Từ
nay, người dân Nga hầu như không còn có thể trốn quân dịch. Quốc Hội
nước này vừa khẩn cấp thông qua một luật chính thức cho phép gởi lệnh
nhập ngũ qua thư điện tử. Cùng ngày, đương sự bị cấm rời khỏi nước Nga,
và nếu không sớm trình diện thì sẽ bị cấm mua bán nhà cửa, vay tín dụng,
rút bằng lái xe... Một nhà văn lưu vong khuyên: « Nếu có thể, hãy chạy trốn ngay lập tức ! ». Đây là cú đánh úp của chính quyền để bắt lính đưa sang Ukraina.
Quân Nga sát hại man rợ tù binh Ukraina
Liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraina, La Croix mô tả « Cú sốc sau video về vụ chặt đầu một người được cho là tù binh Ukraina ».
Video dài 1 phút 40 giây cho thấy những hình ảnh khủng khiếp, được lan
truyền trên internet hôm qua. Kẻ sát nhân mặc đồ rằn ri che mặt đã cứa
cổ một người mặc quân phục, rồi chặt đầu giơ ra trước camera theo lệnh.
Có thể nhìn thấy rõ trên áo của nạn nhân quốc huy hình cây đinh ba của
Ukraina.
Một
video thứ hai trên các kênh Telegram thân Nga hôm 08/04 cũng cho thấy
xác hai chiến sĩ Ukraina đã mất đầu bên cạnh một xe thiết giáp. Ngày
09/04, một hình ảnh ghê rợn nữa được đăng lên mạng xã hội Nga Vkontakte,
với chú thích địa điểm là Bakhmut. Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouleba
nói rằng Nga « tàn ác hơn cả tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ».
« Nếu có thể, hãy chạy trốn ngay lập tức ! »
Tại Nga, Le Figaro cho biết « Nga truy lùng những người từ chối đi chiến đấu », Le Monde cũng chú ý đến việc « Matxcơva siết lại cơ chế động viên ».
Hồi tháng Chín năm ngoái, Alexandre, chuyên gia tin học 27 tuổi, đang ở
nhà của cha mẹ tại Penza cách Matxcơva 550 kilomet. Anh không bao giờ
quên được khoảng thời gian run rẩy núp sau cánh cửa lúc 5 giờ sáng để
trốn cảnh sát đến bắt lính. May mà họ không xét gắt gao, nên Alexandre
sau đó chạy sang được Kazakhstan. Nhưng từ nay, người dân Nga hầu như
không còn có thể trốn được quân dịch.
Lâu
nay chỉ những giấy triệu tập trao tận tay mới được coi là hợp pháp. Thế
nên những người không đến nơi làm việc hay từ chối mở cửa cho nhân viên
phát thư có thể thoát nạn. Hôm thứ Ba và thứ Tư 12/04, các dân biểu Hạ
Viện và sau đó là các thượng nghị sĩ Nga đã khẩn cấp thông qua một luật,
cho phép gởi lệnh nhập ngũ qua trang GosUslugi. Nền tảng này
được hàng triệu người Nga dùng để lấy hẹn với bác sĩ và làm tất cả những
thủ tục hành chánh, do đó không thể nói rằng không nhận được giấy triệu
tập.
Một
khi thư được gởi đi, coi như chính thức nhận được. Cùng ngày, đương sự
bị cấm rời khỏi nước Nga, và nếu không trình diện một trung tâm tuyển mộ
trong vòng 20 ngày, sẽ bị cấm một loạt quyền công dân như : cấm mua bán
nhà cửa, xe cộ, vay tín dụng, đăng ký kinh doanh, rút bằng lái xe…Nhà
văn lưu vong Dimitri Gloukhovski xúc động nói, chẳng khác nào kết án tử
một người chỉ bằng thư điện tử mà không có quyền kháng cáo, chỉ được
phép chết cho Putin mà thôi. Ông khuyên: « Nếu có thể được, bạn hãy chạy trốn ngay lập tức ! ».
Cú đánh úp của chính quyền Nga để bắt lính
Các
biện pháp trên đây cũng tác động lớn đến cuộc sống của hàng trăm ngàn
người đã kịp di tản ra nước ngoài vào đầu cuộc xâm lăng. Những ai bị
giấy triệu tập gởi đến, dù có khi chính họ cũng không biết, coi như mất
quyền quản lý tài sản của mình ở Nga. Ý thức được tính nhạy cảm của luật
mới, chính quyền âm thầm chuẩn bị. Ngày 31/03, người sử dụng bỗng dưng
không thể nào hủy được tài khoản trên ứng dụng GosUslugi, và các quan chức vẫn ra sức bác bỏ thông tin gởi lệnh động viên qua email.
Để
tránh gây hoảng loạn, văn bản khoảng 50 trang được bất ngờ đưa ra Duma
chỉ vài ngày trước khi bỏ phiếu, và không tổ chức thảo luận ở các ủy
ban. Matxcơva trấn an là không có đợt động viên mới nào. Trên lý thuyết,
luật mới chỉ nhắm vào các nam thanh niên từ 18 đến 27 tuổi, nhưng người
dân không bị lừa. Những tuần lễ vừa qua đã diễn ra một đợt « động viên
trong im lặng » theo với nhịp độ cuộc chiến : những điểm tuyển quân liên
tiếp mọc lên ở các trạm xe điện ngầm Matxcơva và trung tâm thương mại,
vô số áp-phích ca ngợi những « anh hùng » chiến đấu trên mặt trận.
Một
trong số những điều khoản vừa được bổ sung cho phép thanh niên 18 tuổi
vừa hoàn tất bậc trung học được nhập ngũ ngay, tuy trước đó phải qua một
trường kỹ thuật, đại học, hay ba tháng quân dịch. Theo trang Meduza,
dự luật này do bộ Quốc Phòng soạn thảo, nhưng được ngầm hiểu là sẽ tăng
cường kiểm soát xã hội bằng kỹ thuật số, truy vết công dân theo mô hình
Trung Quốc.
Tình nguyện quân Gruzia chiến đấu cho Ukraina
Cũng liên quan đến cuộc chiến, La Croix nói về « Những tình nguyện quân ở Ukraina gây bối rối cho chính quyền Gruzia ».
Có khoảng 3.000 người Gruzia tình nguyện sang giúp chống lại cuộc xâm
lăng của Nga, được Kiev cho phép thành lập một đơn vị riêng mang tên
quân đoàn Gruzia.
Tbilissi
không áp dụng biện pháp trừng phạt Nga. Đối lập tố cáo đảng Giấc mơ
Gruzia thông đồng với Kremlin, trong khi vùng Nam Ossetia và Abkhazia,
chiếm 1/5 lãnh thổ Gruzia, luôn dưới sự kiểm soát của Nga. Có đến 89 %
người dân nước này coi Nga là mối đe dọa trực tiếp. Do vậy hôm
25/02/2022, tức ngay sau khi quân Nga tràn sang Kiev, nhiều người đã xếp
hàng trước đại sứ quán Ukraina để xin tham gia chiến đấu. Torniké
Okroilashvili, một tình nguyện quân 27 tuổi, cho biết : « Họ chỉ nhận những ai đã có kỹ năng quân sự, nếu không chúng tôi phải lên đến vài chục ngàn người ».
Anh nói thêm : « Nhận
người Gruzia rất có lợi. Quân Nga nghe lén các mệnh lệnh của Ukraina
trên làn sóng điện, nhưng chúng tôi nói với nhau bằng tiếng Gruzia nên
địch chẳng hiểu gì cả ». Không ai trong số đồng đội của Torniké
nhận tiền lương 200 đến 300 euro một tháng mà Kiev đã hứa, họ không muốn
tạo điều kiện cho chính quyền Gruzia cáo buộc là « lính đánh thuê ». Họ
phê phán chính quyền Tbilissi « không muốn hiểu rằng nếu Nga thắng, chúng tôi sẽ nằm trong danh sách sắp tới của Putin ».
Ukraina, quốc gia nhiều mìn bẫy nhất thế giới
Ở hậu phương, phóng sự của Les Echos
tả lại công việc của những người tình nguyện gỡ mìn tại Ukraina. Chỉ
trong vòng một năm, Ukraina đã trở thành đất nước có số lượng mìn gài
lại và đạn chưa nổ nhiều nhất thế giới, trải rộng trên diện tích 174.000
kilomet vuông, đứng trên cả Syria và Afghanistan.
Tại
làng Senkove bên bờ sông Oskil, cư dân từ hơn bảy tháng qua vẫn chờ đợi
đơn vị DSNS của Nhà nước đến tháo gỡ những quả rốc-kết của Nga chắn
ngang đường hoặc xuyên thủng tường nhà. Do chính quyền Kiev khó thể đáp
ứng mọi nhu cầu, những tổ chức phi chính phủ như Soli (Son of Liberty
International) đã giúp một tay.
Tổ
chức do cựu nhà báo Matthew VanDyke thành lập hoạt động hoàn toàn nhờ
số tiền nhỏ của các mạnh thường quân đóng góp, bốn kỹ thuật viên gỡ mìn
đều tình nguyện. Tuy vậy sau một tháng làm việc, họ đã "giải phóng" được
hơn 10 hecta đất xung quanh Vasylenkove thuộc Kharkiv, vô hiệu hóa trên
60 quả mìn chống tăng và chống cá nhân, gỡ nhiều quả lựu đạn, hai quả
rốc-kết. Một cựu binh Mỹ từng chiến đấu ở Syria và Afghanistan nói rằng
cần phải giúp dân làng có thể trồng trọt, di chuyển mà không sợ mất một
chân, thậm chí mất mạng.
Người tiết lộ tin mật làm việc tại một căn cứ quân sự Mỹ ?
Vụ rò rỉ tài liệu mật của Mỹ vừa rồi tiếp tục được các báo Pháp bàn đến. Libération tham khảo được 53 văn bản từ New York Times và Bellingcat, Washington Post
thì thu thập được khoảng 100, nhiều trang có ghi chú của CIA, tình báo
quân đội Mỹ... chủ yếu về Ukraina. Nhiều thông tin rất đáng lo, chẳng
hạn chỉ có ba khu vực (trong đó có Kiev) được hỏa tiễn Patriot bảo vệ,
như vậy Nga có thể lợi dụng cho những lần không kích tới. Những lữ đoàn
mới được Kiev thành lập để chuẩn bị cho chiến dịch phản công rất được
chờ đợi, cũng bị thiệt thòi, nhưng Libération cho rằng nạn nhân chính vẫn là tình báo Mỹ.
Le Monde
nói thêm, chuyến công du Bắc Ireland của Joe Biden - tổng thống Mỹ gốc
Ireland - lẽ ra đầy xúc động, nếu không có vụ này. Tờ báo dẫn nguồn từ Washington Post,
cho rằng tác giả vụ rò rỉ là một thanh niên Mỹ ở độ tuổi 20, làm việc
tại một căn cứ quân sự. Nhật báo đã thu thập được lời chứng của hai
thành viên ẩn danh của một nhóm trên nền tảng Discord. Về phía mạng Discord cho biết sẽ hợp tác với lực lượng an ninh và từ chối bình luận.
Ai Cập bị nghi bán đạn pháo cho Nga vì túng tiền
Les Echos nhận định « Chiến tranh Ukraina : Những tiết lộ đáng ngại cho Cairo và Washington ».
Theo một tài liệu đề ngày 17/02, tổng thống Ai Cập đã yêu cầu các lãnh
đạo một tập đoàn quốc phòng cung cấp 40.000 quả đạn pháo 122 ly cho Nga
một cách bí mật « để khỏi bị rắc rối với phương Tây ». Số đạn
này đủ để oanh tạc Ukraina trong vòng một tháng, theo như nhịp độ của
quân Nga hiện nay. Dù Matxcơva bác bỏ, nhưng tiết lộ trên đây gây tranh
cãi tại Ai Cập và tạo xúc động lớn ở Mỹ. Thượng nghị sĩ Chris Murphy
thuộc Ủy ban Đối ngoại cho rằng nếu là sự thật, cần « nghiêm túc xem xét lại » quan hệ giữa hai nước.
Ông
Yezid Sayigh của Trung tâm Carnegie ở Beyrouth nhận định, việc tìm kiếm
ngoại hối một cách tuyệt vọng của Sissi có thể thúc đẩy ông bán vũ khí
cho Nga, dù rủi ro rất lớn. Số tiền thu được theo như tài liệu không quá
100 triệu đô la, cho thấy tổng thống Sissi không sẵn sàng tiến hành cải
cách theo khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Dù bỏ phiếu lên án
cuộc xâm lăng Ukraina, Ai Cập vẫn để cho Matxcơva xây dựng nhà máy điện
nguyên tử đầu tiên tại nước mình, và quay sang nhập khẩu lúa mì của Nga
sau khi nguồn từ Ukraina bị đứt.
Nếu
bán vũ khí cho Nga, Cairo khá « liều » vì hiện được Hoa Kỳ viện trợ
quân sự rất lớn, chỉ sau Israel. Tuy nhiên nhà nghiên cứu Pierre Razoux
cho rằng vì Ai Cập là người canh giữ kênh đào Suez, là tiếng nói quan
trọng trong khu vực về tôn giáo, dân số, chính trị, quân sự và kỹ nghệ,
nên ảnh hưởng có thể không nhiều. Le Monde dẫn một báo cáo dành
cho Quốc Hội Mỹ tháng 7/2022 ước tính Washington đã dành cho Ai Cập đến
85 tỉ đô la viện trợ kể từ 1946 (chưa tính trượt giá), nhưng ông Sissi
vẫn đi dự Diễn đàn Kinh tế của Nga, một động thái đôi khi được đồng minh
cho là vô ơn.
Dằn mặt Bắc Kinh, cách duy nhất cho hòa bình ở eo biển Đài Loan
Liên quan đến một điểm nóng khác ở châu Á, Le Figaro giải thích « Vì sao Pháp không thể làm ngơ trước Đài Loan ». Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng châu Âu không nên bị lôi vào « những cuộc khủng hoảng không phải của mình », nhưng làm thế nào có thể đứng ngoài mà không gánh chịu hậu quả nếu Trung Quốc xâm lăng hòn đảo ?
Người
Mỹ, cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa đều cố gắng rút chân khỏi châu Âu từ thời
Barack Obama để tập trung mọi nguồn lực địa chính trị và quân sự tại
châu Á, chống lại một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Nhưng cuộc xâm
lược Ukraina của Nga đã buộc Hoa Kỳ phải duy trì những cam kết ở cựu lục
địa. Tương tự, Pháp và châu Âu cũng không thể làm con đà điểu tại Ấn
Độ-Thái Bình Dương, nơi các cường quốc nguyên tử đe dọa thế giới, và cả
lợi ích của Paris. Pháp có một triệu công dân đang sinh sống trong khu
vực, và là quốc gia duy nhất của Liên Hiệp Châu Âu (EU) sở hữu lãnh thổ
tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Nếu
Trung Quốc chiếm được Đài Loan, hậu quả sẽ rất lớn. Trước hết về kinh
tế : đảo quốc này sản xuất 60 % chất bán dẫn dùng trong công nghệ mới và
kỹ thuật số. Trong trường hợp các nhà máy Đài Loan bị phá hủy, châu Âu
sẽ cạn nguồn ; và nếu Bắc Kinh kiểm soát được, sẽ chiếm ưu thế trước
phương Tây. Về chính trị, phe độc tài sẽ được tăng cường, các nước láng
giềng hoặc chạy đua vũ trang, hoặc phải thần phục Trung Quốc.
Do
đó theo chuyên gia Jean-Sylvestre Mongrenier, ý tưởng Pháp đóng vai
« thế lực cân bằng » trong khu vực chỉ là « ảo tưởng ». Đa số các nhà
nghiên cứu về Trung Quốc đều cho rằng cơ hội duy nhất cho hòa bình ở eo
biển Đài Loan là tăng cường răn đe Bắc Kinh. Chuyên gia François
Godement nhấn mạnh, trước hết cần làm cho Tập Cận Bình hiểu rằng các nền
dân chủ quan trọng sẽ phản ứng mạnh mẽ.
Tựa chính báo Pháp
Libération nói về sự phân vân của giới chủ trong ngày hành động thứ 12 chống cải cách hưu trí tại Pháp, trong khi Les Echos đề cập góc độ « Các doanh nghiệp trước vấn đề lương bổng ». Le Monde quan tâm đến « Lạm phát kéo dài một cách đáng ngại trên thế giới », tựa chính của La Croix được dành cho việc « Đức nói lời vĩnh biệt với điện nguyên tử ». Le Figaro nhìn lên vũ trụ : hôm nay châu Âu phóng tàu thăm dò lên Mộc tinh (Jupiter) và ba vệ tinh lạnh giá của hành tinh này.