Quán Bên Đường
Lúc Giao Mùa
HUY VĂN
Nơi đây đã giữa trưa. Bên kia vòng quay trái đất thì quê nhà đã gần nửa đêm. Năm cũ sắp qua, ngày đầu Xuân mới đang dần đến. Dù đã vào khuya nhưng giao thừa thường là đêm không ngủ nên chắc chắn Sàigòn vẫn còn nhộn nhịp, rộn ràng. Xứ người thì khác: dù là giữa ban ngày, nhưng đường phố, công viên nằm phơi mình dưới trời mây xám. Vì là mùa Đông nên mọi thứ đều vắng vẻ, im lìm. Không có người lai vãng, cũng không có xe cộ lại, qua. Quang cảnh khắp trời cứ lắng đọng như... tĩnh vật!
Tôi ngồi tư lự nhìn ra khoảng sân đã đóng băng sau trận tuyết đầu tuần, rồi đảo mắt qua công viên bên kia đường để thêm bồi hồi với khung cảnh ảm đạm của những cây dầu trơ cành, khô khốc. Tháng Giêng! Quê người vừa mới vào Đông, trong khi quê nhà thì đang rộn ràng nắng ấm, với trời quang của mùa Xuân mới. Thì cũng phải có chút gì đó để gọi là hướng lòng về quê hương trong dịp Xuân về. Nhưng vì không có mai vàng, pháo đỏ, không có dưa hấu xanh chầu quanh mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên trong nhà, nên không khí Tết chỉ đơn thuần là mấy hộp bánh, mứt và cặp bánh chưng nằm khiêm nhường bên cạnh mâm trái cây đặt trên bàn ăn. Ngày Xuân viễn xứ, tuy vậy, cũng nồng nàn và thắm thiết khi lòng chợt bồi hồi thả nỗi niềm về quê hương và cũng để thêm nhớ kỷ niệm và... quá khứ!
Đường mây vạn dặm nối đôi bờ nhung nhớ vào trong tâm trí nên đành xem tạm hình ảnh trên máy computer để đón Xuân trong một thoáng buồn. Lại là nỗi man mác khi hoài cảm. Lại là những lúc chạnh lòng khi nghĩ đến kỷ niệm buồn, vui của tuổi hoa niên, tang thương của những mùa chinh chiến, và của đoạn trường trong thời kiếp nạn. Cứ thế mà lãng đãng, bâng khuâng giữa khung cảnh tịch mịch của mùa đông viễn xứ. Nhân ảnh đã mờ phai. Cố hương thì biền biệt. Quanh tôi chỉ là sự yên lắng của ban trưa cuối tuần nơi xứ lạ, người dưng. Những hàng cây dầu trơ cành, trụi lá đứng chơ vơ giữa màu đông xám nên bóng Xuân càng thêm xa vắng, lặng thầm.
Thả nỗi nhớ ngược vòng quay trái đất để thấy lại mình nơi góc phố thân quen của năm nào. Kỷ niệm lướt qua màn sương ký ức, để đọng lại thành khúc phim quay chậm, tạm ấm lòng khi bồi hồi nhớ quá bóng Xuân xưa: những mùa Xuân của tuổi thơ bình dị, của gian khổ quân hành thời chinh chiến, hay lúc chỉ có riêng mình, và Đất Trời đang mở hội giữa đêm khuya, ngay trong lúc giao mùa của thời kiếp nạn. Không kể những rộn ràng, ngây thơ của tuổi nhỏ, không nói đến những bâng khuâng, lãng mạn của thời mới lớn thì mùa Xuân nào cũng có những nỗi buồn, vui khó diễn đạt thành lời.
Nếu Sàigòn của những năm dệt mộng khoa bảng là bức tranh Xuân tuyệt mỹ- với đường hoa Nguyễn Huệ, hàng quán Bến Thành, hay phố đêm Chợ Lớn, thì Đà Nẵng và những “mùa xuân của Lính” là quà tặng bất ngờ Thượng Đế đã dành cho tôi khi đã là lính chiến. Tôi may mắn đón Xuân tại hậu phương khi đồng đội còn chong súng dưới chiến hào, hay căn võng đâu đó trên núi đồi vùng hỏa tuyến.
Hai mùa Xuân cuối cùng của đời lính cũng là hai lần quê hương tạm hưởng an bình trong mấy ngày đình chiến. Nhưng dù lúc xưa có tang thương cách mấy thì nàng Xuân cũng mang chút mộng lành đến thôn quê lẫn thị thành của miền Nam tự do, mà dấu ấn nồng nàn nhứt là những bản nhạc Xuân phát thanh không ngừng nghỉ suốt một tháng trời trên các làn sóng trung ương cũng như địa phương, cùng với muôn màu hoa Xuân đang mãn khai ở khắp thôn trang lẫn thị thành.
Sau cuộc đổi đời tháng 5/1975, thì nàng Xuân chỉ gượng khoe sắc mới. Hay nói cho đúng hơn, là lòng người chỉ lây lất cho qua ngày đoạn tháng. Toàn quốc trở thành một nhà tù khổng lồ và cơm, áo, gạo, tiền, đã là “những xa xí phẩm” khi bữa ăn hằng ngày chỉ toàn là gạo hẩm nấu cơm ăn độn với khoai, sắn, bo bo và bột mì viện trợ. Nghèo và đói làm nàng Xuân bỗng thành trơ trẽn khi thịt mỡ, dưa hành, bông hoa, bánh, mứt, hầu như chỉ là ước mơ của đa số người dân khốn khổ đến tội nghiệp. Dù có pháo đỏ, dù có sắc màu của những đóa mãn khai, dù cũng cảnh dạo phố (để nhìn, ngắm rồi ước mơ nhiều hơn là mua sắm) nhưng vì lòng người héo úa và đời sống lắng trầm theo nghịch cảnh, nên hoa có mang chút sắc màu, hay pháo có nổ đì đùng thì sự rộn rã đó chỉ là những nét mờ nhạt, hay chút chấm phá trong tổng thể của cảnh vật vô hồn.
Suốt 12 năm còn kẹt lại trong ngục tù bao la của Việt Nam “Xạo Hết Chỗ Nói”, tôi sống bằng tâm trạng của một chứng nhân lịch sử lẫn nạn nhân của thời cuộc thăng trầm để thấm thía câu “nước mất, nhà tan” và “người buồn, cảnh có vui lây bao giờ!” cho dù đó là cảnh Xuân, là mùa thăng hoa của Đất, Trời mở hội.
Có thể nói mùa Xuân khộng thật sự hiện hữu trên quên hương Việt Nam sau ngày lịch sử sang trang. Toàn quốc đã thế, Sàigòn cũng không ngoại lệ! Người Sài Gòn gượng vui. Phố Sài Gòn không còn cảm tính. Hàng quán chỉ để làm màu vì không mấy ai có tiền để mua sắm. Người ta ngược xuôi ngoài đường phố để cho khuây khỏa tinh thần và để thoát khỏi bầu không khí ngột ngạt trong nhà, hay trong khu phố vốn cả ngày bị “ô nhiễm âm thanh” vì mấy chiếc loa của phường khóm chỉ phát ra những lời tuyên truyền cho chế độ.
Trong làn sóng người lan trải khắp phố phường, có tôi lòng vòng, la cà đây đó trong tâm trạng cũng không khác gì họ: đi giữa mùa Xuân để thấy lòng rười rượi, để tưởng tiếc những gì đã bị cưỡng chiếm, để nhớ quá khứ, để buồn cho hiện tại và để tìm chút thanh thản dù rất tạm bợ. Vì vậy, ngày cuối năm âm lịch nào tôi cũng rời khỏi nhà lúc xế chiều, đạp xe qua các đường phố quen thuộc của Sài Gòn, Chợ Lớn, để rồi khi đêm xuống là vòng xe về Hồng Thập Tự, qua đại lộ Đinh Tiên Hoàng, chạy ngang Đakao để vượt cầu Bông về Gia Định, ngồi quán lộ thiên chờ đón lúc giao mùa và... thả hồn tư lự.
Tại góc chợ Bà Chiểu, ngay đầu đường Lê Quang Định, ngoài vỉa hè của một cửa hàng kim khí gì đó là một quán cà phê... ghế đẩu. Quán chỉ bán về đêm! Loại quán bình dân với vài chiếc bàn con, hai ba chiếc ghế, và một quầy thuốc lá lẻ dành cho những ai cần chút tịnh an trong khi chờ đợi người thân lòng vòng chợ Tết. Quán nghèo nhưng đầy tình nghĩa, của những người đồng cảnh, của những làn khói thuốc mỏng manh thay tiếng thở dài nhẫn nhục.Ngồi đây, tôi có thể bắt gặp những ánh mắt bất phùng thời vượt cổng rào bên kia đường để tìm đến một góc sân rợp bóng mát phượng hồng, để nhớ những nghịch ngợm dễ thương trong lớp học và bụi phấn của ngôi trường di cư: Hồ Ngọc Cẩn!
Ngồi quán cóc đầu chợ là để tha hồ ngắm, nhìn và chứng kiến hoạt cảnh của những mảnh đời gian khổ mới vài phút trước còn còng lưng đạp xe thật nhanh về nhà cho kịp giờ tống cựu nghinh tân, đã lại thấy xuất hiện ngay sau khi tràng pháo mừng xuân dòn dã khắp phố phường vừa chấm đứt. Họ xuất hành, đi hái lộc theo truyền thống của năm xưa còn tồn tại!
Công viên trong khu vực Lăng Ông, tức phần mộ của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, chắc chắn sẽ xác xơ cây lá vì không bao lâu sau đó là những gương mặt tươi tắn với mầm xanh đủ loại trên tay đang thả bộ trên đường về nhà, trong tiếng đì đùng vọng lại của từng tràng pháo lẻ loi. Sau giao thừa là sự lắng trầm của đêm Xuân còn thơm mùi thuốc pháo. Đã quá nửa đêm nhưng chiếc quán lộ thiên vẫn còn bày biện để khách quen- như tôi, hay những ai muốn trầm tư, hoặc nghỉ chân sau đoạn dường hái lộc, tha hồ rề rà và thưởng thức giây phút linh thiêng nhất của ngày mới vào Xuân.
Năm nào cũng vậy, hình ảnh mà tôi thường lưu tâm đến sau phút giao thừa là cảnh những bạn hàng vội vã thu, gom, dọn dẹp chỗ của mình sau chừng một tuần bày trái cây, rau, quả và các loại hoa để bán trong dịp Tết. Bên cạnh đó thì nhiều người -có lẽ đến phút cuối cùng mới có chút tiền, tìm ra chợ để mặc cả, mua sắm vài món cần thiết cho có với người ta trong ba ngày Xuân. Cũng có người lom khom nhặt nhạnh từng nhánh hoa- có thể đã héo úa hay không còn nguyên vẹn, của bạn hàng vứt ra cạnh đống phế thải của mọi thứ trên đời. Đa số là cúc Vạn Thọ: loài hoa khiêm nhường nhứt, đơn sơ nhứt, nhưng lại trang trọng nhứt trên các bàn thờ lộ thiên cũng như trong từng nhà. Họ là những kẻ kém may mắn không có đủ khả năng sắm sửa, dù chỉ là một khóm huệ tươi để tô điểm đâu đó trong nhà hay trên bàn thờ.
Họ nhẫn nhục bươi tìm trong những bông hoa héo úa, vung vãi trên lòng đường một vài cánh, một ít cành còn tạm giữ hương sắc. Họ đang tìm một hạnh phúc nhỏ nhoi thật não lòng! Nhìn họ mà thấy chạnh lòng thương dân tình đã khổ vì tang thương chiến cuộc, lại càng khổ hơn khi phải sống trong sự kềm tỏa của những kẻ tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”.
Bên cạnh họ là những người làm công tác vệ sinh đang trả lại sự khang trang và sạch sẽ cho phố chợ sau những ngày tất bật nhứt của một năm sinh hoạt. Nhìn những bàn tay đều đặn quét dọn, nhìn những nhân ảnh như bóng mờ đang di động dưới ánh điện vàng, tôi chợt liên tưởng đến người nhân viên của Nha Vệ Sinh Đô Thành trong bài hát của nhạc sĩ Vũ Thành An:
“... Anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em...” (*)
Người nhạc sĩ phó tế không nói đó là lá gì và nhìn thấy là vàng ở đâu? Riêng tại khoảng trời quen thuộc của ngã ba Chi Lăng- Lê Quang Định này, thì lá vàng chỉ có thể là lá của những hàng cây sao tại trường Mỹ Thuật Gia Định, trước tòa hành chánh tỉnh hay trước cổng trường ngay đầu chợ không chừng. Tháng Giêng cũng là mùa thay lá của cây cao su, nhưng chung quanh khu vực đầu chợ Bà Chiểu không có những hàng cây như quanh khu vực Công Lý, Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm, hay Bà Huyện Thanh Quan, Phan Thanh Giản, hoặc của các trường Marie Curie, Gia Long, Régina Pacis. Chiếc lá vàng đó, của cây cao su Sàigòn thường rơi lá vào dịp Xuân về, chỉ nằm trên những con đường vừa kể hay ngay trước cổng trường Cửu Long, khu vực Trương Minh Giảng, và Hiền Vương,
Mùa Xuân đích thực đã không còn hiện diện trên quê hương nhiều thay đổi. Cơn hồng thủy từ 40 năm trước đã xóa dần vết tích của thành đô yêu dấu. Thời gian 12 năm sống lây lất cho qua ngày đoạn tháng đã để lại trong tôi những hình ảnh ngàn đời không phai của phút giao thừa nơi góc phố thân quen. Nay, Xuân lại đến giữa mùa băng giá viễn phương nên tôi lại chạnh lòng nhớ những lúc “thấy đời xuống vực sâu mà vẫn thầm ước chuyện ngàn mây”. Bây giờ đã qua thời khốn khó. Đã xa lắm rồi những u uẩn của kiếp phó thường dân, nhưng sao nhớ quá thuở nhẫn nhục nhìn đời. Xuân nơi góc phố: Xuân đời ơi… nhớ quá!
(*) Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươihttp://www.bietdongquan.com/baochi/munau/munauso43.htm
Biên Hùng
Lúc Giao Mùa
HUY VĂN
Nơi đây đã giữa trưa. Bên kia vòng quay trái đất thì quê nhà đã gần nửa đêm. Năm cũ sắp qua, ngày đầu Xuân mới đang dần đến. Dù đã vào khuya nhưng giao thừa thường là đêm không ngủ nên chắc chắn Sàigòn vẫn còn nhộn nhịp, rộn ràng. Xứ người thì khác: dù là giữa ban ngày, nhưng đường phố, công viên nằm phơi mình dưới trời mây xám. Vì là mùa Đông nên mọi thứ đều vắng vẻ, im lìm. Không có người lai vãng, cũng không có xe cộ lại, qua. Quang cảnh khắp trời cứ lắng đọng như... tĩnh vật!
Tôi ngồi tư lự nhìn ra khoảng sân đã đóng băng sau trận tuyết đầu tuần, rồi đảo mắt qua công viên bên kia đường để thêm bồi hồi với khung cảnh ảm đạm của những cây dầu trơ cành, khô khốc. Tháng Giêng! Quê người vừa mới vào Đông, trong khi quê nhà thì đang rộn ràng nắng ấm, với trời quang của mùa Xuân mới. Thì cũng phải có chút gì đó để gọi là hướng lòng về quê hương trong dịp Xuân về. Nhưng vì không có mai vàng, pháo đỏ, không có dưa hấu xanh chầu quanh mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên trong nhà, nên không khí Tết chỉ đơn thuần là mấy hộp bánh, mứt và cặp bánh chưng nằm khiêm nhường bên cạnh mâm trái cây đặt trên bàn ăn. Ngày Xuân viễn xứ, tuy vậy, cũng nồng nàn và thắm thiết khi lòng chợt bồi hồi thả nỗi niềm về quê hương và cũng để thêm nhớ kỷ niệm và... quá khứ!
Đường mây vạn dặm nối đôi bờ nhung nhớ vào trong tâm trí nên đành xem tạm hình ảnh trên máy computer để đón Xuân trong một thoáng buồn. Lại là nỗi man mác khi hoài cảm. Lại là những lúc chạnh lòng khi nghĩ đến kỷ niệm buồn, vui của tuổi hoa niên, tang thương của những mùa chinh chiến, và của đoạn trường trong thời kiếp nạn. Cứ thế mà lãng đãng, bâng khuâng giữa khung cảnh tịch mịch của mùa đông viễn xứ. Nhân ảnh đã mờ phai. Cố hương thì biền biệt. Quanh tôi chỉ là sự yên lắng của ban trưa cuối tuần nơi xứ lạ, người dưng. Những hàng cây dầu trơ cành, trụi lá đứng chơ vơ giữa màu đông xám nên bóng Xuân càng thêm xa vắng, lặng thầm.
Thả nỗi nhớ ngược vòng quay trái đất để thấy lại mình nơi góc phố thân quen của năm nào. Kỷ niệm lướt qua màn sương ký ức, để đọng lại thành khúc phim quay chậm, tạm ấm lòng khi bồi hồi nhớ quá bóng Xuân xưa: những mùa Xuân của tuổi thơ bình dị, của gian khổ quân hành thời chinh chiến, hay lúc chỉ có riêng mình, và Đất Trời đang mở hội giữa đêm khuya, ngay trong lúc giao mùa của thời kiếp nạn. Không kể những rộn ràng, ngây thơ của tuổi nhỏ, không nói đến những bâng khuâng, lãng mạn của thời mới lớn thì mùa Xuân nào cũng có những nỗi buồn, vui khó diễn đạt thành lời.
Nếu Sàigòn của những năm dệt mộng khoa bảng là bức tranh Xuân tuyệt mỹ- với đường hoa Nguyễn Huệ, hàng quán Bến Thành, hay phố đêm Chợ Lớn, thì Đà Nẵng và những “mùa xuân của Lính” là quà tặng bất ngờ Thượng Đế đã dành cho tôi khi đã là lính chiến. Tôi may mắn đón Xuân tại hậu phương khi đồng đội còn chong súng dưới chiến hào, hay căn võng đâu đó trên núi đồi vùng hỏa tuyến.
Hai mùa Xuân cuối cùng của đời lính cũng là hai lần quê hương tạm hưởng an bình trong mấy ngày đình chiến. Nhưng dù lúc xưa có tang thương cách mấy thì nàng Xuân cũng mang chút mộng lành đến thôn quê lẫn thị thành của miền Nam tự do, mà dấu ấn nồng nàn nhứt là những bản nhạc Xuân phát thanh không ngừng nghỉ suốt một tháng trời trên các làn sóng trung ương cũng như địa phương, cùng với muôn màu hoa Xuân đang mãn khai ở khắp thôn trang lẫn thị thành.
Sau cuộc đổi đời tháng 5/1975, thì nàng Xuân chỉ gượng khoe sắc mới. Hay nói cho đúng hơn, là lòng người chỉ lây lất cho qua ngày đoạn tháng. Toàn quốc trở thành một nhà tù khổng lồ và cơm, áo, gạo, tiền, đã là “những xa xí phẩm” khi bữa ăn hằng ngày chỉ toàn là gạo hẩm nấu cơm ăn độn với khoai, sắn, bo bo và bột mì viện trợ. Nghèo và đói làm nàng Xuân bỗng thành trơ trẽn khi thịt mỡ, dưa hành, bông hoa, bánh, mứt, hầu như chỉ là ước mơ của đa số người dân khốn khổ đến tội nghiệp. Dù có pháo đỏ, dù có sắc màu của những đóa mãn khai, dù cũng cảnh dạo phố (để nhìn, ngắm rồi ước mơ nhiều hơn là mua sắm) nhưng vì lòng người héo úa và đời sống lắng trầm theo nghịch cảnh, nên hoa có mang chút sắc màu, hay pháo có nổ đì đùng thì sự rộn rã đó chỉ là những nét mờ nhạt, hay chút chấm phá trong tổng thể của cảnh vật vô hồn.
Suốt 12 năm còn kẹt lại trong ngục tù bao la của Việt Nam “Xạo Hết Chỗ Nói”, tôi sống bằng tâm trạng của một chứng nhân lịch sử lẫn nạn nhân của thời cuộc thăng trầm để thấm thía câu “nước mất, nhà tan” và “người buồn, cảnh có vui lây bao giờ!” cho dù đó là cảnh Xuân, là mùa thăng hoa của Đất, Trời mở hội.
Có thể nói mùa Xuân khộng thật sự hiện hữu trên quên hương Việt Nam sau ngày lịch sử sang trang. Toàn quốc đã thế, Sàigòn cũng không ngoại lệ! Người Sài Gòn gượng vui. Phố Sài Gòn không còn cảm tính. Hàng quán chỉ để làm màu vì không mấy ai có tiền để mua sắm. Người ta ngược xuôi ngoài đường phố để cho khuây khỏa tinh thần và để thoát khỏi bầu không khí ngột ngạt trong nhà, hay trong khu phố vốn cả ngày bị “ô nhiễm âm thanh” vì mấy chiếc loa của phường khóm chỉ phát ra những lời tuyên truyền cho chế độ.
Trong làn sóng người lan trải khắp phố phường, có tôi lòng vòng, la cà đây đó trong tâm trạng cũng không khác gì họ: đi giữa mùa Xuân để thấy lòng rười rượi, để tưởng tiếc những gì đã bị cưỡng chiếm, để nhớ quá khứ, để buồn cho hiện tại và để tìm chút thanh thản dù rất tạm bợ. Vì vậy, ngày cuối năm âm lịch nào tôi cũng rời khỏi nhà lúc xế chiều, đạp xe qua các đường phố quen thuộc của Sài Gòn, Chợ Lớn, để rồi khi đêm xuống là vòng xe về Hồng Thập Tự, qua đại lộ Đinh Tiên Hoàng, chạy ngang Đakao để vượt cầu Bông về Gia Định, ngồi quán lộ thiên chờ đón lúc giao mùa và... thả hồn tư lự.
Tại góc chợ Bà Chiểu, ngay đầu đường Lê Quang Định, ngoài vỉa hè của một cửa hàng kim khí gì đó là một quán cà phê... ghế đẩu. Quán chỉ bán về đêm! Loại quán bình dân với vài chiếc bàn con, hai ba chiếc ghế, và một quầy thuốc lá lẻ dành cho những ai cần chút tịnh an trong khi chờ đợi người thân lòng vòng chợ Tết. Quán nghèo nhưng đầy tình nghĩa, của những người đồng cảnh, của những làn khói thuốc mỏng manh thay tiếng thở dài nhẫn nhục.Ngồi đây, tôi có thể bắt gặp những ánh mắt bất phùng thời vượt cổng rào bên kia đường để tìm đến một góc sân rợp bóng mát phượng hồng, để nhớ những nghịch ngợm dễ thương trong lớp học và bụi phấn của ngôi trường di cư: Hồ Ngọc Cẩn!
Ngồi quán cóc đầu chợ là để tha hồ ngắm, nhìn và chứng kiến hoạt cảnh của những mảnh đời gian khổ mới vài phút trước còn còng lưng đạp xe thật nhanh về nhà cho kịp giờ tống cựu nghinh tân, đã lại thấy xuất hiện ngay sau khi tràng pháo mừng xuân dòn dã khắp phố phường vừa chấm đứt. Họ xuất hành, đi hái lộc theo truyền thống của năm xưa còn tồn tại!
Công viên trong khu vực Lăng Ông, tức phần mộ của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, chắc chắn sẽ xác xơ cây lá vì không bao lâu sau đó là những gương mặt tươi tắn với mầm xanh đủ loại trên tay đang thả bộ trên đường về nhà, trong tiếng đì đùng vọng lại của từng tràng pháo lẻ loi. Sau giao thừa là sự lắng trầm của đêm Xuân còn thơm mùi thuốc pháo. Đã quá nửa đêm nhưng chiếc quán lộ thiên vẫn còn bày biện để khách quen- như tôi, hay những ai muốn trầm tư, hoặc nghỉ chân sau đoạn dường hái lộc, tha hồ rề rà và thưởng thức giây phút linh thiêng nhất của ngày mới vào Xuân.
Năm nào cũng vậy, hình ảnh mà tôi thường lưu tâm đến sau phút giao thừa là cảnh những bạn hàng vội vã thu, gom, dọn dẹp chỗ của mình sau chừng một tuần bày trái cây, rau, quả và các loại hoa để bán trong dịp Tết. Bên cạnh đó thì nhiều người -có lẽ đến phút cuối cùng mới có chút tiền, tìm ra chợ để mặc cả, mua sắm vài món cần thiết cho có với người ta trong ba ngày Xuân. Cũng có người lom khom nhặt nhạnh từng nhánh hoa- có thể đã héo úa hay không còn nguyên vẹn, của bạn hàng vứt ra cạnh đống phế thải của mọi thứ trên đời. Đa số là cúc Vạn Thọ: loài hoa khiêm nhường nhứt, đơn sơ nhứt, nhưng lại trang trọng nhứt trên các bàn thờ lộ thiên cũng như trong từng nhà. Họ là những kẻ kém may mắn không có đủ khả năng sắm sửa, dù chỉ là một khóm huệ tươi để tô điểm đâu đó trong nhà hay trên bàn thờ.
Họ nhẫn nhục bươi tìm trong những bông hoa héo úa, vung vãi trên lòng đường một vài cánh, một ít cành còn tạm giữ hương sắc. Họ đang tìm một hạnh phúc nhỏ nhoi thật não lòng! Nhìn họ mà thấy chạnh lòng thương dân tình đã khổ vì tang thương chiến cuộc, lại càng khổ hơn khi phải sống trong sự kềm tỏa của những kẻ tự cho mình là “đỉnh cao trí tuệ”.
Bên cạnh họ là những người làm công tác vệ sinh đang trả lại sự khang trang và sạch sẽ cho phố chợ sau những ngày tất bật nhứt của một năm sinh hoạt. Nhìn những bàn tay đều đặn quét dọn, nhìn những nhân ảnh như bóng mờ đang di động dưới ánh điện vàng, tôi chợt liên tưởng đến người nhân viên của Nha Vệ Sinh Đô Thành trong bài hát của nhạc sĩ Vũ Thành An:
“... Anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em...” (*)
Người nhạc sĩ phó tế không nói đó là lá gì và nhìn thấy là vàng ở đâu? Riêng tại khoảng trời quen thuộc của ngã ba Chi Lăng- Lê Quang Định này, thì lá vàng chỉ có thể là lá của những hàng cây sao tại trường Mỹ Thuật Gia Định, trước tòa hành chánh tỉnh hay trước cổng trường ngay đầu chợ không chừng. Tháng Giêng cũng là mùa thay lá của cây cao su, nhưng chung quanh khu vực đầu chợ Bà Chiểu không có những hàng cây như quanh khu vực Công Lý, Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm, hay Bà Huyện Thanh Quan, Phan Thanh Giản, hoặc của các trường Marie Curie, Gia Long, Régina Pacis. Chiếc lá vàng đó, của cây cao su Sàigòn thường rơi lá vào dịp Xuân về, chỉ nằm trên những con đường vừa kể hay ngay trước cổng trường Cửu Long, khu vực Trương Minh Giảng, và Hiền Vương,
Mùa Xuân đích thực đã không còn hiện diện trên quê hương nhiều thay đổi. Cơn hồng thủy từ 40 năm trước đã xóa dần vết tích của thành đô yêu dấu. Thời gian 12 năm sống lây lất cho qua ngày đoạn tháng đã để lại trong tôi những hình ảnh ngàn đời không phai của phút giao thừa nơi góc phố thân quen. Nay, Xuân lại đến giữa mùa băng giá viễn phương nên tôi lại chạnh lòng nhớ những lúc “thấy đời xuống vực sâu mà vẫn thầm ước chuyện ngàn mây”. Bây giờ đã qua thời khốn khó. Đã xa lắm rồi những u uẩn của kiếp phó thường dân, nhưng sao nhớ quá thuở nhẫn nhục nhìn đời. Xuân nơi góc phố: Xuân đời ơi… nhớ quá!
(*) Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươihttp://www.bietdongquan.com/baochi/munau/munauso43.htm
Biên Hùng