Challenger 2 của Anh, rồi đến Leopard 2 của Đức, và biết đâu chừng sẽ có cả Abrams M1 của Mỹ hay Leclerc của Pháp… Trước nguy cơ các bước tiến hiện nay của Ukraina có thể bị một lực lượng xâm lược Nga hùng hậu hơn bẻ gãy vào mùa xuân tới đây, các nước phương Tây đang dần dần phá bỏ cấm kỵ, bắt đầu cung cấp các loại vũ khí hạng nặng cho đồng minh.
Biểu tượng rõ nhất của xu hướng này là thông báo của Luân Đôn hôm 14/01/2023 sẽ chi viện cho Kiev 14 chiến xa Challenger 2 hạng nặng. Câu hỏi đặt ra là liệu vũ khí nặng, đặc biệt là chiến xa, có thể giúp Ukraina thay đổi cuộc chơi theo chiều hướng có lợi cho mình hay không.
Đối với giới phân tích quân sự, các chiến xa hạng nặng của Phương Tây, cụ thể là hai loại xe tăng Challenger 2 của Anh và Leopard 2 của Đức mà Ukraina chắc chắn có được, sẽ là những loại vũ khí vượt trội so với tất cả những gì mà lực lượng Kiev có được cho đến nay.
Trên đài truyền hình Pháp BFMTV hôm 15/01 vừa qua, khi phân tích về uy lực của chiếc Challenger 2 mà Anh Quốc sẽ cung cấp cho Ukraina, tướng Jérôme Pellistrandi, chủ bút tạp chí quốc phòng Revue Défense Nationale không ngần ngại cho rằng đó là loại xe tăng thuộc diện “tối thượng” của Anh Quốc hiện nay.
Ban đầu được thiết kế để đối đầu với xe tăng của Nga, Challenger 2 đã nổi bật trong cuộc chiến tranh Irak vào năm 2003. Dù không phải thuộc diện tối tân nhất hiện nay, đây vẫn sẽ là loại chiến xa “hiện đại nhất” mà Ukraina có được trên chiến trường.
Dù nặng đến 64 tấn, Challenger 2 cũng vẫn có thể di chuyển với tốc độ hơn 50 cây số/giờ, chở theo 4 binh sĩ cùng lúc và được trang bị một khẩu đại bác 120 ly vừa bắn chính xác, vừa có tính cơ động rất cao.
Đối với tướng Pellistrandi, Challenger 2 hoàn toàn có thể đóng vai trò phương tiện giúp Ukraina thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến chống lại quân Nga.
Còn về Leopard 2 của Đức, mà Ba Lan hay Phần Lan sẵn sàng cung cấp cho Ukraina nếu được Berlin bật đèn xanh, uy lực của loại chiến xa này cũng đáng gờm vì có thể chạy với vận tốc 72 cây số/giờ, do đó có thể dễ dàng chọc thủng phòng tuyến của đối phương.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, đại úy Ukraina Volodymyr Tchaikovsky hiện đang chiến đấu ở vùng gần Bakhmout (phía đông), nơi đang diễn ra các trận chiến đẫm máu chống lại quân Nga, tin tưởng rằng: “Các xe tăng hiện đại theo tiêu chuẩn NATO như Leopard, Challenger hay Abrams được trang bị hệ thống ngắm cho phép khóa chặt mục tiêu để tiêu diệt chỉ bằng một phát bắn. Đây là một lợi thế rất lớn”.
Nhìn chung, việc các nước như Pháp, Đức, Mỹ và Anh bắt đầu cung cấp chiến xa, cả hạng nhẹ lẫn hạng nặng, cho Ukraina thể hiện một bước ngoặt trong việc viện trợ quân sự và vũ khí cho Ukraina, với hy vọng là giúp Kiev giành được ưu thể trên chiến trường.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho cả quân đội Ukraina lẫn các đồng minh của Kiev là làm sao quản lý được số vũ khí cực kỳ đa dạng đó, với các loại phụ tùng và đạn dược không tương thích với nhau.
Theo AFP, loại chiến xa Leopard 2 của Đức, giống như Leclerc của Pháp hay Abrams của Mỹ đều dùng đạn pháo 120 mm. Thế nhưng, Challenger 2 của Anh lại dùng loại đại bác 120 ly, với nòng đặc biệt, đòi hỏi loại đạn riêng biệt. Xe tăng hạng nhẹ AMX 10 RC của Pháp thì lại dùng loại đạn 105 mm.
Tóm lại, việc phát huy ưu thế của các loại vũ khí nặng được viện trợ đòi hỏi một công tác hậu cần và bảo trì cực kỳ phức tạp.
Đó là chưa kể đến vấn đề số lượng vũ khí được chuyển giao. Nếu cung cấp quá ít thì tác dụng không nhiều.
Trong khi đó, theo như ghi nhận của kênh truyền hình Pháp TF1, phía Nga cũng không ngồi yên. Matxcơva hiện cũng đang chuẩn bị vũ khí hạng nặng đưa ra chiến trường. Cách nay một tháng, truyền hình Nga đã loan báo việc Matxcơva đã cho triển khai 200 xe thiết giáp cực kỳ tối tân dọc theo đường chiến tuyến.