Marco Deplano là bác sĩ tiết niệu làm việc tại một bệnh viện ở Sardinia, Ý. Tuổi đời còn khá trẻ nhưng do tính chất công việc, ông đã chứng kiến rất nhiều trường hợp thương tâm và tình huống khó khăn trong cuộc đời. Rất nhiều bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng trong đau đớn và tuyệt vọng, để lại những kết cục không có hậu.
Một ngày ở khu bệnh nhân Marco đã gặp một người phụ nữ lớn tuổi, người mà ông sẽ không bao giờ quên. Vì muốn chia sẻ câu chuyện về bà với cả thế giới, Marco đã đăng ký một tài khoản trên Facebook, và nó nhanh chóng được lan tỏa. Không khó để hiểu tại sao nó lại có sức ảnh hưởng đến vậy khi bạn đọc những dòng chữ này…
Sau buổi gặp người phụ nữ ấy, chàng bác sĩ đã vô cùng chấn động… (Ảnh minh hoạ: Internet)
Đây là những gì ông đã viết:
“Hôm nay tôi nhận được một cuộc gọi từ bệnh viện yêu cầu thực hiện một cuộc hội chẩn ở một bộ phận khác. Như mọi khi, tôi không cảm thấy lạ lẫm khi đó là một bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối và suy thận vì niệu quản bị nén. Người phụ nữ tôi gặp ở khoảng giữa 70 và 80 tuổi, với mái tóc màu cam cà-rốt và nước sơn móng tay màu hồng tuyệt hảo.
– Chào buổi sáng thưa bà.
– Chào buổi sáng thưa anh, bác sĩ.
Tôi nhìn qua hồ sơ của bà ấy, tiến hành kiểm tra, và siêu âm lại.
– Thưa bà, thận của bà đang trải qua một cuộc chiến thật dữ dội: chúng không thể loại bỏ được nước tiểu một cách tự nhiên nữa, vì vậy tôi cần phải chèn một cái ống, một loại van thông trong cơ thể bà. Vì vậy, sau đó bà sẽ đi tiểu vào hai ống nối với hai túi …
– Xin lỗi, thưa Bác sĩ. Điều đó có nghĩa là tôi cũng sẽ có một cái túi khác nữa đằng sau tôi phải không?
(Bà đang nói cái hậu môn giả)
– Vâng thưa bà.
Có một khoảng im lặng kéo dài. Nó dường như vô tận. Nhưng cuối cùng, bà ấy nhìn tôi cười.
– Xin lỗi, tên của anh là gì?
– Deplano.
– Không, tên của anh.
– Marco.
– Marco … một cái tên đẹp. Anh có thể ở đây một lát không?
– Dĩ nhiên, thưa bà.
– Anh biết không, tôi đã chết rồi. Anh hiểu không?
Câu nói thản nhiên ấy của bà khiến anh sững sờ. (Ảnh minh hoạ: Internet)
– Xin lỗi, không … tôi không hiểu.
– Tôi đã chết 15 năm trước đây. Khi con trai tôi 33 tuổi bị đột quỵ và qua đời. Tôi cũng đã chết từ ngày hôm đó…
– Tôi rất tiếc thưa bà…
– Tôi đã chết rồi, cùng với nó. Và sau đó tôi đã chết một lần nữa mười năm trước đây khi họ chẩn đoán tôi bị mắc căn bệnh này. Nhưng bây giờ tôi không cần phải giả vờ nữa. Có người chăm sóc con tôi rồi, và cháu tôi cũng thế. Tôi muốn đi cùng nó. Có nghĩa gì đâu khi sống thêm vài ngày với những cái túi này, cùng với sự chịu đựng trong đau khổ và có quá nhiều việc trong một ngày cho tôi và những người thân yêu của tôi?
Tôi có lòng tự trọng… Anh có bị xúc phạm không nếu tôi không muốn làm bất cứ điều gì? Tôi mệt rồi. Tôi đã sẵn sàng phó thác mình vào bàn tay của Đức Chúa Trời.
Nói cho tôi biết sự thật… liệu tôi có phải chịu đựng nữa không?
– Không thưa bà. Bà có thể làm bất cứ điều gì bà muốn. Nhưng đặt hai cái túi …
– Marco, tôi đã nói không. Cuộc đời của tôi, tôi có quyền quyết định. Nếu anh muốn một việc gì đó để làm thì hãy dừng việc truyền máu lại. Sau đó, tôi có thể về nhà và ăn kem với cháu trai tôi.
Từng lời nói của bà dần dần tước bỏ đi những rào cản tôi đang cố dựng lên trong lòng mình, như thể ngắt dần từng cánh hoa từ một bông hoa đang cố khép mình. Tôi đã quên đi sự kiệt sức, sự tức giận, sự thất vọng, và mọi thứ vẫn quanh quẩn trong tâm trí tôi lúc trước. Tôi quên cả những năm đèn sách, hàng ngàn trang giấy tôi đã đọc, mọi quy tắc, và các sự kiện. Tôi cảm thấy như trần truồng và bị tước mất vũ khí khi phải đối mặt với sự bộc trực, sự nhận thức về cái chết của bà. Bởi tôi nhận ra một điều gì đó, lấp lánh và đẹp đẽ hơn vẻ ngoài già nua, nhợt nhạt của người phụ nữ sắp từ giã cõi đời này.
Tôi rất xúc động và chỉ biết quay lại viết vào hồ sơ để y tá không nhìn thấy những giọt nước mắt đang rơi trên khuôn mặt tôi. Bất cứ ai biết tôi đều sẽ hiểu đây không phải là tôi của thường ngày…
– Marco, điều này có làm anh cảm động không?
– Vâng, một chút, thưa bà. Tôi xin lỗi.
– Không, thật tuyệt. Cảm ơn anh. Nó làm tôi cảm thấy mình quan trọng. Hãy nghe tôi nói, và vui lòng ban cho tôi một ân huệ khác. Nếu các con tôi đến và hét vào mặt anh một cách giận dữ thì hãy gọi cho tôi. Tôi sẽ bảo chúng dừng lại… Hãy viết là tôi ổn. Được chứ?
– Vâng thưa bà.
– Marco, tôi có thể hỏi anh chuyện khác không?
– Chắc chắn rồi!
– Anh thật đặc biệt. Tôi biết là anh sẽ còn tiến xa nữa. Còn bây giờ, hãy cúi xuống hôn tôi giống như anh là con trai tôi vậy, anh có phiền không?
– Tất nhiên là không.
– Tôi sẽ cầu nguyện cho anh. Và cho con trai tôi… những điều tốt lành nhất. Tôi hy vọng được gặp anh một lần nữa…
– Tôi cũng vậy. Cảm ơn bà, thưa bà.
Trong khoảnh khắc đó, bà là người đẹp nhất trên thế giới mà tôi từng biết: rực rỡ, tự tin – một người mẹ, một người bà ngoại với tình yêu thuần khiết.
Người phụ nữ ấy đã đối diện với giây phút sinh tử một cách bình thản, không run rẩy hay gào thét như những bệnh nhân ‘thèm’ sống khác, như thể bà đã bầu bạn với nó từ lâu… Có lẽ bà hiểu, sự ‘chấm hết’ về thể xác chỉ còn là hình thức khi cái chết về tâm hồn đã diễn ra với bà nhiều năm về trước.
Đây cũng chính là giây phút người bác sĩ trẻ suy ngẫm về cuộc đời và ý nghĩa của sự tồn tại. (Ảnh minh hoạ: Internet)
Bà đã dạy cho tôi bài học lớn nhất trong đời bằng những lời thật đơn giản, chân thành. Cái chết chỉ là quãng cuối cùng của cuộc đời, khi chúng ta đã hoàn thành sứ mệnh, đi hết phần đường của mình. Vậy nên chúng ta không cần sợ hãi, lo lắng, hay tỏ ra ích kỷ níu giữ những thứ vốn không thuộc về mình. Đó là một điều đến thật tự nhiên, và ai cũng nên chấp nhận thay vì chối bỏ nó.
Những điều sâu sắc thấm thía này bạn sẽ không bao giờ tìm thấy trong sách vở, trong những con chữ khô khan ở trường đại học. Tôi cảm thấy quá nhỏ bé trước sự rộng lớn, cao cả của bà.
Và tôi nhận ra đau khổ là một phần tất yếu của tình yêu thương, đôi khi nó khiến mọi người xích lại gần nhau còn tốt hơn cả những cảm xúc yêu đương. Và đôi khi một câu nói tốt lành có sức mạnh chữa lành những vết thương hữu hiệu hơn mọi loại thuốc hiện đại nhất. Dù bạn nghĩ gì, hãy yêu mến và trân trọng những giờ phút được sống và những hành trình của riêng bạn.“
Lời chia sẻ chân thành của Marco đã chạm đến trái tim và tâm hồn hàng nghìn người. Có lẽ, những trải nghiệm khó khăn và đau khổ là thiết yếu để tạo nên những điều tuyệt vời và đẹp đẽ trong cuộc sống…
Tham khảo Hefty
Tuệ Minh biên dịch