Nhưng sự việc lại không đơn giản như vậy, sau đó có hàng trăm người dân ở xã Danh Thắng ký đơn xin nhận tội. Chuyện khá hy hữu, nhưng rõ ràng ở đây, người dân biết lấy thế mạnh của số đông để “giải cứu” cho số ít. Về lý thì cũng đúng, cả hàng trăm người cùng lao vào đánh nghi can trộm chó, người này một đạp, kẻ kia một đấm, biết ai là người trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân. Cũng khó chứng minh được ai đứng ra tổ chức vụ đánh người dẫn đến tử vong, bởi vì tất cả đều cùng bao vây, rượt đuổi và đánh đập nạn nhân, một cơn giận dữ của số đông.
Về mặt pháp luật, không ai có quyền tước đoạt mạng sống của người khác, cho dù người đó có bất kỳ hành vi gì. Chỉ có tòa án xét xử, căn cứ vào pháp luật, tuyên bố hình phạt bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Thế nhưng, dân mình vì sự phẫn nộ với những người trộm chó, đã tự cho mình quyền xét xử, đánh đập người ăn trộm đến chết và sẵn sàng ký vào đơn nhận tội. Sau các vụ đánh chết và đốt xe người trộm chó từng xảy ra, người dân đều rất thỏa mãn vì đã trị tội kẻ trộm cắp, và cho rằng họ đã làm đúng. Cơ quan điều tra rất khó trước đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật là số đông, rất khó để xác định chứng cứ phạm tội của từng người.
Làm rõ hành vi phạm tội là việc của cơ quan điều tra, chỉ xin bàn khía cạnh khác, lớn hơn chuyện của một vụ án, đó là, gần đây, có quá nhiều người đi trộm chó, lấy việc trộm chó làm “nghề” và có nhiều vụ người dân đánh chết người trộm chó.
Vì mất con chó mà tước đoạt mạng sống của con người. Chuyện có thể chỉ xảy ra ở đất nước này. Buồn là ở chỗ này, đau là ở chỗ này, và xấu hổ cũng là chỗ này.
Có người coi trộm chó là một “nghề”, có người bị đánh đập đến chết nhưng vẫn cứ làm. Thê thảm đến như vậy đấy.
Một cộng đồng mà con người có thể cùng nhau xông vào đánh đập người khác đến chết mới thỏa cơn tức giận thì thật quá kinh hoàng.
Rải đinh trên đường cho người khác cán lên là “nghề” kiếm sống, trộm chó là “nghề” kiếm sống.
Hãy gõ vào google để xem có nơi đâu mà có những con người kiếm sống bằng hai nghề này?
Lê Chân Nhân