Người dân Israel đang bắt đầu thời kỳ để tang cựu Thủ tướng Ariel Sharon, người vừa qua đời ở tuổi 85 sau tám năm hôn mê.
Công chúng sẽ đến tiễn biệt ông tại nơi quàn thi hài của ông vào ngày Chủ nhật 12/1 trước nghi lễ chôn cất riêng tư vào thứ Hai ngày 13/1.
Người dân Israel và các nhân vật có tiếng tăm trên thế giới đang tiếc thương một người đã chiến đấu trong bốn cuộc chiến trước khi bước lên vũ đài chính trị.
Nhưng người dân Palestine, những người xem Sharon là kẻ thù, thì chẳng có ai đau buồn.
Một nhân vật lớn của Israel
Người đứng đầu Trung tâm Y tế Sheba ở gần Tel Aviv đã xác nhận rằng ông Sharon đã qua đời vào chiều thứ Bảy ngày 11/11.
Gilad Sharon, một trong hai người con trai của ông, phát biểu bên ngoài bệnh viện: “Ông đã ra đi. Ông đã ra đi vào lúc ông muốn đi”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã ca ngợi một nhà lãnh đạo ‘đã cống hiến cuộc đời cho đất nước Israel’.
Tổng thống Israel Shimon Peres, một người bạn lâu năm đồng thời cũng là đối thủ chính trị một thời của ông Sharon, nói rằng Sharon là ‘một người phi thường và là một tư lệnh phi thương, người yêu thương người dân của mình và được người dân yêu thương’.
Sharon còn được biết đến với biệt danh ‘Xe ủi’. Ông là một nhân vật lớn của quân đội và chính trường Israel. Nhiệm kỳ thủ tướng của ông đã bất ngờ gãy ngang khi ông bị đột quỵ và hôn mê hồi tháng Giêng năm 2006.
Biên tập viên Trung Đông của BBC Jeremy Bowen nhận xét rằng ông Sharon là người đã định hình hiện trạng Bờ Tây và quan hệ của Israel với Palestine nhiều hơn bất cứ các chính khách Israel nào khác trong những năm gần đây.
Ông đã tham gia chiến đấu giành độc lập cho Israel vào năm 1948, tham gia vào cuộc xâm lược bán đảo Sinai của hồi năm 1956 và lãnh đạo một sư đoàn thiết giáp trong cuộc chiến sáu ngày vào năm 1967. Năm 1973, ông chỉ huy cuộc phản công của Israel trước quân đội các nước Ả Rập ở Kênh đào Suez.
Ông bị người Palestine thù ghét đến nỗi ở Dải Gaza, người ta phát kẹo để ăn mừng tin ông qua đời. Một quan chức cấp cao của phong trào Fatah còn nói Sharon là một ‘tên tội phạm mà người dân muốn phải bị xét xử ở tòa án’.
‘Bàn tay vấy máu’
Linh cữu của ông Sharon sẽ được đặt ở một khuôn viên trước tòa nhà Quốc hội Israel ở Jerusalem vào ngày 12/1 để công chúng có thể vào viếng trong vòng 6 tiếng đồng hồ.
Một buổi lễ sẽ được cử hành vào sáng thứ Hai ngày 13/1 với sự tham dự của các vị khách quốc tế như phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự kiến cũng sẽ đến.
Vài giờ sau đó ông sẽ được chôn cất trong một buổi lễ riêng tư ở trang trại của ông trên sa mạc Negev, nơi người vợ quá cố của ông được an táng hồi năm 2000.
Thủ tướng Anh David Cameron nói Israel đã mất đi ‘một trong những nhân vật quan trọng nhất’ trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande thì cho rằng ông Sharon đã ‘lựa chọn quay trở lại đàm phán với người Palestine’.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và phu nhân Hillary Clinton, cựu ngoại trưởng, nhận xét rằng ông Sharon đã ‘cống hiến cuộc đời cho Israel’ và được làm việc, tranh luận với ông và dõi theo những hành động của ông để tìm ra con đường đúng đắn cho đất nước của ông là một vinh hạnh’.
Cựu đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc dưới thời của Sharon là ông Danny Ayalon nói rằng vị thủ tướng quá cố đã thay đổi bức tranh chính trị khu vực khi ông quyết định rút quân ra khỏi Dải Gaza hồi năm 2005 và ông sắp có những bước đi sáng tạo để hướng đến một giải pháp với người Palestine.
Tuy nhiên nhóm Hamas, nhóm chiến binh Hồi giáo cai quản Dải Gaza từ năm 2007, thì gọi Sharon là ‘kẻ chuyên chế’ và cho rằng cái chết của ông là ‘sự biến mất của một tên tội phạm mà bàn tay vấy máu người dân Palestine’.