Ông Trump, bà Harris cùng dự lễ tưởng niệm vụ tấn công 11-9
Theo Hãng tin Reuters, ngày 11-9 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó tổng thống Kamala Harris và cựu tổng thống Donald Trump cùng tham dự sự kiện tưởng nhớ nạn nhân vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 tại thành phố New York.
Sự kiện tưởng nhớ diễn ra chưa đầy một ngày sau khi ông Trump và bà Harris có màn tranh luận nảy lửa trên sóng truyền hình.
Tại thành phố New York, cả ba chính trị gia cùng đứng chung với nhau trong một khung hình. Reuters ghi nhận ông Trump và bà Harris đã bắt tay nhau và có một vài trao đổi ngắn. Trước đó, ông Trump đã rời sân khấu mà không bắt tay bà Harris ngay sau khi buổi tranh luận kết thúc.
Sau lễ tưởng niệm tại New York, ông Biden và bà Harris cùng bay đến thị trấn Shanksville, bang Pennsylvania. Tại đây, cũng vào ngày 11-9-2001, hành khách trên máy bay số hiệu 93 của hãng United Airlines đã khống chế nhóm khủng bố cướp máy bay, lao máy bay này xuống một cánh đồng để đảm bảo phương tiện này không đâm vào mục tiêu khác.
Tại đây, ông Biden phát biểu ngắn về việc nước Mỹ cần lập lại sự đoàn kết lưỡng đảng và tặng chiếc mũ của mình cho một người ủng hộ ông Trump. Người này liền tặng lại tổng thống Mỹ chiếc mũ có in tên ông Trump.
Ông Biden liền đội chiếc mũ đó. Hình ảnh này sau đó nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, được đội ngũ tranh cử của ông Trump đăng lại với bình luận: "Cảm ơn vì đã ủng hộ nhé Joe".
Đồng minh, nhà tài trợ cho ông Trump ngán ngẩm về màn tranh luận
Ngày 11-9, ông Trump tự thưởng cho mình một loạt lời khen có cánh về màn tranh luận hôm 10-9.
Phát biểu trên sóng Đài Fox News, ông khẳng định: "Trong số những buổi tranh luận tốt trước đây của tôi, có lẽ đây là lần tranh luận tốt nhất. Tôi không chắc sẽ có một buổi tranh luận nữa. Tôi không thấy cần lắm, vì chúng ta đã có một tối tuyệt vời".
Tuy nhiên, trái ngược cựu tổng thống, nhiều đồng minh lớn của ông lại phát đi thông điệp không mấy tích cực.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham - đồng minh lớn của ông Trump - công khai chỉ trích màn tranh luận kém cỏi của ứng viên tổng thống là "cơ hội bị bỏ lỡ".
Ông cho rằng ông Trump đã không thể tập trung vào điều cần nói và không nhấn mạnh được những thành tựu đạt được trong thời gian làm tổng thống.
Ông Chris Christie, cựu ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, nhận xét bà Harris đã được chuẩn bị "cực kỳ tốt", trong khi ông Trump lại rõ ràng không.
"Bất kỳ ai chịu trách nhiệm giúp ông Trump chuẩn bị cho buổi tranh luận cần bị sa thải. Ông ta làm không tốt chút nào", ông Christie tuyên bố trên Đài ABC.
Theo Reuters, ít nhất sáu nhà tài trợ và ba cố vấn của ông Trump thừa nhận rằng bà Harris đã thắng thế trong hầu hết thời gian tranh luận vì ông Trump không thể phát đi thông điệp của mình.
Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát quy mô nhỏ với 10 cử tri chưa quyết định bầu ai, Reuters lại ghi nhận sáu người khẳng định sẽ bầu ông Trump hoặc ngả về ông. Chỉ ba người khẳng định sẽ ủng hộ bà Harris và người còn lại vẫn chưa ngả về bên nào.
Mỹ lại đứng trước nguy cơ vỡ nợ
Ngày 11-9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã hủy kế hoạch biểu quyết về dự luật ngân sách tạm thời cho năm tài khóa 2025.
Ông Johnson cho biết: "Hôm nay không có bầu bán gì, vì chúng tôi đang trong quá trình xây dựng sự đồng thuận tại quốc hội. Chúng tôi phải làm việc đó với quyền đa số mỏng manh tại Hạ viện và đó là việc chúng tôi phải làm".
Ông Johnson cũng khẳng định các nghị sĩ Đảng Cộng hòa sẽ làm việc từ nay đến hết tuần để xây dựng dự luật có thể giành đủ số phiếu để được lưỡng viện thông qua.
Hồi tháng 3, sau sáu tháng tranh cãi gay gắt, Hạ viện do ông Johnson lãnh đạo cuối cùng cũng thông qua được bản dự luật ngân sách cho năm tài khóa 2024 được Thượng viện và Nhà Trắng ủng hộ, cứu nước Mỹ khỏi cảnh vỡ nợ công.
Tuy nhiên, đạo luật trên sắp sửa hết hiệu lực khi năm tài khóa 2024 kết thúc vào ngày 30-9. Điều này đồng nghĩa Washington cần thông qua dự luật ngân sách năm 2025 trước ngày 1-10.
Nếu không, các hoạt động của chính phủ liên bang sẽ lần lượt phải bị đình chỉ vì không còn ngân sách vận hành.
Mỹ - Anh bỏ ngỏ chuyện cho Ukraine tấn công đất Nga
Ngày 11-9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp của Anh David Lammy đã đến Kiev để thảo luận về các mục tiêu chiến tranh của Ukraine và những biện pháp hỗ trợ hai nước này có thể đưa ra.
Ông Blinken chia sẻ với báo chí sau khi kết thúc các buổi hội đàm: "Chúng tôi đã thảo luận nhiều việc, trong đó có việc dùng vũ khí tầm xa (để tấn công lãnh thổ Nga). Một số đầu việc khác đang tiến triển tốt. Như đã nói từ đầu, tôi sẽ báo cáo những gì đã thảo luận về cho Tổng thống Biden".
Ông Lammy cũng phát biểu trong buổi họp báo chung cùng ông Blinken và Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha: "Chúng tôi đang lắng nghe cẩn thận và dĩ nhiên thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm việc trang bị quân sự đảm bảo Ukraine chiến thắng (Nga)".
Ngoại trưởng Anh cho biết các cuộc thảo luận về vấn đề sử dụng vũ khí tầm xa có thể còn kéo dài nhiều tuần nữa. Điều này có thể làm phật lòng nhiều quan chức Ukraine mong mỏi phương Tây từ bỏ nỗi lo chọc giận Matxcơva khi cho phép Kiev dùng vũ khí do mình viện trợ tấn công lãnh thổ Nga.
Nhiều tháng qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã liên tục kêu gọi các nước đồng minh cho nước này dùng tên lửa tầm xa mình được phương Tây hỗ trợ đánh sâu vào đất Nga để phá hoại khả năng tấn công của quân đội Nga.
Cùng trong buổi họp báo trên, ông Biden tuyên bố gói viện trợ mới trị giá 700 triệu USD của Mỹ cho Ukraine. Ông Lammy cũng cho biết London sẽ viện trợ 600 triệu bảng Anh (781 triệu USD) thêm cho Kiev.
Cựu nhân viên CIA đi tù 10 năm vì làm gián điệp cho Trung Quốc
Ngày 11-9, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết ông Alexander Yuk Ching Ma, 71 tuổi, đã bị tuyên án tù 10 năm sau khi thừa nhận có tội với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc.
Ông Ma làm việc tại Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) từ năm 1982 đến 1989. Tháng 3-2001, ông cùng một người họ hàng cũng là nhân viên CIA khác tuồn "một lượng lớn" thông tin quốc phòng mật của Mỹ cho nhân viên tình báo Trung Quốc. Đổi lại, hai người nhận 50.000 USD.