“mong manh cánh lan rừng xanh bên thác uốn quanh”
“Chiều lên Bản Thượng”
Đâu phải lần nầy đơn vị tôi mới lên rừng. Dù ở Tiểu Đoàn hay Thám Sát Delta, “lên rừng” là những cuộc hành quân thông thường và sở trường của chúng tôi. Ba Lòng, A-Shau, An Lão, Dakto… nơi nào không là núi rừng? Chỉ có thời gian Tết Năm Mậu Thân mới đánh nhau với địch ở Thành Phố Nha Trang, Gia Định, Saigon.
Địch ở trên rừng, chúng tôi lên rừng, địch về thành phố, chúng tôi về thành phố. Nơi nào có địch, cấp trên điều là chúng tôi tới.
Phía Tây Quê Hương Việt Nam, núi rừng xanh ngắt trùng điệp, nhìn màu xanh Quê Hương, vừa thấy đẹp, vừa thấy buồn, vừa thấy thương…
Chuyến đi nầy thì thấy thương hơn, lên tới vùng Tây Bắc Kontum, qua khỏi những cái tên mà người Thành Phố đã nghe tới nhiều, nhưng vẫn còn thấy lạ lẫm: Dakto, Dak-Bla, Ban-Het, Tân Cảnh, Tu-Morông, hay các Trại Lực Lượng Đặc Biệt Polei-Kleng, Plei-Djereng kế cận vùng Tam Biên. Tam Biên là khu vực giáp ranh của ba biên giới: Việt, Miên, Lào.
Vào khoảng tháng 2 năm 1971, gần tới Tết con Heo, năm Hợi. Trước ý đồ xảo trá của bọn giặc cọng, chúng muốn tái diễn cái trò lấn đất dành dân, nên đã chuyển quân tràn qua biên giới ngỏ hầu mở ra các cuộc tấn công xâm chiếm Thị Xã Kontum hay một vài Quận Lỵ lân cận để làm áp lực trong cuộc Hội Đàm 4 bên tại Paris.
Việt cọng đã đưa quân theo con đường mòn Hồ Chí Minh, từ Lào, từ Cambodia qua ẩn trú sát nách biên giới trong vùng rừng rú lãnh thổ trách nhiệm của Quân Đoàn II. Để xác định chính xác về đơn vị, cấp số và vùng trú quân của lực lượng địch, ngỏ hầu lập kế hoạch tấn công, tiêu diệt hay phòng thủ. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đã trình xin Bộ Tổng Tham Mưu đưa Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù tăng phái cho Sư Đoàn 22 Bộ Binh để hành quân thám sát kiểm chứng, xác minh.
Toàn bộ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù được không vận đến Phi Trường Kontum, và lập căn cứ Hành Quân ở mạn Tây sát bên hông Phi Đạo.
Vào những ngày cận Tết, Kontum trời se lạnh, thỉnh thoảng có những trận mưa rào, làm cho những chiến binh đang buồn vì phải xa Sài Gòn như chúng tôi lại càng buồn hơn. Từ căn cứ hành quân, lội bộ gần cả cây số mới tới khu phố Hàng Keo, nằm cạnh bờ sông Dak-Bla, để uống một ly cà-phê đen nóng và nghe vài ba bản nhạc giải khuây, ngoài ra chẳng có gì làm vui trên cái xứ cao nguyên hẻo lánh này.
Đêm Giao Thừa, nằm trải dài trên chiếc ghế bố, thỉnh thoảng tôi nghe từng tràng đạn pháo nổ dòn bên tai, ngoài trời thì liên tục được thắp sáng bởi những trái hỏa châu, đầu óc tôi cứ bị đè nặng trong không khí chiến tranh. Chẳng biết đến bao giờ Đất Nước tôi mới không còn bom rơi đạn nổ. Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Sáng vừa thức dậy, Thượng Sĩ Mai Xuân Hùng, Thường Vụ Đại Đội, báo tin cho hay hôm nay sẽ có Biệt Đoàn 5 Văn Nghệ Trung Ương ở Sài Gòn lên trình diễn ủy lạo. Tin thật vui mà lại quá buồn cười. Đơn vị tôi đóng ở ngã tư An Sương, Hốc Môn, Sài Gòn. Biệt Đoàn 5 Văn Nghệ Trung Ương cũng ở Sài Gòn, sao không cho nghe hát ở dưới đó mà kéo nhau lên rừng, bên hát, bên nghe?
Mấy ngày qua, một hai Toán Thám Sát đã xâm nhập hoạt động trong các vùng gần Tam Biên, nằm về hướng Tây Nam Dakto, cách
Trại Polei-Kleng về hướng Tây Bắc khoảng 20 cây số. Các Đại Đội thì đang túc trực ứng chiến tại căn cứ Hành Quân.
Tối lại, ngoài các Sĩ Quan, Binh Sĩ trực hành quân và canh gác, bốn Đại Đội tập trung ngồi phía trước cái sân khấu dã chiến, được kê cao bằng những tấm palette nhôm của Quân Đội Mỹ, đặt trên các thùng “phuy” chứa đầy nước, phía sau là căn lều bạt để các Ca Nghệ Sĩ làm chỗ trang điểm, thay đổi y phục. Ban Nhạc đánh trống thổi kèn trên ấy, Ca Sĩ hát trên ấy, chúng tôi ngồi dưới đất, ngưỡng cổ hào hứng vừa nghe vừa nhìn.
Các Ca Sĩ lần lượt xuất hiện: Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm, Phương Dung, Thanh Mai, Chế Linh, Hùng Cường, Duy Khánh v.v… Các Nữ Ca Sĩ cũng mặc đồ trận, quần áo rằn ri Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Biệt Cách Dù. Mà có gì lạ đâu, các Cô là Binh 1, Hạ Sĩ danh dự của các Quân Binh Chủng mà. Phó Tổng Thống Trần Văn Hương cũng là Hạ Sĩ danh dự đấy. Nghe giới thiệu lon lá như thế, chúng tôi rất vui và vỗ tay hoan hô liên tục, không dứt.
Duy Khánh xuất hiện trên sân khấu. Rất ít người Huế không biết Duy Khánh. Chúng tôi thì rành sáu câu bởi vì khó có ai hát hay hơn Duy Khánh với bài “Xuân nầy con không về!”
Hồi chưa nhập ngũ, gần Tết, tôi cũng bắt chước Duy Khánh: “Con biết bây giờ Mẹ chờ em trông, nhưng nếu con về bạn bè thương mong”. Ông Anh con ông cậu tôi, giáo sư, nghe tôi hát, phán một câu: “Thằng ni bất hiếu. Cha mẹ phải hơn bạn bè chớ !”.
Có lẽ ông Anh tôi ngoài tuổi nhập ngũ, chưa từng đi lính, nên không rõ tình Đồng Đội như thế nào. Sinh ra ta là Cha Mẹ, cứu mạng ta giữa chiến trường là Đồng Đội. Chưa từng đi đánh giặc, chưa từng gặp gian nguy, thập phần sinh tử nên khó biết cái tình Đồng Đội ấy thiêng liêng, cao quí như thế nào. Càng xông pha trận mạc, vào sinh ra tử, tôi hiểu tâm trạng người lính trong bài hát hơn Ông Anh của tôi.
Sau đêm trình diễn, Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương trở về Sài Gòn ngay sáng hôm sau. Chúng tôi đón Xuân không có “thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ”, thiếu cả tiếng pháo đì đùng. Vì Tết Mậu Thân mà bây giờ có lệnh cấm pháo. Đồng bào cũng nản “quân giải phóng” nên không ai còn muốn đốt pháo làm chi để Việt cọng lợi dụng vào Thành Phố mà giết Đồng Bào.
Ba ngày Tết lặng lẽ trôi qua. Buổi sáng Mồng 4, Trung Úy Thứ, Sĩ Quan phụ tá Ban 3 Hành Quân thông báo: Đại Đội 4 có lệnh chuẩn bị hành quân.
Toán 5 Thám Sát Delta, đã chuyển công điện báo cáo là vừa khám phá trên đường mòn Hồ Chí Minh, ở gần ngã ba biên giới, ban đêm có nhiều đoàn xe Molotova và bộ đội Việt cọng từ Lào và Cambodia di chuyển về hướng Đông Đông Nam, trên phần lãnh thổ của Nước ta, dẫn đến gần các căn cứ 5 và 6 trong vùng trách nhiệm của Sư Đoàn 22 trú đóng tại Tân Cảnh.
Theo yêu cầu của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II. Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù có nhiệm vụ tổ chức phục kích tiêu diệt đoàn xe, bắt sống tù binh để khai thác tin tức.
Đại Đội 4 Biệt Cách Dù được giao trách vụ này. Đại Đội Trưởng là Đại Úy Đào Minh Hùng, còn tôi là Đại Đội Phó.
Chiều hôm sau, Đại Đội được trực thăng vận vào vùng hành quân. Bãi đổ bộ nằm ở hướng Nam khu vực Tam Biên, cách đường biên giới Cambodia về hướng Tây chừng 1 km. Hai Trung Đội 3 và 4 do tôi chỉ huy được đổ xuống trước để an ninh bãi, không lâu sau đó là Ban Chỉ Huy Đại Đội và hai Trung Đội 1 và 2. Đại Đội di chuyển chừng cây số thì trời bắt đầu tối nên dừng quân nghỉ đêm.
Sáng dậy, Đại Đội chia ra hai cánh quân, tiến song hành về hướng Đông Bắc để tiếp cận con đường mòn do Toán 5 Thám Sát phát hiện.
Nơi đây chắc hẳn là chốn an toàn của địch, vì trên đường di chuyển Đại Đội đã nhìn thấy có rất nhiều đường dây điện thoại của chúng giăng đầy chằng chịt dọc theo các cành cây, thỉnh thoảng bắt gặp những căn lều trại và bếp núc đã bị bỏ hoang bên những khe suối, dưới những cụm rừng âm u, hoang lạnh.
Đi gần nửa ngày đường, vừa tiếp cận con đường mòn, đang dàn quân bố trí, thì Tổ khinh binh tiền đạo trông thấy một tốp bộ đội Việt cọng đang di chuyển ngược hướng, nên đã nổ súng tác xạ. Bọn địch dạt qua mé rừng bên phải phản công mãnh liệt, nhưng cuối cùng bọn chúng tháo chạy, để lại 05 xác chết tại hiện trường. Có thể đây cũng là đám tiền sát viên của chúng.
Sợ lộ mục tiêu sau khi chạm địch, Đại Úy Hùng cho lệnh Đại Đội di chuyển lên hướng Bắc chừng 500 mét thì dừng lại. Sau khi quan sát địa thế, Đại Đội dàn trải đội hình dọc theo con đường mòn chạy từ Tây sang Đông. Tôi ra lệnh Thiếu Úy Nguyễn Kim Long Trung Đội Trưởng Trung Đội 3 đưa 2 khinh binh bò ra giữa mặt đường để chôn các trái mìn chống chiến xa M.15 dưới các vết xe lăn cũ.
Màn đêm xuống dần, rừng êm ắng, lặng yên và mù mịt tối. Tất cả Binh sĩ ghìm súng nằm chờ đợi. Ở một vài khoảng trống trong khu vực, thỉnh thoảng được những trái hỏa châu trên bầu trời tỏa sáng lờ mờ rồi dần dần tối hẳn.
Ba tiếng đồng hồ đã trôi qua, không một động tĩnh, nhưng không vì thế làm nản lòng các chiến sĩ Đại Đội 4 Biệt Cách Dù, tất cả vẫn ghìm súng trong tư thế sẵn sàng đối phó với địch quân.
Tôi nhìn đồng hồ, đã 12 giờ 30 khuya, vừa định lấy bi đông uống một ngụm nước cho tỉnh táo, thì ầm, ầm, ầm, những tiếng nổ vang dội và chuyển động cả một khu rừng. Ba chiếc xe Molotova của địch đã bị trúng mìn, nằm lật nghiêng, choáng hết cả mặt đường. Tiếng la hét của đám Việt cọng, tiếng súng Đại liên, XM.16, M.79, xen lẫn tiếng đạn AK.47, CKC đã làm cho sự tịch mịch của khu rừng trở nên náo động, ầm ĩ.
Đêm trôi qua rất nhanh. Trời vừa hừng sáng, sau khi kiểm chứng và báo cáo kết quả tổn thất của địch bao gồm: 15 cán binh cọng sản bị sát hại, 03 xe molotova và rất nhiều quân dụng, lương thực đã bị phá hủy hoàn toàn, phía ta 5 chiến sĩ bị thương, trong đó có tôi bị một mãnh tạc đạn cắt vào cổ tay và 1 Hạ Sĩ Quan tử thương về Bộ Chỉ Huy Hành Quân. Đại Đội khởi sự di chuyển trở lại hướng Tây Nam, vừa băng ngược qua con đường mòn, di chuyển lên hướng ngọn đồi trước mặt để đến bãi triệt xuất, thì bất ngờ đạn địch từ trên bắn xuống xối xả, nhưng may nhờ sườn đồi có nhiều đá tảng và cây rừng lớn che chắn, nên chỉ làm bị thương 2 Hạ Sĩ Quan Tiểu Đội Trưởng và 5 Binh Sĩ.
Đại Đội ở vị thế bất lợi hơn địch, Việt cọng ở trên cao. Đại Đội tấn công lên đồi nhiều đợt mà không lên được, hao hụt không ít. Chuẩn Úy Lương Hữu Yên, Trung Đội Trưởng Trung Đội 2, đã bị tử thương, xác còn nằm trên sườn đồi, và không lâu sau đó Chuẩn Úy Trần Thanh Đồng đang tiến quân lên đỉnh đồi ở cánh phải, thì cũng cùng chung số phận, tôi đã hai lần điều động binh sĩ cố bò lên lấy xác, nhưng vì bị hỏa lực địch bắn càng quét dữ dội, nên không thể, Đại Úy Hùng bảo tôi báo cáo tình hình chạm địch và tổn thất về Bộ Chỉ Huy, đồng thời khẩn cấp xin máy bay oanh kích đến dội bom vào vị trí địch ở trên đồi cao.
Tiếng động Trực Thăng bay vòng trên khu vực, qua máy truyền tin PRC.25, tôi nghe rõ tiếng Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Huấn, đang liên lạc hướng dẫn các Phi Tuần Skyraider, A.37, trên đường bay đến để oanh kích chính xác vào tọa độ mục tiêu của địch.
Sau các Phi tuần oanh tạc thì Phi Đội Trực Thăng võ trang xuất hiện, bay vòng quanh, bắn xối xả, liên hồi xuống trên đầu địch. Vừa chấm dứt các đợt oanh kích, tác xạ, hai cánh quân hai mặt của Đại Đội, theo lệnh của Đại Úy Hùng, đã đồng loạt xung phong, tràn lên chiếm lĩnh đỉnh đồi. Xác Chuẩn Úy Yên và một số Binh sĩ đã được Thiếu Úy Long đưa một Tiểu Đội khiêng vác mang theo. Riêng thi thể Chuẩn Úy Đồng, vì nằm gần vị trí địch, nên đã không còn tìm thấy xác sau khi các chiến đấu cơ đã dội bom yểm trợ khốc liệt.
Quân địch hoàn toàn tan rã, bỏ thây rãi rác chung quanh đồi, 20 xác đếm được, còn một số “chém vè” cao bay xa chạy, tịch thu rất nhiều loại vũ khí, máy móc và quân dụng.
Vậy rồi, ngay chiều hôm đó, Đại Đội vừa tải thương vừa di chuyển đến bãi triệt xuất. Tới điểm hẹn, chờ không bao lâu thì một Đoàn Trực Thăng đáp xuống thấp. Từng Trung Đội đưa xác tử sĩ và thương binh lên trước, xong thay nhau nhảy lên các chiếc kế tiếp. Lần lượt Đại Đội đã được bốc đưa về lại Căn Cứ Hành Quân ở Phi Trường Kontum.
Cách hành quân của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù thường như thế. Thả các Toán Thám Sát vào các mật khu của địch, thông thường là ở những vùng dọc theo biên giới, núi non hiểm trở, ngoài tầm tác xạ, yểm trợ của Pháo Binh, để khám phá các căn cứ, kho tàng, địa đạo và lực lượng của Việt cọng. Nhưng, nếu cần thiết thanh toán mục tiêu, hành quân tiêu diệt, phục kích, thì các Đại Đội xung kích sẽ đảm nhận trách nhiệm.
Đây cũng là một trong hai cuộc phục kích hiếm hoi trong lòng địch, nơi các mật khu bất khả xâm phạm của bọn chúng, trước đây vào năm 1968 tại thung lũng Ashau, mà chỉ có lực lượng duy nhất là Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù mới có thể lập nên thành tích, công trạng lịch sử này.
Kontum là đây! Tam Biên là đây!
Lòng chúng tôi vui. Và trong niềm vui trở về, tôi bỗng nhớ một bài hát: “Đường lên núi rừng! Sao hãi hùng”.
Hãi hùng là tự người khác đem đến cho ta, từ con người, không phải từ thiên nhiên.
Người yêu Quê Hương thì không thấy Quê Hương mình hãi hùng bao giờ!
Lê Đắc Lực – Tàn Cơn Binh Lửa (9) – Chiến trường Tam Biên
https://dongsongcu.wordpress.com/
Sinh Tồn chuyển