AP dẫn nguồn từ bản tin của thông tấn xã Bắc Triều Tiên đưa tin hôm nay 12/5, Bình Nhưỡng trong một động thái hiếm hoi đã gửi một bức thư tới Hạ viện Mỹ, bày tỏ sự phản đối dự luật trừng phạt khắt khe mới mà Hạ viện Mỹ vừa thông qua cách đây một tuần.
Bản tin của KCNA nói rằng Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nhân dân Tối cao Bắc Hàn lên án chế tài của Hạ viện Mỹ là “một hành động tàn ác chống nhân loại“.
AP nhận định việc Bình Nhưỡng lên án các động thái trừng phạt của Washington là không hiếm nhưng ít khi họ gửi thư trực tiếp tới quốc hội Mỹ.
Hiện Washington chưa có phản ứng gì về việc đã nhận được thư hay chưa, cũng chưa rõ lá thư được chuyển như thế nào vì hai quốc gia không đặt quan hệ ngoại giao và cũng không có kênh liên lạc chính thức.
KCNA cho hay lá thư được giử đi hôm nay, thứ Sáu 12/5. Tuần trước, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Dự luật này nhắm vào các công ty vận tải và việc xuất khẩu lao động làm nguồn thu ngoại tệ mà Washington lên án là chế độ “nô lệ lao động”. Dự luật cũng yêu cầu Nhà Trắng báo cáo với Quốc hội trong vòng 90 ngày rằng họ có liệt Bắc Triều Tiên vào danh sách nhà nước tài trợ khủng bố hay không.
Dự luật nhận được sự ủng hộ của nghị sĩ cả hai đảng nhắm tới việc ngăn chặn nguồn ngoại tệ mà chế độ Bình Nhưỡng cần để mua nguyên liệu theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, một vấn đề mà chính quyền Mỹ coi là đe dọa an ninh hàng đầu ở châu Á.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dâng cao trong nhiều tháng qua và chưa có dấu hiệu xuống thang. Chính quyền Mỹ yêu cầu Bình Nhưỡng phải từ bỏ hạt nhân thì mới đàm phán, còn Bắc Hàn liên tục khảng định chương trình vũ khí là “sinh mạng” của họ.
Tuy nhiên, việc nhắc đến Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trong bản tin KCNA là một điểm đáng chú ý.
Tổ chức này bị cha của Kim Jong Un giải tán vào năm 1998 và mới được Kim Jong Un khôi phục vào tháng trước, trong bối cảnh các sự kiện tại Triều Tiên khiến cho chiến tranh Mỹ – Triều có khả năng xảy ra rất cao. Theo các chuyên gia Hàn Quốc, động thái dựng lại Ủy ban Đối ngoại chứng tỏ Kim Jong Un muốn tạo một “cửa sổ” để liên lạc với thế giới bên ngoài, nhất là với Washington và Seoul.
Một động thái khác chứng minh Bắc Hàn cũng lo ngại chiến tranh với Mỹ là việc họ gửi thư “cầu cứu” tới ASEAN, thúc giục hiệp hội hàng xóm này đứng về phía mình, ngăn chặn một cuộc chiến hạt nhân do Washington bức bách mà nổ ra.
Chính quyền Mỹ có các động thái quân sự cũng như tuyên bố răn đe rằng vụ thử hạt nhân tiếp theo sẽ là lằn ranh đỏ khiến Mỹ buộc phải sử dụng vũ lực để giải quyết mối đe dọa an ninh từ Triều Tiên.
Các nhà phân tích cho hay, ít nhất trong vòng 5 năm nữa Bắc Triều Tiên chưa đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để đưa lên tên lửa hành trình có khả năng đe dọa lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc nhấn mạnh Bắc Hàn đã có tiến triển vượt bậc trong công nghệ hạt nhân những năm gần đây và yêu cầu chính phủ Mỹ phải vô cùng thận trọng.
Đức Trí