Cõi Người Ta
Ngắm Sao
Ngắm Sao
Hải Phong
Nguyên tác: Les étoiles, trích từ Lettres de mon moulin
của Alphonse Daudet
Những lúc phải chăn cừu trên núi, có khi ròng rã cả bao nhiêu tuần lễ tôi cứ ở trên đó không thấy bóng người, chỉ có mình tôi giữa đồng cỏ cùng với chú chó Kiki và đàn cừu lúc nhúc. Thỉnh thoảng lắm, thì mới thấy ông thầy tu ở nhà dòng dưới chân núi lên hái thuốc, hoặc trong những dịp hiếm hoi, tôi bất chợt bắt gặp khuôn mặt đen thui của người thợ làm ở mỏ than, nhưng đó là những người chân chất, thật trầm lặng, nếu không nói là cô độc, không thích nói chuyện với ai cả, và cũng chẳng biết gì về cuộc sống ở làng mạc hay ở dưới tỉnh. Cho nên, cứ mỗi hai tuần, khi nghe tiếng chuông leng keng của con la từ nông trại đem thực phẩm và vật dụng tiếp tế từ từ đến trên con đường mòn dẫn lên núi, và dưới con dốc, dần dần xuất hiện cái đầu tinh nghịch của chú bé làm công cho nông trại, hay mái tóc hung hung đỏ của dì Năm, tôi thật là sung sướng vì có dịp cho tôi hỏi đủ thứ chuyện của thế giới bên dưới, ai làm lễ rửa tội này, có ai đám cưới không này? Nhưng đó chỉ là những câu hỏi rào đón thôi, điều tôi thật sự muốn biết là tin tức về cô chủ nhỏ của tôi, con gái của ông chủ trại, cô bé Lệ Xuân, cô gái xinh đẹp nhất trong vùng kể từ mười dặm trở lại. Giả đò như không mấy chú ý, tôi thường vờ vĩnh hỏi xem cô có nhiều tiệc tùng, có hay trò chuyện với ai không, có những chàng trai ga lăng mới nào đến thăm hỏi cô không? Nếu có ai thắc mắc hỏi tôi mắc mớ gì đến tên chăn cừu nghèo nàn trên núi như tôi mà cứ hỏi ỡm ờ như thế, thì tôi trả lời rằng tôi cũng đã hai mươi tuổi rồi và đối với tôi thì Lệ Xuân là cô gái mà tôi thấy đẹp nhất trên đời!
Một ngày chủ nhật, tôi cũng ngong ngóng đợi con la và người dưới nông trại đem đồ tiếp tế lên như thường lệ, nhưng không thấy gì cả. Suốt buổi sáng, tôi tự nhủ: chắc tại nhà thờ có lễ lớn, đến trưa thì cơn giông ở đâu kéo tới, tôi lại tự bảo: thời tiết xấu thế này, chắc hẳn là con la không leo lên được đường núi rồi?. Cuối cùng, khoảng ba giờ chiều thì trời tạnh, núi rừng sáng lóng lánh, óng ả dưới ánh nắng và nước mưa. Giữa tiếng nước nhỏ giọt thánh thót trên lá cây và tiếng suối chảy rì rào, tôi thoáng nghe tiếng chuông leng keng của con la quen thuộc, reo vui và rộn rã như tiếng chuông vào dịp lễ Phục sinh. Nhưng ô kìa! Không phải là chú bé làm công của nông trại, cũng không phải là dì Năm với mái tóc đỏ hung hung đang cưỡi con la, mà là ai? Bạn thử đoán xem. Trời ạ! Là cô chủ nhỏ của tôi, bằng xương bằng thịt, đang ngồi thẳng thắn trên lưng con la, giữa những chiếc giỏ đựng đầy thức ăn tiếp tế, trong ánh nắng hồng của rừng núi sau cơn mưa.
Chú bé làm công bị bệnh, dì Năm đang được nghỉ hè để về thăm các con. Lệ Xuân kể cho tôi nghe như thế khi cô xuống từ trên lưng con la, cô cũng nói lý do cô đến trễ vì cô bị lạc đường. Thế nhưng nhìn cách ăn mặc của cô, chiếc váy bóng bẩy mượt mà có viền đăng ten, tóc buộc khăn thêu hoa, thì giống như là cô vừa la cà từ một buổi vũ hội nào đó chứ không có vẻ gì là cô đã xục xạo trong bờ trong bụi để tìm đường! Oh, cô bé thật dễ thương, đáng yêu làm sao! Mắt tôi không rời cô bé. Thật vậy, chưa bao giờ tôi được nhìn cô gần đến thế. Thỉnh thoảng lắm, vào mùa đông, khi đàn thú được thả xuống đồng bằng và tôi có dịp vào nông trại để dùng bữa tối, cũng là dịp tôi được nhìn thấy cô, vội vã thoáng bước qua phòng ăn, xinh đẹp một cách kiêu sa, và không bao giờ nói chuyện với đám người làm công chúng tôi. Nhưng bây giờ, tôi có cô trước mặt, cô đến vì tôi, vì một mình tôi thôi, thử hỏi tôi có điên lên vì sung sướng không?
Khi lấy đồ tiếp tế từ trong giỏ ra đưa cho tôi, Lệ Xuân nhìn quanh quất khung cảnh chung quanh. Hai tay nhẹ nhàng nâng chiếc váy đẹp lên như sợ sẽ bị bẩn, cô bước vào trong căn lều, nơi tôi ngủ, bày la liệt nào là giỏ rơm, da cừu, chiếc áo khoác tôi máng trên tường, chiếc gậy chăn cừu, và chiếc súng săn của tôi. Tất cả mọi thứ đều lạ mắt và làm cô thích thú. - Ah! Đây là chỗ anh ở à, anh chăn cừu? Ở một mình thế này chắc anh buồn lắm há? Anh làm gì? Anh nghĩ gì?
Tôi chỉ muốn trả lời nghĩ đến cô, tôi không thể dối lòng, nhưng sự lúng túng vụng về đã khiến tôi ngậm câm, không thể mở miệng. Tôi chắc cô cũng nhận thấy thế, cho nên lại càng giễu cợt làm tôi càng lúng túng hơn:
- Thế bạn gái của anh? Thỉnh thoảng cô ta có lên đây thăm anh chứ? Chắc hẳn cô ta phải xinh xắn như một con dê vàng? hay là một nàng tiên chỉ biết chạy lăng xăng lên núi...
Chính nàng, nàng mới là nàng tiên, khi nghiêng đầu nói chuyện với tôi, với nụ cười thật đẹp, dáng dấp vội vã, như một nàng tiên thoáng hiện đến rồi đi.
- Thôi, chào anh chăn cừu nhé, tôi về.
- Chào cô chủ.
Và cô biến mất, đem theo những chiếc giỏ trống rỗng.
Khi bóng dáng cô mất hẳn trên con đường mòn và dốc, tôi tưởng chừng như những viên sỏi lạo xạo dưới chân con la đang rơi từng viên, từng viên một vào tim tôi. Tôi lắng nghe theo tiếng lạo xạo đó thật lâu, thật lâu, và cho đến cuối chiều tôi vẫn thẫn thờ ngồi thừ ra đó, bất động, chỉ sợ làm tan đi giấc mơ vừa mới đến, không để ý là mưa đã lại tí tách rơi, trên đất, trên lá, trên đôi má ướt đẫm của tôi. Là nước mưa hay nước mắt?
Chiều tối, khi đáy thung lũng đã trở màu xanh thẫm và đàn trừu con nọ đi tựa vào con kia cũng lững thững về chuồng, tôi nghe có tiếng ai gọi tôi bên ngoài, và cô tiểu chủ của tôi xuất hiện không tươi tắn như ban chiều mà ướt đẫm, run rẩy vì lạnh và vì sợ. Thì ra cô chủ lại đi lạc và con suối cuồn cuộn dưới cơn mưa bão đã khiến con la không dám dấn bước, và cô nữa, cô sợ bị chết đuối. Điều đáng lo ngại hơn nữa, là vào giờ tối tăm này, tôi không thể chỉ cho cô đi con đường tắt để trở về nông trại, chắc chắn là nếu đi một mình, cô nhất định sẽ lạc đường. Mà tôi thì lại không thể rời đàn cừu. Cái ý nghĩ phải ở lại qua đêm giữa núi rừng đã làm cô hốt hoảng. Tôi trấn an cô:
- Vào tháng bảy, đêm qua nhanh lắm. Chỉ là một chuyện không may ngoài ý muốn thôi. Cô sẽ thấy bình minh đến rất mau.
Nói xong, tôi nhúm lửa ngay để cô sưởi ấm đôi chân và chiếc váy đầm ướt đẫm nước suối. Rồi tôi dọn ra cho cô nào sữa, nào phô mai, nhưng cô bé không ăn cũng không sưởi gì cả, chỉ ngồi khóc mùi mẫn. Nhìn những giọt nước mắt ràn rụa trong đôi mắt cô, tôi cũng muốn khóc luôn!
Rồi đêm tối đến. Chỉ còn một giọt nắng nhẹ mong manh ở cuối chân trời, như chỉ cần một cơn gió nhẹ là sẽ tan đi. Tôi mời cô chủ vào nghỉ trong căn lều của tôi. Trải một lớp rơm mới lên sàn, tôi chúc cô ngủ ngon và ra ngoài cửa ngồi canh chừng cho cô ngủ. Đầu óc tôi mê man vì sung sướng, vì hãnh diện rằng ở một góc rừng sâu thẳm, bên cạnh đàn cừu non đang tò mò nhìn cô ngủ, cô tiểu chủ của tôi, hiền lành như một con cừu non hiếm quí, và trắng trong hơn bất cứ một con cừu trắng nào, đang chìm đắm trong giấc ngủ dưới sự chăm sóc của tôi. Chưa bao giờ tôi thấy bầu trời lại sâu thẳm và những vì sao lại long lanh đến thế.
Bất chợt, tấm song thưa của căn lều chợt mở, cô tiểu chủ của tôi xuất hiện. Cô cũng không ngủ được vì lạ chỗ, vì tiếng kêu be be của đàn thú không ngừng nhúc nhích trong chuồng. Thấy thế, tôi phủ chiếc áo choàng lên vai cô, nhúm thêm lửa và chúng tôi cứ ngồi bên nhau như thế, không biết nói gì. Nếu bạn đã từng ngồi dưới ánh sao đêm, bạn sẽ thấy rằng vào giờ mà chúng ta ngủ, cả một thế giới huyền hoặc, bí ẩn đang chuyển mình trong yên lặng và tĩnh mịch. Tiếng róc rách của dòng suối nghe rõ ràng hơn, nước dưới ao cũng chiếu lên những tia ấm áp hơn. Núi rừng chuyển mình một cách tự nhiên, có tiếng gió lướt trong không khí, những tiếng động êm đềm không thể cảm nhận được. Ban ngày là thế giới của loài người, ban đêm là thế giới của vạn vật. Nếu không quen, có thể chúng ta sẽ sợ hãi. Cô tiểu chủ của tôi có lẽ cũng đang sợ như thế, cô run rẩy ngồi nép sát vào tôi tìm sự che chở. Chợt một tiếng kêu của con gì đó, tiếng kêu dài, sầu muộn từ dưới ao vọng lên đến chỗ chúng tôi ngồi, âm thanh vang vọng, gờn gợn sóng trong núi rừng âm u. Cùng lúc đó, một ánh sao băng lướt qua đầu chúng tôi, lướt về cùng hướng đó, như thể là tiếng kêu bí ẩn đó đã mang theo cả ánh sáng đến với chúng tôi.
- Là cái gì vậy? Cô chủ hỏi tôi với giọng thấp và run rẩy.
- Là một linh hồn vừa lên thiên đàng, thưa cô chủ.
Và tôi làm dấu thánh giá. Cô cũng làm dấu theo tôi, ngước mặt trầm lặng một lúc rồi nói:
- Đúng vậy, anh chăn cừu! Anh thật thông thái.
- Không đâu, cô chủ! Nhưng tại đây, chúng tôi sống gần các vì sao, nên chúng tôi biết nhiều về chúng hơn là những người sống dưới đồng bằng.
Chống tay lên để tựa đầu, cô vẫn ngước mắt nhìn trời, vai phủ chiếc áo khoác bằng da dê của tôi, trông cô như một cô bé mục đồng đẹp tuyệt vời.
- Nhiều sao quá! Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một bầu trời đầy sao như vậy. Anh có biết tên của chúng không, anh chăn cừu?
- Có chứ, cô chủ. Đây nhé, ngay trên đầu chúng ta là dải Ngân Hà, trải dài từ nước Pháp đến Tây Ban Nha, còn gọi là Con đường của Thánh Jacques, đó là con đường mà Thánh Jacques đã vạch ra cho vua Charlemagne khi vị anh hùng này gây chiến với người Hồi giáo.
Xa hơn nữa, là chòm Đại Hùng Tinh, còn gọi là chòm sao Gấu lớn, với bốn chiếc trụ chói lọi. Người Đức cho rằng đây không phải là một con gấu, mà là một cỗ xe ngựa lớn. Người Anh thì gọi chòm sao này là Cỗ xe ngựa của Vua David. Ba ngôi sao phía trước là ba con vật kéo xe, ngôi sao nhỏ nhất trong chùm là người phu xe. Cô có trông thấy chung quanh đó là một trận mưa sao đang rơi. Đó là những linh hồn đang bị Thượng đế ruồng bỏ.
Dưới đó một chút là chòm sao Ba Vua, chúng ta có thể dựa vào đó mà biết giờ giấc. Chỉ cần nhìn nó là tôi có thể biết rằng giờ này đã quá mười hai giờ đêm rồi. Thấp hơn chút nữa, là ngôi sao Jean de Milan, là ngọn đuốc của các vì tinh tú. Các trẻ mục đồng kể về ngôi sao này như sau: Có một đêm, sao Jean de Milan, cùng với chòm sao Ba Vua và chòm Thất Tinh được mời đi dự tiệc cưới của một vì sao bạn. Chòm Thất Tinh, vội vã đi trước, và lấy con đường trên cao, kia kìa, tít tận đáy Trời. Ba Vua nối tiếp theo sau để rượt cho kịp Thất Tinh, còn ngôi sao lười biếng Jean de Milan kia thì mải mê ngủ quên, lót tót theo sau cùng, giận dữ, đã ném chiếc gậy để chặn họ ngừng lại....
Nhưng ngôi sao đẹp đẽ nhất trong các vì tinh tú, thưa cô chủ, đó là ngôi sao của chúng tôi, sao Mục Đồng, tỏa sáng trên nền trời khi chúng tôi phải lùa thú ra khỏi chuồng vào buổi bình minh, và dẫn đường cho chúng tôi về vào buổi hoàng hôn. Chúng tôi đặt tên cho nó là Maguelonne, chính là cô công chúa xinh đẹp Maguelonne chạy theo tình yêu của chàng hoàng tử hào hoa Pierre de Provence, là Thổ tinh, và cứ mỗi bảy năm họ lại cưới nhau một lần.
Lệ Xuân kêu lên:
- Cái gì? Anh chăn cừu! Có đám cưới của các vì sao à?
- Đúng vậy, thưa cô chủ.
Vừa lúc tôi tìm lời để giải thích về đám cưới của các vì sao thì tôi cảm thấy có một cái gì vừa nhẹ nhàng vừa tươi mát đặt nhè nhẹ lên vai tôi. Đó là cái đầu ngái ngủ của cô bé gái tựa lên vai tôi với chiếc khăn thêu hoa có viền đăng ten và mái tóc uốn cong óng mượt tung theo gió và rơi xuống xõa trên vai tôi, tỏa một mùi hương dịu mát. Cô bé cứ ngủ như thế không cử động cho đến khi các vì tinh tú trên trời mờ nhạt dần rồi từ từ biến mất khi bình minh ló dạng.
Còn tôi, tôi ngồi im lặng nhìn cô ngủ mà lòng xao xuyến dưới ánh sao đêm. Chung quanh chúng tôi, các vì sao vẫn âm thầm vận chuyển, ngoan ngoãn và trật tự như một đàn cừu non. Ô kìa, tôi vừa nhìn thấy một vì sao nhỏ bé nhất, chói sáng và rực rỡ nhất, vừa lạc đàn, nhẹ nhàng rơi xuống và đến đậu trên vai tôi.
Bàn ra tán vào (0)
Ngắm Sao
Ngắm Sao
Hải Phong
Nguyên tác: Les étoiles, trích từ Lettres de mon moulin
của Alphonse Daudet
Những lúc phải chăn cừu trên núi, có khi ròng rã cả bao nhiêu tuần lễ tôi cứ ở trên đó không thấy bóng người, chỉ có mình tôi giữa đồng cỏ cùng với chú chó Kiki và đàn cừu lúc nhúc. Thỉnh thoảng lắm, thì mới thấy ông thầy tu ở nhà dòng dưới chân núi lên hái thuốc, hoặc trong những dịp hiếm hoi, tôi bất chợt bắt gặp khuôn mặt đen thui của người thợ làm ở mỏ than, nhưng đó là những người chân chất, thật trầm lặng, nếu không nói là cô độc, không thích nói chuyện với ai cả, và cũng chẳng biết gì về cuộc sống ở làng mạc hay ở dưới tỉnh. Cho nên, cứ mỗi hai tuần, khi nghe tiếng chuông leng keng của con la từ nông trại đem thực phẩm và vật dụng tiếp tế từ từ đến trên con đường mòn dẫn lên núi, và dưới con dốc, dần dần xuất hiện cái đầu tinh nghịch của chú bé làm công cho nông trại, hay mái tóc hung hung đỏ của dì Năm, tôi thật là sung sướng vì có dịp cho tôi hỏi đủ thứ chuyện của thế giới bên dưới, ai làm lễ rửa tội này, có ai đám cưới không này? Nhưng đó chỉ là những câu hỏi rào đón thôi, điều tôi thật sự muốn biết là tin tức về cô chủ nhỏ của tôi, con gái của ông chủ trại, cô bé Lệ Xuân, cô gái xinh đẹp nhất trong vùng kể từ mười dặm trở lại. Giả đò như không mấy chú ý, tôi thường vờ vĩnh hỏi xem cô có nhiều tiệc tùng, có hay trò chuyện với ai không, có những chàng trai ga lăng mới nào đến thăm hỏi cô không? Nếu có ai thắc mắc hỏi tôi mắc mớ gì đến tên chăn cừu nghèo nàn trên núi như tôi mà cứ hỏi ỡm ờ như thế, thì tôi trả lời rằng tôi cũng đã hai mươi tuổi rồi và đối với tôi thì Lệ Xuân là cô gái mà tôi thấy đẹp nhất trên đời!
Một ngày chủ nhật, tôi cũng ngong ngóng đợi con la và người dưới nông trại đem đồ tiếp tế lên như thường lệ, nhưng không thấy gì cả. Suốt buổi sáng, tôi tự nhủ: chắc tại nhà thờ có lễ lớn, đến trưa thì cơn giông ở đâu kéo tới, tôi lại tự bảo: thời tiết xấu thế này, chắc hẳn là con la không leo lên được đường núi rồi?. Cuối cùng, khoảng ba giờ chiều thì trời tạnh, núi rừng sáng lóng lánh, óng ả dưới ánh nắng và nước mưa. Giữa tiếng nước nhỏ giọt thánh thót trên lá cây và tiếng suối chảy rì rào, tôi thoáng nghe tiếng chuông leng keng của con la quen thuộc, reo vui và rộn rã như tiếng chuông vào dịp lễ Phục sinh. Nhưng ô kìa! Không phải là chú bé làm công của nông trại, cũng không phải là dì Năm với mái tóc đỏ hung hung đang cưỡi con la, mà là ai? Bạn thử đoán xem. Trời ạ! Là cô chủ nhỏ của tôi, bằng xương bằng thịt, đang ngồi thẳng thắn trên lưng con la, giữa những chiếc giỏ đựng đầy thức ăn tiếp tế, trong ánh nắng hồng của rừng núi sau cơn mưa.
Chú bé làm công bị bệnh, dì Năm đang được nghỉ hè để về thăm các con. Lệ Xuân kể cho tôi nghe như thế khi cô xuống từ trên lưng con la, cô cũng nói lý do cô đến trễ vì cô bị lạc đường. Thế nhưng nhìn cách ăn mặc của cô, chiếc váy bóng bẩy mượt mà có viền đăng ten, tóc buộc khăn thêu hoa, thì giống như là cô vừa la cà từ một buổi vũ hội nào đó chứ không có vẻ gì là cô đã xục xạo trong bờ trong bụi để tìm đường! Oh, cô bé thật dễ thương, đáng yêu làm sao! Mắt tôi không rời cô bé. Thật vậy, chưa bao giờ tôi được nhìn cô gần đến thế. Thỉnh thoảng lắm, vào mùa đông, khi đàn thú được thả xuống đồng bằng và tôi có dịp vào nông trại để dùng bữa tối, cũng là dịp tôi được nhìn thấy cô, vội vã thoáng bước qua phòng ăn, xinh đẹp một cách kiêu sa, và không bao giờ nói chuyện với đám người làm công chúng tôi. Nhưng bây giờ, tôi có cô trước mặt, cô đến vì tôi, vì một mình tôi thôi, thử hỏi tôi có điên lên vì sung sướng không?
Khi lấy đồ tiếp tế từ trong giỏ ra đưa cho tôi, Lệ Xuân nhìn quanh quất khung cảnh chung quanh. Hai tay nhẹ nhàng nâng chiếc váy đẹp lên như sợ sẽ bị bẩn, cô bước vào trong căn lều, nơi tôi ngủ, bày la liệt nào là giỏ rơm, da cừu, chiếc áo khoác tôi máng trên tường, chiếc gậy chăn cừu, và chiếc súng săn của tôi. Tất cả mọi thứ đều lạ mắt và làm cô thích thú. - Ah! Đây là chỗ anh ở à, anh chăn cừu? Ở một mình thế này chắc anh buồn lắm há? Anh làm gì? Anh nghĩ gì?
Tôi chỉ muốn trả lời nghĩ đến cô, tôi không thể dối lòng, nhưng sự lúng túng vụng về đã khiến tôi ngậm câm, không thể mở miệng. Tôi chắc cô cũng nhận thấy thế, cho nên lại càng giễu cợt làm tôi càng lúng túng hơn:
- Thế bạn gái của anh? Thỉnh thoảng cô ta có lên đây thăm anh chứ? Chắc hẳn cô ta phải xinh xắn như một con dê vàng? hay là một nàng tiên chỉ biết chạy lăng xăng lên núi...
Chính nàng, nàng mới là nàng tiên, khi nghiêng đầu nói chuyện với tôi, với nụ cười thật đẹp, dáng dấp vội vã, như một nàng tiên thoáng hiện đến rồi đi.
- Thôi, chào anh chăn cừu nhé, tôi về.
- Chào cô chủ.
Và cô biến mất, đem theo những chiếc giỏ trống rỗng.
Khi bóng dáng cô mất hẳn trên con đường mòn và dốc, tôi tưởng chừng như những viên sỏi lạo xạo dưới chân con la đang rơi từng viên, từng viên một vào tim tôi. Tôi lắng nghe theo tiếng lạo xạo đó thật lâu, thật lâu, và cho đến cuối chiều tôi vẫn thẫn thờ ngồi thừ ra đó, bất động, chỉ sợ làm tan đi giấc mơ vừa mới đến, không để ý là mưa đã lại tí tách rơi, trên đất, trên lá, trên đôi má ướt đẫm của tôi. Là nước mưa hay nước mắt?
Chiều tối, khi đáy thung lũng đã trở màu xanh thẫm và đàn trừu con nọ đi tựa vào con kia cũng lững thững về chuồng, tôi nghe có tiếng ai gọi tôi bên ngoài, và cô tiểu chủ của tôi xuất hiện không tươi tắn như ban chiều mà ướt đẫm, run rẩy vì lạnh và vì sợ. Thì ra cô chủ lại đi lạc và con suối cuồn cuộn dưới cơn mưa bão đã khiến con la không dám dấn bước, và cô nữa, cô sợ bị chết đuối. Điều đáng lo ngại hơn nữa, là vào giờ tối tăm này, tôi không thể chỉ cho cô đi con đường tắt để trở về nông trại, chắc chắn là nếu đi một mình, cô nhất định sẽ lạc đường. Mà tôi thì lại không thể rời đàn cừu. Cái ý nghĩ phải ở lại qua đêm giữa núi rừng đã làm cô hốt hoảng. Tôi trấn an cô:
- Vào tháng bảy, đêm qua nhanh lắm. Chỉ là một chuyện không may ngoài ý muốn thôi. Cô sẽ thấy bình minh đến rất mau.
Nói xong, tôi nhúm lửa ngay để cô sưởi ấm đôi chân và chiếc váy đầm ướt đẫm nước suối. Rồi tôi dọn ra cho cô nào sữa, nào phô mai, nhưng cô bé không ăn cũng không sưởi gì cả, chỉ ngồi khóc mùi mẫn. Nhìn những giọt nước mắt ràn rụa trong đôi mắt cô, tôi cũng muốn khóc luôn!
Rồi đêm tối đến. Chỉ còn một giọt nắng nhẹ mong manh ở cuối chân trời, như chỉ cần một cơn gió nhẹ là sẽ tan đi. Tôi mời cô chủ vào nghỉ trong căn lều của tôi. Trải một lớp rơm mới lên sàn, tôi chúc cô ngủ ngon và ra ngoài cửa ngồi canh chừng cho cô ngủ. Đầu óc tôi mê man vì sung sướng, vì hãnh diện rằng ở một góc rừng sâu thẳm, bên cạnh đàn cừu non đang tò mò nhìn cô ngủ, cô tiểu chủ của tôi, hiền lành như một con cừu non hiếm quí, và trắng trong hơn bất cứ một con cừu trắng nào, đang chìm đắm trong giấc ngủ dưới sự chăm sóc của tôi. Chưa bao giờ tôi thấy bầu trời lại sâu thẳm và những vì sao lại long lanh đến thế.
Bất chợt, tấm song thưa của căn lều chợt mở, cô tiểu chủ của tôi xuất hiện. Cô cũng không ngủ được vì lạ chỗ, vì tiếng kêu be be của đàn thú không ngừng nhúc nhích trong chuồng. Thấy thế, tôi phủ chiếc áo choàng lên vai cô, nhúm thêm lửa và chúng tôi cứ ngồi bên nhau như thế, không biết nói gì. Nếu bạn đã từng ngồi dưới ánh sao đêm, bạn sẽ thấy rằng vào giờ mà chúng ta ngủ, cả một thế giới huyền hoặc, bí ẩn đang chuyển mình trong yên lặng và tĩnh mịch. Tiếng róc rách của dòng suối nghe rõ ràng hơn, nước dưới ao cũng chiếu lên những tia ấm áp hơn. Núi rừng chuyển mình một cách tự nhiên, có tiếng gió lướt trong không khí, những tiếng động êm đềm không thể cảm nhận được. Ban ngày là thế giới của loài người, ban đêm là thế giới của vạn vật. Nếu không quen, có thể chúng ta sẽ sợ hãi. Cô tiểu chủ của tôi có lẽ cũng đang sợ như thế, cô run rẩy ngồi nép sát vào tôi tìm sự che chở. Chợt một tiếng kêu của con gì đó, tiếng kêu dài, sầu muộn từ dưới ao vọng lên đến chỗ chúng tôi ngồi, âm thanh vang vọng, gờn gợn sóng trong núi rừng âm u. Cùng lúc đó, một ánh sao băng lướt qua đầu chúng tôi, lướt về cùng hướng đó, như thể là tiếng kêu bí ẩn đó đã mang theo cả ánh sáng đến với chúng tôi.
- Là cái gì vậy? Cô chủ hỏi tôi với giọng thấp và run rẩy.
- Là một linh hồn vừa lên thiên đàng, thưa cô chủ.
Và tôi làm dấu thánh giá. Cô cũng làm dấu theo tôi, ngước mặt trầm lặng một lúc rồi nói:
- Đúng vậy, anh chăn cừu! Anh thật thông thái.
- Không đâu, cô chủ! Nhưng tại đây, chúng tôi sống gần các vì sao, nên chúng tôi biết nhiều về chúng hơn là những người sống dưới đồng bằng.
Chống tay lên để tựa đầu, cô vẫn ngước mắt nhìn trời, vai phủ chiếc áo khoác bằng da dê của tôi, trông cô như một cô bé mục đồng đẹp tuyệt vời.
- Nhiều sao quá! Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một bầu trời đầy sao như vậy. Anh có biết tên của chúng không, anh chăn cừu?
- Có chứ, cô chủ. Đây nhé, ngay trên đầu chúng ta là dải Ngân Hà, trải dài từ nước Pháp đến Tây Ban Nha, còn gọi là Con đường của Thánh Jacques, đó là con đường mà Thánh Jacques đã vạch ra cho vua Charlemagne khi vị anh hùng này gây chiến với người Hồi giáo.
Xa hơn nữa, là chòm Đại Hùng Tinh, còn gọi là chòm sao Gấu lớn, với bốn chiếc trụ chói lọi. Người Đức cho rằng đây không phải là một con gấu, mà là một cỗ xe ngựa lớn. Người Anh thì gọi chòm sao này là Cỗ xe ngựa của Vua David. Ba ngôi sao phía trước là ba con vật kéo xe, ngôi sao nhỏ nhất trong chùm là người phu xe. Cô có trông thấy chung quanh đó là một trận mưa sao đang rơi. Đó là những linh hồn đang bị Thượng đế ruồng bỏ.
Dưới đó một chút là chòm sao Ba Vua, chúng ta có thể dựa vào đó mà biết giờ giấc. Chỉ cần nhìn nó là tôi có thể biết rằng giờ này đã quá mười hai giờ đêm rồi. Thấp hơn chút nữa, là ngôi sao Jean de Milan, là ngọn đuốc của các vì tinh tú. Các trẻ mục đồng kể về ngôi sao này như sau: Có một đêm, sao Jean de Milan, cùng với chòm sao Ba Vua và chòm Thất Tinh được mời đi dự tiệc cưới của một vì sao bạn. Chòm Thất Tinh, vội vã đi trước, và lấy con đường trên cao, kia kìa, tít tận đáy Trời. Ba Vua nối tiếp theo sau để rượt cho kịp Thất Tinh, còn ngôi sao lười biếng Jean de Milan kia thì mải mê ngủ quên, lót tót theo sau cùng, giận dữ, đã ném chiếc gậy để chặn họ ngừng lại....
Nhưng ngôi sao đẹp đẽ nhất trong các vì tinh tú, thưa cô chủ, đó là ngôi sao của chúng tôi, sao Mục Đồng, tỏa sáng trên nền trời khi chúng tôi phải lùa thú ra khỏi chuồng vào buổi bình minh, và dẫn đường cho chúng tôi về vào buổi hoàng hôn. Chúng tôi đặt tên cho nó là Maguelonne, chính là cô công chúa xinh đẹp Maguelonne chạy theo tình yêu của chàng hoàng tử hào hoa Pierre de Provence, là Thổ tinh, và cứ mỗi bảy năm họ lại cưới nhau một lần.
Lệ Xuân kêu lên:
- Cái gì? Anh chăn cừu! Có đám cưới của các vì sao à?
- Đúng vậy, thưa cô chủ.
Vừa lúc tôi tìm lời để giải thích về đám cưới của các vì sao thì tôi cảm thấy có một cái gì vừa nhẹ nhàng vừa tươi mát đặt nhè nhẹ lên vai tôi. Đó là cái đầu ngái ngủ của cô bé gái tựa lên vai tôi với chiếc khăn thêu hoa có viền đăng ten và mái tóc uốn cong óng mượt tung theo gió và rơi xuống xõa trên vai tôi, tỏa một mùi hương dịu mát. Cô bé cứ ngủ như thế không cử động cho đến khi các vì tinh tú trên trời mờ nhạt dần rồi từ từ biến mất khi bình minh ló dạng.
Còn tôi, tôi ngồi im lặng nhìn cô ngủ mà lòng xao xuyến dưới ánh sao đêm. Chung quanh chúng tôi, các vì sao vẫn âm thầm vận chuyển, ngoan ngoãn và trật tự như một đàn cừu non. Ô kìa, tôi vừa nhìn thấy một vì sao nhỏ bé nhất, chói sáng và rực rỡ nhất, vừa lạc đàn, nhẹ nhàng rơi xuống và đến đậu trên vai tôi.