Cõi Người Ta
Từ trong bệnh viện, suy tư về cái chết
Ở trong bệnh viện hằng trăm tiếng đồng hồ suốt hai năm qua để chăm sóc vợ bị ung thư, Mike Keller chia sẻ những suy nghĩ của ông về chuyện chết của chúng ta.
Vợ tôi mắc phải một căn bệnh ung thư quái ác cách đây hai năm và vẫn còn đang nằm điều trị tại Trung tâm Điều trị ung thư MD Anderson ở thành phố Houston, bang Texas. Tôi đã ở bên cạnh vợ tôi hàng trăm tiếng đồng hồ trong bệnh viện này. Sau cùng, dù muốn dù không tôi bắt đầu nhìn thấy một cách rõ ràng một số sự thật về chuyện chết của chúng ta.
Thái độ của con người trong bệnh viện này rất khác thường. Chúng ta không thể thấy bất kỳ một sự đụng chạm hay xích mích nào vào bất kỳ một thời điểm nào giữa các bệnh nhân, những người chăm sóc họ và các nhân viên bệnh viện. Người ta rất lịch sự và rất quan tâm đến nhau. Đã hai năm nay, tôi chưa từng bao giờ nghe một giọng nói giận dữ nào bên trong bệnh viện này. Giữa những phòng chờ của bệnh viện ở nơi nào khác, ta có thể thấy không khí buồn rầu, ủ rũ, không ai buồn nói chuyện với ai, nhưng ở đây thì khác, bệnh nhân và những người chăm sóc họ nói chuyện với nhau đầy vẻ quan tâm và lo lắng, lắng nghe chuyện bệnh hoạn của nhau, vui vẻ tránh ra nhường chỗ cho người khác đang ngồi trong những chiếc xe lăn kềnh càng, khen nhau có áo quần đẹp, và nói chung là đối xử với nhau bằng lòng thương yêu, mối quan tâm, và sự quý trọng.
Khi tôi đã cảm nhận được thái độ rất đặc biệt của mọi người bên trong bệnh viện này thì tôi có thể dễ dàng tìm ra lý do tại sao người ta lại đối xử với nhau tốt như vậy. Những người ở trong bệnh viện này ý thức được một điều về chính họ và về những người chung quanh họ mà bình thường chúng ta không ý thức được. Ung thư là bệnh nan y; chữa trị không được thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ ra đi. Trong bệnh viện chuyên điều trị ung thư này, mọi người đều nhận thức rõ rằng họ và những người khác rồi cũng sẽ chết. Không ai sống mãi được.Theo tôi, chính nhận thức đó về tử nghiệp chung của chúng ta đã khiến cho những người trong bệnh viện quý trọng, quan tâm và thương yêu nhau.
Một thời gian sau, tôi có thêm một nhận thức khác liên quan đến nhận thức trên đây. Một hôm, khi tôi đang đi vào quán ăn của bệnh viện, tôi để ý nhìn một người đàn ông, có vẻ như là một người nuôi bệnh khỏe mạnh; bỗng một ý nghĩ về người đàn ông này nảy sinh trong đầu tôi, “Người này rồi cũng ra đi”. Ý tôi muốn nói anh ta rồi cũng sẽ chết. Đối với tôi, nhận thức này là một bất ngờ làm cho tôi sửng sốt. Đơn giản là vì trước đây tôi chưa bao giờ nhìn một con người khỏe mạnh với một cách nhìn như thế. Đi vào sâu hơn trong quán ăn, tôi nhìn nhiều người giữa hàng chục người trong đó, và ý nghĩ mới này về từng người tôi nhìn thấy lại nảy sinh trong đầu tôi:
Anh này hay chị này rồi cũng sẽ ra đi. Ý thức rằng một người khác, dù đang ở trong hoàn cảnh nào đi nữa, rồi cũng sẽ chết, là một ý thức sâu sắc. Về một mặt nào đó ý thức này có vẻ sâu sắc hơn ý thức mà tôi nghĩ những người trong bệnh viện có được. Hình như là ý thức về tử nghiệp chung của chúng ta là một chuyện và ý thức một cách rõ ràng về cái chết sẽ đến của một cá nhân cụ thể mà mình gặp lại là một chuyện khác.
Dù sao đi nữa, ý thức về chuyện chết trong tương lai của từng con người cụ thể cũng bắt tôi phải suy nghĩ về chuyện sẽ chết của bản thân tôi và dĩ nhiên là của vợ tôi nữa. Tôi cảm thấy rất buồn. Tôi thích sống và người vợ hoạt bát nhanh nhảu của tôi cũng vậy. Đối với tôi, phải rời bỏ cuộc sống này là một điều rất đáng tiếc. Nhưng khi nghĩ rằng chuyện chết là một phần đương nhiên của đời sống thì tôi cũng cảm thấy được an ủi phần nào. Bất cứ chúng sinh nào cũng phải chết, cho dù đó là con người, con sóc, cái cây, con nhện hay con chim. Thật ra hai từ “sống” và “chết” khiến người ta hiểu lầm. “Sống” không phải là một tiến trình kết thúc bằng một tiến trình khác gọi là “chết”. “Sống” đơn giản là một tiến trình duy nhất và tiến trình này bao gồm “chết”. Chúng ta nên quan niệm sống-chết là một tiến trình mà thôi; và nếu chúng ta có được một từ duy nhất để chỉ tiến trình này thì mọi chuyện dễ hiểu hơn nhiều. Chúng ta có thể thử cấu tạo một từ đơn bằng những từ có gốc La-tinh, chẳng hạn như “vivamor” được ghép từ “vivere” có nghĩa là “sinh” và “mori” có nghĩa là “tử” trong ngôn ngữ La-tinh. Bây giờ chúng ta có thể nói rằng mỗi chúng sinh đều đang trải qua “vivamor”, một tiến trình “sinh-tử”, chỉ một tiến trình thôi.
Xin cầu cho mọi chúng sinh có được một “vivamor” (cuộc sinh-tử) hạnh phúc.
Mike Keller là giảng viên tiếng Anh bậc đại học đã nghỉ hưu. Ông tham gia Trung tâm Thiền Houston đã tám năm qua, tham dự các khóa thiền và giảng dạy. Tổng cộng ông đã tu học được 34 năm. Ông cũng là tác giả của bài báo “Henry David Thoreau: A transpersonal view,” đăng trên Journal of Transpersonal Psychology, số mùa xuân 1977. Ông hiện đang sống với vợ ở Houston, Texas.
Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Nguyễn Văn Nghệ
Phung Tran chuyển
Bàn ra tán vào (0)
Từ trong bệnh viện, suy tư về cái chết
Ở trong bệnh viện hằng trăm tiếng đồng hồ suốt hai năm qua để chăm sóc vợ bị ung thư, Mike Keller chia sẻ những suy nghĩ của ông về chuyện chết của chúng ta.
Vợ tôi mắc phải một căn bệnh ung thư quái ác cách đây hai năm và vẫn còn đang nằm điều trị tại Trung tâm Điều trị ung thư MD Anderson ở thành phố Houston, bang Texas. Tôi đã ở bên cạnh vợ tôi hàng trăm tiếng đồng hồ trong bệnh viện này. Sau cùng, dù muốn dù không tôi bắt đầu nhìn thấy một cách rõ ràng một số sự thật về chuyện chết của chúng ta.
Thái độ của con người trong bệnh viện này rất khác thường. Chúng ta không thể thấy bất kỳ một sự đụng chạm hay xích mích nào vào bất kỳ một thời điểm nào giữa các bệnh nhân, những người chăm sóc họ và các nhân viên bệnh viện. Người ta rất lịch sự và rất quan tâm đến nhau. Đã hai năm nay, tôi chưa từng bao giờ nghe một giọng nói giận dữ nào bên trong bệnh viện này. Giữa những phòng chờ của bệnh viện ở nơi nào khác, ta có thể thấy không khí buồn rầu, ủ rũ, không ai buồn nói chuyện với ai, nhưng ở đây thì khác, bệnh nhân và những người chăm sóc họ nói chuyện với nhau đầy vẻ quan tâm và lo lắng, lắng nghe chuyện bệnh hoạn của nhau, vui vẻ tránh ra nhường chỗ cho người khác đang ngồi trong những chiếc xe lăn kềnh càng, khen nhau có áo quần đẹp, và nói chung là đối xử với nhau bằng lòng thương yêu, mối quan tâm, và sự quý trọng.
Khi tôi đã cảm nhận được thái độ rất đặc biệt của mọi người bên trong bệnh viện này thì tôi có thể dễ dàng tìm ra lý do tại sao người ta lại đối xử với nhau tốt như vậy. Những người ở trong bệnh viện này ý thức được một điều về chính họ và về những người chung quanh họ mà bình thường chúng ta không ý thức được. Ung thư là bệnh nan y; chữa trị không được thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ ra đi. Trong bệnh viện chuyên điều trị ung thư này, mọi người đều nhận thức rõ rằng họ và những người khác rồi cũng sẽ chết. Không ai sống mãi được.Theo tôi, chính nhận thức đó về tử nghiệp chung của chúng ta đã khiến cho những người trong bệnh viện quý trọng, quan tâm và thương yêu nhau.
Một thời gian sau, tôi có thêm một nhận thức khác liên quan đến nhận thức trên đây. Một hôm, khi tôi đang đi vào quán ăn của bệnh viện, tôi để ý nhìn một người đàn ông, có vẻ như là một người nuôi bệnh khỏe mạnh; bỗng một ý nghĩ về người đàn ông này nảy sinh trong đầu tôi, “Người này rồi cũng ra đi”. Ý tôi muốn nói anh ta rồi cũng sẽ chết. Đối với tôi, nhận thức này là một bất ngờ làm cho tôi sửng sốt. Đơn giản là vì trước đây tôi chưa bao giờ nhìn một con người khỏe mạnh với một cách nhìn như thế. Đi vào sâu hơn trong quán ăn, tôi nhìn nhiều người giữa hàng chục người trong đó, và ý nghĩ mới này về từng người tôi nhìn thấy lại nảy sinh trong đầu tôi:
Anh này hay chị này rồi cũng sẽ ra đi. Ý thức rằng một người khác, dù đang ở trong hoàn cảnh nào đi nữa, rồi cũng sẽ chết, là một ý thức sâu sắc. Về một mặt nào đó ý thức này có vẻ sâu sắc hơn ý thức mà tôi nghĩ những người trong bệnh viện có được. Hình như là ý thức về tử nghiệp chung của chúng ta là một chuyện và ý thức một cách rõ ràng về cái chết sẽ đến của một cá nhân cụ thể mà mình gặp lại là một chuyện khác.
Dù sao đi nữa, ý thức về chuyện chết trong tương lai của từng con người cụ thể cũng bắt tôi phải suy nghĩ về chuyện sẽ chết của bản thân tôi và dĩ nhiên là của vợ tôi nữa. Tôi cảm thấy rất buồn. Tôi thích sống và người vợ hoạt bát nhanh nhảu của tôi cũng vậy. Đối với tôi, phải rời bỏ cuộc sống này là một điều rất đáng tiếc. Nhưng khi nghĩ rằng chuyện chết là một phần đương nhiên của đời sống thì tôi cũng cảm thấy được an ủi phần nào. Bất cứ chúng sinh nào cũng phải chết, cho dù đó là con người, con sóc, cái cây, con nhện hay con chim. Thật ra hai từ “sống” và “chết” khiến người ta hiểu lầm. “Sống” không phải là một tiến trình kết thúc bằng một tiến trình khác gọi là “chết”. “Sống” đơn giản là một tiến trình duy nhất và tiến trình này bao gồm “chết”. Chúng ta nên quan niệm sống-chết là một tiến trình mà thôi; và nếu chúng ta có được một từ duy nhất để chỉ tiến trình này thì mọi chuyện dễ hiểu hơn nhiều. Chúng ta có thể thử cấu tạo một từ đơn bằng những từ có gốc La-tinh, chẳng hạn như “vivamor” được ghép từ “vivere” có nghĩa là “sinh” và “mori” có nghĩa là “tử” trong ngôn ngữ La-tinh. Bây giờ chúng ta có thể nói rằng mỗi chúng sinh đều đang trải qua “vivamor”, một tiến trình “sinh-tử”, chỉ một tiến trình thôi.
Xin cầu cho mọi chúng sinh có được một “vivamor” (cuộc sinh-tử) hạnh phúc.
Mike Keller là giảng viên tiếng Anh bậc đại học đã nghỉ hưu. Ông tham gia Trung tâm Thiền Houston đã tám năm qua, tham dự các khóa thiền và giảng dạy. Tổng cộng ông đã tu học được 34 năm. Ông cũng là tác giả của bài báo “Henry David Thoreau: A transpersonal view,” đăng trên Journal of Transpersonal Psychology, số mùa xuân 1977. Ông hiện đang sống với vợ ở Houston, Texas.
Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Nguyễn Văn Nghệ
Phung Tran chuyển