Hoa Kỳ nói rằng sẽ dùng "vũ lực qui mô" với Bắc Hàn nếu họ "buộc phải dùng".
Mô tả về vụ Bắc Hàn thử tên lửa mới nhất như động thái leo thang quân sự đột biến, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc nói rằng Hoa Kỳ sẽ đề xuất một nghị quyết mới đối với Bình Nhưỡng.
Đại sứ Nikki Haley cũng dọa sẽ dùng các biện pháp trừng phạt mậu dịch.
Vụ phóng tên lửa, nằm trong một chuỗi các vụ thử, được tiến hành bất chấp một lệnh cấm của Hội đồng Bảo an LHQ.
"Vụ thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Bắc Hàn vào hôm thứ Ba đã "nhanh chóng khép lại khả năng dẫn tới một giải pháp ngoại giao," bà Haley nói.
"Hoa Kỳ chuẩn bị dùng toàn bộ năng lực của mình để tự vệ chúng tôi và các đồng minh," đại sứ Hoa Kỳ nói tại Hội đồng Bảo an LHQ, nơi diễn ra một phiên họp khẩn cấp để bàn thảo diễn biến mới nhất.
"Một trong các năng lực của chúng tôi là dựa vào vũ lực qui mô. Chúng tôi sẽ dùng nếu buộc phải dùng, nhưng chúng tôi không muốn phải phải đi theo chiều hướng đó".
Ông Donald Trump đã chỉ trích Trung Quốc sau vụ thử tên lửa tầm xa của Bắc Hàn, và lên án Bắc Kinh về việc tăng hoạt động thương mại với Bình Nhưỡng.
"Để Trung Quốc hợp tác với chúng ta tức là đã cho họ quá nhiều," tổng thống Hoa Kỳ viết trên Twitter.
Hoa Kỳ và Nam Hàn đã tiến hành cuộc tập trận bắn tên lửa đạn đạo trên Biển Nhật Bản nhằm đáp trả Bắc Hàn.
Hoa Kỳ: Bắc Hàn đã thử tên lửa tầm xa
Lính biên phòng đói và Bắc Hàn lung lay?
Trung Quốc và Nga cùng thúc giục hai bên hãy chấm dứt việc phô trương sức mạnh quân sự của mình, và nói sẽ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm thay đổi thể chế ở Bắc Hàn.
"Với Nga và Trung Quốc thì điều hoàn toàn rõ ràng là bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo cớ cho việc sử dụng vũ lực qua việc dẫn chiếu tới các nghị quyết của Hội đồng Bảo an [Liên hợp quốc] là không thể chấp nhận được, và điều đó sẽ dẫn tới các hậu quả không thể lường trước trong khu vực này, nơi có biên giới với cả Liên bang Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa," Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.
"Các nỗ lực nhằm bóp nghẹt Bắc Hàn về mặt kinh tế cũng là không thể chấp nhận được," ông nói thêm.
Vụ phóng tên lửa, là lần thử mới nhất trong loạt các vụ thử, đã được thực hiện bất chấp lệnh cấm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Hoa Kỳ đã yêu cầu có cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an để thảo luận vấn đề. Một phiên họp kín giữa 15 thành viên Hội đồng sẽ diễn ra vào cuối ngày thứ Tư.
Tổng thống Hoa Kỳ đã có các cuộc thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng của ông ở Mar-a-Lago, Florida hồi tháng Tư. Ông Trump khi đó đã ca ngợi "những tiến triển to lớn" với Trung Quốc sau các cuộc gặp này.
Các số liệu thương mại cho thấy đã có sự gia tăng trong quan hệ thương mại Trung Quốc - Bắc Hàn trong thời gian trước khi có cuộc gặp mặt hồi tháng Tư.
Tổng thống Mỹ hiện đang trên đường tới Ba Lan và Đức, nơi ông sẽ gặp ông Tập lần thứ hai.
Trung Quốc, đồng minh kinh tế chính của Bình Nhưỡng, và Nga đã kêu gọi Bắc Hàn ngưng chương trình tên lửa đạn đạo để đổi lấy việc ngưng các hoạt động tập trận quy mô lớn giữa Mỹ và Nam Hàn.
Ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng "các bên đối đầu cần bắt đầu đàm phán".
Nhật Bản hôm thứ Ba nói "những khiêu khích lặp đi lặp lại như thế này là hoàn toàn không thể chấp nhận được" và đã lên tiếng phản đối.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) là gì?
- Là tên lửa tầm xa, thường được thiết kế để mang theo đầu đạn hạt nhân
- Tầm di chuyển tối thiểu là 5.500km, nhưng hầu hết đều bay từ 10.000km trở lên
- Bình Nhưỡng trước đây từng trưng bày hai loại ICBM là KN-08, tầm bay 11.500km, và KN-14, tầm bay 10.000km, nhưng cho tới trước ngày 4/7vẫn chưa hề tuyên bố thử nghiệm ICBM.
Bắc Hàn hiện thực sự đã có vũ khí tầm xa chưa?
Một số chuyên gia tin rằng cuộc thử nghiệm hôm thứ Ba cho thấy Bắc Hàn đã có một tên lửa có thể đi tới tận Alaska.
Tuy nhiên, tên lửa đó có mang được đầu đạn hạt nhân hay không vẫn là vấn đề chưa rõ.
Bình Nhưỡng nói tên lửa mang theo một "đầu đạn hạng nặng", có khả năng nhắm trúng điích dưới nước mà không làm vỡ kết cấu của mục tiêu.
Nam Hàn nói không có bằng chứng nào cho thấy tên lửa này có thể chịu được nhiệt độ cao và quay trở lại khí quyển một cách thành công, theo hãng tin Yonhap.
Các chuyên gia tin rằng Bình Nhưỡng chưa có khả năng làm đầu đạt hạt nhân cỡ nhỏ, vừa để gắn được vào hỏa tiễn tầm xa và giữ được nó an toàn cho tới khi trúng mục tiêu.
Họ nói rằng các tên lửa của Bắc Hàn không thể nhắm bắn chính xác, trúng được mục tiêu.
Tuy nhiên, một số người khác tin rằng với tốc độ hiện nay, Bình Nhưỡng có thể vượt qua được các trở ngại này và phát triển được vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ trong vòng từ 5 đến 10 năm.