Văn Học & Nghệ Thuật
Kiều nữ miền Viễn Tây
Những câu chuyện miền Viễn Tây không thể thiếu hình ảnh người phụ nữ, nhất là các kiều nữ. Ở thế kỷ khi mà giá trị đạo đức và tôn giáo còn nghiêm khắc thì một người kiều nữ hiếm hoi ở vùng đầy cao bồi tứ chiếng luôn làm nên sóng gió chốn giang hồ và sóng sánh những men say.
Những người năm 49 của thời kỳ sốt vàng ở California gọi họ là “ladies of the line” phải xếp hàng để… mua vui. Trong khi dân cao bồi thì gọi họ với những từ mỹ miều bóng bẩy như “con bồ câu đất”, “thiên thần sa ngã”, “nữ thần đồng hoang” và nhiều tên khác. Nhưng phổ biến nhất là Painted Ladies – Những cô gái sơn son trét phấn, với trang phục, nước hoa, trang điểm và cung cách gọi mời mà những chàng trai chưa bao giờ tìm thấy ở mạn đông sông Missouri, nơi trước đây chỉ có các quầy beer Ðức, nơi mà các cô gái trong nhà hàng quán ăn chỉ là con gái hay vợ của chủ quán.
Cùng với các saloon nở rộ dọc miền Tây là các kiều nữ. Những người đạo đức chia các kiều nữ ra 2 loại: loại “xấu” và “tệ”. Loại xấu là gái nhảy múa ca hát, hầu bàn bên cạnh các chàng trai xa quê, bên cạnh các tay đánh bài đen đỏ, bên cạnh các ly rượu giải sầu…Và loại tệ là gái làm điếm. Hẳn nhiên là ranh giới giữa 2 loại gái này mong manh và lẫn lộn.
Không phải saloon nào cũng có gái. Tuy vậy đa số các saloon đều có gái làm thuê. Họ tăng lợi nhuận và danh tiếng của quán. Các quảng cáo và truyền tai đã hấp dẫn gọi mời các cô gái quê, các góa phụ, nhiều cô mang nặng giá trị cổ truyền cũng phải xao lòng với đồng lương 10 đô một tuần, công việc nhẹ nhàng lại được mặc đẹp. Áo quần của các cô hiếm thấy trên đường phố; màu sắc hoa hòe sặc sỡ, váy ngắn ngang đầu gối, eo thật bó bằng chiếc corset và ngực lấp ló gọi mời, khách không biết bên trong giấu tiền típ hay con dao nhỏ cán chạm trổ phòng khi khách sàm sỡ. Cánh tay trần mang đôi găng tay vải ren ra dáng quý tộc làm cho khách giang hồ quên đi những bụi bặm trong hầm mỏ; đôi giày cao gót và đôi vớ lụa gắn vài bông hoa đăng ten mà men rượu làm cho càng long lanh quyến rũ hơn; bên trong vớ có cây súng ngắn thật nhỏ làm cho khách say quá trớn phải e dè. Cùng với mái tóc bới cao cổ khoe vai trần và chiếc trâm cài kết hoa, lắm khi một chiếc mũ rộng vành thời phục hưng và mùi nước hoa rẻ tiền. Các nàng kiều nữ làm nên huyền thoại cho các saloon.
Các chàng cao bồi thường mang giá trị đạo đức và tôn giáo từ quê cũ, khi đến miền đất mới những khát vọng bị kềm giữ lâu ngày được phơi mở. Xa nhà và xứ lạ làm họ sống với bản năng hơn là lý trí. Hầu như trong ký ức các người đàn ông bụi bặm này đều có thấp thoáng một người tình hoài bão, nếu không có thì họ phải dựng lên cho mình một bóng dáng người nữ cho những câu chuyện quanh ly rượu nồng. Những câu chuyện không nói về các cô đầu tắt mặt tối quanh bếp lò hay giặt áo quần đến khô da, mà nói về hình ảnh lộng lẫy của nàng trên saloon và phố thị.
Các cô gái khiêu vũ được trả lương cao hơn. Saloon rộn rịp vào lúc 8 giờ tối. Phổ thông là Valse đến Schottische nhảy chéo tay cùng khách trong nhịp gót 2 bước của đồng quê. Mỗi lượt nhảy 15 phút khách phải trả 75 xu đến 1 đô. Trung bình các cô nhảy 50 lượt với khách. Số tiền làm của các cô một đêm hơn một cao bồi làm một tháng. Các kiều nữ ấy giúp các saloon thành công nên các cô thường là tài sản quý giá của chủ. Các cô gái duyên dáng thường nhận được nhiều quà biếu từ khách và luôn bị chủ saloon kèm sát theo dõi. Nên cách cư xử thiếu nhã nhặn và quá trớn của khách thường kết thúc bằng chết chóc.
Nhiều cô thực sự làm nghề không vốn đã có từ xa xưa như trái đất. Khi mà thế kỷ 19 khó khăn và thiếu bình quyền, vài người bị chồng bỏ bê hay góa bụa, vài người mà mẹ làm điếm và lớn lên trong nhà thổ (còn gọi là bordello), vài người không biết làm gì khác ngoài nụ cười và da thịt mình. Nhưng có người vào nghề bằng sự bất hạnh trinh tiết đầu đời khi gặp kẻ sở khanh hãm hại. Vào 1860 thì các nhà thổ mọc lên như nấm và luật pháp hầu như bất lực. Nhiều người lại nghĩ đến lợi nhuận từ việc thu thuế kỹ nghệ làm tiền này cho ngân sách, khi mà có đến 25% phụ nữ là gái nhà thổ trong thời cao điểm. Mỗi nhà thổ này có từ 5 đến 12 cô, tuổi trung bình từ 14 đến 30. Nhiều cô gái hạng sang được trả đến 50 đô, tuy vậy giá trung bình là 1 đến 5 đô. Họ phải chia hoa hồng cho chủ nhà chứa gọi là Madame, vài nơi họ chỉ trả khoán một đêm hay một tuần cho tiền phòng. Phòng thường nằm ở tầng trên của saloon nhưng cũng nằm ở các ngôi nhà tách biệt hay các dinh thự đẹp đẽ. Một ngọn đèn đỏ được treo trước nhà hay cạnh cửa vào, một khung cửa sổ có rèm màu đỏ như là một dấu hiệu nhận dạng. Nội thất cũng trang trí màu sắc đỏ rực, tranh khỏa thân háo hức cùng đồ đạc sang trọng kiểu cách thời Victoria. Một cây đàn piano cho khách thưởng thức những cung bậc thánh thót bên ly rượu nồng trước khi nhập cuộc mà khách sẽ được cung phụng như thượng đế. Nhiều nơi sang trọng có cả dàn nhạc với vũ công, bàn bi-da và sòng bài. Các Madame này cũng phục vụ khách, họ là những người có tình cảm và quan hệ riêng tư. Họ sẽ có xì-gà, rượu ngon hạng nhất, ngồi ở bàn đặc biệt, khách phải lấy hẹn.
Pearl de Vere là một kiều nữ quý phái và nổi tiếng nhất ở Cripple Creek, Colorado vào năm 1893. Sắc đẹp và sự thông minh, cô gái tóc đỏ này mở The Old Homestead sang trọng với các vật dụng nhập cảng từ Châu Âu, từ giấy dán tường cho đến ghế da, đèn chùm và thảm lót. Nhà có 2 tầng với điện thoại, intercom và 2 phòng tắm, những thứ xa xỉ vào thời ấy. Bốn cô gái làm cho Pearl đều có bác sĩ khám định kỳ, giá mua vui là 250 đô một đêm, trong khi lương thợ mỏ là 3 đô một ngày. Pearl thường đi qua khu mỏ đông người bằng cỗ xe ngựa mui trần, áo lụa là quý phái và dáng dấp mỹ miều làm bao người thèm khát, phụ nữ ganh tị và trẻ em bị che mắt. Các phụ nữ trong phố cáo buộc ảnh hưởng xấu của Pearl cho thành phố. Cảnh sát Marshall phải xếp giờ riêng cho các kiều nữ ra phố, các nàng bị đánh thuế 6 đô một tháng. Dù vậy kinh doanh của Pearl vẫn sáng rực như tên tuổi của nàng. Các buổi dạ tiệc với trứng cá caviar Nga, Sâm-banh Pháp và gà Tây Alabama, khách dự là các thương gia giàu có với thư giới thiệu và đến từ khắp nơi. Sáng ngày 5 tháng 6, 1897 Pearl qua đời ở tuổi 35 vì dùng thuốc phiện quá liều.
Cũng có nhà chứa rẻ tiền gọi là “honky-tonk”, nơi mọi chuyện ngã giá nhanh chóng trong 5 phút ở quầy để đi thẳng vào phòng ngủ. Cũng có nhiều cô làm ăn riêng lẻ tại căn nhà lụp xụp hay căn phòng thuê của mình. Và hạng cuối cùng là các cô gái đứng đường ở miền Tây khi các đồn lũy được dựng lên, các trại lính cũng là nơi thu hút kiều nữ. Với tiền lương thấp, lính tráng cũng được vui với các cô tuổi xế chiều và nhan sắc tàn phai. Các anh lính da màu thường không bao giờ bén mảng đến các nhà thổ da trắng tóc vàng. Tuy vậy cũng có nơi “rộng rãi” tiếp đón khách da màu và thổ dân có tiền. Vào thời ấy chưa có dụng cụ ngừa thai và thuốc men hiệu quả. Các kiều nữ phải uống thuốc phá thai mua từ Bồ Ðào Nha hay bột phấn ngừa thai Madame Restell’s. Chỉ riêng ở New Orleans hay St. Louis nơi có nhiều người Pháp sinh sống thì condom từ Pháp sáng chế mới được nhập qua. Ðến năm 1860 thì màng chắn ngừa thai mới được sáng chế. Cùng thời ấy các kiều nữ phải làm vệ sinh và ngừa thai cho mình bằng đủ mọi chất như phèn chua, bồ tạt, giấm, lá hoa hồng…Thế nhưng phá thai rất phổ biến. Sử liệu ghi lại từ 1850 đến 1870 trong 6 trẻ sinh ra có một thai bị phá. Nhiều cô thoát kiếp kỹ nữ, gặp Từ Hải trở thành mệnh phụ giàu sang mà quá khứ được giấu kín. Một số dành dụm được tiền và kinh nghiệm để trở thành bà chủ hay mở quán xá. Nhiều cô tàn tạ theo thể xác và các thói quen nghề nghiệp, kết thúc bằng nghiện ngập, bệnh lao, bệnh truyền nhiễm và các chứng hậu sản khủng hoảng tinh thần…
Những mỏ vàng đã cạn, các saloon đóng cửa, phố trở thành ghost towns. Riêng chuyện các kiều nữ vẫn mãi hoài vang bóng. Miền Tây lắm gió bụi và khách má hồng bao giờ cũng nhiều nỗi truân chuyên.
Sean Bảo
( Báo Trẻ )
Bàn ra tán vào (0)
Kiều nữ miền Viễn Tây
Những câu chuyện miền Viễn Tây không thể thiếu hình ảnh người phụ nữ, nhất là các kiều nữ. Ở thế kỷ khi mà giá trị đạo đức và tôn giáo còn nghiêm khắc thì một người kiều nữ hiếm hoi ở vùng đầy cao bồi tứ chiếng luôn làm nên sóng gió chốn giang hồ và sóng sánh những men say.
Những người năm 49 của thời kỳ sốt vàng ở California gọi họ là “ladies of the line” phải xếp hàng để… mua vui. Trong khi dân cao bồi thì gọi họ với những từ mỹ miều bóng bẩy như “con bồ câu đất”, “thiên thần sa ngã”, “nữ thần đồng hoang” và nhiều tên khác. Nhưng phổ biến nhất là Painted Ladies – Những cô gái sơn son trét phấn, với trang phục, nước hoa, trang điểm và cung cách gọi mời mà những chàng trai chưa bao giờ tìm thấy ở mạn đông sông Missouri, nơi trước đây chỉ có các quầy beer Ðức, nơi mà các cô gái trong nhà hàng quán ăn chỉ là con gái hay vợ của chủ quán.
Cùng với các saloon nở rộ dọc miền Tây là các kiều nữ. Những người đạo đức chia các kiều nữ ra 2 loại: loại “xấu” và “tệ”. Loại xấu là gái nhảy múa ca hát, hầu bàn bên cạnh các chàng trai xa quê, bên cạnh các tay đánh bài đen đỏ, bên cạnh các ly rượu giải sầu…Và loại tệ là gái làm điếm. Hẳn nhiên là ranh giới giữa 2 loại gái này mong manh và lẫn lộn.
Không phải saloon nào cũng có gái. Tuy vậy đa số các saloon đều có gái làm thuê. Họ tăng lợi nhuận và danh tiếng của quán. Các quảng cáo và truyền tai đã hấp dẫn gọi mời các cô gái quê, các góa phụ, nhiều cô mang nặng giá trị cổ truyền cũng phải xao lòng với đồng lương 10 đô một tuần, công việc nhẹ nhàng lại được mặc đẹp. Áo quần của các cô hiếm thấy trên đường phố; màu sắc hoa hòe sặc sỡ, váy ngắn ngang đầu gối, eo thật bó bằng chiếc corset và ngực lấp ló gọi mời, khách không biết bên trong giấu tiền típ hay con dao nhỏ cán chạm trổ phòng khi khách sàm sỡ. Cánh tay trần mang đôi găng tay vải ren ra dáng quý tộc làm cho khách giang hồ quên đi những bụi bặm trong hầm mỏ; đôi giày cao gót và đôi vớ lụa gắn vài bông hoa đăng ten mà men rượu làm cho càng long lanh quyến rũ hơn; bên trong vớ có cây súng ngắn thật nhỏ làm cho khách say quá trớn phải e dè. Cùng với mái tóc bới cao cổ khoe vai trần và chiếc trâm cài kết hoa, lắm khi một chiếc mũ rộng vành thời phục hưng và mùi nước hoa rẻ tiền. Các nàng kiều nữ làm nên huyền thoại cho các saloon.
Các chàng cao bồi thường mang giá trị đạo đức và tôn giáo từ quê cũ, khi đến miền đất mới những khát vọng bị kềm giữ lâu ngày được phơi mở. Xa nhà và xứ lạ làm họ sống với bản năng hơn là lý trí. Hầu như trong ký ức các người đàn ông bụi bặm này đều có thấp thoáng một người tình hoài bão, nếu không có thì họ phải dựng lên cho mình một bóng dáng người nữ cho những câu chuyện quanh ly rượu nồng. Những câu chuyện không nói về các cô đầu tắt mặt tối quanh bếp lò hay giặt áo quần đến khô da, mà nói về hình ảnh lộng lẫy của nàng trên saloon và phố thị.
Các cô gái khiêu vũ được trả lương cao hơn. Saloon rộn rịp vào lúc 8 giờ tối. Phổ thông là Valse đến Schottische nhảy chéo tay cùng khách trong nhịp gót 2 bước của đồng quê. Mỗi lượt nhảy 15 phút khách phải trả 75 xu đến 1 đô. Trung bình các cô nhảy 50 lượt với khách. Số tiền làm của các cô một đêm hơn một cao bồi làm một tháng. Các kiều nữ ấy giúp các saloon thành công nên các cô thường là tài sản quý giá của chủ. Các cô gái duyên dáng thường nhận được nhiều quà biếu từ khách và luôn bị chủ saloon kèm sát theo dõi. Nên cách cư xử thiếu nhã nhặn và quá trớn của khách thường kết thúc bằng chết chóc.
Nhiều cô thực sự làm nghề không vốn đã có từ xa xưa như trái đất. Khi mà thế kỷ 19 khó khăn và thiếu bình quyền, vài người bị chồng bỏ bê hay góa bụa, vài người mà mẹ làm điếm và lớn lên trong nhà thổ (còn gọi là bordello), vài người không biết làm gì khác ngoài nụ cười và da thịt mình. Nhưng có người vào nghề bằng sự bất hạnh trinh tiết đầu đời khi gặp kẻ sở khanh hãm hại. Vào 1860 thì các nhà thổ mọc lên như nấm và luật pháp hầu như bất lực. Nhiều người lại nghĩ đến lợi nhuận từ việc thu thuế kỹ nghệ làm tiền này cho ngân sách, khi mà có đến 25% phụ nữ là gái nhà thổ trong thời cao điểm. Mỗi nhà thổ này có từ 5 đến 12 cô, tuổi trung bình từ 14 đến 30. Nhiều cô gái hạng sang được trả đến 50 đô, tuy vậy giá trung bình là 1 đến 5 đô. Họ phải chia hoa hồng cho chủ nhà chứa gọi là Madame, vài nơi họ chỉ trả khoán một đêm hay một tuần cho tiền phòng. Phòng thường nằm ở tầng trên của saloon nhưng cũng nằm ở các ngôi nhà tách biệt hay các dinh thự đẹp đẽ. Một ngọn đèn đỏ được treo trước nhà hay cạnh cửa vào, một khung cửa sổ có rèm màu đỏ như là một dấu hiệu nhận dạng. Nội thất cũng trang trí màu sắc đỏ rực, tranh khỏa thân háo hức cùng đồ đạc sang trọng kiểu cách thời Victoria. Một cây đàn piano cho khách thưởng thức những cung bậc thánh thót bên ly rượu nồng trước khi nhập cuộc mà khách sẽ được cung phụng như thượng đế. Nhiều nơi sang trọng có cả dàn nhạc với vũ công, bàn bi-da và sòng bài. Các Madame này cũng phục vụ khách, họ là những người có tình cảm và quan hệ riêng tư. Họ sẽ có xì-gà, rượu ngon hạng nhất, ngồi ở bàn đặc biệt, khách phải lấy hẹn.
Pearl de Vere là một kiều nữ quý phái và nổi tiếng nhất ở Cripple Creek, Colorado vào năm 1893. Sắc đẹp và sự thông minh, cô gái tóc đỏ này mở The Old Homestead sang trọng với các vật dụng nhập cảng từ Châu Âu, từ giấy dán tường cho đến ghế da, đèn chùm và thảm lót. Nhà có 2 tầng với điện thoại, intercom và 2 phòng tắm, những thứ xa xỉ vào thời ấy. Bốn cô gái làm cho Pearl đều có bác sĩ khám định kỳ, giá mua vui là 250 đô một đêm, trong khi lương thợ mỏ là 3 đô một ngày. Pearl thường đi qua khu mỏ đông người bằng cỗ xe ngựa mui trần, áo lụa là quý phái và dáng dấp mỹ miều làm bao người thèm khát, phụ nữ ganh tị và trẻ em bị che mắt. Các phụ nữ trong phố cáo buộc ảnh hưởng xấu của Pearl cho thành phố. Cảnh sát Marshall phải xếp giờ riêng cho các kiều nữ ra phố, các nàng bị đánh thuế 6 đô một tháng. Dù vậy kinh doanh của Pearl vẫn sáng rực như tên tuổi của nàng. Các buổi dạ tiệc với trứng cá caviar Nga, Sâm-banh Pháp và gà Tây Alabama, khách dự là các thương gia giàu có với thư giới thiệu và đến từ khắp nơi. Sáng ngày 5 tháng 6, 1897 Pearl qua đời ở tuổi 35 vì dùng thuốc phiện quá liều.
Cũng có nhà chứa rẻ tiền gọi là “honky-tonk”, nơi mọi chuyện ngã giá nhanh chóng trong 5 phút ở quầy để đi thẳng vào phòng ngủ. Cũng có nhiều cô làm ăn riêng lẻ tại căn nhà lụp xụp hay căn phòng thuê của mình. Và hạng cuối cùng là các cô gái đứng đường ở miền Tây khi các đồn lũy được dựng lên, các trại lính cũng là nơi thu hút kiều nữ. Với tiền lương thấp, lính tráng cũng được vui với các cô tuổi xế chiều và nhan sắc tàn phai. Các anh lính da màu thường không bao giờ bén mảng đến các nhà thổ da trắng tóc vàng. Tuy vậy cũng có nơi “rộng rãi” tiếp đón khách da màu và thổ dân có tiền. Vào thời ấy chưa có dụng cụ ngừa thai và thuốc men hiệu quả. Các kiều nữ phải uống thuốc phá thai mua từ Bồ Ðào Nha hay bột phấn ngừa thai Madame Restell’s. Chỉ riêng ở New Orleans hay St. Louis nơi có nhiều người Pháp sinh sống thì condom từ Pháp sáng chế mới được nhập qua. Ðến năm 1860 thì màng chắn ngừa thai mới được sáng chế. Cùng thời ấy các kiều nữ phải làm vệ sinh và ngừa thai cho mình bằng đủ mọi chất như phèn chua, bồ tạt, giấm, lá hoa hồng…Thế nhưng phá thai rất phổ biến. Sử liệu ghi lại từ 1850 đến 1870 trong 6 trẻ sinh ra có một thai bị phá. Nhiều cô thoát kiếp kỹ nữ, gặp Từ Hải trở thành mệnh phụ giàu sang mà quá khứ được giấu kín. Một số dành dụm được tiền và kinh nghiệm để trở thành bà chủ hay mở quán xá. Nhiều cô tàn tạ theo thể xác và các thói quen nghề nghiệp, kết thúc bằng nghiện ngập, bệnh lao, bệnh truyền nhiễm và các chứng hậu sản khủng hoảng tinh thần…
Những mỏ vàng đã cạn, các saloon đóng cửa, phố trở thành ghost towns. Riêng chuyện các kiều nữ vẫn mãi hoài vang bóng. Miền Tây lắm gió bụi và khách má hồng bao giờ cũng nhiều nỗi truân chuyên.
Sean Bảo
( Báo Trẻ )