Chiến tranh Trung Đông chiếm lĩnh trang bìa các tuần báo. L’Obs dùng nền xanh cho trang nhất với ngôi sao David, chạy tựa « Hiểm họa bài Do Thái ». Tương tự, Courrier International nhận thấy « Nạn bài Do Thái không còn được che giấu nữa ». Trang bìa Le Point là một nền đen tang tóc, với khung ảnh nhỏ ở giữa là một căn phòng trẻ em tan hoang sau cuộc tàn sát, với dòng tít lớn « Ngày 7 tháng Mười 2023 : Vụ cuồng sát của thế kỷ 21 », với hồ sơ nhiều trang thuật lại một « tội ác lịch sử ». Riêng L’Express đăng
ảnh phu nhân tổng thống Ukraina, bà Olena Zelenska trên trang nhất và
dòng tựa nhấn mạnh lời kêu gọi của bà trong bài phỏng vấn : « Đừng bỏ quên Ukraina ».
Thách thức từ các chế độ toàn trị
Le Point báo động « Các chế độ dân chủ đang gặp nguy hiểm ».
Lễ hội âm nhạc trở thành thảm kịch hôm 07/10 là một ẩn dụ cho xã hội
phương Tây. Không ý thức được mối nguy, trên 3.000 thanh niên Israel vui
chơi ở cách thùng thuốc súng Hồi giáo Gaza chưa đầy 3 kilomet, gần 270
bạn trẻ đã trả giá bằng mạng sống. Cả phương Tây nay đang nhảy múa trên
ngọn núi lửa.
Những đám cháy từ các cuộc xung đột vũ trang mở rộng
trong môi trường địa chính trị xung quanh, bị các thế lực xét lại Nga,
Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, và âm thầm hơn là Trung Quốc, đang được thổi bùng lên.
Trên nguyên tắc, không có gì gắn kết giữa chế độ độc tài quân sự dựa
vào dầu lửa của Vladimir Putin, thần quyền Shia ở Teheran, chế độ Hồi
giáo Sunni của Recep Tayyip Erdogan hay đảng cộng sản của Tập Cận Bình.
Điểm chung là sự thù địch với tự do cá nhân, Nhà nước pháp quyền, dân
chủ, từ chối các giá trị phổ quát, quan niệm phương Tây đang suy tàn.
Mỗi
chế độ toàn trị trên đây lợi dụng những xung đột do bên khác khởi
xướng. Iran và Bắc Triều Tiên nay đóng vai trò quan trọng trong cuộc
chiến tranh của Nga ở Ukraina qua việc cung cấp vũ khí, đạn dược.
Matxcơva tiếp đón Hamas và Iran, những kẻ thù của Israel. Azerbaijan và
phía sau là Thổ Nhĩ Kỳ tranh thủ Nga làm ngơ để đuổi 120.000 người
Armenia khỏi mảnh đất tổ tiên của họ ở Thượng Karabakh. Vụ thảm sát của
Hamas khiến Kremlin thủ lợi do thế giới không còn chú ý đến cuộc xâm
lăng Ukraina. Đồng thời giúp cho Iran chiếm vị trí trung tâm tại Cận
Đông, khi thỏa thuận Abraham có nguy cơ bị phá vỡ. Mỗi một vụ tấn công
lại khuyến khích một kẻ xâm lăng khác ra tay hành động, gây hại cho an
ninh thế giới, trong khi châu Âu và Hoa Kỳ luôn ngần ngại không muốn can
thiệp.
Tại Ukraina cuộc phản công đang khựng lại, ở Kavkaz,
Azerbaijan toan tính dùng vũ lực để mở một hành lang xuyên qua Armenia. Ở
Cận Đông, nguy cơ mở rộng xung đột đang gia tăng, tại châu Phi, Pháp
phải rút đi nhường chỗ cho quân thánh chiến. Tại Viễn Đông, Trung Quốc
đang chờ thời để nuốt chửng Đài Loan. Tất cả vẫn đang được Mỹ quan tâm
xử trí, dù Joe Biden đã lớn tuổi. Chuyện gì sẽ diễn ra nếu Donald Trump
quay lại vào đầu năm 2025 như các cuộc thăm dò dự báo ? Sẽ là ảo tưởng
nếu châu Âu duy trì cách sống thời bình, trong một thế giới đang bốc
cháy.
Một nhà bình luận khác tỏ ra lạc quan hơn : các đế quốc toàn
trị không phải là không thể khuất phục. Như Trung Quốc bị Tập Cận Bình
nhốt kín trong cuộc khủng hoảng dịch tễ, thất bại chiến lược của
Vladimir Putin tại Ukraina, cuộc nổi dậy của phụ nữ ở Iran…Về phía Hoa
Kỳ luôn chứng tỏ sức sáng tạo không ngừng, như trong đại dịch hay sự đột
phá về trí thông minh nhân tạo, khả năng huy động sức mạnh trong chiến
tranh ở Ukraina và Trung Đông.
Vì sao Israel không thể ngưng bắn nhiều ngày ?
Trên chiến trường Gaza, The Economist nhận định Israel không có nhiều thời gian, phải hành động nhanh trước sức ép của nhiều nước. Courrier International dịch lại bài viết của một nhà báo quân nhân trên tờ Yediot Aharonot giải thích « Vì sao Israel không thể chấp nhận ngưng bắn ». Theo
đó, ngưng bắn với cớ nhân đạo làm hại cho các con tin và nỗ lực chiến
tranh của Israel, trong khi phe Hamas lợi dụng để tái tổ chức.
Quân
Hồi giáo ẩn núp trong các địa đạo rất cần không khí để thở, tạm ngưng
chiến dù chỉ hai ba ngày giúp cho kẻ địch cải thiện điều kiện sống để
tiếp tục trận đánh. Phe này nhân đó tiếp tế thực phẩm, nhiên liệu cho
các tay súng phần lớn sống dưới lòng đất, kéo dài khả năng chiến đấu.
Đồng thời giải tỏa được những đường hầm bị bom vùi lấp, tái lập đường
liên lạc giữa các chỉ huy trốn trong địa đạo với quân trên mặt đất.
Về
phần các con tin sẽ bị chuyển đi nơi khác khiến công sức của tình báo
thành bỏ sông bỏ bể, chưa kể Hamas còn « thu lượm » thêm con tin đang bị
các phe khác giữ ở Gaza, tạo thế mạnh trong đàm phán. Trong bối cảnh
đó, Israel chỉ có thể ngưng bắn nhân đạo vài giờ và vào ban ngày mà
thôi. Nhà nghiên cứu Daphné Richemont-Barak trên L’Express giải thích về « Địa ngục đường hầm »
Gaza. Hamas xây dựng mạng lưới quy mô đòi hỏi rất nhiều đầu tư về tiền
của và nhân lực, vì lý do chiến lược : địa đạo làm giảm sút sự chênh
lệch giữa một quân đội tân tiến và một nhóm khủng bố. Dưới lòng đất, mọi
thứ đều bất ngờ không thể kiểm soát, tình báo trở nên mù lòa.
Chính
từ chiến dịch « Vành đai bảo vệ » năm 2014 mà Israel ý thức được sự
nguy hiểm của các địa đạo xuyên biên giới và trong Dải Gaza. Các quân
nhân được huấn luyện về những gì phải làm khi phát hiện địa đạo, lập các
đơn vị đặc biệt với trang bị phù hợp và quân khuyển, chế tạo
robot…Nhưng việc tìm ra địa đạo không dễ, năm 2018 dù có máy móc hiện
đại, Israel phải mất sáu tuần mới tìm được 6 đường hầm do Hezbollah đào ở
miền bắc.
Trông cậy vào công nghệ để đối phó với địa đạo
The Economist
cho rằng để đối phó với hệ thống địa đạo dài hàng mấy trăm cây số của
Hamas, được mệnh danh là « métro Gaza », Israel phải dựa vào công nghệ.
Trước hết là phải tìm cho ra. Mạng lưới tình báo của Israel đã giảm hẳn
từ khi đơn phương rút khỏi Gaza năm 2005. Các drone giám sát có thể phát
hiện lối vào, chẳng hạn có 20 người đi vào một địa điểm nhỏ nhưng 24
giờ sau không thấy trở ra. Radar vệ tinh tân tiến có thể phân biệt những
thay đổi về mặt bằng, dù những đống gạch vụ do oanh tạc có thể làm phức
tạp việc phân tích.
Bộ binh cũng có thể dùng radar để phát hiện
những khoảng trống ở độ sâu 30 mét, nhưng đất mặn vên biển tại đây không
phải là điều kiện lý tưởng. Sóng âm thanh cũng hữu dụng, bên cạnh đó là
mạng cáp quang. Một khi phát hiện địa đạo, có thể dùng bom « chống
boong-ke ». Ai Cập hồi trước đã gây ngập lụt đường hầm phía nam Gaza
bằng nước thải, Israel từng đổ bê-tông vào, nhưng hiện khó thể vận
chuyển đủ số lượng.
Một viên chức an ninh Israel cho biết Tsahal
sẽ sử dụng các « bom xốp » chứa hóa chất, biến thành lớp mút dày và cứng
bịt kín địa đạo, giúp có được thời gian chờ đợi quăng chất nổ vào. Đôi
khi các quân nhân có thể vào trong đường hầm nhờ thiết bị khoan các ngõ
vào mới để tránh bẫy rập, hoặc dùng drone đặc biệt. Hai bên đang lao vào
một cuộc chiến ác liệt. Hamas dựa vào hệ thống địa đạo để giúp cân bằng
lực lượng, còn Israel hy vọng công nghệ sẽ biến những địa đạo này thành
những chiếc bẫy cho quân khủng bố.
Nạn bài Do Thái và những cái loa cho Hamas
Các tuần báo đều phê phán xu hướng bài Do Thái gần đây, đặc biệt tại Pháp, Đức, Anh, thậm chí tại một số trường đại học Mỹ, mà L’Obs
gọi là « cơn sốt thế giới ». Bên cạnh những bài viết về cảnh cơ cực của
người Palestine tại Dải Gaza đang bị Israel oanh kích, tâm trạng cay
đắng của người Do Thái ở các nước cũng được nêu bật. Nếu Đức quốc xã
trước đây làm mọi cách để che giấu tội diệt chủng người Do Thái (Shoah),
thì nay Hồi giáo cực đoan phô ra sự khủng khiếp của những tội ác tày
trời, khai thác chúng để tuyển mộ thêm quân thánh chiến. Những « thành
tích » hôm 07/10 do chính những kẻ khủng bố ghi hình : những gia đình Do
Thái bị thảm sát toàn bộ, phụ nữ bị hãm hiếp và chặt thành từng mảnh,
trẻ sơ sinh cũng không được tha…lan tràn trên mạng. Trong khi đó có
những chính khách, tổ chức lại muốn làm giảm nhẹ tầm mức.
L’Express chỉ trích « Israel-Hamas : Khi Ân xá Quốc tế không biết gọi một sự vật đúng tên ».
Tổ chức phi chính phủ này từ chối gọi Hamas là khủng bố, cũng như đã
đánh đồng Ukraina và Nga. Đã từ lâu, chữ nhân đạo vẫn được nhiều thế hệ
vào cuối thế kỷ 20 dành cảm tình. Vào thời đó, hào hiệp lấn án thực
dụng. Bức tường Berlin sụp đổ, người ta giúp đỡ dân Ethiopia khỏi chết
đói, đào giếng cho Sudan, gỡ mìn trên ruộng đồng Cam Bốt…
Các tổ
chức phi chính phủ nở rộ với đạo quân người tình nguyện ; Oxfam, Ân xá
Quốc tế, Y sĩ Không biên giới…nhận được vô số tài trợ và tiền đóng góp.
Ngày đó, các tổ chức này đứng về phía kẻ yếu, nạn nhân, không rơi vào tư
tưởng cực đoan như chống tư bản, bài Do Thái…Thế nhưng nay chủ tịch Ân
xá Quốc tế ở Pháp không coi Hamas là khủng bố. Ít nhất ông cũng đã xem
những hình ảnh tội ác rợn người của những kẻ khát máu này, hay chỉ thích
làm cái loa cho Putin và Hamas ?
Ukraina : Xin đừng quên lãng !
Nhìn
sang Ukraina, L'Obs nói về « Nỗi sợ bị sa lầy và lãng quên ». Hai mươi
tháng sau khi khởi đầu cuộc chiến và hàng trăm ngàn người ngã xuống sau
đó, một phần năm lãnh thổ Ukraina vẫn đang bị Nga chiếm đóng. Phải
nói rằng từ những hố chôn tập thể ở Bucha đến nhà máy thép Azovstal,
những trận đánh từ Kiev tới Bakhmut với những vụ thảm sát, xoay chuyển
tình hình, những người hùng trên chiến địa, rồi thảm họa sinh thái, đe
dọa nguyên tử...chiến tranh Ukraina liên tục có những bất ngờ. Nhưng rồi
mùa đông thứ hai sắp đến, không bên nào giành được phần thắng. Dư luận
thế giới bắt đầu chán nản, thì xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng của Hamas
tại Israel với hậu quả là thùng thuốc súng Trung Đông lại dậy sóng,
Ukraina không còn được chú ý.
Hồi tháng Sáu, 65 % người Mỹ muốn
Washington viện trợ vũ khí cho Kiev, nay chỉ còn 41 %, nên ông Joe Biden
phải đề nghị Quốc Hội gộp chung gói viện trợ cho Israel, Ukraina và an
ninh biên giới Mêhicô. Và ngay những người hùng cũng mệt mỏi, khi tuổi
trung bình của người lính nay là 43. Trong bối cảnh đó, triết gia kiêm
nhà làm phim Bernard-Henri Lévy cho ra mắt bộ phim tài liệu thứ ba « Ukraina trong trái tim » chiếu
trên kênh France 2. Nhà đấu tranh không mệt mỏi tuy tuổi đã cao không
ngần ngại mạo hiểm mang lại những hình ảnh chân thực và xúc động. Ông hy
vọng Mỹ và châu Âu rốt cuộc sẽ trao đủ phương tiện cho những con người
« đang chiến đấu trong địa ngục ».
Putin còn tấn công Ukraina « cho tới lúc chết »
Trả lời câu hỏi của Le Point,
liệu Ukraina có thể thất bại trong cuộc chiến này hay không, tướng Mỹ
H.R. McMaster khẳng định Ukraina không thể và không được thua. Nhưng
Ukraina không thể chiến thắng nếu phương Tây không ủng hộ mạnh mẽ, tăng
cường kỹ nghệ quốc phòng và sản xuất nhiều vũ khí hơn. Về phía Vladimir
Putin, hiểu rằng không thể chiếm được Ukraina, ông ta muốn bóp nghẹt đất
nước này. Vụ phá đập ở Zaporijia đã làm hàng ngàn lính Nga chết, nhưng
Putin bất cần, là một thông điệp. Lý do tương tự với việc oanh kích cơ
sở hạ tầng cảng biển, điện lực, và những cú khác nữa chưa biết được.
Chiến tranh sẽ còn kéo dài nhiều năm.
Giáo sư Timothy Snyder của
đại học Yale, người từ năm 2018 đã từng cảnh báo nguy cơ Putin xâm lăng
Ukraina, nhận định tổng thống Nga không còn quan tâm đến lợi ích đất
nước mình, chỉ bị ám ảnh bởi « huyền thoại vĩnh hằng ». Không chỉ bám
ghế tới cùng, ông ta còn tiếp tục cuộc chiến với Ukraina « cho tới khi
chết ».
Nhà sử học vẫn tin rằng rốt cuộc Kiev vẫn sẽ giành chiến
thắng, vấn đề chính vẫn là vũ khí. Các hỏa tiễn Scalp, Storm Shadow đóng
vai trò quyết định nhưng đến quá trễ, ATACMS của Mỹ cũng vậy. Mùa hè
vừa qua Ukraina đã đuổi được phần lớn hạm đội Nga ra khỏi Hắc Hải, mở
được một hành lang cho ngũ cốc từ cảng Odessa. Người Ukraina đã chứng tỏ
họ là những người lính thiện chiến nhất, hiểu cuộc chiến tranh này hơn
là Nga và phương Tây. Ông khẳng định « điểm yếu của cuộc chiến là chúng ta chứ không phải Ukraina ».
Trung Quốc, hiểm họa lớn nhất cho Nga
Cuộc
xâm lăng Ukraina là thảm họa cho nước Nga, đặt Nga dưới vòng kiểm soát
của Bắc Kinh. Putin khẳng định phương Tây thù địch với mình, Trung Quốc
là quốc gia bạn bè. Nhưng thực tế, trước 2014, phương Tây không còn quan
tâm tới Matxcơva. Năm 2012, ứng cử viên Cộng Hòa Mitt Romney đã bị mọi
người chế diễu khi nói rằng Nga là « kẻ thù địa chính trị số 1 » của nước Mỹ. Hoa Kỳ đã cho rút đi đa số quân tại châu Âu, từ 300.000 năm 1991 chỉ còn 60.000 năm 2012.
Ngược
lại, Trung Quốc mới là mối nguy địa chính trị lớn nhất cho Nga. Bắc
Kinh không rõ ràng về biên giới, đang thèm muốn nguồn tài nguyên thiên
nhiên của Nga ở Xibêri, đang cần đất trồng trọt mà Nga đang có nhiều,
không che giấu tham vọng bành trướng, và lại là láng giềng sát cạnh
trong khi Nga có đường biên giới trên bộ dài nhất thế giới khó thể bảo
vệ.
Bắc Kinh đáng sợ đến đâu ?
Đối với phương Tây, « Trung Quốc đáng sợ đến mức nào ? » - The Economist
đặt vấn đề. Trong cuộc đối đầu này, Hoa Kỳ cần phải hiểu được không chỉ
những điểm mạnh mà cả điểm yếu của Trung Quốc.Sau nhiều thập niên hiện
đại hóa, với 2 triệu quân và ngân sách thường niên 225 tỉ đô la, Bắc
Kinh sở hữu quân đội và nhất là hải quân đông đảo nhất thế giới và rất
nhiều hỏa tiễn. Từ nay đến 2030, Trung Quốc sẽ có 1.000 đầu đạn nguyên
tử. Tập Cận Bình ra lệnh đến 2037 phải có khả năng chiếm Đài Loan, ức
hiếp các láng giềng trên Biển Đông và gây sự với Ấn Độ, có các căn cứ
quân sự ở châu Phi và đang tìm kiếm thêm ở Trung Đông.
Tuy vậy nếu
nhìn kỹ hơn, Giải phóng quân (APL) từ lâu vẫn học theo kiểu Liên Xô,
đang tìm cách rút ra những bài học từ Ukraina. Quân đội Trung Quốc không
thu hút được người tài, từ phi công tiêm kích cho tới kỹ sư ; không có
kinh nghiệm chiến đấu, mà ông Tập gọi là « căn bệnh của hòa bình ». Sau
khi bị Việt Nam đẩy lùi cuộc xâm lăng năm 1979, trận chiến đẫm máu nhất
trong bốn thập niên qua là vụ thảm sát chính những công dân của mình
trên quảng trường Thiên An Môn. Tuy có những tiến bộ công nghệ, động cơ
máy bay và tàu thủy vẫn cần đến linh kiện nước ngoài, lệnh cấm vận chất
bán dẫn của Mỹ càng khiến cuộc đua thêm khó khăn. Dù thanh trừng liên
tục, tham nhũng vẫn lan tràn trong quân đội.
Bên cạnh những yếu
kém về quân sự là sự sa sút về kinh tế. GDP Trung Quốc chỉ tăng 5,4 %
năm nay và 3,5 % năm 2028, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đầu tư trực
tiếp nước ngoài vào Hoa lục lần đầu tiên đã trở thành âm trong quý 3,
kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng đến giữa thế kỷ này vẫn không thể đuổi
kịp nước Mỹ. Nhược điểm thứ ba sâu sắc hơn, đó là sự thống trị của Tập
Cận Bình trong chế độ toàn trị, các nhà kỹ trị bị gạt ra ngoài. Không có
những khuyến cáo khôn ngoan, Tập Cận Bình có thể tính toán sai như
Vladimir Putin về quyết định xâm lăng Ukraina. Điều đáng mừng là những
điểm yếu và các sai lầm của ông Tập giúp phương Tây có thêm thời gian để
đối phó với mối đe dọa Trung Quốc.