Thanh
thiếu niên lo lắng cho tương lai, đặc biệt là về biến đổi khí hậu. Đời
sống doanh nghiệp – động lực của chủ nghĩa tư bản - đứng trước áp lực
thay đổi ‘‘cách mạng’’, trong bối cảnh đại khủng hoảng môi
sinh, đi liền với nguy cơ chiến tranh. Trên đây là chủ đề chính của các
tuần báo Pháp ít hôm trước ngày hành động toàn quốc chống dự luật cải
cách hưu trí tại Pháp, 07/03/2023, dự kiến đi liền với tổng đình công
lớn, và có thể kéo dài.
THANH THIẾU NIÊN ÂU – MỸ: BÁO ĐỘNG KHẨN
Trang bìa của tuần báo thiên hữu Le Point chạy tựa : ‘‘Thanh thiếu niên : Tình trạng khẩn cấp’’, trên nền hình ảnh một em gái gương mặt dáng như mệt mỏi, lo âu, mắt dán vào điện thoại cầm tay. Các đe dọa lớn được nêu bật : ‘‘Nghiện ngập, suy nhược thần kinh, bạo lực…’’.
Hồ sơ chính của Le Point mở đâu với vụ một giáo viên bị sát hại trường
trung học Saint-Thomas-d’Aquin, ở Saint-Jean-de-Luz, tỉnh
Pyrénées-Atlantiques, miền tây nam nước Pháp, hồi cuối tháng trước. Thủ
phạm là một học sinh lớp 7.
‘‘Nghiện ngập, suy nhược, bạo lực…’’ và tình trạng thiếu nhân viên y tế
Sau cơn chấn động, một tâm trạng đáng sợ lan rộng, đó là ‘‘những hành động tương tự có thể xảy ra ở mọi nơi, và bất cứ lúc nào’’.
Thảm kịch ở trường trung học Saint-Thomas-d’Aquin diễn ra trong bối
cảnh những rối loạn tâm lý của giới trẻ Pháp bùng phát, đặc biệt là
chứng ‘‘lo hãi – trầm cảm’’ (anxio-depressif). Theo cơ quan
nghiên cứu, thống kê của bộ Y Tế Pháp Drees, 22% thanh thiếu niên từ 15
đến 24 tuổi mắc hội chứng trầm cảm so với chỉ 4% năm 2014.
Đại
dịch Covid với tình trạng sống cách ly, phong tỏa phổ biến, là một
nguyên nhân quan trọng. Theo SOS Amitié, số ca kêu gọi trợ giúp tăng 30%
so với trước dịch. Tuy nhiên, xu thế bệnh tâm thần, rối loạn tâm lý đã
có trước dịch. Tình hình thêm nghiêm trọng gấp bội trong bối cảnh bộ máy
chăm sóc, chữa trị, về y tế và tâm lý, thiếu hụt ghê gớm về nhân viên
và phương tiện. Gần 17.000 học sinh mới có một bác sĩ học đường. Số y tá
học đường chỉ đáp ứng một phần ba nhu cầu. Tình hình nguy ngập đến mức,
thậm chí nhiều thiếu niên có nguy cơ tự sát cũng không có đủ ‘‘cơ sở điều trị chuyên trách’’ để chăm sóc, theo nhà tâm thần học Anne Perret (trung tâm y tế - tâm lý Frédéric Nowak).
Đại
dịch Covid là tác nhân gia tăng xu thế nghiêm trọng vốn có. Tổng hợp
các nhận định của giới chuyên gia, Le Point ghi nhận các nguyên nhân
chính: ‘‘nỗi lo hãi liên quan đến đại khủng hoảng khí hậu – môi sinh (‘‘éco-anxiété’’) …, phát ngôn bạo lực về giới, về tình dục’’, cũng như phong trào phô bày cơ thể nữ giới trên các mạng xã hội. Bên cạnh đó là các nguyên nhân lớn khác, như ‘‘bối cảnh kinh tế bất định, tác động của chiến tranh Ukraina, áp lực học tập’’.
Gần 1 phần 3 học sinh Mỹ từng muốn tự sát
Le
Point dẫn lời một hiệu trưởng từ 20 năm nay, vốn hết sức tự tin vào
ngành giáo dục, vào bản thân, gần đây cũng phải thú nhận bà bất lực với
một số học sinh. Ngành giáo dục ngày càng mong manh, khi có đến một nửa
giáo viên từng là nạn nhân bạo lực bằng lời, hoặc bạo lực thể xác, từ
phía học sinh hoặc cha mẹ, 17% riêng trong năm 2021, theo một điều tra
của Ifop.
Tình hình không chỉ ở Pháp mà còn là chung đối với đại
đa số các nước Âu-Mỹ. Tình hình ở Mỹ có lẽ nghiêm trọng hơn nhiều. Theo
một điều tra của CDC Mỹ, có đến gần 1 phần 3 học sinh Mỹ thực sự có ý
định tự sát năm 2021. Có đến 57% cảm thấy buồn bã, hay tuyệt vọng ít
nhất trong hai tuần lễ năm 2021, đến mức bỏ bê mọi thứ. Tỉ lệ này ‘‘chỉ là 36%’’ hồi 2021.
KHỦNG HOẢNG KHÍ HẬU BỊ NHẤN THÁI QUÁ ?
‘‘Hãy thương lấy giới trẻ Pháp…’’,
là tựa đề bài viết của nhà báo Sylvain Fort, chuyên gia về truyền
thông, trên L’Express. Nhà báo Sylvain Fort nguyên là cố vấn truyền
thông của tổng thống Macron năm đầu tiên nhiệm kỳ thứ nhất, và một thời
gian phụ trách truyền thông của điện Elysée.
Thế chiến 3, cải cách hưu trí, khí hậu…: ‘‘Hãy thương lấy giới trẻ’’ !
Nhà
báo Sylvain Fort đặc biệt cáo buộc giới trẻ Pháp đang bị đầu độc với
việc các thảm họa hay nguy cơ thảm họa được nhấn mạnh thái quá trong xã
hội, từ cuộc xung đột xã hội về cải cách hưu trí, đến nguy cơ chiến
tranh thế giới thứ 3, hay đại họa khí hậu về môi trường, chưa kể đến các
nỗ lực vận động cho quyền được chọn cái chết với trẻ em, thiếu nhi… Nhà
báo L’Express cũng vạch ra một tương lai mà theo ông hết sức nguy hiểm,
khi chính quyền áp đặt việc giáo dục về các vấn đề khí hậu với biện
pháp ‘‘quân sự hóa’’.
Cả hai tuần báo thiên hữu Le
Point và L’Express đều nhấn mạnh đến nỗi lo hãi trong giới trẻ Pháp liên
quan đến việc nhấn mạnh thái quá đến đại khủng hoảng khí hậu – môi sinh
(‘‘éco-anxiété’’). Liệu có việc nguy cơ đại khủng hoảng khí hậu – môi sinh bị nhấn mạnh thái quá hay không ?
‘‘Kịch bản nhiệt độ tăng 4°C’’: Bộ trưởng Pháp lỡ miệng ?
Đối
với tuần báo thiên tả L’Obs, chính quyền Pháp có lẽ đã cố tránh việc
nhấn mạnh với người dân về sự thật của đại khủng hoảng khí hậu, nhưng
mới đây, bộ trưởng Chuyển Đổi Sinh Thái Christophe Béchu đã bất ngờ
khẳng định Pháp phải chuẩn bị đối phó với nhiệt độ tăng hơn 4°C. Phát
biểu được ví với một ‘‘trái bom nhỏ’’. Theo L’Obs, đây là lần
đầu tiên một thành viên của chính phủ hàm ý nói đến việc nước Pháp không
thực thi được cam kết trong Hiệp định Khí hậu 2015, theo đó cần phải
giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C (lý tưởng là 1,5°C). L’Obs đặt
câu hỏi : ‘‘Lỡ lời, bày tỏ thái độ thất vọng hay đơn giản chỉ là một cách nhìn hiện thực ?’’.
Theo
L’Obs, thái độ của viên bộ trưởng Chuyển Đổi Sinh Thái nhìn chung được
giới bảo vệ môi trường hoan nghênh, vì thái độ cần nhìn thẳng vào sự
thật để chuẩn bị đối phó với các hậu quả của Biến đổi khí hậu là điều đã
được các chuyên gia Liên Hiệp Quốc khuyến cáo từ lâu.
"DÂN CHỦ HÓA" DOANH NGHIỆP TẠI CHÂU ÂU
Cuộc
xung đột xã hội liên quan đến cải cách hưu trí tại Pháp cũng là điều bị
nhà báo l’Express phàn nàn là lý do chính khiến giới trẻ bị trầm cảm.
Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề riêng tại Pháp. Tuần san Courrier
International chọn đăng một bài tổng hợp của báo Đức Die Zeit, về cuộc
tranh đấu đòi hỏi dân chủ trong doanh nghiệp, trong ‘‘lĩnh vực lao động’’ nói chung (Le Monde du travail / World of Work), trên khắp châu Âu, chứ không riêng tại Pháp.
Đòi dân chủ trong doanh nghiệp: Thực trạng bị cố làm lu mờ
Đây là điều mà theo Die Zeit - tuần báo rất có uy tín tại Đức, thường được coi là thuộc cánh trung tả, nhìn chung đã hoặc ‘‘bị lờ đi’’, ‘‘bị bôi bác’’ như một tập quá lỗi thời (thói quen thích biểu tình tại Pháp), hoặc gán cho việc tranh đấu chỉ để ‘‘bảo vệ một số quyền lợi về tài chính cụ thể’’. Theo Die Zeit, ‘‘những cuộc biểu tình tại Pháp chống dự luật cải cách hưu trí’’,
bãi công lớn nhất ở Anh từ thời Thatcher (năm 1990), hay bãi công lớn
trong ngành vận tải làm tê liệt nước Đức, có mục tiêu chung là ‘‘tranh đấu đòi dân chủ hóa doanh nghiệp’’.
Cuộc tranh đấu nhìn chung đã bị giới chủ cản phá, đặc biệt với việc rất
thiếu vắng các tranh luận trên không gian công về vấn đề này.
Die Zeit giễu cợt hành xử của chính quyền nhiều nước châu Âu ‘‘liên
tục lên án tình trạng mất dân chủ trên thế giới, nhưng bỏ qua những
tình trạng mất dân chủ trong lĩnh vực lao động, vốn là nơi những người
trưởng thành gắn bỏ cả cuộc đời’’. Die Zeit nhấn mạnh: Thế giới lao động là ‘‘góc chết của nền dân chủ’’ phương Tây.
Tuần báo thiên hữu Le Point cũng thừa nhận cần có thay đổi lớn trong lĩnh vực lao động. Bài xã luận ‘‘Sáng tạo lại lao động’’, của nhà báo Nicolas Baverez, nhấn mạnh cần thúc đẩy ‘‘một thứ chủ nghĩa tư bản hướng đến các sứ mạng hơn là chủ nghĩa tư bản cướp bóc’’, ‘‘chủ nghĩa tư bản động viên con người hơn là kiểm soát con người’’, và lao động luôn là ‘‘phương tiện không thể thay thế được trong việc phát hiện ra chính mình và phát hiện người khác’’, ‘‘không phải là một thứ định mệnh đáng nguyền rủa, mà là trụ cột của liên đới xã hội và tính công dân trong xã hội dân chủ’’.
Vấn
đề là thực trạng quan hệ với lao động, việc làm hiện tại ra sao và làm
thế nào để thực hiện mục tiêu Le Point đề ra ? Lao động, việc làm cũng
là chủ đề chính của tuần báo L’Obs. Bài xã luận của L’Obs, nhan đề ‘‘Rối loạn trong lĩnh vực lao động’’, nhấn mạnh đến xu thế chuyển biến ‘‘gây bàng hoàng’’ : tỉ lệ người Pháp ‘‘rất gắn bó với công việc’’ sụt giảm từ 61% năm 1990 xuống còn 21% năm 2022 (theo thăm dò của Ifop).
Việc làm ‘‘tốt’’ là phải ‘‘có ích cho xã hội’’
Theo L’Obs, thái độ ít gắn bó với công việc xuất phát chủ yếu từ chỗ giờ đây, nhân viên, người lao động đặt ra nhiều hơn vấn đề ‘‘ý nghĩa của công việc, chất lượng của đời sống nghề nghiệp’’,
chứ không đơn giản là làm việc chỉ để kiếm tiền. Hai kinh tế gia Thomas
Courtrot và Coralie Perez tóm lại điều này qua tiểu luận ‘‘Mang lại ý nghĩa cho công việc’’ (2022).
Cụ thể là một nghề nghiệp có giá trị hay không được đánh giá ‘‘qua
ba tiêu chí, tính có ích với xã hội của việc làm, khả năng thực thi
công việc mà không đi ngược lại các giá trị của bản thân, khả năng học
hỏi những điều mới mẻ’’. Theo L’Obs, bản thân chính phủ Pháp cũng đã phác họa một văn bản bảo vệ ‘‘chất lượng công việc’’ và ủng hộ việc tìm kiếm ‘‘một công việc tốt’’ theo hướng này, nếu dự luật cải cách hưu trí được thông qua.
Doanh nghiệp châu Âu : Thử nghiệm tuần 4 ngày làm việc
Chủ đề chính của tuần san L’Obs là sự thay đổi lớn trong việc làm trong lĩnh vực văn phòng, bàn giấy. Bài ‘‘Các quy tắc mới của đời sống nơi văn phòng’’ của L’Obs lược lại 7 thay đổi quan trọng, trong đó có tình trạng ‘‘làm việc từ xa’’ càng phổ biến, việc bỏ dần đi ‘‘các chỗ ngồi cố định’’ tại văn phòng, thay vào đó là chỗ ngồi mở cho tất cả (flex office),
hay làm việc tại nhiều nơi khác ngoài văn phòng cơ quan chủ quản, và
đặc biệt là việc thay đổi rất lớn trong khâu quản lý. Quan hệ giữa người
quản lý và nhân viên chuyển mạnh sang thái độ ‘‘thông cảm, tin tưởng’’, thay vì ‘‘kiểm soát’’ nhiều hơn như trước đây. Việc quản lý công việc của nhân viên từ xa đòi hỏi những kỹ năng khác, như ‘‘biết cách tốt hơn giao tiếp tốt hơn, phối hợp tập thể, trao đổi bình đẳng hơn’’.
Theo giám đốc Quỹ Jean Jaurès, ông Jérémie Peltier, ‘‘giới
trẻ hiện nay ít hy sinh vì công việc như các thế hệ trước, … bởi họ
hiểu là có sự mất cân bằng giữa cái họ cống hiến và cái họ nhận được’’. Vẫn theo chuyên gia Quỹ Jean Jaurès, chỉ có 39% nhân viên hiện nay cảm thấy quan hệ cho – nhận là ‘‘cân bằng’’,
trong lúc tỉ lệ này là 54% năm 1993. Nếu như vào năm 2008 chẳng hạn,
đông đảo thích làm việc nhiều hơn để kiếm được nhiều tiền hơn, thì giờ
đây cách nghĩ này chỉ còn là thiểu số.
Tại Pháp, và một số nước
châu Âu khác, như Anh, Ireland hay Tây Ban Nha, nhiều doanh nghiệp đã
thử nghiệm chuyển sang làm việc tuần 4 ngày, với lương tương tự. Hàng
chục doanh nghiệp Anh đã thử nghiệm trong 6 tháng, và hơn 90% doanh
nghiệp hài lòng. Kết quả công bố hồi tháng 1/2023. Tây Ban Nha bắt đầu
thử nghiệm với 200 doanh nghiệp trong 3 năm. Làm việc ít hơn, thời gian
nghỉ dài ra, thu nhập không giảm sút, nhưng chất lượng lao động cao hơn
là mục tiêu.
VÒNG XOÁY CHIẾN TRANH
‘‘Kế hoạch hòa bình’’ của Bắc Kinh đang chỉ là ‘‘trò múa rối’’
Chiến tranh Nga xâm lăng Ukraina tiếp tục là chủ đề chính của các tuần báo, với trọng tâm là ‘‘kế hoạch hòa bình’’ do Bắc Kinh đề xuất. Xã luận của Le Point, Luc de Barochez, nhan đề ‘‘Trung Quốc muốn cứu anh lính Putin’’, tỏ ra không hề tin tưởng gì vào ‘‘kế hoạch hòa bình’’
Bắc Kinh tung ra cuối tháng 2. Theo tuần báo Pháp, Trung Quốc đã đứng
hẳn về phía Nga, và mục tiêu của Bắc Kinh là để cho chiến tranh kéo dài,
bởi chiến tranh sẽ khiến nước Mỹ ít ý chú ý hơn đến cuộc cạnh tranh với
Trung Quốc, bên cạnh đó có thể ‘‘duy trì Nga trong thế yếu, nếu không phải là chư hầu’’.
‘‘Kế hoạch hòa bình’’ của Bắc Kinh đang chỉ là ‘‘trò rối’’
là nội dung chính bài thời luận của Pierre Haski trên L’Obs. Theo
L’Obs, trong hiện tại, quyết định thực sự vẫn là trên chiến trường. Quy
tắc chủ yếu hiện nay được Ukraina theo đuổi là cố gắng tăng cường phương
tiện để giành thêm thắng lợi, chứ không thỏa hiệp. Dù sao, L’Obs cũng
để ngỏ cánh cửa hy vọng, với việc nếu có cơ hội thực sự cho thương
thuyết hòa bình, thì các bên cần nắm lấy, cho dù phải chấp nhận các thua
thiệt đau đớn.
7 kịch bản khiến quân đội Pháp phải lâm chiến
Chiến
tranh không dừng lại ở Ukraina, mà có thể lan rộng, nước Pháp có thể
buộc phải tham chiến trong ít năm tới. Đây là một trong ‘‘bảy kịch bản đen tối’’,
mà quân đội Pháp cần chuẩn bị đối mặt. Hồ sơ trang bìa của L’Express
chạy hàng tựa như trên, trên nền bầu trời đỏ rực với một hàng không mẫu
hạm bị trúng đạn, đang chìm.
Hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle
của Pháp bị tên lửa Trung Quốc bắn chìm trên đường vào Biển Đông để tiếp
cứu Đài Loan bị Trung Quốc vây hãm năm 2026, theo lời kêu gọi của Mỹ,
là kịch bản thứ 4. Trong kịch bản chiến tranh thứ ba, quân đội Pháp cũng
đối đầu với Trung Quốc năm 2025, khi Bắc Kinh triển khai lực lượng hậu
thuẫn Madagascar, giành lại một số đảo tranh chấp nằm không xa
Madagascar. Đây là cụm đảo Pháp quản lý từ hồi chế độ thực dân, nhưng đã
bị Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi giao trả cho quốc gia châu Phi,
thuộc địa cũ của Pháp.
Tuy nhiên, kịch bản gần nhất, và gay cấn
nhất vẫn là nguy cơ Nga tấn công ba nước cộng hòa Baltic, vào năm 2026.
Pháp buộc phải trở thành lãnh đạo các nước NATO giáng trả Nga, trong bối
cảnh tổng thống tương lai của nước Mỹ, được dự báo là thống đốc Florida
Ron DeSantis, trung thành với tư tưởng nước Mỹ trên hết của Donald
Trump, từ chối tham gia thực thi nghĩa vụ bảo vệ đồng minh theo điều 5
Hiến chương NATO. Cuộc kháng cự Nga của NATO thành công, nhưng tổn thất
rất lớn.
7 kịch bản và chi phí quân sự gấp đôi
7
kịch bản nước Pháp tham chiến từ nay đến 2030 nói trên là sản phẩm công
việc của khoảng 40 chuyên gia, bao gồm các nhà nghiên cứu, ngoại giao,
giới tướng lĩnh quân đội, tình báo. L’Express nhấn mạnh đây là các
phương hướng đối phó, chứ không phải là các dự báo. Kịch bản được lập ra
để chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Các kịch bản chiến tranh nhãn
tiền được lập vào lúc chính quyền Pháp dự kiến đầu tư thêm 413 tỉ euro
từ đây đến 2030, tức 60 tỉ/năm. Gấp đôi so với năm 2017. Tình hình hiện
nay hoàn toàn ngược lại với năm 2017, khi tổng tham mưu trưởng Quân Đội
Pierre de Villier đã bị cách chức chỉ vì phản đối việc bộ Tài Chính yêu
cầu cắt giảm 850 triệu eurro cho quân đội.
VŨ TRỤ KỲ DIỆU VÀ VẬN MỆNH MONG MANH CỦA NHÂN LOẠI
Khủng
hoảng nhiều mặt tại Pháp, khủng hoảng bộn bề trên quy mô toàn hành
tinh. Tránh được chiến tranh, hãm được đã hủy hoại môi sinh, trái đất
hâm nóng, cải thiện được tình hình kinh tế, giảm bớt xung đột xã hội….
là vô cùng nan giải trong tình hình hiện nay.
Quan điểm của Stephen Hawking: Con người tham gia sáng tạo Vũ trụ hay đang hủy diệt Môi sinh ?
Le
Point trong số ra tuần này dường như muốn ngước lên bầu trời để tìm cảm
hứng mới. Tuần báo thiên hữu có bài phỏng vấn nhà vũ trụ học Thomas
Hertog, học trò và bạn tri kỷ của nhà bác học Anh Stephen Hawking. Theo
nhà vũ trụ học Thomas Hertog, Stephen Hawking sinh thời đã có một thay
đổi rất đáng chú ý trong quan niệm về vũ trụ, và điều này có thể có ích
cho nhân loại đang phải đương đầu với hàng loạt thách thức hiện nay.
Bài trả lời phỏng vấn nhan đề ‘‘Ta cũng tham gia sáng tạo nên Vũ trụ như Vũ trụ đã tạo ra Ta’’,
nhấn mạnh đến bước ngoặt nhận thức rất lớn trong quan điểm của Stephen
Hawking. Sinh thời khi còn trẻ thiên tài vũ trụ học người Anh từng cho
rằng vũ trụ một khi định hình đã có đầy đủ các quy tắc, hằng số, được
xác lập một cách bất biến. Tuy nhiên, khi trưởng thành hơn, Stephen
Hawking rút ra nhận định : chính con người tham gia vào tạo tác các quy
luật của vũ trụ, cụ thể là các quy luật liên quan đến sinh giới, bởi ‘‘trước khi có sự sống trên trái đất, trong vũ trụ đã không có các quy luật về sinh học’’.
Theo học trò và đồng nghiệp của Stephen Hawking, đúc kết nói trên có hệ quả rất lớn, như ‘‘những nền tảng đầu tiên’’
của một cách hình dung khác về tương lai nhân loại. Bởi, một cái nhìn
mang tính vật lý học, cơ học, nơi mọi quy tắc đã được xác định, ý thức
của con người được coi là ‘‘nằm ngoài hệ thống’’ vốn đã mang trong mình mầm mống hủy diệt.
Thoát khỏi thân phận voi ma mút: Loài người không còn nhiều thời gian
L’Obs
tuần này cũng có bài chiêm nghiệm về sự tiến hóa của sinh giới và vận
mệnh nhân loại. Không cần mượn đến môn vũ trụ học và các bộ óc thiên
tài, nhà văn Aurélien Bellanger, trong bài thời luận mang tựa đề ‘‘Khoa học cứng, khoa học mềm’’, nêu bật sự đối lập giữa hai quan điểm. Quan điểm về sự sống, với sự thống trị của các khoa học ‘‘cứng’’
với thuyết Big Bang, các phát hiện về hệ di truyền AND, hay cuộc cách
mạng tin học, đã thống trị thế giới đến đầu những năm 2000, từng làm mê
hoặc đông đảo nhân loại. Tuy nhiên, cái thế giới với sự thống trị của
các khoa học cứng như vậy đã không giúp nhân loại mở mắt trước viễn cảnh
hủy diệt. Theo nhà văn Aurélien Bellanger, chính các khoa học mềm, ví
dụ như môn cổ sinh học, mà bản thân ông được tiếp xúc với một số thành
quả nghiên cứu khi tham quan một Bảo tàng Tiền sử ở miền tây nước Pháp,
đã ngộ ra rằng : Để thoát khỏi số phận diệt vong như loài ma mút từng
thống trị nhiều khu vực trên địa cầu trước đây, loài người không còn
nhiều thời gian.
Nhân loại phải
tìm cách thay đổi lối sống, thay đổi cách quan hệ với thế giới vật
chất, thế giới sinh vật trên Trái đất. Thay đổi khi còn kịp. Đấy là ‘‘cơ may duy nhất để sống sót của chúng ta’’, L’Obs kết luận.
CHỦ NGHĨA TƯ BẢN, THỦ PHẠM CỦA ĐẠI HỌA MÔI SINH ?
Nhưng
thay đổi như thế nào ? Tuần san Courrier International đăng lại một bài
viết của báo Anh Times, với một bức hý họa đơn giản, nhưng nói lên tất
cả. Một bàn tay, ắt hẳn là tượng trưng cho giới tài phiệt, toàn bộ biến
thành gạch và ống khói, nhú lên trên đầu ngón cái là một lùm cây xanh
ngắt, nhưng nhỏ xíu.
Mặt đất quá hẹp để trồng hết cây theo hứa hẹn của các công ty
Tựa đề bài viết của The Times là ‘‘Trồng cây, nhưng trồng ở đâu đây?’’. ‘‘Mặt đất quá nhỏ hẹp để trồng được hết cây như hứa hẹn của các công ty’’.
Thật hiếm có bài viết nào và hình ảnh nào lại châm biếm một cách đơn
giản và hiệu quả đến như vậy điều mà giới bảo vệ môi trường vẫn gọi là
greenwashing, tức tuyên truyền rầm rộ các biện pháp vì môi trường, cụ
thể như phong trào ra kế hoạch ‘‘trồng rừng’’ trên giấy, đang nở rộ, nhưng thực tế chỉ để lòe mắt thiên hạ, tạo niềm tin hoang đường bảo vệ thiên nhiên bằng cách này.
Đơn
cử như công ty hàng không Anh British Airways, đánh đổi lấy những cánh
rừng trên giấy, những khu rừng mới không mấy có hiệu quả trong việc hấp
thu khí thải, mà các hành động tiếp tục gây ô nhiễm, gây hiệu ứng nhà
kính thực sự.
Trò chơi điện tử lật tẩy tham vọng của chủ nghĩa tư bản
Cũng
Courrier Internatinal trích đăng một bài viết thú vị khác về trò chơi
video. Tuy chơi nhưng mà thật. Bài viết của báo Anh Financial Times tố
cáo mục tiêu của rất nhiều trò chơi điện tử, tưởng như vô hại, nhưng
thực chất là để kích thích ở người chơi tham vọng ‘‘chiếm đoạt các nguồn lực’’ trên Trái đất, ‘‘để trở nên hùng mạnh hơn kẻ khác, để thống trị thế giới’’.
Tham vọng đó chính là cội rễ sâu xa đẩy thế giới chúng ta đến bờ vực
thẳm của các đại khủng hoảng môi sinh, đe dọa sự tồn vong của nhân loại.
Bài
viết của Financial Times cũng nhắc đến một số trò chơi video hiếm hoi
đưa ra các quan điểm đối trọng lại mô hình tư bản chủ nghĩa thống trị.
Trò chơi Victoria 3 giúp cho người chơi có một cái nhìn toàn diện về các
mô hình kinh tế xã hội, có điều kiện so sánh chủ nghĩa tư bản với các
mô hình xã hội khác. Người chơi có điều kiện so sánh xuyên qua nhiều thế
kỷ, để nhận ra sự ưu việt của mô hình dân chủ - xã hội chủ nghĩa, ‘‘khi người lao động hợp tác với nhau trong sản xuất, tái phân phối nguồn lực cho các tầng lớp nghèo’’.
Trò
chơi The Outer Worlds, khá giống với phim Avatar, đưa người chơi vào
cuộc đối đầu giữa hai mô hình xã hội, cho phép người xem lựa chọn chống
lại trật tự xã hội thống trị, hay ‘‘đồng lõa với hệ thống’’, ngậm miệng để được hưởng lợi. Trò Citizen Sleeper cho phép người chơi hóa thân vào một robot giống người, ‘‘tìm cách chiến đấu để thoát khỏi sự kiểm soát của một doanh nghiệp công nghệ, quản lý robot này cả phần xác lẫn phần hồn’’.
Để
giúp cho giới trẻ đương đại giảm bớt các vấn đề tâm thần, tâm lý, mà
không ít trong số đó do các tệ nạn của mô hình xã hội hiện nay, phải
chăng những trò chơi điện tử mang tính giáo dục, nhận thức (như
Financial Times giới thiệu), cần được khuyến khích ?