Ngày 24-10, Tòa án nhân dân quận 5 (TP.HCM) xét xử vụ "yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe" giữa nguyên đơn là bà Dương Ngọc Hường (70 tuổi, ngụ Bình Dương) và bị đơn là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Đây là phiên tòa lần 2 (phiên tòa ngày 26-9 hoãn) xét xử vụ án sau gần 8 năm thụ lý.
Yêu cầu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương bồi thường hơn 1,2 tỉ đồng
Theo nội dung khởi kiện, tháng 8-2013, bà Hường bị đau chân nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương để khám. Kết quả khám và chụp X-quang cho thấy bà bị thoái hóa khớp, có gai xương và được bác sĩ điều trị kê toa cho uống thuốc.
Nửa năm sau, do khớp gối vẫn bị sưng nên bà Hường đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám, chụp MRI. Kết quả bà bị bệnh giống lúc khám tại Bình Dương.
Bác sĩ tư vấn cho bà nhập viện vào khoa cơ xương khớp. Phương pháp điều trị là tiêm chất nhờn để bôi trơn khớp gối. Một mũi có giá 1,2 triệu đồng và tiêm 5 mũi liên tục trong năm tuần.
Theo bà Hường, sau khi tiêm mũi đầu tiên khoảng 30 phút thì bà không đi được nên phải nằm viện theo dõi. Bà được chuyển sang khoa chấn thương chỉnh hình để chụp MRI kỹ thuật cao.
Sau đó, bà Hường làm thủ tục xuất viện ở khoa cơ xương khớp và làm thủ tục nhập viện vào khoa chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Sau khi chụp MRI, bà Hường được thông báo bị thoái hóa khớp, có gai, sụn bị rách và bác sĩ khuyên bà phẫu thuật nội soi cắt lọc, khoan xương kích thích tủy xương dưới sụn.
Ngày 27-2-2014, ca phẫu thuật được tiến hành nhưng 5 tuần sau phẫu thuật, bà Hường không đi lại được. Bà nhiều lần phản ảnh đến bác sĩ điều trị và lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Tháng 11-2014, bà đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM thay khớp chân phải để có thể đi lại. Hiện bà Hường đi yếu, bị hạn chế vận động.
Tại tòa, bà Hường cho rằng thương tật của bà là do sai sót của bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương gây ra nên yêu cầu bệnh viện này phải có trách nhiệm bồi thường hơn 1,2 tỉ đồng gồm các khoản: chi phí điều trị, thuốc men tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; thu nhập bị mất; thuê người chăm sóc; chi phí thay khớp tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình; trợ cấp thương tật cả đời…
Bà Hường còn cho rằng biên bản hội chẩn trước phẫu thuật của bà (thời gian lập biên bản trước thời gian nhập viện) và những tài liệu mà bệnh viện cung cấp cho hội đồng chuyên môn Bộ Y tế là ngụy tạo.
Đại diện ủy quyền của bị đơn cho rằng bệnh của bà Hường được điều trị theo các bước, hội đồng chuyên môn của bệnh viện, Sở Y tế, Bộ Y tế đều có chung kết luận quá trình khám, chẩn đoán, điều trị đúng quy trình. Đây không phải là tai biến điều trị nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Hường cho rằng bệnh viện cần nghiêm túc xem xét lại trách nhiệm của mình, thiện chí hòa giải và bù đắp một phần cho bà Hường vốn đã lớn tuổi, thiệt hại sức khỏe nhưng phải theo đuổi vụ kiện gần 8 năm.
Theo luật sư, hội đồng chuyên môn tổ chức họp nhưng không mời người khiếu nại là sai Luật Khám chữa bệnh. Việc bác sĩ không tư vấn rõ như kết luận của hội đồng chuyên môn nêu là xâm phạm quyền của người bệnh trong việc được hiểu và lựa chọn phương pháp điều trị.
"Điều trị đúng quy trình nhưng bác sĩ chưa tư vấn rõ"
Trình bày quan điểm giải quyết vụ án, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân quận 5 cho rằng hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP.HCM đã họp xem xét và kết luận: "Về chuyên môn đã chỉ định khám, chẩn đoán và điều trị đúng, đúng quy trình. Đây không phải là tai biến điều trị.
Thiếu sót: Bác sĩ phẫu thuật chưa tư vấn rõ ràng, đầy đủ cho bệnh nhân và người nhà về diễn biến tự nhiên của bệnh thoái hóa khớp gối, hiệu quả của phương pháp điều trị này", kết luận nêu.
Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế cũng đã xem xét lại quá trình điều trị cho bà Hường và kết luận tương tự với kết luận của Sở Y tế.
Theo quy định, kết luận của hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập là kết luận cuối cùng để xác định có hay không việc sai sót chuyên môn.
Theo viện kiểm sát, bà Hường cho rằng các tài liệu chứng cứ bị ngụy tạo, tuy nhiên bà không chứng minh được nên không có cơ sở xem xét.
Viện kiểm sát cho rằng bệnh viện đã làm đúng quy trình khám chữa bệnh nên đề nghị hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Kết thúc tranh luận, hội đồng xét xử thông báo nghị án và sẽ tuyên vào ngày 26-10.