Quán Bên Đường
Tiểu Ðăng khoa, Ðại Ðăng khoa - Trần Nguơn Phiêu
Ngày 10 tháng Chạp năm 1956, Triệu trở về Bordeaux trình luận án Y Khoa. Nay Triệu đã sắm được một chiếc xe Renault nhỏ loại bốn mã lực nên đã đưa Duy Thảo từ Toulouse về Bordeaux bằng đường bộ. Lúc trước, kể như hằng tuần, Triệu đáp xe lửa qua lại Bordeaux-Toulouse nhưng chưa được dịp ghé qua các thành phố nhỏ mà trước kia Triệu chỉ biết tên qua các ga xe. Nay mới có cơ hội la cà biết từng địa phương như thưởng thức nho ngọt Moissac, chiêm ngưỡng các lâu đài thành phố Agen, thăm viếng các vườn cây sung túc Marmande. Thú vị nhất là khi lái xe đi song song với con kinh Canal du Midi miền Nam đất Pháp. Nhiều hàng hóa vẫn còn được vận chuyển bằng con kinh hiền hòa này. Nhiều gia đình vẫn còn sinh sống trên những sà lan lớn trong nghề nghiệp chuyển vận. Một vài gia đình Pháp lại hay chọn tháp tùng các sà lan di chuyển chầm chậm qua nhiều địa danh miền Nam này trong dịp nghỉ hè.
Căn nhà ở 28 đường Cruchinet nay đã vắng bóng bà chủ Ranchou. Triệu cũng đang thu dọn để rời Bordeaux trên đường chuẩn bị về xứ. Ðồ đạc của một sinh viên không có là bao, trừ các sách học cần thiết phải đem về để hành nghề. Tất cả gia tài của cải chỉ chứa trong một thùng sắt để gởi theo đường tàu biển về Việt Nam. Nếu không có việc lo lắng về buổi trình luận án ở Ðại học thì không thể tránh được nỗi buồn man mác phải rời một nơi chôn chặt bao nhiêu kỷ niệm thời sinh viên.
Luận án của Triệu soạn thảo và đánh máy sau bao nhiêu ngày sửa chữa đã được giao cho một nhà xuất bản chuyên in sách Y khoa ở Bordeaux. Lần đầu tiên cầm trong tay tác phẩm do mình thai nghén, Triệu hãnh diện thấy tên mình trên sách với danh xưng Tiến sĩ Y khoa. Giở ngay trang bìa, Triệu không khỏi bùi ngùi hối tiếc đọc dòng chữ: “Kính tặng Ông, Bà ngoại đã có công dưỡng dục tôi thành người ngày hôm nay” vì hai ngoại đã không còn dịp chứng kiến ngày tốt nghiệp của cháu.
Trường Ðại học Y khoa Bordeaux vốn có tiếng là nơi có hệ thống giáo dục thuộc loại bảo thủ ở Pháp. Mỗi giờ học, trước khi vị giáo sư xuất hiện ở giảng đường, luôn luôn có một vị mặc áo choàng đen loại có đuôi tôm theo lối cổ, đầu đội mũ thêu kim tuyến có hai cánh nhọn, trịnh trọng giở mũ chào và hô lớn: “Vị Giáo sư X... sẽ bắt đầu diễn giảng bài của ông”. Sinh viên phải đồng loạt đứng lên tiếp đón vị thầy sắp bước vô giảng đường. Buổi trình luận án vì vậy cũng được tổ chức trong khung cảnh rất long trọng, trong một phòng đặc biệt, trang hoàng lộng lẫy. Năm vị giáo sư trên bàn chủ tọa đều ăn mặc đồng phục áo choàng đen với huy hiệu tùy cấp bậc cao thấp ở Ðại học. Chỉ những thân nhân, bạn bè của thí sinh có giấy mời mới được ngồi tham dự buổi trình luận án.
Vì luận án của Triệu là một cuộc định giá kết quả chữa trị ung thư thận sau một thời gian hơn hai mươi năm nên đã được ban giám khảo đánh giá cao với lời khen “Ðáng được phổ biến ra các Ðại học ngoại quốc”. Buổi lễ đã kết thúc theo nghi thức truyền thống: Triệu phải đưa tay đọc lời thề Hippocrate trước các vị Thầy là sẽ tuân thủ việc hành nghề trong danh dự, giữ kín những quan hệ giữa bịnh nhân và người thầy thuốc, tránh làm những việc có thể tổn hại đến sức khỏe bịnh nhân... Triệu hứa phải xem các Thầy như cha mẹ, xem con cái các Thầy như con mình khi chúng có ý định học y khoa...
Sau buổi trình luận án, kết thúc sáu năm học ở Bordeaux, Triệu cùng Duy Thảo lưu luyến giã từ thành phố sương mù Bordeaux để lái xe trở về Toulouse. Hai tuần trước, Duy Thảo và Triệu đã đến tòa Ðô chánh thành phố để đăng tên thông báo xin làm lễ thành hôn. Theo thủ tục pháp lý ở Pháp, cuộc chuẩn bị hôn nhân phải được thông báo chánh thức để công chúng được biết ngõ hầu có khi gặp người chống đối vì một lý do nào đó. Ðã từ lâu Duy Thảo và Triệu đã chủ trương sẽ làm đám cưới sau khi tốt nghiệp. Như thế là ba ngày sau khi chánh thức trở thành Bác sĩ Y khoa, Triệu cùng Duy Thảo cùng nắm tay nhau, đến trước viên Thị trưởng thành phố Toulouse để tuyên bố đồng ý kết chặt đời của nhau. Ông Thị trưởng, người đại diện chánh quyền chủ trì buổi lễ, trên vai choàng giây lụa màu tam tài biểu hiệu của chức vị, long trọng đọc những câu cam kết mà Triệu và Duy Thảo hứa sẽ giữ trọn đời. Kết thúc buổi lễ là việc trao tặng quyển sổ gia đình mang tên tuổi của vợ chồng mới cưới. Duy Thảo còn nhận thêm một sách hướng dẫn những việc cần thiết khi thành lập gia thất, từ trù liệu kinh tế gia đình đến đi chợ nấu ăn thường thức, săn sóc trẻ con sơ sinh... Thật là một cuộc kết hôn đúng nghi lễ do chánh quyền dân sự tổ chức, khác với đám cưới có tánh cách tôn giáo của một vài bạn của Triệu. Ðặc biệt nếu làm đám cưới ở Bordeaux trong thời còn đang học, các vợ chồng trẻ như Triệu sẽ được các bạn, mặc quân phục Ðại lễ, tuốt kiếm sáng ngời, làm hàng rào danh dự đón chào hai tân hôn.
Buổi tiệc đãi bạn bè sau lễ thành hôn sau đó đã được tổ chức theo lối sinh viên, trong vòng thân mật và giản dị tại nhà trọ. Trong khung cảnh vui nhộn của bạn bè trẻ tuổi, một anh bạn sinh viên có khiếu năng động tên Mẫn, đã cột vào mình một băng đỏ lấy ra từ một bó hoa mừng buổi lễ để đóng vai Thị trưởng, lập lại nghi thức lễ cưới bằng tiếng Việt với những câu pha trò dí dỏm. Thật không ngờ là mấy chục năm về sau, trở về Việt Nam, Mẫn đã đảm nhận chức vụ Thị trưởng Ðà Nẵng. Trong chức vụ này, Mẫn nay đã tốt nghiệp bác sĩ, chắc chưa bao giờ có dịp đứng ra chủ trì làm lễ cưới cho ai vì ở Việt Nam không có cái thông lệ ấy. Bác sĩ Mẫn một người theo đạo Thiên Chúa, đã suýt phải mất mạng và cuối cùng đã mắc vòng lao lý trong nhiều năm sau cuộc chính biến Phật giáo miền Trung vì đã ủng hộ các Phật tử Ðà Nẵng.
Sau những ngày ngắn ngủi ở Toulouse, Triệu phải lên Paris để chuẩn bị việc trở về nước. Duy Thảo vì chưa xong được bằng cử nhân nên phải ở lại Pháp tiếp tục việc học.
Ðúng ra, việc trở về xứ hay quyết định về tương lai là việc Duy Thảo và Triệu đã mất nhiều thời giờ bàn tính, lo nghĩ từ bao nhiêu năm tháng. Vì những hoạt động từ thời kháng chiến đến thời sinh viên ở Pháp, trở về miền Nam có thể có những bất tiện cho Duy Thảo đối với chánh quyền thời bấy giờ. Một là Duy Thảo sẽ ở lại Pháp, hoặc nếu có về, có lẽ nên về Bắc hành nghề. Vì thế nên Triệu phải lên Paris sớm để cùng Duy Thảo tìm lối giải quyết.
Sau thời phái bộ Trần Ngọc Danh, đại diện cho chánh phủ miền Bắc sau hội nghị Fontainebleau bị chánh phủ Pháp không chấp thuận tiếp tục cho hoạt động trên đất Pháp, trong giới Việt kiều, ai ai cũng biết nay V. có thể được xem là đại diện không chánh thức của miền Bắc. Duy Thảo và Triệu đã nhiều lần gặp V. mỗi khi có các toán ở Paris xuống thăm sinh viên Toulouse. V. thường xuống Toulouse với vợ chồng Phạm Huy Thông và đã có nhiều dịp trao đổi ý kiến với Duy Thảo.
Trở lại Paris kỳ này, khi biết được ý định của Duy Thảo và Triệu, Mới đã đưa Triệu đến tiếp xúc V. Nay, Mới chỉ sống có một mình. Vợ và con gái của Mới đã về Bắc trước, có lẽ để chuẩn bị ngày Mới hồi hương sau khi tốt nghiệp.
V. đã tiếp Triệu trong một phòng nhỏ, bày trí rất đơn sơ như một quán trọ sinh viên hơn là nhà một người đã tốt nghiệp. Mới đã tế nhị xin ra ngoài phố để V. và Triệu tự do bàn chuyện.
Sau khi nghe Triệu trình bày những suy tính của Triệu và Duy Thảo, V. đã thân mật, tùy tốn, nhỏ nhẹ (vì anh bị bịnh phổi, không thể phát âm lớn) nói với Triệu: V. đã đoán biết những gì Triệu muốn cho V. góp ý kiến vì Mới cũng đã cho biết trước mục đích buổi gặp mặt. Qua hơn một giờ trò chuyện, Triệu không ngờ là V. đã biết được khá nhiều về quá khứ của Triệu. V. cho biết nhiều bạn đã biết thái độ chánh trị của Triệu trong những buổi tham luận khi Triệu vào khu tham dự khóa huấn luyện thanh niên. Khi ở Việt Nam cũng như lúc đến Pháp, Triệu thường tìm đọc báo chí và hay tiếp xúc với anh em thuộc phe Tả đối lập trong nhóm công binh Việt Nam cũ. Nếu về Bắc chắc sẽ không có dịp hành nghề suông sẻ vì sẽ gặp nhiều trở ngại. V. lấy thí dụ ông Trần Ðức Thảo, một danh tài triết học lừng danh trên đất Pháp nhưng đã gặp nhiều khó khăn khi tình nguyện về giúp Việt Nam. Chỉ vì ông Thảo đã có một thời sinh hoạt chung trong tổ chức anh em lính thợ ở Pháp mà nay đã bị nhiều gán ghép không đúng sự thật. V. cũng thành thật cho Triệu biết: vì tánh Duy Thảo hay phát biểu thẳng thắn mà nay lại là vợ của Triệu nên ngày sau cũng nên tránh không nên về Bắc!
Sau buổi gặp V., Triệu và Mới đã có nhiều giờ bàn về tương lai đất nước. Cùng nhau phân tích lại những gì đã xảy ra trong thời gian đưa đến Hội nghị Genève với kết quả tạm thời chia cắt Việt Nam, cả hai đều không tin tưởng là sẽ có cuộc bầu cử hai năm sau khi ký hiệp định. Tình hình còn sẽ có nhiều bất trắc nhiêu khê tùy thuộc vào các thế lực giằng co giữa các thế lực trên hoàn vũ. Cả hai đứa sẽ đi về hai phía khác nhau. Việc chánh yếu là nên hứa: lúc nào cũng nên lấy người dân làm đối tượng phục vụ.
Quyết định trở về miền Nam như thế đã giải quyết. Triệu không muốn Duy Thảo phải chịu những phút chia tay khổ sở ở sân bay nên quyết định để Duy Thảo trở về Toulouse tiếp tục việc học.
Ðêm chót còn ở Paris, Duy Thảo và Triệu rủ nhau leo Butte Montmartre, cùng lên Sacre Coeur nhìn lại Paris trong ánh sáng ban đêm. Hôm đó trời thật lạnh nhưng khô ráo, không có mưa hay tuyết. Tuy mặc áo ấm nhưng lúc trở về, chịu lạnh không thấu nên cả hai chọn một quán rượu để nghỉ mệt. Ngồi trong phòng có sưởi, uống rượu cognac từng ngụm nhỏ, cảm thấy hơi ấm của rượu từ từ ngấm vào cơ thể, lúc đó mới biết thế nào là rượu quý. Ngồi cùng nhau thưởng thức rượu cognac ở buổi tối trước khi chia tay đưa Duy Thảo ra gare Lyon đáp chuyến xe lửa khuya Occitane về lại Toulouse là một kỷ niệm để đời.
Tân Sơn Hòa chuyển
Tiểu Ðăng khoa, Ðại Ðăng khoa - Trần Nguơn Phiêu
Ngày 10 tháng Chạp năm 1956, Triệu trở về Bordeaux trình luận án Y Khoa. Nay Triệu đã sắm được một chiếc xe Renault nhỏ loại bốn mã lực nên đã đưa Duy Thảo từ Toulouse về Bordeaux bằng đường bộ. Lúc trước, kể như hằng tuần, Triệu đáp xe lửa qua lại Bordeaux-Toulouse nhưng chưa được dịp ghé qua các thành phố nhỏ mà trước kia Triệu chỉ biết tên qua các ga xe. Nay mới có cơ hội la cà biết từng địa phương như thưởng thức nho ngọt Moissac, chiêm ngưỡng các lâu đài thành phố Agen, thăm viếng các vườn cây sung túc Marmande. Thú vị nhất là khi lái xe đi song song với con kinh Canal du Midi miền Nam đất Pháp. Nhiều hàng hóa vẫn còn được vận chuyển bằng con kinh hiền hòa này. Nhiều gia đình vẫn còn sinh sống trên những sà lan lớn trong nghề nghiệp chuyển vận. Một vài gia đình Pháp lại hay chọn tháp tùng các sà lan di chuyển chầm chậm qua nhiều địa danh miền Nam này trong dịp nghỉ hè.
Căn nhà ở 28 đường Cruchinet nay đã vắng bóng bà chủ Ranchou. Triệu cũng đang thu dọn để rời Bordeaux trên đường chuẩn bị về xứ. Ðồ đạc của một sinh viên không có là bao, trừ các sách học cần thiết phải đem về để hành nghề. Tất cả gia tài của cải chỉ chứa trong một thùng sắt để gởi theo đường tàu biển về Việt Nam. Nếu không có việc lo lắng về buổi trình luận án ở Ðại học thì không thể tránh được nỗi buồn man mác phải rời một nơi chôn chặt bao nhiêu kỷ niệm thời sinh viên.
Luận án của Triệu soạn thảo và đánh máy sau bao nhiêu ngày sửa chữa đã được giao cho một nhà xuất bản chuyên in sách Y khoa ở Bordeaux. Lần đầu tiên cầm trong tay tác phẩm do mình thai nghén, Triệu hãnh diện thấy tên mình trên sách với danh xưng Tiến sĩ Y khoa. Giở ngay trang bìa, Triệu không khỏi bùi ngùi hối tiếc đọc dòng chữ: “Kính tặng Ông, Bà ngoại đã có công dưỡng dục tôi thành người ngày hôm nay” vì hai ngoại đã không còn dịp chứng kiến ngày tốt nghiệp của cháu.
Trường Ðại học Y khoa Bordeaux vốn có tiếng là nơi có hệ thống giáo dục thuộc loại bảo thủ ở Pháp. Mỗi giờ học, trước khi vị giáo sư xuất hiện ở giảng đường, luôn luôn có một vị mặc áo choàng đen loại có đuôi tôm theo lối cổ, đầu đội mũ thêu kim tuyến có hai cánh nhọn, trịnh trọng giở mũ chào và hô lớn: “Vị Giáo sư X... sẽ bắt đầu diễn giảng bài của ông”. Sinh viên phải đồng loạt đứng lên tiếp đón vị thầy sắp bước vô giảng đường. Buổi trình luận án vì vậy cũng được tổ chức trong khung cảnh rất long trọng, trong một phòng đặc biệt, trang hoàng lộng lẫy. Năm vị giáo sư trên bàn chủ tọa đều ăn mặc đồng phục áo choàng đen với huy hiệu tùy cấp bậc cao thấp ở Ðại học. Chỉ những thân nhân, bạn bè của thí sinh có giấy mời mới được ngồi tham dự buổi trình luận án.
Vì luận án của Triệu là một cuộc định giá kết quả chữa trị ung thư thận sau một thời gian hơn hai mươi năm nên đã được ban giám khảo đánh giá cao với lời khen “Ðáng được phổ biến ra các Ðại học ngoại quốc”. Buổi lễ đã kết thúc theo nghi thức truyền thống: Triệu phải đưa tay đọc lời thề Hippocrate trước các vị Thầy là sẽ tuân thủ việc hành nghề trong danh dự, giữ kín những quan hệ giữa bịnh nhân và người thầy thuốc, tránh làm những việc có thể tổn hại đến sức khỏe bịnh nhân... Triệu hứa phải xem các Thầy như cha mẹ, xem con cái các Thầy như con mình khi chúng có ý định học y khoa...
Sau buổi trình luận án, kết thúc sáu năm học ở Bordeaux, Triệu cùng Duy Thảo lưu luyến giã từ thành phố sương mù Bordeaux để lái xe trở về Toulouse. Hai tuần trước, Duy Thảo và Triệu đã đến tòa Ðô chánh thành phố để đăng tên thông báo xin làm lễ thành hôn. Theo thủ tục pháp lý ở Pháp, cuộc chuẩn bị hôn nhân phải được thông báo chánh thức để công chúng được biết ngõ hầu có khi gặp người chống đối vì một lý do nào đó. Ðã từ lâu Duy Thảo và Triệu đã chủ trương sẽ làm đám cưới sau khi tốt nghiệp. Như thế là ba ngày sau khi chánh thức trở thành Bác sĩ Y khoa, Triệu cùng Duy Thảo cùng nắm tay nhau, đến trước viên Thị trưởng thành phố Toulouse để tuyên bố đồng ý kết chặt đời của nhau. Ông Thị trưởng, người đại diện chánh quyền chủ trì buổi lễ, trên vai choàng giây lụa màu tam tài biểu hiệu của chức vị, long trọng đọc những câu cam kết mà Triệu và Duy Thảo hứa sẽ giữ trọn đời. Kết thúc buổi lễ là việc trao tặng quyển sổ gia đình mang tên tuổi của vợ chồng mới cưới. Duy Thảo còn nhận thêm một sách hướng dẫn những việc cần thiết khi thành lập gia thất, từ trù liệu kinh tế gia đình đến đi chợ nấu ăn thường thức, săn sóc trẻ con sơ sinh... Thật là một cuộc kết hôn đúng nghi lễ do chánh quyền dân sự tổ chức, khác với đám cưới có tánh cách tôn giáo của một vài bạn của Triệu. Ðặc biệt nếu làm đám cưới ở Bordeaux trong thời còn đang học, các vợ chồng trẻ như Triệu sẽ được các bạn, mặc quân phục Ðại lễ, tuốt kiếm sáng ngời, làm hàng rào danh dự đón chào hai tân hôn.
Buổi tiệc đãi bạn bè sau lễ thành hôn sau đó đã được tổ chức theo lối sinh viên, trong vòng thân mật và giản dị tại nhà trọ. Trong khung cảnh vui nhộn của bạn bè trẻ tuổi, một anh bạn sinh viên có khiếu năng động tên Mẫn, đã cột vào mình một băng đỏ lấy ra từ một bó hoa mừng buổi lễ để đóng vai Thị trưởng, lập lại nghi thức lễ cưới bằng tiếng Việt với những câu pha trò dí dỏm. Thật không ngờ là mấy chục năm về sau, trở về Việt Nam, Mẫn đã đảm nhận chức vụ Thị trưởng Ðà Nẵng. Trong chức vụ này, Mẫn nay đã tốt nghiệp bác sĩ, chắc chưa bao giờ có dịp đứng ra chủ trì làm lễ cưới cho ai vì ở Việt Nam không có cái thông lệ ấy. Bác sĩ Mẫn một người theo đạo Thiên Chúa, đã suýt phải mất mạng và cuối cùng đã mắc vòng lao lý trong nhiều năm sau cuộc chính biến Phật giáo miền Trung vì đã ủng hộ các Phật tử Ðà Nẵng.
Sau những ngày ngắn ngủi ở Toulouse, Triệu phải lên Paris để chuẩn bị việc trở về nước. Duy Thảo vì chưa xong được bằng cử nhân nên phải ở lại Pháp tiếp tục việc học.
Ðúng ra, việc trở về xứ hay quyết định về tương lai là việc Duy Thảo và Triệu đã mất nhiều thời giờ bàn tính, lo nghĩ từ bao nhiêu năm tháng. Vì những hoạt động từ thời kháng chiến đến thời sinh viên ở Pháp, trở về miền Nam có thể có những bất tiện cho Duy Thảo đối với chánh quyền thời bấy giờ. Một là Duy Thảo sẽ ở lại Pháp, hoặc nếu có về, có lẽ nên về Bắc hành nghề. Vì thế nên Triệu phải lên Paris sớm để cùng Duy Thảo tìm lối giải quyết.
Sau thời phái bộ Trần Ngọc Danh, đại diện cho chánh phủ miền Bắc sau hội nghị Fontainebleau bị chánh phủ Pháp không chấp thuận tiếp tục cho hoạt động trên đất Pháp, trong giới Việt kiều, ai ai cũng biết nay V. có thể được xem là đại diện không chánh thức của miền Bắc. Duy Thảo và Triệu đã nhiều lần gặp V. mỗi khi có các toán ở Paris xuống thăm sinh viên Toulouse. V. thường xuống Toulouse với vợ chồng Phạm Huy Thông và đã có nhiều dịp trao đổi ý kiến với Duy Thảo.
Trở lại Paris kỳ này, khi biết được ý định của Duy Thảo và Triệu, Mới đã đưa Triệu đến tiếp xúc V. Nay, Mới chỉ sống có một mình. Vợ và con gái của Mới đã về Bắc trước, có lẽ để chuẩn bị ngày Mới hồi hương sau khi tốt nghiệp.
V. đã tiếp Triệu trong một phòng nhỏ, bày trí rất đơn sơ như một quán trọ sinh viên hơn là nhà một người đã tốt nghiệp. Mới đã tế nhị xin ra ngoài phố để V. và Triệu tự do bàn chuyện.
Sau khi nghe Triệu trình bày những suy tính của Triệu và Duy Thảo, V. đã thân mật, tùy tốn, nhỏ nhẹ (vì anh bị bịnh phổi, không thể phát âm lớn) nói với Triệu: V. đã đoán biết những gì Triệu muốn cho V. góp ý kiến vì Mới cũng đã cho biết trước mục đích buổi gặp mặt. Qua hơn một giờ trò chuyện, Triệu không ngờ là V. đã biết được khá nhiều về quá khứ của Triệu. V. cho biết nhiều bạn đã biết thái độ chánh trị của Triệu trong những buổi tham luận khi Triệu vào khu tham dự khóa huấn luyện thanh niên. Khi ở Việt Nam cũng như lúc đến Pháp, Triệu thường tìm đọc báo chí và hay tiếp xúc với anh em thuộc phe Tả đối lập trong nhóm công binh Việt Nam cũ. Nếu về Bắc chắc sẽ không có dịp hành nghề suông sẻ vì sẽ gặp nhiều trở ngại. V. lấy thí dụ ông Trần Ðức Thảo, một danh tài triết học lừng danh trên đất Pháp nhưng đã gặp nhiều khó khăn khi tình nguyện về giúp Việt Nam. Chỉ vì ông Thảo đã có một thời sinh hoạt chung trong tổ chức anh em lính thợ ở Pháp mà nay đã bị nhiều gán ghép không đúng sự thật. V. cũng thành thật cho Triệu biết: vì tánh Duy Thảo hay phát biểu thẳng thắn mà nay lại là vợ của Triệu nên ngày sau cũng nên tránh không nên về Bắc!
Sau buổi gặp V., Triệu và Mới đã có nhiều giờ bàn về tương lai đất nước. Cùng nhau phân tích lại những gì đã xảy ra trong thời gian đưa đến Hội nghị Genève với kết quả tạm thời chia cắt Việt Nam, cả hai đều không tin tưởng là sẽ có cuộc bầu cử hai năm sau khi ký hiệp định. Tình hình còn sẽ có nhiều bất trắc nhiêu khê tùy thuộc vào các thế lực giằng co giữa các thế lực trên hoàn vũ. Cả hai đứa sẽ đi về hai phía khác nhau. Việc chánh yếu là nên hứa: lúc nào cũng nên lấy người dân làm đối tượng phục vụ.
Quyết định trở về miền Nam như thế đã giải quyết. Triệu không muốn Duy Thảo phải chịu những phút chia tay khổ sở ở sân bay nên quyết định để Duy Thảo trở về Toulouse tiếp tục việc học.
Ðêm chót còn ở Paris, Duy Thảo và Triệu rủ nhau leo Butte Montmartre, cùng lên Sacre Coeur nhìn lại Paris trong ánh sáng ban đêm. Hôm đó trời thật lạnh nhưng khô ráo, không có mưa hay tuyết. Tuy mặc áo ấm nhưng lúc trở về, chịu lạnh không thấu nên cả hai chọn một quán rượu để nghỉ mệt. Ngồi trong phòng có sưởi, uống rượu cognac từng ngụm nhỏ, cảm thấy hơi ấm của rượu từ từ ngấm vào cơ thể, lúc đó mới biết thế nào là rượu quý. Ngồi cùng nhau thưởng thức rượu cognac ở buổi tối trước khi chia tay đưa Duy Thảo ra gare Lyon đáp chuyến xe lửa khuya Occitane về lại Toulouse là một kỷ niệm để đời.
Tân Sơn Hòa chuyển