Cõi Người Ta
Cuba sẽ giống Việt Nam?
Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt với sự sụp đổ và tan rã của khối cộng sản, nay chỉ còn lại vài nước cộng sản là Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Triều Tiên.
Trong ngoại giao, khi Hoa Kỳ quyết định mở ra quan hệ với một nước cộng sản thì đó là sự kiện lịch sử. Trung Quốc năm 1972 với Tổng thống Richard Nixon đi Bắc Kinh và 1979 kết nối bang giao. Việt Nam 1994 khi Tổng thống Bill Clinton quyết định bỏ cấm vận và một năm sau thì bình thường hoá quan hệ ngoại giao.
Tháng 12 năm ngoái Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đồng ý mở ra những thương thảo để tiến tới việc nối lại quan hệ hai nước sau nửa thế kỷ đóng băng. Trong bốn tháng qua Cuba đã trở thành những thông tin hàng đầu đối với truyền thông Mỹ qua nhiều bài tường thuật, phóng sự, quan điểm, bình luận về tương lai quan hệ và những hy vọng phát triển nhiều mặt một khi hai nước có bang giao.
Hiện nay công dân các nước đều có thể du lịch Cuba, trừ công dân Hoa Kỳ bị giới hạn bởi luật Mỹ. Nhưng sao Cuba lại mong được giao thương và đón du khách từ Hoa Kỳ? Vì chính sách cấm vận của Mỹ là cản trở cho Cuba thu hút đầu tư nước ngoài.
Ở sát bên mà người Mỹ không thể dễ dàng đến nên Cuba còn là một đất nước huyền bí. Nơi đó, khi nhắc đến còn gợi nhớ cho họ về những căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh với cuộc khủng hoảng suýt đưa đến chiến tranh nguyên tử giữa Mỹ và Liên Xô, về thất bại của Mỹ trong vụ tấn công ở Vịnh Con Heo dưới thời Tổng thống John F. Kennedy.
Cũng như khi nhắc đến Việt Nam, nhiều người Mỹ vẫn có những cảm xúc yêu ghét hoặc tò mò vì hệ lụy của chiến tranh. Nhưng nếu muốn du lịch Việt Nam cũng không dễ vì khoảng cách xa xôi vạn dặm, dài cả hai chục giờ bay. Trong khi Cuba ngay sát bên, cách tiểu bang Florida chưa đến một giờ bay mà người Mỹ muốn sang chơi lại cũng không được tự do qua đó.
Trong một chuyến đi Cuba hai năm trước, khi thảo luận câu hỏi vì sao Cuba hấp dẫn đối với người Mỹ, tôi nghe trả lời là vì trong quá khứ, trước khi hai nước trở thành thù nghịch, Havana đã là nơi cuối tuần nhiều người Mỹ qua đánh bạc, uống rượu vì những thứ này ở Mỹ bị giới hạn. Cuba thân thiết với người Mỹ qua nhà văn Ernest Hemingway, qua những điếu xì-gà, những chai rượu rum.
Ngày nay đến Cuba là phải uống rum, hút xì-gà, nhưng không còn chỗ cờ bạc. Nơi đoàn chúng tôi cư ngụ là một khách sạn với tầng dưới cùng là sòng bài, bị bỏ hoang từ sau khi chính quyền cách mạng của Fidel Castro quốc hữu hoá tài sản của công ti Mỹ. Dấu tích của chốn đỏ đen vẫn còn đó, âm u, đóng bụi vì không người ra vào từ nửa thế kỷ qua.
Một khách sạn khác là Tropicana, cũng có sòng bài, múa cột thời thập niên 1950. Trong nhà hàng còn nhiều ảnh trắng đen ghi dấu một thời những nghệ sĩ nổi danh của Mỹ đã đến nghỉ hè, vui chơi, bài bạc. Tất cả chỉ còn là kỉ niệm của quá khứ dễ dàng qua lại giữa hai nước.
Một người Cuba là hướng dẫn viên cho đoàn nói rằng bộ mặt Havana không thay đổi nhiều trong nửa thế kỷ qua.
Đi quanh Havana, ở khu phố cổ có ít nhiều công trình đang được tái thiết, còn các nơi khác nhà cửa xuống cấp, bạc mầu, tường vỡ mục.
Khách sạn Riviera nơi chúng tôi cư ngụ, cao 20 tầng, được xây từ năm 1957, không có dấu chỉ được sơn sửa gì. Khi mưa bị dột nước ngay khu lễ tân. Một bạn đồng hành kể đêm thấy nước rỏ tóc tách xuống sàn nhà. Còn trong phòng của mình, tôi thấy từ bàn ghế đến đèn giường đều có chữ viết tay ghi mã số trên từng đồ vật. Như sợ bị mất cắp hay sao?
Cũng giống như những thùng đồ người Mỹ gốc Cuba đem về trên cùng chuyến bay mà tôi quan sát khi làm thủ tục ở phi trường Miami. Những gói hàng, kể cả những vali đã được quấn thêm nhiều lớp ni-lông để không bị moi móc khi đến nơi.
Từ vài năm qua, Hoa Kỳ có chính sách mở hơn đối với người Mỹ gốc Cuba, cho phép họ về thăm quê hương, mang tiền về tiêu và hàng hóa cho thân nhân. Đầu thập niên 1990 Hoa Kỳ cũng đã có chính sách như thế đối với người Việt ở Mỹ.
Những năm gần đây, sau nhiều thập niên áp dụng chính sách kinh tế tập trung, nhà nước Cuba đã cho phép tư nhân như kinh doanh như cho thuê phòng, cho mở nhà hàng. Người dân Cuba ngày nay cũng đã được phép ở trong khách sạn. Cách đây dăm bảy năm thì không.
Tạp chí TIME ở Mỹ tuần qua đã có nguyên trang quảng cáo thuê phòng ở Cuba, gọi là B&B (Bed and Breakfast) và công ti dịch vụ Airbnb cho biết hiện có cả nghìn căn phòng cho du khách. Đây là loại nhà nghỉ thường dành cho khách du lịch tây ba lô. Thực ra nếu lúc này du khách Mỹ ào ạt tới, Havana không đủ tiện nghi cao cấp để đón.
Lúc ở Havana, tôi và các bạn có đi ăn tại vài nhà hàng tư nhân, thường là một căn nhà mặt đường nay mở quán ăn ở mặt tiền, phía sau hay trên lầu vẫn là nơi sinh sống.
Trước đây ít có cửa hàng ăn uống vì chính sách chỉ cho phép có 12 ghế ngồi và việc tìm mua rau, thịt bị giới hạn bởi tem phiếu. Ngày nay người dân vẫn mua thực phẩm theo chế độ tem phiếu ở cửa hàng nhà nước, nhưng nhiều nơi đã có “chợ nông dân” được tự do bán nhiều thực phẩm và không do nhà nước quản lí.
Đi ăn uống, tham quan nhiều nơi, gặp người dân khi biết chúng tôi đến từ Hoa Kỳ, họ thường nói dân Cuba chào đón du khách Mỹ, còn chuyện bang giao cấm vận là chuyện chính trị giữa hai chính phủ.
Điều này tôi đã nghe quen. Việt Nam trong những năm tháng còn bị Hoa Kỳ cấm vận, người Việt trong nước cũng thường nói vậy.
Người dân muốn thân với Mỹ, nhưng tư tưởng chống Hoa Kỳ vẫn còn trong những bài viết trên báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba; trong những trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng và những cá nhân thù ghét Hoa Kỳ. Trong lời giới thiệu về một nghệ sĩ điêu khắc có tác phẩm được sưu tầm, trưng bày ở một số nước với các tên quốc gia đều viết hoa, còn “Hoa Kỳ” viết thường. Hỏi người hướng dẫn, anh cho biết đó là cách người nghệ sĩ bày tỏ sự khinh miệt nước Mỹ.
Nhìn lại quan hệ Mỹ-Việt và Mỹ-Cuba thì quan hệ Mỹ-Việt đã có những tiến bộ nhanh hơn rất nhiều.
Hai nước cùng bị Hoa Kỳ cấm vận, Cuba từ 1961, Bắc Việt 1964 và từ 1975 là toàn cõi Việt Nam. Ba mươi năm sau Mỹ gỡ bỏ cấm vận Việt Nam và năm 1995 hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao.
Với Cuba, đến nay đã nửa thế kỷ mà hai nước vẫn chưa bang giao và lệnh cấm vận của Mỹ vẫn còn.
Khi ở Havana, các bạn hỏi tôi về cảm nhận và so sánh giữa Cuba với Việt Nam. Tôi nói rằng có nhiều thứ ở Cuba hiện tại giống Việt Nam trong những năm đầu thập niên 1990. Đó là liên lạc điện thoại, lúc đó gọi từ Mỹ về Việt Nam hay ngược lại, một phút là 2 hay 3 đôla. Ở Cuba bây giờ, gọi về Mỹ là 2 đô 55 xu cho một phút. Khi mới có Internet, gửi và nhận email từ Việt Nam cũng phải trả tiền vì viễn thông chưa phát triển. Hiện nay Internet ở Cuba chưa phổ thông. Khách sạn Riviera chỉ có ba máy tính nối mạng và lệ phí sử dụng là 8 CUC, tức hơn 8 đôla, cho 30 phút. Điện thoại cầm tay coi như không có.
Trong những buổi học về chính sách giáo dục, y tế hay nghệ thuật, các giáo sư, bác sĩ, nhà văn hoá đều trích dẫn hiến pháp và luật pháp với những bảo đảm cho bình quyền, cho các quyền tự do của dân. Các diễn giả cũng thường nhắc đến cột mốc thời gian năm 1959, là khi Cách mạng Cuba do Fidel Castro cầm đầu lật đổ chính quyền Fulgencio Batista thân Mỹ để đưa Cuba theo chủ nghĩa xã hội. Cũng như ở Việt Nam, dấu mốc là năm 1975 với chủ nghĩa xã hội được áp đặt lên toàn đất nước.
Hiến pháp hiện hành của Cuba có Điều 5 dành quyền lãnh đạo tối cao cho Đảng Cộng sản Cuba, tín đồ của tư tưởng Jose Martí và chủ nghĩa Mác-Lênin. Hiến pháp Việt Nam cũng có điều khoản tương tự, là Điều 4, với tư tưởng Hồ Chí Minh thay cho Jose Martí.
Về liên lạc viễn thông bưu điện giữa Cuba và Hoa Kỳ ngày nay còn tệ hơn so với Việt Nam trong thập niên 1980. Khi ở Havana tôi gửi hai bưu thiếp về cho gia đình ở California. Ba tháng sau mới nhận được.
Khác nhau giữa Cuba và Việt Nam, nếu so với Hà Nội hay Sài Gòn thì Havana không nhiều cửa hàng và rất ít xe hai bánh. Đặc biệt đường phố Havana không có bất cứ bảng quảng cáo sản phẩm thương mại nào, chỉ toàn những khẩu hiệu cách mạng.
Hoa Kỳ và Cuba sẽ mở sứ quán trong tương lai không xa. Lệnh cấm vận rồi cũng sẽ được gỡ bỏ. Giao thương hai nước sẽ phát triển.
Nhưng Cuba một hai thập niên nữa có sẽ như Việt Nam ngày nay? Tôi tin sẽ như thế. Với quan hệ hai nước mở ra sẽ giúp phát triển thương mại, đô thị cho Cuba. Đường phố sẽ nhộn nhịp xe cộ, rộn ràng những quảng cáo thương hiệu thay cho khẩu hiệu cách mạng.
Nhưng trong giáo dục và y tế chắc không, vì qua những thăm viếng cơ sở y tế, trường học và qua những bài giảng, với những câu hỏi của thành viên trong đoàn đưa ra thì chính phủ Cuba vẫn coi hệ thống giáo dục và y tế là một điểm son của đất nước xã hội chủ nghĩa, nơi mọi người được đi học và chăm sóc sức khoẻ miễn phí. Hy vọng Cuba sẽ duy trì những chính sách như thế, đặc biệt là y tế với nhiều bác sĩ có khả năng làm việc trong các công tác thiện nguyện quốc tế từ mấy thập niên qua.
Sức đẩy cho quan hệ tốt hơn giữa Hoa Kỳ và Cuba đã bắt đầu có động lực. Hoa Kỳ đang từng bước tiến tới bình thường hoá quan hệ với Cuba, như đã thực hiện với Việt Nam. Chính sách mở ra bang giao, Tổng thống Barack Obama hy vọng những giao tiếp sẽ đem lại tự do, dân chủ cho dân tộc Cuba. Nhưng bài học Việt Nam vẫn còn đó, sau 20 năm bang giao Hà Nội vẫn chưa có những cải cách đem đến cho dân những quyền chính trị. Điều này đã được các dân biểu, nghị sĩ đưa ra để phản bác lại luận điểm của chính quyền Obama.
Cuba và Việt Nam là những quốc gia cộng sản còn lại, nhưng hai nước có hai vị trí địa chính trị rất khác biệt. Cuba không ở sát bên một nước khổng lồ cũng theo chủ nghĩa cộng sản là Trung Quốc mà ở cạnh một nước tư bản lớn đứng đầu thế giới là Mỹ.
Cuba rồi có giống hay khác Việt Nam trong quan hệ với Hoa Kỳ và những tiến trình cải cách dân chủ trong tương lai sẽ ra sao? Phải chờ xem.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Bàn ra tán vào (0)
Cuba sẽ giống Việt Nam?
Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt với sự sụp đổ và tan rã của khối cộng sản, nay chỉ còn lại vài nước cộng sản là Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Triều Tiên.
Trong ngoại giao, khi Hoa Kỳ quyết định mở ra quan hệ với một nước cộng sản thì đó là sự kiện lịch sử. Trung Quốc năm 1972 với Tổng thống Richard Nixon đi Bắc Kinh và 1979 kết nối bang giao. Việt Nam 1994 khi Tổng thống Bill Clinton quyết định bỏ cấm vận và một năm sau thì bình thường hoá quan hệ ngoại giao.
Tháng 12 năm ngoái Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đồng ý mở ra những thương thảo để tiến tới việc nối lại quan hệ hai nước sau nửa thế kỷ đóng băng. Trong bốn tháng qua Cuba đã trở thành những thông tin hàng đầu đối với truyền thông Mỹ qua nhiều bài tường thuật, phóng sự, quan điểm, bình luận về tương lai quan hệ và những hy vọng phát triển nhiều mặt một khi hai nước có bang giao.
Hiện nay công dân các nước đều có thể du lịch Cuba, trừ công dân Hoa Kỳ bị giới hạn bởi luật Mỹ. Nhưng sao Cuba lại mong được giao thương và đón du khách từ Hoa Kỳ? Vì chính sách cấm vận của Mỹ là cản trở cho Cuba thu hút đầu tư nước ngoài.
Ở sát bên mà người Mỹ không thể dễ dàng đến nên Cuba còn là một đất nước huyền bí. Nơi đó, khi nhắc đến còn gợi nhớ cho họ về những căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh với cuộc khủng hoảng suýt đưa đến chiến tranh nguyên tử giữa Mỹ và Liên Xô, về thất bại của Mỹ trong vụ tấn công ở Vịnh Con Heo dưới thời Tổng thống John F. Kennedy.
Cũng như khi nhắc đến Việt Nam, nhiều người Mỹ vẫn có những cảm xúc yêu ghét hoặc tò mò vì hệ lụy của chiến tranh. Nhưng nếu muốn du lịch Việt Nam cũng không dễ vì khoảng cách xa xôi vạn dặm, dài cả hai chục giờ bay. Trong khi Cuba ngay sát bên, cách tiểu bang Florida chưa đến một giờ bay mà người Mỹ muốn sang chơi lại cũng không được tự do qua đó.
Trong một chuyến đi Cuba hai năm trước, khi thảo luận câu hỏi vì sao Cuba hấp dẫn đối với người Mỹ, tôi nghe trả lời là vì trong quá khứ, trước khi hai nước trở thành thù nghịch, Havana đã là nơi cuối tuần nhiều người Mỹ qua đánh bạc, uống rượu vì những thứ này ở Mỹ bị giới hạn. Cuba thân thiết với người Mỹ qua nhà văn Ernest Hemingway, qua những điếu xì-gà, những chai rượu rum.
Ngày nay đến Cuba là phải uống rum, hút xì-gà, nhưng không còn chỗ cờ bạc. Nơi đoàn chúng tôi cư ngụ là một khách sạn với tầng dưới cùng là sòng bài, bị bỏ hoang từ sau khi chính quyền cách mạng của Fidel Castro quốc hữu hoá tài sản của công ti Mỹ. Dấu tích của chốn đỏ đen vẫn còn đó, âm u, đóng bụi vì không người ra vào từ nửa thế kỷ qua.
Một khách sạn khác là Tropicana, cũng có sòng bài, múa cột thời thập niên 1950. Trong nhà hàng còn nhiều ảnh trắng đen ghi dấu một thời những nghệ sĩ nổi danh của Mỹ đã đến nghỉ hè, vui chơi, bài bạc. Tất cả chỉ còn là kỉ niệm của quá khứ dễ dàng qua lại giữa hai nước.
Một người Cuba là hướng dẫn viên cho đoàn nói rằng bộ mặt Havana không thay đổi nhiều trong nửa thế kỷ qua.
Đi quanh Havana, ở khu phố cổ có ít nhiều công trình đang được tái thiết, còn các nơi khác nhà cửa xuống cấp, bạc mầu, tường vỡ mục.
Khách sạn Riviera nơi chúng tôi cư ngụ, cao 20 tầng, được xây từ năm 1957, không có dấu chỉ được sơn sửa gì. Khi mưa bị dột nước ngay khu lễ tân. Một bạn đồng hành kể đêm thấy nước rỏ tóc tách xuống sàn nhà. Còn trong phòng của mình, tôi thấy từ bàn ghế đến đèn giường đều có chữ viết tay ghi mã số trên từng đồ vật. Như sợ bị mất cắp hay sao?
Cũng giống như những thùng đồ người Mỹ gốc Cuba đem về trên cùng chuyến bay mà tôi quan sát khi làm thủ tục ở phi trường Miami. Những gói hàng, kể cả những vali đã được quấn thêm nhiều lớp ni-lông để không bị moi móc khi đến nơi.
Từ vài năm qua, Hoa Kỳ có chính sách mở hơn đối với người Mỹ gốc Cuba, cho phép họ về thăm quê hương, mang tiền về tiêu và hàng hóa cho thân nhân. Đầu thập niên 1990 Hoa Kỳ cũng đã có chính sách như thế đối với người Việt ở Mỹ.
Những năm gần đây, sau nhiều thập niên áp dụng chính sách kinh tế tập trung, nhà nước Cuba đã cho phép tư nhân như kinh doanh như cho thuê phòng, cho mở nhà hàng. Người dân Cuba ngày nay cũng đã được phép ở trong khách sạn. Cách đây dăm bảy năm thì không.
Tạp chí TIME ở Mỹ tuần qua đã có nguyên trang quảng cáo thuê phòng ở Cuba, gọi là B&B (Bed and Breakfast) và công ti dịch vụ Airbnb cho biết hiện có cả nghìn căn phòng cho du khách. Đây là loại nhà nghỉ thường dành cho khách du lịch tây ba lô. Thực ra nếu lúc này du khách Mỹ ào ạt tới, Havana không đủ tiện nghi cao cấp để đón.
Lúc ở Havana, tôi và các bạn có đi ăn tại vài nhà hàng tư nhân, thường là một căn nhà mặt đường nay mở quán ăn ở mặt tiền, phía sau hay trên lầu vẫn là nơi sinh sống.
Trước đây ít có cửa hàng ăn uống vì chính sách chỉ cho phép có 12 ghế ngồi và việc tìm mua rau, thịt bị giới hạn bởi tem phiếu. Ngày nay người dân vẫn mua thực phẩm theo chế độ tem phiếu ở cửa hàng nhà nước, nhưng nhiều nơi đã có “chợ nông dân” được tự do bán nhiều thực phẩm và không do nhà nước quản lí.
Đi ăn uống, tham quan nhiều nơi, gặp người dân khi biết chúng tôi đến từ Hoa Kỳ, họ thường nói dân Cuba chào đón du khách Mỹ, còn chuyện bang giao cấm vận là chuyện chính trị giữa hai chính phủ.
Điều này tôi đã nghe quen. Việt Nam trong những năm tháng còn bị Hoa Kỳ cấm vận, người Việt trong nước cũng thường nói vậy.
Người dân muốn thân với Mỹ, nhưng tư tưởng chống Hoa Kỳ vẫn còn trong những bài viết trên báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba; trong những trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng và những cá nhân thù ghét Hoa Kỳ. Trong lời giới thiệu về một nghệ sĩ điêu khắc có tác phẩm được sưu tầm, trưng bày ở một số nước với các tên quốc gia đều viết hoa, còn “Hoa Kỳ” viết thường. Hỏi người hướng dẫn, anh cho biết đó là cách người nghệ sĩ bày tỏ sự khinh miệt nước Mỹ.
Nhìn lại quan hệ Mỹ-Việt và Mỹ-Cuba thì quan hệ Mỹ-Việt đã có những tiến bộ nhanh hơn rất nhiều.
Hai nước cùng bị Hoa Kỳ cấm vận, Cuba từ 1961, Bắc Việt 1964 và từ 1975 là toàn cõi Việt Nam. Ba mươi năm sau Mỹ gỡ bỏ cấm vận Việt Nam và năm 1995 hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao.
Với Cuba, đến nay đã nửa thế kỷ mà hai nước vẫn chưa bang giao và lệnh cấm vận của Mỹ vẫn còn.
Khi ở Havana, các bạn hỏi tôi về cảm nhận và so sánh giữa Cuba với Việt Nam. Tôi nói rằng có nhiều thứ ở Cuba hiện tại giống Việt Nam trong những năm đầu thập niên 1990. Đó là liên lạc điện thoại, lúc đó gọi từ Mỹ về Việt Nam hay ngược lại, một phút là 2 hay 3 đôla. Ở Cuba bây giờ, gọi về Mỹ là 2 đô 55 xu cho một phút. Khi mới có Internet, gửi và nhận email từ Việt Nam cũng phải trả tiền vì viễn thông chưa phát triển. Hiện nay Internet ở Cuba chưa phổ thông. Khách sạn Riviera chỉ có ba máy tính nối mạng và lệ phí sử dụng là 8 CUC, tức hơn 8 đôla, cho 30 phút. Điện thoại cầm tay coi như không có.
Trong những buổi học về chính sách giáo dục, y tế hay nghệ thuật, các giáo sư, bác sĩ, nhà văn hoá đều trích dẫn hiến pháp và luật pháp với những bảo đảm cho bình quyền, cho các quyền tự do của dân. Các diễn giả cũng thường nhắc đến cột mốc thời gian năm 1959, là khi Cách mạng Cuba do Fidel Castro cầm đầu lật đổ chính quyền Fulgencio Batista thân Mỹ để đưa Cuba theo chủ nghĩa xã hội. Cũng như ở Việt Nam, dấu mốc là năm 1975 với chủ nghĩa xã hội được áp đặt lên toàn đất nước.
Hiến pháp hiện hành của Cuba có Điều 5 dành quyền lãnh đạo tối cao cho Đảng Cộng sản Cuba, tín đồ của tư tưởng Jose Martí và chủ nghĩa Mác-Lênin. Hiến pháp Việt Nam cũng có điều khoản tương tự, là Điều 4, với tư tưởng Hồ Chí Minh thay cho Jose Martí.
Về liên lạc viễn thông bưu điện giữa Cuba và Hoa Kỳ ngày nay còn tệ hơn so với Việt Nam trong thập niên 1980. Khi ở Havana tôi gửi hai bưu thiếp về cho gia đình ở California. Ba tháng sau mới nhận được.
Khác nhau giữa Cuba và Việt Nam, nếu so với Hà Nội hay Sài Gòn thì Havana không nhiều cửa hàng và rất ít xe hai bánh. Đặc biệt đường phố Havana không có bất cứ bảng quảng cáo sản phẩm thương mại nào, chỉ toàn những khẩu hiệu cách mạng.
Hoa Kỳ và Cuba sẽ mở sứ quán trong tương lai không xa. Lệnh cấm vận rồi cũng sẽ được gỡ bỏ. Giao thương hai nước sẽ phát triển.
Nhưng Cuba một hai thập niên nữa có sẽ như Việt Nam ngày nay? Tôi tin sẽ như thế. Với quan hệ hai nước mở ra sẽ giúp phát triển thương mại, đô thị cho Cuba. Đường phố sẽ nhộn nhịp xe cộ, rộn ràng những quảng cáo thương hiệu thay cho khẩu hiệu cách mạng.
Nhưng trong giáo dục và y tế chắc không, vì qua những thăm viếng cơ sở y tế, trường học và qua những bài giảng, với những câu hỏi của thành viên trong đoàn đưa ra thì chính phủ Cuba vẫn coi hệ thống giáo dục và y tế là một điểm son của đất nước xã hội chủ nghĩa, nơi mọi người được đi học và chăm sóc sức khoẻ miễn phí. Hy vọng Cuba sẽ duy trì những chính sách như thế, đặc biệt là y tế với nhiều bác sĩ có khả năng làm việc trong các công tác thiện nguyện quốc tế từ mấy thập niên qua.
Sức đẩy cho quan hệ tốt hơn giữa Hoa Kỳ và Cuba đã bắt đầu có động lực. Hoa Kỳ đang từng bước tiến tới bình thường hoá quan hệ với Cuba, như đã thực hiện với Việt Nam. Chính sách mở ra bang giao, Tổng thống Barack Obama hy vọng những giao tiếp sẽ đem lại tự do, dân chủ cho dân tộc Cuba. Nhưng bài học Việt Nam vẫn còn đó, sau 20 năm bang giao Hà Nội vẫn chưa có những cải cách đem đến cho dân những quyền chính trị. Điều này đã được các dân biểu, nghị sĩ đưa ra để phản bác lại luận điểm của chính quyền Obama.
Cuba và Việt Nam là những quốc gia cộng sản còn lại, nhưng hai nước có hai vị trí địa chính trị rất khác biệt. Cuba không ở sát bên một nước khổng lồ cũng theo chủ nghĩa cộng sản là Trung Quốc mà ở cạnh một nước tư bản lớn đứng đầu thế giới là Mỹ.
Cuba rồi có giống hay khác Việt Nam trong quan hệ với Hoa Kỳ và những tiến trình cải cách dân chủ trong tương lai sẽ ra sao? Phải chờ xem.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.