Sứ quán Nga tại Pháp đăng biếm họa sỉ nhục châu Âu trên Twitter
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi việc Đại sứ quán Nga tại Paris đăng những bức vẽ biếm họa ‘tuyên truyền’ trên Twitter ‘không thể chấp nhận được’.
Đại sứ Nga tại Pháp hôm 25/3 đã được triệu tập đến Bộ Ngoại giao Pháp về vấn đề này. Hai bài đăng này sau đó đã bị xóa.
“Đó là sai lầm. Nó đã được sửa chữa. Tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra lần nữa,” ông Macron nói trong một cuộc họp báo ở Brussels.
Một trong những bức vẽ cho thấy một nhân vật được gọi là ‘Châu Âu’ nằm trên bàn và bị hai nhân vật khác đại diện cho Mỹ và Liên minh châu Âu tiêm vào cơ thể với ống tiêm được ghi các dòng chữ ‘thù ghét Nga’, ‘Tân Phát xít’, và ‘Trừng phạt’. Hình vẽ còn lại cho thấy người châu Âu quỳ gối liếm mông của một người được cho là nước Mỹ.
(AP)
Giáo Hoàng Francis chủ trì lễ cầu nguyện đặc biệt cho Ukraine
Đức Giáo Hoàng Francis đã chủ trì một buổi cầu nguyện đặc biệt cho Ukraine với khoảng 3.500 người tham gia bao gồm các hồng y, đại sứ và khách hành hương tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô vào ngày 25/3.
Đức Giáo Hoàng vẫn chưa công khai lên án đích danh Nga, mặc dù những lời tố cáo của Ngài ngày càng trở nên phẫn nộ.
(AP)
Lavrov: ‘Phương Tây phát động cuộc chiến toàn diện chống Nga’
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết nước ông đang đối mặt với một cuộc chiến toàn diện do phương Tây phát động.
Ông Lavrov nói trong một cuộc họp hôm 25/3 rằng ‘một cuộc chiến tranh hỗn hợp thực sự, một cuộc chiến tranh toàn diện đã được phát động đối với chúng tôi”. Ông cho rằng mục tiêu của phương Tây là ‘phá hủy, phá vỡ, hủy diệt, bóp nghẹt nền kinh tế Nga và nước Nga nói chung’.
Mặc dù phương Tây đã áp đặt các biện pháp chế tài cứng rắn nhắm vào nền kinh tế và hệ thống tài chính của Nga cũng như Tổng thống Vladimir Putin và các nhà tài phiệt Nga, ông Lavrov nói rằng Nga không bị cô lập. “Chúng tôi có nhiều bạn bè, đồng minh và đối tác trên thế giới,” ông Lavrov nói.
(AP)
Đức sẽ giảm đáng kể sự phụ thuộc vào năng lượng Nga trong những tuần tới
Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết nước ông đã ký hợp đồng với các nhà cung cấp mới, cho phép họ giảm đáng kể sự phụ thuộc vào than, khí đốt và dầu mỏ của Nga trong những tuần tới.
Ông Robert Habeck nói với các phóng viên ở Berlin hôm 26/3 rằng dầu của Nga sẽ chiếm khoảng 25% nhập khẩu của Đức trong những tuần tới, từ mức khoảng 35% hiện tại. Ông Habeck cho biết nhập khẩu than của Nga sẽ giảm một nửa từ khoảng 50% tổng lượng than của Đức xuống còn 25% trong những tuần tới.
Ông cho biết Đức cũng hy vọng có thể gần như hoàn toàn độc lập với khí đốt của Nga vào giữa năm 2024.
(AP)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Ukraine ‘sẵn sàng nhượng bộ một số vấn đề’
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Ukraine và Nga dường như đang đạt được tiến bộ trong bốn vấn đề đang được đàm phán để chấm dứt chiến sự nhưng vẫn còn bất đồng trên hai vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu với các phóng viên khi trở về từ hội nghị thượng đỉnh NATO vào cuối ngày 25/3 ông Erdogan cho biết Kiev đã bày tỏ sẵn sàng từ bỏ mong muốn gia nhập NATO, sẵn sàng chấp nhận tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức và cũng có thể chấp nhận ‘một số nhượng bộ nhất định’ về giải trừ quân bị và ‘an ninh tập thể’.
Tuy nhiên, ông Erdogan cho biết Ukraine ‘không thoải mái lắm’ về các yêu sách của Nga đối với bán đảo Crimea, mà Moscow sáp nhập vào năm 2014 và khu vực Donbass phía đông, nơi Moscow đã công nhận các nhà nước độc lập.
Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, cố gắng cân bằng mối quan hệ với cả Ukraine và Nga và đặt mình vào thế trung gian hòa giải giữa hai nước.
(AP)
Thủ tướng Hungary từ chối hỗ trợ Ukraine theo lời kêu gọi của ông Zelenskyy
Thủ tướng Hungary hôm 25/3 đã từ chối lời kêu gọi đầy xúc động của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy là cung cấp Ukraine vũ khí và hỗ trợ các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngành năng lượng của Nga.
Thủ tướng Viktor Orban nói trong một video đăng trên mạng xã hội rằng các yêu cầu của ông Zelenskyy là ‘đi ngược lại lợi ích của Hungary’.
Ông cho biết 85% lượng khí đốt và hơn 60% lượng dầu của Hungary là nhập từ Nga, và việc chặn xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ buộc người dân Hungary phải ‘trả giá cho cuộc chiến’.
Trước đó, ông Zelenskyy đã phát biểu tại một cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu tại Brussels, mà khi đó ông đặc biệt gửi lời kêu gọi đến ông Orban, vốn được coi là đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong EU.
Hungary là nước duy nhất trong số các nước EU giáp giới Ukraine từ chối cung cấp vũ khí cho nước láng giềng và không cho phép vận chuyển vũ khí qua biên giới vào Ukraine.
(AP)
Một nửa dân số Kharkiv đã rời đi
Khoảng một nửa dân số thành phố Kharkiv đã rời đi, trong khi thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cho những người ở lại đang giảm dần.
“Trong số những người ở lại, có những người có thể tự đi lại, nhưng nhiều người không thể đi lại được như người già chẳng hạn,” Hanna Spitsyna, người phân phát thức ăn giữa những tiếng nổ ngay phía sau, nói.
Kharkiv đã bị quân Nga bao vây kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, với các cuộc pháo kích không ngừng đã buộc mọi người phải ngủ trong các ga tàu điện ngầm và trong tầng hầm.
Chính phủ Ukraine cho biết pháo kích vào một nhóm người đang chờ nhận cứu trợ ở những nơi khác trong thành phố đã làm thiệt mạng sáu người hôm 24/5. Hiện chưa thể xác minh cáo buộc này.
Ảnh vệ tinh tàu đổ bộ cháy tại cảng Ukraine
Ảnh vệ tinh mới do Maxar Technologies cung cấp cho thấy một tàu đổ bộ bốc cháy và chìm một phần ở Berdyansk, miền nam Ukraine.
Ảnh vệ tinh chụp được Maxar công bố hôm 25/3 cho thấy khói và lửa bốc lên từ tàu đổ bộ đang neo đậu tại bến cảng thành phố Berdyansk, ven bờ biển Azov. Tàu cũng bị chìm một phần và đám cháy cũng lan sang một tàu buôn đang neo đậu bên cạnh.
Bức ảnh thứ hai cũng cho thấy bể chứa đang bốc cháy nhưng ở góc chụp rộng hơn, bao gồm cảng, và một đám khói trắng bốc lên từ vị trí khác.
Ukraine trước đó nói rằng tàu đổ bộ lớp Alligator của Nga đã bị lực lượng nước này bắn trúng ngày 24/3. "Con tàu bị tấn công ở Berdyansk có thể chở tới 20 xe tăng, 45 xe bọc thép và 400 lính dù", Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Anna Malyar cho hay. "Đây là một mục tiêu lớn bị quân đội chúng tôi đánh trúng".
Tuy nhiên, Ukraine không nêu loại vũ khí được sử dụng và cách thức họ tấn công tàu đổ bộ Nga.Một ngày sau đó, Lầu Năm Góc cho biết con tàu bị tấn công khi đang chuyển hàng tiếp tế cho quân đội Nga ở thành phố Mariupol. Video trên mạng xã hội cho thấy những đám khói bốc ra tại khu vực cầu cảng, cũng như nhiều vụ nổ kèm theo. Hai tàu đổ bộ khác của Nga là Tsesar Kunikov và Novocherkassk nhanh chóng rời cảng sau đó.
Nga chưa bình luận về thông tin này. Trước đó một ngày, kênh RT của Nga đưa tin về tàu Orsk neo đậu ở cảng Berdyansk. Biên tập viên Thomas Newdick của Drive nhận định chưa có bất cứ bằng chứng nào để xác định chính xác điều gì đã gây ra vụ cháy nổ tại cảng Berdyansk.
Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2 và giao tranh đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Lực lượng Nga đã kiểm soát được thành phố lớn Kherson và một số mục tiêu nhỏ hơn như Melitopol. Quân đội Nga hôm 25/3 cho biết đã hoàn thành giai đoạn đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine và đang tập trung nỗ lực để đạt mục tiêu chính là giải phóng Donbass.
Tuy nhiên, Nga đang vấp phải sự kháng cự ở những mục tiêu quan trọng như thành phố Kharkov, Mariupol và thủ đô Kiev... Giới chức Kiev và phương Tây hôm 23/3 cho biết các đơn vị Nga đã bị đẩy lùi ở Kiev và phải chuyển sang thế phòng thủ.