Cõi Người Ta
Cây me - hồn phố Sài Gòn xưa
Vào những năm đầu khi Sài Gòn vừa bị đánh chiếm (1863 – 1865) và còn nằm dưới quyền cai trị của các đô đốc, thì Hải quân Pháp đã trồng hàng loạt cây me. Những cây me của các đô đốc, có người gọi như vậy, đã đánh dấu những năm tháng đầu tiên của nhà cầm quyền thực dân trên đất Việt Nam cách đây hơn một thế kỷ. Đến giờ nó vẫn còn in bóng mát trên nhiều đường phố Sài Gòn.
Có lẽ vì quá sợ cái nắng oi bức của vùng nhiệt đới, nên người Pháp cho trồng rất dày, cứ 5m một cây dọc theo vệ đường. Ở hai bên bờ kênh Charner (nay là đại lộ Nguyễn Huệ), kể từ năm 1870 cây me mới được trồng lấn dần theo nhịp độ lấp từng đoạn con kênh lớn này. Lúc đó, trồng cây gì cũng phải do Hội đồng thành phố Sài Gòn (bao gồm chủ yếu là người Pháp) xem xét và biểu quyết.
Riêng ở đường Catinat (nay là Đồng Khởi), người ta trồng đủ loại cây, và một trong những điều hấp dẫn du khách đi bộ qua con đường trung tâm này là không khí mát dịu dưới những tán lá.
Còn ở những con đường khác, về sau, ngoài cây me, người ta cũng trồng những cây khác, như cây phượng và cây bàng. Nhưng đến năm 1895, do nhận thấy tán lá thưa của cây phượng không cho nhiều bóng mát, nên Hội đồng thành phố đã quyết định cho chặt loại cây này trên đường Taberd (nay là Nguyễn Du) để dành chỗ cho cây me phát triển. Đổng thời, họ cũng cho chặt bỏ các cây bàng trong toàn thành phố, vì rễ loại cây này thường làm bật vỉa hè, lá và quả rụng làm bẩn đường phố liên tục. Nhưng họ quyết định không chặt hết ngay một lúc, mà thay thế dần.
Sau vài chục năm, cây cối ven các đường phố trở nên um tùm, rậm rạp đến mức nhiều người phải lo lắng đến vấn đề vệ sinh môi trường và đề nghị phải chặt bớt. Ngay những hàng me ở đường Catinat cũng hai lần suýt bị hạ sau những cuộc tranh cãi kịch liệt trong Hội đồng thành phố giữa những người muốn giữ lại và những người muốn chặt bỏ (năm 1903 và năm 1912).
“... Tôi không biết các ông có thấy những tấm hình chụp từ nóc nhà thờ Sài Gòn (tức nhà thờ Đức Bà) hay không. Cảnh đập vào mắt là cả một khu rừng thực thụ. Vì người ta chỉ thấy toàn là cây cối. Thành phố Sài Gòn đang sống trong một khu rừng, vừa ẩm ướt, vừa không có ánh mặt trời lọt xuống đường sá. Một số con đường không bao giờ khô ráo trong suốt 8 tháng liền trong năm. Người ta ngửi thấy một thứ không khí của rừng già, vốn chắc chắn sẽ làm sinh sôi đủ mọi thứ mầm mống dịch bệnh truyền nhiễm. Điều này hiển nhiên là trái ngược hoàn toàn với vệ sinh...”. Đó là những lời lẽ hùng hồn của một ủy viên trong Hội đồng thành phố.
Quả thực lúc ấy, người ta thấy nhà cửa ở nhiều nơi có hiện tượng bị ngấm ẩm nặng nề, như ở đường Blancsubé (nay là Phạm Ngọc Thạch, đoạn từ nhà thờ Đức Bà tới Công trường Quốc tế), đường Garcerie (nay cũng là Phạm Ngọc Thạch, đoạn từ Công trường Quốc tế tới đường Võ Thị Sáu), hay đường Paul Blanchy (nay là Hai Bà Trưng). Cuối cùng, trong một phiên họp năm 1912, Hội đồng thành phố cũng đã đồng ý cho chặt bớt, và khoảng cách trồng cây trên các đường phố là 10 mét.
Ông Jean Baptiste Louis Pierre (1833 - 1905), người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn (nhậm chức ngày 28/3/1865) là một nhà thực vật học suốt đời tận tụy cho sự nghiệp khoa học. Nhờ ông, nhiều cây rừng tự nhiên được tồn tại, một số loài cây đại mộc từ các lục địa khác được du nhập, một số cây ăn quả thuộc khu vực Đông Nam Á được ươm trồng, để cho ra đời những giống cây trái ngon.
Trong 12 năm phụ trách Thảo Cầm Viên Sài Gòn (1865 - 1877), ông còn để lại một di sản quý giá nữa, đó là bộ sưu tập hơn 100.000 tiêu bản hiện được lưu giữ tại bảo tàng Thực vật - Viện Sinh học Nhiệt đới TP.HCM và hàng ngàn cây cổ thụ trên các đường phố khu trung tâm, trong công viên Tao Đàn... Ông có sáng kiến trồng trên các con đường trong thành phố, từng dãy cùng một loại cây như nhau, biến Sài Gòn thành một bách thảo tập riêng biệt. Ông lại có ý trồng nhiều cây ăn quả để đến mùa thu hoạch có thêm hoa lợi.
Cây Me có tán lá dày, xanh mát quanh năm, vừa cho bóng mát, vừa có quả hai mùa. Quả rụng xuống cũng không gây nguy hiểm cho người đi lại nên trở thành một cây đắc dụng và được trồng ở hầu hết các con đường trong thành phố.
Hơn 300 năm tuổi, Sài Gòn vẫn phảng phất nét duyên thầm có từ thời Pháp với những con đường rợp bóng cây xanh. Chính vì lẽ đó, cho đến giờ cây Me chỉ xuất hiện chủ yếu trên những con đường ở trung tâm Sài Gòn.
Nằm bên hông dinh Thống Nhất, Huyền Trân Công Chúa có thể xem là một trong những con đường đẹp. Kéo dài chỉ hơn một km nhưng hai bên đường là những hàng cây cổ thụ chất chứa biết bao kỷ niệm trong lòng người dân thành phố. Dưới ánh nắng dịu dàng, du khách chầm chậm bước trên vỉa hè. Khuôn mặt ai cũng rạng ngời hạnh phúc vì lạc vào một nơi yên ả dù cho phố xá ồn ào cách đó không xa.
Mỗi sớm tinh mơ, tôi vẫn thường đi thật chậm để hít thở bầu không khí trong lành qua những tán me xanh, lắng nghe chim hót líu lo và cảm nhận thời gian như trôi chầm chậm giữa dòng đời xuôi ngược. Những cô cậu học trò tụm năm tụm ba đùa giỡn. Tiếng trẻ thơ nghe sao ngọt ngào... Chính những hàng me đã giữ cho thành phố dáng xưa, hồn cổ.
Hà Hưng
Bàn ra tán vào (0)
Cây me - hồn phố Sài Gòn xưa
Vào những năm đầu khi Sài Gòn vừa bị đánh chiếm (1863 – 1865) và còn nằm dưới quyền cai trị của các đô đốc, thì Hải quân Pháp đã trồng hàng loạt cây me. Những cây me của các đô đốc, có người gọi như vậy, đã đánh dấu những năm tháng đầu tiên của nhà cầm quyền thực dân trên đất Việt Nam cách đây hơn một thế kỷ. Đến giờ nó vẫn còn in bóng mát trên nhiều đường phố Sài Gòn.
Có lẽ vì quá sợ cái nắng oi bức của vùng nhiệt đới, nên người Pháp cho trồng rất dày, cứ 5m một cây dọc theo vệ đường. Ở hai bên bờ kênh Charner (nay là đại lộ Nguyễn Huệ), kể từ năm 1870 cây me mới được trồng lấn dần theo nhịp độ lấp từng đoạn con kênh lớn này. Lúc đó, trồng cây gì cũng phải do Hội đồng thành phố Sài Gòn (bao gồm chủ yếu là người Pháp) xem xét và biểu quyết.
Riêng ở đường Catinat (nay là Đồng Khởi), người ta trồng đủ loại cây, và một trong những điều hấp dẫn du khách đi bộ qua con đường trung tâm này là không khí mát dịu dưới những tán lá.
Còn ở những con đường khác, về sau, ngoài cây me, người ta cũng trồng những cây khác, như cây phượng và cây bàng. Nhưng đến năm 1895, do nhận thấy tán lá thưa của cây phượng không cho nhiều bóng mát, nên Hội đồng thành phố đã quyết định cho chặt loại cây này trên đường Taberd (nay là Nguyễn Du) để dành chỗ cho cây me phát triển. Đổng thời, họ cũng cho chặt bỏ các cây bàng trong toàn thành phố, vì rễ loại cây này thường làm bật vỉa hè, lá và quả rụng làm bẩn đường phố liên tục. Nhưng họ quyết định không chặt hết ngay một lúc, mà thay thế dần.
Sau vài chục năm, cây cối ven các đường phố trở nên um tùm, rậm rạp đến mức nhiều người phải lo lắng đến vấn đề vệ sinh môi trường và đề nghị phải chặt bớt. Ngay những hàng me ở đường Catinat cũng hai lần suýt bị hạ sau những cuộc tranh cãi kịch liệt trong Hội đồng thành phố giữa những người muốn giữ lại và những người muốn chặt bỏ (năm 1903 và năm 1912).
“... Tôi không biết các ông có thấy những tấm hình chụp từ nóc nhà thờ Sài Gòn (tức nhà thờ Đức Bà) hay không. Cảnh đập vào mắt là cả một khu rừng thực thụ. Vì người ta chỉ thấy toàn là cây cối. Thành phố Sài Gòn đang sống trong một khu rừng, vừa ẩm ướt, vừa không có ánh mặt trời lọt xuống đường sá. Một số con đường không bao giờ khô ráo trong suốt 8 tháng liền trong năm. Người ta ngửi thấy một thứ không khí của rừng già, vốn chắc chắn sẽ làm sinh sôi đủ mọi thứ mầm mống dịch bệnh truyền nhiễm. Điều này hiển nhiên là trái ngược hoàn toàn với vệ sinh...”. Đó là những lời lẽ hùng hồn của một ủy viên trong Hội đồng thành phố.
Quả thực lúc ấy, người ta thấy nhà cửa ở nhiều nơi có hiện tượng bị ngấm ẩm nặng nề, như ở đường Blancsubé (nay là Phạm Ngọc Thạch, đoạn từ nhà thờ Đức Bà tới Công trường Quốc tế), đường Garcerie (nay cũng là Phạm Ngọc Thạch, đoạn từ Công trường Quốc tế tới đường Võ Thị Sáu), hay đường Paul Blanchy (nay là Hai Bà Trưng). Cuối cùng, trong một phiên họp năm 1912, Hội đồng thành phố cũng đã đồng ý cho chặt bớt, và khoảng cách trồng cây trên các đường phố là 10 mét.
Ông Jean Baptiste Louis Pierre (1833 - 1905), người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn (nhậm chức ngày 28/3/1865) là một nhà thực vật học suốt đời tận tụy cho sự nghiệp khoa học. Nhờ ông, nhiều cây rừng tự nhiên được tồn tại, một số loài cây đại mộc từ các lục địa khác được du nhập, một số cây ăn quả thuộc khu vực Đông Nam Á được ươm trồng, để cho ra đời những giống cây trái ngon.
Trong 12 năm phụ trách Thảo Cầm Viên Sài Gòn (1865 - 1877), ông còn để lại một di sản quý giá nữa, đó là bộ sưu tập hơn 100.000 tiêu bản hiện được lưu giữ tại bảo tàng Thực vật - Viện Sinh học Nhiệt đới TP.HCM và hàng ngàn cây cổ thụ trên các đường phố khu trung tâm, trong công viên Tao Đàn... Ông có sáng kiến trồng trên các con đường trong thành phố, từng dãy cùng một loại cây như nhau, biến Sài Gòn thành một bách thảo tập riêng biệt. Ông lại có ý trồng nhiều cây ăn quả để đến mùa thu hoạch có thêm hoa lợi.
Cây Me có tán lá dày, xanh mát quanh năm, vừa cho bóng mát, vừa có quả hai mùa. Quả rụng xuống cũng không gây nguy hiểm cho người đi lại nên trở thành một cây đắc dụng và được trồng ở hầu hết các con đường trong thành phố.
Hơn 300 năm tuổi, Sài Gòn vẫn phảng phất nét duyên thầm có từ thời Pháp với những con đường rợp bóng cây xanh. Chính vì lẽ đó, cho đến giờ cây Me chỉ xuất hiện chủ yếu trên những con đường ở trung tâm Sài Gòn.
Nằm bên hông dinh Thống Nhất, Huyền Trân Công Chúa có thể xem là một trong những con đường đẹp. Kéo dài chỉ hơn một km nhưng hai bên đường là những hàng cây cổ thụ chất chứa biết bao kỷ niệm trong lòng người dân thành phố. Dưới ánh nắng dịu dàng, du khách chầm chậm bước trên vỉa hè. Khuôn mặt ai cũng rạng ngời hạnh phúc vì lạc vào một nơi yên ả dù cho phố xá ồn ào cách đó không xa.
Mỗi sớm tinh mơ, tôi vẫn thường đi thật chậm để hít thở bầu không khí trong lành qua những tán me xanh, lắng nghe chim hót líu lo và cảm nhận thời gian như trôi chầm chậm giữa dòng đời xuôi ngược. Những cô cậu học trò tụm năm tụm ba đùa giỡn. Tiếng trẻ thơ nghe sao ngọt ngào... Chính những hàng me đã giữ cho thành phố dáng xưa, hồn cổ.
Hà Hưng