Lễ hội thịt chó vốn gây nhiều tranh cãi bắt đầu diễn ra tại thành phố Ngọc Lâm, Trung Quốc, dù có tin trước đó nói sự kiện này đã bị hủy bỏ hoặc giảm quy mô tổ chức trong năm nay.
Lễ hội thịt chó Ngọc Lâm Lệ Chi Cẩu Nhục Tiết được tổ chức hàng năm tại tỉnh Quảng Tây.
Hồi đầu năm, các nhà vận động Mỹ nói rằng những người bán thịt đã được giới chức yêu cầu không bán thịt chó nữa.
Lễ hội thịt chó TQ diễn ra dù bị chỉ trích
Thịt chó: 'Truyền thống hay tàn bạo?'
Thịt chó và những món 'dị' nhất Indonesia
Tuy nhiên, các chủ sạp nói với BBC rằng họ không nghe giới chức nói gì. Hôm 15/5, các viên chức thành phố xác nhận là không có lệnh cấm.
Thịt chó vẫn được bày bán?
Hôm thứ Tư, các tường thuật từ Ngọc Lâm nói rằng các con chó đã bị giết chết vẫn thấy được treo móc trên các sạp hàng ở chợ Động Khẩu, là chợ lớn nhất thành phố.
Cũng có những tường thuật nói cảnh sát hiện diện dày đặc trên đường phố.
Một nhà hoạt động tại đây nói với BBC rằng bà đã bị cảnh sát chặn, không cho vào chợ Dashichang, nơi bà tin là người ta đem bán chó sống.
Trong những năm trước, đã có những vụ ẩu đả giữa các chủ sạp hàng và các nhà hoạt động tìm cách cứu chó khỏi bị giết mổ.
Thành phố Ngọc Lâm không phải là nơi tiêu thụ thịt chó lớn nhất tỉnh Quảng Tây. Chỉ từ khi nơi đây tổ chức lễ hội thịt chó, từ khoảng 10 năm trước, thành phố mới thu hút sự chú ý trong nước cũng như quốc tế.
Ăn thịt chó có gì sai?
Chuyện này liên quan tới các cáo buộc về đối xử tàn nhẫn với động vật, và về việc kêu gọi thay đổi thái độ đối với chó ở Trung Quốc.
Cư dân địa phương và những người bán thịt chó nói rằng chó được giết mổ một cách nhân đạo, và việc ăn thịt chó không hề tàn nhẫn gì hơn so với ăn bò, heo hay gà.
Ăn thịt chó là một thói quen truyền thống tại Trung Quốc, Nam Hàn và một số nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
Những người ưa món này tỏ ra không hài lòng và nói người nước ngoài đang can thiệp vào các truyền thống địa phương.
Trong văn hóa Trung Quốc, thịt chó được cho là bổ dưỡng trong những tháng hè nóng nực.
Ngay cả nhiều người không ăn thịt chó cũng bảo vệ việc này, nếu như chó không phải là bị bắt trộm hay giết một cách dã man.
Nhưng những người chỉ trích nói rằng chó được chuyển từ các thành phố khác trong các lồng cũi chật chội tới nơi tổ chức lễ hội, và bị giết một cách tàn nhẫn. Các nhà hoạt động cũng nói rằng có nhiều con chó đã bị bắt trộm.
Những người phản đối lễ hội kéo đến từ nhiều nơi khác nhau trên cả nước Trung Quốc. Số lượng chó cưng được nuôi ở nước này tăng vọt trong các năm gần đây, với số lượng đăng ký lên tới 62 triệu con.
Điều này làm người dân dần thay đổi thái độ đối với việc ăn thịt chó.
Tại sao năm nay lại thành chuyện?
Hồi tháng Năm, các nhà hoạt động Mỹ nói rằng đã có ban hành lệnh cấm bán thịt chó. Nhưng không phải là với lễ hội này.
Chính quyền Ngọc Lâm lặp đi lặp lại rằng họ không chính thức tổ chức lễ hội, cho nên không thể cấm. Ăn thịt chó không phải là việc bất hợp pháp tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương không hài lòng về việc tin tức được đăng tải trên khắp mặt báo hàng năm.
Hồi 2016, họ đã cấm việc giết mổ chó nơi công cộng, nhằm đáp ứng đòi hỏi của các cuộc biểu tình.
Năm nay, các tường thuật nói đã xảy ra ít các vụ giết mổ công khai hơn, tuy nhiên quy mô tổ chức lễ hội hiện vẫn chưa rõ là ở mức nào.
Các nhà hoạt động ước tính vào những năm cao điểm có khoảng 10 ngàn con chó và mèo bị giết và ăn thịt trong thời gian 10 ngày lễ hội.