Quán Bên Đường
" TRUNG TƯỚNG " VÀ GÃ " TÀ-LỌT "
" Nhân vật " thường đi trước, tuổi chưa quá bốn mươi, người mảnh khảnh, nước da bánh ít, diện mạo ngớ ngẩn, hai vành tai bung rộng ra ngoài, như tai dơi, nhưng dáng điệu thì lừng khừng như người nghễnh ngãng. Anh ta tiếp nhận tiếng động chung quanh như với một giới hạn nào đó nên thường phản ứng không phù hợp với bối cảnh, lúc nào cũng trễ một nhịp so với tác động. Lộ liễu trên khuông mặt của anh ta là cặp mắt, lồi ra như mắt cá thòi lòi, tròng trắng nhiều hơn tròng đen, một loại tròng đen lười biếng, mệt mỏi, thiếu linh hoạt so với những biến động của hình ảnh tiếp nhận được. Ít khi nghe anh ta nói dù đôi môi thường mấp máy khi có người hỏi đến, nhưng không thấy trả lời. Trời nóng cũng như trời lạnh, lúc nào anh ta cũng diện thuần nhứt mỗi một bộ bà ba màu xanh nước biển viền trắng cũng như chạy sọc trắng theo đường lưng và theo hai nẹp quần do trại cải tạo phát. Tài sản riêng của anh ta là chiếc mũ vải kiểu hướng đạo, có lẽ đã lượm được trong những hôm quần áo ngổn ngang nằm đầy đường phố đô thành ngày sập tiệm. Mũ hơi hẹp so với cái đầu to tướng khác thường của anh ta nên lúc nào mũ cũng như đang ngồi xổm trên đó. Ðương sự không biết và cũng không thể cho biết danh tánh của mình, nhưng sẵn sàng đáp ứng lại tên gọi " trung tướng Nguyễn Huệ, tư lịnh sư đoàn 23B ", một đơn vị chưa nghe đến bao giờ mà cũng chẳng thấy ghi trong trận liệt của lực lượng hai bên xuyên suốt cuộc nội chiến Bắc-Nam.
Tháp tùng " trung tướng Nguyễn Huệ " là một chàng trai cao hơn anh ta một cái đầu, to bề ngang. Tóc chàng hớt ngắn kiểu bàn chải gần như trọc, miệng lúc nào cũng như mở một nụ cười hà tiện, không trọn vẹn dứt khoát. Chàng có một vóc dáng tròn trịa, người có da, có thịt. Vào những ngày Tết nhứt chàng mà đóng vai ông Ðịa trong đám múa lân thì chắc là không phải độn chất gì khác để cho thân hình được đẫy đà. Khác với " trung tướng Nguyễn Huệ ", chàng này lúc nào cũng quần đùi và lưng trần dù cho ngày nóng hay đêm lạnh. " Trung tướng Nguyễn Huệ " đi đâu là chàng ta đi theo đó không cần phải lịnh lạc hay chỉ thị gì hết, như chừng chàng ta đã thuộc nằm lòng một chuẩn định điều hành đã được viết sẵn. Trong mọi tình huống, chàng ta đều sát cánh bên " trung tướng Nguyễn Huệ ", trong tầm tay với, giống như tác phong của những sĩ quan tùy viên tướng lãnh. Do đó mà anh chàng được dư luận trong trại phong cho chức " sĩ quan tùy viên " của " trung tướng Nguyễn Huệ " mà tên gọi nôm na phổ biến là " tà-lọt ". Không ai biết tên chàng là gì và khi nói đến chàng người ta chỉ cần nói là " tà-lọt của trung tướng Nguyễn Huệ ". Muốn hỏi tên cũng không thể được vì không thấy chàng ta nói chuyện bao giờ, ngoại trừ những lúc phải trả lời với cán bộ cai tù nhưng cũng chỉ một đôi tiếng mà thôi.
Thân phận đắng cay của tù cải tạo sẽ vô cùng bi đát, như rơi xuống vực thẳm của đất đen, nếu không còn đối diện được những nghịch cảnh mỉa mai, dở khóc dở cười, trong đó có trường hợp của " trung tướng và gã tà-lọt " này. Nếu ngoài đời thường, cái cười bằng mười thang thuốc bổ thì trong bối cảnh nhà tù nó còn giá trị gấp bao nhiêu lần, nhứt là khi cái cười được coi như là một loại vũ khí của người thất thế chống lại cái ngớ ngẩn, ngu xuẩn của kẻ thù. Nhóm tù cải tạo gặp cặp " trung tướng và gã tà-lọt " khi bị chuyển từ trại Long Giao (Long Khánh) sang trại Tam Hiệp (Biên Hòa). Khi nhóm tù Long Giao đến Tam Hiệp thì ở đây đã có một số chiến hữu ngày xưa bị cộng sản bắt trước hạn kỳ trình diện. Thành phần tù tập trung về trại này rất đa dạng vì được thu lượm từ khắp nơi của Sài Gòn và Chợ Lớn, chớ không như loại tù từ Long Giao chuyển về, vốn là những người trình diện theo cấp bực trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngày trước. Do chỗ thành phần phức tạp được nhốt chung nên mới biết được đầu đuôi câu chuyện "trung tướng và gã tà-lọt".
Một thời gian sau khi " cướp quản " Sài Gòn, các quận đội và phường đội rải ra đi lùng sục hang cùng ngõ hẻm thành phố trong chiến dịch gọi là " nắm tình hình quân sự với ý đồ ngăn ngừa và trấn áp những mầm móng phản cách mạng và phục thù giai cấp ". Với bản chất đa nghi, cộng sản về thành như một người đánh cá tham lam, cứ mỗi mẻ lưới là gom hết cá lớn lẫn cá bé, không chấp nhận bất cứ lý luận hay biện minh nào hết. Vì vậy cho nên trong những ngày tháng nắm quyền đầu tiên đó, phường, quận nào cũng cung cấp nhân số cho nhà tù một cách " vượt chỉ tiêu ". Qua hành động bắt gọn và hốt gọn như vậy, " trung tướng và gã tà-lọt " mới " hân hạnh " được nhà nước cộng sản hầu hạ cơm ăn và áo mặc, điều mà khi sống ngoài đời thường họ phải tự cung tự cấp một cách vất vả, tùy theo lòng phước thiện của khách qua đường.
Chẳng qua là vào ngày rã ngũ ba mươi tháng tư bảy mươi lăm của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, quân phục bị ném tung trên khắp nẻo phố phường thủ đô trong tinh thần dẹp bỏ những biểu tượng có tính chất khiêu khích để tránh những hành động cuồng tín, tự phát bừa bải của những bộ đội nặng máu căm thù. Của đâu của bỏ, những người thiếu thốn, tiếc của trời cho, lượm về mặc vào nhưng có người không quan tâm đến những phù hiệu cấp bực thêu may sẵn trên những " chiến bào " bị phụ bạc. "Trung tướng Nguyễn Huệ" cũng như " gã tà-lọt " dĩ nhiên đã nằm trong tình huống này. " Gã tà-lọt " vớ được một bộ quần áo tác chiến ngụy trang có thêu cấp bực sĩ quan rồi cứ thế diện vào hiên ngang đi khắp phố phường. Chẳng may cho chàng là gặp toán phường đội đang đi tuần tiễu. Chàng bị chận lại hạch hỏi nhưng vì thiếu vắng khả năng phát âm nên bị đưa về phường, lên quận và cuối cùng là trại giam, chẳng cần biết thủ tục pháp lý gì hết. Khi người của núi rừng vào thành phố ! Từ đó trở đi chàng mang tội danh : " Sĩ quan ngụy bất phục tùng lịnh đăng ký và khinh thường nhân viên nhà nước" Còn " trung tướng " thì ngoài chuyện mặc quân phục rong chơi còn cho quân tuần tra biết chức vụ cũ của mình là " trung tướng tư lịnh sư đoàn 23B ". Thế là, với những " bằng chứng hiển nhiên " đó nhân viên công quyền của lực lượng vừa chiến thắng quyết định đưa họ về một nơi nhứt định để gọi là " bảo vệ an ninh ", kẻo bị quần chúng nhân dân căm thù đánh đập. Từ giai cấp " vô sản " đương nhiên và không thẻ đảng viên lại có cơ hội tốt mang bộ cánh sĩ quan Sài Gòn nhân ngày cách mạng về thành, hai chàng thanh niên kia bị giai cấp của chính mình đưa về giam giữ ! Thật là rắc rối và khó hiểu, nhưng " trung tướng và gã tà-lọt " cũng chẳng cần hiểu làm gì khi mà cả hai đều có những bộ óc không bình thường.
Theo dư luận của những người tự xưng là biết được nhiều chuyện trong tù thì " trung tướng Nguyễn Huệ " nguyên là một quân nhân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau một lần bị thương ở đầu, " trung tướng " đã mất đi khả năng suy nghĩ bình thường. Anh ta chỉ sống trong môi trường mơ hồ của bản thân, thậm chí lại là một môi trường đầy tính chất anh hùng hóa, tự biến mình thành " tư lệnh " của một sư đoàn mơ tưởng nào đó trong đầu óc của riêng anh. Một gã bộ đội đầu đội nón cối, chân đi dép râu mà tóm được một " trung tướng, sư trưởng ngụy " giữa lòng thủ đô miền Nam đang rã đám nếu không phải là chuyện tầm thường thì cũng là điều bất thường. Thế là " trung tướng " được mời đi " học tập cải tạo " để trở thành " con người mới xã hội chủ nghĩa ". Dĩ nhiên là cứ theo bản chất của đương sự, " trung tướng " cũng ngớ ngẩn đi theo gã bộ đội kia, không thắc mắc mà cũng không phản đối. " Trung tướng " không ngoan ngoãn nhưng lững thững cùng đi với gã bộ đội về phường đội, lên quận đội để sau cùng được đưa vào trại tập trung. Không cần biết thật hay giả, trung tướng nào của quân đội ngụy cũng đều được cộng sản đối xử như nhau, một hình thức công bằng dưới thời cộng sản cai trị vậy.
Về phần chàng " tùy viên của trung tướng " thì bản sơ yếu lý lịch cho thấy chàng ta là một con người lang thang của phố chợ. Ai nuôi cũng được và thức ăn nào cũng nuôi được chàng ta. Tâm trí chàng ta rỗng không từ ngày lọt lòng mẹ chào đời. Khi gia đình biết được chàng ta là kẻ ngoại khổ thì sự có mặt hay lẽ vắng mặt của chàng ta trong nhà không còn là vấn đề nữa. Cho nên chàng ta có mặt ở nhiều nơi trong thành phố mà chẳng có mặt ở nhà bao giờ hết. Vã lại gia đình cũng không cần biết đến chàng ta khi phải " chạy cơm từng bữa toát mồ hôi ". Thế nhưng, với cộng sản vừa mới về thành tập tành cai trị, chàng ta là một con người không kém phần nguy hiểm vì " có quần chúng ". Hơn nữa, chàng ta đã bị gã bộ đội bác Hồ bắt trong tư thế quần đùi áo trận ngụy trang có thêu " quân hàm " sĩ quan. Ðám đông hiếu kỳ bào chữa cho chàng ta, cố tình giải thích cho gã bộ đội biết rằng : " Cách mạng về nó mới có áo mặc đó. Có lẽ nó muốn chào mừng cách mạng thành công cho nghiêm túc... ". Nhưng, con người cộng sản không đùa bao giờ và lúc nào cũng nghiêm túc thi hành nhiệm vụ cao cả của Ðảng và Nhân Dân giao phó nên cứ cho chàng sĩ quan kia vào trại tập trung chờ hồi sau phân giải.
Tính đa nghi và mức hiểu biết hẹp hòi của cộng sản đã đưa đẩy hai " nhân vật Sài Gòn " kia gặp nhau trong khung cảnh nhà tù học tập cải tạo. Giống nhau thì dễ kết hợp nhau nên dù trong cảnh tù tội " trung tướng " vẫn có được chàng " tà-lọt " hầu hạ chẳng khác gì một sĩ quan cấp tướng ngoài đời thường. Không như những tướng tá và sĩ quan đi tù cải tạo khác, " trung tướng " và chàng " tà-lọt " cứ bình thản trong nếp sống riêng tư, dù bị hạn hẹp trong mấy vòng rào kẽm gai của trại. Họ không làm gì hết mà cũng không cần phải nghe các cán bộ " thuyết giảng ". Cơm ngày hai bữa tuy chẳng no bụng nhưng cứ ăn rồi nhởn nhơ dạo chơi, thầy trước trò sau, hết nhà này sang nhà khác miễn là không bị kẻm gai ngăn chận. Như nước sông đổ dốc, chỗ nào đi được là họ cứ đi. Cứ áo quần trại phát ra họ mặc, có khi cũng chẳng cần mặc, không cần phải đưa quần áo riêng tư ra sử dụng lôi thôi. Vả lại hành trang đi tù của họ cũng chẳng có bao nhiêu, chỉ có mỗi con người của họ.
Làm đúng quy định của trại là " ăn chín, uống sôi " vậy mà có người còn bị " Tào Tháo đuổi " chạy có cờ, có kẻ bị kiết lị hành hạ hốc cả người, khô cả nước trong cơ thể, đứng đi không nổi phải chỏi gậy mà lê lết. Còn " trung tướng " và chàng " tà-lọt ", uống thì nước giếng nguyên chất, cơm ăn ruồi bu kiến đậu vậy mà chẳng làm sao hết ! Trời sanh trời nuôi quả là cụ thể trước mắt, khó tin nhưng có thật. Người khác thì tiếp phẩm gia đình gởi vào ăn phụ vào cơm trại nhưng lúc nào cũng thấy đói còn " trung tướng" và chàng " tà-lọt " thì phần cơm tiêu chuẩn ăn đều đều mà lúc nào cũng bình thản, chẳng có lời kêu than. Thiếu và đói phải chăng chỉ là nhận thức của những bộ óc bình thường, biết đối chiếu và đòi hỏi ?
Thật ra làm gì " trung tướng " và chàng " tà-lọt " phải than van. Nếp sống hiện tại của họ trong trại quả đúng như lời tiên tri của " Bác " là khi " đánh thắng giặc Mỹ " rồi là họ sống hơn mười ngày xưa. " Trung tướng " và " tà-lọt " của ông không còn phải vất vả đi tìm miếng ăn, cái mặc ở đầu đường xó chợ như xưa kia nữa vì giờ đây tất cả đã có cách mạng " lo " cho. Sống trên đời, con người thường khổ tâm là vì phải thỏa mãn nhu cầu vật chất trong khi nhu cầu căn bản của nhân sinh đâu phải là số nhiều. Khác với con người tầm thường, " trung tướng " và chàng " tà-lọt " không đòi hỏi phải có nhiều của cải vật chất, chỉ cần ngang bằng với cái vốn nhận thức của hai người thôi. Cho nên " trung tướng " và " tà-lọt " của ông rất ung dung tự tại với tiện nghi mà trại tù cung cấp, không khổ tâm như những người chung quanh vốn " ăn quen nay nhịn không quen ". Thậm chí khi phải chia tay với chàng " tà-lọt " để một thân một mình ra miền Bắc " học tập cải tạo " ở cấp cao hơn, " trung tướng " cũng không biểu lộ một nỗi khó chịu hay một chút lo âu nào hết. " Trung tướng" đầy đủ tinh thần " tự lập tự cường " chớ không như tướng lãnh quân đội khác thường phải nhờ vả vào tùy viên của mình gần như lệ thuộc.
Ra miền Bắc, cũng được " biên chế " vào tổ đội lao động nhưng cứ trên cơ sở của một con người có vỏ, vắng ruột, nên " trung tướng " cứ lững thững dạo chơi suốt ngày quanh trại, to nhỏ thì thầm với cỏ cây. Cán bộ quản giáo cộng sản năm lần bảy lượt gọi " trung tướng " lên " làm việc " để xây dựng, hy vọng rằng " trung tướng " sẽ chịu lao động trong tinh thần " lao động là vinh quang " để sớm trở thành người " công dân lương thiện ". Thế nhưng, " trung tướng " bình thản mĩm cười, chẳng nói chẳng rằng. Có lần trường hợp của " trung tướng " được chuyển lên cán bộ giáo dục trại, nghĩa là leo thang một nấc của độ trầm trọng. Quan to thì biện pháp lớn, cán bộ giáo dục ra lệnh cho " trung tướng " nằm nhà kỷ luật để gây sức ép. Nhưng, " trung tướng " vẫn tỉnh bơ. Ngày hai nắm cơm lạt, một mình một buồng giam chẳng khác gì ở biệt thự, cửa đóng then cày bảo đảm an ninh, " trung tướng " nghêu ngao ca hát hoặc đôi khi im lặng ngày này qua ngày nọ như chừng giận lẩy cuộc đời. Hoàn toàn bất lực, trại đành chào thua. " Ðảng ta bách chiến, bách thắng " cũng thua một anh có tâm thần bất ổn ! Thế là cán bộ, từ quản giáo đến trại trưởng, qua trực trại và giáo dục, đành chào thua " trung tướng " khi người nhất định không chịu trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa. Cũng có lý lẽ của " trung tướng ". Chắc gì làm " công dân lương thiện " mà thoải mái hơn nếp sống hiện thời của " trung tướng " ở trong trại tù học tập cải tạo này ? Một cách thực tiễn, " trung tướng " biết tận hưởng những gì mình đang có hơn là, thả mồi bắt bóng, chạy theo thiên đường tranh vẽ.
Ấy vậy mà trên mười hai năm sau, " trung tướng " cũng được Bộ Nội Vụ Hà Nội phê là " học tập tốt " để cấp giấy ra trại về với gia đình cùng chuyến tàu Thống Nhất với bao nhiêu là tướng, tá và úy khác của quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước kia. Thành thử ra, " trung tướng " giả mà đi " học tập cải tạo " lại sướng hơn sĩ quan thứ thiệt nhiều.
Ba đêm, bốn ngày trên chuyến xe lửa xuyên Việt từ Bắc vô Nam, " trung tướng " đã để lộ một thoáng buồn trên nét mặt. Về với gia đình nào đây ? Ít ra cũng có một người muốn trở lại sống trong trại tù cải tạo cộng sản. Thì ra, điểm son của chương trình học tập cải tạo là đây ! Chỉ có cộng sản mới dám " hạ quyết tâm " áp dụng công thức " bắt lầm hơn thả lầm ". Một con người rỗng không, không họ, không tên, không quá khứ mà cũng chẳng cần biết tương lai cũng có thể bị cộng sản giam trên mười hai năm dài không biết ngượng. Chỉ có cộng sản mới " dám nói, dám làm " theo kiểu đó, theo cung cách của một con thạch sùng rình bắt cho kỳ được một con mồi cứ rung động và chập chờn trước mũi nó. Khi bắt được mồi thì ra chỉ là một cái xác nhện khô nằm trên tơ của nó mà đong đưa theo gió. Thế nhưng dù là loài bò sát nhưng con thằn lằn kia còn có tư cách và can đảm, dám nhận thức cái xằng xiên và vớ vẩn của nó để sửa sai mà bỏ ngay miếng mồi hư chất kia đi. Cộng sản Hà Nội, " Người-Tổ-Chức-Mọi-Thắng-Lợi ", dư thừa sức sáng tạo và óc khoa học, dĩ nhiên không thể ngang hàng con thằn lằn.
" TRUNG TƯỚNG " VÀ GÃ " TÀ-LỌT "
" Nhân vật " thường đi trước, tuổi chưa quá bốn mươi, người mảnh khảnh, nước da bánh ít, diện mạo ngớ ngẩn, hai vành tai bung rộng ra ngoài, như tai dơi, nhưng dáng điệu thì lừng khừng như người nghễnh ngãng. Anh ta tiếp nhận tiếng động chung quanh như với một giới hạn nào đó nên thường phản ứng không phù hợp với bối cảnh, lúc nào cũng trễ một nhịp so với tác động. Lộ liễu trên khuông mặt của anh ta là cặp mắt, lồi ra như mắt cá thòi lòi, tròng trắng nhiều hơn tròng đen, một loại tròng đen lười biếng, mệt mỏi, thiếu linh hoạt so với những biến động của hình ảnh tiếp nhận được. Ít khi nghe anh ta nói dù đôi môi thường mấp máy khi có người hỏi đến, nhưng không thấy trả lời. Trời nóng cũng như trời lạnh, lúc nào anh ta cũng diện thuần nhứt mỗi một bộ bà ba màu xanh nước biển viền trắng cũng như chạy sọc trắng theo đường lưng và theo hai nẹp quần do trại cải tạo phát. Tài sản riêng của anh ta là chiếc mũ vải kiểu hướng đạo, có lẽ đã lượm được trong những hôm quần áo ngổn ngang nằm đầy đường phố đô thành ngày sập tiệm. Mũ hơi hẹp so với cái đầu to tướng khác thường của anh ta nên lúc nào mũ cũng như đang ngồi xổm trên đó. Ðương sự không biết và cũng không thể cho biết danh tánh của mình, nhưng sẵn sàng đáp ứng lại tên gọi " trung tướng Nguyễn Huệ, tư lịnh sư đoàn 23B ", một đơn vị chưa nghe đến bao giờ mà cũng chẳng thấy ghi trong trận liệt của lực lượng hai bên xuyên suốt cuộc nội chiến Bắc-Nam.
Tháp tùng " trung tướng Nguyễn Huệ " là một chàng trai cao hơn anh ta một cái đầu, to bề ngang. Tóc chàng hớt ngắn kiểu bàn chải gần như trọc, miệng lúc nào cũng như mở một nụ cười hà tiện, không trọn vẹn dứt khoát. Chàng có một vóc dáng tròn trịa, người có da, có thịt. Vào những ngày Tết nhứt chàng mà đóng vai ông Ðịa trong đám múa lân thì chắc là không phải độn chất gì khác để cho thân hình được đẫy đà. Khác với " trung tướng Nguyễn Huệ ", chàng này lúc nào cũng quần đùi và lưng trần dù cho ngày nóng hay đêm lạnh. " Trung tướng Nguyễn Huệ " đi đâu là chàng ta đi theo đó không cần phải lịnh lạc hay chỉ thị gì hết, như chừng chàng ta đã thuộc nằm lòng một chuẩn định điều hành đã được viết sẵn. Trong mọi tình huống, chàng ta đều sát cánh bên " trung tướng Nguyễn Huệ ", trong tầm tay với, giống như tác phong của những sĩ quan tùy viên tướng lãnh. Do đó mà anh chàng được dư luận trong trại phong cho chức " sĩ quan tùy viên " của " trung tướng Nguyễn Huệ " mà tên gọi nôm na phổ biến là " tà-lọt ". Không ai biết tên chàng là gì và khi nói đến chàng người ta chỉ cần nói là " tà-lọt của trung tướng Nguyễn Huệ ". Muốn hỏi tên cũng không thể được vì không thấy chàng ta nói chuyện bao giờ, ngoại trừ những lúc phải trả lời với cán bộ cai tù nhưng cũng chỉ một đôi tiếng mà thôi.
Thân phận đắng cay của tù cải tạo sẽ vô cùng bi đát, như rơi xuống vực thẳm của đất đen, nếu không còn đối diện được những nghịch cảnh mỉa mai, dở khóc dở cười, trong đó có trường hợp của " trung tướng và gã tà-lọt " này. Nếu ngoài đời thường, cái cười bằng mười thang thuốc bổ thì trong bối cảnh nhà tù nó còn giá trị gấp bao nhiêu lần, nhứt là khi cái cười được coi như là một loại vũ khí của người thất thế chống lại cái ngớ ngẩn, ngu xuẩn của kẻ thù. Nhóm tù cải tạo gặp cặp " trung tướng và gã tà-lọt " khi bị chuyển từ trại Long Giao (Long Khánh) sang trại Tam Hiệp (Biên Hòa). Khi nhóm tù Long Giao đến Tam Hiệp thì ở đây đã có một số chiến hữu ngày xưa bị cộng sản bắt trước hạn kỳ trình diện. Thành phần tù tập trung về trại này rất đa dạng vì được thu lượm từ khắp nơi của Sài Gòn và Chợ Lớn, chớ không như loại tù từ Long Giao chuyển về, vốn là những người trình diện theo cấp bực trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngày trước. Do chỗ thành phần phức tạp được nhốt chung nên mới biết được đầu đuôi câu chuyện "trung tướng và gã tà-lọt".
Một thời gian sau khi " cướp quản " Sài Gòn, các quận đội và phường đội rải ra đi lùng sục hang cùng ngõ hẻm thành phố trong chiến dịch gọi là " nắm tình hình quân sự với ý đồ ngăn ngừa và trấn áp những mầm móng phản cách mạng và phục thù giai cấp ". Với bản chất đa nghi, cộng sản về thành như một người đánh cá tham lam, cứ mỗi mẻ lưới là gom hết cá lớn lẫn cá bé, không chấp nhận bất cứ lý luận hay biện minh nào hết. Vì vậy cho nên trong những ngày tháng nắm quyền đầu tiên đó, phường, quận nào cũng cung cấp nhân số cho nhà tù một cách " vượt chỉ tiêu ". Qua hành động bắt gọn và hốt gọn như vậy, " trung tướng và gã tà-lọt " mới " hân hạnh " được nhà nước cộng sản hầu hạ cơm ăn và áo mặc, điều mà khi sống ngoài đời thường họ phải tự cung tự cấp một cách vất vả, tùy theo lòng phước thiện của khách qua đường.
Chẳng qua là vào ngày rã ngũ ba mươi tháng tư bảy mươi lăm của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, quân phục bị ném tung trên khắp nẻo phố phường thủ đô trong tinh thần dẹp bỏ những biểu tượng có tính chất khiêu khích để tránh những hành động cuồng tín, tự phát bừa bải của những bộ đội nặng máu căm thù. Của đâu của bỏ, những người thiếu thốn, tiếc của trời cho, lượm về mặc vào nhưng có người không quan tâm đến những phù hiệu cấp bực thêu may sẵn trên những " chiến bào " bị phụ bạc. "Trung tướng Nguyễn Huệ" cũng như " gã tà-lọt " dĩ nhiên đã nằm trong tình huống này. " Gã tà-lọt " vớ được một bộ quần áo tác chiến ngụy trang có thêu cấp bực sĩ quan rồi cứ thế diện vào hiên ngang đi khắp phố phường. Chẳng may cho chàng là gặp toán phường đội đang đi tuần tiễu. Chàng bị chận lại hạch hỏi nhưng vì thiếu vắng khả năng phát âm nên bị đưa về phường, lên quận và cuối cùng là trại giam, chẳng cần biết thủ tục pháp lý gì hết. Khi người của núi rừng vào thành phố ! Từ đó trở đi chàng mang tội danh : " Sĩ quan ngụy bất phục tùng lịnh đăng ký và khinh thường nhân viên nhà nước" Còn " trung tướng " thì ngoài chuyện mặc quân phục rong chơi còn cho quân tuần tra biết chức vụ cũ của mình là " trung tướng tư lịnh sư đoàn 23B ". Thế là, với những " bằng chứng hiển nhiên " đó nhân viên công quyền của lực lượng vừa chiến thắng quyết định đưa họ về một nơi nhứt định để gọi là " bảo vệ an ninh ", kẻo bị quần chúng nhân dân căm thù đánh đập. Từ giai cấp " vô sản " đương nhiên và không thẻ đảng viên lại có cơ hội tốt mang bộ cánh sĩ quan Sài Gòn nhân ngày cách mạng về thành, hai chàng thanh niên kia bị giai cấp của chính mình đưa về giam giữ ! Thật là rắc rối và khó hiểu, nhưng " trung tướng và gã tà-lọt " cũng chẳng cần hiểu làm gì khi mà cả hai đều có những bộ óc không bình thường.
Theo dư luận của những người tự xưng là biết được nhiều chuyện trong tù thì " trung tướng Nguyễn Huệ " nguyên là một quân nhân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau một lần bị thương ở đầu, " trung tướng " đã mất đi khả năng suy nghĩ bình thường. Anh ta chỉ sống trong môi trường mơ hồ của bản thân, thậm chí lại là một môi trường đầy tính chất anh hùng hóa, tự biến mình thành " tư lệnh " của một sư đoàn mơ tưởng nào đó trong đầu óc của riêng anh. Một gã bộ đội đầu đội nón cối, chân đi dép râu mà tóm được một " trung tướng, sư trưởng ngụy " giữa lòng thủ đô miền Nam đang rã đám nếu không phải là chuyện tầm thường thì cũng là điều bất thường. Thế là " trung tướng " được mời đi " học tập cải tạo " để trở thành " con người mới xã hội chủ nghĩa ". Dĩ nhiên là cứ theo bản chất của đương sự, " trung tướng " cũng ngớ ngẩn đi theo gã bộ đội kia, không thắc mắc mà cũng không phản đối. " Trung tướng " không ngoan ngoãn nhưng lững thững cùng đi với gã bộ đội về phường đội, lên quận đội để sau cùng được đưa vào trại tập trung. Không cần biết thật hay giả, trung tướng nào của quân đội ngụy cũng đều được cộng sản đối xử như nhau, một hình thức công bằng dưới thời cộng sản cai trị vậy.
Về phần chàng " tùy viên của trung tướng " thì bản sơ yếu lý lịch cho thấy chàng ta là một con người lang thang của phố chợ. Ai nuôi cũng được và thức ăn nào cũng nuôi được chàng ta. Tâm trí chàng ta rỗng không từ ngày lọt lòng mẹ chào đời. Khi gia đình biết được chàng ta là kẻ ngoại khổ thì sự có mặt hay lẽ vắng mặt của chàng ta trong nhà không còn là vấn đề nữa. Cho nên chàng ta có mặt ở nhiều nơi trong thành phố mà chẳng có mặt ở nhà bao giờ hết. Vã lại gia đình cũng không cần biết đến chàng ta khi phải " chạy cơm từng bữa toát mồ hôi ". Thế nhưng, với cộng sản vừa mới về thành tập tành cai trị, chàng ta là một con người không kém phần nguy hiểm vì " có quần chúng ". Hơn nữa, chàng ta đã bị gã bộ đội bác Hồ bắt trong tư thế quần đùi áo trận ngụy trang có thêu " quân hàm " sĩ quan. Ðám đông hiếu kỳ bào chữa cho chàng ta, cố tình giải thích cho gã bộ đội biết rằng : " Cách mạng về nó mới có áo mặc đó. Có lẽ nó muốn chào mừng cách mạng thành công cho nghiêm túc... ". Nhưng, con người cộng sản không đùa bao giờ và lúc nào cũng nghiêm túc thi hành nhiệm vụ cao cả của Ðảng và Nhân Dân giao phó nên cứ cho chàng sĩ quan kia vào trại tập trung chờ hồi sau phân giải.
Tính đa nghi và mức hiểu biết hẹp hòi của cộng sản đã đưa đẩy hai " nhân vật Sài Gòn " kia gặp nhau trong khung cảnh nhà tù học tập cải tạo. Giống nhau thì dễ kết hợp nhau nên dù trong cảnh tù tội " trung tướng " vẫn có được chàng " tà-lọt " hầu hạ chẳng khác gì một sĩ quan cấp tướng ngoài đời thường. Không như những tướng tá và sĩ quan đi tù cải tạo khác, " trung tướng " và chàng " tà-lọt " cứ bình thản trong nếp sống riêng tư, dù bị hạn hẹp trong mấy vòng rào kẽm gai của trại. Họ không làm gì hết mà cũng không cần phải nghe các cán bộ " thuyết giảng ". Cơm ngày hai bữa tuy chẳng no bụng nhưng cứ ăn rồi nhởn nhơ dạo chơi, thầy trước trò sau, hết nhà này sang nhà khác miễn là không bị kẻm gai ngăn chận. Như nước sông đổ dốc, chỗ nào đi được là họ cứ đi. Cứ áo quần trại phát ra họ mặc, có khi cũng chẳng cần mặc, không cần phải đưa quần áo riêng tư ra sử dụng lôi thôi. Vả lại hành trang đi tù của họ cũng chẳng có bao nhiêu, chỉ có mỗi con người của họ.
Làm đúng quy định của trại là " ăn chín, uống sôi " vậy mà có người còn bị " Tào Tháo đuổi " chạy có cờ, có kẻ bị kiết lị hành hạ hốc cả người, khô cả nước trong cơ thể, đứng đi không nổi phải chỏi gậy mà lê lết. Còn " trung tướng " và chàng " tà-lọt ", uống thì nước giếng nguyên chất, cơm ăn ruồi bu kiến đậu vậy mà chẳng làm sao hết ! Trời sanh trời nuôi quả là cụ thể trước mắt, khó tin nhưng có thật. Người khác thì tiếp phẩm gia đình gởi vào ăn phụ vào cơm trại nhưng lúc nào cũng thấy đói còn " trung tướng" và chàng " tà-lọt " thì phần cơm tiêu chuẩn ăn đều đều mà lúc nào cũng bình thản, chẳng có lời kêu than. Thiếu và đói phải chăng chỉ là nhận thức của những bộ óc bình thường, biết đối chiếu và đòi hỏi ?
Thật ra làm gì " trung tướng " và chàng " tà-lọt " phải than van. Nếp sống hiện tại của họ trong trại quả đúng như lời tiên tri của " Bác " là khi " đánh thắng giặc Mỹ " rồi là họ sống hơn mười ngày xưa. " Trung tướng " và " tà-lọt " của ông không còn phải vất vả đi tìm miếng ăn, cái mặc ở đầu đường xó chợ như xưa kia nữa vì giờ đây tất cả đã có cách mạng " lo " cho. Sống trên đời, con người thường khổ tâm là vì phải thỏa mãn nhu cầu vật chất trong khi nhu cầu căn bản của nhân sinh đâu phải là số nhiều. Khác với con người tầm thường, " trung tướng " và chàng " tà-lọt " không đòi hỏi phải có nhiều của cải vật chất, chỉ cần ngang bằng với cái vốn nhận thức của hai người thôi. Cho nên " trung tướng " và " tà-lọt " của ông rất ung dung tự tại với tiện nghi mà trại tù cung cấp, không khổ tâm như những người chung quanh vốn " ăn quen nay nhịn không quen ". Thậm chí khi phải chia tay với chàng " tà-lọt " để một thân một mình ra miền Bắc " học tập cải tạo " ở cấp cao hơn, " trung tướng " cũng không biểu lộ một nỗi khó chịu hay một chút lo âu nào hết. " Trung tướng" đầy đủ tinh thần " tự lập tự cường " chớ không như tướng lãnh quân đội khác thường phải nhờ vả vào tùy viên của mình gần như lệ thuộc.
Ra miền Bắc, cũng được " biên chế " vào tổ đội lao động nhưng cứ trên cơ sở của một con người có vỏ, vắng ruột, nên " trung tướng " cứ lững thững dạo chơi suốt ngày quanh trại, to nhỏ thì thầm với cỏ cây. Cán bộ quản giáo cộng sản năm lần bảy lượt gọi " trung tướng " lên " làm việc " để xây dựng, hy vọng rằng " trung tướng " sẽ chịu lao động trong tinh thần " lao động là vinh quang " để sớm trở thành người " công dân lương thiện ". Thế nhưng, " trung tướng " bình thản mĩm cười, chẳng nói chẳng rằng. Có lần trường hợp của " trung tướng " được chuyển lên cán bộ giáo dục trại, nghĩa là leo thang một nấc của độ trầm trọng. Quan to thì biện pháp lớn, cán bộ giáo dục ra lệnh cho " trung tướng " nằm nhà kỷ luật để gây sức ép. Nhưng, " trung tướng " vẫn tỉnh bơ. Ngày hai nắm cơm lạt, một mình một buồng giam chẳng khác gì ở biệt thự, cửa đóng then cày bảo đảm an ninh, " trung tướng " nghêu ngao ca hát hoặc đôi khi im lặng ngày này qua ngày nọ như chừng giận lẩy cuộc đời. Hoàn toàn bất lực, trại đành chào thua. " Ðảng ta bách chiến, bách thắng " cũng thua một anh có tâm thần bất ổn ! Thế là cán bộ, từ quản giáo đến trại trưởng, qua trực trại và giáo dục, đành chào thua " trung tướng " khi người nhất định không chịu trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa. Cũng có lý lẽ của " trung tướng ". Chắc gì làm " công dân lương thiện " mà thoải mái hơn nếp sống hiện thời của " trung tướng " ở trong trại tù học tập cải tạo này ? Một cách thực tiễn, " trung tướng " biết tận hưởng những gì mình đang có hơn là, thả mồi bắt bóng, chạy theo thiên đường tranh vẽ.
Ấy vậy mà trên mười hai năm sau, " trung tướng " cũng được Bộ Nội Vụ Hà Nội phê là " học tập tốt " để cấp giấy ra trại về với gia đình cùng chuyến tàu Thống Nhất với bao nhiêu là tướng, tá và úy khác của quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước kia. Thành thử ra, " trung tướng " giả mà đi " học tập cải tạo " lại sướng hơn sĩ quan thứ thiệt nhiều.
Ba đêm, bốn ngày trên chuyến xe lửa xuyên Việt từ Bắc vô Nam, " trung tướng " đã để lộ một thoáng buồn trên nét mặt. Về với gia đình nào đây ? Ít ra cũng có một người muốn trở lại sống trong trại tù cải tạo cộng sản. Thì ra, điểm son của chương trình học tập cải tạo là đây ! Chỉ có cộng sản mới dám " hạ quyết tâm " áp dụng công thức " bắt lầm hơn thả lầm ". Một con người rỗng không, không họ, không tên, không quá khứ mà cũng chẳng cần biết tương lai cũng có thể bị cộng sản giam trên mười hai năm dài không biết ngượng. Chỉ có cộng sản mới " dám nói, dám làm " theo kiểu đó, theo cung cách của một con thạch sùng rình bắt cho kỳ được một con mồi cứ rung động và chập chờn trước mũi nó. Khi bắt được mồi thì ra chỉ là một cái xác nhện khô nằm trên tơ của nó mà đong đưa theo gió. Thế nhưng dù là loài bò sát nhưng con thằn lằn kia còn có tư cách và can đảm, dám nhận thức cái xằng xiên và vớ vẩn của nó để sửa sai mà bỏ ngay miếng mồi hư chất kia đi. Cộng sản Hà Nội, " Người-Tổ-Chức-Mọi-Thắng-Lợi ", dư thừa sức sáng tạo và óc khoa học, dĩ nhiên không thể ngang hàng con thằn lằn.