Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao tiêu chuẩn về người phụ nữ hấp dẫn của tôi lại có thể thay đổi theo năm tháng như vậy.
Sớm gia nhập “băng nhóm” trẻ em đường phố, có một câu hỏi cứ ám ảnh tôi suốt: Mình có quê không và quê mình ở đâu ?
Mang thắc mắc này về hỏi bố tôi thì được ông trả lời:
- Trước 5 đời thì bố không rõ, nhưng theo những gì bố biết từ ông bà thì quê mình loanh quanh đâu đó ở phố Hàng Đồng, Hanoi.
Mẹ tôi có khả quan hơn chút:
- Bà ngoại quê ở trên Bưởi đấy.
Thì ra tôi là một thằng có cái “Quê” rất nhà quê: Hà Nội !
Năm 1964, chiến tranh đã lan ra miền Bắc. Lũ bạn cùng băng nhóm lục đục xếp sách vở, quần áo theo cha mẹ chúng về quê sơ tán. Cả nhà tôi lúc bấy giờ mới nhận ra sự thiệt thòi lớn của dân Hanoi. Lục tìm trong những quan hệ xa xưa, ông nội tôi nhớ ra và liên lạc được với một vùng đã từng cho gia đình chúng tôi tản cư hồi đánh nhau với Nhật , một vùng quê cách Hanoi 20 km về phía Nam, dọc theo quốc lộ 1 – có cái tên là Làng Vồi (thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây). Họ đồng ý đón nhận gia đình tôi.
Tháng 9/1964, chúng tôi khăn gói quả mướp về “quê”.
Trường cấp 1 Đinh Tiên Hoàng của xã Hồng Phong nằm trong khuôn viên nhà thờ. Giáo xứ đã nhường một dãy nhà ngang phía trước gồm khoảng 10 phòng cho trường làm lớp học. Lớp tôi nằm ở đầu dãy, sát bên cạnh một kho lương thực của Hợp Tác Xã.
Môi trường mới, bạn mới, cái gì cũng thật mới mẻ và có bao nhiêu điều thú vị đáng để khám phá. Sáng đi học, chiều về ra đồng chăn trâu, cắt cỏ, câu cá và ăn trộm ngô, lúa non, cà chua, mía…, mùa nào thức ấy, rất phong phú. Thường Tín là vùng chuyên canh hoa màu.
Tại đây, bên cạnh những thằng bạn nông thôn, như những người Thầy đúng nghĩa đã dạy chúng tôi học được kinh nghiệm để sinh tồn với thiên nhiên, được tiếp xúc với những người nông dân hiền lành tốt bụng cùng một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú. Và rồi cũng chính nơi đây, một thằng bé con lớp ba, bé “nứt mắt” như bà bác tôi hay gọi đã biết để ý và mê … gái.
Cô ấy tên là Xuyến, học lớp năm, sát cạnh lớp tôi.
Hầm chữ A. Ảnh: tác giả cung cấp.
Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao tiêu chuẩn về người phụ nữ hấp dẫn của tôi lại có thể thay đổi theo năm tháng như vậy.
Là con gái nên dù mới học lớp năm, Xuyến đã có một thân hình nảy nở quyến rũ dù bị giấu kỹ trong bộ quần áo xám xịt, rộng thùng thình của những cô gái nhà lành, ngoan hiền thời bấy giờ. Nhưng ấn tượng nhất từ cô ấy lại là khuôn mặt.
Y hệt khuôn mặt của một con Ếch (các cụ đừng có nhầm là “X” nhé).
Dưới làn da trắng xanh, chắc là do thiếu thịt, sữa, trứng… là đôi mắt to đen nhánh. Cái mũi tí xíu được đặt ngay ngắn phía trên cái miệng rộng có lẽ gần đụng mang tai. Khuôn mặt của con Ếch kia trở nên duyên dáng đặc biệt mỗi khi nó lúc lắc qua hai bên bởi sự phụ họa nhiệt tình của hai bím tóc dầy, được tết khéo léo thành những cái đuôi Sam bằng sợi dây vải hôm thì màu đỏ ớt, hôm lại màu xanh nõn chuối.
Mê tít thò lò nhưng tận hưởng nó thế nào thì tôi lại không biết cách. Tỏ tình thì không dám rồi, vả lại một thằng nhóc con lớp ba dù có can đảm đến mấy cũng không đủ ngôn từ bay bướm để bày tỏ cùng một cô gái lớn hơn mình những 2 tuổi. Thế là lúc nào tôi cũng chỉ mong đến giờ ra chơi để chạy sang ngắm cái đuôi Sam lủng lẳng trên khuôn mặt ngồ ngộ, dễ thương kia một phát.
Mùa đông, cái bụng sôi òng ọc vì đói giúp chúng tôi phát hiện ra mùi thơm của một loại hạt mới thu hoạch bay sang từ cái kho bên cạnh. Mấy đứa con trai công kênh nhau lên và sau những nỗ lực đáng kể, chúng tôi chui được qua cửa sổ vào cái kho đen ngòm, ấm áp và thơm nức ấy.
Xếp cao quá đầu người là những chồng bao tải to. Giật đứt sợi dây buộc miệng bao, một dòng những hạt tròn tròn màu trắng ngà đều tăm tắp chảy ra như suối: Đậu Tương.
Chính thời điểm này, tôi hiểu được ý nghĩa câu người lớn hay nói: “Chuột sa chĩnh gạo”. Chúng tôi chính là những con chuột đói sa chĩnh đậu.
Ngày ba bận đều đặn, chúng tôi tận hưởng niềm vui vô bờ ấy. Đậu tương rang trên bếp lửa rơm, thơm lừng.
Khi no bụng, chúng tôi trở thành những người tốt ngay mà chẳng cần đến những bài học luân lý về sự chia sẻ, yêu thương đồng loại: chúng tôi hào phóng phân phát cho cả lớp, cả trường. Riêng tôi lúc nào cũng giấu đi cho Xuyến của mình thêm một nắm đậu loại thơm nhất, tất nhiên.
Những ngày đầu mùa hè là những ngày chán ngắt vì không được nhìn thấy nàng Ếch với mái tóc đuôi Sam. Lúc này tôi đã đủ thời gian khám phá xung quanh. Cuối cái ngõ chúng tôi ở có một gia đình rất ồn ào, gia đình bà Hồng “Nghịt”.
Không biết cái tên “Nghịt” có từ bao giờ và lý do là gì, chỉ biết khi tôi về sơ tán đã nghe dân làng gọi bà ấy như vậy. Chồng bà là ông Đông, một người nông dân chăm chỉ, kín tiếng. Chẳng hiểu ông có câm không nhưng cả năm chả ai thấy ông mở mồm.
Bà Hồng thì trái lại, bà mà ở nhà thì cả xóm phải nghe chuyện của bà. Bà vui thì những người yếu bóng vía sau khi giật mình vì tiếng bà cười đều phải đóng kín cửa vì tiếng cười rất ma quái. Khi bà giận còn kinh khủng hơn vì bà mang chồng và 2 cô con gái ra tế sống.
Tôi đoán gia đình ông bà rất hạnh phúc, bằng chứng là ông bà có 2 cô con gái đều đến tuổi cập kê, ngoan và xinh như mộng. Cô chị tên là Thơm, em là Ngát. Nghe tụi bạn hay đọc có vần điệu câu này: “Bà Hồng Nghịt, đánh rắm xịt ra thơm ngát” không biết rắm xịt của bà có thơm thật hay không…
Mấy ông cụ tinh nghịch trong xóm gọi chúng tôi đến và thì thầm dạy chúng tôi câu hát, dựa trên một bài gì đấy mà tôi không rõ, hình như bài “Cái trống cơm” hay là bài “Này bà lý toét ơi” thì phải:
“Bà Hồng lấy ông Đông,
Đêm đông đắp chăn hồng.
Ông rét ông nằm co ro, dái to ông thò ra ngoài.
Bà Hồng tưởng là củ khoai đớp luôn cái B… ông Đông.
………….
Bà Hồng là lả là la…lá la la là la la… “
Cả mùa hè mỗi khi đi chăn trâu hay đơm cá về, dù vui hay buồn, sớm hay khuya, khi đi qua nhà bà là chúng tôi lại đồng thanh hát to bài “Gia đình ca” để ngợi khen gia đình bà Hồng rồi ba chân bốn cẳng chạy đi tìm chỗ núp, khoái chí lắng nghe bà chửi.
Một hôm nghe ông chủ nhiệm HTX lên “loa phường” thông báo: “cái Thơm con bà Hồng bị chó cắn”. Những ngày tiếp theo tôi vẫn thấy cô Thơm đi làm đồng đều đặn cho đến một buổi chiều sau đấy khoảng 1 tháng.
Đi chơi về, tôi có cái thú toàn đi chân đất ra đường cho nên mỗi khi về đều phải ngồi ngoài sân chờ bà bác xách thau nước rửa chân cho sạch mới được vào nhà. Bê chậu nước đến, bao giờ tôi cũng nghe bác tôi cằn nhằn đúng một câu: “Đi chơi những đâu mà cái chưn cứ mốc thông thế này” !
Đang ngồi lim dim sung sướng ngâm cái “chưn mốc thông” trong chậu nước giếng mát lạnh, tôi bỗng giật nảy mình khi nghe tiếng gào thét của bà Hồng. Bà khóc lóc thảm thiết, bà kêu giời kêu đất, kêu tổ tiên kêu ma quỷ, chỉ không thấy bà kêu đảng và chính phủ thôi. Khi nghe bà nhắc đến cô Thơm thì tôi chợt hiểu ra. Cô Thơm đang lên cơn dại, giãy đành đạch, sùi bọt mép rồi !
Thế là nhanh hơn tất cả, tôi rút vội cái chân còn lấm lem bùn đất khỏi thau nước rồi phóng ra cổng.
Bé đi sơ tán. Ảnh: tác giả cung cấp.
Chúng tôi sơ tán tại nhà bà Giáo Tìm, có lẽ cũng là con địa chủ còn may mắn sống sót sau “cải cách ruộng đất” cho nên bà được ở trong một ngôi nhà rộng rãi, có ao cá, vườn rau, sân phơi và cánh cổng to tướng bằng gỗ. Mở cánh cổng gỗ nặng trịch ra là một cái bệ cửa cũng bằng gỗ, cao chừng 30cm, phía ngoài có một bậc thang làm bằng phiến đá xanh lớn.
Bị tiếng gào khóc của bà Hồng mê hoặc, tôi chạy thật nhanh ra đường mà chẳng hề nhớ đến cái bậu cửa cùng viên đá lớn đã từng bước qua có đến hàng trăm lần.
Uỵch, chát ! Chân tôi vấp phải cái bậu cửa, cả thân hình còi cọc đổ nhào về phía trước. Chừng một giây sau tôi đã lại đứng lên và tiếp tục chạy thật nhanh để không bỏ lỡ cơ hội chứng kiến sự kiện trọng đại đang diễn ra ở cuối ngõ.
Sau khi được các thầy lang đắp và cho thuốc, cô Thơm đã ngừng mê sảng và bọt mép cô cũng ngưng chảy. Chả biết sau này cô có được đền bù tai nạn chó dại cắn bằng khả năng ngoại ngữ hay ngoại cảm không nhưng nhờ các thầy lang trong xóm, chỉ bằng những bài thuốc dân gian và phúc tổ bẩy mươi đời nhà bà Hồng đã cứu cô khỏi nanh vuốt Tử Thần. Một kết cục có hậu.
Khi còn đang nấn ná chưa muốn về, bỗng thấy một bàn tay giật mạnh vào vai tôi và một giọng khe khẽ nhưng đanh thép của bà bác rít bên tai: Về nhà ngay !
Đang ngồi tiếp tục rửa chân và huyên thuyên kể những điều mình vừa chứng kiến với mọi người, bỗng tôi thấy bác tôi biến sắc, vạch môi tôi ra và thất thanh:
- Răng của cháu đâu rồi ?
Cả nhà đổ xô ra cổng rồi ngay lập tức phát hiện ra 2 mẩu răng cửa của tôi vẫn nằm yên tại hiện trường: trên tảng đá.
Cuối tuần, bố mẹ tôi đạp xe từ Hanoi về thăm. Chuyện đầu tiên bố tôi được nghe là “thành tích” của thằng con: Chạy đi xem bà Hồng Nghịt khóc, ngã gãy hai cái răng cửa nhưng tài nhất là nó không hề rách môi.
Lần này thì đến lượt bố tôi mặt xanh lè.
Cánh đồng làng. Ảnh: tác giả cung cấp
Buổi chiều hôm đó, tôi được cụ chổng mông đèo bằng xe đạp về Hanoi. Sáng hôm sau cụ đưa tôi đi cấp cứu tại phòng răng bệnh viện Việt Đức.
Bác Sỹ Phan Thế Vấn, lúc bấy giờ chưa bị nhà nước bỏ tù cho ngồi đếm kiến vì tham gia nhóm “xét lại, nhân văn giai phẩm” là người khám và chữa răng cho tôi. Nghe ông nói với bố tôi rằng: “May mà anh mang cháu về kịp chứ để đến khi tủy thối thì phải nhổ luôn cả cái chân răng của nó”.
Suốt cả mùa hè năm ấy tôi ở Hanoi để xử lý cái ống tủy và làm 2 cái răng giả bằng nhựa phục vụ cho việc cắn xé thịt các loại sau này.
Khả năng cắn xé của tôi có giảm đi chút ít nhưng bù lại, tôi mọc răng khôn (răng hàm số 8) sớm hơn bọn bạn cùng lứa. Khả năng nghiền, cái khả năng sống còn dùng cho việc nhai Bo bo sau này của tôi sớm hoàn thiện. Thì ra chẳng có cái gì mất không !
Xang Hứng. 30-11-2013