Source: Inside Fidel Castro’s luxurious life on his secret island getaway by Juan Reinaldo Sanchez for New York Post (May 10, 2015)
Translated to Vietnamese by Thông Reo
Trích từ sách “Cuộc sống hai mặt của Fidel Castro: 17 năm của tôi làm cận vệ riêng cho Lãnh tụ Tối cao” của Juan Reinaldo Sanchez với Axel Gylden.
Hơn 17 năm, Juan Reinaldo Sanchez là cận vệ của Fidel Castro. Nhưng khi anh ta vỡ mộng vì thói đạo đức giả của nhà độc tài và tìm cách về hưu năm 1994, Castro tống anh vào tù. Sanchez đã cố đào thoát khỏi đảo quốc Cuba mười lần, cuối cùng thì anh đã đến được Hoa Kỳ vào năm 2008. Bây giờ anh ta tiết lộ mọi chuyện trong một cuốn sách, “Cuộc sống Hai mặt của Fidel Castro.” Trong đoạn trích dẫn sau đây, Sanchez phô bày cuộc sống đặc quyền đặc lợi của “Ông Chủ” (El Jefe).
Đối với người dân Cuba, Fidel Castro luôn tỏ ra như là một người của nhân dân, tuyên bố rằng ông chỉ lãnh lương 900 pesos một tháng (khoảng 38 USD), và không làm chủ tài sản nào trừ một “ngôi lều của dân chài” ở một nơi nào đó trên bờ biển.
Sự thực thì, Ông Chủ nắm trong tay hàng trăm triệu đô và làm chủ hơn 20 bất động sản, bao gồm một ngôi nhà trên núi để ông đi săn vịt hàng năm và một bến du thuyền riêng trong vịnh Các Con Heo.
Nơi ở chính của ông tại Punto Cero, là nơi gia đình của ông ta được giấu kín. Cho đến gần đây, không ai đã biết rằng ông đã có vợ, Dalia, người đã có với ông năm đứa con trai, tất cả có tên bắt đầu bằng chữ A: Alexis, Alex, Alejandro, Antonio và Angelito (Thiên thần nhỏ). Ngay cả chính ông em, Raul, cũng không biết mặt chúng cho đến khi chúng khôn lớn.
Trong khi đó, rất ít người biết rằng Fidel đã có ít nhất ba đứa con ngoài hôn nhân, bao gồm một đứa với người thông dịch riêng và cũng là tình nhân lâu đời của ông, Juanita.
Castro có thể không khoa trương như Khadafy hay Saddam Hussein, nhưng ông ấy giàu có quá sức mơ ước của hầu hết mọi người. Bề ngoài giản dị của ông ta thực sự là do tính lười nhác hơn là do kham khổ. Castro, thường ít khi ngủ dậy trước 10 hay 11 giờ sáng, rất sung sướng khi không phải mặc vét, và đã thú nhận rằng lý do chính ông để hàm râu rậm vì ông không muốn phải cạo mặt hàng ngày.
Có vô số phúc lợi khi làm người giữ của cho cả nước Cuba. Ông có một sân bóng rổ riêng, nơi ông chưa hề thua một trận. Và bệnh viện của riêng ông luôn có hai người túc trực, chỉ vì họ có cùng nhóm máu với ông.
Ở Punto Cero, mỗi thành viên trong gia đình của ông có một con bò riêng, để thỏa mãn khẩu vị khác nhau của mỗi người, vì độ chua và độ kem (creaminess) của sữa tươi thay đổi theo mỗi con bò. Và như thế, khi người ta đem sữa đến bàn ăn, mỗi chai có một con số, trên một miếng giấy có băng keo dán vào chai, đánh dấu đó là sữa từ con bò của ai.
Số của Antonio là số 8, Angelito số 3, và ông Fidel là số 5, cũng chính là con số trên chiếc áo chơi bóng rổ của ông.
Thật khó có thể lừa Fidel: ông ấy có vị giác tuyệt vời và có thể phát hiện ngay khi mùi vị của sữa không giống như trong cái chai ông uống hôm trước.
Cồn san hô Đá
Có lẽ chuyện Fidel Castro có một hòn đảo riêng là hoang phí nhất.
Oái ăm ở chỗ, đáng lẽ ông phải cám ơn John F. Kennedy (tổng thống Mỹ) về chuyện này. Tháng 4, 1961, một nhóm người Cuba lưu vong, huấn luyện bởi CIA, đổ bộ lên vịnh Các Con Heo nhằm lật đổ chính quyền Cuba. Cuộc đổ bộ là một thất bại hoàn toàn.
Trong những tháng ngày sau cuộc tấn công thất bại, Fidel đã đến, khảo sát khu vực đó và ông đã gặp một người dân chài địa phương với gương mặt nhăn nheo mà mọi người gọi là Già Finale. Ông ta yêu cầu Già Finale đưa ông đi khảo sát, và ông dân chài già lập tức đưa ông đến Cayo Piedra bằng chiếc thuyền cá của mình, một “hòn ngọc” nhỏ nằm cách bờ khoảng 10 dặm Anh (gần 18 km), nơi chỉ có người địa phương mới biết.
Fidel lập tức yêu thích hòn đảo vắng với vẻ đẹp hoang dã như trong phim Robinson Crusoe và quyết định sẽ giữ nó cho riêng mình. Người giữ hải đăng trên đảo được lệnh rời đảo, ngọn hải đăng tắt đèn và cuối cùng bị đập bỏ.
Nói cho chính xác, Cayo Piedra bao gồm không phải một, mà là hai đảo, một cơn lốc xoáy đi qua đã chia cắt nó làm đôi. Fidel đã khắc phục vấn đề này bằng cách cho xây một cái cầu dài 700 bộ Anh (khoảng 210 mét) nối liền hai phần.
Hòn đảo phía nam hơi nhỉnh hơn hòn phía bắc, và chính ở đó, trên nền cũ của ngọn hải đăng, Castro và vợ ông, Dalia, đã xây tổ ấm của họ, một dãy nhà một tầng với ban công, xếp thành hình chữ L, xây bằng xi măng, vây quanh một khoảng sân rộng mở ra phía đông, hướng ra biển rộng.
Trong khi người dân thường Cuba sống khốn khổ, đây là nơi Castro thư giãn.
Những con cá heo và các bữa tiệc nướng
Ở phía tây của hòn đảo, hướng mặt trời lặn, nhà Castro đã cho xây dựng một cái cầu tàu dài 200 bộ (khoảng 60 mét) cho chiếc du thuyền riêng. Chiếc Aquarama Đệ nhị, trang hoàng hoàn toàn bằng gỗ quý nhập khẩu từ Angola, có bốn động cơ của tàu tuần tra hải quân Sô viết, một món quà từ lãnh tụ Sô viết Leonid Brezhnev. Lúc chạy hết ga, chúng đẩy chiếc Aquarama Đệ nhị lên tốc độ ấn tượng, không ai qua được là 42 knots, hay là khoảng 48 dặm một giờ (77 ki lô mét giờ).
Để chiếc Aquarama Đệ nhị có thể neo lại, Fidel và Dalia đã cho đào một con kênh dài nửa dặm (850 mét) mà nếu không có nó, thì đội thuyền của họ không thể cặp vào đảo được, vốn dĩ được bao bọc bởi những doi cát.
Cái cầu tàu đã trở nên trung tâm của đời sống xã hội trên đảo Cayo Piedra.
Một cái cầu phao dài 23 bộ (khoảng 7,5 mét), được nối vào cầu tàu, trên chiếc cầu phao có một túp lều mái tranh chứa quầy rượu (bar) và bếp nướng thịt.
Từ cái quầy rượu và nhà hàng nổi này, mọi người có thể thưởng ngoạn cảnh nước biển chung quanh, đã được rào lại để thả rùa, có con dài đến cả thước. Ở phía bên kia của cái cầu tàu là một hồ nuôi cá heo với hai chú cá đã thuần, thường làm cuộc sống hàng ngày của chúng tôi sôi động lên với các cú nhảy, các trò nghịch ngợm của chúng.
Fidel cũng thường để cho mọi người hiểu rằng, đôi khi còn nói thẳng ra, rằng cuộc cách mạng không chừa cho ông cơ hội để nghỉ ngơi, hay giải trí, rằng ông đã không biết tí gì, và còn khinh bỉ, cái thói đi nghỉ dưỡng của bọn tư sản. Không có gì trên đời dối trá hơn điều đó. Từ 1977 đến 1994, tôi đã tháp tùng ông hàng trăm lần đến Cayio Piedra, ở đó tôi đã tham gia bằng ngần ấy lần các cuộc thám hiểm câu cá hay săn bắn dưới biển.
Cuộc sống riêng tư của Tổng Chỉ huy trưởng (Comandante) đã là bí mật giữ kín nhất ở Cuba.
Fidel Castro luôn luôn bảo đảm rằng thông tin về gia đình ông ta được giữ kín, đến độ hơn sáu thập niên chúng tôi gần như chẳng biết gì về bảy anh chị em của nhà Castro. Sự ngăn cách giữa cuộc sống công cộng và riêng tư, hệ quả của khoảng thời gian ông hoạt động bí mật, đã lên đến mức không thể tưởng tượng nổi.
Không một anh chị em nào của Castro từng được mời, hay đặt chân lên Cayo Piedra. Raul, người gần gũi Fidel nhất, có thể đã đến đó khi Fidel đi vắng, mặc dù cá nhân tôi chưa từng gặp Raul ở đó.
Ngoài những người thân cận nhất trong gia đình, tức là Dalia và năm đứa con của họ, những người từng tự hào đã được thấy tận mắt hòn đảo bí mật, thì chẳng được bao nhiêu người, và cũng hiếm khi xảy ra.
Danh sách khách mời
Ngoài một vài doanh nhân ngoại quốc mà tôi không nhớ tên, và một vài bộ trưởng được lựa chọn cẩn thận, những người khách đến đảo mà tôi nhớ là Tổng thống Columbia Alfonso Lopez Michelsen (1974-1978), người đến đó nghỉ một cuối tuần với phu nhân, Cecilia, vào khoảng năm 1977 hay 1978; doanh nhân Pháp Gerard Bourgoin, còn gọi là Ông Vua Gà, người đến thăm vào khoảng 1990 đúng thời điểm ông ta đang xuât khẩu kỹ thuật nuôi gà của ông ra khắp thế giới; ông chủ của CNN, Ted Turner; siêu sao đưa tin của kênh truyền hình Mỹ ABC, Barbara Walters; và Erich Honecker, lãnh tụ cộng sản của Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR) từ 1976 đến 1989.
Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến thăm Cayo Piedra trong 24 giờ của ông Honecker vào năm 1980. Tám năm trước, 1972, Fidel Castro đã đặt lại tên đảo Cayo Blanco del Sur là đảo Ernst Thalmann. Hơn thế nữa: để biểu lộ cách tượng trưng tình hữu nghị giữa “hai nước anh em”, ông ta đã tặng CHDC Đức rẻo đất không người ở này, dài 9 dặm (14,5 km), rộng 500 thước Anh (457 m), chỉ cách một giờ đi thuyền từ hòn đảo riêng của ông.
Ernst Thalmann là một lãnh tụ lịch sử của Đảng CS Đức dưới thời Cộng hòa Weimar, cuối cùng bị bọn Quốc xã xử tử vào năm 1944. Vào năm 1980, trong cuộc viếng thăm chính thức Cuba của Honecker, người đứng đầu Đông Đức tặng Fidel một bức tượng của Thalmann. Rất hợp lý, Fidel quyết định đặt bức tượng lên hòn đảo cùng tên – đó là lý do tại sao tôi có mặt trong dịp lạ lùng này khi hai vị nguyên thủ quốc gia đáp tàu Aquarama Đệ nhị, rồi bước xuống một chỗ khỉ ho cò gáy để khai trương bức tượng của một nhân vật bị lãng quên trên một hòn đảo hoang, nơi nó chỉ được chiêm ngưỡng bởi đám kỳ nhông cùng đám chim biển (pelican).
Điều cuối cùng tôi được nghe về bức tượng to lớn của Thalmann, cao gần 2 thước, đã bị lật khỏi bệ bởi cơn bão Mitch năm 1998.
Thực sự, hai người khách thường xuyên của Cayo Piedra ngoài những người trong gia đình là nhà văn Columbia Garcia Marquez và nhà nhân chủng học kiêm địa dư học Antonio Nunez Jimenez. Hai người là bạn thân của Fidel và là người sử dụng nhà khách của Cayo Piedra thường nhất.
Trong khi Cuba khốn khổ
Fidelo Castro là một thợ lặn xuất sắc và ông thích săn cá bằng lao. Cái nghi thức lúc đi săn cá về gần như không thay đổi. Thu hoạch của Fidel sẽ được xếp trên cầu tàu và phân theo loại: cá mè riêng, tôm hùm riêng, vân vân. Hải sản do Dalia bắt, đi săn riêng dưới sự bảo vệ của hai người nhái chiến đấu, được xếp kề bên, rồi bà ta và Fidel sẽ duyệt bữa tiệc ngay sau đó trong tiếng khen và đùa vui của đoàn tùy tùng.
“Comandante, ¡es otra una pesca milgrosa! [Chỉ huy trưởng, một mẻ thật thần kỳ!],” tôi sẽ nói như vậy, chắc mẩm rằng lời khen của mình sẽ giành được nụ cười từ nhân vật chính cũng như mọi người có mặt ở đó.
Cuộc sống ngọt ngào (dolce vita) này cho thấy đặc quyền khủng khiếp so với đời sống của người dân thường Cuba, đời sống kiểu trại lính của họ đã trở nên khó khăn hơn nhiều từ khi bức tường Bá linh sụp đổ và Liên xô tan rã. Trợ cấp từ Moscow, từng giúp duy trì một mức thịnh vượng nào đó, nay đã cạn. Nền kinh tế Cuba, dựa vào hơn 80% ngoại thương với các nước Đông Âu, đã đổ sụp như một ngôi nhà hàng mã (house of cards), các hộ dân sống sót nhờ xếp hàng mua bánh mì trong khi GDP sụt giảm 35% và sản lượng điện thì thiếu hụt trầm trọng.
Trong khi đó, Fidel Castro nhấm nháp whiskey với đá lạnh và thưởng thức cá tươi dưới bóng dừa trên hòn đảo riêng của mình.
Theo thongreo