫu thời gian và không gian có thay đổi, khí tài có đổi thay theo đà văn minh xã hội, nhưng chiến thuật của Tôn-Tử vẫn giữ được giá trị khảo chứng cao dành cho các nhà quân sự“.
Như vậy, Binh thư Tôn-Tử, một chiến thuật thành văn cổ điển của Trung-Hoa ra đời vào những năm 496-453 trước công nguyên đã được hậu thế nghiên cứu cẩn trọng và vận dụng. Tuy nhiên theo sách Ngô-Việt Xuân-Thu, không phủ nhận tính triết học của binh thư này, nhưng phải nói đây là thời buổi quá sớm để Tôn-Tử đề cập đến tinh thần quốc gia trong sách. Người tướng ngoài mặt trận thuở đó, chỉ biết oai phong lẫm liệt đứng trước hàng quân, rồi liều chết hươi binh khí xông vào đánh đối phương, những mong đoạt thủ cấp địch để dâng lên Chúa công hay Quân vương mình mà không hề nghĩ đến hai chữ quốc gia còn quá trừu tượng. Bản thân Tôn-Tử cũng thế, ông nghĩ đến việc lập nghiệp bá cho Ngô-Lạp-Lư hơn là lo phục vụ tổ quốc Tề bang của mình và không ai biết đến chiến thuật, chiến lược quân đội là nghệ thuật tranh quân của mục đích giữ nước sau cùng.
Mãi đến năm 1832, khi Đại tướng Karl Von Clausewitz, danh tướng nước Phổ (tiền thân nước Đức), cho xuất bản quyển ON WAR (Bàn về Chiến tranh, Đức ngữ là WOM KRIEGE) (2), thì ý niệm về quốc gia đã hình thành rõ rệt trong các hoạt động của quân đội. Lý thuyết gia chiến lược hàng đầu này khẳng định việc đưa chiến thuật, chiến lược quân đội vào mục tiêu chiến tranh được xem là nghệ thuật dùng binh và cũng là cứu cánh để thắng cuộc chiến nhằm bảo vệ quốc gia (Tactics is the art of us-ing troops in battle; strategy is art of using battles to win the war).
Vào đầu thế chiến thứ hai, các nhà quân sự Tây phương mới bổ túc thêm cho tầm vóc chiến thuật quân đội là: “Chiến lược quốc gia thể hiện đường lối toàn bộ hay tổng thể của một nước, do đó mà chiến lược quân đội đương nhiên ở mức thấp hơn và chiến thuật quân đội chỉ là cục bộ nên phải ở mức thấp nhất“. Mặc dù chiếm nấc thang thấp nhứt, nhưng thuật ngữ chiến thuật quân đội mang ý nghĩa thật quan trọng ngay từ thời con người biết tập họp lại thành nhóm có vũ trang (Bộ lạc), rồi dần dà tiến lên tổ chức thành quân đội (Quốc gia). Như vậy, chiến thuật hay nói khác đi binh pháp chẳng qua là cách thức đánh giặc; còn khoa học gọi đó là nghệ thuật quân đội tác chiến (The art of war ” Science militaires) được đúc kết từ những kinh nghiệm chiến trường lưu lại, mang tính chất quyết định thắng bại và trở thành điều sống chết đối với nhà cầm quân trên chiến trường.
Đặc biệt là vào tiền bán thế kỷ thứ 20 ” thời điểm của hỏa tiển mang đầu đạn nguyên tử ” tổ chức quân đội hiện đại không phải chỉ có Lục quân với Kỵ binh, Pháo binh, Bô binh (Hoàng hậu chiến trường, La reine des batailles) như trước kia nữa, mà quân đội còn có Không quân, Hải quân và các Binh chủng thống thuộc. Tất cả đều là thành tố tác chiến nồng cốt cho trận đánh (The core tactical factors). Ngoài ra, chiến thuật còn thể hiện một điều tối quan trọng là trình độ tác chiến (Degree of combat) của một quân lực. Sau thế chiến thứ nhứt, các nhà quân sự đánh giá khả năng tác chiến này qua cách thức vận dụng, chỉ huy mọi công cụ chiến tranh tại mặt trận như phối trí nhân lực, điều phối sử dụng các loại vũ khí; riêng hệ thống cơ giới yểm trợ như chiến xa, chiến hạm, phi cơ và hỏa tiễn phải được linh hoạt điều động sao cho thật phù hợp với phương án tác chiến (Combat plan), phòng ngự hoặc tấn công. Cũng chính trình độ tác chiến tổng hợp nói trên làm phong phú thêm kho tàng kinh nghiệm chiến trường.
Cho nên đối với các quốc gia mà quân đội đã thành lập lâu đời, lại trải qua nhiều chiến trận thì kinh nghiệm chiến trường là những dữ kiện rất quý giá giúp họ dễ dàng đút kết thành ‚Chiến thuật thành văn‛ để làm cứ liệu (hay chứng liệu, Datum) cho nghệ thuật tác chiến và tham khảo nghệ thuật quân sự này mỗi khi quốc gia có chiến tranh. Nhưng cũng nên nhớ rằng, chiến thuật thành văn cần được cập nhật hóa trước khi đem ra sử dụng, chứ không phải là khuôn mẫu để các nhà quân sự phải tuân theo cho mọi trận đánh. Các bộ sách Binh thư Tôn-Tử, Trần-Hưng-Đạo binh thư yếu lược (3), Bàn về Chiến tranh của Clausewitz, Trì cửu chiến của Mao-Trạch-Đông … đều ra đời từ những kho tàng kinh nghiệm chiến trường.
1.- Chiến thuật thành văn của Cộng-sản Bắc-Việt
Tại miền Bắc Việt-Nam, quân đội CSBV được thành lập từ năm 1944 và bị cưỡng bách tác chiến theo mô thức Hồng quân Trung-Cộng vào những năm 1950 bằng các chiến thuật Công đồn đả viện (Đánh điểm diệt viện), Bôn tập vận động chiến, Công kiên chiến, Tiền pháo hậu xung biển người … Vì vậy, quân đội CSBV chỉ phát triển được độc nhất quân chủng Lục quân mà thôi. Sau chiến thắng Điện-Biên-Phủ năm 1954, rút kinh nghiệm chiến trường trong 8 năm tranh phong với Quân đội viễn chinh Pháp, Bộ tổng tư lệnh Quân đội CSBV đã hoàn thành bộ Chiến thuật thành văn cho Lục quân của mình. Điển hình trận Ấp-Bắc tháng 1 năm 1963 và trận Ira-Drang tháng 11 năm 1965, quân Việt-Cộng/CSBV đã áp dụng chiến thuật thành văn Đánh điểm diệt viện, một chiến thuật sở trường của Đại tướng Võ-Nguyên-Giáp trước kia, nay được đem ra áp dụng lại trên chiến trường miến Nam (4).

Cac chien dinh LCVP va FOM tuan tieu tren song

2.- Chiến thuật truyền khẩu của Hải-quân VNCH trong sông.
Như phần ghi nhận ở Chương II, Hải quân VNCH sinh sau đẻ muộn hơn 2 quân chủng bạn, lại bị Bộ tổng tham mưu đối xử phân biệt như con ghẻ (second class citizen) và chèn ép cấp bậc một cách rất vô lý. Nhất là sau khi Hải quân VNCH mất quyền chỉ huy binh chủng Thủy quân Lục chiến (TQLC) của mình vào cuối năm 1963 ” đơn vị thủy bộ trong chiến thuật tấn công ” thì các Giang đoàn Xung-Phong (GĐXP) đành phải chấp nhận vai trò quân sự thụ động như tuần tiểu phòng thủ, yểm trợ hải pháo khi được yêu cầu và chuyển vận cho các đơn vị bộ binh diện địa. Như vậy, Hải quân nước ngọt không còn có cơ hội để phát huy chiến thuật trong sông nữa (5).
Còn các chiến hạm thuộc hải lực ngoài biển cũng cùng chung số phận, phương hướng phát triển hành quân lưỡng thế dần dần tàn lụn giống như vỏ tàu thiếu bảo trì bị nước biển bào mòn quá độ an toàn đang chờ lệnh phế thải. Sự kiện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược này đã được Đô-đốc Alfred Thayer Mahan cảnh giác trong quyển The Influence of Sea Power upon History (1890) là “Những hoạt động quân sự trái khoái hay gò bó trong khuôn khổ của các quân chủng khác sẽ không thể nào làm cho Hải quân phát triển được quyền lực trên biển cả” (6). Hậu quả của quá trình kềm kẹp lâu dài này là, cho đến ngày Tổng ra khơi 30/04/1975, Hải quân VNCH vẫn chưa đúc kết được thủy chiến pháp thành văn của mình, mặc dù đà bành trướng của quân chủng đã được xếp vào hàng thứ 9 trên thế giới theo tài liệu trong quyển Jane’s Fighting Ship 1972 của Jane’s Information Group.
Và việc này cũng được cựu HQ/Trung tá Nguyễn Ngọc (Khóa 10 SQHQ/Nha-Trang, bút hiệu Đại-Dương), người rất tâm đắc với dự án ‚Thủy chiến Hải quân VNCH‛ do chính ông đề xướng trên thông tin điện tử ngày 17/07/2002 đặt vấn đề cho cựu HQ/Đại tá Đỗ-Kiểm (Khóa 3/Brest, nguyên Tham mưu phó hành quân của Bộ Tư Lệnh HQ, tác giả quyển Counterpart) để tìm hiểu thì được vị này thân tình giải thích như sau:
‘Nói về chiến thuật và chiến lược của Hải quân VNCH thì tôi phải nói ra một sự thật là chúng ta không có sách vở đặc thù cho Hải quân VNCH gì cả. Có thì chắc chắn đã được mang ra quân trường hay các lớp tham nưu trung, cao cấp giảng dạy rồi.
Chiến thuật chính thống của Hải quân VNCH trên biển cũng chỉ là những bài vở, tài liệu học lại của các trường Hải quân Pháp, Mỹ mà các anh em sĩ quan đã tham dự như SOP, OO … Còn chiến thuật không chính thống, nhưng đặc biệt được áp dụng tại chiến trường Việt-Nam, nhất là trong sông rạch là tổng hợp kinh nghiệm xương máu của các anh em đã lăn lộn tại các vùng sông ngòi. Các kinh nghiệm này, nếu được khai thác đúng mức trong lúc này có thể là những tài liệu giá trị cho các quân trường trong tương lai, vì chưa có một Hải quân nước nào có quá trình chiến đấu trong sông lâu dài, đa năng và đa dụng như Hải quân VNCH
“.
Tóm lại, qua lời xác nhận của Đại tá Kiểm thì cho đến ngày di tản ra khơi, Hải quân VNCH thật sự chưa ban hành được chiến thuật thành văn. Như vậy, riêng trong phạm vi hành quân sông, Hải quân Nước Ngọt hiển nhiên phải có chiến thuật – rút tỉa kinh nghiệm từ chiến trường – mới tạo được chiến thắng như chúng ta đã biết. Nhưng thật sự muốn biết chiến thuật trong sông của Hải quân VNCH được truyền đạt như thế nào, chúng ta hãy cùng nhau ngược dòng Hải sử, trở về thời điểm cuối năm 1955, khi Hải quân Pháp bàn giao Bộ chỉ huy Giang lực (COFFLUSIC) lại cho HQ/Trung tá Chung-Tấn-Cang (Khóa 1 SQHQ/Nha-Trang), sau đó Bộ chỉ huy Giang lực được lệnh dời về Cần-Thơ năm 1959. Đây là giai đoạn khó khăn nhất cho lực lượng trong sông vừa thành lập, bởi vì Bộ tư lệnh Hải quân còn đang mò mẫm tìm một huấn thị điều hành căn bản thích nghi cho lực lượng này. Phải nói các ông HQ/Trung tá Nghiêm-Văn-Phú, Đỗ-Quý-Hợp (cùng khóa 2 SQHQ/Nha-Trang) và Vũ-Đình-Đào (khóa 3 SQHQ/Nha-Trang) đã đóng góp thật nhiều công sức bằng những kinh nghiệm rất có giá trị về tác chiến trong sông mà các ông rút tỉa từ những cuộc hành quân của Liên đoàn Hải quân Xung-Phong 22 Pháp ở ngoài Bắc.


Sau ngày đầu năm 1970, lực lượng Tuần-Thám được thành lập, Phó đề đốc Nghiêm-Văn-Phú, Tư lệnh lực lượng này kiêm Tư lệnh đặc nhiệm 212, còn được mệnh danh là ‘Ông già không bao giờ cười (bất tiếu lão nhân)’, thường triệu tập các đơn vị trưởng lại để nghe chiến thuật truyền khẩu (Oral tactics). Dưới tàn cây trứng cá rợp bóng mát, bên cạnh mái nhà tôn thấp lè tè trong Căn cứ Hải quân Châu-Đốc (Cái-Dầu), bất tiếu lão nhân rất nghiêm túc kể lại cho các Chỉ huy trưởng giang đoàn (kể cả tăng phái) nghe những kinh nghiệm chiến trường lưu vực sông Hồng-Hà rồi vận dụng nó vào tấm bảo đồ UTM biên giới Việt-Miên gắn trên giá thuyết trình ba cẳng trước mặt. Nhất là ký ức hành quân của ông già đã xài hơn 30 năm rồi mà cho tới nay vẫn còn tốt, đưa ra những ước đoán tình báo cũng như quyết định chiến thuật áp dụng vào vùng kinh Vĩnh-Tế và Đồng-Tháp-Mười khá chuẩn xác.
Như một thói quen, trước khi khai diễn cuộc hành quân nào, ông ta cũng trang bị kỹ tinh thần chiến đấu cho đơn vị sắp nhập vùng hành quân hung hiểm bằng chiến thuật truyền khẩu. Đặc biệt, Đô đốc Phú tuyệt đối không chấp nhận sự rủi may hoặc ‘hay không bằng hên’ mỗi khi Giang đoàn trao đổi hỏa lực với Việt-Cộng/CSBV. Theo ông, con đường ra trận là thủy lộ sống chết (quan niệm của Tôn-Vũ-Tử). Một đội hình tác chiến luộm thuộm, lè phè chỉ làm mồi ngon cho địch; trái lại, một đội hình trong sông hùng dũng di chuyển cũng đủ làm cho địch thoạt nhìn mà không dám đánh. Lúc tranh phong ”có tùng đĩnh tháp tùng” luôn luôn dùng chiến thuật ‘Hải quân Tùng đĩnh song hành‛ để thủ thắng (7).
Tre tàn măng mọc, nối tiếp hải nghiệp của các vị niên trưởng tiền nhiệm trên đây, Sĩ quan khóa 7 Hải quân Nha-Trang đã thật sự áp dụng chiến thuật truyền khẩu vào chiến trường sông ngòi, khi họ nắm quyền chỉ huy Giang đoàn. Đã 45 năm trôi qua, nhưng giờ đây mấy ai từng lăn lộn trên chiến trường sông có thể quên được tài chỉ huy của HQ/Thiếu tá Huỳnh-Duy-Thiệp (khóa 7 SQHQ/Nha-Trang). Năm 1962, ông Thiệp là Hải đoàn trưởng của Hải đoàn 22 Xung-Phong tân lập, cũng là người sáng tạo chiến thuật ‘Song-Xa‛, khi đơn vị tham dự Chiến dịch ‘Sóng-Tình-Thương’ đầu năm 1963 tại Năm-Căn. Ngay cả HQ/Đại tá Lê-Hữu-Dõng (khóa 8 SQHQ/Nha-Trang), người đã một thời được các chiến hữu Nước-Ngọt ngưỡng mộ tài đánh giặc, gọi là ‘Độc-Cô Cầu-Bại’ (xin cho tôi một lần chiến bại), cũng tâm phục, khẩu phục tài điều-động chiến đĩnh trong sông của Trung tá Thiệp (chức vụ sau cùng của ông Thiệp là HQ/Trung tá Giám đốc Thương cảng Đà-Nẵng). Lúc giữ chức vụ Tư lệnh phó lực lượng Tuần Thám, đôi khi Đại tá Dõng khiêm tốn tâm sự đầy tình nghĩa: “Cấp bậc Đại tá mà tôi có được, một phần không nhỏ là do Commandant Thiệp tạo nên, khi tôi còn làm Gòn (second) cho ông ấy. Ai cũng biết là kinh nghiệm xương máu của chiến trường sông đã góp thành chiến thắng, với tôi, tôi học điều đó từ những người trên, đồng thời cũng rút tỉa thêm từ những anh em đoàn viên thương mến trong đơn vị … Tôi thực sự được đeo lon quan năm tàu thủy khi tuổi chỉ mới ba mươi, đó là những ân nghĩa không quên đến từ mọi chiến hữu mà tôi đã có dịp bên nhau cùng chiến đấu“.
Đồng khóa với ông Thiệp còn có HQ/Thiếu tá Nguyễn-Văn-Hoa, Chỉ huy trưởng Giang đoàn 23 Xung-Phong rồi Chỉ huy trưởng Liên giang đoàn 25-29 Xung-Phong. Tuy không tạo ra chiến thuật mới như ông Thiệp, nhưng ông Hoa vận dụng rất giỏi chiến thuật truyền khẩu, đồng thời nêu gương chiến đấu thật anh dũng trên sông nước để thuộc cấp noi theo. Dường như định mệnh đã an bài, khi HQ/Thiếu tá Dale Meyer-kork có tinh thần chống Cộng rất cao, tình nguyện phục vụ như vai trò Cố vấn tại Giang đoàn 23 Xung-Phong đang đồn trú ở Vĩnh-Long và cũng từ đó Chỉ huy trưởng cùng Cố vấn trưởng sớm trở thành cặp bài trùng ‘Song hùng Sát Cộng‛. Tinh thần chiến đấu không biết sợ Việt-Cộng của hai người nhiều lần được phóng viên chiến trường Dickey Chapelle – nữ phóng viên Mỹ đầu tiên trên chiến trường Việt-Nam – đề cao qua hệ thống truyền thông Hoa-Kỳ là ‘Hai chàng ngự lâm pháo thủ trong sông’.
Cấp bậc và chức vụ sau cùng, trước ngày 30/04/1975, của ông Hoa, nguyên Quận trưởng quận Dương-Đông (Phú-Quốc), là HQ/Trung tá Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh phó Lực lượng Thủy-Bộ (8).
Nhờ tiếng tăm này mà vào năm 1966, Hải quân Hoa-Kỳ chính thức mời Thiếu tá Hoa sang trường Naval Amphibious (San Diego) để thuyết giảng về phương thức tác chiến trong sông ngòi vùng đồng bằng sông Cửu-Long. Việc Hải quân Hoa-Kỳ tham vấn kinh nghiệm đánh trận của ông Hoa không ngoài mục đích chuẩn bị cho dự án thành lập Hạm đội Sông (River Flottilla One) của họ tại Naval Inshore Operation Training Cen-tre, rồi đưa sang Việt-Nam tham chiến. Song hành, các giới chức cao cấp Mỹ cũng đưa lên bàn mổ những cuộc hành quân vùng Mississippi và Ohio trong thời kỳ nội chiến, quan niệm Dinas-sault của Jaubert (Pháp), rồi nay là kinh nghiệm đánh trận trong sông của Thiếu tá Hoa. Mặc dầu không có giang đĩnh nào tồn kho, nhưng người Mỹ – bản chất vốn kênh kiệu – đã chế biến tất cả các dữ kiện nói trên thành một Huấn thị đặc biệt điều hành Hạm đội Sông và biến cải từ những mô hình chiến cụ trong sông của Hải quân Pháp thành các giang đĩnh chiến đấu cho hai lực lượng đặc nhiệm (Task Force) TF.116TF.117 để kịp thời thao dượt tại vùng sông rạch Vallejo San Sacramento trước khi vào Đặc khu Rừng-Sác (9).
Trở lại nội bộ các Giang đoàn Hải quân VNCH, việc bàn giao quyền chỉ huy đơn vị trong sông là một bước rất quan trọng đối với tân Giang đoàn trưởng, nếu trước đó ông ta chưa từng giữ chức vụ Sĩ quan giang đĩnh hay Giang đoàn phó. Theo Hải-Quy, thủ tục bàn giao hành chánh trong thời chiến chỉ vỏn vẹn có 2 ngày (48 giờ), nhưng phần đông Chỉ huy trưởng kế nhiệm đều dành nhiều thời gian để lắng nghe ‘chiến thuật Sông-Ngòi’ đang được truyền khẩu lại từ người tiền nhiệm; bởi vì đây là vấn đề sinh tử của Giang đoàn mỗi khi đụng trận. Cho nên, sau buổi lễ bàn giao theo truyền thống Hải quân tổ chức tại sân cờ, ít có tân Chỉ huy trưởng nào an tâm về những hoạt động sắp tới của đơn vị mình, trừ trường hợp ông ấy là một Chỉ huy phó năng nổ, quen với công tác hành quân, được đề bạt lên nắm quyền chỉ huy Giang đoàn. Rồi mấy ngày tiếp theo sau đó, ngoài việc xuống tận bến tàu tìm hiểu thêm hỏa lực của từng loại chiến đĩnh, Chỉ huy trưởng lại mất khá nhiều công sức để nghiền ngẫm những phóng đồ hành quân cũ ngõ hầu sớm làm quen các đội hình tác chiến trên địa hình sông nước trách nhiệm. Mối an nguy cho mọi cấp chiến hữu và tình trạng tồn vong của đơn vị giờ đây là mối ưu tư hàng đầu của người lãnh đạo giang đoàn. Câu ‘cẩn tắc vô áy náy’ cũng trở thành phương châm gối đầu giường của tân Chỉ huy trưởng nhằm hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ với mức tổn thất thấp nhất. Nhìn chung, toàn thể nhân viên giang đoàn không hề sợ hỏa lực của Việt-Cộng/CSBV, bởi tinh thần chiến đấu hiên ngang của Chỉ huy trưởng lúc nào cũng là một tấm gương sáng mà mọi người đều noi theo để trấn áp mối quan ngại về vũ khí sát thương lớn của địch như B.40, ĐKZ, Thủy mìn; đồng thời đẩy lùi hình ảnh tiêu cực về thê noa chập chờn trước mắt: Khi mình đột ngột nằm xuống, lấy ai bảo bọc vợ dại con thơ.
Một khuyết điểm lớn của Bộ Tư lệnh Hải quân vào đầu năm 1973 về việc điều động nhân viên là áp dụng chu kỳ thuyên chuyển 2 năm luân phiên qua 3 đơn vị Sông, Biển và Bờ. Chính việc bổ nhậm nhân lực của BTL/HQ/Phòng tổng quản trị theo một chu trình kín và cứng ngắc như vậy sẽ trực tiếp làm giảm khả năng tác chiến của các giang đoàn. Nửa năm sau ngày hoàn tất chương trình ACTOV (tháng 12/1971), Phòng phân tách hệ thống và quản trị chương trình (Trưởng phòng là HQ/Trung tá Lê-Triệu-Đẩu) đã cho phổ biến bảng lượng giá hiệu năng hoạt động đơn vị sông, trong đó khả năng tác chiến của các GĐXP, mặc dầu cũ kỹ, vẫn được đánh giá cao không thua những giang đoàn mới chuyển giao như Tuần-Thám, Thủy-Bộ hay Ngăn-Chận là nhờ kinh nghiệm kỹ thuật và tác chiến của thủy thủ đoàn kỳ cựu. Nay, bài học sông nước vừa mới nhập tâm tròn hai năm thì người chiến binh Nước-Ngọt – kể cả Chỉ huy trưởng giang đoàn – lại phải vội vã khăn gói lên đường tân đáo đơn vị mới theo như chu kỳ thuyên chuyển. Thử hỏi, giang đoàn nào có đủ thời gian huấn luyện đào tạo kiện tướng kỹ thuật lẫn kiện tướng tác chiến trong sông nhằm bảo đảm cho đơn vị không đi đến chổ ‘bị đình động’? Nhìn xa hơn, Hạm đội 21 Sông dưới dự chỉ huy của Phó đế đốc Đặng-Cao-Thăng ra chỉ thị cho các giang đoàn trực thuộc phải có kế hoạch nâng cao tay nghề tại chỗ cho nhân viên, riêng phần thao luyện đơn vị sẽ do Bộ Tư lệnh vùng Sông-Ngòi, Tuần-Thám, Thủy-Bộ hay Trung-Ương đảm trách ngõ hầu giữ vững năng suất hoạt động (10).
3.- Bình phong (Screen): Đội hình sông ngòi.
Đại tá Thủy-Quân Lục-Chiến (TQLC) Mỹ Victor Croizat, từng có mặt trên nhiều chiến đĩnh của Liên đoàn Hải quân Xung-Phong 22 Pháp tại chiến trường châu thổ sông Hồng, cho rằng đội hình cơ bản Jaubert – dùng Trợ chiến hạm (LSSL) hoặc Giang-Pháo-Hạm (LSIL) để làm chủ lực – không còn thích hợp với GĐXP của Hải quân VNCH trong vùng đồng bằng sông Cửu-Long sau này; bởi lẽ Việt-Cộng/CSBV chỉ chấp nhận giao tranh từ cấp Liên đoàn trở xuống, nhất là địa hình sông ngòi chằng chịt như mạng nhện dài 5.500 cây số tương đương 3.000 hải lý, không cho phép chiến hạm hoạt động lên tận thượng nguồn có tầm nước cạn (11).
Cùng có quan niệm như vậy, Đô đốc Nghiêm-Văn-Phú và HQ/Đại tá Đỗ-Quý-Hợp (nguyên là Chỉ huy trưởng Giang lực và Đặc khu Rừng-Sác) đều nêu ý kiến là phải biến cải đội hình Hải đoàn Pháp thành một đội hình trong sông đặc biệt, mang sắc thái Hải quân VNCH. Đây phải là một đội hình vừa di chuyển hùng hậu, vừa tác chiến hiệu quả: trong tình huống khẩn cấp, Sĩ quan chiến thuật (Tactical Officer) khỏi mất nhiều thì giờ điều động các chiến đĩnh vào vị trí tác chiến thích hợp. Cũng theo hai ông, một đội hình như vậy không những linh động mà còn uy mãnh như con rắn Xuất-Nhiên (12), nếu chúng ta biết sử dụng Chiến-đấu đĩnh (Monitor Combat) làm chủ lực, còn xung kích đĩnh (FOM) làm mũi xung kích để kịp đáp ứng nhu cầu hành quân sông ngòi đang trên đà gia tăng; nhất là sự thống nhất chỉ huy khi lâm trận không còn trục trặc nữa.
Tóm lại. đội hình thường trực của GĐXP Hải quân VNCH kể từ năm 1958 trở về sau này là đội hình hàng dọc với 19 chiến đĩnh (không có chiến hạm tăng phái) được tính từ phía trước đến sau, chia làm 3 toán, theo thứ tự gồm có (xin xem hình các chiến đĩnh của giang đòan Xung-Phong trong chương V) :
a) Toán Tiền-Phong (Opening Group or Shock Group).
– 2 Tiểu-vận đĩnh (LCVP: Landing Craft Vehicle Person-nel) trang bị đại bác 20 ly Oerlikon đơn trước mũi, đại liên 30 trên mui và hai bên hông, mang theo dụng cụ rà mìn với thủy thủ đoàn 4 người. Cửa đổ bộ được hàn kín lại để an toàn khi tuần tiểu hay rà mìn. LCVP thường hoạt động từng cặp nhằm yểm trợ lẫn nhau.
– 2 Xung-kích đĩnh (SCAN/FOM: Services Techniques des Constructions et Armes Navales/France Outré Mer or Built Overseas) trang bị đại-liên 50 đơn trước mũi, đại-liên 30 trên mui và hai bên hông mang theo dụng cụ rà mìn. Vỏ tàu sắt, đáy hình chữ V lài, nặng 4 tấn thấp lè tè gần mặt nước, nên ít bị tổn thất nặng khi chạm thủy mìn. Tuy một máy, nhưng nhờ mũi nhọn nên vận chuyển rất gọn lẹ với thủy thủ đoàn bốn người. Nhiệm vụ thường trực của FOM là yểm trợ hỏa lực cho mọi chiến đĩnh trong toán Tiền-Phong. Ngoài việc rà mìn thay thế cho LCVP, một cặp FOM còn được chỉ định tách riêng ra để áp dụng chiến thuật ‘Song Xa’ nhằm truy kích địch – chức năng như tên đã đặt ” làm cho FOM một thời nổi tiếng là con ngựa Xính-Thố của Giang lực.
– 1 Chiến-đấu đĩnh (LCM6/Monitor Combat) có hỏa lực mạnh nhất trong các chiến đĩnh và cũng là linh hồn chiến đấu của giang đoàn mỗi khi quân tranh. Đại bác 40 ly đơn Bofors và đại liên 50 đơn thiết trí chung trên pháo tháp mũi (Tank turret của xe thiết giáp Ý-Đại-Lợi) được Việt-Cộng gọi là tàu ‘Cái đầu lân khắc tinh‛ và mục tiêu phải khai hỏa đầu tiên bằng B.40 hay B.41 hoặc ĐKZ.75 ly, trước khi tấn công toàn diện giang đoàn. Sau lái, đại bác 20 ly đơn Oerlikon đặt trên pháo tháp và đại liên 50 gắn hai bên hông. Ngoài ra, Chiến-đấu đĩnh còn có một hầm Bích kích pháo 81 ly và hệ thống truyền tin liên quân. Thông thường, Chỉ huy phó giang đoàn hiện diện trên chiến đấu đĩnh có cấp số 8 nhân viên này để điều động toán Tiền-Phong. Nếu Chỉ huy trưởng ước đoán là đoàn tàu sẽ vào vùng nguy hiểm – dưới nước có thủy mìn và trên bờ đang phục kích ” thì 2 chiếc FOM từ toán Chỉ-Huy lên tăng cường để toán Tiền-Phong hùng hậu thêm với 7 chiến đĩnh.
b) Toán Chỉ-Huy (Main Force or Support Command Group)
– 2 FOM đang yểm trợ cạnh sườn Giang đĩnh Chỉ huy, có thể rời vị trí bất cứ lúc nào để tăng cường hỏa lực và rà mìn cho toán Tiền-Phong.
– 1 Giang đĩnh Chỉ huy (LCM6/Monitor Commandement) trang bị đại bác 20 ly đơn sau lái và trước mũi với pháo tháp. Đại liên 30 hai bên hông có thể di chuyển vị trí từ phòng lái xuống sàn chính. Một hầm Bích kích pháo 81 ly ngay sau lưng pháo tháp mũi. Ngoài ra, Giang đĩnh Chỉ huy còn được thiết trí đầy đủ hệ thống truyền tin siêu tần số liên quân như KWM2 và VCR.46 để Chỉ huy trưởng giang đoàn đặt Bộ chỉ huy Hành quân nơi này có đủ phương tiện điều động đơn vị kể cả hậu cứ. Bảng cấp số cho Giang đĩnh Chỉ huy là 8 nhân viên.
– 2 LCVP yểm trợ cạnh sườn Giang đĩnh Chỉ huy.
c.- Toán Chuyển-Quân (Transport Group).
– 2 LCVP yểm trợ cạnh sườn các LCM6 đang chở quân.
– 5 Trung-vận đĩnh LCM6 (Landing Craft Medium), mỗi chiếc trang bị đại-bác 20 ly đơn sau lái và bên hông, tất cả đều có bửng chống đạn (Blindage). Hai bên phòng lái gắn thêm đại-liên 30, cửa đổ bộ kéo bằng máy. Thủy thủ đoàn 6 người có khả năng chuyển vận và đổ bộ tám mươi binh sĩ tác chiến.
– 2 FOM tập hậu yểm trợ các Trung vận đĩnh đang chở quân.
Mãi đến cuối tháng 3 năm 1965, Bộ tổng tham mưu mới chấp thuận bảng cấp số cải danh 7 Hải đoàn Xung-phong thành 7 Giang đoàn Xung-phong (RAG=River Assault Group). Mỗi GĐXP cơ hữu 19 chiến đĩnh đủ loại với 150 quân (trong đó có 94 quân nhân thực sự là thủy thủ đoàn Giang đĩnh, chiếm tỷ lệ tác chiến 63%) do một Hải quân Thiếu tá chỉ huy.
4.– Rút kinh nghiệm trong sông từ Hải quân Pháp.
Theo quan niệm các sử gia cũng như những nhà quân sử, mỗi khi nói đến Hải quân thì người ta đề cập đến Quyền lực trên Biển (Sea Power), chiến lược chiến thuật biển cả chứ không bàn đến Hải quân sông ngòi. Hiện tại, hầu hết Hải quân các quốc gia Tây phương đều áp dụng chiến thuật biển cả theo khuôn khổ NATO, Việt-Nam Cộng-Hòa cũng vậy, các học viên theo thụ huấn khóa Tham mưu Trung cấp và Cao cấp chuyên môn Hải quân bắt buộc phải học qua tài liệu có sẵn này. Riêng về mặt hành quân sông ngòi ” tính chất đặc thù của Hải quân miền Nam ” thì không có chiến thuật thành văn nào lưu truyền lại để khảo dụng như lời tâm sự của Đại tá Kiểm đã nói ở phần trước. Quân trường đành bàn phớt qua về các hoạt động của Giang đoàn Xung phong (GĐXP), Giang đoàn Thủy bộ (GĐTB), Giang đoàn Ngăn chặn (GĐNC) hay Giang đoàn Tuần thám (GĐTT) và thừa nhận chiến tích không nhỏ mà đơn vị sông đạt được là nhờ kinh nghiệm từ hải quân Pháp, rút tỉa cái hay từ xương máu chiến trường của người đi trước truyền lại cho người đi sau được xem như chiến thuật truyền khẩu cơ bản trong Hải quân VNCH, chứ không qua sách vở quân trường nào cả.
a) Dọn bãi đổ quân.
Phân nhiệm cũng giống như bất cứ một cuộc hành quân thủy bộ nào, nghĩa là Bộ binh điều động toàn quân trên bờ, còn Hải quân chỉ huy thành phần dưới nước. Nhưng nếu không có ai chịu trách nhiệm quán xuyến toàn bộ cuộc hành quân thì Hải quân chỉ là chiếc Taxi-Boat và Bộ binh Tùng đĩnh (không phải là TQLC thống thuộc Hải quân) là khách sang sông.
Hải-Quy ấn định Chỉ huy trưởng Giang đoàn là sĩ quan chịu trách nhiệm chỉ huy toàn thể mọi cuộc hành quân thủy bộ cấp Tiểu đoàn. Nhằm bảo vệ cho đơn vị TQLC đổ quân, việc dọn bãi an toàn phải được Chỉ huy trưởng giang đoàn quan tâm hàng đầu.
Thường lệ, công việc dọn bãi đổ quân được giao cho toán Tiền-phong nếu là GĐXP, cụm Xung-kích nếu là GĐTB hay GĐNC. Các chiến đĩnh sử dụng Đại bác 40 ly, 20 ly, Bích kích pháo 81 ly bắn thẳng hay lựu đạn cơ hữu trên chiến đĩnh trong công tác dọn bãi. Lúc đổ quân, các chiến đĩnh còn lại phải vào vị trí sẵn sàng yểm trợ hỏa lực. Trường hợp đặc biệt, nếu Trung-vận đĩnh LCM6 phải tự mình dọn bãi để đổ quân thì Thuyền trưởng đưa phần lái chiến đĩnh về phía bãi ủi, dùng Đại bác 20 ly phía sau làm cỏ sạch khu vực trước khi quay đầu lại ủi thẳng vào và hạ cửa đổ bộ.
Trong hồi ký, tướng Salan kết tội Sĩ quan Chiến thuật của Giang đoàn về dọn bãi đổ quân chiếu lệ. Bởi vì, hậu quả cách dọn bãi vô trách nhiệm như vậy đã tạo tổn thất lớn cho Hải đoàn Xung phong Pháp và đơn vị Commandos tại bến phà Gián-Khuẩt năm 1951 (13). Thật ra phương thức dọn bãi đổ quân chỉ là chiến thuật Tiền Pháo Hậu xung, với điều kiện là đơn vị Tùng đĩnh phải thực tập đổ bộ với Hải quân cho thuần.
b) Hải yểm đơn vị bạn.
Trên chiến trường châu thổ sông Hồng, kể từ cuối năm 1950, Đại tướng De Lattre đã ra lệnh cho Hải quân Pháp sử dụng Đại bác 76,2 ly, 40 ly và Bích kích pháo 81-120 ly thiết trí trên các chiến hạm LSSL, LSIL hay chiến đĩnh để yểm trợ đơn vị Tùng đĩnh trực thuộc và bô binh bạn trên bờ. Những cuộc hải yểm này khá hiệu quả, vì chận đứng được nhiều trận đánh bôn tập biển người của VMCS như tại Mạo-Khê. Ninh-Bình và Hòa-Bình. Điều cần nói rõ thêm là tất cả Đại bác Hải quân trong thời kỳ này đều là vũ khí trực xạ phòng không bằng đầu đạn tự nổ hay chạm nổ. Cho nên, muốn thành công trong chiến thuật hải yểm mục tiêu tử giác trên bờ (còn gọi là góc chết: mục tiêu tác xạ nằm trong tầm bắn nhưng đạn đạo bắn thẳng bị vướng khối chắn như vách thành, núi đồi, chòm cây, con đê, bờ sông …), pháo thủ phải học cách sử dụng bảng bắn hay bảng lượng giác tác xạ (Firing Table) để bắn đạn đạo cầu vòng với sự điều chỉnh của sĩ quan Tiền sát viên (FO: For-ward Observer; cấp bậc Trung úy hoặc Thiếu úy) kề cận mục tiêu (14).
Chiến thuật hải yểm được đánh giá cao hay thấp là ở khâu điện đàm mật ngữ hải pháo giữa đôi bên, nên việc ăn khớp truyền tin dưới nước trên bờ phải được huấn luyện thường xuyên. Trong trường hợp bắn thẳng vào mục tiêu thấy được trên bờ, sĩ quan hải pháo không cần tham khảo bảng bắn để lấy yếu tố tác xạ nữa.


5.- Chiến thuật Sông-ngòi của Hải-quân VNCH.
a) Song xa.
Song xa là cách đánh đầy sáng tạo của HQ/Thiếu tá Huỳnh-Duy-Thiệp, Chỉ huy trưởng Hải đoàn 22 Xung-Phong tân lập vào cuối năm 1962. Trong Chiến dịch ‘Sóng-Tình-Thương, đầu năm 1963 tại Năm-Căn (Cà-Mau), ông Thiệp có sáng kiến biến hoạt động thường nhật của một cặp Xung kích đĩnh (FOM) trở thành mũi nhọn cực kỳ lợi hại trong chiến thuật tấn công trên sông. Áp dụng chiến thuật này, cặp FOM thật đắc dụng mỗi khi tả xung hữu đột dưới làn mưa đạn hay lướt nhanh qua trái thủy mìn nổ dựng cột nước cao nghệu đàng sau lái mà vẫn bám riết theo đối phương.
Thao tác lâm chiến quả cảm của thủy thủ đoàn đã hằn sâu vào tiềm thức của những chiến binh từng sống chết với sông ngòi : Patron (tiếng xưng hô thân thương của thủy thủ đoàn dành cho Thuyền trưởng) lẫm liệt ngồi trên nóc tàu, hai chân thòng xuống vận hành bánh lái, một tay kéo cò đại liên 30 bắn áp đảo, tay kia cầm ống liên hợp truyền tin điều động chiếc FOM bạn ủi thẳng vào vị trí đối phương để chiếm lãnh trận địa và làm chủ tình hình. Luân phiên, đoàn viên xạ thủ đại liên 50 tại pháo tháp mũi tự động khai hỏa kế tục vào mục tiêu chỉ định mỗi khi đại liên 30 trên nóc thay dây đạn.
Theo tiêu lệnh chung hành quân sông, lúc nhập vùng hung hiểm, thủy thủ đoàn phải rời hầm tàu, ra vị trí tác chiến, phòng ngừa trường hợp mìn nổ gây sát thương lớn do sự va chạm của cơ thể bị hất tung lên nóc tàu. Vào thời điểm chạm mìn, tiếp theo tiếng nổ dữ dội là một cột nước trắng xóa trùm lấy hiện trường gần như nhận chìm FOM. Sức ép khủng khiếp của nước đẩy mũi tàu dạt sang một bên và làm tàu quay đầu ngược lại, còn thân tàu chao đảo liên hồi như sắp lật úp. Trong tình huống thập phần nguy hiểm như vậy, Patron vẫn can trường và khéo léo lái nương theo sóng lấy cân bằng để cứu cho FOM khỏi chìm. Kinh nghiệm xương máu trong sông cho biết rằng đây là giây phút mà Việt-Cộng cho là thuận lợi nhất để vọt ra khỏi hố chiến đấu, xung phong diệt gọn tàu. Bằng phản xạ tác chiến được lập đi lập lại nhiều lần nhằm giữ vững sĩ khí thủy thủ đoàn đang lâm trận, Patron cấp tốc ra lệnh cặp FOM dồn hết hỏa lực cơ hữu, xung sát đối phương. Hai cây Douze-sept (Đại liên 50) và sáu cây Mit-Trente (Đại liên 30) đua nhau trút đạn, ào ạt làm cỏ địch hai bên bờ, dọc theo thủy trình tấn kích của tàu.
Với chiến thuật Song-Xa trên đây, Hải đoàn 22 XP đã đánh thiệt hại nặng Đại đội 1/Tiểu đoàn U-Minh-Hạ (Tiểu đoàn 306), đơn vị vũ trang chủ lực tỉnh Cà-Mau tại kinh Cái-Nháp và Tân-An (Năm-Căn) đồng thời tịch thu được nhiều vũ khí, trong đó có một ĐKZ 75 ly là chiến lợi phẩm đại bác không giật đầu tiên của Hải đoàn. Tiểu đoàn 306 U-Minh phải mất đến 7 tháng tuyển mộ và huấn luyện bộ đội tại Miệt-Thứ để bổ sung cho tổn thất này, mới đủ sức tấn công hai quận Cái-Nước cùng Đầm-Dơi đêm 10/09/1963.
Cuối tháng 2 năm 1963, trong buổi lễ Chiến dịch Sóng-Tình-Thương thành công, tổ chức trên Dương-vận-hạm HQ.500 Cam-Ranh, Trung sĩ 1 Trọng pháo Lê-Phước-Đức (Đức Râu) – Thuyền trưởng kiệt xuất của cặp FOM Song-Xa được HQ Đại tá Hồ-Tấn-Quyền, Tư-lệnh Hải quân kiêm Tư-lệnh Chiến dịch ân thưởng huy chương – đã phát biểu bằng lời lẽ rất võ biền nhưng cũng thật súc tích : «Mỗi khi chạm súng, bạn cứ áp dụng Song-Xa của ông Thầy (Thiệp) là bạn có cái Anh-Dũng sáng chói đeo trước ngực rồi» (15).
b) Chiến đĩnh phân tán, hỏa lực tập trung.
Trong quyển The Brown water Navy, Đại tá TQLC Vic-tor Croizat ca ngợi thành tích làm chủ sông ngòi miềm Nam của GĐXP, mặc dầu giang đĩnh chỉ toàn là chiến cụ lâu năm mà HĐXP/Pháp chuyển giao lại sau hiệp định Genève 1954. Theo ông ta, các chiến đĩnh GĐXP đều cũ kỹ nhưng sau hai thập niên trận mạc, chiến thuật pháo yểm của GĐXP vẫn còn giá trị của nó cho đến ngày tàn cuộc chiến cuối tháng 4 năm 1975. Đây cũng là một lý do tại sao mà Hải quân VNCH trong sông không chịu dựa dẫm vào phi pháo.
Hải yểm trực tiếp bằng đạn đạo thẳng cho đơn vị tùng đĩnh hoặc các tọa độ cố định như đồn bót ven sông là nhiệm vụ hàng ngày của các giang đoàn. Nhưng một khi đơn vị bạn di động thì tọa độ phải xác định ở từng thời điểm một (tọa độ tức thời) và phải cập nhật hóa trước khi hải yểm. Theo kinh nghiệm của Đại tá Dõng thì Chỉ huy trưởng Giang đoàn phải nghiên cứu am tường địa hình sông nước địa phương trước, và sau khi đổ quân nên dự đoán tình huống có thể xảy ra mà chỉ định vị trí phân tán thích hợp cho từng chiến đĩnh để áp dụng chiến thuật hỏa lực tập trung ngay lập tức. Ông Dõng cũng khẳng định rằng nguồn tin tình báo biết người biết ta (tri bỉ tri kỷ) không những cần thiết cho việc nhận dạng được đối phương, mà còn gợi ý cho Chỉ huy trưởng Giang đoàn đề ra nhiều giả thuyết chiến thuật thuận lợi với hỏa lực thượng phong của mình ngõ hầu đánh bại địch.. Nhất là việc yểm trợ hải pháo tử giác (16) : Các trái khói (ban ngày), trái sáng (ban đêm) bắn đi từ Giang đĩnh Chỉ huy (Commandement) hay Chiến đấu đĩnh (Combat) để chỉ điểm mục tiêu, phải được Tiền sát viên điều chỉnh thận trọng thì xác suất hải yểm mới cao; cố tránh dùng đạn đạo nguy hiểm bay ngang qua đầu đơn vị bạn.
Tại Sydney, nhiều trưởng lão Hải quân Nước-Ngọt, phục vụ qua các Giang đoàn 22 XP (1964-1967) và Liên giang đoàn 25-29 XP (1968-1970), ngưỡng mộ thiên tư điều bát chiến đĩnh lúc lâm chiến của ông Dõng, thường nhắc lại: «Mỗi lần nghe tiếng RPD lẫn AK râm ran của đối phương thì CHT như lân nghênh pháo, tức khắc điều động các chiến đĩnh vào những vị trí đắc dụng nhất mhằm tạo chiến thắng một cách kỳ diệu». Trong sông đã như thế, còn ngoài biển, «Hạm trưởng Dõng là một thủy thủ già dặn hải nghiệp và không hề mệt mõi, mỗi khi lắc lư trong bão táp trên các chiến hạm HQ.609, HQ.07, HQ.13 …». lời nhận xét trên đây của HQ/Trung tá Bùi Huy Phong hay Le Roi des Timoniers, Hải đội trưởng HĐ1 Tuần-Dương/BTL/Hạm đội cũng không có gì quá đáng.
c) Hải quân Tùng đĩnh song hành và cuốn chiếu đồng bộ.
Nhờ được tham dự buổi thuyết trình của Thiếu tướng De Linarès (Tư lệnh Chiến dịch tái chiếm Hòa Bình) về cuộc di tản chiết thuật Quân đội Liên-Hiệp-Pháp từ Hòa-Bình về Hà-Đông ngày 22/02/1952, Đô đốc Phú đã có ý niệm cải tiến phần nhiệm của Hải đoàn và Đại đội Xung-Kích để tăng năng suất chiến đấu của đơn vị. Sau này, nhất là khi TQLC tách ra khỏi Hải quân, mặc dầu bị hụt hẫng nhưng ông Phú ” Tư lệnh Lực Lượng Đặc nhiệm 212 ” đã có công tạo sự gắn bó giữa Hải quân Sông ngòi và Tùng đĩnh địa phương quân từ thế công lẫn thế thủ.
1) Thế công, Hải quân ” Tùng đĩnh song hành :
Cả hai phải yển trợ lẫn nhau, song hành dưới nước trên bờ, đồng tiến chiếm mục tiêu cùng một thời điểm. Mọi diễn tiến so le trên trục tấn công không những làm mất khả năng bén nhọn của hai mũi giáp công, mà còn làm tăng thêm nguy hiểm là cho phép địch dồn hỏa lực đánh trả. Điểm đáng lưu ý, lực lượng trừ bị lúc nào cũng túc trực ngay sau lưng chủ lực, trước khi chiến thuật được triển khai.
2) Thế thủ, Cuốn chiếu đồng bộ :
Nhằm phá hỏng chiến thuật vu hồi của địch đánh tập hậu hay cạnh sườn, đồng thời tránh tổn thất lớn trong tiến trình triệt thoái, Đô đốc Phú xác định chiến thuật cuốn chiếu đồng bộ có hiệu quả hơn sử dụng đơn vị Hải quân cảm tử ở lại cản hậu như kế hoạch rút lui khỏi Hòa-Bình của De Linarès. Thực thi chiến thuật Cuốn chiếu Đồng bộ, các chốt Hải quân ” Tùng đĩnh từ A,B,C đến D sẽ thứ tự nhịp nhàng, ăn khớp lớp lang nhập vào toán tập hậu của Giang đoàn, khi đoàn tàu di chuyển ra sông lớn đi ngang qua. Việc đóng chốt trước hai bên bờ sông, tại các chỗ hung hiểm, đòi hỏi CHT phải nghiên cứu thấu đáo tình hình sông nước để bảo đảm cuộc triệt thoái được an toàn. (17)

d) Phục kích
Trong chiến tranh du kích, chiến thuật phục kích được phân biệt qua hai thế công và thủ. Phục kích công thường được thực hiện trên đất địch, vì dùng ít đánh nhiều nên hỏa lực triển khai thật ào ạt, rồi rút lui cũng thật nhanh để tránh pháo yểm địch ; nhất là tránh giao tranh với đơn vị tiếp viện đã có chuẩn bị sẵn. Mục đích của phục kích công là làm mất tinh thần cùng tiêu hao lực lượng đối phương, ngoài ra còn nằm trong chiến thuật dương đông kích tây để mở màn cho trận địa chiến lớn được hoạch định trước.
Trái lại, phục kích thủ phần lớn hầu như xảy ra trên phần đất nhà với mục đích diệt mũi xung kích thăm dò đầu tiên của địch, đồng thời cũng là tiền đồn báo động về đêm. Vì vậy mà các tọa độ cần được yểm trợ, khi tổ phục kích chạm súng, phải ghi sẵn lên bảng yếu tố tác xạ hằng đêm của hải pháo hay pháo binh bạn
1) Chiến đĩnh phục kích không Tùng đĩnh :
Cặp FOM hay PBR chui vào xẻo hoặc rạch nhỏ, ẩn dạng trong vị thế phục kích. Chiếc tiến vào rạch kéo theo chiếc kia quay mũi trở ra sông lớn bằng cách cột lái vào nhau độ vài thước dây. Cả hai chiến đĩnh phải ngụy trang bằng cành lá 2 bên bờ, ăn cơm sấy rình chờ địch. Khi thấy ghe tiếp tế trên trục giao liên, chiếc quay mũi trở ra tức tốc nổ máy kéo theo chiếc nằm bên trong. Cặp FOM hay PBR song xa phóng ra sông lớn, đồng nổ súng áp đảo, truy kích bắt địch.
2) Tùng đĩnh phục kích có hải yểm :
Trước khi mặt trời lặn, các chiến đĩnh đổ vài Tiểu đội Tùng đĩnh lên khu vực hẻo lánh nơi địch thường xuất hiện. Toán phục kích nhanh chóng đặt máy Sensor dò người, vũ khí và gài mìn claymore hay lưu đạn dọc theo đường mòn di chuyển quân hoặc tụ điểm giao liên. Ngay lúc trời tối, Tùng đĩnh vào vị trí phục kích ; còn các chiến đĩnh cũng vào vị trí thuận lợi nhất cho việc sử dụng vũ khí hải yểm ban đêm, mỗi khi được yêu cầu.
Theo thống kê năm 1971-1973 của BTL/HQ/Phòng 3, nhờ nguồn tin tình báo địa phương chính xác, nên các cuộc phục kích đêm Hải quân ” Tùng đĩnh tại đặc khu Rừng-Sác, cù lao Dung, kinh Đồng-Tiến, Giang-Thành, Tịnh-Biên và An-Phú đều đạt hiệu suất trên 75%.
e) Chống Đặc công thủy và Thủy mìn.
Giữa năm 1970, Quân khu 9 CSBV bế giảng khóa huấn luyện ‘Đặc công nước’ tại căn cứ Xẻo-Đước (quận Cái-Nước), rồi tung 50 người nhái vừa đào tạo vào thủy chiến trường B2 (gồm các quân khu 6, 7, 8 và 9) ; đặc biệt Hành quân Trần-Hưng-Đạo 4 (Sea Float ở Năm-Căn) là mục tiêu đánh phá đầu tiên của đặc công thủy trong Nam để phô diễn khả năng đã tốt nghiệp. Thủ trưởng huấn luyện này tại Đầm-Cùng là Thiếu tá CSBV Hồ-Sĩ-Nhất (Đoàn 8 Đặc công nước Bến-Tre) trang bị khí tài lặn thật thô sơ cho người nhái : mình trần thoa mỡ bò, thở bằng ống sậy hay ống cao su, không chân vịt, không kính lặn và bình hơi Scuba ; nhưng lại mang theo vũ khí tối tân là mìn con sò Limpet do Liên-Xô chế tạo qua các dạng như nam châm, viễn khiển kích hỏa, thời chỉnh và nguy hiểm nhất là có kèm theo bộ phận chống tháo gở. Sau này, HQ/Đại tá Tư lệnh Vùng 5 Duyên-Hải (V5ZH) Nguyễn-Văn-May nhận xét vào thời cao điểm thủy mìn cuối năm 1970 đầu năm 1971, thủy trình Năm-Căn là một bãi thủy mìn. Điển hình, tổ trưởng Đặc-Công 19 Hồ-Trung-Thành (quê Cái-Nước) đã đánh mìn chìm Trợ chiến hạm HQ225 Nỏ-Thần và nhiều chiến đĩnh khác trong sông Cửa-Lớn (Năm-Căn). Lúc đầu, Hải quân VNCH bất ngờ nên bị một số tổn thất đáng kể về chiến cụ nhưng sau khi quyển ‘Đặc công thủy và chống đặc công thủy’ của BTL/HQ/Phòng 5 phổ biến đến tay các đơn vị vào cuối năm 1970 thì Hải quân sông ngòi và Phòng thủ hải cảng phản công rất hiệu quả, đánh gục đoàn 126 Đặc công nước trong vòng 6 tháng, bằng chiến thuật hết sức thực tiển là thay đổi thói quen những việc làm hàng ngày để chống người nhái (18):
1) Thay đổi vị trí neo hay ủi bãi nhiều lần, ngày cũng như đêm. Tránh thói quen neo gần hay cột vào những hàng đáy trong sông.
2) Ném lựu đạn MK3 (loại hơi áp suất) thường trực với khoảng thời gian khác nhau hay mỗi khi nghi ngờ có sự xâm nhập của người nhái, thủy mìn ; nhất là các cụm lục bình lềnh bềnh trong lúc nước thủy triều đứng.
3) Thiết trí lưới cản người nhái, mìn trôi tại các cầu tàu, hải cảng.
f) Tiệm tiến.
Để đối phó lại chiến thuật ‘Công đồn Đả viện’ khá phổ biến của CSBV tại miền Nam, Phó Đề đốc Hoàng-Cơ-Minh, cựu Tư lệnh Lực Lượng Đặc Nhiệm 211 (Thủy-Bộ) nghĩ ra chiến thuật Tiệm Tiến. Với chiến thuật ‘Tiệm tiến sâu đo’ sau đây, Đô đốc Minh đã quần nát chiến khu U-Minh của Việt-Cộng/CSBV trong nhiệm kỳ của ông ta.

PDD Hoang Co Minh, hinh cua tuyen tap Hai su
Mục đích của địch là dùng chủ lực đánh tiêu diệt đoàn tàu tiếp viện cho đồn đang bị tấn công nên lực lượng ứng cứu muốn đến được mục tiêu, phải đánh trả quyết liệt qua hai giai đoạn:
1) Phản ứng tức thời: Tất cả chiến đĩnh vừa bắn trả vừa ủi bãi phía bờ mà địch đang phục kích từ vị trí 1 đến 6. Thuyền trưởng chiến đĩnh chọn nhanh địa hình trên bờ như lùm cây, mô đất … và can đảm ủi thẳng vào, vì những chướng ngại thiên nhiên trên bờ làm cản trở địch trong việc ngắm bắn ta.
2) Tiệm tiến Sâu đo đánh bật phục kích: Những chiến đĩnh vị trí 1 và 2 sử dụng hỏa lực tối đa đàn áp địch, bao trùm về phía trước theo trục tiến quân, bắn che cho chiến đĩnh vị trí 6 đang tăng tốc độ tối đa tiến dưới hỏa lực địch, vừa bắn trả vừa ủi vào vị trí 7. Tiếp đến chiến đĩnh vị trí 5 cũng làm như vậy để ủi ở vị trí 8, rồi chiến đĩnh vị trí 4 ..v.v… Trường hợp có tùng đĩnh trên tàu, sĩ quan chiến thuật đổ bộ họ lên bờ lục soát tấn công luôn.
Đô đốc Minh xác nhận chiến thuật trên đây có nhược điểm là nếu gặp ngày giờ cực tiểu thủy triều, mực nước ròng sát xuống thấp hơn bờ sông từ 1.5 thước trở lên sẽ làm cho vũ khí bắn thẳng trên các chiến đĩnh Alpha, Monitor, CCB đều bị mất hiệu quả khi vào sát bờ.

g) Tango sàn bằng đi đầu.
Quân vận đĩnh Tango có khuyết điểm là to lớn, cồng kềnh, vận chuyển chậm chạp, tốc độ thấp dễ bị trúng đạn. Tuy nhiên, ngoài việc chở quân, Tango còn có ưu điểm riêng của nó, nếu là Tango sàn bằng và cấp chỉ huy biết khai thác yếu tố đặc biệt này.
Lúc thủy triều xuống thấp, bờ sông có nơi cao hơn ụ súng trên tàu nhiều. Hỏa lực trực xạ của chiến đĩnh gần như không còn tác dụng đối với chốt địch dọc theo bờ sông, dù cho Giang đoàn đang triển khai đội hình theo chiến thuật Tiệm tiến sâu đo. Vì vậy, HQ/Thiếu tá Võ-Bữu-Khai (khóa 16 SQHQ/Nha-Trang) sáng kiến đề ra chiến thuật Tango sàn bằng đi đầu để khắc chế thủy triều bất lợi, bằng cách thiết trí vũ khí phóng lựu tự động MK19 trên nóc sàn bằng của Trung vận đĩnh này.
Ngoài chức năng chở quân thường trực, giờ đây Tango sàn bằng còn được giao phó thêm nhiệm vụ xung kích ưu việt nữa. Rút tỉa kinh nghiệm sau nhiều lần áp dụng chiến thuật trên trong những trận đánh với đối phương vùng sông nước An-Xuyên (Cà-Mau), Thiếu tá Khai lý giải là Tango chịu đòn rất giỏi, một vài quả B40 ghim vào lưới chung quanh tàu chưa thấm thía gì. Riêng cây phóng lựu MK19, lợi hại như một pháo đài bay B52 bỏ túi, từ vị trí thuận lợi của nóc sàn bằng cao hơn bờ sông bắt đầu trải thảm đạn nổ trùm lên hầm hố địch. Cùng lúc đó, các chiến đĩnh giữa sông như chiến đấu đĩnh Com-bat sẽ tác xạ vào những mục tiêu được chỉ điểm bằng đạn trái khói M79 (ban đêm dùng trái sáng) bắn đi từ giang đĩnh chỉ huy CCB.
Để kết luận, ông ta đoan chắc là chiến thuật Tango sàn bằng phối hợp với chiến thuật Tiệm-Tiến sẽ bứng sạch những chốt ‘phục kích đả viện’ của địch trên mọi thủy trình mà Giang đoàn tiến quân. Hơn nữa, sàn bằng còn là nơi đặt BCH Hành quân Tiền phương rất thích hợp. Không những chiến trường được quan sát rõ mà còn giảm thiểu thương vong khi Tango chạm thủy mìn.(19)

h) Triệt Tam Giác Liên Hoàn.
Đại tướng CSBV Nguyễn-Chí-Thanh từng được trung ương đảng CSVN ca ngợi là một tướng lãnh có tài quân sự vượt trội hơn tài chính trị. Thật vậy, trong thời gian nắm cục R từ năm 1965 đến 1967, tướng Thanh đã xuất sắc viết ra binh thư nâng cao khả năng tác chiến của Việt Cộng/CSBV qua những bài quân huấn như Tiêu chuẩn hóa tổ tam chế (cơ bản của tiểu đội bộ binh), Chiến thuật nắm thắt lưng địch mà đánh (tránh phi pháo địch), Chiến thuật tam giác liên hoàn (chống trực thăng vận đổ quân) … (20).

Sau này, các Trung đoàn chủ lực địa phương cũng vận dụng chiến thuật Tam giác Liên hoàn để chống lại việc đổ bộ bằng tàu của Hải quân VNCH. Thông thường, Tam giác Liên hoàn gồm có một tổ súng cối 82 hoặc 60 ly cố định, đặt trong sâu cách bờ sông từ một cây số trở lên, lấy yếu tố tác xạ trước. Một tổ thượng liên RPD di động theo giao thông hào đào sẵn nằm trên một cạnh của hính tam giác, cạnh kia là tổ B40 hay B41 cũng di động theo giao thông hào; giao điểm của hai cạnh này là vị trí súng cối cố định nói trên. Còn cạnh thứ ba là bờ sông dự đoán đối phương sẽ đổ quân. Trước mặt ba tổ là xạ trường hỏa lực chéo hình tam giác đáy phía trước, đầy hung hiểm đang rình chờ mồi. Triệt chiến thuật trên đây, trong quá khứ đã có hai phương thức :
1) Theo chỉ đạo của Đô đốc Phú, Tư lệnh LLDN 212, thì Liên đoàn ĐNTT trách nhiệm hành quân sử dụng đại bác Bofors trên chiến đấu đĩnh Combat/GĐ41NC đánh trả tổ B40, song hành với một cặp PBR có cối trực xạ 81 ly sau lái tranh phong với hai tổ còn lại của địch.
2) Một cách đánh riêng, nhưng rất hiệu quả của HQ/Thiếu tá Trần-Đỗ-Cẩm (khóa 11 SQHQ/Nha-Trang), xin xem chương X: Những trận đánh tiêu biểu trong sông.
i) Nghi binh cóc nhảy.
Trên vài trục thủy trình chánh ở miền Nam, Việt-Cộng/CSBV thường núp trong những hầm đào sẵn, phục kích bắn tàu bằng B40, B41 và ĐKZ 75 ly. Dọc theo thủy đạo Vàm-Cỏ-Đông khu Gò-Dầu-Hạ, các tổ phục kích bắn tàu thường kiến trúc các hầm tác chiến kiểu hàm ếch tấn bằng đá ong kiên cố để sau này còn có cơ hội tái sử dụng. Trên bờ Nam sông Cửa-Lớn ở Nam-Căn cũng thế, Biệt đội Săn tàu đào hầm dưới mấy gò đất cứng, nóc hầm che phên bằng cây đước, đắp đất dày, chừa lỗ châu mai để bắn tàu trên trục Năm-Căn và cửa Bồ-Đề. Hễ mỗi lần Hải quân đổ Tùng đĩnh lên lục soát, đóng chốt và giữ an ninh thì họ chém vè, tránh chạm súng. Cho nên HQ/Đại tá Nguyễn-Văn-May, Tư lệnh V5ZH rút kinh nghiệm, từ cuộc hành quân Foul Deck, phối hợp giữa PCF và PBR mà biến cải chiến thuật này thành chiến thuật ‘Nghi Binh Cóc Nhảy’: Khi đoàn Convoy còn cách điểm tác xạ vài cây số, hai cặp PCF và PBR đột ngột vượt đoàn, tăng tốc độ tối đa đến vị trí trước, tác xạ vào các công sự rồi đổ quân lên bờ. Áp dụng chiến thuật bất ngờ như vậy, HĐ5ZP và GĐ62TT đã hốt được một số B40, RPD và AK47 của Biệt đội Săn tàu trong năm 1974. Đôi lúc chiến thuật này còn kèm thêm Phóng thủy hỏa đĩnh Zippo của GĐ45NC để phóng nước thổi sập các hầm.

Chú thích:
(1) Ngô-Văn-Triện. Binh thư Tôn-Tử. Thư xã Saigon 1973.
Cuối thời Xuân-Thu, Tôn-(Vũ)-Tử, người nước Tề, dâng lên Ngô-Hạp-Lư (nước nhỏ) Thập tam thiên chiến pháp thành văn, rồi áp dụng binh thư này đánh bại nước Sở (nước lớn). Sau 30 năm phục vụ, Tôn-Tử thu phục thêm Tấn, Tề … và tạo nên nghiệp bá cho vua Ngô. Mười ba thiên trong binh thư Tôn-Tử là Thiên kế, Tác chiến, Mưu công, Quân hình, Binh thế, Hư thực, Quân tranh, Cửu biến, Hành quân, Địa hình, Cửu địa, Hỏa công và Dụng gián.
Đến thời Tam-Quốc, binh thư Tôn-Tử được mười học giả lớn trọng vọng bình chú, còn gọi là Thập gia bình chú do Tào-Tháo làm chủ tịch. Sang qua thời Bắc-Tống, vua Tống-Thần-Tông (1080) sàn lọc từ hàng trăm binh thư cổ Trung-Hoa, chọn binh thư Tôn-Tử làm binh pháp đứng đầu trong ‘Vũ thư Thất kinh’. Bảy cuốn binh pháp đó là Binh thư Tôn-Tử, Binh pháp Ngô-Tử, Tư-Mã pháp, Uất-Liêu-Tử, Tam lược, Lục thao và Đường-Lý vấn đối được triều đình Tống đưa vào chương trình giảng huấn các trường quân sự. Cho đến thời đại ngày nay, qua phần chỉ đạo tác chiến như tri bỉ tri kỷ, linh hoạt điều động kết hợp kỳ binh với chính quân, các nhà cầm quân đánh giá Binh thư Tôn-Tử xứng đáng là thủy tổ khoa học quân sự và vẫn còn nhiều giá trị chiến thuật quý để tham khảo.
Đi xa hơn nữa, năn 1994, Đới-Kiến-Bình dựa vào binh thư này, soạn ra cuốn Thương chiến Binh pháp để làm kim chỉ nam giúp những ai mang hoài bảo phi thương bất phú. Rồi mới đây, năm 2003 cũng dựa vào 13 thiên nói trên, Dill Lindell độc đáo đưa những chiến thuật này vào thị trường chứng khoán nhằm cố vấn cho cổ đông nào muốn thắng lớn bằng tín dụng dài hạn.
(2) Karl Von Clausewitz (1780-1831), danh tướng Phổ (Prussian) từng phục vụ trong quân đội Nga, đã nghiên cứu trên 130 cuộc chiến tranh (1566-1815), trong đó có hai cuộc chiến lớn với Napoléon (1806-1807) và (1812-1815) để viết trước tác ‘Bàn về chiến tranh – ON WAR’. Nội dung sách gồm có Bản chất chiến tranh, Mục đích chiến tranh, Quy luật chiến tranh, Phương thức tác chiến là những chương giúp ích rất nhiều cho các nhà quân sự. Hơn nữa, Clausewitz còn khẳng định chiến tranh là kế tục của chính trị quốc gia (War is simply a continuation of political intercourse…) và phương thức điều quân bao gốm chiến thuật, chiến lược quân đội chính là nghệ thuật đánh trận phục vụ cho mục đích này được Lenin đánh giá rất cao. Mặc dù nội dung mang hệ thống lý luận quân sự theo đường hướng Tây phương, nhưng ON WAR của Clausewitz đã đóng góp lớn cho kho tàng nghệ thuật dụng binh qua những kinh nghiệm chiến trường nhiều cuộc chiến.
(3) Nguyễn-Ngọc-Tỉnh. Trần-Hưng-Đạo binh thư yếu lược. Paris 1988.
Binh thư cổ, nổi tiếng của Việt Nam vào thế kỷ thứ 13 do nhà quân sự thiên tài Nhân-Vũ Hưng-Đạo Đại-Vương Trần-Quốc-Tuấn biên soạn, sau ba lần đánh bại quân Nguyên-Mông xâm lược. Binh thư gồm bốn quyển, nhưng đến nay bản chính đã bị thất truyền. Trong quyển 3, Đức-Thánh-Trần hướng dẫn cách ‘lấy đoản binh thắng trường trận’ qua các địa hình, địa vật gồm 7 chương quan trọng là : Liệu thế giặc, Quyết chiến, Đạt kỳ, Dã chiến, Sơn chiến, Thủy chiến (kinh nghiệm trận Bạch-Đằng-Giang và Thủy binh Yết-Kiêu tức Đặc công thủy sau này) và Lâm chiến. Trần-Hưng-Đạo binh thư yếu lược đã đóng góp lớn về kinh nghiệm chống ngoại xâm vào kho tàng nghệ thuật quân tranh cho hậu thế.
(4) Ký giả chiến trường Philip Caputo, giải thưởng Pulitzer 2005, ghi nhận là tướng Giáp – Bộ trưởng Quốc phòng CSBV – ra lệnh cho Việt-Cộng tái áp dụng chiến thuật thành văn ‘Công đồn Đả viện’ tại chiến trường miền Nam như sau : « When American combat troops arrived in 1965, Giáp used the same tactics he had perfected against the French: Attack the outpost to smash the reinforcement. Unfortunately for him, the Americans were more powerfull, and Giap’s efforts never achieved the same military success on the bat-tlefield. Ten Thousand days of thunder NY 2005, trang 52 ».
(5) HQ/Thiếu tá Cutler Thomas J.Brown water, Black berets. USA 1988, trang 346 ghi nhận: « The Vietnamese Navy had long suf-fered from a second-class citizen status, being dominated by the more politically important Vietnamese Army. »
Đúng như vậy, trong dự án thành lập 5 Giang đoàn Xung-Phong vào đầu năm 1958 (Hồ sơ tổ chức HQ/VNCH lưu trong văn khố Hải quân), BTL/HQ/P3 kèm theo Phiếu trình xin Bộ Tổng tham mưu (BTTM) cho phép Hải đoàn Xung-Phong được cải danh thành Giang đoàn Xung-Phong (GĐXP) để phù hợp với danh xưng Bộ chỉ huy Giang lực và đồng thời đề nghị Sĩ quan Giang đoàn trưởng được mang cấp bực HQ/Thiếu tá giả định (Functional rank) thay vì là HQ/Đại úy như hiện tại. Nhưng với quan niệm tổ chức thủ cựu, thiếu viễn kiến, BTTM bác phiếu-trình của Hải quân bằng lập luận rất dân sự là một Trung úy Bộ binh cũng đủ khả năng trông coi một đoàn tuần giang, thì một GĐXP đâu cần đến một sĩ quan cấp tá chỉ huy. Mãi đến 7 năm sau, bảng cấp số 1965 của GĐXP (RAG : River Assault Group) gồm có 19 giang đĩnh đủ loại, 150 nhân viên kể cả hậu cứ và thủy thủ đoàn do Chỉ huy trưởng Giang đoàn mang cấp bậc HQ/Thiếu tá tạm thời (Temperary rank) chỉ huy, mới được BTTM duyệt thuận.
(6) Đô đốc Alfred Thayer Mahan (1840-1914) là nhà hải sử kiêm chiến lược gia nổi tiếng về hải chiến của Hoa-Kỳ vào hậu bán thế kỷ thứ 19. Năm 1859, Mahan đỗ á nguyên khi ra trường Sĩ quan Hải quân Annapolis. Nhờ nghiên cứu sâu xa cuộc nội chiến Mỹ mà năm 1883 Mahan cho ra đời quyển sách đầu tay ‘The gulf and inland waters’, được các sử gia đương thời đánh giá cao là tác phẩm quan trọng và đóng góp nhiều cho những dòng chính sử của Hợp-Chủng-Quốc. Trong thời gian làm giảng sư môn chiến thuật cho trường Chỉ huy Tham mưu năm 1884, Mahan cho in quyển nổi tiếng nhất là Quyền lực trên biển (The Influence of Sea Power upon History). Một quan niệm mới đầy thuyết phục của Mahan về quyền làm chủ trên biển cả vào năm 1890, trở thành chất xúc tác làm cho Hải quân Hoa-Kỳ thoát ra khỏi cái vỏ phòng thủ đơn độc cổ điển (Concentrating solely on defence) để biểu dương quyền lực trên biển khắp tứ đại dương, rồi chiếm vị trí cường quốc Hải quân mạnh nhất thế giới đầu thế kỷ thứ 20.
Mặc dầu đã về hưu từ năm 1896, nhưng khi chiến tranh giữa Hoa-Kỳ và Tây-Ban-Nha nổ ra vào năm 1898, chính phủ Hoa-Kỳ vẫn phải mời bộ óc chiến lược Mahan trở lại làm cố vấn cho Nội các chiến tranh. Chính Mahan là kiến trúc sư cho hai trận hải chiến quyết định – Hải quân Hoa-Kỳ đã oai dũng đánh tan hạm đội Tây-Ban-Nha trên biển Santiago vào tháng 7 năm 1898 và tại vịnh Ma-nila tháng 8 cùng năm – xóa tên Hải quân Tây-Ban-Nha khỏi danh sách cường quốc hải quân thế giới thế kỷ thứ 19.
Bước vào ngưỡng cửa thất thập cổ lai hy, trước khi qua đời năm 74 tuổi, người thủy thủ già này chỉ có một nguyện vọng là cách hùng biện về chiến thuật, chiến lược hải quân trên bục giảng huấn cũng như cuộc đời hải nghiệp của mình nên được kế thừa. Trường Sĩ quan Hải quân Annapolis đã làm cho Đô đốc Mahan mĩm cười vĩnh viễn trong quan tài bằng một huấn lệnh thật giản dị: «Kể từ nay, tất cả Sinh viên sĩ quan (SVSQ) Annapolis bắt buộc phải học kỹ môn Quyền lực trên biển của Mahan, nếu muốn tốt nghiệp ra trường với cấp bậc Thiếu úy. »
(7) Trước đó, HQ/Trung tá Nghiên-Văn-Phú là người giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Hải lực dài nhất, thì nay ông cũng là vị Tư lệnh Lực lượng Tuần-Thám lâu nhất, kể từ ngày thành lập cho đến ngày 34/04/1975. Vốn thận trọng, Đô đốc Phú rất quan tâm đến chiến thuật Hải quân – Tùng đĩnh Song hành. Ông cho rằng TQLC đã nằm ngoài tầm với của Hải quân còn Tùng đĩnh Địa phương quân thì sát nách, cho nên Hải quân trong sông phải thường xuyên thao dượt với họ mới mong tạo được chiến thắng. Trong những năm 1973-1974, quận An-Phú và Tịnh-Biên biên giới Việt-Miên là nơi ông Phú đích thân thị sát các đơn vị như GĐ 55 Tuần-Thám (CHT là HQ/Thiếu tá Văn-Trung-Thu), GĐ 41 Ngăn-Chặn (CHT là HQ/Thiếu tá Ngô-Khuây) và Đại đội 81 Tùng đĩnh (ĐĐT là Trung úy Hoàng-Minh). Nhất là ông đã tận tình hướng dẫn cách thức điều chỉnh hải pháo yểm trợ cho đến khi Sĩ quan Tiền sát viên Tùng đĩnh lãnh hội đến chốn.
(8) Đại tá TQLC Croizat Victor. The Brown water Navy. UK 1984, trang 123 và HQ/Thiếu tá Cutler Thomas J. Brown water, Black berets. USA 1988, trang 53:
HQ/Thiếu tá Dale Meyerkord, Cố vấn trưởng GĐ 23 XP hy sinh trong trận đánh ác liệt với Việt-Cộng/CSBV tại quận Đức-Tôn (Vĩnh-Long) ngày 16/03/1965, được đại nguyệt san National Geo-graphic Magazine (Washington DC) số February 1966 vinh danh là chiến binh anh dũng bảo vệ lý tưởng Tự-Do và tên ông được đặt cho chiến hạm DE. Meyerkord FF.1058.
Nữ phóng viên chiến trường Dickey Chapelle (từng phỏng vấn HQ/Trung úy Nguyễn-Đức-Bổng, Duyên đoàn trưởng 37 Tiệm-Tôm cửa Hàm-Luông) nhiều lần đề cao tinh thần chiến đấu toàn thể đoàn viên GĐ 23 XP dưới sự chỉ huy của HQ/Thiếu tá Hoa và Cố vấn Meyerkord trên hệ thống truyền thông Hoa-Kỳ, đã tử thương trong lúc làm nhiệm vụ thông tin tại chiến trường Chu-Lai (Quảng-Nam) vào tháng 11 năm 1965, tin từ National Geographic Maga-zine, February 1966.
(9) Thủ tướng VNCH Trần-Văn-Hương ký Sắc lệnh SL 343/QL ngày 27/11/1964 ấn định: Đặc khu Rừng-Sác là vùng trách nhiệm lãnh thổ của Hải quân VNCH, kể cả hai con sông Lòng-Tàu và Soi-Rạp.
Task Force 116 (River Patrol Force.TF.116) của Hải quân Hoa-Kỳ từ Mỹ sang, bắt đầu hoạt động trên sông Lòng-Tàu kể từ ngày 18/12/1965. Đến đầu tháng 2/1967, cũng đến từ Mỹ, Task Force 117 (River Assault Force.TF.117) với Lữ đoàn 2 Sư đoàn 9 Bộ binh Mỹ thao dượt tại ngã ba sông Soi-Rạp và Vàm-Cỏ; Lực lượng Thủy-Bộ này chính thức khai diễn cuộc hành quân Concordia I (Cần-Giuộc Operation) ngày 19/06/1967 vào rạch Ông-Hiếu.
(10) Vào giữa năm 1974, theo lệnh của Tư lệnh Hạm đội 21 Sông, BTL/Lực lượng Đặc nhiệm 212 Tuần-Thám tổ chức cuộc hành quân thao dượt cấp Trung đoàn trên kinh Đồng-Tiến, từ ngã ba An-Long đến Tuyên-Nhơn gồm các đơn vị: Liên đoàn 5 Tuần-Thám (212.5) với GĐ55TT, GĐ41NC, GĐ71TB, ĐĐ81TĐ và Liên đoàn 1 Trung-Ương (214.1) với GĐ43NC, GĐ64TT nhằm giải tỏa áp lực địch, tiếp tế cùng tăng cường sức mạnh phòng thủ cho căn cứ chiến đấu Tuyên-Nhơn, đồng thời chuẩn bị cho những trận đánh lớn sắp tới trong vùng đồng bằng Cửu-Long.
(11) Đại tá TQLC Croizat Victor. The Brown water Navy. UK 1984, từ trang 66 đến 68 và Tucker Spencer C. Encyclopedia of Vietnam war. London 1999, trang 103. Cả hai ông đều ghi là đội hình nguyên thủy Hải đoàn Xung-Phong Pháp do Đề đốc Jaubert kiến tạo chỉ toàn là chiến đĩnh trong sông và sà lan ghép lại, chứ không có Trợ chiến hạm LSSL hoặc Giang pháo hạm LSIL. Năm 1951, Đại tướng De Lattre duyệt lại kế hoạch này khi chiến trường châu thổ sông Hồng-Hà đang hồi sôi động nhất, vì quân VMCS tham chiến từ cấp Trung đoàn lên tới cấp Đại đoàn. Do đó, De Lattre mới quyết định đưa hai loại chiến hạm trên vào đội hình HĐXP để làm nhiệm vụ chuyển quân, yểm trợ hải pháo, cứu thương (giải phẩu ngay trên chiến hạm những trường hợp có thể được) và nhất là đặt BCH/Hải đoàn đang hành quân lên đó.
(12) Dựa vào sách Kinh-Di, học giả quân sự Mai-Nghiêu-Thuần (đứng hàng thứ nhì sau Tào-Tháo trong Thập gia bình chú) ghi rằng vùng núi hiểm trở Thường-Sơn (Cối-Kê) có con rắn Xuất-Nhiên, được Thiên 11 Cửu-Địa của Binh thư Tôn-Tử nói đến. Con rắn đặc biệt này, hễ bị đập vào đuôi thì nó cong đầu lại, vừa phản công vừa chống đở ; đập vào đầu thì đuôi nó làm những động tác ngược lại. Còn bị đập vào lưng thì cả đầu lẫn đuôi đều cong lại tấn công kẻ thù để giải cứu phần giữa. Tôn-Tử nhận định đầu, đuôi là kỳ binh, còn lưng là chính trận ; với lý giải lúc lâm trận, kỳ binh là động để thắng, chính trận là tĩnh để chỉ huy yểm trợ. Nhờ đó mà người chỉ huy trận đánh có thể biến chính trận thành kỳ hay uyển chuyển biến kỳ thành chính để thủ thắng.
(13) Về kinh nghiệm chiến trường ngập máu của HĐXP.2 Pháp, theo Trung tướng Phillip Davidson thì tướng Salan viết trong hồi ký là cuộc hành quân sông Đáy tháng 6 năm 1951, gần bến đò Gián-Khuất (giữa Phủ-Lý và Ninh-Bình), hậu quả tổn thất đã xảy ra không lường được do việc dọn bãi sơ sài, tạo cơ hội tốt cho VMCS tiếp cận bắn ĐKZ vào ngay cửa đổ bộ vừa mở của một LCM đang đổ quân làm thương vong cả Trung đội Tùng đĩnh Xung kích/Đại đội Ouragan. Để đề phòng trường hợp này, hai trái mìn Claymore được buộc chặt vào hai góc cao cửa Ramp của Tango sẽ tiêu diệt đối phương đang núp dưới các lùm cây dày đặc, chờ cơ hội bắn B.40 vào lòng chiến đĩnh. Thuyền trưởng lần lượt kích hỏa từng trái một trước khi hạ Ramp, nhằm bảo vệ cho toán đổ bộ lên bờ. Kiến trúc Ramp/Tango nặng 3 tấn phải kéo bằng máy, đủ mạnh làm điểm tựa cho mìn Claymore nổ, hơn nữa cửa Ramp tạo với mặt nước một góc 70o – 80o, rất lý tưởng để sát thương lớn mọi đối tượng cách mũi Tango trong vòng 200 thước. HQ/Thiếu tá Võ-Bữu-Khai, Chỉ huy trưởng Giang đoàn 72 Thủy-Bộ, tự sáng chế và nhiều lần áp dụng chiến thuật dọn bãi này trên vùng sông rạch An-Xuyên.
(14) Giữa năm 1973, BTL/HQ/P5 phối hợp với HQ/Thiếu tá Phùng-Gia-Mùi (khóa 13 SQHQ/Nha-Trang, đại diện Hải quân trong Ủy ban Phát triển khả năng tác chiến QLVNCH) dự thi toàn quân hàng năm và chiếm giải nhất PTKNTC 1973 với đề tài « Bảng tác xạ nhanh của Đại bác 40 và 76.2 ». BTL/HQ/P5 phổ biến bảng tác xạ này đến các đơn vị hành quân vào cuối năm.
(15) Quý mến tài xung trận của Lê-Phước-Đức, nên Thiếu tá Thiệp xin BTL/HQ cho viên Thuyền trưởng kiệt xuất này về với mình, khi ông thuyên chuyển làm CHT/GĐ21XP. Rồi từ đó, với cặp FOM song xa, TS1/TP Đức (Đức Râu) lại tung hoành trên sông nước Tiền-Giang, nổi tiếng ‘Chiến sĩ sát Cộng’ khắp vùng Bình-Phục-Nhất (quận Chợ-Gạo), cù lao Ngũ-Hiệp và Tân-Phong (quận Cai-Lậy). Cũng tại vùng Cai-Lậy oan nghiệt này, trên đoạn rạch khúc khuỷu sầm uất Hội-Lễ của sông Ba-Rài, đêm 29/09/1965, đoàn tàu của Liên GĐ 21-27XP bị tiểu đoàn 261 Bộ binh Việt-Cộng/CSBV phục kích vu hồi lúc hoàng hôn. Thuyền trưởng Đức Râu (Combat HQ6001), HQ/Đại úy Trần-Ngọc-Bảo (khóa 11 SQHQ/Nha-Trang), HQ/Trung úy Hoàng-Hiền (khóa 13 SQHQ/Nha-Trang). Đại úy Cố vấn Ellis và nhiều chiến hữu khác đều can trường hy sinh trong trận đánh ác liệt suốt 3 giờ. Phía Tiểu đoàn 261 cũng bị tổn thất lớn lao, trên 70% quân số bị loại ra ngoài vòng chiến, không còn đủ nhân lực để xung phong cướp tàu. Trận chiến này không được ghi vào tự điển bách khoa quân sự của Hà-Nội vì nó là một trận chiến bại mà quần chúng địa phương đều biết.
(16) Napoléon Bonaparte, Tư lệnh Quân đội Viễn chinh Pháp tại Italy (1796-1797), cải tiến cách bắn pháo binh và đưa pháo tử giác của Pháp lên hàng nghệ thuật quân sự vào cuối thế kỷ thứ 18.
(17) Trong những buổi tập huấn Hải quân – Tùng đĩnh thuộc LLĐN212, Đô đốc Phú thường nhắc lại trận Ba-Rài 1965 là một dấu ấn đậm nét cho các LLĐN trong sông, mỗi khi khai diễn hành quân mà không có Tùng đĩnh đi theo. Riêng người sưu tập sử liệu cũng đã vận dụng chiến thuật ‘Cuốn chiếu với Tùng đĩnh’ truyền khẩu này hai lần đều thành công. Lần đầu giữa tháng 6 năm 1974 thao dượt cấp Trung đoàn/Hạm đội 21 Sông trong kinh Đồng-Tiến và lần thứ hai, ngày 02 tháng 5 năm 1975 di tản chiến thuật Vùng 5 Duyên hải từ quận Năm-Căn về Rạch-Giá trên sông Cửa-Lớn.
(18) Theo tổ chức Quân chủng Hải quân CSBV ghi trong trang 363 và 646 của quyển Tự điển bách khoa quân sự Hà-Nội, thì Đoàn 126 Đặc-Công-Nước (mang bí số Đoàn 8 khi vào trong Nam) được thành lập ngày 13/04/1966, CHT đầu tiên là Hoàng-Đắc-Cót. Có lúc Trung tâm huấn luyện người Nhái tại Vĩnh-Linh lên hơn 700 người. Đối thủ đáng gờm của Duyên đoàn 11 Cửa-Việt (Đông-Hà) là Đại úy Mai-Năng, đặc công nước từ 1969-1972.
(19) Ngày 02/04/1975, HQ/Đại úy Nguyễn-Đức-Khải (khóa 17 SQHQ/Nha-Trang), Chỉ huy phó GĐ64TT đưa một phân đội PBR lên Ấp-Bắc chuyển Địa phương quân vào kinh Đồng-Tiến. Chiếc PBR chở ban hành quân bị trúng thủy mìn, Đại úy Khải cùng 7 nhân viên trên giang tốc đĩnh này đều đền nợ nước. Nếu ban Chỉ huy hành quân tiền phương đặt trên nóc một Tango Sàn bằng, chắc tổn thất nhân mạng sẽ thấp hơn.
(20) Tự điển Bách khoa Quân sự. Hà-Nội 2004, trang 692.

Bảo Bình Nguyễn Văn Ơn


BÀN RA TÁN VÀO

Đề bài :"Tiếng Việt, yêu & ghét" - Lê Hữu ( Trần Văn Giang ghi lại )

'vô hình trung' là nghĩa gì vậy, sao cứ thích dùng, hình như có nghĩa là 'vô tình'

Xem Thêm

Đề bài :TIN CHIẾN SỰ MỚI NHẤT[ CẬP NHẬT NGÀY 20 -5 - 2022 ]

Suu cao,thue nang,nhu yeu pham tang gia.Kinh te eo seo...Vay ma dang Lua van lay tien cua dan tro giup linh tinh.Mo cua bien gioi.Ung ho toi ac truc tiep khi sua luat cho phep trom cuop o muc do <1.000 dollars thi vo toi....Neu vao thoi diem Trump,bon Lua da ho hoan nhu the nao ??? Nhung nguoi bau ban vi chut tu loi ,nghi gi ve dat nuoc ??? Phai chang day khong phai la dat nuoc minh ??? bat qua,lai tro ve que huong cu...Neu vay,ban la thang cho chet ! mien ban !

Xem Thêm

Đề bài :Tin Mới Nhất Về Chiến Sư Ucraina [ CẬP NHẬT NGÀY 14-5-2022 ]

Chung nao moi vet nho cua ho nha Dan da duoc tay xoa trang boc,thi Uk moi co hy vong...ngung chien.Cung vay,ngay nao ma cac cong ty ,co goc gac tu cac dang bac nu luu-anh hao cua khoi tu do va ong chief police va dang Lua thi moi giai xong phuong trinh tau cong !

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Người Việt Nam Nghĩ Gì? -Từ Đức Minh ( Trần Văn Giang ghi lại )

Nhan dinh cua saigonpots ma bac Tran van Giang ghi lai.Doc xong nghe cay dang nao long.Du su that no ranh ranh.Nhung tuoi gia cung co mot hy vong cho du la mong manh va mo ao. hy vong con hon la that vong ?

Xem Thêm

Đề bài :Hình cũ - Hà Thượng Thủ

Ngắm lại hình xưa chịu mấy ông Những Linh, Tùng, Duẫn với Mười, Đồng Mặt mày ai lại đi hồ hởi Phấn khởi khi Tàu cướp Biển Đông Phải chăng “quý” mặt đã thành mông Con mắt nay đà có nhưng không Nên mới chổng khu vào hải đảo Gia tài gấm vóc của tổ tông?

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm

Đề bài :Nói thật - Hà Thượng Thủ

Loi tuyen bo cua Bo truong han la phai dung ! Vay ra tu truoc toi nay,bang gia- hoc gia- tu nghiep gia...tat ca deu gia. Vay cai gi la that ?chang phai duoi che do CS,tat ca deu la gia tra,.gian doi,lua dao...Tat ca deu da duoc dao tao bang lao toet ngay tu khi con la thieu nhi .

Xem Thêm