(SCMP) – Mỹ chỉ trích bản đồ mới của Trung Quốc. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm qua, 05/09/2023, đã chỉ trích bản đồ mới của Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông. Ngoài Biển Đông, bản đồ được công bố còn bao gồm cả bang Arunachal Pradesh, cao nguyên Doklam, bình nguyên Aksai Chin – những khu vực mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Vedant Patel cho rằng các yêu sách này của Trung Quốc không chỉ “bất hợp pháp” mà còn không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
(AFP) – Mỹ cảnh báo Bắc Triều Tiên sẽ “trả giá đắt”nếu cung cấp vũ khí cho Nga. Nhà Trắng, hôm qua 05/09/2023, cảnh báo rằng Bắc Triều Tiên sẽ “phải trả giá” nếu Bình Nhưỡng cung cấp vũ khí cho Nga và hỗ trợ Matxcơva trong cuộc chiến tranh ở Ukraina. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nhận định rằng Nga có thể sử dụng vũ khí mà Bắc Triều Tiên cung cấp để tấn công vào các cơ sở cung cấp lương thực và hệ thống sưởi của Ukraina, đang chuẩn bị bước vào mùa đông.
(AFP) – Luân Đôn đưa tập đoàn bán quân sự Wagner của Nga vào danh sách các tổ chức khủng bố. Thủ tướng Rishi Sunak cho biết như trên vào hôm nay, 06/09/2023. Trên mạng xã hội X, lãnh đạo chính phủ Anh viết rằng các phương pháp tra tấn, những hành động man rợ của tập đoàn Wagner đe dọa nền dân chủ và tự do trên toàn thế giới. Dự luật về Wagner sẽ được trình lên Quốc Hội vào hôm nay và một khi dự luật được thông qua, tài sản của Wagner có thể bị coi là tài sản khủng bố và bị tịch thu.
(AFP) - Ba Lan dành 4% GDP cho ngân sách quốc phòng 2024. Tại một triển lãm quân sự ở Kielce (miền nam Ba Lan) ngày 05/09/2023, tổng thống Andrzej Duda thông báo « dự chi 137 tỉ zloty (33 tỷ đô la) cho quốc phòng ». Còn tập đoàn Kongsberg của Na Uy cho biết Ba Lan sẽ mua 4 hệ thống tên lừa chống hạm NSM (Naval Strike Missile) của Na Uy với tổng trị giá lên đến 1,4 tỉ euro. NSM là tên lửa có tầm bắn hơn 185 km, có thể bắn từ các bệ trên biển hoặc trên đất liền nhắm đến các mục tiêu trên biển hoặc trên đất liền. Ba Lan không ngừng củng cố quốc phòng trong bối cảnh nước láng giềng Ukraina bị Nga xâm lược.
(AFP) - Armenia thông báo tập trận với Mỹ. Bộ Quốc Phòng Armenia hôm nay, 06/09/2023, cho biết cuộc thao dượt quân sự Mỹ - Armenia mang tên « EAGLE PARTNER 2023 » sẽ diễn ra từ ngày 11-20/09/2023 tại Armenia, trong khuôn khổ chuẩn bị cho các nhiệm vụ quốc tế gìn giữ hòa bình. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Ý La Republica, thủ tướng Armenia Nikol Pachinian thừa nhận sai lầm chiến lược khi chỉ dựa duy nhất vào Nga, đồng thời tố cáo Matxcơva không giữ cam kết bảo vệ hành lang Latchine, con đường duy nhất nối Armenia với vùng Thượng Karabakh đang có tranh chấp với Azerbaijan.
(RFI) - Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cải thiện quan hệ. Trong chuyến công du Ankara ngày 05/09/2023, ngoại trưởng Hy Lạp đã hoan nghênh « một kỷ nguyên mới » trong quan hệ song phương, được cải thiện từ nhiều tháng nay, sau nhiều năm căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền. Cả hai ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cùng cam kết tiếp tục đối thoại để giải quyết các bất đồng.
(RFI) - Paris xác nhận đang đàm phán với Niamey. Một nhân vật thân cận với bộ trưởng Quốc Phòng Pháp hôm qua, 05/09/2023, xác nhận nhiều cuộc trao đổi đang diễn ra giữa quân đội Pháp và Niger. Cuộc thương lượng diễn ra dưới sự điều hành của thiếu tướng Eric Ozannes, tham mưu sư đoàn Pháp ở Sahel, trú đóng tại Ndjamena, Cộng hòa Tchad. Mục tiêu của Pháp là chuẩn bị đưa về nước nhiều thiết bị quân sự nhạy cảm và không còn được sử dụng, bao gồm ba chiến đấu cơ Mirage 2000, bốn drone Reaper, và một số trực thăng được cất giữ trong kho. Tuy nhiên, việc triệt thoái khoảng 1.500 binh sĩ hiện chưa được bàn đến.
(The Economic Times) - Ấn Độ muốn đổi tên. Theo trang Times Now ngày 05/09/2023, chính phủ của thủ tướng Narendra Modi được cho là sẽ trình một dự thảo nhằm đổi tên chính thức của Ấn Độ, từ India thành « Bharat », trong phiên họp bất thường của Quốc Hội từ ngày 18-22/09. Chủ tịch Quốc Hội Ấn Độ Jairam Ramesh cũng khẳng định rằng thư mời dự dạ tiệc tại thượng đỉnh G20 của tổng thống Ấn Độ cũng được gửi dưới tên « tổng thống Bharat » thay cách gọi thông thường « President of India » (tổng thống Ấn Độ). Nhiều lãnh đạo của đảng Nhân Dân Ấn Độ - BJP ủng hộ quốc hiệu mới.
(Reuters) - Đại sứ Ả Rập Xê Út đầu tiên tới Iran. Cơ quan thông tấn Ả Rập Xê Út thông báo đại sứ Abdullah bin Saud al-Anzi đã tới Teheran ngày 05/09/2023 để bắt đầu nhiệm kỳ mới. Sự kiện này là bước tiếp theo trong tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương, được khởi động từ tháng Ba, qua trung gian của Trung Quốc, sau khi hai nước Hồi Giáo đối thủ trong vùng cắt đứt bang giao vào năm 2016.
(AFP) - Nga và Ả Rập Xê Út tiếp tục giảm sản lượng dầu tới cuối năm 2023. Trong thông cáo ngày 05/09/2023, bộ Năng Lượng Ả Rập Xê Út cho biết « sản lượng của vương quốc cho các tháng 10, 11 và 12 sẽ là khoảng 9 triệu thùng/ngày ». Cùng ngày, Nga cũng quyết định duy trì khối lượng xuất khẩu dầu ở mức 300.000 thùng/ngày cho tới cuối năm. Quyết định của hai nước cho thấy quyết tâm duy trì chiến lược giữ giá dầu.
(AFP) - Liên Hiệp Châu Âu thắt chặt quy định đối với 6 tập đoàn công nghệ. Trong số này có 5 tập đoàn của Mỹ Alphabet, Amazon, Apple, Meta và Microsoft và tập đoàn Trung Quốc ByteDance (sở hữu TikTok). 22 nền tảng chủ đạo (trong đó có TikTok, Instagram, Facebook, Linkedln, WhatsApp, Messenger, Google, Safari…) của 6 tập đoàn này sẽ phải tuân theo những quy định mới chặt chẽ hơn để kiềm chế các hành vi phản cạnh tranh, lợi dụng vị thế thống trị để loại bỏ đối thủ. Quyết định mới được công bố ngày 06/09/2023 mở ra một mặt trận tư pháp mới giữa Liên Âu với các đại tập đoàn công nghệ trong tương lai.
(AFP) - TikTok bắt đầu lưu trữ dữ liệu người sử dụng châu Âu ở Ireland. Trong thông cáo ngày 05/09/2023, công ty mẹ ByteDance cho biết « trung tâm dữ liệu đầu tiên ở Dublin, Ireland, đã hoạt động, quá trình chuyển dữ liệu người sử dụng châu Âu đến trung tâm này đã bắt đầu. Hai trung tâm khác ở Na Uy và Ireland đang được xây dựng ». Thông báo này được cho là để xoa dịu những sợ hãi liên quan đến các cổ đông Trung Quốc.
(AFP) – Indonesia cắt giảm sản lượng tại nhà máy nhiệt điện than lớn do ô nhiễm. Đối mặt với mức ô nhiễm kỷ lục ở Jakarta, Indonesia hôm nay 06/09/2023, đã cắt giảm gần một nửa sản lượng tại một nhà máy điện than lớn gần thủ đô. Thành phố Jakarta, với khoảng 30 triệu dân, là thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong 4 ngày đầu tháng 8 vừa qua, theo công ty Thụy Sĩ chuyên giám sát chất lượng không khí IQAir.