9h20 ngày 18/3/1909, một người đàn ông trên xe ngựa kéo đi đến Trường East Ward ở thị trấn nhỏ Sharon, Pennsylvania. Ông ta nhờ người gác cổng thông báo cho Billie Whitla, 8 tuổi, con trai một tuổi của luật sư nổi tiếng, James Whitla, rằng cha cậu muốn cậu đến văn phòng của ông ngay lập tức.
Người gác cổng nhanh nhẹn chạy đến lớp, thông báo cho giáo viên và cậu bé được phép bỏ tiết học, leo lên xe người lạ. Ngay sau đó, một nhân chứng đã nhìn thấy cậu ra khỏi xe và gửi một lá thư ở góc đường, sau đó lại leo lên xe.
Chiều hôm đó, mẹ cậu bé nhận được lá thư có nội dung: "Chúng tôi giữ con trai bà, và nó sẽ không bị tổn hại gì nếu bà tuân thủ các hướng dẫn. Nếu ông bà đưa bức thư này cho các tờ báo hoặc tiết lộ bất kỳ nội dung nào trong đó, ông bà sẽ không bao giờ gặp lại cậu bé của mình nữa".
Những kẻ bắt cóc đòi 10.000 USD với các tờ mệnh giá 20, 10 và 5 USD và cảnh báo, nếu đánh dấu tiền hoặc cố gắng đặt tiền giả, ông bà Whitla sẽ "hối không kịp".
Chúng giao hẹn, nếu đồng ý với yêu cầu này, gia đình Whitla đăng một mẩu rao vặt với nội dung "Chúng tôi đồng ý làm theo yêu cầu các ngài", trên một trong 4 tờ báo chúng đề xuất, gồm Cleveland Press, Youngstown Vindicator, Indianapolis News hoặc Pittsburg Dispatch.
Vì ông Whitla khá giàu có và anh rể của ông, Frank H. Buhl, là triệu phú ngành thép, một trong những người giàu có nhất vùng, gia đình ngay lập tức làm theo chỉ dẫn.
Con ngựa và chiếc xe mà những kẻ bắt cóc sử dụng được thuê từ chuồng ngựa của Thompson, ở Nam Sharon, và được tìm thấy lúc 5 giờ chiều cùng ngày trên Phố Chợ Đông, ở Warren, Ohio. Con ngựa gần như kiệt sức.
Lo sợ con trai có thể bị sát hại nên ông yêu cầu cảnh sát không tiến hành điều tra cho đến khi cậu bé được chuộc về.
Hai ngày sau, nhà Whitla nhận được lá thư do con trai viết tay, chỉ dẫn họ cần đến Công viên Flat Iron, ở Ohio, chỉ định tuyến đường phải đi theo và gửi tiền vào địa điểm nhất định. Ông Whitla đến công viên đúng giờ nhưng không có ai xuất hiện để lấy tiền. Ông cho rằng có lẽ đây chỉ là mồi nhử để kiểm chứng nhà Whitla có thực sự báo cảnh sát.
Hai ngày sau, ông Whitla nhận được một lá thư khác, thông báo chuyển địa điểm đến Cleveland, yêu cầu đến một cửa hàng thuốc để hỏi "lá thư cho William". Đúng yêu cầu, ông Whitla tới địa điểm, nhận thư và được lá thư chỉ dẫn đến một cửa hàng bánh kẹo, giao gói tiền bọc kín cho chủ quán và nói với đó là "hóa đơn của ông Hayes".
Người phụ nữ này sau đó sẽ đưa cho ông ta một tờ giấy hướng dẫn bước đi tiếp theo. Ông Whitla lại kiên nhẫn làm theo chỉ dẫn và được bà chủ quán kẹo đưa cho lá thứ thứ ba. Bức thư này hướng dẫn ông đến khách sạn Hollenden ngay lập tức và đợi con trai mình. Nửa ngày trôi qua, vẫn không thấy con trai được mang tới, người cha gần như cuồng loạn.
20h hôm đó, hai thanh niên đang đi trên đường cách khách sạn vài dãy phố thì nhìn thấy cậu bé ngồi một mình trên chiếc ôtô nên lại gần hỏi xem giúp được gì. Cậu bé mơ màng, thất thần và hành động như bị đánh thuốc phiện, không nhớ được tên mình, nhưng nói sẽ đến gặp cha mình tại khách sạn Hollenden.
Hai thanh niên tốt bụng ngay lập tức đưa cậu bé tới đồn cảnh sát. Nhà chức trách đã đưa cậu bé đến khách sạn. Nửa giờ sau, cậu bé dáng người nhỏ thó đeo kính cận gọng xanh bước xuống xe cảnh sát, khóc thét lên khi lao qua cửa khách sạn: "Bố ơi! Bố đâu? Bố cháu đâu?". Cậu bé này chính là Billy của gia đình Whitman, cuối cùng đã trở về vòng tay gia đình sau 4 ngày xa cách.
Phải mất một lúc cậu bé mới nhận ra cha mình. Sau khi đầu óc tỉnh táo, cậu nói đã bị giam giữ bởi "vợ chồng nhà Jones". Cậu kể, hôm đón cậu ở trường, ông Jones dọa đang có một đợt bùng phát dịch đậu mùa và cảnh sát đang nhốt trẻ em trong nhà cách ly. Do đó, cha cậu cử ông ta đến đưa cậu đi lánh tạm một thời gian.
Billy kể đây là người đàn ông có ria mép, vợ ông mặc đồ y tá. Cậu nhớ đường đi chi tiết và không lâu sau đã dẫn cha và các sĩ quan cảnh sát đến thẳng nhà "ông bà Jones". Nhưng khi họ đến, căn phòng trống rỗng.
Vài giờ sau, một nhân viên pha chế gọi cảnh sát, nói một cặp đôi đã tiêu đến 30 USD vào đồ uống, số tiền rất lớn khi đó. Họ vẫn đang uống rượu ở quán cả buổi chiều, thanh toán mọi thứ bằng những tờ 5 USD mới cứng. Các thám tử lập tức có mặt và chặn cặp đôi này ngay khi bước ra khỏi quán.
Họ là James và Helen Boyle, khẳng định không biết bất cứ điều gì về vụ bắt cóc. Nhưng Billy chỉ cần đến thăm nhà tù để chứng minh rằng họ đang nói dối. Giữa nhiều nghi can đứng xếp hàng lẫn lộn, cậu bé Billy chỉ mất chưa đến nửa phút để chỉ đích xác vợ chồng James và Helen. "Đây chính là bác vợ chồng Jones", cậu kêu lên thích thú, vẫn chưa biết rằng mình thực sự đã bị bắt cóc.
Cậu cho biết không bị ngược đãi, được cho ăn và chăm sóc chu đáo. Cậu nói, trong khoảng thời gian ở nhà Jones, họ luôn yêu cầu cậu trốn dưới bồn rửa mặt bất cứ khi nào có ai gõ cửa, vì đó có thể là bác sĩ, người sẽ đưa cậu đến viện điều trị dịch hạch nếu nhìn thấy. Cậu bé nói vô cùng thích thú khi đã "đánh lừa được bác sĩ" rất nhiều lần.
Người phụ nữ chủ quán kẹo cũng xác nhận cặp đôi này chính là người nhờ bà đưa thư cho ông Whitla, và quay lại sau đó để lấy "gói hóa đơn", thực chất là gói tiền 10.000 USD. Cả hai kẻ bắt cóc đều có tiền án, chủ yếu là giả mạo và trộm cắp.
Helen, 21 tuổi, cô gái tóc đỏ quyến rũ, từng hy vọng trở thành ca sĩ và diễn viên. Nhưng màn trình diễn hay nhất của cô ấy lại ở ngoài sân khấu. Giả làm người giúp việc, Helen thường tìm việc làm trong nhà của những gia đình giàu có và kiếm bộn bằng đồ trang sức ăn cắp của họ.
Tại phiên tòa ngày 11/5, James được xác định là chủ mưu, lãnh án tù chung thân và Helen là đồng phạm, bị phạt 25 năm tù. Cô được ân xá vào năm 1919. James chết năm 1920 do bệnh phổi, khi vẫn đang thụ án tù.
Hải Thư (Theo NYDaily news, NYT, Historical Crime Detective)