Chiều thứ sáu ngày 29/1/1991, Lee Hyung-ho, 9 tuổi, đi bộ đến công viên gần nhà để chơi cùng các bạn sau khi tan học. Trời tối, các bạn lần lượt ra về, chỉ còn mình cậu bé ở khu vui chơi.
Bố mẹ Hyung-ho ly dị từ lâu. Cậu bé hiện sống cùng bố là chủ doanh nghiệp tư nhân và mẹ kế trong căn hộ sang trọng ở khu nhà giàu Gangnam, Seoul.
Đến 19h hôm đó, không thấy con về, bố mẹ đi tìm khắp khu nhà và gọi điện hỏi thăm bạn học của Hyung-ho nhưng vô ích nên báo cảnh sát.
Ngày hôm sau, họ nhận được điện thoại của một người đàn ông: "Con trai anh đang ở trong tay tôi. Hãy chuẩn bị 70 triệu won trong hai ngày, và lắp điện thoại di động trên ôtô. Tôi sẽ gọi cho anh bất cứ khi nào, đừng báo cảnh sát, nếu không con trai anh sẽ chết".
Bố Hyung-ho, ông Lee, lập tức báo lại nội dung cuộc gọi cho cảnh sát đang đến nhà tìm hiểu vụ mất tích, đồng thời chuẩn bị tiền mặt. Cảnh sát lắp thiết bị giám sát tại nhà Lee.
Ngày 31/1, một người đàn ông gọi đến nhà Lee: "Xin chào, đây là đồn cảnh sát quận Seocho, vui lòng đưa điện thoại cho cảnh sát bên cạnh anh".
Viên cảnh sát đang túc trực tại đó lập tức nhận ra đây là chiêu thăm dò của kẻ bắt cóc. Hắn muốn kiểm tra xem bố mẹ Hyung-ho báo cảnh sát hay chưa. Gia đình Lee ở quận Gangnam, đồn cảnh sát quận Seocho sẽ không thể gọi đến nhà dân ở địa bàn khác.
Thấy cảnh sát nháy mắt ra hiệu, Lee đáp: "Tôi chỉ là cư dân bình thường, làm gì có cảnh sát ở đây, anh gọi nhầm rồi". Vừa dứt lời, đối phương dập máy.
Không lâu sau, điện thoại lại reo. Kẻ bắt cóc ra lệnh cho Lee một mình mang tiền chuộc đến ga nội địa của Sân bay Gimpo. Để cứu con trai, Lee lập tức mang tiền lên xe, cảnh sát nấp ở băng ghế sau. Các cảnh sát mặc thường phục lái xe riêng theo sau.
Đến nơi, Lee nháy đèn xe hai lần theo yêu cầu. Hắn gọi hỏi: "Người ngồi ở hàng ghế sau là ai? Tại sao lại có người khác?". Lee khẳng định không có ai ở ghế sau. Hắn bảo Lee đến Tòa thị chính Seoul.
Tiếp đó, kẻ bắt cóc liên tục thay đổi địa điểm đến rạp chiếu phim, tiệm bánh mì, quán gà rán, bắt Lee đi khắp Seoul hàng tiếng đồng hồ mà không hề xuất hiện.
Trong khi Lee lái xe lòng vòng, kẻ bắt cóc gọi điện về nhà, nói với vợ Lee bằng giọng giận dữ: "Tôi đã nói đừng có báo cảnh sát, tại sao còn làm thế? Tôi nhìn thấy cảnh sát mặc thường phục bên cạnh chồng cô rồi. Cô không muốn gặp lại con trai mình sao?".
Cảnh sát phán đoán hắn chỉ đang thăm dò. Việc liên tục thay đổi điểm hẹn cho thấy hắn không chắc chắn có cảnh sát mai phục hay không. Ở mỗi điểm hẹn, cảnh sát sẽ bố trí các nhân viên khác nhau theo dõi, cải trang thành người đi đường bình thường nên rất khó bị nhận dạng.
Vợ Lee rất kích động khi nghe điện thoại, không để ý cảnh sát ra hiệu mà giải thích rằng chồng nhờ chú của Hyung-ho đi cùng vì sợ hãi. Nghe cô đảm bảo không báo cảnh sát, hắn cúp máy. Trong ngày 31/1, hai vợ chồng nhận được 16 cuộc gọi.
Hôm sau, Lee bị yêu cầu lái xe đến sân bay Gimpo một lần nữa, nhưng vẫn không thấy ai. Trong khi đó, vợ Lee ở nhà lại nhận được điện thoại, phải lái ôtô mang 70 triệu won đến trước một hiệu sách lúc 2h30 sáng 1/2, để tiền và chìa khóa xe lại rồi rời đi mà không khóa cửa.
Cô nấp gần đó để theo dõi, thấy một người đàn ông khoảng 30 tuổi đến gần lén quan sát chiếc xe, đồng thời liên tục nhìn ngó xung quanh. Cô báo cho cảnh sát mặc thường phục cũng đang ẩn nấp quanh đó, nhưng cảnh sát án binh bất động. Một lúc sau, người đàn ông khả nghi rời đi, không ai tiếp cận chiếc xe nữa.
Sau vài ngày im hơi lặng tiếng, đến 5/2, gia đình nhận được cuộc gọi từ kẻ bắt cóc, thông báo từ giờ sẽ liên lạc qua thư và tin nhắn. Hắn bảo Lee đến địa điểm chỉ định, tìm thư và làm theo hướng dẫn. Tại đó, Lee thấy mảnh giấy ghi hai tài khoản ngân hàng, yêu cầu chuyển 20 triệu won vào mỗi tài khoản.
Cảnh sát không tìm được dấu vân tay nào trên mảnh giấy. Hai ngân hàng trên đều không trang bị camera giám sát. Họ quyết định chỉ chuyển 20 triệu won vào một ngân hàng, nhưng đợi mãi không thấy nghi phạm đến rút tiền.
Chiều 13/2, kẻ bắt cóc gọi điện hỏi Lee chuyển tiền vào ngân hàng chưa. Lee nói đã chuyển 20 triệu won, số còn lại hôm nay mới gom được. Hắn yêu cầu Lee mang 50 triệu won đến dưới cầu sông Hàn vào 20h, tìm thư dưới hòn đá cạnh ống thép. Lee đề nghị được nghe giọng nói của con nhưng bị từ chối và đe dọa đây là cơ hội cuối cùng.
Nội dung thư yêu cầu Lee bỏ tiền vào một chiếc hộp sắt trên cầu. Lee chỉ bỏ 100.000 won vào hộp sắt, còn lại đều là giấy trắng. Gần cây cầu, cảnh sát đã giăng lưới, tin rằng nhất định sẽ bắt được nghi phạm khi hắn đến lấy tiền.
Tuy nhiên, vào 22h15, một chiếc ôtô phóng đến, chộp lấy hộp tiền rồi lao đi, cả quá trình không dừng lại. Cảnh sát không kịp phản ứng, để chúng chạy mất.
Lúc 1h ngày 14/2, kẻ bắt cóc phát hiện tiền giả nên tức giận gọi điện đến: "Chúng mày dám mang tiền giả ra lừa tao, không muốn con trai về nữa phải không? Nhưng cảm ơn vì không báo cảnh sát nhé!". Từ đó, kẻ bắt cóc không liên lạc nữa.
Suốt thời gian này, hắn đã sử dụng 13 số điện thoại, gọi 87 cuộc cho gia đình Lee. Ngoài giọng nói và chữ viết tay của hắn, cảnh sát không có manh mối nào khác. Họ chỉ còn manh mối duy nhất là số tiền 20 triệu won trong ngân hàng chưa có người đến lấy. Tính riêng ở Seoul, ngân hàng này có hơn 50 chi nhánh. Vì nhân lực có hạn, cảnh sát chỉ cử người giám sát một số nơi được cho là kẻ bắt cóc có khả năng xuất hiện nhất.
Cảnh sát không tìm được thông tin đăng ký ban đầu của tài khoản gửi tiền vì việc quản lý thời đó khá lỏng lẻo. Họ yêu cầu ngân hàng đóng băng tài khoản này, nhưng không nói rõ tình huống cho phía ngân hàng và nhờ phối hợp.
Ngày 19/2, một người đàn ông đến chi nhánh không có cảnh sát theo dõi, nói muốn lấy 20 triệu won được người nhà gửi cho, nữ nhân viên cho biết tài khoản đã bị phong tỏa, không thể rút tiền. Anh ta không nói gì mà lập tức rời đi.
Nữ nhân viên ngân hàng trở thành người duy nhất tiếp xúc với nghi phạm. Theo mô tả, hắn ngoài 30 tuổi, dáng người trung bình, cao từ 1,67 m đến 1,7 m, nói giọng Seoul và tỉnh Jeollanam-do.
Vào khoảng 14h ngày 13/3, khi thông cống thoát nước gần sông Hàn, người dân phát hiện một xác chết gần miệng cống, cách cầu Jamsil 1,5 km về phía Tây.
Kết quả khám nghiệm xác nhận thi thể là Lee Hyung-ho, khi đó cậu bé đã mất tích 44 ngày. Tay chân bị trói bằng dây nylon. Cậu bé vẫn mặc bộ quần áo vào hôm mất tích, nhưng giày được thay mới.
Theo báo cáo pháp y, Hyung-ho chết vì ngạt thở do băng dính bịt kín miệng mũi. Thức ăn còn lại trong dạ dày giống với thứ cậu bé đã ăn vào ngày mất tích. Nhà chức trách phán đoán thời gian tử vong vào khoảng hai ngày sau khi Hyung-ho bị bắt cóc. Thi thể bị bỏ trong tủ đông thời gian dài rồi bị vứt xuống sông vài ngày trước khi được phát hiện.
Cảnh sát Hàn Quốc chịu rất nhiều chỉ trích và áp lực từ dư luận. Họ nhận định kẻ bắt cóc rất thông minh, bình tĩnh, suy nghĩ cẩn thận, không dễ bị ngoại cảnh tác động, có thể đã học đại học, rất quen thuộc với quy trình xử lý vụ án của cảnh sát. Hắn có thể là cảnh sát, hoặc từng là cảnh sát.
Trong nhiều năm, họ đã in và phân phát 250.000 bức phác họa chân dung kẻ bắt cóc, sao chép hơn 1.000 đoạn ghi âm giọng nói của hắn và gửi đến mọi miền đất nước, treo thưởng 10 triệu won để tìm ra hung thủ.
Dựa trên hàng chục nghìn manh mối từ công chúng, cảnh sát điều tra hơn 420 nghi phạm, một trong đó là cậu của mẹ ruột nạn nhân. Người này từng giúp mẹ ruột Hyung-ho ly hôn, nhưng không được chia cho khoản tiền cấp dưỡng nào nên có thể chọn cách bắt cóc cháu để trả thù. Giọng nói của ông ta và nghi phạm có mức độ tương đồng tới 92%. Tuy nhiên, ông ta có đầy đủ bằng chứng ngoại phạm.
Đến tháng 1/2006, vụ án vượt quá thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật Hàn Quốc. Cảnh sát phải khép lại vụ việc trong khi kẻ thủ ác vẫn chưa sa lưới.
Năm 2007, đạo diễn Park Jin-pyo đưa vụ án này lên màn ảnh rộng qua bộ phim Voice of a Murderer, do Sol Kyung-gu and Kim Nam-joo đóng chính.
Tuệ Anh (Theo Read01, Kyen)