Lợi thế bất ngờ cho Ukraine ở Bakhmut
Theo bản tin tình báo cập nhật ngày 2.3, Bộ Quốc phòng Anh cho hay tình trạng lầy lội do nhiệt độ ấm lên gây tan băng mùa đông đã ngăn chặn những chuyển động băng đồng (CCM) ở tiền tuyến Bakhmut thuộc Donetsk. Diễn biến thực địa đến từ ảnh hưởng của thời tiết đã mang đến một số lợi thế bất ngờ cho phe phòng thủ.
Bộ Quốc phòng Anh dự báo đến cuối tháng 3 khó khăn do bùn lầy sẽ lên đến đỉnh điểm, gây trở ngại cho các chiến dịch trên bộ và ngăn cản chuyển động của các dòng xe thiết giáp hạng nặng, đặc biệt ở địa hình gồ ghề của Bakhmut.
Ukraine hiện tiếp tục cố thủ Bakhmut bất chấp nỗ lực kéo dài 7 tháng của Nga nhằm kiểm soát thành phố và gia tăng gọng kìm đối với toàn bộ vùng Donetsk. Hiện Nga kiểm soát khoảng phân nửa diện tích ban đầu của tỉnh này.
Lợi thế về thời tiết cho Ukraine tại Bakhmut diễn ra vào thời điểm cố vấn Alexander Rodnyansky của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận quân đội Ukraine có thể "sẽ rút lui hoặc từ bỏ chiến lược thành phố Bakhmut nếu họ tin rằng cái giá cho việc tiếp tục cầm cự vượt quá lợi ích".
Hiện nhóm quân sự tư nhân Wagner đã tung những đơn vị tinh nhuệ nhất nhằm bao vây Bakhmut. Ông Yevgeny Prigozhin, nhà sáng lập Wagner đang tham chiến ở Ukraine, đã công bố video clip quay cảnh đơn vị lính đánh thuê Nga đã tiến vào Bakhmut, nhưng thông tin này chưa được xác nhận.
Bản thân ông Rodnyansky thừa nhận vũ khí của phương Tây đến chậm, khiến quân Ukraine gặp khó khăn trong việc chống chọi trước đà tấn công của Nga.
Cũng trong ngày 2.3, TASS dẫn lời ông Yan Gagin, cố vấn lãnh đạo phe ly khai Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) tố cáo quân đội Ukraine sử dụng đạn hóa học gần Bakhmut nói riêng và Donetsk nói chung trong những ngày gần đây.
Trong một diễn biến khác, một tòa nhà 5 tầng tại thành phố Zaporizhzhia đã bị trúng tên lửa trong ngày 2.3, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và 8 người bị thương, theo Reuters. Chính quyền do Kyiv cử ở Zaporizhzhia cho hay nhiều khả năng tên lửa này khai hỏa từ hệ thống S-300 của Nga. Phía Nga chưa bình luận về thông tin trên.
TASS dẫn lời thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, hôm 2.3 cho biết tiêm kích nước này đã bắn rơi máy bay ném bom Su-24 và trực thăng Mi-8 của Ukraine ở Donetsk trong 24 giờ qua. Phòng không Nga cũng bắn hạ một chiếc Su-25 của đối phương ở Kherson và phá hủy kho đạn ở Kharkiv.
Ukraine chưa bình luận về thông tin đó.
Nga tố cáo Ukraine tấn công nước này
Hôm qua, Điện Kremlin nói Nga đã trúng đòn tấn công của những nhóm khủng bố sau khi có thông tin trái chiều về các vụ giao tranh ở hai vùng Bryansk và Kursk.
Cụ thể, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 2.3 cho biết nước này đã trúng đòn "tấn công khủng bố" ở vùng Bryansk, giáp biên giới Ukraine. Nhà lãnh đạo tuyên bố sẽ đập tan "nhóm phá hoại từ Ukraine" sau khi nhóm này nổ súng về phía dân thường.
Thống đốc Alexander Bogomaz của tỉnh Bryansk thông báo 2 người đã tử vong và một bé trai bị thương trong vụ tấn công mà Nga cáo buộc là do Ukraine gây ra.
Và ông Roman Starovoyt, Thống đốc tỉnh Kursk, đăng video clip trên Telegram ghi lại cảnh tượng một ngôi làng của tỉnh này bị trúng pháo cối bị Nga cáo buộc là từ lực lượng Ukraine.
Về phần mình, Ukraine gọi những vụ tấn công trên do Nga ngụy tạo nhằm làm mất uy tín của lực lượng vũ trang Ukraine. “Câu chuyện về nhóm phá hoại [Ukraine] hoạt động ở [Nga] là dạng khiêu khích thường thấy", tờ The Guardian dẫn lời ông Mykhailo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine nói.
Trước diễn biến trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Putin quyết định họp hội đồng an ninh. Nhà lãnh đạo cũng hủy chuyến đi tới Stavropol sau vụ việc.
G20 không có tuyên bố chung do bất đồng về Ukraine
Cùng ngày, chiến sự Ukraine trở thành mục tiêu "chiếm sóng" hội nghị ngoại trưởng G20, được tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ, quốc gia hiện giữ ghế chủ tịch luân phiên của G20.
Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cho biết Hội nghị ngoại trưởng G20 tại New Delhi đã không thể đạt được tuyên bố chung vì chia rẽ về vấn đề chiến sự Ukraine, theo AFP.
Trước khi có thông báo từ nước chủ nhà, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói hội nghị G20 sẽ không có tuyên bố chung, và thay vào đó Ấn Độ sẽ đưa tài liệu tổng kết.
Ông Lavrov cho biết các cuộc thảo luận về tuyên bố chung đã không đạt được sự đồng thuận về một số vấn đề, bao gồm việc Nga kiên trì theo đuổi cuộc điều tra về vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào năm ngoái.
Hội nghị ngoại trưởng G20 không có tuyên bố chung vì Nga và Trung Quốc phản đối
Sau đó, Trung Quốc cũng khẳng định sẽ không ủng hộ tuyên bố liên quan yêu sách buộc Nga "phải rút quân hoàn toàn và vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine".
Cuộc gặp Nga-Mỹ khác xa cuộc gặp Nga-Trung
Bên lề hội nghị G20, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tiếp xúc với người đồng cấp Nga Lavrov trong một cuộc gặp không hề được sắp xếp trước đó, Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ.
Đây được xem là cuộc trao đổi mặt đối mặt lần đầu tiên giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ-Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ông Blinken nhắc lại Washington sẵn sàng ủng hộ Kyiv cho đến tận cuối cùng. Ông Blinken cũng thúc giục Nga hãy thay đổi quyết định về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).
Còn TASS dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho hay ông Lavrov và ông Blinken nói chuyện “trong lúc đang di chuyển” và không tham gia thương thuyết hoặc chính thức bước vào một cuộc họp cụ thể. Cuộc trao đổi giữa hai nhà ngoại giao diễn ra chưa đầy 10 phút.
Lần cuối cùng hai ông Blinken và Lavrov cùng xuất hiện tại một cuộc họp là vào hội nghị G20 ở Bali tháng 7.2022, nhưng không nói chuyện với nhau.
Cũng tại G20, Ngoại trưởng Lavrov chính thức gặp người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương. Hai nhà ngoại giao thảo luận về tình hình Ukraine, bao gồm quan điểm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về khả năng dàn xếp cuộc khủng hoảng Ukraine, theo TASS.
Hai đại diện Nga và Trung Quốc cũng "nhất trí bác bỏ" cái mà họ gọi là nỗ lực can thiệp vào tình hình nội bộ nước khác.